Trang

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

Mùa Vọng, ngày thứ tư: Nhìn trong thiên nhiên công trình tạo dựng của Chúa

Mùa Vọng, ngày thứ tư: Nhìn trong thiên nhiên công trình tạo dựng của Chúa



fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2019-12-03
Mỗi ngày trong Mùa Vọng, báo Aleteia có một lời cầu nguyện để chúng ta làm mới tâm hồn chuẩn bị đón Chúa ra đời. Hôm nay báo Aleteia mời gọi chúng ta chiêm ngắm cái đẹp của công trình Tạo dựng.
Mùa Vọng là thời gian tín hữu kitô đến gần với Chúa. Chiêm ngắm công trình Tạo dựng cũng là một cách để đến gần với Chúa. Giống như Ba Vua đã theo ngôi sao chỉ đường để đến Bêlem, chúng ta cũng vậy, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Tạo dựng để đến gần với Đấng đã tạo ra. Dù chim trời hay hoa huệ ngoài đồng không phải là đời sống hàng ngày của chúng ta, nhưng có cả ngàn cách để chúng ta kinh ngạc và tạ ơn vì Chúa đã cho chúng ta ngôi sao, cho trời mây, cho thay đổi ngày đêm… Sách Khôn ngoan khá nghiêm với những người không biết tạ ơn Chúa qua công trình tạo dựng của Ngài: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công” (Kn 13, 1). Và “Vì các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng tạo thành” (Kn 13, 5). Vì thế suốt đời Thánh Phanxicô Assisi, ngài đặc biệt dịu dàng với các tạo vật của Chúa, bắt đầu với “người anh mặt trời, người chị mặt trăng”, ngài xem thiên nhiên như một “quyển sách huy hoàng mà Chúa nói với chúng ta, cho chúng ta thấy cái đẹp và lòng nhân hậu của Ngài. (…) Chính vì thế Thánh Phanxicô Assisi xin tu viện dành ra một vùng đất không trồng gì hết, để cỏ dại có thể mọc, để những người chiêm ngắm có thể nâng tâm tình mình lên với Chúa, Đấng tạo bao nhiêu cái đẹp”, Đức Phanxicô giải thích như trên trong Thông điệp Chúc tụng Chúa của ngài (Laudato Si’, 12). 
Tạ ơn, gìn giữ, cầu nguyện
Khi chúng ta nhận biết Chúa là tác giả của bao cái đẹp và các việc tốt lành, chúng ta tạ ơn và gìn giữ những gì Ngài đã tạo dựng. Đức Phanxicô kêu gọi mọi người xem thế giới như “một huyền nhiệm vui vẻ mà chúng ta chiêm ngắm trong tâm tình ca ngợi và hân hoan” (Laudato Si’, 12). Điều này không thể không kinh ngạc. “Nếu chúng ta đến gần thiên nhiên và môi trường mà không có sự cởi mở đến ngạc nhiên thì chúng ta không nói cùng ngôn ngữ của tình huynh đệ và cái đẹp trong mối quan hệ của chúng ta với thế giới, thái độ của chúng ta là thái độ của người thống trị, người tiêu thụ hay đơn thuần là của người khai thác tài nguyên, không thể ấn định giới hạn cho các lợi nhuận tức thời. Ngược lại, nếu chúng ta cảm thấy gắn kết với những gì tồn tại, thanh thản và quan tâm bảo vệ sẽ tự phát sinh” (Laudato Si’, 11). Vào cuối Thông điệp, Đức Phanxicô xin chúng ta cầu nguyện cho Trái đất, cho căn nhà chung, cho mỗi chúng ta cùng kết hiệp với trái đất để chăm sóc nó. 
Lời cầu nguyện cho trái đất chúng ta
Lạy Chúa toàn năng, Đấng có mặt trên toàn vũ trụ
Và trong các sinh vật nhỏ nhất của Ngài,
Ngài bao phủ tất cả những gì tồn tại bằng lòng dịu dàng của Ngài,
Xin tỏa lan trên chúng con sức mạnh tình yêu của Ngài,
Để chúng con bảo vệ sự sống và cái đẹp.
Xin đổ tràn trên chúng con hòa bình,
Để chúng con sống như anh em với nhau,
Không tạo tổn thương cho bất cứ ai.
Lạy Chúa, Chúa của người nghèo
Xin giúp chúng con cứu giúp những người bị bỏ rơi,
Những người bị lãng quên trên trái đất này,
Những người có giá trước mặt Chúa.
Xin Chúa chữa lành các tổn thương của chúng con,
Để chúng con là người bảo vệ thế giới,
Chứ không phải là người đi săn mồi,
Để chúng con gieo cái đẹp
Chứ không làm ô nhiễm, không hủy hoại.
Xin Chúa chạm đến các tâm hồn
Của những người chỉ tìm lợi nhuận,
Bỏ mặc trái đất và người nghèo.
Xin dạy chúng con khám phá
Giá trị của từng chuyện
Để chiêm ngưỡng, ngạc nhiên
Để nhận ra chúng con kết hiệp sâu sắc với tất cả tạo vật
Trên con đường đến với ánh sáng vô tận.
Chúng con tạ ơn Chúa vì Chúa ở với chúng con mỗi ngày
Xin Chúa nâng đỡ chúng con,
Chúng con xin dâng Chúa lời cầu nguyện
Cho cuộc chiến đấu cho công lý, tình yêu và hòa bình.
Anen.
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét