Mùa Vọng, ngày thứ 23: Sống trong tâm tình tạ ơn dù phải gặp thử thách
fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2019-12-19
Mỗi ngày trong Mùa Vọng, trang Aleteia mời quý độc giả trở thành môn đệ của Chúa Giêsu bằng cách đổi mới trái tim mình thành trái tim yêu thương. Hôm nay trang Aleteia mời gọi chúng ta suy niệm bốn suy niệm để sống trong tâm tình tạ ơn dù phải gặp thử thách.
Nếu chúng ta cảm thấy dễ dàng để tạ ơn Chúa khi gặp suông sẻ trong cuộc đời, thì thật khó, thậm chí gần như không thể được để dâng lời tạ ơn khi chúng ta gặp thử thách. Trong quyển sách “Phép lạ của tâm tình tạ ơn”(Le miracle de la gratitude, nxb. Emmanuel), linh mục Lionel Dalle tự hỏi: “Có thế nào chúng ta sống trong tâm tình tạ ơn khi bị thử thách không? Nghe thì thật chướng tai, nhưng có thể đó là khía cạnh mạnh mẽ nhất của lòng biết ơn”. Làm thế nào đây? Đây là bốn thái độ linh mục Dalle đề nghị để chúng ta sống trong thử thách với tâm tình tạ ơn.
1- Chấp nhận sự hợp lý của Chúa vượt ngoài hợp lý của chúng ta
“Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. (Is 55, 8-9). Linh mục Lionel Dalle giải thích, chúng ta thường nhìn đường lối của Chúa theo con mắt của mình, theo chân trời của mình. Nhưng Chúa nhìn theo tầm nhìn thiêng liêng và Ngài nhắm một mục đích cao hơn mục đích chúng ta: “Ngài không muốn chúng ta hài lòng với các lạc thú nho nhỏ, nhưng với một hạnh phúc toàn diện, một đời sống vĩnh cửu. Ngài không muốn tiện nghi của chúng ta nhưng muốn chúng ta hoán cải, không phải là không muốn chúng ta có sức khỏe, nhưng muốn chúng ta thánh thiện. Cái gì có thể là khó khăn, không hiểu được hoặc xấu thì có thể lại là sinh ích trong sự hợp lý của Chúa. Chúng ta hiểu điều này khi ở thiên đàng. Và đây là đêm tối đức tin, là trọn lòng tin tưởng”. Một hành vi của đức tin, của buông bỏ, của tín thác vào sự quan phòng của Chúa như lời Thánh vịnh: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).
2- Nhớ lại những giây phút may mắn
“Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39).
Chúng ta trải nghiệm những giây phút an ủi trong cuộc sống của mình khi chúng ta cảm thấy bình an, vui vẻ và được yêu thương và những giây phút sầu khổ hoang vắng khi tâm hồn chúng ta xa Chúa. Thánh I-Nhã khuyên, trong thời gian sầu khổ, chúng ta phải nhớ lại những lúc đã được Chúa an ủi, như thế chúng ta sẽ vượt lên được khi bị thử thách.
3- Tin rằng mọi thứ đều đóng góp cho sự tốt đẹp của chúng ta
“Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8, 28).
Chúa không muốn sự dữ, Ngài có một kế hoạch yêu thương cho mỗi người. Ngay cả khi chúng ta ở trong sự dữ, bệnh tật, thất bại, ân sủng của Chúa vẫn hiện diện. Linh mục Lionel Dalle nhấn mạnh: “Trong sự toàn năng của mình, Thiên Chúa có khả năng rút ra điều tốt thậm chí từ những điều xấu. Điều này được thấy một cách biểu tượng qua thánh giá: từ tội lỗi lớn nhất mà loài người đã phạm, đó là cái chết của Con yêu dấu, Thiên Chúa rút ra lợi ích lớn nhất cho chúng ta: Sự cứu rỗi và sự sống đời đời”.
4- Đón nhận ơn ích từ thập giá
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).
Chúa Giêsu không nói với các môn đệ của mình: “Ai theo Ta sẽ không còn đau khổ!” Vì từ tội lỗi sẽ luôn có đau khổ trong cuộc sống, Linh mục Dalle giải thích: “Chúa Giêsu đến để đánh bại thập giá cho chúng ta. Ngài vác thập giá là dấu chỉ của cái chết để thập giá trở thành dấu hiệu của sự sống. Nơi Ngài, chúng ta là những người chiến thắng thập giá”. Điều này đòi hỏi phải chuyển từ giận dữ, từ hiểu lầm qua chấp nhận, “một bước tiến lớn mang lại khả năng ơn ích cho các thập giá chúng ta vác”, một cách cụ thể, linh mục mời chúng ta nhìn lại các giây phút khó khăn trong đời mình để nhận ra cách nào Chúa đã hiện diện. Làm thế nào Chúa đã giúp chúng ta lớn lên trong thử thách? Và chúng ta có thể giúp người khác vượt lên trong các hoàn cảnh như vậy được không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét