THIÊN CHÚA Giáng sinh LÀ MỘT BIẾN CỐ LỊCH SỬ
Người ta thường gọi lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu là lễ Noen. Đây là kiểu viết tắt của lời tiên báo trong Sấm Ký tiên tri Isaia: "Này một cô trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel - nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Is 7,14).
800 năm sau lời tiên báo này đã thành hiện thực khi Đức Giêsu Giáng sinh trong một hang đá tại cánh đồng làng Bêlem, miền Giudea, nước Do thái (phía nam thủ đô Giêrusalem chừng 8 km).
Thánh sử Matthêu đã ghi: "Tất cả việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ (Isaia): Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên Con Trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Mt 1,22-24). Bêlem, nơi Chúa sinh ra vào thời vua Hêrôđê trị vì xứ Palestin cũng đã được tiên báo trước và được thánh sử Matthêu ghi lại như sau: "Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: 'Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người'. Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: 'Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 'Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ixraen dân Ta sẽ ra đời'" (Mt 2,1-6).
Thánh sử Luca trong phần lời tựa của Tin Mừng thứ ba về Chúa Giêsu đã viết như sau: "Thưa ngài Thêôphilô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc" (Lc 1,1-5).
Văn phong và lối viết như một sử gia chuyên môn đích thực về biến cố Chúa Giêsu Giáng sinh thì thánh Luca đã viết: "Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: 'Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ'. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: 'Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương'. Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: 'Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết'. Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu ; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ" (Lc 2,1-21).
Phân tích đoạn trên, chúng ta thấy rõ văn phong lịch sử chuyên nghiệp.
1. Đặt biến cố Chúa Giáng sinh trong mối tương quan với những sự kiện đương thời:
a. Thời trị vì của hoàng đế La Mã Augustô.
b. Biến cố lịch sử: Thời điểm ra chiếu chỉ kiểm tra dân số.
c. Không gian: Khắp thiên hạ (trong đế quốc bao la của La Mã thống trị).
d. Xác định lịch sử của cuộc kiểm tra: Đây là lần đầu tiên thực hiện thời ông Quiriniô đang làm Tổng trấn xứ Xyri (thuộc địa La Mã).
e. Hiệu lực của lệnh kiểm tra: Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.
f. Trong biến cố này, thánh sử Luca xác định địa danh: Từ Nazareth miền Galilê lên thành của vua David (nguyên quán của vua David) là Bêlem, miền Giuđê.
g. Lý do phải bỏ Nazareth (miền Bắc) lên miền Nam Bêlem là vì ông Giuse thuộc dòng tộc vua David, nên phải đem vợ về khai sổ nhân danh đang khi bà mang thai sắp tới ngày sinh.
h. Đúng thời điểm này bà sinh con trai, lấy tã bọc con đặt nằm trong máng cỏ (tại một hang cho bò lừa trú nắng mưa) vì không tìm được chỗ trong quán trọ.
i. Hoàn cảnh xung quanh ở thời điểm đó: Có những mục đồng thức đêm canh giữ đàn vật … họ được sứ thần báo Tin Mừng trọng đại theo như lời sấm của các tiên tri.
j. Họ bảo nhau tới đúng địa chỉ, vào hang đá và đã gặp bà Maria, ông Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ (đúng như lời sứ thần nói), và họ đã tôn vinh Thiên Chúa.
Thánh sử Marcô thì cho rằng biến cố Thiên Chúa Giáng sinh đã được ghi nhận chi tiết rõ ràng và đầy đủ rồi nên ngài mở đầu Tin Mừng bằng việc trưng dẫn một vị ngôn sứ thế giá làm chứng cho Đức Giêsu, đó là ông Gioan Tẩy giả: "Tôi đây làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần" (Mc 1,8).
Thánh sử Gioan chép Tin Mừng thứ tư (sau 3 Tin Mừng kia) chỉ nhấn mạnh Thần Tính của Chúa Giêsu và sứ mạng của Ngài nên tóm kết biến cố Giáng sinh bằng lời chứng: "Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14). Ông cũng trưng lời ngôn sứ Gioan Tẩy Giả làm chứng về Chúa Giêsu đang có mặt giữa dân chúng: "Tôi đây làm phép rửa trong nước nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho người" (Ga 1,26-27). Các Tông đồ khác cũng đã để lại bút tích về Đức Giêsu là Thầy của mình đã sống, đã đi đây đó, đã giảng dạy, làm các phép lạ và sau cùng đã chết và sống lại, lên trời vào thời quan Tổng trấn Philatô đang cai quản vùng Palestin. Đó là các ông Phaolô, Phêrô, Giacôbê, Giuđa (Tađêô), họ là những chứng nhân đích thực "mắt thấy, tai nghe" sống đồng thời với Chúa Giêsu.
Nhận định:
1. Một biến cố được gọi là lịch sử thì phải xảy ra thực sự và được xác định bởi một thời điểm (thời gian) và địa điểm (không gian). Thiếu một trong ba yếu tố này thì không có giá trị lịch sử, đó là thần thoại, huyền thoại, hư cấu cùng lắm là dã sử mà thôi (không phải chính sử).
2. Biến cố Chúa Giêsu Giáng sinh là chính sử, gồm đủ ba yếu tố kể trên được ghi nhận bởi nhiều người, và được nhiều người chứng thực. Cần lưu ý đặc biệt: Con người lịch sử của Chúa Giêsu là nền tảng quan trọng nhất trong đức tin của mọi tín hữu. Nếu Đức Giêsu không phải nhân vật lịch sử mà chỉ là nhân vật thần thoại như thần Giớt, nhân vật tiểu thuyết như Tôn Ngộ Không, nhân vật dã sử như Thánh Gióng… thì toàn bộ giáo lý của Ngài vứt đi hết, chẳng có giá trị gì, và kẻ tin theo sẽ là những người ngu dại và khốn khổ nhất trần gian (1Cr 15,19).
3. Nói tới lịch sử thì phải nói tới sự thật, biến cố lịch sử phải là cái gì có thật, đúng như sự thật (chính xác là những gì đã xảy ra) "sai 1 ly, sẽ đi 1 dặm". Lịch sử bị bóp méo sẽ trở thành một sự lừa dối bỉ ổi. Nước nào cũng có sách sử nhưng thử hỏi đó có phải là chính sử 100% hay không ? (người viết luôn nghi ngờ).
Có sử gia nào viết về một vua đương thời, một lãnh tụ đương thời mà không nằm lòng nguyên tắc "tốt khoe, xấu che". Thời Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông đến Kim Yung Un hay các vua chúa Việt Nam đố sử gia nào mà dám viết sự thật như mình biết. Thách sử gia nào dám ghi lỗi lầm, những điều xỉ nhục họ chịu trong cuốn sách của mình ? Nếu để đời sau hay đời sau nữa mới viết lại thì thế nào cũng bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố này: Một là thiếu bằng chứng, nhân chứng đồng thời, đương thời, nhiều chi tiết cũng chỉ viết lại theo điều tác giả đã được nghe nói mà thôi, chưa chắc đã là sự thật, kể cả căn cứ vào báo chí, các phương tiện truyền thông. Hai là bị những xu hướng chính trị, tâm lý yêu ghét "bẻ cong ngòi bút". Sau Cách mạng tháng 10 Nga ai dám nói tốt về Sa Hoàng ? Sau biến cố 1975 nhiều sách báo đã viết về một đường hầm từ dinh Gia Long tới Nhà thờ Cha Tam, rất nhiều người đã tin như thế. Sự thật thế nào ? Ai cũng biết tới bây giờ mà công trình Mêtrô từ Sàigòn tới Suối Tiên vẫn còn ì ạch, chưa biết đến bao giờ xong. Đây là sự thật (41 năm sau 1975) cũng như cả một quãng thời gian dài báo chí nói tới 18 tấn vàng ông Thiệu "cuỗm" đi sự thật mới được phanh phui. Toàn dân, toàn thế giới bị lừa, những "sử gia" đã viết những thông tin sai lạc "sờ sờ trước mắt" không biết có xấu hổ không ? Đấy "chính sử" của thế gian như thế đó.
Chỉ có Thánh Kinh nói chung và Phúc Âm nói riêng, mới là sách "sự thật 100%" vì đã dám tố cáo cả tội ngoại tình, tội giết chồng đoạt vợ người ta của vua thánh David, dám nói những điều xỉ nhục cho Thầy mình "đồ quỷ ám", tên "ăn nhậu với phường tội lỗi", người "mất trí – điên khùng", bao nhiêu khổ nhục trong cuộc khổ nạn và cái chết trần truồng trên Thập giá … Chỉ có sử gia chính hiệu mới dám viết về một Giuđa bán thầy, một Phêrô – lãnh tụ của nhóm anh em – chối thầy ba lần … Sử gia thế gian có dám viết về lãnh tụ đương thời của mình như vậy không ?
Sở dĩ mà sự thật được tôn trọng tuyệt đối trong Thánh Kinh là vì Thánh Kinh là lịch sử Ơn Cứu Độ (không hẳn là chính sử ngoài đời nhưng có tính lịch sử), được viết dưới sự Linh Hứng của Chúa Thánh Thần. Các tác giả đã thấm nhuần đạo lý của Chúa Giêsu: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm bớt là do ác quỷ" (Mt 5,37). Các tác giả đã tôn thờ và viết chủ yếu về Đức Giêsu và những gì liên quan tới Đức Giêsu, Đấng đã xưng mình: "Là đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6).
Đối với hơn 3 tỉ người Thiên Chúa giáo hiện nay, bộ Kinh Thánh này được gọi là "Thánh", nghĩa là sách của Đức Chúa Trời, sách chứa đựng Lời Đức Chúa Trời chứ không phải như các sách khác ở trần gian hoàn toàn do con người sáng tác.
Trong bức thư của Đức Hồng y J. Villot, Quốc vụ khanh Tòa Thánh Vatican, đại diện Đức Giáo hoàng Phaolô VI, gửi cho linh mục dịch giả Trần Đức Huân, có đoạn viết: "Đức Thánh Cha rất hài lòng về tặng phẩm này và ủy tôi gửi đến cha lời tri ân nồng nhiệt… Ngài mong ước đồng bào của cha hưởng ứng tìm hiểu cách dễ dàng ánh sáng cùng sự ủy lạo tiềm tàng trong Lời Chúa rất cần thiết cho họ trong cơn thử thách này" - Vatican ngày 16/6/1970, Hồng y J. Villot.
Chính Chúa Giêsu và các Tông đồ khi rao giảng những chân lý trong Thánh Kinh thì cũng tuyên xưng đó là Lời Thiên Chúa:
Thánh Phaolô nói với người Do thái: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố Lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh Lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy" (Cv 13,46-49).
"Trong khi ấy Lời Chúa vẫn lan tràn và phát triển" (Cv 12,24).
"Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn phải nhờ Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4).
"Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ, vậy phàm ai nghe và đón nhận Lời Giáo Huấn của Chúa Cha thì sẽ đến với tôi" (Ga 6,45).
"Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống" (Ga 6,63).
"Ông Phêrô thưa: Lạy Thầy! Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai, Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68).
"Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi để Lời Chúa được phổ biến mau chóng" (2Tx 3,1).
"Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là Lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin" (Rm 10,8 – thánh Phaolô nói với giáo đoàn Rôma).
"Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy" (Ga 14,24).
"Thiên sứ của Đức Chúa mở cửa ngục đưa các ông ra mà nói: Các ông hãy đi, vào đứng trong đền thờ mà nói cho dân những Lời ban sự sống" (Cv 5,20).
Lời của Thiên Chúa chính là Đức Giêsu: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14).
Kinh Thánh dùng cụm từ Ngôi Lời Nhập Thể để chỉ Chúa Giêsu, điều này có nghĩa là Chúa Giêsu là phát ngôn viên chính thức của Thiên Chúa Cha. Tất cả những ý nghĩ, lời nói, việc làm của Chúa Giêsu đều là lời giáo huấn của Chúa Cha:
"Đây là Con Chí Ái của Ta, hãy vâng nghe Lời Người" (Lc 9,35).
"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Chúa Giêsu)" (Dt 1,1-2).
"Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống: Chúa Giêsu" (1Ga 1,1)
Hàng ngàn, hàng vạn lần cụm từ Lời Chúa hay Lời Thiên Chúa được nhắc đi nhắc lại trong toàn bộ Kinh Thánh.
Truyền thống phụng vụ của Giáo hội, mỗi khi công bố xong một đoạn Thánh Kinh trong nghi lễ, dù là Cựu Ước hay Tân Ước, thừa tác viên đều xướng lên: Đó là Lời Chúa và toàn thể cộng đoàn đáp lại: Tạ ơn Chúa cho các bài sách Thánh hoặc Thánh thư, và Lạy Đức Kitô ! Ngợi khen Chúa cho các bài Tin Mừng.
Theo Hiến chế về Mặc khải (Dei Verbum) của Công đồng Vatican II, Lời Chúa phải được tôn thờ, cung kính ngang với Mình Máu Thánh Chúa, và mỗi khi cộng đoàn phụng vụ nghe công bố Lời Chúa, tức là họ đã được nghe chính Chúa phán dạy qua những lời Thánh Kinh vừa được nghe.
Trong truyền thống tôn giáo của đạo Do thái và đạo Kitô, chỉ những sách nào tự bản thân có chất "Lời Chúa" mới được thẩm quyền giáo huấn tối cao của Giáo hội nhận là Thánh Kinh. Những sách được công nhận, thì xếp vào danh sách gọi là Kinh bộ hay Quy điển (Bộ kinh hay từ điển các quy luật, nguyên tắc tối thượng của đức tin và luân lý).
4. Một nguyên tắc căn bản của lịch sử nữa là: Những ghi nhận càng gần biến cố xảy ra càng có giá trị sự thật cao, càng xa biến cố xảy ra càng có giá trị sự thật thấp.
Chúng ta cứ lấy lịch sử Việt Nam làm thí dụ. Con dân đất Việt luôn tự hào về 4.000 năm văn hiến. Hơn 3.000 năm là thời dã sử, mọi giá trị văn học đều truyền khẩu, thế hệ này tới thế hệ kia mãi tới đời Trần (thế kỷ XIII) mới có bộ chính sử đầu tiên là Đại Việt Sử Ký, gồm 30 quyển của Lê Văn Hưu (1272), nhưng cuốn này hiện nay cũng chẳng còn, chỉ được nhắc tới tên trong bài tựa bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sỹ Liên đời nhà Lê (1479) gồm 15 quyển chép sử từ thời Hồng Bàng đến thời Lê Thái Tổ lên ngôi. Bản gốc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hiện nay cũng không còn. Bản duy nhất, xưa nhất còn lại là bản khắc gỗ in lại năm 1697 (hiện lưu trữ ở Pháp). Thời Nguyễn có một lần tái bản, hiện mang mã số A.3/1-4 có tăng cường nội dung do một số tác giả khác soạn thêm. Một chút sử liệu được nêu lên như vậy để bạn đọc có mốc so sánh và dễ nhận ra tính xác thực của Thánh Kinh là rất cao, rất đáng tin cậy.
Đối với Cựu Ước, nếu coi tổ phụ Abraham (thế kỷ XIX trước CN) là gốc gác của dân Do thái, thì tới thế kỷ 11 trước Công nguyên những gì lưu truyền lại (thánh truyền) đã được ghi chép bằng chữ viết để từng bước hình thành bộ Thánh Kinh Cựu Ước. Còn bộ Thánh Kinh Tân Ước, chỉ 20 năm sau khi Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, những lời giảng dạy cũng như những biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu đã được các môn đệ và học trò của các ông ghi chép lại đầy đủ và rõ ràng, thì tính xác thực kể như tuyệt đối. Chúng ta cần ghi nhớ một nguyên tắc sử học căn bản: "Những biến cố lịch sử được ghi chép lại càng gần nơi, gần lúc sự kiện xảy ra bao nhiêu thì tính xác thực càng cao bấy nhiêu, ngược lại, thời gian và không gian sự kiện xảy ra càng xa bao nhiêu thì tính xác thực càng thấp bấy nhiêu".
Một thí dụ khác là trường hợp tác giả Homère, nhà thơ lớn mở đầu cho lịch sử văn học cổ đại Hy Lạp được Bielinski coi là "cha đẻ của thơ Hy Lạp". Tác phẩm của ông gồm hai trường ca ILIADE và ODYSSEUS.
Về tiểu sử của Homère, chỉ có những truyền thuyết, những ý kiến phỏng đoán của các học giả với những cứ liệu mâu thuẫn nhau, thiếu chính xác. Theo ý kiến của nhiều nhà Hy Lạp học hiện nay thì Homère là một nghệ sĩ dân gian, một người đã có công sưu tầm, chỉnh đốn những bài ca dân gian ngắn về truyền thuyết cuộc chiến tranh thành Troy "để xây dựng thành hai tác phẩm hoàn chỉnh, hai bản anh hùng ca đồ sộ …". Tác phẩm của Homère trước hết là sáng tác dân gian, sáng tác tập thể truyền miệng. Việc dùng văn tự ghi lại hai bản trường ca của Homère theo các nhà nghiên cứu thuộc về thời kỳ muộn hơn. Người ta dự đoán Homère sống vào thế kỷ 9 hoặc 8 trước CN, có ý kiến cho Homère sống vào thế kỷ VII. (theo người viết, bản văn Iliade và Odysseus cổ nhất hiện còn giữ được tối đa chỉ 200 năm. Như vậy nội dung được ghi chép lại cách tác giả gần 3.000 năm).
(Nguyễn Văn Khoa – Từ điển Văn Học, Nxb. Khoa học Xã hội Hà Nội 1983, trang 309-310)
5. Đặc biệt quý hiếm và vững chắc đó là những xác nhận của các sử gia La Mã (không Công giáo) đã làm chứng về Chúa Giêsu như sau: Bên cạnh những bằng chứng từ lĩnh vực khảo cổ học, một số tác giả không liên quan đến Kitô giáo cũng đã ghi nhận vụ xử tử Chúa Giêsu trên thập tự giá. Vào năm 115, sử gia La Ma Cornelius Tacitus ghi lại: "Christus, nhà sáng lập (Kitô giáo), đã bị Pontius Pilate xử tử hình dưới triều đại Teberius". Trước đó, vào năm 95, học giả Flavius Josephus cũng đề cập trong một tài liệu: "Vào thời này, có một người thông thái tên Giêsu, với đạo đức vô cùng tốt… Nhiều người trong cộng đồng Do thái và những nước khác đã trở thành môn đệ của Ngài. Pilate kết tội và đóng đinh Ngài trên cậy thập tự và Giêsu đã qua đời" (CG&DT số 2051 ngày 8-14/4/2016).
[Suétone (56-117) trong sách "Niên Giám" (The Annals) 15,49 – Pline de Jeune (61-112) trong "Thơ gởi cho Hoàng đế Trajan" 10-96. Hai sử gia này đều xác nhận Đức Kitô bị Philatô kết án tử hình, được người tin theo coi như lãnh tụ, được ca tụng như một vị Thiên Chúa]. Không một vị giáo tổ nào được các sử gia uy tín của quốc gia chứng thực cho như trường hợp của Chúa Giêsu.
6. Sự giáng trần của Ngài đã dựng nên một cột mốc phân chia thời gian lịch sử nhân loại làm hai giai đoạn:
- Trước Ngài: Tính từ Ngài lùi về trước (trước Công nguyên).
- Sau Ngài: tính từ Ngài đến nay (sau Công nguyên).
Nguyên việc cả thế giới công nhận cột mốc phân chia này cũng xác nhận Chúa Giêsu là nhân vật lịch sử chứ không phải thần thoại hay huyền thoại.
Cũng từ ngày Đức Giêsu Kitô đi vào lịch sử nhân loại, Đạo Đức Chúa Trời được sáng tỏ và mang thêm một tên mới là Thiên Chúa giáo, hay đúng hơn là: Kitô giáo.
7. Từ thời Giáo hội sơ khai giữa thế kỷ 1 Công nguyên tới nay, hằng triệu người đã hy sinh tính mạng vì tin Chúa Giêsu và làm chứng cho Ngài. Không ai lại ngu đần, dại dột chấp nhận chết để làm chứng cho một nhân vật tiểu thuyết hư cấu, hay một nhân vật thần thoại, huyền thoại hay dã sử. Chỉ có Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người thực sự (nhân vật lịch sử) mới xứng đáng với những hy sinh lớn lao như vậy.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết
Chính xứ Tân Sa Châu,
Trưởng ban Văn hóa - TGP. TP Hồ Chí Minh
Chính xứ Tân Sa Châu,
Trưởng ban Văn hóa - TGP. TP Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét