Trang

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

CUỘC NHẬP THỂ LÀ BƯỚC THÂN MẬT NHẤT CỦA THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI.

CUỘC NHẬP THỂ LÀ BƯỚC THÂN MẬT NHẤT CỦA THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI.

Related image ĐỨC KITÔ HOÀN TẤT ƠN CỨU ĐỘ

Biến cố Đức Giêsu đến trong lịch sử nhân loại có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cả trời đất vũ trụ, cả thần thánh và nhân loại đều qui hướng về biến cố này. Cuộc Nhập Thể là bước thân mật nhất của Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người.

Lịch sử nhân loại có khởi điểm từ công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Một lịch sử được Thiên Chúa quan tâm dẫn dắt : kêu gọi Abraham và ban cho ông một dòng dõi, kêu gọi Môsê làm người giải phóng và ký kết Giao Ước Sinai … Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử ấy qua các vua các tiên tri của Người. Sau cùng chính Ngôi Lời của Thiên Chúa “đến ở giữa chúng ta” :

“LỜI đã thành xác phàm và lưu trú giữa chúng tôi, và chúng tôi đã được nhìn ngắm vinh quang của Ngài …” (Ga 1,14).
I- CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH

1- Chúa Giêsu đến tái lập sự hiệp nhất

Tình trạng tội lỗi làm con người xa cách Thiên Chúa và thù ghét lẫn nhau, con người quá yếu đuối không thể tự mình ra khỏi vực sâu tăm tối ấy (x. chương 1). Vì xót thương nhân loại lầm than mà Chúa Cha đã cho con của Người nhập thể, để cứu vớt và đem con người trở về, cho họ được gặp lại Thiên Chúa và anh em đồng loại.

2- Chúa Giêsu đến để làm cho trọn vẹn :

  • Lời hứa đầu tiên khi con người sa ngã : “Dòng dõi Người Nữ sẽ đạp đầu mi.” (St 3,15).
  • Lời hứa với Abraham (St 12,1-4) (x. 2.I chương 2)
  • Giao Ước Sinai (Xh 19 tt)  (x. 1.III chương 2)
  • Lời hứa với Đavit (2Sm 7,14) (x. 3.II, chương 3)
  • Lời loan báo Đấng Cứu Thế của các tiên tri. (x. 2.II chương 4; 4.I chương 5)

3- Chúa Giêsu có một Người Mẹ
Khi làm người Đức Giêsu nên giống chúng ta hoàn toàn (ngoại trừ tội lỗi): cũng có một người mẹ trần thế như bất cứ một người bình thường nào trên trần gian này. Đức Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn để cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu.

Khi đối chiếu biến cố truyền tin và thăm viếng trong Tin Mừng Luca (Lc 1, 35-56) với hai sự kiện trong Cựu Ước : đám mây che phủ Nhà Tạm (Xh 40,34) và sự kiện vua Đavit rước Hòm Bia về Giêrusalem (2S 6), chúng ta thấy vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ được trình bày như Hòm Bia Giao Ước. Nhà Tạm là nơi đặt Hòm Bia, là nơi Thiên Chúa cư ngụ và hiện diện giữa dân Người. Thiên Chúa cũng muốn tuyển chọn Đức Maria làm nơi cư ngụ và hiện diện giữa loài người. (Kinh cầu Đức Bà : “Đức bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy”).

4- Chúa Giêsu đến cho mọi người
Chúa Giêsu làm người là để đến với tất cả mọi người, không phân biệt do Thái hay dân ngoại, sang giầu hay nghèo hèn.
Những trình thuật về biến cố Giáng sinh của Chúa Giêsu cho thấy từ những người chăn chiên tầm thường cho đến những đạo sĩ thông thái (Ba Vua) đều được kêu mời đến thờ lạy Đấng Cứu Thế. Đúng như Isaia đã tiên báo Chúa Giêsu đến để :

  • Đem Tin Mừng cho người nghèo khó (Is 61, 1).
  • Là ánh sáng cho hết mọi dân tộc (Is 42,6 ; 49,6).

II. CHÚA GIÊSU HOẠT ĐỘNG CÔNG KHAI

1. Chúa Giêsu giảng dạy : Môsê mới (x. Mt 5)

Tin Mừng thánh Matthêu trình bầy Chúa Giêsu giảng dạy như một RABBI – VỊ THẦY. Đức Giêsu giảng dạy những gì ông Môsê đã dạy chứ không bãi bỏ; hơn nữa Người còn kiện toàn việc giữ lề luật bằng một tinh thần và cách thức hoàn toàn mới, phát xuất từ động lực yêu thương. Đi từ nền tảng chắc chắn là sự công bình của Luật Cũ đến đỉnh cao hoàn hảo là tình yêu của Luật Mới. Thánh Matthêu muốn chứng minh Đức Giêsu còn vượt xa hơn các Rabbi: Người là MÔSÊ MỚI - để mời gọi đồng bào Do Thái của mình đừng chối từ, nhưng hãy đón nhận Đức Giêsu và những giáo huấn của Người. (Mt 5, 38-45).

2. Chúa Giêsu làm phép lạ.

Tin Mừng cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo được thể hiện và chứng minh qua những hành động cụ thể là các phép lạ:


  • Xua trừ ma quỉ.
  • Dẹp yên sóng gió.
  • Chữa lành bệnh tật.
  • Cho kẻ chết sống lại.

Mỗi Phúc Ââm có một cách trình bầy để nói lên một khía cạnh khác nhau về ý nghĩa và mục đích các phép lạ của Chúa Giêsu :

  • Thánh Marcô đã trình bày các phép lạ ấy như là phương tiện để mở mắt cho người ta nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Mêssia, Đấng Cứu Độ muôn dân trông ngóng.(x.Mc 4,37-41)

  • Thánh Gioan trình bầy các phép lạ của Chúa Giêsu như những dấu chỉ tượng trưng để diễn tả những chân lý đức tin cao siêu mà mắt thường không thể nhìn thấy. Chỉ có con mắt đức tin mới có thể khám phá ra chân lý ẩn sau dấu chỉ. Ví dụ:
  • Bánh hoá nhiều báo trước phép Thánh Thể. (Ga 6)
  • Chúa Giêsu cho người mù bẩm sinh được thấy là dấu chỉ muốn nói Chúa Giêsu là ánh sáng cho thế gian. (Ga 9)
  • Phép lạ cho Lazarô sống lại là dấu hiệu cho người ta nhận ra Chúa Giêsu là Sự Sống đích thực của nhân loại. (Ga 11)
  • Thánh Matthêu trình bầy các phép lạ (Mt 7-8) là cuộc tấn công trực tiếp của Chúa Giêsu vào vương quốc Satan gồn 4 yếu tố:  bản thân Satan + sự tội + bệnh tật + sự chết (x. III chương 1). Thánh Matthêu muốn cho mọi người thấy Vương Quốc của Thiên Chúa đã được thể hiện nơi công việc của Chúa Giêsu, và công trình ấy đã thắng thế, đẩy lùi ảnh hưởng độc hại của ma quỉ trên thế gian này. (x. Mt 12,28).

1. Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội :
a- Đặt nền móng Giáo Hội :
Chúa Giêsu muốn loan báo Tin Mừng và ban ơn cứu độ cho hết mọi người, ở khắp mọi nơi, qua mọi thời đại. Để có thể  thực hiện chương trình lớn lao và lâu dài này, Chúa Giêsu đã tuyển chọn “Nhóm Mười Hai”. Các tông đồ đã được chia sẻ sứ mệnh và quyền năng của Chúa Giêsu (trên ma quỉ, bệnh tật, tội lỗi), để các ngài tiếp tục công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu cho đến tận thế (x. Mt 10,1). Từ 12 tông đồ sẽ phát triển thành một đoàn Dân Mới đông đảo là Giáo Hội trong mọi dân nước, thay thế cho 12 chi tộc dân Israel (x. Lc 22, 30).
b- Củng cố sự bền vững của Giáo Hội từ gia đình :

Gia đình là thành phần quan trọng trong Giáo Hội. Để củng cố Giáo Hội, phải gìn giữ sự hiệp nhất trong gia đình. Việc ly dị làm gia đình tan rã và Giáo Hội sa sút. Vì thế Chúa Giêsu đã dứt khoát huỷ bỏ sự ly dị (Mc 10, 2-12), đem hôn nhân trở lại lý tưởng ban đầu (x. II chương I). Chúa Giêsu đã huỷ bỏ sự ly dị để bảo vệ tính cách bền chặt và vĩnh viễn cho gia đình và Giáo Hội. Sự hiệp nhất yêu thương này có một giá trị cao quí đến nỗi thánh Phaolô đã dùng nó để diễn tả tình yêu và sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa Đức Kitô và Giáo Hội (x. Êphêsô 5, 22-33).
c- Nuôi dưỡng Giáo Hội :
Chúa Giêsu cũng đã hứa ban Thánh Thần và Bánh Hằng Sống để nuôi dưỡng Giáo Hội. Phép lạ bánh hoá nhiều báo trước của ăn ấy chính là Mình Máu Người trong bí tích Thánh Thể (Ga 6). Bí tích cực thánh này có một vai trò vô cùng quan trọng để qui tụ và nuôi dưỡng sự hiệp thông trong Giáo Hội, đến nỗi có thể nói rằng : Thánh Thể làm nên Giáo Hội.
Các hoạt động của Chúa Giêsu (giảng dạy, làm phép lạ, thiết lập Giáo Hội) cho thấy Vương quốc của Thiên Chúa đang đến, đang phát triển và đẩy lui quyền lực của Satan trên nhân loại.
III. CHÚA GIÊSU CHIẾN THẮNG VINH QUANG
Cao điểm của công trình cứu độ là cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Đó là giờ cứu độ, giờ mà quyền lực Satan phải nhường bước trước quyền lực của Đức Giêsu Kitô, giờ mà tội lỗi con người được xoá bỏ và sự chết bị khuất phục.

1. Chiến thắng tội lỗi:
Nguồn gốc của tội là sự kiêu căng và bất tuân mệnh lệnh Thiên Chúa. Ngược lại, trong cái chết trên thập giá Chúa Giêsu đã chứng tỏ sự hạ mình tự huỷ và sự tuân phục hoàn toàn trong tình yêu:

  • Chúa Cha yêu thương loài vô cùng đến nỗi đã sẵn sàng hy sinh và trao ban Con Một của Người để cho loài người được sống (x.1Ga 4,9)
  • Chúa Giêsu yêu thương loài người đến cùng (x.Ep 5,2).

Nhờ vậy mà cái chết của Chúa Giêsu có sức mạnh chiến thắng tội lỗi (x.Rm 5,19; Pl 2,8). Thánh Gioan đã gọi giờ phút của Chúa Giêsu trên Núi Sọ là giờ chiến thắng, “giờ Con Người được tôn vinh” (x.Ga 7).
2. Chiến thắng sự chết:
Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và Người cũng khuất phục cả hậu quả của tội là sự chết bằng cuộc Phục Sinh vinh hiển. Người đã sống lại từ trong cõi chết để bẻ gẫy quyền lực của sự chết trên loài người. Ađam cũ đã đem sự chết đến cho loài người, Chúa Giêsu là Ađam mới đem cho loài người sự sống mới : “Vì chưng sự chết do bởi một người, thì việc kẻ chết sống lại cũng do bởi một người.” (1Cr 15,21). “Hỡi sự chết, đắc thắng của ngươi đâu? Nọc của ngươi đâu? Nọc của sự chết là tội, mãnh lực của tội là lề luật. Đội ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban toàn thắng cho ta, nhờ Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô.” (1Cr 15, 54-57).
Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện việc cứu độ nhân loại trong cuộc tử nạn và Phục Sinh của Người : chiến thắng tội lỗi và sự chết. Chúa Giêsu Kitô đã làm cho vương quốc của Satan sụp đổ. Ai bước theo Đức Kitô, người ấy cũng sẽ được chia sẻ chiến thắng của Đức Kitô. 500 năm trước Đức Kitô, tiên tri Isaia đã tiên báo về Đức Kitô là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa tình nguyện chịu đau khổ để gánh tội cho mọi người (x.Is 52,13 – 53,12). Từ nay Vương quốc của Đức Kitô mở rộng cho mọi người vào hưởng hạnh phúc ơn cứu độ (x. Rm 4,25; Cl 2,9-15).
3. Đức Maria cùng chiến thắng với Chúa Giêsu :
Đức Maria đã khiêm tốn vâng theo lời mời gọi của Thiên Chúa để cộng tác vào công trình cứu độ : từ nhập thể cho đến tử nạn. Đức Maria đã can đảm đứng dưới chân thập giá để chia sẻ đau đớn với Chúa Giêsu trong cuộc giao tranh quyết liệt với Satan. Vì thế Đức Maria cũng xứng đáng được chia sẻ chiến thắng của Chúa Giêsu trên Satan : trên tội lỗi và sự chết. Đây là nền tảng thần học cho hai tín điều về Đức Mẹ Maria :

  • Đức Mẹ vô Nhiễm Nguyên Tội : Mẹ chiến thắng hoàn toàn tội lỗi.
  • Đức Mẹ Lên Trời Hồn Xác : Mẹ chiến thắng sự chết.

Khi chia sẻ chiến thắng với Chúa Giêsu, Đức Mẹ còn lãnh nhận một sứ mạng mới : làm Mẹ cả nhân loại. Chúa Giêsu đã nói với tông đồ Gioan : “Này là Mẹ của anh !” và nói với Đức Maria : “Này là con Bà !” Tông đồ Gioan đã được chọn làm đại diện cho các môn đệ và cả loài người để đón nhận Đức Maria là Mẹ thiêng liêng. (Ga 19, 16-27). Evà là mẹ của chúng sinh vướng mắc tội truyền còn Đức Maria là Evà Mới, là Mẹ của một nhân loại được Thiên Chúa cứu độ.
4. Chúa Giêsu chiến thắng là nguồn ơn Thánh Thần :
Trong giờ phút “được tôn vinh” trên thập giá, cạnh sườn Chúa Giêsu bị đâm thâu, máu và nước tuôn chảy (Ga 19,34).
Nước là dấu chỉ của các ơn Chúa Thánh Thần đem lại sức sống thiêng liêng. Nước ấy chảy từ cạnh sườn Chúa Giêsu là hình ảnh diễn tả: Thân thể Đức Giêsu Kitô là nguồn mạch ơn Thánh Thần (x. Ga 7, 37-39). Giờ Chúa Giêsu chịu chết là giờ tôn vinh, giờ bắt đầu kỷ nguyên của Thánh Thần. Đối với thánh Gioan, “Chết – Sống Lại – Lên Trời – Hiện Xuống” là một biến cố duy  nhất.

Như thế, muốn được tái sinh làm con Thiên Chúa, cần phải có một nguồn sống. Chúa Thánh Thần là Đấng cung cấp nguồn sống mới này cho con người (x.Rm 8,4-15 ; Gl 5,25). Chính Chúa Thánh Thần hiệp nhất chúng ta với nhau trong Đức Giêsu Kitô (x.Ep 4,3-4; 1Cr 12,13).

Sau hết, việc ban Thánh Thần là một bằng chứng bảo đảm của  Thiên Chúa đối với chúng ta, làm cho chúng ta được nếm trước cuộc sống vinh hiển đang đợi chờ mọi tín hữu ở bên kia thế giới (x.2C 1, 22). Niềm tin này giúp chúng ta phấn đấu để biến con người xác thịt nên con người Thần Khí (x. 1 Cr 3,1).

Tóm TẮT chương 6

Việc chuẩn bị đã đầy đủ, “thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới” (Gl 4, 4). Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh ra tại Belem, xứ Giuđêa.

Sau những năm sống ẩn dật tại Nazarét, Đức Giêsu bắt đầu đời sống công khai :

  • Đi rao giảng Tin Mừng,
  • Làm các phép lạ,
  • Tuyển chọn các tông đồ và thiết lập Giáo Hội, sai các ông đi rao giảng.

Cao điểm của việc thực hiện ơn cứu độ là cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Người đã yêu thương nhân loại cho đến cùng nơi cái chết thập giá. Ba ngày sau Người sống lại, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Khi chiến thắng Người ban Thánh Thần sự sống để dẫn đưa mọi người vào đời sống mới của con cái Thiên Chúa.
 
Câu hỏi thảo luận:

Bạn hãy đọc Mt 5,
38-45 và nhận định xem có phải Chúa Giêsu đến để huỷ bỏ Cựu Ước không ?
 
Nguồn: simonhoadalat.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét