Trang

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Muốn thành đạt cần có những thói quen nào?



Muốn thành đạt cần có những thói quen nào?

Tạ Ân Phúc

                                                           
Muốn thành đạt cần có những thói quen nào?

Thành đạt là gì? Đây có thể là một câu hỏi gây lung túng cho nhiều người. Theo tự điển, thành đạt là đạt được mục đích về sự nghiệp và sự nghiệp là những công việc to lớn, có ích lợi chung, lâu dài cho bản thân và xã hội. Phải chăng thành đạt chỉ nói đến những người có sự nghiệp to tát, có học vị, địa vị trong xã hội? Ngày nay, vấn nạn học giả bằng thật, và tìm kiếm chức quyền bằng mọi giá đã phần nào làm giảm giá trị của bằng cấp và làm hạn chế cơ hội của những người thật sự có khả năng. Mỗi người có thể có một quan niệm riêng về thành đạt, nhưng có thể nói thành đạt là đạt được mục tiêu sự nghiệp của từng cá nhân đặt ra, tùy theo lĩnh vực mà mục tiêu đó có thể được nhiều người kỳ vọng đạt được. Từ kỳ vọng đến thành quả là một con đường dài, cần đến nỗ lực của bản thân trong cuộc sống mỗi ngày. Một trong các yếu tố quan trọng giúp người ta thành đạt là sự nỗ lực tập luyện những thói quen tích cực để hướng đến mục tiêu mà mình đặt ra.

Chiều ngày 03/12/2011, Chương trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn đã tổ chức buổi thuyết trình với chủ đề: “NHỮNG THÓI QUEN CỦA NGƯỜI THÀNH ĐẠT” do Thầy Giuse Mai Thanh Hoài, Giám đốc Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực BizPower trình bày tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Sài Gòn.

Mở đầu phần trình bày, thầy đưa ra quan điểm mỗi người hiểu về thành đạt một cách và nếu hỏi 100 người chắc chắc sẽ có 100 ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Công Trứ đã để lại cho hậu thế một câu nói: “Đã mang tiếng ở trong trời đất; Phải có danh gì với núi sông”. Phải chăng thành đạt là học giỏi, có chức vị cao ngoài xã hội hoặc người thành đạt là người có nhiều tiền, nổi danh, nổi tiếng? Nói như thế, thì những người nghèo mưu sinh lương thiện có được gọi là thành đạt hay không? Có nhiều người thành công nhờ bằng cấp, nhờ sự thông minh, cũng có nhiều người chẳng được đi học nhiều nhưng vẫn thành đạt. Vì thế đừng nhìn người khác qua bằng cấp mà hãy thấy thành quả của người ta mang lại để ủng hộ và khâm phục họ.

Nói đến thói quen, cần nhắc đến Thánh Phaolô, người đã viết rằng: “Việc tốt tôi muốn làm thì tôi lại không làm. Những việc xấu tôi không muốn làm thì tôi lại làm” (Rm 7,19). Vì vậy, tạo một thói quen tốt không hề đơn giản tí nào. Quy luật gieo và gặt thì cho rằng: “Gieo tư tưởng sẽ gặt hành động; Gieo hành động sẽ gặt thói quen; Gieo thói quen sẽ gặt tính cách; Gieo tính cách sẽ gặt số phận”.

Ngoài cá tính cá nhân, những người thành đạt đều có chung một điểm, đó là họ có những thói quen tích cực. Điều này cần phải có sự kiên trì tập luyện. Để tạo dựng một thói quen cần phải tập luyện ít nhất là 21 ngày mới tạm đủ và tạo đà để tiếp bước. Khổ nỗi thói quen xấu thì không cần tập nhưng nó cứ len lỏi vào con người. Ở đời chẳng ai muốn mình thất bại, không thành công cả, nhưng trong thực tế có quá nhiều người “họ đã chết nhưng họ chưa thực sự sống” vì không hiểu được ý nghĩa của cuộc sống mà họ được trao ban.

Cần nhìn lại những người thành đạt như Mẹ Têrêsa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận để thấy được rằng mỗi vị có một ân sủng đặc biệt và các ngài có những thói quen giống nhau: Luôn cầu nguyện và phó thác vào Thiên Chúa; Làm việc hết mình và chuyên cần; Thực hành ngay trong đời sống: bác ái, yêu thương, tha thứ…

Buổi nói chuyện: “Những thói quen của người thành đạt” nhằm mục đích chia sẻ, lấy những câu chuyện có thật từ những người thành đạt để từ đó mỗi người có thể tìm đến sự thành đạt theo cách của mình. Ở Việt Nam, không phải ai tốt nghiệp đại học cũng được đi làm đúng chuyên ngành của mình, làm việc trái ngành hiện nay là chuyện rất đỗi bình thường. Có lẽ, trường đại học chỉ là nơi cung cấp kiến thức và giúp người ta có những nền tảng cơ bản mà thôi.

Thành đạt, còn tùy thuộc vào mục tiêu từng cá nhân, có 7 mục tiêu để đo lường sự thành đạt: Cá nhân, gia đình, công việc - nghề nghiệp, sức khỏe, tinh thần, tâm linh, tài chính. Có những người hoản hảo thì đạt được cả 7 mục tiêu, nhưng có nhiều người chỉ cần thành công một, hai, ba trong các mục tiêu này đã là tốt lắm rồi. Do vậy, mỗi người có thể tự xem mình muốn thành công, thành đạt như thế nào, cần ưu tiên điều gì trước, điều gì sau tùy theo hoàn cảnh của mình.

Để tìm hiểu người thành đạt cần có những thói quen nào, thiết nghĩ cũng cần hiểu thế nào là thói quen. Theo nhà Tâm lý học John F. Tristany: “Thói quen là một loạt những hành vi thâm căn cố đế do học hỏi mà có và được liên tục củng cố bởi các yếu tố môi trường, cảm xúc và tâm lý. Nó dựa trên nguyên tắc khoái lạc của con người là chỉ muốn có niềm vui và tuyệt đối tránh khó khăn, đau khổ”. Còn theo tác giả Nguyễn Như Ý trong Đại Từ Điển Tiếng Việt giải thích “Thói quen” như sau: “Lối, cách sống hay hành động do lặp lại lâu ngày trở thành nếp, rất khó thay đổi”.

Người ta vẫn thường nói theo câu nói của Khổng Tử: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Bản tính của con người đều giống nhau, nhưng bởi nhiễm thói quen thành ra khác nhau. Thói quen mạnh “ăn sâu” khi hành động nhắc lại nhiều lần, khi cá nhân cảm thấy thích thú với hành động. Ngược lại nếu quyết tâm loại bỏ thì thói quen sẽ giảm dần hoặc mất đi. Thành đạt không chỉ cho mình được nhờ, mà có thể cả Giáo Hội, xã hội được nhờ. Nếu bị nhiễm những thói quen xấu không chỉ gây tác hại cho mình mà còn cho cả những người khác.

Thói quen tốt hình thành như thế nào? Đối với ông Stephen R. Covey, tác giả của quyển sách nổi tiếng “Bảy thói quen của người thành đạt” thì để tạo thói quen tốt cần 3 điều: Phải có tri thức: Làm điều đó để làm gì (What to)? Tại sao phải làm điều đó (why to); Cần đến kỹ năng: Làm điều đó như thế nào (How to)?; Khát vọng: Mong muốn làm gì (Want to)?

Bảy thói quen giúp người ta liên tục phát triển bản thân qua 3 giai đoạn, từ phụ thuộc sang tự chủ rồi đến tương hỗ. Người phụ thuộc dựa vào người khác để đạt được mục tiêu, người tự chủ thì đạt mục đích bằng nỗ lực của bản thân, trong khi muốn đạt đến tính tương hỗ thì người ta phải biết kết hợp nỗ lực của mình với những nỗ lực của người khác để đạt thành công lớn nhất. Trước tiên, muốn thoát khỏi sự phụ thuộc cần tập luyện các thói quen để làm chủ bản thân:

- Hãy tiên phong chủ động (Be Proactive) để nhìn thấy trước vấn đề, lượng định được điều cần phải làm, luôn có thái độ sẵn sàng và có thái độ sống tích cực, có trách nhiệm với bản thân.

- Nhắm đến mục tiêu đã xác định (Begin With The End In Mind): trước khi làm điều gì cần phải hình dung kết quả đạt được trong tương lai, xác định nhiệm vụ và mục tiêu của mình trong cuộc sống.

- Ưu tiên việc quan trọng làm trước (Put First Things First): tổ chức tốt công việc và việc hôm nay không để ngày mai.

Nhờ 3 thói quen khởi đầu này, người ta có thể chuyển từ trạng thái phụ thuộc sang độc lập, tự chủ trước khi có thể có được tính tương hỗ, nghĩa là sống cộng hưởng với người khác, hỗ trợ và nhận sự hỗ trợ từ người khác. Theo ông Stephen R. Covey: "Sự tương hỗ lẫn nhau là một lựa chọn mà duy nhất người không phụ thuộc có thể tạo ra". Để làm được điều đó cần luyện tập thêm các thói quen:

- Tư duy cùng thắng (Think Win-Win): phát triển trí lực phong phú, tập thái độ không mong ai thua cuộc.

- Thấu hiểu để được hiểu biết (Seek First To Understand, Then To Be Understood): Phải biết lắng nghe một cách chân thành, nghe nhiều nói ít.

- Đồng tâm hợp lực (Synergize): Hợp lực làm việc để đạt hiệu quả cao nhất.

- Rèn luyện bản thân (Sharpen The Saw): Hoàn thiện về thể lý, tâm lý, cảm xúc và tinh thần để bản thân luôn hướng về phía trước và làm cho tâm hồn luôn mới mẻ.

Giáo Sư Michael Porter, một chuyên gia về chiến lược cạnh tranh, đã khuyên người ta tập thói quen rất mới về tư duy, nhất là tư duy chiến lược, để có thể thành công trong lĩnh vực mà mình hoạt động. Có rất nhiều cách để cạnh tranh, nhiều cách để đưa giá trị cho các khách hàng, nhưng thách thức để đi đến thành công không nằm ở chỗ phải trở thành tốt nhất, mà phải trở nên độc nhất vô nhị, nói cách khác là tạo sự khác biệt.

Độc nhất vô nhị là có được những thứ riêng cho mình mà người khác không có. Mỗi cá nhân được Thiên Chúa dựng nên là một cá vị, độc nhất vô nhị. Nếu không ý thức được điều này, nghĩa là tự làm giảm đi giá trị món quà mà Thiên Chúa trao tặng nơi cá nhân mình. Làm thế nào để trở thành độc nhất vô nhị? Công việc của mỗi người là khám phá ra tài năng còn tiềm ẩn trong mình để phát triển nó, điều này khuyến khích các bạn trẻ đừng tư duy theo lối mòn, vì đó là thói quen không tốt.

Ngoài những nỗ lực để tạo sự độc đáo, khác biệt từ đó dẫn đến thành công, chúng ta phải xác định rõ những việc cần làm và loại bỏ những việc không cần phải thực hiện. Cần xác định rõ những gì mình không cần làm, điều này không có nghĩa là khuyến khích biếng nhác mà là nhấn mạnh đến khía cạnh “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nghĩa là phải tập trung vào việc mình chọn để thực hiện một cách tốt nhất. Cần tập thói quen tư duy chiến lược để tạo sự độc đáo, sự khác biệt, từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh và dẫn đến sự thành đạt trong sự nghiệp của mình.

Vào ngày 1/12/2008, Giáo Sư Michael Porter đã có buổi thuyết trình về “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế của Việt Nam” tại Sài Gòn. Khi được hỏi: “Nếu có thể tổng kết những lợi thế của Việt Nam chỉ trong một câu thì ông sẽ nói gì?”, ông đã trả lời một thực tế cho nền kinh tế Việt Nam vào thời điểm đó và đến nay có thể vẫn còn đúng: “Vào thời điểm này thì là nhân công giá rẻ và nông nghiệp, chỉ có vậy thôi. Và một điểm quan trọng nữa với Việt nam là phải đúng giờ”. Câu trả lời của ông đáng làm cho mỗi người suy nghĩ.

Nói đến thói quen của của người thành đạt cũng cần nhắc đến quan điểm của ông Jack Canfield, Ông là tác giả của quyển sách “Những nguyên tắc thành công”, giới thiệu 64 nguyên tắc đã được nhiều người thành đạt áp dụng, nhằm phát huy tốt nhất những khả năng của bản thân, tạo dựng cuộc sống như mình mong ước. Trong 64 nguyên tắc đó, có 10 nguyên tắc cốt lõi mỗi người cần tập thành thói quen:

- Nhận 100% trách nhiệm cho cuộc sống của bạn.

- Xây dựng lòng tự trọng và loại bỏ những chướng ngại.

- Xác định mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn của bạn.

- Thiết lập những mục tiêu cụ thể, đo lường được. Xác định “bao nhiêu” và “khi nào”.

- Hình dung và khẳng định những kết quả mong muốn của bạn. Sử dụng Quy luật Thu hút.

- Tạo một kế hoạch hành động về làm thế nào bạn đạt được mục đích.

- Thực hiện tối đa (rõ ràng & đầy nghị lực).

- Đòi hỏi phản ứng và phản hồi.

- Kiên nhẫn. Không bao giờ từ bỏ.

- Hưởng những thành tựu, kỷ niệm những thành công của bạn, và có một “thái độ biết ơn.”

Một nghiên cứu của Tiến sĩ Masaru Emoto nói rằng nếu một người hình dung và thực sự có trong lòng mình niềm yêu thương thì người ấy có thể nhìn thấy giọt nước trở thành một hình ảnh đẹp. Ông cũng khuyên hãy tránh xa những người tiêu cực và gần gũi những người tích cực vì thực tế người thành công đến gần với người thành công. Điều này có nghĩa là khi người ta chưa đủ mạnh để trở thành một người tích cực thì nên chọn những người tích cực để tiếp xúc, học hỏi.

Cuối buổi thuyết trình, thầy Mai Thanh Hoài giới thiệu quan điểm của Tiến sĩ Edwards De Bono với phương pháp 6 chiếc nón tư duy, trong đó cho rằng bộ não con người hoàn toàn có thể tập luyện để trở nên thông minh, vì thông minh hoàn toàn không phải do di truyền. Đừng quá bi thảm về sự thông minh của mình và hãy tin rằng bộ não con người hoàn toàn có thể tập luyện được. Ông lập luận: “Có nhiều cá tính trong các lối suy nghĩ và các khác biệt đáng kể giữa hai cá nhân; đủ để cho rằng suy nghĩ có thể là một kỹ năng giúp thực hiện điều gì đó.”

Xen lẫn trong buổi thuyết trình của thầy Hoài là những câu chuyện, những hình ảnh, những đoạn phim có thật của những người thành đạt và những buổi nói chuyện, trả lời phỏng vấn của các tác giả nói về thói quen thành đạt khi các ông sang Việt Nam trình bày cho các doanh nhân. Để kết thúc buổi chia sẻ, thầy nhắn nhủ: “Hãy cầu nguyện với Chúa để giúp mình nhận ra được nén bạc Chúa trao cho mình, tài năng Chúa trao cho mình, từ đó nỗ lực tập luyện những thói quen để thực hiện điều tốt hơn cho bản thân, kế đến tốt hơn cho gia đình, và lớn hơn nữa là tốt hơn cho Giáo hội và xã hội”.

Tạ Ân Phúc

Nguồn: VietCatholic 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét