ĐÊM ÁNH SÁNG
Ngày 25/12/354, lần đầu tiên Giáo hội Công giáo mừng Lễ Giáng Sinh với tất cả niềm vui hợp pháp đạo đời. Thực ra trước đó khá lâu, dù chưa được chính quyền Rôma công nhận, tín hữu đã âm thầm mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày đông chí, tức là dịp mừng mặt trời xuất hiện sau đêm đông dài nhất; nhưng từ khi Hoàng đế Rôma là Constantin gia nhập công giáo, Lễ Giáng Sinh đã được công khai mừng kính và nhất là với tông sắc của Đức Giáo hoàng Liberius, ngày 25-12 đã trở thành ngày mừng Chúa Giáng Sinh từ đó cho đến hôm nay. Vì lý do lịch sử ấy, người ta rất tự nhiên chuyển những nghi thức bên đời mừng ánh sáng vươn lên giữa đêm đông vào trong tổ chức của Lễ Giáng Sinh bên đạo, và cũng vì thế có hàng loạt những trưng bày ánh sáng sao đèn giăng mắc, từ tư gia đến công sở, từ nhà thờ đến công viên và ngay cả dưới mái hiên của các cửa hàng thương mại. Giáng Sinh là lễ của ánh sáng và đêm nay cũng được gọi là đêm ngập tràn ánh sáng.
1. Ánh sáng hồng ân
Nếu dọc dài Mùa Vọng, sắc phục của phụng vụ là màu tím của kiên bền chờ đợi, thì sắc phục hôm nay lại vui tươi bừng sáng. Cả lịch sử Dân Chúa, từ khi nguyên tổ sa ngã cho tới ngày Chúa Giêsu sinh ra, được dệt bằng màu tím trông mong mòn mỏi của bao thế hệ. Bởi vì hạnh phúc địa đàng Chúa ban quá lớn đã bị mất đi và cũng vì con người không thể tự mình vùng vẫy thoát ra được, nên phải trông chờ nguồn ơn trên cao đổ xuống. Công trình sáng tạo là cuộc giao duyên trời-đất: Thiên Chúa dựng nêncon người giống hình ảnh Ngài. Hồng ân vĩ đại. Nhưng một khi làm mất rồi có xoay xở cách mấy đi nữa cũng chẳng thể vớt vát được. Tiếc hùi hụi. Đã có nỗ lực như xây tháp Babel chọc trời mà nào có xong. Thành thử thái độ duy nhất tương ứng là đợi ơn trên ban cho, do Chúa nghiêng trời ngự xuống. Chả thế mà lời kinh thống thiết diễn tả nỗi lòng thấu đến trời xanh chính là “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời”.
“Thiên Chúa đã sáng tạo con người cách lạ lùng, nhưng Ngài còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”. Thánh Augustinô đã cảm nhận như thế và Mùa Giáng Sinh cũng sử dụng tâm tình này như là kinh nguyện của mình. Cuộc giao duyên trời-đất giữa Thiên Chúa và loài người bị cắt đứt nay đã được nối lại: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã chào đời cho chúng ta”. Đó là sáng kiến do tình thương của Thiên Chúa chứ không do áp lực mong chờ của nhân loại. Đó là hồng ân Chúa ban cho muôn người và đó cũng là Ánh sáng Giáng Sinh xua đi đêm dài tăm tối trải dài bao ngàn năm lịch sử. Vì thế, đêm nay chính là đêm của ánh sáng hồng ân như trong nhãn giới của bài đọc một: “Dân đi trong u tối đã nhìn thấy ánh sáng”.
2. Ánh sáng cứu đời
Nhưng Hài Nhi Giáng Sinh trong đêm hồng phúc với ánh sáng thắp lên muôn nơi, dẫu mang lấy hình hài bé bỏng, mỏng giòn trẻ thơ, lại chẳng phải là siêu nhân quyền phép biến hoá như trong truyện phù thuỷ Harry Potter nổi tiếng, hay là thần tiên giáng thế như trong truyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, mà là Ngôi Lời nhập thể, Con Thiên Chúa làm người. Ngài đến với thế giới không theo kiểu du hành của các nhà thám hiểm vũ trụ, hết thời hạn bay quy định là phải quay về trái đất; cũng không theo kiểu vi hành của mấy vị hoàng đế trong truyện nghìn lẻ một đêm, cải trang thành thường dân trà trộn vào ngõ ngách cuộc sống để quan sát sự tình, mong tìm thêm chất liệu cười đùa cho ngày sẽ tới; mà theo kiểu riêng của Ngài là đồng hành với con người, đón lấy thân phận con người trong mọi sự ngoại trừ sự tội, để cứu gỡ con người khỏi vòng tội lỗi và chết chóc. Để cứu thế, Thiên Chúa nhập thế; để cứu người, Thiên Chúa làm người.
Thánh Kinh bảo rằng Ngài đến viếng thăm dân mình, nhưng không phải kiểu thăm xã giao của tiếng chào mâm cỗ, mà một lần đến thăm là thực thi cho bằng được công cuộc cứu rỗi đã hứa từ xưa, cho dẫu có phải gánh chịu những nghiệt ngã của phận số và thời cuộc. Hang đá bây giờ quá đẹp, quá sang, chứ hang đá đích thực nơi Con Chúa ra đời thì hẩm hiu lắm. Chuồng bò, hang chiên mà. Nhưng đó chính là điểm khởi đầu của công trình tái tạo thế giới, giải thoát mọi người. Con Thiên Chúa đã làm người để con người được nhận lại phẩm giá làm con Chúa. Qua lời thiên thần báo, mục đồng biết: Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh; và trong lời thiên thần hát, mọi người hiểu: trời cao Thiên Chúa vinh quang, thế trần nhân loại hát vang hoà bình. Vì thế, đêm nay, đêm của ánh sáng xua đi bóng tối cũng là đêm của Đấng là ánh sáng đem lại ơn giải thoát cho muôn người.
3. Ánh sáng niềm vui
Và như kết quả tất yếu của hồng ân, nhất là hồng ân cứu đời, đêm nay rất tự nhiên đem lại cho mọi người niềm vui hạnh phúc. Người Công giáo thì khỏi nói, như chúng ta đêm nay quy tụ lại đây mừng Chúa Giáng Sinh, ai cũng rạng rỡ vui tươi, ai cũng hân hoan thanh thản dâng lời ca hát trong ánh sáng Noel. Những người lương cũng được mời gọi chia sẻ trong niềm vui cộng hưởng này. Các nhân sự phục vụ xã hội trong những ngày qua đã đến Toà Giám mục mừng Giáng Sinh và hân hoan gửi lời cầu chúc an lành đến tất cả bà con giáo dân. Đây quả là niềm vui đặc biệt không chỉ dừng lại trên hàng chữ “Chúc Mừng Giáng Sinh” bằng mọi ngôn ngữ, mà trên hết và trước hết là niềm vui trọng đại như lời thiên thần báo tin trong bài Phúc Âm: “Ta báo cho anh em một tin mừng, một niềm vui trọng đại cho toàn dân: hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh”.
Niềm vui trọng đại vì liên quan đến lịch sử mọi dân tộc, cả quá khứ hiện tại lẫn tương lai; niềm vui trọng đại vì ảnh hưởng đến vận mạng của muôn người trần thế, và niềm vui trọng đại cũng còn vì thoả đáp lại nguyện vọng của bao thế hệ. Hài Nhi trong máng cỏ chính là Đấng cứu nhân độ thế, nên ánh sáng đêm nay chan hoà niềm vui và niềm vui đêm nay ngoài tính cách trọng đại của bầu khí lễ nghi cũng còn mang tính hiện đại nữa. Mỗi tín hữu chúng ta, khi biết chia sẻ ánh sáng cho những mảnh đời tối tăm, khi biết an ủi cho những cảnh sống sầu buồn, khi biết nâng đỡ, giúp đỡ và bênh đỡ những người trong cơn khốn khó cả vật chất lẫn tinh thần, thiết nghĩ, đó là lúc chúng ta biết tích cực nhận lấy ánh sáng vui tươi đêm nay và rồi biết khai triển niềm vui ánh sáng Giáng Sinh ấy thành quà tặng gửi trao cho những người chung quanh mình.
Đó là ba tư tưởng nhỏ về ý nghĩa lớn của đêm nay, đêm ánh sáng, từ ánh sáng hồng ân đến ánh sáng cứu độ và đậu lại trên ánh sáng niềm vui; cũng là ánh sáng mà tín hữu, tuỳ thuộc thái độ sống Tin Mừng của mình, có thể góp phần làm cho hội tụ, khuyếch tán hoặc khúc xạ.
Xin hồng phúc của Chúa Hài Đồng cũng như hạnh phúc của Mùa Giáng Sinh đến với mọi người và xin cho mỗi người với hoàn cảnh sống cũng như với bậc sống hiện tại, biết nỗ lực trở thành tông đồ của ánh sáng niềm vui Giáng Sinh cho mọi người ta gặp gỡ.
+ Gm. Giuse Vũ Duy Thống
Nguồn: truyenthongconggiao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét