THẦN HỌC - MỘT LÁ THƯ TÌNH
Tạp chí DIAL mới đây có cho đăng lại một cuộc trò chuyện dài giữa Tu sĩ Ángel Darío Carrero ofm với Cha Gustavo Gutiérrez, được đăng trước tiên trên một tạp chí ở Porto-Rico. Do tầm quan trọng của bài phỏng vấn, Prêcheurs, tập nguyệt san thông tin của Tỉnh Dòng Đa Minh Pháp cho đăng lại toàn bộ.
Khai sinh một thuật ngữ thần học
Khi nào thì cha bắt đầu cảm nhận thực tế bạo lực và nghèo đói ở Mỹ Latinh và vùng Caribê như điểm khởi đầu của thần học?
Tôi bắt đầu ra làm việc vào tháng 3-1964. Có một cuộc họp do Ivan Illich tổ chức. Tôi có biết ông này khi tôi ở Porto-Rico năm 1960. Chính Ivan mời tôi đến dự buổi họp tại Petropolis [Braxin] để chúng tôi bàn thảo làm sao, bằng cách nào chúng tôi làm thần học tại Mỹ Latinh.
Và đâu là đóng góp của cha?
Tôi đã nói đến thần học như một suy tư về mục vụ và về đời sống Kitô hữu. Chính những điều này mà sau này tôi hình thành những suy tư phê bình về thực hành (praxis) dưới ánh sáng của đức tin.
Điều đầu tiên xuất hiện, phải chăng là thiết lập một phương pháp bắt nguồn từ đời sống thực tế để biến đổi dưới ánh sáng của Lời Chúa và mở ra những con đường cụ thể cho sự giải phóng?
Chính điều đó. Thực tế trong suốt thời gian học thần học, tôi hết sức bận tâm với câu hỏi về phương pháp. Trong đó, “Phương pháp luận là linh đạo của chúng ta.[1]”
Chủ đề gần gũi với người nghèo không mới, nhưng mới ở việc tìm kiếm những nguyên do của cái nghèo và đấu tranh chống lại cái nghèo như dự phần vào căn tính Kitô giáo. Khi nào thì sự chuyển tiếp này bắt đầu?
Tôi được mời thuyết trình về cái nghèo ở Montréal vào năm 1967. Tôi muốn giữ khoảng cách với Voillaume, tác giả của Giữa Đám Đông (Au Coeur des masses), bởi vì ông đã tránh né mọi viễn tượng xã hội liên quan đến chủ đề nghèo đói; nhưng thực tế là ta không thể tránh né những biến cố xảy ra trong xã hội. Tôi đã phát biểu về 3 khái niệm trong Thánh Kinh về cái nghèo: thứ nhất, cái nghèo thực (réelle) hay nghèo vật chất (matérielle), luôn được coi như một cái xấu (un mal). Thứ hai là cái nghèo tinh thần (pauvreté spirituelle), như đồng nghĩa với tinh thần con cái thiêng liêng (esprit d’enfance spirituelle). Cái nghèo tinh thần này hệ tại ở việc dám đặt đời mình trong tay Chúa. Cắt đứt mọi dính bén tới của cải là hệ quả của cái nghèo tinh thần. Và chiều kích thứ ba là sự liên đới với người nghèo chống lại cái nghèo. Voillaume nói về sự cần thiết phải nghèo (être pauvre). Rất tốt. Nhưng với mục đích gì? Ý nghĩa của nó là gì? Đó không phải là duy nhất để thoả mãn cho riêng tôi. Phải suy nghĩ đến điều gì đó có nghĩa cho kẻ khác.
Một yếu tố quan trọng khác của sự hình thành thuở ban đầu này?
Mối bận tâm: Làm thế nào loan báo Tin Mừng trong ngày hôm nay? Thần học được làm để loan báo Tin Mừng cho việc phục vụ Giáo Hội, cho cộng đoàn. Có biết bao trường phái cho rằng thần học là siêu hình học tôn giáo, không phải như lời loan báo lịch sử của sự giải phóng.
Khi nào thì một cách thức mới suy tư về đức tin khởi đi từ viễn cảnh của cái nghèo và sự loại trừ được gọi là “thần học giải phóng”?
Đó là vào ngày 22-7-1968 ở Chimbote [Pêru]. Tôi được mời nói chuyện về “thần học về sự phát triển” và tôi đã từ chối. Tôi nói rằng tôi sẽ nói về “thần học giải phóng”, điều này thích hợp hơn với hoàn cảnh của chúng tôi. Một khái niệm khác rất thời trang vào lúc đó - “thần học cách mạng” (théologie de la révolution) - tôi cũng giữ khoảng cách với phong trào này. Mối nguy hiểm của phong trào thần học cách mạng này là vận dụng một cách Kitô giáo hoá các biến cố chính trị.
Khác với nhiều người, cha không bao giờ đồng ý với các đảng phái hay những nhóm chính trị như dân chủ Thiên Chúa giáo hay Kitô hữu vì chủ nghĩa xã hội, mặc dù điểm nhấn trong suy tư của cha đặt trên chiều kích chính trị của đức tin. Tại sao?
Tôi không bao giờ thích người ta dùng từ “Kitô hữu” (chrétien) như một tính từ. Từ Kitô hữu là một danh từ. Tôi luôn xưng: “Tôi là Kitô hữu vì Đức Kitô, không phải vì chủ nghĩa xã hội”. Như một Kitô hữu, ai đó phải có ý kiến về chủ nghĩa xã hội, đó là chuyện khác, nhưng tôi không thể khai triển chủ nghĩa xã hội của một hành trình xuyên qua Thánh Kinh. Từ Thánh Kinh, tôi khai triển ý kiến này vì công lý, ý kiến vì cái nghèo. Người không hiểu điều này nói: “Ê, nhưng mà cha từ chối chính trị, là cha đang ở phía đối lập”. Tôi trả lời rằng tôi cũng tin vào quyền lực của xã hội và chính trị.
Khi nào thì nảy sinh ý tưởng viết cuốn sách Thần học Giải phóng, những viễn tượng, mà nó đã trở thành bản văn nền tảng của thần học Mỹ Latinh đương đại?
Trong thực tế, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện viết một cuốn sách như thế. Tôi quan tâm và làm việc trên chủ đề này rồi từ từ thì cuốn sách thành hình. Vào đầu năm 1969, ở một nơi gần Medellin, một uỷ ban đại kết về các chủ đề phát triển mời tôi đến Genève. Thế nên, tôi làm lại báo cáo mà tôi đã làm ở Chimbote và chính vì thế mà tôi tiếp tục đan dệt suy tư này. […]
Chống đối và hiểu lầm
Đâu là những chống đối chính mà cuốn sách gặp phải?
Tôi đã nói rồi, còn hơn với cuốn sách, mà chính là với thần học giải phóng mà người ta chống đối. Có nhiều người viết; họ phê bình viễn tượng chính trị mácxít trong các phân tích xã hội, nhưng tôi chẳng cảm thấy bị chĩa mũi dùi. Tuy thế, sự chống đối mạnh mẽ nhất mà tôi gặp phải không phải từ trong lòng Giáo Hội, nhưng từ những phần tử của xã hội dân sự, từ những thế lực kinh tế, quân sự, chính trị đang hình thành.
Cuộc tranh luận mở rộng là dấu chỉ của một thần học đã nói lên cái gì đó của con người ngày nay, thần học sinh ra cuộc đối thoại phê bình, không chỉ bên trong Giáo hội, mà còn với xã hội.
Một phần lớn những phản ứng dự trù nhận được thì cuốn sách đã nhận được. Nếu tôi ở lại trong môi trường trí thức, thì sẽ chẳng có sự va chạm này. Có sự tiếp nhận cơ bản, với những thành ngữ không thích hợp cho tôi, nhưng nó lại đến từ sự thiện chí, kiểu như: “Tôi thuộc về thần học giải phóng”, nhưng thần học giải phóng không phải là câu lạc bộ hay đảng phái chính trị để anh hay chị, ông hay bà đăng ký ghi danh làm hội viên. Họ tự xưng là thành viên và sau khi họ phát biểu những gì họ muốn và điều này chẳng ăn nhập gì tới những gì tôi suy tư. Đó là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng cần thiết phải tìm kiếm những khiếm khuyết cho một thần học gốc Phương Nam.
Một nhà báo Bắc Mỹ hỏi tôi: “Thần học giải phóng nghĩ gì về vấn đề thế giới này?” Tôi trả lời anh ta: “Có phải các anh tin rằng đây là một đảng chính trị và tôi đang là tổng thư ký chăng? Này không phải đâu nhá!” Và thêm vào: “Dám cá rằng anh chưa hỏi [Johannes Baptist] Metz về những gì thần học chính trị Âu châu suy tư về vấn đề của thế giới này. Với ông ta thì không, nhưng với thần học của chúng tôi thì có, đúng là như vậy”. - “Dĩ nhiên, bởi vì thần học của Metz mới thực là thần học, vì Metz là người Đức…”. Một số phản ứng lại cách thức này bởi vì họ nghĩ rằng những gì đến từ Mỹ Latinh có rất nhiều khiếm khuyết. Họ nên tìm ở đâu đó. Nếu đó là Mỹ Latinh, thì nó phải có dựa trên lập trường kỳ cục. Điều người ta muốn là vật hoá thần học.
Đối thoại hơn đối đầu
Nếu cứ để cho báo chí dẫn đường, thì có vẻ như cha đã bị Giáo hội kết án. Và điều này không được kiểm chứng.
Thật là kỳ lạ. Trong trường hợp của tôi, chưa hề có một bản án nào, ngay cả đến một cuộc điều tra, nhưng biết bao người đã được gọi để đối thoại, những câu hỏi mà tôi luôn phải chuẩn bị để trả lời.
Kiểu đối thoại này có giá trị gì cho cha?
Tôi luôn tin rằng thần học được làm từ ngay chính trong lòng Giáo Hội. Trong Giáo Hội, có những đặc sủng khác nhau. Với người làm thần học thì người ta tính sổ đức tin của anh ta, như người ta tính sổ chúng ta về niềm hy vọng. Còn những câu hỏi, không có câu nào gây tổn thương cả.
Cuộc đối thoại này kéo dài bao lâu?
Nó bắt đầu năm 1983 và kết thúc theo nhiều cách. Nhưng trên giấy tờ chính thức là 5 năm. Trong suốt thời gian dài đó, tất cả đều ở trong thinh lặng. Không có gì chống lại tôi.
Bản văn chính thức nói gì?
Thành ngữ đó là “tất cả đều kết thúc cách tốt đẹp”.
Cha đã nhiều lần gặp gỡ Đức Hồng y Joseph Ratzinger?
Đúng. Phần lớn thời gian, tôi được triệu tập, chính tôi đưa ra ý tưởng ấy. Đức Hồng y Ratzinger là người thông minh, lịch lãm và là người luôn thăng tiến và hiểu nhiều chuyện mà vẫn luôn giữ được tâm tính của mình. Một lần kia, ở Rôma, ngài nói tôi rằng ngài đã đọc cuốn sách viết về Gióp của tôi. (Chính tôi gởi tặng ngài cuốn sách đó. Tôi luôn nghĩ rằng khoảng cách tạo nên ảo tưởng). Ngài nói ngài thích cuốn sách của tôi, và chúng tôi, những thần học gia miền Nam, chúng tôi có thi ca trong thần học, trong khi thần học Âu châu thì lạnh lẽo hơn.
Cách thức tiến hành của cha luôn có vẻ hơi đối đầu, cắm sâu trong đối thoại và không thiếu thảm kịch. Một số tin rằng cách thức này thích ứng với cá tính của cha, nhưng tôi tin là có cái gì đó mang tính giáo hội sâu sắc.
Đúng vậy. Tất cả đến từ những gì mà thế giới nói nhiều nhất về tôi lại không phải là giới trí thức. Đó không phải là sự bảo vệ cho những ý tưởng của tôi bởi vì đó là ý tưởng của tôi rồi. Tôi được quan tâm bởi đời sống Giáo Hội, việc loan báo Tin Mừng và sự sống của hội đồng giám mục.
Số phận và tình trạng của thần học giải phóng
Thần học mang dấu hiệu của thời đại. Một cách hữu hình chúng ta đang đi vào giai đoạn mà ta không còn cảm thấy cấp bách và những con đường mới mở ra cho đức tin.
Cho đến tận tuổi 40, tôi không bao giờ nói về thần học giải phóng và tôi tin rằng tôi thực sự là Kitô hữu. Như vậy, tôi là người Kitô hữu sau thần học giải phóng. Khi ta nói với tôi rằng ngày nay thần học giải phóng đã chết, tôi trả lời: “Tốt thôi! Tôi chưa được mời dự đám tang của nó, tuy nhiên tôi tin rằng tôi có quyền”. Sau đó tôi còn thêm: “Xem này, tôi tin là đúng đấy, nó sắp chết”. Qua cái chết, tôi cảm thấy việc thần học giải phóng không còn sự cấp bách như ngày nào. Với tôi, đó là chuyện bình thường, đó là sự đóng góp cho Giáo Hội ở một thời điểm cụ thể.
Tôi tin là cha rất chú trọng đến việc không để thần học biến thành thần tượng, thành một ý thức hệ phòng thủ.
Không nên làm thần học thành một thứ tôn giáo mới. Đó là khuynh hướng của xã hội dân sự. Một số nghĩ rằng thần học giải phóng là một thứ chủ nghĩa Kitô, một thứ Kitô giáo khác, là của tôi. Rồi họ ca tụng nó, mà không dám phê bình nó. Họ không tin vào Kitô giáo, nhưng vào thần học giải phóng. Và rồi! Tôi rất tiếc, điều quan trọng đó là Kitô giáo, chứ không phải là thần học giải phóng. Thần học giải phóng chỉ tồn tại giữa lòng Kitô giáo.
Tất cả thần học đều mang tính hoàn cảnh
Cha không tin là ngày xưa khi nói đến tính đa nguyên thần học, thực tế đó là một tính đa nguyên giới hạn vào trong ngữ cảnh của tinh thần riêng biệt của Âu châu?
Đúng, và bây giờ vẫn thế, trong giới trí thức đại học và các thần học gia, người ta nói chúng tôi như “thần học hoàn cảnh”: một cách thức suy tư gắn chặt với [một] thực tại [nào đó]. Khi người ta nói tôi điều này, tôi bẻ lại để gây phiền cho họ: “Ô, ông bà đã có ý tưởng xấu xa về thần học Âu châu. Ông bà đang nói với tôi rằng thần học đó không đến từ những bối cảnh cụ thể, rằng đó là thứ thần học không gắn bó với thực tế. Một thứ thần học lững lờ. Tôi tin là như vậy”.
Cha có phải đấu tranh chống lại thiên hướng về sự ưu việt?
Rất nhiều. Gọi là “bối cảnh” đối với thần học này và “không bối cảnh” với thần học kia là ví dụ. Mọi cách thức suy tư đều tương ứng với một bối cảnh. Còn hơn sự từ chối của thần học giải phóng, phải nói đến sự truyền thông với bậc thang phía dưới, như thể chúng ta là cái gì đó hạ cấp. Ta nói nhiều đến nhiều về kiểu này. Ta chấp nhận các ý tưởng này, nhưng ta lại phê bình thần học giải phóng. Nghĩa là gì?
Chúng ta quen với những gì thần học chỉ đối thoại với triết học và không phải với khoa học xã hội. Đó là điều mới mẻ mà rất khó chấp nhận lúc đầu.
Lạ. Bởi vì ngày nay, khoa học xã hội ngự ở giữa lòng thần học. Sự phê bình hướng về thần học giải phóng ngày nay đã bị vượt qua. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ nói rằng khoa học xã hội thay thế triết học trong thần học; chúng ta chỉ mở cánh cửa cho ánh sáng và các môn học để làm việc trên các mầu nhiệm Kitô giáo.
Hơn nữa, toàn thể thần học thực sự sáng tạo sinh ra những phản kháng. Đó là thử thách trong lửa giá trị của nó.
Hiển nhiên. Hãy xem các phản ứng trước cuộc đối thoại của Teilhard de Chardin với khoa học tự nhiên. Và một ví dụ kinh điển của Thánh Thomas d’Aquin. (Tôi nói về người khổng lồ trong thần học mà thần học giải phóng chỉ là chú lùn). Người ta đã chống đối mạnh mẽ Thánh Thomas; ngài bị Đại học Paris kết án và phải mất hàng thế kỷ sau mới được công nhận. Ngài đã đưa triết lý của dân ngoại vào, rồi còn tái suy tư, sử dụng lại, hoà trộn.
Cha có tin là bây giờ chúng ta ở vào hoàn cảnh mới tốt hơn?
Giai đoạn khó nhất và rắc rối nhất đã là quá khứ. Nó phải hiện hữu cho các sử gia. Và rất hay để nói rằng nó bị vượt qua. Nếu cái gì đó thực sự chết, đó là vấn đề. Tôi tin rằng thực sự đến lúc phải hạ giọng.
Thần tượng của thần học
Có một bản văn trong đó cha suy tư đến bối cảnh hiện tại của toàn cầu hoá và hậu hiện đại và về những thách thức đặt ra cho thần học. Tôi rất thích khảo luận Người nghèo ngủ ở đâu? (Où dormiront les pauvres?). Cha đang bắt đầu phê bình cám dỗ làm cho thần học thành một thần tượng.
Khi tôi tuyệt đối hoá thành cái gì đó không phải Chúa, thì tôi đã rơi vào sự tôn thờ ngẫu tượng. Tôi nghe nói: “Thần học giải phóng hay không”. Tôi không bao giờ phát biểu: “Nếu ông bà muốn hiểu Đức Kitô, hãy đọc thần học giải phóng”. Bây giờ, nếu ai đó hỏi tôi rằng tôi có tin là do đọc thần học giải phóng về sự giải phóng mà họ hiểu được cái gì đó quan trọng của Kitô giáo, thì tôi sẽ trả lời là có. Đó là sự khiêu khích để nói, nhưng công lý cũng có thể trở nên một thứ thần tượng. Tôi thấy những người nghèo bị ngược đãi bởi những con người tự tin thông minh hơn rất nhiều về mặt chính trị. Tôi luôn ghi trong lòng suy tư của Pascal mà tôi đọc được lúc 15 tuổi: “Lạm dụng chân lý còn tồi tệ hơn dối trá”. Ta có thể sở hữu chân lý và lạm dụng nó. Con người luôn quan trọng hơn.
Suy tư của cha gần đây nhất cũng chú ý đến việc chống lại cám dỗ biến những người nghèo thành thần tượng.
Điều đó đến từ tính lãng mạn của ai đó. Có người nói với tôi rằng: “Tôi học được tất cả từ người nghèo, người nghèo thì rất tốt”. Đôi khi tôi đùa với họ: “Ông bà tin rằng mọi người nghèo đều tốt lành và quảng đại; này coi chừng! Tôi không khuyên ông bà vào khu tôi ở lúc 2 giờ sáng bởi vì ông bà sẽ thấy mình trần trụi như lúc mới lọt lòng mẹ, nhưng chỉ có hơi già hơn một chút”. Đó là cách thức làm cho hiểu ý kiến không tồn tại bởi vì người nghèo thì tốt bụng, nhưng bởi vì Chúa luôn tốt. Nếu người nghèo không tốt, ý kiến này vẫn có giá trị như vậy. Nhiều người nghèo thất vọng vì sự dấn thân của họ bởi họ tin rằng cái nghèo là tốt. Nếu họ dấn thân là bởi vì Thiên Chúa tốt lành, thì họ sẽ còn dấn thân nhiều hơn nữa.
Thần học, thần bí và thi ca
Thực sự, một trong số bài báo của cha, có tựa đề “Thánh Gioan Thánh giá ở Mỹ Latinh”, cha đã ghi nhận rằng điều có thể giúp ta tránh được con đường tôn sùng ngẫu tượng (nói về giải phóng không đủ để giải thoát), chúng ta phải mở ra chiều kích huyền bí cho đức tin.
Sự riêng biệt của huyên bí, đó là khả năng giúp chúng ta thanh lọc khái niệm Thiên Chúa. Nếu chúng ta nhìn Thánh Gioan Thánh Giá, có một lúc nào đó, ở lưng chừng núi, nơi bảo rằng từ đó trở đi sẽ không còn đường nữa. Đó là huyền bí. Một cuộc hành trình với Chúa. Tiếp tục đi với ngài, ta càng tiến bước trong cuộc đời này, tuyệt đối duy nhất của chúng ta. Tuy vậy, phải sửa chữa khái niệm huyền bí của chúng ta. Không phải, như người ta nói đó đây, thoát ra khỏi thế gian này. Đừng nói đến thông truyền một thông điệp, nhưng “thông truyền những gì ta chiêm niệm”. Về điểm này, cần thêm vào trực giác của Nadal: “Là người chiêm niệm trong hành động”.
Những gì đôi khi được xác định như thần bí, bao gồm cả những thần học gia quan trọng hay bác học, còn giữ lại hồi ức cực đoan của thuyết tân Platon vốn chối bỏ thân xác lịch sử.
Thần bí không hệ tại việc căm ghét thế gian này. Vẫn còn có những người xét xử rất thần bí ai đó mà người này không đứng trên mặt đất. Nếu cái nghèo không kể cho nó, thì tôi không chắc phải nói đến kinh nghiệm thần bí. Quan trọng là một người thần bí, Thérèse Lisieux, làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Dần dần, ra như cha nhấn mạnh ngày càng nhiều đến thi ca như ngôn ngữ tốt nhất để nói về Chúa. Có thật vậy không?
Thi ca là ngôn ngữ hay nhất của tình yêu. Và Chúa là Tình Yêu. Ngôn ngữ hay nhất để nói về Chúa là thi ca. Một ngôn ngữ sâu sắc nhìn thế giới và nhìn mối tương quan với người khác từ một chiều kích và chiều sâu mà khái niệm không thể cung cấp. Dù ta không làm thơ, thì chính thần học luôn là bức thư tình gửi Thiên Chúa, gửi Giáo Hội và gửi cho dân mà chúng ta phục vụ.
Cuộc phỏng vấn đăng trên La Revista, nhật báo El Nuevo Dia của Porto-Rico xuất bản, ngày 22-6-2008.
Bản dịch tiếng pháp do Sylvette LIENS, đăng trên trang DIAL, http://enligne.dial-info.org
Bản tiếng Pháp do Prêcheurs, số 114, 11-2008, lấy lại có sửa chữa đôi chút và đặt tựa.
[1] Notre méthodologie est notre spiritualité. Trong từ điển Pháp - Việt của Đào Đăng Vỹ, spiritualité còn mang nghĩa kinh nghiệm sống. (ND)
Phạm Hoàng Dũng chuyển ngữ
Nguồn: Đaminh VN
Nguồn: Đaminh VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét