Trang

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Ngôi Lời Nhập Thể và Ơn cứu độ




Ngôi Lời Nhập Thể và Ơn cứu độ




Phải hiểu cứu độ như thế nào?

Về Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, chúng ta ca ngợi tình yêu vô biên của Thiên Chúa thì hay lắm. Nhưng tôi tự hỏi: Ngôi Lời Thiên Chúa đã xuống thế hơn 2000 năm rồi mà thế giới có vẻ gì là đã được cứu độ đâu? Hình như càng trở nên tồi tệ hơn thì có! Vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa ở đâu? (V.L. - VN)
Ông V.L. mến,
Quả thật, tôi muốn đồng ý với ông ngay, nhất là sau nhiều biến cố đau thương của thế giới (động đất, sóng thần…)! Thắc mắc của ông là dịp tốt để tôi tự vấn. Vâng, tôi cũng vẫn cứ tự hỏi: Ơn cứu độ của Thiên Chúa ở đâu nào? Nếu quả thật có ơn cứu độ của Thiên Chúa toàn năng, thì tại sao thế giới càng ngày có vẻ càng đi xuống như thế? Tôi nhớ đến lời ca của Đức Maria trong Kinh Ngợi Khen (Magnificat):
“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bê những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,51-53).
Đẹp thật! Nhưng làm sao dung hòa với những gì chúng ta đang thấy chung quanh chúng ta, đó là đau khổ, bất công, bạo quyền? Và thế là phát sinh một vấn nạn mang tính lưỡng nghi: Hoặc là Thiên Chúa muốn mà không thể loại trừ sự dữ, mà như thế thì Người không toàn năng! Hoặc Người có thể loại trừ sự dữ nhưng Người lại không muốn, mà như vậy Người không phải là thánh! Cuối cùng, người ta có thể đi đến chỗ nghi ngờ chính sự hiện diện của Thiên Chúa.
Ngẫm nghĩ mãi rồi tôi nhận thấy là, để hiểu ơn cứu độ, tôi cần phải nhận ra hai mặt trái của cuộc sống: 1) những chuyện chướng tai gai mắt của lịch sử nhân loại; 2) khuynh hướng tự nhiên của cá nhân chuồi vào ích kỷ. Hai phương diện này liên hệ với nhau: Đa số các thảm trạng của nhân loại phát sinh do người ta chọn một trong hai phương diện này. Chẳng hạn đâu có phải là không tránh được chuyện chia hành tinh chúng ta ra làm hai thế giới giàu và nghèo? Hành tinh của chúng ta hẳn là đã khác nếu mọi người đều dứt khoát chọn hướng tốt.
Như thế, tôi hiểu trách nhiệm của tôi đối với cuộc sống của cá nhân tôi và đối với thế giới của chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không cần chúng ta, nhưng Người không thể cứu chúng ta mà không có chúng ta. Người muốn tôi cộng tác với Người để cứu lấy bản thân tôi và anh chị em tôi. Ơn cứu độ Đức Kitô mang lại không phải là một “bữa cỗ” dọn sẵn tôi chỉ việc đến mà hưởng! Đức Kitô không phải là một ông bụt tốt lành chờ tôi “thỉnh” là hiện ra mà dùng cây đũa thần vung lên để giải quyết cho tôi mọi sự! Nghĩ tới đây lại thấy bực mình: Hóa ra là Đức Kitô muốn còn “hành” tôi như thế? Nhưng suy cho cùng, tôi hiểu là chẳng những Người không “hành” tôi, mà còn “tôn” tôi nữa; Người tôn trọng tự do của tôi và sự trưởng thành của tôi trong chọn lựa thôi. Các nhà thần học thì nói: công trình cứu độ do Chúa Giêsu thực hiện đã thực sự đạt kết quả mỹ mãn, đấy là “ơn cứu độ khách quan”; nhưng nếu muốn thực sự hưởng ơn cứu độ ấy, còn phải mở lòng ra mà đón lấy ơn cứu độ ấy, nghĩa là tin vào tình yêu Thiên Chúa, đón nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu thế, và đấy là “ơn cứu độ chủ quan”. Và những bi kịch đau khổ vẫn xảy ra, bởi vì không phải mọi người đã đạt được “ơn cứu độ chủ quan”. Tôi hiểu, một đàng ơn cứu độ là một quà tặng Thiên Chúa ban không phải vì tôi xứng đáng, bởi vì nếu Thiên Chúa không cứu độ tôi, chẳng bao giờ tôi có thể nghĩ ra là Thiên Chúa có thể cứu độ tôi; nhưng đàng khác Người lại muốn tôi cộng tác với Người trong mức độ có thể để cùng với Người tạo ra kết quả cho tôi và cho anh chị em tôi.
Đến đây tôi nghĩ tới chuyện anh mù Giêrikhô: anh nhất định kêu tới Đức Giêsu dù người ta ngăn cản, và anh ta bày tỏ một niềm tin vào bản thân Đức Giêsu còn chính xác hơn những người vẫn đang đi theo Người. Hoặc bài Tin Mừng kể phép lạ hóa bánh ra nhiều: phần đóng góp của các tông đồ không bao nhiêu, nhưng các ngài thật sự đã góp phần với Đức Giêsu để giải quyết một vấn đề rất lớn. Hay là đoạn Tin Mừng kể chuyện các người bạn vô danh thòng dây thả một anh tê liệt từ trên mái nhà xuống trước mặt Đức Giêsu: họ đã thực sự góp phần cứu chữa người bạn của họ. Tất cả chúng ta đều bị tê liệt hoặc mù lòa câm điếc nhiều kiểu, và ơn cứu độ có nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa, nổi rõ nơi Đức Giêsu, đến gặp chúng ta và chữa lành chúng ta. Người hoàn toàn tự do trong việc chọn lựa cách thức: cứu chữa trực tiếp hay gián tiếp. Bởi vì hôm nay đang có khắp nơi những người được Đức Giêsu dùng làm trung gian để chữa lành người khác. Nói cho cùng, qua Đức Giêsu, qua những người trung gian, chúng ta được tái tạo lại đúng như Thiên Chúa muốn, đó là “những con người tự do để có thể yêu thương”. Chỉ có điều chúng ta là những học sinh quá chậm hiểu, nên cần phải có nhiều thời gian để nhận ra đường lối làm việc này của Thiên Chúa! Đàng khác, bi kịch vẫn xảy ra bởi vì vẫn còn vô số người không chấp nhận một Thiên Chúa như thế.
Rất mong là những chia sẻ này có thể góp thêm chút ánh sáng cho ông. Chúng ta cầu nguyện cho nhau.
Thân ái.
Lm PX Phan Long, ofm

Nguồn: hdgmvn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét