PHỔ QUÁT TÍNH CỦA CHÂN LÝ VÀ DIỄN TỪ CỦA THÁNH PHAOLÔ
Ở ARÊÔPAGÔ
Ở ARÊÔPAGÔ
ĐHY Albert Vanhoye, S.J.
L'Osservatore Romano
24 Tháng Hai 1999, tr. 9
L'Osservatore Romano
24 Tháng Hai 1999, tr. 9
Mở đầu chương IV trong Thông điệp Fides et Ratio (Đức tin và Lý trí), Đức Gioan Phaolô II viết: “Sách Tông đồ Công vụ chứng minh rằng ngay từ đầu sứ điệp Kitô giáo đã hoà nhập với các trào lưu triết học đang lưu hành trong thời đại ấy” (số 36). Theo quan điểm này, ngài nói: “Ở Athens, Thánh Phaolô đã tranh luận với ‘các triết gia thuộc Chủ nghĩa Khoái lạc và Phái Khắc kỷ’ (Cv 17,18)”. Thật vậy, việc nhắc đến 2 trường phái triết học này đã gây chú ý, đặt ra nhiều vấn nạn và mở ra những chân trời mới. Khi đọc Sách Công Vụ, ta sẽ thấy cuộc tranh luận là bối cảnh cho bài diễn từ lừng danh của Thánh Tông Đồ Phaolô tại Arêôpagô trong đoạn văn tiếp liền sau đó (Cv 17,22-31). Rõ ràng Thánh sử Luca đã trình bày bài nói chuyện này như là một bài giảng thuyết truyền giáo trong môi trường ngoại giáo có một nền văn hoá ảnh hưởng triết học sâu sắc. Vì thế, thật đáng quan tâm và bổ ích khi chúng ta phân tích và nghiên cứu bài diễn từ này để thấy rõ quan điểm của Thánh Tông Đồ cũng như xác quyết của ngài về tính phổ quát của chân lý.
Trước hết, cần phải phân biệt giữa diễn từ ở Arêôpagô và các bài giảng thuyết dành cho các thính giả người Do Thái và tân tòng. Khi nói với những thính giả Do Thái, Thánh Tông Đồ nói về Thiên Chúa của Israel và lịch sử cứu độ, dựa vào Kinh Thánh. Chẳng hạn, tại Hội đường Antiokia Pisidia, những lời đầu tiên của Thánh Phaolô là: “Hỡi anh em Israel và là những người kính sợ Thiên Chúa, Thiên Chúa của dân Israel đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Aicập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó” (Cv 13,16-17). Có thể nói rằng Thánh Tông Đồ đã trình bày Thiên Chúa như là một vị thần đặc thù được định nghĩa bằng mối quan hệ đặc thù với một dân tộc đặc thù là dân “Israel”, và tổ tiên của họ, “cha ông của chúng ta”. Trong khi đó, phần dẫn nhập của diễn từ ở Arêôpagô là một ý tưởng hoàn toàn khác về Thiên Chúa: “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất...” (Cv 17,24). Một Thiên Chúa phổ quát, được định nghĩa bằng mối quan hệ với toàn thể vũ trụ. Ta có thể thấy sự tiếp cận của Thánh Tông Đồ với quan niệm của người Hy Lạp về vũ trụ đã khiến ngài lập tức tiếp nhận một quan điểm phổ quát phù hợp với tính phổ quát của chân lý.
Thánh Phaolô đứng cùng phía với các triết gia
Mặt khác, bài giảng ở Hội đường Antiôkia Pisidia trích dẫn các bản văn Cựu Ước, hầu hết là những ám chỉ (Cv 13,17-23), nhưng đôi khi cũng rõ ràng như trong Cv 13,27 khi ngài nhắc lại rằng: “Dân cư thành Giêrusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giêsu; khi kết án Người, họ đã làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày Sabát”, hoặc trong Cv 13,33 khi ngài trích dẫn Thánh vịnh 2 với công thức giới thiệu rằng: “Như được ghi chép trong Thánh vịnh 2”, hoặc trong Cv 13,34-35 khi ngài trích đoạn Is 55,3 và một đoạn trong Thánh vịnh 16,10, và cuối cùng là trong Cv 13,41 có chứa đựng một đoạn trích của Ngôn sứ Khabacúc (Kb 1,5) trong lời khuyến thiện cuối cùng.
Trái lại, diễn từ tại Arêôpagô không trích dẫn một đoạn Kinh Thánh nào. Bản văn duy nhất được trích dẫn ở đây là một câu cực ngắn của một tác giả ngoại giáo: “Vì chúng ta thật sự là dòng dõi của Thiên Chúa”, được giới thiệu bằng công thức: “Như một vài thi sĩ của các bạn đã nói”. Câu trích dẫn này đã được xác định: đó là một câu trong tập thơ Phaenomena của Aratus, một tác giả thuộc phái Khắc kỷ sống vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Đây là lời viện dẫn rất có ý nghĩa đến nền văn hoá Hy Lạp, một nền văn hoá phong phú về triết học. Đây là sự nhìn nhận gián tiếp rằng khả năng con người có thể đạt đến chân lý phổ quát.
Việc giải thích chính xác bài diễn từ trong Cv 17,22-31 dĩ nhiên là cần phải bàn cãi. Có người nói rằng “Thánh Phaolô không bắt đầu cuộc nói chuyện bằng các yếu tố của độc thần giáo triết lý của người Hy Lạp mà bằng các ý tưởng tôn giáo dân gian”, và rằng “thông điệp của Thánh Phaolô là một lời loan báo chứ không phải là một lý luận bài bản”.[1]
Những xác quyết tiêu cực này cần phải bàn lại. Không mấy ngạc nhiên khi những khẳng định này không thấy xuất hiện trong lần xuất bản mới đây của tác phẩm này.[2] Điều chính xác là: trong diễn từ, Thánh Tông Đồ không lưu tâm đến các triết gia mà chỉ đả kích vài khía cạnh nào đó trong tôn giáo ngoại giáo phổ thông coi trọng đền thờ, chú trọng đến các nghi thức trong đó cũng như thờ cúng các ngẫu tượng. Về đền thờ, Thánh Tông Đồ khẳng định rằng Thiên Chúa “không ngự trong những đền do tay con người làm nên” (Cv 17,24); về việc thờ cúng, “Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì” (Cv 17,25); và về các ngẫu tượng, “chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá” (Cv 17,29).
Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận này, ta thấy Thánh Phaolô đã đứng cùng phía với các triết gia, những người đi trước ngài đã phê bình các niềm tin trong thời đại của họ nhằm làm thoả mãn “nhu cầu về lý trí phổ quát” (Fides et Ratio, số 36). Thêm vào đó, Thánh Tông Đồ không chỉ đưa ra 3 phủ nhận mà còn dựa vào những lý lẽ tích cực rất gần gũi với các tư tưởng của các một vài triết gia. Vậy thì “sứ điệp” của Thánh Phaolô không chỉ là “lời loan báo” nhưng chứa đựng một “lý luận bài bản”. Thật ra, lý luận của Thánh Phaolô không được triển khai đầy đủ như một chuyên luận triết học mà chỉ có một vài khẳng định ngắn gọn. Sự khái quát này chỉ vì cái được gọi là “diễn từ của Thánh Phaolô ở Arêôpagô” không phải là nguyên một bài diễn văn mà chỉ là những nét chính, chỉ nêu lên những chủ đề chính mà không cần phải khai triển ra.
Khi xem xét những chủ đề đã được trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng Thánh Tông Đồ đã khéo léo nhào luyện những chân lý trong Kinh Thánh với những chân lý tương tự được các triết gia khám phá ra. Sự hoà quyện này cho thấy rằng Kinh Thánh không chỉ chứa đựng những yếu tố đặc thù của chân lý cứu rỗi và mạc khải về những mầu nhiệm mà lý trí con người khó đạt được, nhưng còn trình bày những chân lý phổ quát có thể với tới được qua việc suy tư có hệ thống và như vậy có thể được nhận biết cách chung chung.
Phê bình các thực hành tôn giáo dân gian
Nhằm chứng minh rằng Thiên Chúa “không ngự trong những đền do tay con người làm nên”, Thánh Phaolô nhắc lại rằng Thiên Chúa “đã tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó” (Cv 17,24). Khẳng định này phù hợp với trình thuật về sự sáng tạo trong sách Sáng Thế (St 1,1-31) và những kết luận của các triết gia Hy Lạp. Trong một cuộc đối thoại, triết gia Platon đã đặt vấn đề rằng vũ trụ này có khởi đầu và một Đấng Tạo Hoá hay không, và rồi bằng các lý chứng thuần lý ông chứng minh rằng câu trả lời phải là có (cf. Timaeus, 28b-c). Về “Đấng Tạo Hoá”, Platon dùng danh từ poietes, còn Thánh Phaolô dùng phân từ poiesas để áp dụng cho Thiên Chúa. Khi nói về “vũ trụ” (kosmos), Thánh Phaolô dùng một từ Hy Lạp không có từ tương đương trong tiếng Do Thái, vì từ kosmos trước tiên nói về một trật tự ngăn nắp và sau đó là nói đến sự trang hoàng. Nhưng khi thêm vào câu “và muôn loài trong đó”, Thánh Tông Đồ lấy cảm hứng từ Thánh Kinh mà trong đó thường đề cập đến “trái đất cùng muôn vật muôn loài” (Tv 24,1; 50,12; Gr 8,16; etc.). “Trời và đất” cũng là cách diễn tả của Kinh Thánh (St 1,1; 2,1. 4; etc.; Tv 121,2; 124,8), nhưng nói rằng Thiên Chúa là “chủ tể của trời và đất” thì rất phù hợp với tư tưởng của những người thuộc Phái Khắc kỷ. Trong một bài ca tụng dâng lên Zeus, họ nói: “Hỡi Thần Zeus, nguyên lý của thiên nhiên, đấng cai trị mọi sự bằng luật lệ”; và “cả vũ trụ này xoay vần chung quanh trái đất, luôn tuân lệnh dù ngài đưa dẫn đến nơi đâu, và sẵn lòng quy phục ngài”.[3]
Đấng sáng tạo nên vũ trụ không thể bị đóng khung trong đền đài do con người tạo nên. Đây là suy tư triết học dù rằng nó được tìm thấy trong Kinh Thánh. Người nói lên ý tưởng này là vị vua “khôn ngoan” Solomon, ngay vào lúc đền thờ được cung hiến tại Giêrusalem: “Có thật Thiên Chúa cư ngụ dưới đất chăng? Này, trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây!” (1 V 8,27). Sau khi Đền thờ bị phá huỷ, một ngôn sứ cũng đã nêu lên cùng một ý kiến như thế để phản đối kế hoạch xây dựng lại Đền thờ: “Đức Chúa phán thế này: “Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta. Các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào, và nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi? Tất cả những vật ấy, chính tay Ta đã làm” (Is 66,1-2). Phần mình, triết học Hy Lạp đã có cùng một nhận thức như vậy. Người sáng lập ra Phái Khắc kỷ là Zeno đã khẳng định: “Các anh không nên xây dựng đền thờ; ngôi đền sẽ không xứng đáng với sự cao trọng dường ấy; nó không thánh thiện; cái gì do người thợ làm ra thì không xứng đáng với sự cao trọng như vậy”.[4]
Sau khi phê bình đền thờ, bài diễn từ lập tức đả phá việc thờ cúng: Đấng Tạo Hoá “không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì”. Ý tưởng phục vụ Thiên Chúa trong đền thờ dĩ nhiên xuất phát từ tôn giáo dân gian và được Thánh Kinh chấp nhận. Thiên Chúa ngửi mùi thơm tho của những lễ vật (x. St 8,21); Mỗi tuần phải luôn đặt “bánh tiến” trước nhan Ngài (x. Ex 25,30; Lv 24,5-9). Tuy nhiên, các ngôn sứ cũng chỉ trích việc thờ cúng này (x. Is 1,11-15; Gr 7,22; Am 5,25; Hs 6,6), nhưng không triệt để cho lắm. Họ chỉ trích khi việc thờ cúng do những người có hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa. Tuy nhiên, có một Thánh vịnh đưa ra lời chỉ trích bao quát hơn nhắm đến cả những người ngoan đạo đối với Thiên Chúa. Các hy lễ này không có giá trị, Thiên Chúa hoàn toàn không cần đến vì như Thánh vịnh đã nói: “Thú rừng là của Ta hết thảy, cả ngàn muôn loài vật núi đồi” (Tv 50,10), và tiếp sau đó là: “Ta mà đói, Ta đâu cần nói ngươi hay, vì trái đất với mọi loài, chính Ta làm chủ. Thịt bò há là thức Ta ăn? Máu chiên há là đồ Ta uống? Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ, giữ trọn điều khấn nguyền cùng Đấng Tối Cao” (ibid., 12-14). Vậy thì lời ngợi khen sẽ thay thế cho hy lễ. Một lần nữa chúng ta có thêm lời phê bình về tôn giáo dân gian, một lời phê bình tự thân nó (per se) là triết lý.
Thiên Chúa không xa cách mỗi người trong chúng ta
Thánh Phaolô còn đi xa hơn lý luận của Thánh vịnh. Ngài không chỉ dựa vào sự kiện là Thiên Chúa rất giàu có mà còn cho rằng Thiên Chúa hào phóng ban phát “mọi sự” cho “mọi người” (Cv 17,25). Thật ngược ngạo khi nghĩ rằng chúng ta có thể cho Thiên Chúa một điều gì đấy: chúng ta hành động cứ như người ban ơn cho Thiên Chúa trong khi thực tế luôn là người hàm ơn. Các triết gia Hylạp cũng có những kết luận tương tự và khẳng định rằng Thiên Chúa hoàn toàn tự túc. Triết gia Philodemus (thuộc triết phái Khoái lạc) đã sáng tạo ra một tĩnh từ mới là aprosdees để nói rằng Thiên Chúa hoàn toàn miễn trừ với mọi nhu cầu. Trước đó, Platon cũng nói lên cùng một ý tưởng bằng cách dùng những từ đơn giản hơn như ouk epideues (không có nhu cầu, Parmenides, 8,33). Theo Philostratus, triết gia Apollonius Thành Tyana công kích mạnh mẽ việc thờ cúng hiến tế (Life of Apollonius, V, 25 and VIII, 7).
Sau khi phê phán các đền thờ và cúng tế, Thánh Tông Đồ bình phẩm về các ngẫu tượng khi nói về việc tìm kiếm Thiên Chúa của con người do Ngài tạo dựng nên (Cv 17,26-28: “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: “Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người”). Một lần nữa, các cách nói này rất phù hợp với cả mạc khải Kinh Thánh và lời dạy của các triết gia. Khi Thánh Phaolô nói: “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại”, câu: “Từ một người duy nhất” ám chỉ đến trình thuật sáng thế (St 1,27-28; 2,21-23; 3,20), nói về một tổ tiên duy nhất của toàn thể nhân loại, đây cũng là điều phù hợp với quan điểm của Phái Khắc kỷ luôn nhấn mạnh đến tính duy nhất của dòng giống nhân loại. Thật ra, từ ngữ này trong tiếng Hy Lạp là đa tính, nó thuộc giống đực (masculine) hoặc trung tính (neuter), và như vậy có thể chỉ “một người” hay một “dòng giống”. Chủ đề tìm kiếm Thiên Chúa cũng được tìm thấy trong Kinh Thánh, con người được mời gọi “kiếm tìm Chúa, Thiên Chúa của anh em, và anh em sẽ thấy nếu anh em hết lòng hết dạ kiếm tìm Người” (Đnl 4,29), và thậm chí còn nói thẳng ra rằng “những ai tay sạch lòng thanh” thì thuộc về “dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người” (Tv 24,4-6; x. 27,8-9). Việc tìm kiếm của triết lý về Thiên Chúa có tính tri thức hơn, nhưng không dành riêng cho những ai. Platon đã nói cách sâu xa rằng: “Rất khó nhọc để kiếm tìm Đấng Tạo Hoá và cha đẻ của vũ trụ này, và khi tìm được Ngài rồi thì không phải ai cũng nói được về Ngài” (Timaeus, 28c). Thánh Phaolô cũng đồng tình với triết gia vĩ đại này khi ngài nói rằng con người phải “dò dẫm” kiếm tìm Thiên Chúa (Cv 17,27). Về phần mình, các triết gia Khắc kỷ không tự giới hạn mình vào cuộc tìm kiếm tri thức về Thiên Chúa, chỉ gắn bó với các quy luật hết sức đòi hỏi của đời sống.
Khó khăn trong việc kiếm tìm Thiên Chúa không hệ tại khoảng cách. Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa ở rất gần với dân Ngài (x. Đnl 4,7) và có một lối giải thích rất tuyệt về sự hiện diện khắp mọi nơi của Ngài. “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con… Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?” (Tv 139,5.7). Một vài triết gia cũng có kết luận như vậy. Dion Chrysostom, tác giả ở thế kỷ thứ I thuộc Phái Khắc kỷ, cũng dùng câu “(Thiên Chúa) ở không xa” như Thánh Phaolô. Thánh Tông Đồ nói: “Thiên Chúa ở không xa mỗi người chúng ta” (Cv 17,27), còn Dion Chrysostom thì nói: “Chúng ta không bị phân tán ra xa hoặc ở bên ngoài thiên tính, nhưng sống ở giữa và còn hơn nữa là cùng nhau lớn lên với thiên tính” (Dion Chrys., Disc., XII, 28). Thật ra, câu nói này nhuốm mùi phiếm thần. Thánh Phaolô không hề chấp nhận phiếm thần, nhưng hoàn toàn đồng ý với ý tưởng về sự gần gũi của Thiên Chúa mà phái Khắc Kỷ diễn tả cũng như đưa ra ba khẳng định triết lý nền tảng: “Trong Ngài, chúng ta sống, cử động và hiện hữu”, và ngay lập tức xác quyết bằng câu trích dẫn từ Thi sĩ Aratus: “Vì chúng ta cũng thuộc dòng giống của Ngài” (Cv 17,28).
Thi sĩ thuộc Phái Khắc kỷ này không phải là người đầu tiên khẳng định mối quan hệ thân thuộc giữa Thiên Chúa và con người. Thực sự, đây là ý tưởng rất cổ xưa trong thế giới Hy Lạp. Homer đã gán cho thần Zeus danh hiệu là “cha của con người và các thần thánh” (Iliad, 1, 554); Aeschylus cũng nói: “Chúng ta được sinh ra do máu của Người (Thiên Chúa)” (Seven Against Thebes, 141-142). Các triết gia về sau đã chộp lấy chủ đề này, nói về mối quan hệ họ hàng (syngenea) của con người và linh hồn con người với Thiên Chúa. Ví dụ, Platon viết: “Có mối quan hệ nào đó thu hút con người đến với người bà con của mình (nghĩa là Thiên Chúa), tôn vinh và tin tưởng vào Ngài” (Laws, X, 899d). Ông gọi con người “không phải là loài thực vật trên trái đất mà là ở trên trời và tâm hồn con người cứ vươn lên đến họ hàng của mình ở trên trời” (Timaeus, 90a). Chủ đề này của Phái Khắc kỷ có liên quan đến hệ thống triết học phiếm thần của họ. Thế nhưng điều đáng lưu ý là diễn từ của Thánh Phaolô ở Arêôpagô không trích dẫn từ triết lý của Phái Khắc kỷ mà là một bài thơ, chính xác hơn là một bài tụng ca Thiên Chúa dưới hình thức thi phú. Nên phân biệt giữa hệ thống triết lý Khắc kỷ và một bài thơ ca ngợi. Trong bài tụng ca này, giống như Bài tụng ca dâng thần Zeus (Hymn to Zeus) của Cleanthes, người kế vị của nhà sáng lập triết phái Khắc Kỷ là Zeno, Zeus không xuất hiện như một tổng thể phiếm thần mà là một Thiên Chúa có ngôi vị, Đấng mà con người có thể dâng lời ngợi khen và cầu kinh. Ngay cả Bài tụng ca dâng thần Zeus cũng dựa vào mối liên hệ thân thuộc giữa con người với Thiên Chúa mà cho rằng con người có thể cầu nguyện: “Thật chính đáng khi con người thưa lời với Ngài, vì chúng tôi được Ngài sinh ra” (cc. 4-5). Câu cuối cùng này rất gần gũi với những lời của Thi sĩ Aratus được trích dẫn trong Cv 17,28: “Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người”. Có lẽ vì lý do này mà trước khi trích dẫn đoạn thơ trên, diễn giả Phaolô nhắc đến “một số thi sĩ” (nhiều người chứ không phải chỉ một mình Thi sĩ Aratus). Cleanthes dâng những lời kinh rất tuyệt lên thần Zeus. Ông xin ngài “giải thoát con người khỏi sự bất tri” và ban cho họ “trí năng mà ngài dùng để điều hành mọi sự cho phù hợp với công lý không bao giờ cạn kiệt” (cc. 33-35). Không thể chối cãi rằng những vần thơ này diễn tả một mối liên hệ sâu đậm với một Thiên Chúa được nhìn nhận như một ngôi vị.
Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài, giống như Ngài
Như vậy, trong bài giảng của mình, không phải Thánh Tông Đồ chấp nhận Phái Khắc kỷ như một hệ thống triết lý mà là một Phái Khắc kỷ được tôi luyện bằng kinh nghiệm thiêng liêng. Nhận xét này gợi ý rằng chân lý phổ quát không thể chứa đựng trong một hệ thống thuần lý mà phải được cả lý trí lẫn tinh thần cùng nhau tìm kiếm. Có thể hiểu tinh thần là khả năng đi vào trong mối tương quan cá thể với người khác, đặc biệt là với Thiên Chúa. Lý trí tạo nên những trừu tượng để dựng nên hệ thống thuần lý. Những hệ thống này cố tương ứng với những khía cạnh nào đó của thực tại để có thể hiểu sự vận hành của thực tại. Còn tinh thần thì hướng về những tương quan sống động và ban truyền sức sống với các nhân vị khác. Phái Khắc kỷ đã phát triển được một hệ thống triết học nhưng đồng thời họ cũng tạo nên một linh đạo siêu vượt hơn hệ thống triết học của họ và đó là một triết lý đích thực, một triết lý mở hướng về chân lý.
Vài tác giả nói rằng câu trích dẫn của Thi sĩ Aratus không phù hợp với mạc khải Thánh Kinh, và chỉ là một phần ngoại lai trong Tân Ước. Ý kiến này không đếm xỉa gì đến nhận xét vừa nói trên về sự khác nhau giữa một bài thơ và một hệ thống triết lý. Những điều nói trong bài thơ không xung đột với mạc khải Kinh Thánh, dù rằng không được diễn tả cùng một từ ngữ. Thật vậy, mối quan hệ họ hàng giữa Thiên Chúa với Thiên Chúa và con người đã được khẳng định trong Cựu Ước. Đúng ra, mối quan hệ này chỉ giới hạn trong dân được chọn. Chính dân Israel nói với Thiên Chúa rằng: “Ngài là Cha chúng tôi” (Is 63,16). Con người không thuộc “dòng dõi” của Thiên Chúa tự thân (per se), nhưng là thụ tạo của Ngài, được hình thành “từ bụi đất” (St 2,7). Tuy nhiên, thụ tạo này gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa hơn những thụ tạo khác. Chỉ có con người thì Thiên Chúa mới “thổi sinh khí vào lỗ mũi” (St 2,7). Chỉ có con người thì Thiên Chúa mới nói: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26) và điều này đã làm nên quan hệ họ hàng giữa con người với Thiên Chúa. Về sau, lối nói này cũng được dùng để diễn tả mối quan hệ họ hàng giữa Ađam và con cái: “Khi ông Ađam được 130 tuổi, thì ông sinh ra một người con trai giống như ông, theo hình ảnh ông, và đặt tên là Sết” (St 5,3). Trong Tân Ước, Thư gửi tín hữu Êphêsô tuyên xưng Thiên Chúa là “Cha của mọi người” (Ep 4,6) và công bố rằng “mọi cương vị làm Cha trên trời dưới đất” đều là sự thông phần vào phụ tính (fatherhood) của Thiên Chúa (Ep 3,14-15). Như vậy, không có gì là bất thường khi trích câu “vì chúng ta thật sự là dòng dõi của Thiên Chúa” của Aratus và nó xứng đáng có một chỗ đứng trong bài diễn từ truyền giáo của Tân Ước. Nó xứng đáng là một phần của praeparatio evangelica (chuẩn Tin Mừng).
Đoạn kết của trình thuật Tông đồ Công vụ còn dạy chúng ta một điều nữa. Thánh Luca kể rằng khi Phaolô bắt đầu loan báo sự phục sinh của Đức Kitô thì các thính giả chặn ngài lại: “kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: ‘Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy’… Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa” (Cv 17,32.34). Ở đây, chúng ta thấy rằng một cách hiểu nào đó về chân lý phổ quát có thể là chướng ngại cho hành động đức tin. Nói cách khác, những thính giả chế nhạo Thánh Tông Đồ là những người đoan chắc rằng mình đã đạt được chân lý phổ quát qua lý luận của mình và vì thế họ không chấp nhận một điều gì khác không phù hợp với lý luận đó. Họ không muốn dựa vào mối tương quan giữa người với người để tiếp thu kiến thức mới. Chân lý phổ quát của họ bị đóng khung trong lý luận mà không mở ra trong tinh thần. Tuy nhiên, “một vài người” đã có sự cởi mở này. Trong các số 31 và 32 của Thông điệp Fides et Ratio, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích tính chất đặc thù của kiến thức đạt được nhờ các mối tương quan liên vị và cho thấy nhu cầu cũng như tầm quan trọng của nó. Ngài nói: “Niềm tin thường được bộc lộ cách nhân bản và niềm tin ấy thường phong phú hơn là dựa vào chứng cứ đơn thuần, vì nó hàm súc một tương quan liên vị, và vận dụng chẳng những các khả năng nhận thức của một con người nhưng còn cả cái khả năng triệt để hơn: đó là tín nhiệm vào những nhân vị khác, cũng như đi vào trong tương quan bền vững và thân mật hơn với những nhân vị ấy”. Hiển nhiên, những suy tư này đặc biệt ứng dụng cho đức tin vào Đức Kitô.
Có thể kết luận rằng trình thuật trong sách Công vụ 17,16-34 cho thấy rõ ràng sự cởi mở của đức tin Kitô giáo và mối tương quan giữa đức tin này với công cuộc tìm kiếm chân lý phổ quát của các triết gia. Không hề chống đối cuộc tìm kiếm này, đức tin nhìn nhận nó như là một trợ lực để chỉnh sửa vài thiếu sót nào đó trong tôn giáo tự nhiên cũng như chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa. Tuy nhiên, đức tin không phụ thuộc vào một hệ thống tư tưởng thuần lý bởi vì đức tin mời gọi một sự cởi mở bao quát hơn, không chỉ về trí năng nhưng đặc biệt là về tinh thần. “Tính sâu sắc của sự khôn ngoan được mặc khải đã phá vỡ vòng vây của những khuôn mẫu suy tư quen thuộc, là những khuôn mẫu không thể giãi bày trọn vẹn sự khôn ngoan Thiên Chúa” (Fides et Ratio, số 23).
[1] The Jerome Biblical Commentary, vol. II, J. A. Fitzmyer và R. Brown chủ biên (Englewood Cliffs, New Jersey, 1968), tr. 199-200.
[2] cf. The New Jerome Biblical Commentary, 1990, tr. 755.
[3] Cleanthes, phái Khắc Kỷ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, “Hymn to Zeus”; cf. R. Penna, L'ambiente storico-culturale delle origini cristiane (Bologna: EDB, 1984), tr. 114; hoặc Stoicorum Veterorum Fragmenta, J. Von Arnim chủ biên (Leipzig 1903), I, n. 537.
[4] Stoicorum Veterorum Fragmenta, J. Von Arnim chủ biên (Leipzig 1903), I, n. 264.
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn: truyenthongconggiao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét