Trang

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

HÃY TRẢ LỄ GIÁNG SINH LẠI CHO CHÚA KITÔ




HÃY TRẢ LỄ GIÁNG SINH LẠI CHO CHÚA KITÔ
 

Hãy trả Lễ Giáng Sinh lại cho Chúa Kitô
Trong không khí tưng bừng của ngày Thiên Chúa Giáng Sinh, xin cống hiến bạn đọc 2 câu chuyện nhỏ giúp chúng ta tìm về với ý nghĩa chân thực của ngày vui trọng đại mà toàn thể nhân loại đang hân hoan đón mừng.
Giáng Sinh lại trở về. Năm nay tuy buôn bán ế ẩm, hàng quán kêu than, nhưng dù sao, giữa lúc kinh tế chưa phục hồi, Giáng Sinh về vẫn thấy rộn ràng vui tươi. Lễ Chúa Giáng Sinh mà không vui sao được? Giáng Sinh là phải đi mua sắm, sửa soạn quà cáp tặng nhau, mở những buổi dạ vũ ca nhạc. Giáng Sinh là phải trang hoàng nhà cửa, trong nhà ngoài ngõ phải đèn điện sáng trưng. Cây thông Noel là chỗ ấm cúng nhất trong gia đình, nơi đặt những cánh thiệp, những gói quà thật đẹp mà người thân đã chuẩn bị cho nhau. Vui vẻ đến vậy, ấy thế mà vẫn có kẻ đang tâm phá đám: nào là phải bỏ ngay Merry Christmas để thay thế bằng Happy Holidays; nào là dẹp đi những hình ảnh về Chúa Hài Đồng, để chỉ tập trung vào Ông Già Noel mà thôi… Não trạng tục hoá và quá khích đã ăn quá sâu vào tâm trí con người thời đại mất rồi. Thôi thì tách biệt tôn giáo với xã hội, đạo ra khỏi đời, thì cũng… được đi; thế nhưng đối phương không muốn dừng ở cái thế hưu chiến như vậy, họ còn muốn phá đổ, muốn tạo ra một thế đối lập đến độ kình chống giữa hai lĩnh vực tách biệt này. Và đó là mầm mống của bao nhiêu khổ đau làm cho cuộc đời này, vốn đã lắm gian truân lại càng thêm lầm than bi đát.
Dẫu sao chăng nữa, trong không khí tưng bừng của ngày Thiên Chúa Giáng Sinh, xin cống hiến bạn đọc 2 câu chuyện nhỏ giúp chúng ta tìm về với ý nghĩa chân thực của ngày vui trọng đại mà toàn thể nhân loại đang hân hoan đón mừng.
Bức chân dung
Có một ông nhà giàu goá vợ sống với một người con duy nhất, cả hai đều rất thích sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, nhất là các bức danh hoạ của các hoạ sĩ bậc thầy như Raphael, Picass… Bộ sưu tập của ông trị giá nhiều triệu mỹ kim.
Khi chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt, người con trai lên đường nhập ngũ và được đưa đến một vùng nông thôn miền Nam Việt Nam. Trong một cuộc giao tranh, khi đang cõng người bạn đồng đội bị thương trên vai thì chàng đã trúng đạn và bỏ mình nơi tiền tuyến. Người đồng đội bị thương thì lại sống sót. Tin dữ đến tai người cha khiến ông đau khổ mà phát bệnh.
Trước ngày Lễ Giáng Sinh năm ấy, một người thanh niên đến gõ cửa nhà ông, trên tay cầm một gói quà lớn. Cửa vừa mở, người thanh niên vội vã lên tiếng ngay:
“Thưa ông, ông không biết con đâu, nhưng con thì biết ông rõ lắm. Con chính là người đồng đội mà con của ông đã cõng trên vai, chạy đi cấp cứu để rồi chính anh ấy lại phải bỏ mình, còn con thì lại được cứu sống. Anh ấy thường hay nói chuyện với con về ông. Nhân ngày Giáng Sinh sắp đến, con xin tặng ông bức tranh do con hoạ lại chân dung của anh ấy, cũng là người con mà ông đang vô cùng thương tiếc. Bức chân dung này không đẹp, bởi con không phải là hoạ sĩ nhà nghề, những bù lại nó được con vẽ lại với tất cả tấm lòng biết ơn sâu xa đối với vị ân nhân một đời của con”.
Người cha tay run run mở gói quà. Nước mắt ông ràn rụa khi nhìn thấy bức chân dung người con yêu dấu của mình. Ông khe khẽ nói lời cảm ơn, rồi gọi gia nhân ra tiếp đãi chàng thanh niên hết sức nồng hậu.
Ông treo bức chân dung con mình vào một chỗ trang trọng nhất trong nhà. Mỗi khi có khách đến xem tranh, thì bức chân dung này đều được ông giới thiệu trước tiên, rồi sau đó mới mời khách đi xem các bức tranh khác mà ông sưu tầm được.
Ông mất sau đó ít lâu. Người quản gia thông báo cho mọi người biết ngày giờ toàn bộ sưu tập các bức danh hoạ của ông sẽ được mang ra bán đấu giá, trong đó có cả bức chân dung người con đã được người bạn đồng đội hoạ lại. Đến ngày chờ đợi, thiên hạ tứ xứ xa gần đổ xô đến tham dự cuộc đấu giá hiếm hoi mà người ta tiên đoán sẽ lên đến hàng nhiều triệu mỹ kim.
Sau vài lời giới thiệu ngắn ngủi và tuyên bố khai mạc, người trưởng ban đấu giá cho biết, theo ý ông chủ, thì bức chân dung người con sẽ được đấu giá trước tiên. Thế là ông lớn tiếng rao lên:
“Có ai muốn mua bức hoạ chân dung người con ông chủ không?” Sự im lặng đến ngỡ ngàng bao trùm toàn thể cử toạ. Bỗng dưng có ai đó lên tiếng:
“Yêu cầu dẹp bức chân dung qua một bên để bắt đầu đấu giá các bức danh hoạ khác đi”. “Không được”, ông trưởng ban đấu giá phân bua, “phải làm theo ý ông chủ trước đã”. Rồi ông ra giá luôn: “Có ai mua bức chân dung này với giá 100 đồng không?
Lại có tiếng phản đối vọng lên: “Chúng tôi đến đây để mua các bức danh hoạ, chứ không phải để mua cái bức chân dung phải gió kia đâu!”
Người phụ trách đấu giá vẫn kiên nhẫn: “Không, bức chân dung phải bán xong đã, rồi mới tính đến các bức tranh khác được”.
Một lời phản đối nữa lại vang lên nghe rõ mồn một: “Thôi dẹp cái chân dung gì đó đi, mang Van Gogh, Rembrandt, Picasso… ra cho người ta thưởng thức rồi đấu giá đi thôi!”
Lờ đi như không nghe thấy gì, người phụ trách đấu giá lại tiếp tục cò kè. “Ai mua bức chân dung này không? Chỉ 10 đồng thôi cũng được”. Bỗng có tiếng kêu: “Tôi đồng ý mua bức chân dung với giá 10 đồng”. Thì ra là bác làm vườn, người đã từng làm việc cho ông chủ và cũng quen biết người thanh niên quá cố được phác hoạ trên bức tranh.
Nhiều tiếng nhao nhao ầm ĩ: “Thôi bán quách cho ông ấy giá 10 đồng đi. Mau lên để rồi còn ăn thua với Rembrandt, Michaelangelo… nữa chứ”.
Tiếng người phụ trách đấu giá dõng dạc: “Được, bức chân dung sẽ được bán với giá 10 đồng. Nhưng tôi cũng xin tuyên bố bế mạc luôn cuộc bán đấu giá ngày hôm nay, bởi vì theo di chúc ông chủ để lại - mà điều này sẽ chỉ được công bố khi bức chân dung đã có người mua - là: ‘Người nào mua bức chân dung thì cũng được hưởng trọn gia sản và dĩ nhiên được sở hữu luôn toàn bộ sưu tập các bức danh hoạ mà ông chủ đã dày công gây dựng bấy lâu nay”.
Câu chuyện sao lại mang ngụ ý sâu xa đến thế! Hơn 2.000 năm trước đây, Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết để cứu chuộc toàn thể nhân loại và mở lối cho loài người tìm về với Người. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đúng là nếu chấp nhận Con của Người thì loài người sẽ được tất cả, và được sống muôn đời. Đáng tiếc, thật là đáng tiếc, nhân loại hôm nay, không chỉ không tin vào Con của Người, mà còn tìm đủ cách để mời Người đi chỗ khác chơi cho rảnh nợ. “Những kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3,18-19). Thực ra mà nói, nếu ngày xưa người ta đã đối xử hoàn toàn thiếu công bằng khi lên án và xử tử Chúa cho dù biết rõ Ngài vô tội, thì ngày nay, người ta cũng đang chơi trò bất công với những con cái Chúa. “Lạy Chúa là Vầng Đông, là sự rực rỡ Ánh Sáng Vĩnh Cửu, là Mặt Trời Công Chính, xin hãy đến chiếu sáng những người đang còn ngồi trong vùng tăm tối u mê và trong bóng tử thần” (Điệp ca ‘O Oriens’- Tuần Cửu Nhật lễ Chúa Giáng Sinh).
Đàn ngỗng trời trong bão tuyết
Có anh chàng thanh niên kia chẳng hề tin hay nghĩ tưởng gì đến Chúa. Chàng cũng chẳng ngại bày tỏ cảm nghĩ của mình về tôn giáo cũng như những ngày lễ tôn giáo. Vợ chàng trái lại thì rất nặng lòng tin. Nàng cố gắng nuôi dạy con cái thấm nhuần lòng tin vào Chúa, mặc kệ những lời xỏ xiên của người chồng cứng lòng.
Đêm vọng Giáng Sinh, khi nghe vợ con ngỏ ý mời mình đi dự lễ đêm, chàng càu nhàu: “Vô nghĩa! Việc gì Thiên Chúa lại phải hạ mình đến nỗi trở thành phàm nhân sống khổ chết sở như thế! Nghe như chuyện khôi hài!”
Vợ con đi rồi, chàng ở nhà một mình. Qua khung cửa sổ, chàng thấy những mảng tuyết đang đổ xuống theo từng đợt gió giật. Tin khí tượng cho biết đêm nay có một cơn bão tuyết lớn tràn về. Đang định vớ lấy tờ tạp chí đọc vài mẩu tin, chàng bỗng nghe thấy tiếng rầm rầm như có vật gì đập vào khung kính cửa sổ bên hông nhà. Nhìn ra khoảnh sân, chàng thấy cả một bầy ngỗng trời ở đâu kéo tới. Chắc hẳn, trên đường xuôi nam, bọn ngỗng gặp bão thành ra lưu lạc chốn này. Chúng như mất hướng, bay lòng vòng quanh quẩn, chắc đang tìm thức ăn và chỗ nào đó kín khuất để tá túc. Thế là chúng xoải cánh bay tứ tung, đụng vào cửa kính, chạm vào hàng giậu, gây ra những tiếng động khô khan. Chàng bỗng động lòng, nghĩ đến dãy trại sau nhà, nơi được coi là ấm cúng và yên ổn cho chúng tạm trú qua đêm chờ cơn bão tan. Nghĩ thế, chàng mò ra phía sau nhà, đến đầu dãy trại, mở toang cánh cửa lớn ra như để đón chào đàn ngỗng lưu lạc. Thế nhưng, dường như mắt chúng ra như mù loà, không hề nhìn thấy cánh cửa trại đã mở toang hoác, càng không hề biết đến hảo ý của chàng. Chúng cứ tiếp tục bay nhảy vô định, lại chạm vào khung kính, và đụng vào hàng giậu thưa. Càng cố làm cho chúng chú ý đến mình, thì chúng lại càng tỏ ra hoảng sợ chàng, và tản ra xa hơn. Càng cố lùa chúng hướng về phía cửa trại thì chúng lại càng đi sang hướng khác. Thì ra chúng vẫn sợ chàng, vẫn không dám theo chàng, bởi vì chàng đâu phải đồng loại của chúng đâu. Nghĩ thế rồi, chàng bước vào trại, ôm lấy một con ngỗng đang nuôi trong trại, mang ra nhử nhử rồi thả chung với đàn ngỗng trời. Con ngỗng của chàng đã quen thuộc với đường đi lối về, liền lăm lăm đi trở vào cổng trại để trốn giá lạnh mùa đông. Thế là từng con ngỗng trời nối đuôi theo nó, đi dần vào bên trong trại, ấm áp và an toàn.
Như chợt nhận ra điều gì đó, chàng suy nghĩ về lời mình đã càu nhàu với vợ: “Việc gì Thiên Chúa lại phải hạ mình đến nỗi trở thành phàm nhân sống khổ chết sở như thế!” Rồi chàng bỗng thấy đây không còn là chuyện khôi hài nữa. Lần đầu tiên trong đời, chàng hiểu ý nghĩa của ngày Lễ Giáng Sinh.
Ngoài trời, bão tuyết đã ngừng, và gió đã lặng. Trong tâm tư chàng, cơn bão hoài nghi cũng đã biến tan. Có một chút yên lành len lỏi vào đáy tim chàng. Một ánh lửa hồng cũng vừa nhóm lên sưởi ấm cõi lòng đã từ lâu băng giá. Không dưng, chàng quỳ gối xuông, chắp đôi tay lại. Lời kinh từ thuở tấm bé mẹ chàng dạy đọc bỗng nhiên khe khẽ rung trên bờ môi đã quên lãng từ lâu: “Con cám ơn Đức Chúa Trời… đã cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết vì con…”.
Quả đúng thế, con người làm sao có thể lên tới Thiên Chúa được, nếu Ngài không hạ mình xuống để nâng con người lên? Nếu chiếc phi cơ không hạ cánh xuống phi đạo để bốc hành khách lên thì làm sao họ có thể được nâng lên hàng mấy chục ngàn bộ, trên cả vầng mây trắng kia, để còn bay đến những vùng trời mơ ước?
Chính trong ý nghĩa này, ta hãy cùng cảm tạ và long trọng cử hành tình yêu Ngôi Lời đã giáng thế trong ngày lễ Sinh Nhật của Ngài. Hãy trả lại cho Ngài ngày lễ hôm nay, trước khi làm những công việc khác. Bởi không có món quà tuyệt vời là Chúa Con đã được Chúa Cha ưu ái tặng ban cho nhân loại thì chẳng có món quà Giáng Sinh nào có ý nghĩa hết, kể cả những món quà mà ta đã dày công sắm sửa lâu nay, bất kể giá lạnh mùa đông, bất kể sáng sớm tinh sương, giã từ chăn ấm nệm êm, để đứng sắp hàng chờ chực vài giờ đồng hồ trong những ngày như Thứ Sáu Đen vừa qua. Xin cùng cất cao tiếng hát ngợi mừng biến cố vô tiền khoáng hậu này: “XIN THỜ KÍNH NGÔI LỜI GIÁNG THẾ”.

Nguyễn Kim Ngân

Nguồn: truyenthongconggiao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét