ÔNG PHẢI ĐẶT TÊN CON TRẺ LÀ GIÊSU” (MT 1, 21)
I. GIA PHẢ ĐỨC GIÊSU KITÔ
1/ Sách Tin Mừng Matthêu (Mt) mở đầu bằng “sách ghi gốc tích” (gia phả) Đức Giêsu Kitô.
Cụm từ tiếng Hy lạp dịch sát là “sách ghi gốc tích” xuất hiện trong sách Sáng Thế (St) 2,4: “sách ghi gốc tích trời đất khi được sáng tạo”. Sau khi kể về nạn hồng thủy, St 9 dùng từ “gốc tích “để nói về các dân tộc xuất phát từ ông Noê.
“Sách ghi gốc tích Đức Giêsu Kitô” nêu danh hai ông tổ Đa-vit và Ap-ra-ham như hai cột mốc, lấy biến cố lưu đày Ba-by-lon làm cột mốc thứ ba, Chúa Giêsu là điểm tới; sau đó kể từ ông tổ Ap-ra-ham xuống cho tới Chúa Giêsu với một động từ “sinh” được lặp đi lặp lại và một khoảng cách đều đặn:
“Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đa-vit, con cháu tổ phụ Ap-ra-ham. Ap-ra-ham sinh I-xa-ac, I-xa-ac sinh Gia-cóp…
“Như thế tính chung lại thì: từ tổ phụ Ap-ra-ham đến vua Đa-vit là 14 đời, từ vua Đa-vit tới biến cố lưu đày ở Ba-by-lon là 14 đời: và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Kitô cũng là 14 đời.”
Bản văn này nghe có vẻ nhàm chán vì tính cách đơn điệu và những cái tên lạ hoắc mà nội đọc lên đã khó, và mỗi cái tên cũng chẳng nói lên điều gì. Thế mà Phụng Vụ Mùa Vọng lại “bắt” chúng ta nghe tới hai lần: ngày 17 tháng 12 và lễ vọng Giáng Sinh. Trong thánh lễ ngày 17 tháng 12 thì không né được vì chỉ đọc phần “gia phả” (Mt 1,1-17) nhưng thánh lễ vọng Giáng Sinh thì có bài đọc ngắn, chỉ đọc từ “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu” (Mt 1,18-25), nên nhiều linh mục chọn bài đọc ngắn cho gọn lẹ!
2/ Chẳng lẽ tác giả lại mở đầu sách Tin Mừng một cách nhàm chán vô vị đến thế sao?
Đối với người Việt Nam chúng ta, phong tục đưa con dâu mới đi nhận họ dịp Tết đầu tiên là rất quan trọng, tuy cũng có phiền toái, vì đi Tết nhận họ thì cũng phải có “lỡi”, nhưng cũng có “lời”, vì bên chú, bác, cô, dì… cũng phải có “bao lì xì” xứng vai vế của mình để nhận cháu mới chứ. Thế là “nhận họ thì có nhận hàng”. Nhưng bên trên cái phiền toái là việc xác nhận sợi dây huyết nhục vốn là thiết yếu trong đời sống xã hội, như ông bà ta nói: “họ chín đời còn hơn người dưng”; “một giọt máu đào, hơn ao nước lã”.
Trong truyền thống của Dân trong Sách Thánh, nhất là từ sau thời lưu đày Ba-by-lon, gia phả là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Hiện nay, Nhà nước Israel đã nhìn nhận và đón về đất Israel những người gốc Hip-ri lưu lạc bên xứ Ê-ti-o-pi-a từ không biết bao nhiêu đời, đến nỗi da đã đen và tóc đã xoăn như lò xo, cũng như những người lưu lạc bên Đông Âu đã thành da trắng mắt xanh, tóc đỏ… vì họ cho rằng những ai có nguồn gốc Israel đều có quyền về sống ở Đất Hứa. Thực chất đó là một lối đọc chính trị, biến Sách Thánh thành công cụ xâm lược phức tạp và cực kỳ nguy hiểm, để biện minh cho sự phân biệt chủng tộc và chối bỏ quyền sống của bao nhiêu triệu người đã sống ở đây từ mấy ngàn năm, chúng ta không nên để mình dễ dàng bị lung lạc để ủng hộ luận cứ này, vì nó dẫn tới sự chối bỏ ơn cứu độ phổ quát bằng cách giảm thiểu vào chuyện đất đai. Chấp nhận nó là chúng ta “tự sát”, tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ vì chúng ta da vàng mũi tẹt, hoàn toàn không dính líu tới chủng tộc Do Thái.
Mt và toàn thể các sách Tân Ước cho chúng ta thấy đâu là dòng dõi đích thật của Ap-ra-ham và gia tài đích thật mà mọi người tín hữu của Chúa Giêsu Kitô được hưởng. Chúng ta hãy tiếp tục để cho sách Tin Mừng dẫn đi nhận họ và nhận hàng… với tư cách là “đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8,17).
Trước hết thử hỏi tại sao lại đặt hai cụ tổ Ap-ra-ham và Đa-vit làm hai cột mốc? Đức Giêsu Kitô là “con của Đa-vit, con của Ap-ra-ham” (dịch sát). “Là con thì cũng là người thừa kế” (Rm 8,17). Hai cụ này có cái gì đặc biệt liên can tới Đức Giêsu Kitô hơn các cụ khác? Thưa là hai cụ này nhận được những lời hứa đặc biệt quan trọng và thiết yếu. Đức Giêsu không chỉ thừa kế mà là sự thực hiện của các lời hứa ấy, vì thế “sách ghi gốc tích” vạch cho thấy Đức Giêsu Kitô là điểm tới, là sự mãn nguyện của các cụ tổ. Trong Tin Mừng Gioan (Ga) 8,56 Chúa Giêsu quả quyết: “Ông Ap-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng, vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ”. Chuyện như thế này:
Khi Thiên Chúa gọi Cụ tổ Ap-ra-ham thì Thiên Chúa lập giao ước, thề hứa cho Cụ ba điều: một dòng dõi, một miền đất và trở thành phúc lành cho muôn dân (St 12,1-3 và 15,1-19).
Điều tiên quyết là có con nối dòng! Hai ông bà đã gần trăm tuổi mà chưa có mống con nào, cụ ông bị khủng hoảng, cằn nhằn với Thiên Chúa, Thiên Chúa trấn an Cụ bằng giao ước với lời thề (St 15). Sau đó Cụ vẫn còn lo âu vì chờ mãi chưa thấy gì, Thiên Chúa lại hiện ra và nói với Cụ: năm tới sẽ có con. Cụ phục xuống đất giấu mặt mà cười (St 17). Thiên Chúa lại đến dưới dạng ba người khách, được hai Cụ đãi một bữa thịnh soạn. Sau đó Thiên Chúa nhắc lại lời hứa: năm tới Cụ bà sẽ sinh con. Lần này thì Cụ bà nghe lóm được, phá lên cười. Thiên Chúa hỏi : “Sao Xa-ra lại cười?” Cụ bà chối: “Con đâu có cười”. Thiên Chúa bảo “Có, bà có cười” (St 18, 1-15). Đến khi sinh con rồi, Cụ bà nói : “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười và ai nghe biết cũng sẽ mỉm cười với tôi”. Ta đếm được bảy lần cười! Cụ Ap-ra-ham đặt tên cho con là I-xa-ac (nghĩa là Ông Cuời) (St 21,1-7).
Trong “Ông Cười” đã có bóng dáng Đức Giêsu Kitô. Ngày Thiên Chúa thử lòng Cụ Ap-ra-ham, bảo Cụ đem “Ông Cười” lên núi mà giết để tế lễ cho Thiên Chúa hẳn đã làm Cụ Ap-ra-ham phải khóc. Nhưng Thiên Chúa đâu có tàn ác như thế. Thiên Chúa làm cho tiếng cười vang to hơn và dài mãi tới Chúa Giêsu là “Tin rất vui mừng” (Lc 2,10) vang lên suốt lịch sử loài người (x.Tông Huấn mới nhất: Niếm Vui của Tin Mừng) và dẫn tới niềm vui vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Thế nhưng khi đến phiênThiên Chúa bày tỏ lòng yêu thương và thành tín thì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,16), và Thiên Chúa không rút tay lại: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). Hàn Mặc Tử mời ngắm trăng để xem trời “giải nghĩa yêu”. Thánh Gioan bảo chúng ta chiêm ngắm chính Thiên Chúa đã “giải nghĩa yêu” như thế nào: “Tình yêu của Thiên Chúa đối vơi chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (I Ga 4,1-10).
3/ Còn Cụ Tổ Đa-vit thì sao?
Cụ nhận được một lời hứa: “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi…và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền mãi mãi… Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta: ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 12-16). Nhưng trong thực tế thì biến cố lưu đày Ba-by-lon đã chấm dứt vương quyền nhà Đa-vit. Chẳng có cái gì “muôn năm” trên trần gian này, bởi vì chính trời đất cũng có ngày tan rã. Vậy phải chăng lời hứa của Thiên Chúa cho Đa-vit cũng chỉ là hô khẩu hiệu, như người ta thích hô và bắt người khác hô “muôn năm, muôn năm”? Thiên Chúa trả lời: “ Với Thiên Chúa không có gì là không thể được” (Mc 120,27: Lc 1,37); “chính Ta, Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm” (Ed 36,36).
Tin Mừng Luca sẽ cho thấy lời hứa này được thực hiện nơi Chúa Giêsu bằng cách dùng chính lời hứa này và lời hứa trong Is 7,14 để đan kết bản văn sứ thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,28-37). Còn Tin Mừng Mt dùng một bút pháp khác để vừa cho thấy Đức Giêsu Kitô là sự thực hiện lời hứa, vừa cho thấy ý nghĩa thật của lời hứa.
Trước hết sự phân chia đều đặn làm ba giai đoạn từ Cụ Tổ Ap-ra-ham tới Chúa Giêsu cho thấy bàn tay của Thiên Chúa điều khiển lịch sừ để thực hiện các lời hứa. Mt dùng thủ thuật quen thuộc trong văn chương Sách Thánh là ý nghĩa các con số: ba lần 14 tức là sáu lần bảy. Con số 7 chỉ sự hoàn chỉnh, tròn đầy. Sáu lần bảy dẫn tới Chúa Giêsu, thì Chúa Giêsu là tột đỉnh làm cho chuỗi số hoàn chỉnh. Thế hệ “Digital” có lẽ khó chấp nhận lối dùng số của Sách Thánh, nhưng “kỹ thuật số” ngày nay cũng là một hình thức dùng số vậy!
II. BÀ SẼ SINH CON TRAI, ÔNG PHẢI ĐẶT TÊN.
Đọc “gia phả” đang ngon trớn “ông A sinh ông B…”, tới ông Giuse thì vấp: “Giacop sinh Giuse, chồng của bà Maria, do bà mà Đức Giêsu được sinh ra, đấng được gọi là Kitô” (dịch sát). Cái gãy khúc này sẽ được giải thích sau câu “kết toán” gia phả. [Đúng với tính cách ông Matthêu, người thu thuế năm xưa ở bờ biển hồ Galilê!]
“Gốc tích Đức Giêsu Kitô là thế này…” Theo phong tục trong Sách Thánh thì đính hôn đã là thành vợ chồng, nhưng ai vẫn ở nhà nấy, khi rước dâu rồi mới chung sống. Thế mà đây chưa rước dâu đã thấy có bầu. Dĩ nhiên trường hợp có thể xảy ra là chàng và nàng “ăn cơm trước kẻng, ăn cỗ trước các cụ”, và theo luật thì trong trường hợp đó, đứa con vẫn là con hợp pháp, trong giá thú. Để chúng ta khỏi nghĩ bậy bạ, Mt cho ngay câu trả lời: “Bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, và giải thích cho chúng ta ngay, qua phản ứng của ông Giuse và lời sứ thần.
Phản ứng của ông Giuse “người công chính” là toan âm thầm rút lui, xách bộ đồ nghề thợ mộc biến đi chứ không làm to chuyện. Đính hôn đã là vợ chồng, muốn bỏ nhau cũng phải làm thủ tục ly dị. Ông Giuse là người công chính, nghĩa là người tôn trọng quyền lợi của Thiên Chúa và của người khác, biết là đứa con không phải của mình thì thôi. Câu hỏi là liệu ông đã được “bật mí” cho biết nguồn gốc cái bầu này, hay phải chờ đến khi sứ thần nói ông mới biết? Nếu đã biết rồi thì ông tôn trọng Thiên Chúa mà âm thầm biến đi. Nếu chưa biết thì ông tôn trọng tự do của Maria và âm thầm “trả tự do” cho nàng. Đây là chuyện của Thiên Chúa, nên sứ thần của Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông biết: ông được mời gọi tham dự vào việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Chú ý tới hai chi tiết: ông Giuse này cũng là con ông Giacop và lần nào cũng được sứ thần báo tin trong giấc mộng, như ông Giuse con ông Giacop trong sách Sáng Thế (St 37 và 39-47). Sứ thần ngỏ lời với ông như là người thừa kế của Đavit: “Này ông Giuse, con của Đa-vit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” Lời Sứ thần có thể cho ta hiểu rằng ông Giuse đã biết nguồn gốc của cái bầu nên sợ, và nghĩ là mình không còn gì để làm nên âm thầm rút lui để Thiên Chúa… tự lo. Nếu ông chưa biết thì bây giờ ông biết, và ông cũng được biết là ông còn có việc để làm: đi “đưa nàng về dinh” và đặt tên cho đứa con!
Sứ thần phân công rõ ràng: “Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Bà sinh con trai bởi quyền năng Chúa Thánh Thàn, còn ông, với tư cách “con của Đavit” phải đặt tên cho đứa trẻ, để đứa trẻ cũng là “con của Đavit”. Tên con trẻ là Giêsu, nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Ngày xưa Giuse con Giacop bị anh em bán làm nô lệ bên Ai Cập, rút cục đã cứu sự sống cho gia đình. Đa-vit đã cứu dân khỏi làm nô lệ người Philitinh nhờ chiến thắng Goliat, nhưng dân không phải là dân của Đa-vit mà là của Thiên Chúa: vì thế khi Đa-vit kiểm tra dân số, làm như thể đó là dân của mình thì Thiên Chúa đã trừng phạt (x. 2 Sm, 24). Nay người con của Đa-vit mang tên Giêsu, nghĩa là “Chúa cứu”, “sẽ cứu dân mình khỏi tội”.
Ý nghĩa cuối cùng của những gì liên quan tới “gốc tích” Đức Giêsu Kitô được giải thích bằng lời hứa cho nhà Đa-vit qua lời ngôn sứ I-sa-i-a nói với vua A-khat: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chẳng có người con nào của Akhat mang tên là Em-ma-nu-en, vậy thì ngay từ đầu cái tên này mang nghĩa tượng trưng. Trong sách Thủ Lãnh (6,12-13), “Thần sứ của Đức Chúa hiện ra với Ông Ghit-ôn và nói: chào chiến sĩ can trường, Đức Chúa ở với ông. Ông đáp: Ôi, thưa ngài, nếu Đức Chúa ở với chúng tôi, thì sao chúng tôi đến nông nỗi này…Đức Chúa đã bỏ rơi chúng tôi, trao chúng tôi vào tay người Ma-đi-an”. Vậy thì Đức Chúa ở với chúng ta có nghĩa là Đức Chúa cứu chúng ta.
Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa đến cứu dân mình khỏi tội. Tội mới là kẻ thù chính phải tiêu diệt, nó phá vỡ giao ước với Thiên Chúa là nguồn mọi phúc lành. Đức Giêsu Kitô cứu dân mình khỏi tội thì cũng sẽ lập Giao ước Mới. Ngài là con của Đa-vit và là Em-ma-nu-en theo ý nghĩa đầy đủ nhất.
Đây chính là chìa khóa để đọc sách Tin Mừng Matthêu. Đức Giêsu Kitô là Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Lời cuối cùng của Chúa Giêsu phục sinh nói với các môn đệ trên núi sẽ là lời giải thích rõ ràng của danh hiệu Em-ma-nu-en.
“Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần dạy và đón vợ về nhà”.
Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”.
Thế là kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện nhờ sự hợp tác của Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse: Đức Trinh Nữ Maria chấp nhận để Thiên Chúa chiếm ngự trọn vẹn con người và cuộc sống của mình mà không thắc mắc lo âu, thánh Giuse “người công chính” cũng nộp mình cho Thiên Chúa mà không tính toán so đo.
III. ĐỨC MẸ MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH VÀ THÁNH GIUSE BẠN THANH SẠCH ĐỨC MẸ.
Thế là nơi Thánh Gia thất này Thiên Chúa vừa thánh hoá gia đình vừa thiết lập đời sống trinh khiết vì Nước Trời. Gia đình là nơi sự sống tuôn chảy trong thời gian, đời sống trinh khiết vì Nước Trời phục vụ cho sự sống hiện tại và vĩnh cửu. Thánh Phaolô nói rõ: “Về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em với tư cách là người – nhờ Chúa thương – đáng được anh em tín nhiệm… Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Chúa…Đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Chúa cả hồn lẫn xác.” (I Cr 7, 25-34).
Đó là ý nghĩa đích thật của đời sống độc thân vì Nước Trời.
Cũng nên nói ngay, có kẻ đọc câu cuối cùng trong đoạn Tin Mừng “ông không ăn ở với bà cho đến khi bà sinh một con trai” bèn rút kết luận: vậy thì sau đó hai ông bà ăn ở với nhau bình thường như các cặp vợ chồng khác, và có nhiều đứa con khác, nên các sách Tin Mừng đều nói đến “anh em của Đức Giêsu”. Nghe có vẻ hợp lý! Nhất là với những người sống trong các nền văn hoá mà chữ “anh em” chỉ có một nghĩa là anh em ruột! Về phương diện hành văn, rút kết luận như thế là thêm vào câu văn đấy. Xin mời đọc câu này: “Bà Mi-khan, con gái vua Sa-un, không có con cho đến ngày chết” (2 Sm 6,23). Nếu đọc theo kiểu mấy người kia thì cũng phải rút kết luận là sau khi chết bà ấy sẽ sinh con!!!
Còn nói về “anh em của Chúa Giêsu”, thì ngôn ngữ và phong tục của người Sê-mit (Hipri, Arập) giống Việt Nam. Anh em, chị em không chỉ có nghĩa là anh chị em ruột. Cụ Ap-ra-ham cùng ra đi với cháu là Lót, nhưng khi phải chia tay nhau để khỏi xích mích tranh chấp thì Cụ nói: “vì chúng ta là anh em với nhau” (St 12,5 // 13,8)! Chẳng lẽ đây là chuyện hai bác cháu nhậu xỉn rồi vỗ vai nhau lè nhè: ”Bác một ly, cháu một ly, bác cháu mình là anh em nhỉ!”. Tôi thường nói với người Âu Châu thắc mắc chuyện này: “mời qua Việt Nam với tôi, tôi sẽ đãi một bữa với một trăm anh chị em của tôi”. Khi một người Pa-let-tin làm công trong nhà chúng tôi ở Giêrusalem nói: ” Để tôi kêu điện thoại hỏi anh tôi”, hay giới thiệu “Đây là em tôi…” thì cũng giống người Việt Nam, không biết là anh em ruột hay anh em họ! Vậy thì cái thắc mắc kia là do thiếu hiểu biết về phong tục, văn hóa mà thôi.
Còn tín điều Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh thì không chỉ dựa vào bản văn Sách Thánh mà cũng nhờ truyền thống trong Hội Thánh từ ban đầu. Ngay việc chúng ta biết được sách nào là Sách Thánh thì cũng là nhờ Truyền Thống của Hội Thánh vậy.
Đức Mẹ MariaTrọn Đời Đồng Trinh và thánh Giuse Bạn Thanh Sạch Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, là kết quả của sự hiện diện tròn đầy của Thiên Chúa, khi Con Thiên Chúa làm người trong lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, và sinh vào dòng dõi Đavit nhờ thánh Giuse “rước vợ về nhà và đặt tên cho người con”. Đó cũng là lúc Thiên Chúa thiết lập nếp sống độc thân vì Nước Trời mà “chỉ người nào đưọc Thiên Chúa ban cho mới hiểu được” (Mt 19,11). Trong ngôn ngữ của sách Tin Mừng Mt “hiểu” có nghĩa là đón nhận và thi hành: “Kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả” (Mt 13,23).
Xin minh họa bằng câu chuyện sau đây. Thời Công An đem tôi về nuôi trong Sở (năm 1981), có lần viên sĩ quan hỏi cung và tôi đối thoại thế này.
Sĩ quan :
- Anh có biết ông linh mục X không?
+ Tôi biết.
- Tôi nói cho anh biết là ông ấy có một đứa con đấy nhé!
+ Thế hả? Anh chuyển lời chúc mừng giùm tôi nhé!
Bị tước bài bản, ông sĩ quan chưa nghĩ ra câu tiếp theo, tôi nói giùm:
+ Điều đó chứng minh là ông linh mục X là người đàn ông bình thường như anh, không bị thiến, nên mới có con được, đúng không? Còn nếu anh muốn nói đến đời sống độc thân của linh mục, thì chuyện đó chứng tỏ rằng không phải chúng tôi gồng mình mà sống độc thân được đâu. Đó là ơn của Chúa đấy. Đã là ơn nhận được thì tụi tôi có thể làm rớt… nên mới có đứa con rơi cho anh mừng đấy!
Im lặng. Đổi đề tài!
IV. ĐẶT TÊN
Về việc đặt tên thì phong tục và quan niệm của người Sê-mit (Hipri, A-rập) càng giống với Việt Nam chúng ta. Tên là người. Đặt tên là gói ghém tất cả hy vọng và ước mơ của cha mẹ, họ hàng về người con. Gọi tên là hành vi đụng chạm tới bản thân con người đó, vì thế thời vua chúa ngày xưa, tội phạm húy (phạm đến tên vua) cũng ngang với tội nổi loạn. Một người đã có chức tước thì gọi bằng chức tước chứ không gọi bằng tên nữa. Thường dân thì khi một người đã có con thì không gọi tên người ấy nữa, mà gọi bằng tên đứa con. Miền Nam thì gọi bằng thứ tự: anh Hai, chị Ba… Người Hip-ri thì không đọc tên của Chúa mà nói “Chúa”, “Thánh Danh”. Khi vào Việt Nam, các thừa sai Dòng Tên đã học được điều đó, nên Dòng Chúa Giêsu gọi là Dòng Tên, họ đạo mang tên Chúa Giêsu thì gọi là họ “Kình Danh”; kêu Tên Cực Trọng có nghĩa là kêu Tên Chúa Giêsu. Ba năm trước đây người lo việc bảo trì nhà cửa của chúng tôi sinh đức con gái đầu lòng, phải mất hai tháng mới tìm được cái tên để đặt cho con, vì phải được họ hàng đồng ý! Chuyện này giúp tôi hiểu khi thánh Gioan Tẩy Giả sinh ra, việc đặt tên cũng làm xôn xao cả họ hàng, chỉ đến khi ông bố câm viết ra trên bảng: “tên nó là Gioan”, mọi người mới chịu, vì đó là tên thần sứ của Chúa đã bảo. Thánh Giuse cũng được thần sứ của Thiên Chúa cho biết phải đặt tên gì, ý nghĩa thế nào.
Đặt tên là quyền của người cha. Đặt tên cho một đứa trẻ là nhận nó là con và là người thừa kế của mình. Giuse, con Đa-vit, đặt tên cho đứa con do vợ mình sinh ra bởi quyền năng Thánh thần, thì đứa con đó trở thành con và người thừa kế của Giuse, của Đa-vit. Vương quyền nhà Đa-vit sẽ được thể hiện thế nào nơi Chúa Giêsu và danh hiệu Em-ma-nu-en sẽ thành sự thật như thế nào, đó là nội dung sách Tin Mừng Matthêu.
V. KẾT LUẬN: NHẬN HỌ NHẬN HÀNG
Trở lại chuyện chúng ta đi nhận họ nhận hàng với các bậc tổ phụ của Chúa Giêsu.
Gia tài quý nhất các tổ phụ đã cho chúng ta là chính Chúa Giêsu. Được Chúa Giêsu thì chúng ta cũng được các tổ phụ. Các tổ phụ đã đón nhận Đức Kitô cho chúng ta nhờ đã tin vào Thiên Chúa. Chúng ta đón nhận được Chúa Giêsu cũng nhờ đức tin. “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô… tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi ông Ap-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gl 3,26-29). Các ngài là tổ phụ của chúng tra trong đức tin. Các ngài đã nhận được lời hứa, còn chúng ta nhận được thực tại: chúng ta may mắn hơn các ngài: “Phúc thay mắt nào được thấy đều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe” (Lc 10,23-24; x.Mt 13,16-17; 1 Pr 1,10-12)). Quả thật “con hơn cha là nhà có phúc”.
Chúng ta đã nhận được gia tài quý nhất là Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu chúng ta vừa được làm con Thiên Chúa vừa được là dòng dõi của các ngài trong đức tin. Các ngài còn có quà để cho chúng ta khi đến nhận họ: chính gương đức tin của các ngài mà thư gởi tín hữu Hip-ri đã quảng diễn cho chúng ta (Hr 11). Vào mùa Giáng Sinh, chúng ta hãy nhờ thánh Giuse và Đức Mẹ dẫn đi nhận họ nhé!
L.M. Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J
http://www.kinhthanhvn.net/%E2%80%9Cong-phai-dat-ten-con-tre-la-giesu%E2%80%9D-mt-1-21
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét