Chúa Giêsu và Đức Thiên Chúa
Trích sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin, Linh mục Alberto Maggi (Comment lire l’ Évangile sans perdre la foi. Nhà xuất bản Fides, Pháp).
Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Xađốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa. (Mc 12: 28-24)
Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu tiên đoán sứ điệp mình giống như hạt giống được gieo vào bốn loại đất và nó chỉ được phát triển tốt tươi ở một loại đất mà thôi. Trên các miếng đất khác thì chịu thua. Lời giảng phong phú của Chúa Giêsu là cho tất cả nhưng chỉ có một số ít nhận: “Rất nhiều người được gọi nhưng chỉ có một số ít được chọn.” (Mt 22: 14) Giàu là một trong các trở ngại được Chúa Giêsu nêu rõ: ai không từ bỏ hết những gì mình có thì không làm môn đệ Chúa được (Lc 14: 33; Mt 27: 57).
Một cản trở lớn khác là tôn giáo. Các Phúc âm đưa ra nghịch lý này: càng xa tôn giáo càng dễ nhận biết sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình; càng ở trong tôn giáo, càng khó nhận biết và đón nhận Thiên Chúa trong các công việc của mình. Những ai tự xem mình là người tội lỗi thì lại có khả năng vào nước Chúa, những người nào lên án họ thì lại không. Hoàn toàn không có một cảm thông nào giữa những người lệ thuộc vào tôn giáo và Chúa Giêsu. Dù vậy, ít nhất Chúa Giêsu cũng đã nói chuyện được với một trong những đại diện quan trọng nhất của tôn giáo, nói một cách chính xác, một nhà thần học chính thức.
Thánh sử Máccô mô tả câu chuyện giữa một kinh sư và Chúa Giêsu (Mc 12: 28-34). Các kinh sư là những người mộ đạo, sau một thời gian dài nghiên cứu Thánh Kinh, đến khi lớn tuổi, thường là ngoài 40, họ được truyền Thần Khí, Thần Khí từ ông Môsê và được xem là những người kế vị trực tiếp các tiên tri. Nhiệm vụ của họ là bảo tồn Lề Luật để “Luật Pháp Ngài, con nguyện hằng tuân giữ tới muôn thuở muôn đời” (Tv 119: 44), bởi vì “mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi; không có gì để thêm, không có gì để bớt” (Gv 3: 14). Họ mặc áo và mang những dấu hiệu đặc biệt để chứng tỏ phẩm cách của họ, dân chúng tôn kính gọi họ là “ráp-bi” (“giáo sĩ”, Mt 23: 7-8). Lời giảng dạy của họ được xem là Lời Chúa: “Tất cả những lời giảng của kinh sư là Lời Chúa”, sách Talmud tiết lộ như vậy và quyền uy của họ thì không chối cải, được Thánh Kinh khẳng định: kinh sư “thi hành nhiệm vụ giữa những người chức trọng quyền cao, thường xuyên xuất hiện bên cạnh những vị cầm quyền, danh thơm sẽ trường tồn qua muôn thế hệ” (Hc 39: 4-9). Vì lý do giáo huấn được tiếng là không sai lầm, họ được dân chúng kính trọng và có một ảnh hưởng vượt quá cả các thượng tế và cả các vua. Khi Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy thì danh tiếng này bắt đầu bị ung hoại.
Khi nghe Người, thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư (Mc 1: 21-28). Trong đoạn buộc tội cuối cùng, thánh Máccô nhắc đến các kinh sư khi nói đến một loạt đầy đủ các vị chức sắc từ thượng tế, kỳ mục đến kinh sư, những người này đưa ra một loạt các câu hỏi gài bẫy để lấy cớ buộc tội Chúa Giêsu.
Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc câm miệng thì đến lượt kinh sư, ông này hỏi Đức Giêsu một câu mà câu trả lời đã được biết trước: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê điều răn nào là điều răn quan trọng nhất?” Đương nhiên ông này đã biết câu trả lời (Thánh Mátthêu và Luca đều nhấn mạnh họ đến hỏi là để thử Đức Giêsu Mt 22: 35; Lc 10: 25). Họ không đến để học hỏi mà để xác nhận hoặc để kiểm soát quan điểm thần học không mấy chính thống của người Galilê kỳ lạ này, người “không học hành gì mà sao thông thạo chữ nghĩa thế!” (Ga 7: 15).
Các điều răn là để hướng dẫn con người, nhưng cũng có một điều răn mà Chúa cũng phải tôn trọng: nghỉ ngày sabát. Đối với các kinh sư, điều không chối cải, đó là điều răn quan trọng nhất: ngày sabát, “Đấng Tạo Dựng không làm việc” (Xh 20: 11). Lòng xác quyết này có nguồn gốc từ sách Sáng Thế, sau khi tạo dựng vũ trụ, đến ngày thứ bảy, Chúa nghỉ ngơi (St 2: 3). Được xem như điều răn quan trọng nhất, tuân giữ điều răn này tương đương với việc giữ trọn vẹn tất cả Lề Luật. Ngược lại, vi phạm điều răn này xem như vi phạm tất cả các điều răn và bị phạt phải chết (Xh 31: 14). Chúa Giêsu thì không, không những đã không tuân giữ luật, lại còn vi phạm một cách có hệ thống. Luật không những cấm săn sóc người bệnh mà còn cấm viếng thăm người bệnh vào ngày sabát! Còn Chúa Giêsu thì thăm, săn sóc va chữa bệnh vào ngày Sabát (Lc 13: 14)! Luật cấm không được đi xa vào ngày sabát! Còn ngày nào đẹp hơn để Chúa Giêsu đi dạo với các đồ đệ, những người này lại còn vi phạm luật nặng nề khi họ bứt lúa, đó là một trong 39 công việc ngăn cấm không được làm trong ngày sabát (Mc 2: 23-28). Luật cấm không được gánh nặng vào ngày sabát! Chúa Giêsu mời người khuyết tật “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!”; người Do thái nghe vậy, phản ứng mạnh với người vừa được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” (Ga 5: 8-10).
Với những chuyện như vậy, họ chờ xem Chúa Giêsu có tuân giữ các giáo điều chính thức không. Ai chưa bao giờ tuân giữ ngày sabát thì chắc chắn bị xem như người không giữ điều luật quan trọng nhất. Ngược với mong chờ của các kinh sư khi họ hỏi Chúa Giêsu luật nào là luật quan trọng nhất, câu trả lời của Chúa Giêsu không những coi thường truyền thống thần học mà còn coi thường các điều răn. Một cách thách thức, Chúa Giêsu không nói đến các điều răn của ông Môsê mà nhắc đến “Hỡi Ítraen..” (Đnl 6: 4-9), đức tin mà người Do-thái đọc mỗi ngày hai lần: “Điều quan trọng nhất là: Hỡi Ítraen.. Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất, hãy yêu mến Thiên Chúa của anh em hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn.” Câu hỏi của kinh sư chỉ hỏi điều răn nào quan trọng nhất. Nhưng đối với Chúa Giêsu yêu mến Thiên Chúa thôi chưa đủ, vì thế người thêm vào lời dạy trong sách Lêvi 19: 18: “Và đây là điều răn thứ nhì: Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Không có điều răn nào quan trọng hơn hai điều răn này.”
Phản ứng của kinh sư trước các thách thức của Chúa Giêsu là phản ứng tích cực: ông đồng ý với quan điểm của các tiên tri về sự vượt trội của tình yêu cho đồng loại trên việc thờ phượng Thiên Chúa: “Thầy nói đúng, không có điều răn nào khác điều răn này; yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và yêu người như mình vậy là đáng giá hơn tất cả các lễ vật hy sinh, hiến tế.” Vị đại diện cho một truyền thống cổ động tuân giữ vô số lễ nghi tôn giáo mới kết hiệp được với Thiên Chúa đã hiểu những lễ nghi này chỉ là phụ, rằng tình yêu đối với Thiên Chúa không thể hiện qua việc thờ phượng mà qua tình yêu của mình cho nhân loại, giống như tiên tri Hôsê giảng dạy: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Hs 6: 6; Mt 9: 13; 12:7).
Các kinh sư, càng biết họ thì càng tránh xa
Trả lời cho tâm hồn cởi mở của kinh sư, Chúa đưa ra một lời mời gọi ngầm: “Ông cũng không ở xa Nước Trời.” Một lời nói nhắc lại lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1: 15). Ai quan tâm đến hạnh phúc của con người thì không ở “xa” Nước Chúa. Nhưng để “đi vào” thì phải “sám hối”, một thay đổi não trạng tận căn đụng đến thang bậc giá trị của đời người, từ bỏ mọi hình thức hào nhoáng, tận hiến đời mình để phục vụ nhân loại. Vì lý do đó, chỉ có một kinh sư duy nhất xin đi theo người “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”, Chúa Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8:19-20) Thánh Kinh giảng dạy người ta không thể tin tưởng ở “người không có tổ, Chúa Giêsu nói trước cho ông kinh sư, người đã quen với “ghế danh dự” (Mc 12: 39), rằng muốn theo Người phải bỏ hết các tham vọng vinh dự và huy hoàng, chấp nhận bị xem như người thấp hèn nhất xã hội và còn không giá trị bằng những con vật bị xem như vô ích (chim trời Lc 12: 6; Mt 6: 26) và không đáng kể (con cáo). Một lời mời gọi, một lời đề nghị. Nhưng vị kinh sư không đi theo Chúa. Ông còn giữ bộ óc thần học thông thái chưa biến qua hành động. Câu hỏi của ông chỉ ở trên phương diện lý thuyết, “họ nói mà không làm” (Mt 23: 3). Họ không kết hợp với Chúa Giêsu để xây dựng một xã hội mới – xã hội nước trời, một xã hội loại bỏ bất công, loại bỏ thói hợm mình hơn người.
Phản ứng của Chúa Giêsu là phản ứng hung bạo bất ngờ. Bắt đầu bằng chế nhạo lời giảng dạy của các kinh sư, nêu điểm không chặt chẽ của họ (Mc 12: 35-37), kêu gọi dân chúng mở mắt, thoát ra quyền lực của các kinh sư: những người tự cho là hướng dẫn đời sống thiêng liêng của dân chúng lại khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào (Mt 23: 13). Lời mắng nhiếc kết thúc bằng lời lưu ý dân chúng về hạng người này, phô bày lòng mộ đạo nhưng trên thực tế là để che giấu quyền lợi của mình (Mc 12: 38-42). Đi theo Chúa là những người không đức tin, không tôn giáo chứ không phải các bậc trưởng tộc tôn giáo mà trong phúc âm, luôn luôn là những người lăng nhục Chúa Giêsu, chỉ muốn cho Chúa Giêsu chết.
Đó là các vị “thượng tế”, các nơi thờ phượng được xem như những nơi rất nguy hiểm cho Con Người. Chính nơi hội đường mà họ quyết định giết Người (Mc 3: 1-6); và trong đền thánh mà họ định ném đá Người (Ga 10: 31-33). Việc lên án Chúa Giêsu xuất phát từ các chức sắc cao nhất của tôn giáo, thượng tế với sự hỗ trợ tuyệt đối của người Xađốc: Họ đổ lên người Chúa Giêsu tất cả thù hận của họ, rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người, lăng nhục Người (Mt 26: 65-68).
Ignace Trần An Huy dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét