Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Phải hiểu sự cố các hài nhi Bêlem bị giết như thế nào?




Các Thánh Anh Hài

Phải hiểu sự cố các hài nhi Bêlem bị giết như thế nào?


Có một người bạn Phật tử thắc mắc: Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, sinh ra để cứu mọi người, thế thì tại sao vừa mới sinh ra, Người đã để cho các trẻ em vô tội ở Bêlem phải chết như thế? Hóa ra cuộc chào đời của Đấng Cứu Thế lại là một tai họa cho kẻ khác!  (Têrêxa – LAX).
Em Têrêxa mến,
Nói chung, các tôn giáo hiểu “cứu độ” là đưa con người từ một cuộc sống chưa hạnh phúc sang một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, các tôn giáo rất khác nhau trong việc xác định đó là những “cuộc sống” nào, và “hạnh phúc” đó là gì. Người bạn của em hiểu đơn giản là cuộc sống hiện nay trên mặt đất này. Thiên Chúa đã tạo ra trái đất và dựng nên con người có thân xác, nên thực sự Người muốn chúng ta được sống hạnh phúc trên mặt đất này trong thân xác này. Tuy nhiên, đấy không phải là cùng đích Người nhắm khi tạo dựng nên loài người. Người nhắm đưa chúng ta đến chỗ sống muôn đời với Người bằng sự sống của chính Người. Cuộc sống trên mặt đất này trong thân xác này lẽ ra sẽ dẫn đưa chúng ta dần dần đên chỗ đạt tới cuộc sống viên mãn đó không phải qua những giằng co, đoạn tuyệt đau đớn, nhưng vì có tội lỗi và thế lực ma quỷ, chúng ta chỉ có thể đạt tới mục tiêu ấy với giá phải trả là nhiều đau khổ, giằng co đau đớn (chẳng hạn, cái chết lẽ ra như một sự chuyển tiếp nhẹ nhàng sang cuộc sống muôn đời, như trường hợp của Đức Maria, đã trở thành một giằng co đau đớn cho loài người chúng ta).
Cần phải có những người chỉ đường cho chúng ta: Đức Giêsu đã chấp nhận trải qua cái chết để chỉ đường cho chúng ta; dĩ nhiên Người còn dẫn dắt, nâng đỡ chúng ta bằng sức mạnh Thánh Thần. Đức Maria cũng là tấm gương cho chúng ta; các thánh (nói chung) cũng là những người chỉ đường và hỗ trợ chúng ta.
Do một sự chọn lựa đặc biệt và mầu nhiệm, các hài nhi Bêlem đã phải mất cuộc sống trong thân xác trên trần gian này, để làm chứng cho Đức Giêsu và chỉ đường cho chúng ta. Hội Thánh đã tôn các hài nhi ấy là các Thánh Tử Đạo (các Thánh Anh Hài) là theo ý nghĩa ấy. Các ngài mất cuộc sống trong thân xác chỉ trong một thời gian, bởi vì sau nay thân xác các ngài sẽ sống lại để tiếp tục sống trong hạnh phúc viên mãn mà hôm nay linh hồn các ngài đang được hưởng. Chúng ta có thể xót xa cho các ngài theo tình cảm tự nhiên, bởi vì các ngài chưa được hưởng những niềm vui hợp pháp của cuộc sống trần thế. Nhưng trong cái nhìn đức tin, chúng ta hiểu các ngài được trao một sứ mạng ngay khi còn thơ ấu, và các ngài đã chu toàn, nên chúng ta vui mừng cho các ngài và noi gương sống anh dũng của các ngài thì hơn. Thật ra ngay đối với một người lớn, nếu người ấy rơi vào tình trạng phải chết để làm chứng cho niềm tin (tôi nói là “rơi vào”, vì Đức Giêsu không bảo chúng ta đi lao mình vào chỗ chết như những kẻ cuồng tín), chúng ta cũng vẫn cảm thấy xót xa. Những người khác không phải ở trong tình trạng ấy, cứ việc sống bình thường, nhưng riêng người ấy đã được Đức Kitô chọn để trao cho sứ mạng làm chứng cho Người, và người ấy sẽ phải cố gắng đi tới cùng trong sứ mạng đó, nếu không, sẽ là phản bội. Những người khác không phải đi đến chỗ làm chứng quyết liệt như thế thì không sao (Dù thật ra, sống cuôc sống Kitô hữu  “cho ra Kitô hữu” cũng chẳng dễ!), nhưng giả như trong cuộc làm chứng đó, vì nhát đảm, người ấy phản bội, thì dù sau đó có ăn năn hối hận (và xưng tội), người ấy vẫn đau đớn cảm thấy cuộc sống Kitô hữu của mình đã xuống thấp hơn rồi. Đấy cũng là mầu nhiệm của mỗi đời người và ơn gọi của mỗi người trong chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa.  
Nhân tiện câu hỏi của em, tôi xin trả lời một câu hỏi “ngầm” của nhiều người bởi vì họ cảm thấy bị “vấp phạm” do “con số quá lớn” các trẻ em bị giết tại Bêlem dịp ấy. Vào thời xa xưa, Phụng vụ xứ Êtiôpia đã cho rằng con số các hài nhi bị giết là 144.000 em, bởi vì người ta lấy con số của sách Khải huyền (14,1) mà suy! Thật ra, vào lúc đó, Bêlem và vùng phụ cận chỉ có khoảng 2.000 dân. Với con số ấy, mỗi năm có chừng 30 em bé chào đời, cho đi là một nửa là trai và một nửa là gái. Vào thời đó, số tử của trẻ sơ sinh khá cao: cho đi là một nửa số trẻ nam bị chết vì nhiều lý do, còn lại 7-8 em. Tính từ 2 tuổi trở xuống, số trẻ bị giết chừng 14-16 em. Nếu không phân biệt trai gái, thì số bị giết chừng 30 em. Tuy nhiên, nói rằng con số hài nhi bị giết ít hơn con số người ta vẫn nghĩ không có nghĩa là như thế thì không có gì đáng kể! Giết một con người vô tội, phương chi là một trẻ sơ sinh, luôn luôn là một tội ác. Và cái chết của một con người, phương chi một người vô tội, nhất là các trẻ em, luôn là một sứ điệp khiến chúng ta phải suy nghĩ và hiểu ra nhiều điều.
Hẳn là trả lời cho em như thế lại gợi lên vô số những thắc mắc khác, nên tôi hy vọng lại có dịp trao đổi với em trên trang này.
Xin Đức Giêsu Kitô là Đấng Emmanuel luôn đồng hành với em trên mọi nẻo đường.
Mến,
Lm PX Phan Long, ofm

Nguồn: hdgmvn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét