Trang

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Tại sao Chúa Giêsu khóc khi Người biết Người sắp làm cho Lazarô sống lại?






Tại sao Chúa Giêsu khóc
khi Người biết Người sắp làm cho Lazarô sống lại?
(Gioan 11:35)


Tại sao Chúa Giêsu lại khóc? Phải chăng vì Người không cầm được lòng khi thấy Maria khóc? Nhưng Maria sở dĩ khóc là vì Lazarô thân yêu của chị em cô đã chết, trong khi đó, Chúa Giêsu biết chắc chắn rằng Người có thể làm Lazarô cải tử hoàn sinh cho chị em cô cơ mà! Vậy thì phải chăng động lực thúc đẩy Người khóc, cử chỉ hết sức hiếm hoi và đặc biệt được Phúc Âm lần đầu tiên ghi nhận này, là vì, ngay lúc bấy giờ, Người nghĩ đến các linh hồn bất tử vô cùng cao quí nói chung, nhất là linh hồn của thành phần bạn thân của Người nói riêng, sẽ đời đời bị chôn vùi trong nấm mồ sự chết, không bao giờ bước ra khỏi ngôi mồ vĩnh tử này nữa, không còn nghe thấy tiếng gọi của Người nữa, khi Người lên tiếng gọi họ như đã gọi Lazarô “hãy bước ra khỏi mồ”.

Một thi thể vô hồn của con người có ít là ba dấu hiệu bề ngoài sau đây: lạnh ngắt, cứng đơ bất động và trĩu nặng. Lý do duy nhất là vì thân xác ấy không còn hồn sống hay sự sống, một nguyên lý làm cho thân xác còn hơi thở ấm nóng, còn linh động phản ứng và còn nhẹ nhàng di chuyển. Một tâm hồn không còn sự sống tâm linh cũng trở nên lạnh ngắt, cứng đơ và trĩu nặng như một thi thể vô hồn. Lạnh ngắt ở chỗ có một tấm lòng vô cảm trước anh chị em khốn khổ của mình, chỉ sống cho mình mà không hề lưu ý quan tâm gì tới kẻ khác, như người phú hộ với Lazarô nghèo khổ (x Lk 16:19-21). Cứng đơ ở chỗ lương tâm đã trở thành chai đá, đến độ mất hết ý thức tội lỗi, thậm chí phạm tội mà không cho đó là tội, trái lại, còn cho đó là một quyền lợi được phép làm. Trĩu nặng ở chỗ trở thành nô lệ cho ma quỉ, thế gian và xác thịt, đến độ không được ăn cả những đồ của loài heo nhơ nhớp (x Lk 15:16).

Thế nhưng, người con phung phá “như đã chết mà sống lại” (Lk 15:32), và bãi xương khô như Tiên Tri Êzêkiên thị kiến thấy đã hồi sinh (x Ez 37:1-10), thì sự sống cũng có thể xuất phát từ sự chết, từ tình trạng mục nát của hạt lúa miến trong lòng đất (x Jn 12:24). Đúng thế, về phương diện tâm linh, con người tội lỗi trên đời này là một con người sống trong sự chết, một sự chết, đối với Chúa, chẳng khác gì như là một giấc ngủ (xem Mt 9:24; Jn 11:11), Người cần phải gọi họ dạy, lay tỉnh họ dậy, bằng hiện sủng, thậm chí bằng cả thánh giá đau khổ, đúng như những gì Người đã tâm sự với Chị Thánh Faustina: "Cha xót thương theo đuổi các tội nhân dọc suốt con đường họ đi, và Trái Tim Cha hoan hỉ khi họ trở về với Cha… Cha luôn luôn chờ đợi họ, chú ý lắng nghe tiếng đập của con tim họ..., xem khi nào nó sẽ đập nhịp sống cho Cha? Cha đang nói với họ qua nỗi ray rứt của lương tâm họ, qua những thất bại và khổ đau của họ, qua những giông tố bão bùng, qua tiếng nói của Giáo Hội". (Nhật Ký số 1728)

Vì là một giấc ngủ, dù có ngủ say, ngủ mê ngủ mệt đến mấy, đến độ “xông mùi” đi nữa, như trường hợp của Lazarô, bởi “lời Chúa là những gì sống động và tác hiệu, sắc hơn gươm hai lưỡi. Thấu nhập và chia cắt hồn thiêng, xương tủy; phán quyết tâm tưởng của cõi lòng” (Heb 4:12), con người tội lỗi vẫn còn khả năng nghe được tiếng “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24): “Kẻ chết sẽ nghe thấy tiếng của Con Thiên Chúa và những ai nghe theo tiếng ấy sẽ được sống” (Jn 5:25).
Đó là lý do, lạy Chúa, chỉ có kẻ nào muốn đời đời hư đi mới bị hư đi mà thôi, chỉ có kẻ nào nhất định chọn Satan và ma quỉ làm bạn, chọn hỏa ngục làm thiên đường mới vĩnh viễn mất Chúa là cùng đích của mình mà thôi. Xin Chúa đừng để chúng con bao giờ hồ nghi lòng thương xót vô cùng bao la rộng lượng của Chúa, trái lại, càng tội lỗi chúng con càng cần đến lòng thương xót Chúa, càng gần lòng thương xót Chúa hơn ai hết và hơn bao giờ hết.

Chính Chúa Giêsu đã khẳng định với Chị Thánh Faustina về quyền lợi của thành phần tội nhân đối với Lòng Thương Xót Chúa như sau: "Càng là đại tội nhân càng có quyền đối với tình thương của Cha" (Nhật Ký số 723); "Những đại tội nhân thượng hạng hãy đặt niềm cậy tin nơi tình thương của Cha. Họ có quyền tin cậy vào tình thương thăm thẳm của Cha trước các linh hồn khác...Cha không thể trừng phạt dù họ có phạm tội nặng nhất, nếu họ kêu cầu đến lòng xót thương của Cha, ngược lại, Cha công chính hoá họ trong tình thương vô tận khôn dò của Cha". (Nhật Ký số 1146);  "Các đệ nhất đại tội nhân cũng đạt được tầm mức thánh thiện cao cả, chỉ cần họ tin tưởng vào tình thương của Cha". (Nhật Ký số 1784).

Thế nhưng đồng thời Chúa cũng cảnh báo thành phần không còn nghe thấy tiếng gọi của Lòng Thương Xót Chúa của Người nữa, như sau:

"Nếu một linh hồn giống như một thi thể rữa nát, mà theo quan niệm loài người, không còn phục hồi được nữa, mọi sự hoàn toàn đã tiêu tan, thì đối với Thiên Chúa, lại không như vậy. Phép lạ của Tình Thương Thần Linh phục hồi trọn vẹn linh hồn đó. Ôi, bất hạnh biết bao những linh hồn không lợi dụng phép lạ của tình thương Thiên Chúa! Các người sẽ kêu gào vô vọng mà cũng đã quá muộn mất rồi" (Nhật Ký số 1448).

"Có lần con hỏi Chúa Giêsu làm sao Người lại có thể chịu đựng được quá nhiều tội lỗi và tội ác như vậy mà không trừng phạt chúng thì Người đã trả lời con như thế này: 'Cha có cả đời đời để trừng phạt tội lỗi, và Cha kéo dài thời gian xót thương vì các tội nhân. Thế nhưng, khốn cho họ nếu họ không nhận biết thời gian Cha thăm viếng'" (Nhật Ký số 1160).

Chúa Giêsu quả thực cũng đã khóc lần thứ hai về tình trạng thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá bởi nó không nhận biết việc viếng thăm của Người: "Khi Ngài đã tới gần, trông thấy thành, thì Ngài khóc về thành, mà rằng: 'Phải chi ngày hôm nay, cả ngươi nữa, ngươi càng nhận ra phúc triệu bằng yên! Nhưng hiện giờ điều ấy bị khuất khỏi mắt ngươi: Vì chưng sẽ đến trên ngươi những ngày mà thù địch ngươi đóng cừ đắp lũy, và bao vây ngươi, công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ phá bình địa, ngươi và con cái ngươi trong thành, và nơi ngươi, chúng sẽ không để đá còn trên đá, bởi vì ngươi đã không nhận biết thời ngươi được viếng thăm!'" (Lk 19:41-44)

Chúa Giêsu không khóc sao được, không nức nở sao được, như Người đã tự thú với nữ sứ giả người Bỉ của mình trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu gửi Các Hồn Nhỏ về số phận đời đời của thành phần hư đi trước Lòng Thương Xót Chúa vô biên của Người như sau: "Mất đi một trong các con cái của Cha đối với Cha là một bất hạnh lớn. Cha đã đến vì họ mà Cha lại không thể cứu lấy họ..." (ngày 10-12-1968); "Hỡi con gái của Cha ơi, con có biết cái thảm bại của một vị Thiên Chúa là gì không? Đó là Ngườikhông thể cứu được hết tất cả mọi người bằng Hy Sinh của Người" (ngày 18-5-1970); “Những ý nghĩ của Cha (ở trên đồi Gôngôta) là những ý nghĩ thương hại và thương xót. Họ không biết rằng, chỉ bằng một cử chỉ là Cha đã có thể hủy diệt họ đi rồi. Cha để cho họ tha hồ thỏa tay hành khổ Cha, vì trong thâm tâm của Cha, Cha đã chấp nhận Hy Sinh theo ý muốn Cha của Cha. Thế nhưng, nỗi sầu khổ của Cha đã tăng lên gấp bội, vì Cha đã biết rằng, cho dù Cha có để cho mình bị hành hình đến như vậy, Cha vẫn không sao cứu được tất cả mọi con cái của Cha, và đối với nhiều người, Hy Sinh của Cha sẽ trở thành luống công vô ích” (Thứ Sáu Tuần Thánh 30-3-1972).

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đây, vì Người cũng đã đặt vấn đề hết sức nhức nhối này như sau: "Khi Cha bị treo trên thập giá như một tội nhân chỉ vì yêu thì chẳng lẽ Cha chỉ được ôm lấy một khoảng không trống rỗng hay sao?" (ngày 15/10/1966)

Vậy thì các linh hồn hư đi nhiều hay ít và họ sẽ được cứu bằng cách nào? Xin tiếp tục theo dõi Một Thoáng Suy Tư 5 và 6.

Tông Đồ Chúa Tình Thương Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét