Tính ưu việt của cô gái điếm
Trích sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin, Linh mục Alberto Maggi (Comment lire l’ Évangile sans perdre la foi. Nhà xuất bản Fides, Pháp).
Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người biệt phái ấy và vào bàn ăn. Và kìa người phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được người đang dùng bữa tại nhà ông biệt phái, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm đổ lên.
Thấy vậy, ông biệt phái đã mời Người liền nghĩ bụng rằng; «Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!» Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: «Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!» Ông ấy liền thưa: «Dạ, xin Thầy cứ nói.» Đức Giêsu nói: «Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?» Ông Simon đáp: «Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.» Đức Giêsu bảo: «Ông xét đúng lắm.»
Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: «Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.» Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: «Tội của chị đã được tha rồi.» Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng; «Ông này là ai mà lại tha được tội» Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: «Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.» (Lc 7:36-50)
Người đàn bà đầu tiên và người đàn bà cuối cùng xuất hiện trong Tân Ước đều là những người đàn bà làm điếm (Mt 1:3; Kh 17:16-18), nhưng «người đàn bà phạm tội» của câu chuyện thánh Luca kể là người đàn bà duy nhất, là nhân vật chủ chốt trong cuộc gặp gỡ thân mật với Đức Giêsu (Lc 7:36-50). Dù thánh sử không nói tên người đàn bà này, nhưng trong quá khứ, ước muốn cho chắc để bà có phần rỗi đã đi đến việc nhận diện sai lầm người đàn bà làm điếm này là Maria Mácđala. Bà Maria Mácđala này không dính dáng gì đến bà làm điếm trong phúc âm thánh Luca, nhưng bởi vì thánh Gioan đã để bà đứng gần thập giá Đức Giêsu (Ga 19:25), nên truyền thống xưa muốn xem bà là bà Mađalêna ăn năn hối cải, để các nhà luân lý và các người nệ cổ được yên tâm.
Cái nghề xưa nhất thế giới này cũng đã được một vài tổ tiên của Đức Giêsu hành nghề. Như Rahab (Mt 1:5; Gs 2:1), chủ phòng trọ, «bên tường thành phố», một «quán trọ» nổi tiếng và đông khách, mà nhà viết sử Flavius Josèphe dùng lối nói vòng vo kín đáo để mô tả đó là nhà chứa (Antiquités judaiques 5:7), hay như Thamar cũng hành nghề này, nhưng cao cấp hơn: điếm, đúng, nhưng «thiêng liêng» (St 38:21). Khi nhà cầm quyền Do thái ném vào mặt Đức Giêsu câu nói «chúng tôi, chúng tôi đâu phải là con của điếm» (Ga 8:41), chữ «chúng tôi» được nhấn mạnh là chữ làm cho người ta ngầm nghĩ đến nguồn gốc không rõ ràng của Đức Giêsu và «vết chàm» trong lý lịch gia đình của Người.
Để hiểu tai tiếng gây ra do sự hiện diện của cô điếm trong bữa tiệc danh dự đãi Đức Giêsu ở nhà ông Simon, chúng ta cần phải dựng lại tình tiết và các nhân vật theo văn hóa thời bấy giờ.
Các người biệt phái
Những người biệt phái là những người mộ đạo, mong chóng thấy Nước Trời, dốc hết tâm trí để sống mỗi ngày theo lời chỉ dẫn của vị tư tế trong thời gian ấn định cho việc phụng vụ ở Đền thờ của họ. (Lêvi 9:10; 21:22; 1:9). Cách sống của họ làm họ khác biệt và tách biệt với những người thường (chữ Biệt phái có nghĩa là «tách biệt»). Đời sống của một người biệt phái bị chế ngự do việc chú tâm quan sát chính xác một trăm mười sáu (116) giới luật. Bị ám ảnh phải tuyệt đối nghỉ ngày sabát, người biệt phái chăm chú tránh không làm một ngàn năm trăm hai mươi mốt (1521) điều cấm kỵ của ngày sabát, và không để rơi vào việc vi phạm luật viết dù chỉ « hai chữ » trong mẫu tự, vì vi phạm luật là một lỗi rất nặng. Một điều chú tâm lớn khác của họ là giữ luật trong sạch, họ chú tâm đến độ bệnh hoạn, tránh không để bị đụng tới hay do vô ý mà đụng tới những đồ vật hay những người ô uế, vì như thế sẽ làm cho bao nhiêu lời cầu nguyện của họ trong ngày trở thành vô ích: từ bài hát con gà («Ca tụng Đấng đã cho con gà trí thông minh biết phân biệt được ngày và đêm») đến khi họ mở mắt («Ca tụng Đấng làm cho người mù được thấy») và cho đến khi họ khép mắt («Ca tụng Đấng làm cho giấc ngủ đến trong con mắt tôi»).
Một tập sách Những lời chúc phúc ghi nội dung và số lượng các kinh cầu nguyện phải đọc để được vừa lòng Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi con người ca tụng mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong cầu tiêu: «Chúc tụng Thiên Chúa đã hình thành con người một cách khôn ngoan và đã tạo cho con người có nhiều lỗ. Rõ ràng là nếu có một lỗ mở ra hay một lỗ bị nghẽn, con người không thể nào sống được.» Đức Giêsu gọi những người biệt phái này là những người «đạo đức giả»: thay vì thực hành những «việc làm tốt đẹp» để con người «làm vinh danh Chúa Cha trên trời» (Mt 5:16) thì họ lại phô trương không biết bao nhiêu việc sùng bái để được con người «vinh danh» (Mt 6:2). Làm «những việc sùng kính» thành những chuyện đồi bại, theo lợi lộc riêng tư của họ thay vì phục vụ cho con người, những người biệt phái quy vinh quang về mình thay vì về Thiên Chúa: họ tưởng họ thờ phượng Thiên Chúa, nhưng thật sự họ làm việc thờ phượng có tính cách tôn thờ thần tượng. Như thế, như Sách Thánh giảng dạy: «Ý kiến làm ra thần tượng là nguồn gốc của mãi dâm» (Kn 14;12). Nhưng hình thức mãi dâm này không phải là không được thừa nhận trong môi trường thiêng liêng; ngược lại, nó còn được khuyến khích và được xem như gương mẫu cho việc toàn thiện.
Cô gái điếm
Trong tất cả các nền văn hóa, nếu việc sinh ra đời một em bé gái là điều không bao giờ được mong ước (Auguri et figli maschi: chúc mừng con trai) thì trong thế giới của người Do thái, một thế giới được cai trị bởi những người đàn ông, việc sinh ra một em bé gái là một bất hạnh bị lời Chúa trừng phạt («Chính bởi người đàn bà mà tội lỗi đã bắt đầu và chính vì đàn bà mà tất cả chúng ta sẽ chết» Hc 25:24), bị lời Talmud cho rằng («Thế giới không thể tồn tại mà không có con đực, con cái, nhưng hạnh phúc cho ai có con trai, và bất hạnh cho ai có con gái,») và con người được chuẩn nhận trong lời cầu nguyện mà mỗi người đàn ông Do thái cám ơn Chúa mỗi ngày ba lần: «Ca tụng Đấng đã làm cho tôi không phải là người ngoại đạo, đã làm cho tôi không phải là đàn bà, và đã không làm cho tôi là người thô lỗ.»
Khi đã có hai em bé gái trong một gia đình, thì người ta không dung thứ được em bé gái thứ ba (mà việc sinh ra em làm người mẹ ô uế trong vòng ba tháng Lv 12:2-5). Lúc đó cách xử thông thường là đem em bé đi và «phô em bé ra», có nghĩa là bỏ em bé ngoài làng, như thời đó người ta đã làm, và chính Thánh Kinh cũng nói: «Dù cho nhà nghèo, thì người ta cũng nuôi một em bé trai; nhưng dù cho người ta có giàu, thì người ta cũng luôn luôn vứt bỏ em bé gái.» Nếu em bé gái sống sót mà không bị các súc vật ăn, thì em cũng được các người buôn nô lệ «cứu», họ đi chung quanh các lối vào thành phố hay làng mạc để tìm các em bé gái. Một hành động không phải là thương người, nhưng là để buôn bán: em bé gái được đem về, nuôi nấng để bán dâm. Từ lúc em lên năm, em bắt đầu hành lạc. Và đến năm lên tám, em đã sẵn sàng để giao hợp một cách trọn vẹn. Vào thế kỷ thứ hai, Justin còn lên án những ai «nuôi các trẻ em để sử dụng một cách hèn mạt.»
Một bữa ăn không như ý
Người biệt phái đã bất cẩn khi mời Đức Giêsu đến nhà ăn. Đức Giêsu không phải là vị khách dễ tính. Tất cả các lần người biệt phái mời Người ăn, họ đã nhẫn nhục chịu đựng Người (Lc 11:37-54; 14:1-24). Câu chuyện diễn tiến một cách căng thẳng, cường độ tăng dần. Như thường thấy trong các bữa tiệc, những người được mời ăn nằm dài trên đi-văng chung quanh bàn, khi «một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành» đi vào. Nhà của người biệt phái là nhà mà không một người nào vào, mà trước hết, không được tẩy uế (Mc 7:3-4), ngôi nhà này bị ô uế do sự hiện diện «của một phụ nữ tội lỗi trong thành phố.»
Khi nhấn mạnh thái độ ngạc nhiên của những người tham dự bằng câu: «Và kìa,» thánh sử mô tả người đàn bà này vào nhà với một bình bạch ngọc đựng dầu thơm, chị «đứng đàng sau» Đức Giêsu, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Làm như cảnh này chưa gây bối rối đủ, thánh sử còn thêm vào một nét rất gợi cảm: mái tóc. Ngày xưa, mái tóc được xem như một vũ khí có tác dụng khiêu dâm không cưỡng lại được, (Judith « đã chải tóc từ trên đầu chải xuống», để quyến rũ Holoferne, Gđt 10:3). Luật cấm đàn bà để tóc trần. Người đàn bà luôn luôn phải che mặt, chỉ có ngày đám cưới, người đàn bà mới được để đầu trần. Suốt cuộc đời còn lại, họ không bao giờ được để đầu trần, ngay cả trong nhà, và người chồng có quyền để vợ nếu bà vợ không đội khăn che, vì «người đàn bà phải mang trên đầu một dấu hiệu chứng tỏ sự lệ thuộc của mình» (1Cr 11:10). Chỉ những người làm điếm mới để đầu trần để lôi cuốn khách hàng. Và người đàn bà làm điếm này, không những để tóc trần mà không bị phạt, lại còn dùng tóc để lau chân Chúa, sau khi đã đổ dầu thơm và hôn chân Người bằng miệng. Phản ứng của Đức Giêsu? Không. Không một phản ứng. Tuy nhiên, chỉ nội một việc để cho «một trong những người phụ nữ tội lỗi» này chạm nhẹ vào người là đã làm cho người đàn ông ô uế, không xứng đáng đến gặp Chúa (các giáo sĩ Do thái buộc phải đứng xa đàn bà điếm hai mét). Làm sao Đức Giêsu lại có thể không tránh né bà ta? Vì sao Người không khiển trách bà ta?
Đối với ông Simon biệt phái, đương nhiên Đức Giêsu không phải là một vị tiên tri, «nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai: một người làm điếm.» Ngoài ra, làm sao có thể xem đây là một người của Thiên Chúa «một tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.» (Lc 7:34)? Ở đây có hai cách nhìn đối nghịch nhau: cách nhìn của người Biệt phái, quen lên án theo những tiêu chuẩn tôn giáo, và cách nhìn của Đức Giêsu, thể hiện tình thương của Chúa Cha, Người đến không phải để lên án, nhưng để «tìm và cứu những ai đi lạc (Lc 19:10). Đối với ông Simon, ông không thấy đó là một người «đàn bà», nhưng thấy đó là một người «tội lỗi», Đức Giêsu sửa đổi cách nhìn này: «Ông thấy người phụ nữ này chứ»? Nhưng chính người biệt phái, vừa gọi Đức Giêsu là «Thầy» mà vừa lại muốn cho Người một bài học: (« Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà này là thứ người đàn bà nào.)
Điều này, dưới mắt của một người mộ đạo, là vi phạm đạo đức, là kích động phạm tội, chứ không có gì như Đức Giêsu nói là thái độ thể hiện đức tin («đức tin của con đã cứu con»), người Biệt phái thấy sự chết (tội lỗi) trong cái mà Đức Giêsu diễn tả sự sống (đức tin). Nơi Đức Giêsu thấy đó là sự sống, người ta thấy đó là tội: «Người phàm nhìn dáng vẻ bên ngoài, còn Thiên Chúa nhìn quả tim» (1Sm 16:7). Người đàn bà tội lỗi không đến xin Đức Giêsu tha tội, nhưng đến nói lên lời cám ơn bà đã được tha thứ mà bà biết bà đã được Thiên Chúa mà Đức Giêsu tuyên xưng «người vẫn nhân hậu với phường vô ân và quân độc ác» (Lc 6:35) tha thứ. Và bà đã diễn tả lòng biết ơn theo cách riêng bà có thể làm được, bà dùng tất cả phương tiện bà có: mái tóc, môi miệng, nước hoa và bàn tay chuyên môn «sờ» (người Biệt phái dùng động từ để tả hành động của người đàn bà có tích cách rất khiêu dâm: «sờ») Đức Giêsu không nói bà «đừng phạm tội nữa» (như Người đã khuyên người đàn bà ngoại tình, Ga 8:11) và Người cũng không đòi hỏi bà đổi «nghề» vì đó là điều không thể được với hạng đàn bà này. Bà cũng không thể quay trở về gia đình của bà (nếu như bà còn gia đình để quay về), nhưng bà có thể vào cộng đoàn Nước Trời: ngay lập tức sau đoạn này, thánh sử đã nói thêm «và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh» (Lc 8:2) cũng gia nhập vào nhóm người của Đức Giêsu.
Trong khi người biệt phái than phiền tình trạng Nước Trời không thể hiện được vì những người tội lỗi như những người làm điếm, những người thu thuế, thì Đức Giêsu báo cho họ, nếu họ liếc mắt nhìn, họ sẽ thấy chính những người thu thuế, những người làm điếm đã vào Nước Trời (Mt 21:31). Những người mộ đạo này chờ một nước trời dành riêng cho một thiểu số người được ưu tiên, những người có hạnh kiểm không tì vết: những người «công chính» vào Nước Trời vì công nghiệp của họ. Trong khi Nước Trời mà Đức Giêsu khánh thành, đó là đất tình yêu của Chúa Cha, nơi người ta vào Nước Trời không phải do cố gắng riêng tư của mình, nhưng do lòng thương xót của «Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng lời, để thương xót mọi người» (Rm 11:32), và ở đó có chỗ cho «cả người tốt lẫn người xấu» (Mt 22:10) gồm cả những người thu thuế và những người làm điếm (Mt 9:9).
Ignace Trần An Huy dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét