Vừa lên ngôi giáo hoàng, Đức Bênêđíctô XVI đã chuyển hướng các bài giáo lý quen thuộc mà vị tiền nhiệm của ngài đã khởi xướng với thật nhiều thành quả rực rỡ qua các buổi triều yết chung. Hướng đó, chính là Giáo Hội, được định nghĩa như Dân Thánh Mới. Mà nói về Dân Thánh này, không gì cụ thể bằng đề cập thẳng tới những con người cụ thể, những con người mang trọn bản sắc nhân bản của mình mà dấn thân theo Chúa để phục vụ chị anh em. Đại biểu sáng chói nhất cho những con người này chính là các thánh và những nhân vật từng hiến trọn cuộc đời mình cho Giáo Hội và sứ mệnh công bố Lời Chúa cho muôn dân.

Nhưng trước khi đề cập đến các vị thánh cá thể, Đức Bênêđíctô XVI nói cách chung tới Giáo Hội và đặc tính tông truyền của Giáo Hội. Chúng tôi xin chuyển ngữ phần có thể được coi như dẫn nhập này của ngài.

I. Nguồn Gốc Giáo Hội

1.Trên Đá này ta sẽ xây Giáo Hội Ta

Trong cuộc triều yết chung ngày 22 tháng 2 năm 2006, nhân ngày kính Tòa Phêrô, Đức Bênêđíctô XVI đã khai triển các bài giáo lý của ngài theo chiều hướng mới nói trên bằng cách suy nghĩ tới chữ Toà (cathedra).

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, phụng vụ theo nghi lễ La Tinh cử hành Lễ Kính Tòa Phêrô. Đây là một truyền thống rất cổ xưa mà người ta đã chứng minh được là có từ thế kỷ thứ tư. Nhân ngày này, chúng ta cảm tạ Chúa vì sứ mệnh Người đã ủy thác cho Thánh Tông Đồ Phêrô và các vị kế nghiệp của ngài.


Theo nghĩa đen, “cathedra” có nghĩa là tòa đã được thiết lập cho một giám mục, được đặt tại nhà thờ mẹ của giáo phận. Chính vì thế, nhà thờ này được gọi là nhà thờ chính tòa; nó biểu tượng cho thẩm quyền của giám mục và nhất là “huấn quyền” của ngài, tức là quyền giảng dạy phúc âm mà với tư cách kế nghiệp các Tông Đồ, vị giám mục được kêu gọi gìn giữ và chuyển giao cho Cộng Đoàn Kitô Giáo.

Khi một giám mục tiếp nhận một Giáo Hội đặc thù mà ngài được ủy thác, ngài ngồi trên tòa, đầu đội mũ gầu (mitre), tay mang gậy mục tử. Từ tòa này, với tư cách thầy dạy và người chăn dắt, ngài hướng dẫn hành trình của tín hữu trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Vậy “tòa” của Thánh Phêrô là tòa gì? Được Chúa Kitô chọn làm “đá tảng” để xây dựng Giáo Hội trên đó (Xem Mt 16:18), Thánh Phêrô khởi đầu thừa tác vụ của ngài tại Giêrusalem, sau khi Chúa lên trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống. “Tòa” đầu tiên của Giáo Hội vì thế là Thượng Lầu. Chắc chắn ở đấy có một chỗ đặc biệt dành cho Simon Phêrô. Cũng trong căn phòng đó, Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, đã cùng cầu nguyện với các môn đệ.

Sau đó, Tòa của Phêrô là Antiôkia, một thành phố tọa lạc cạnh Sông Oronte thuộc Syria, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Thành này lúc đó là đô thị lớn thứ ba của Đế Quốc Rôma, sau Rôma và Alexandria của Ai Cập. Thánh Phêrô là giám mục tiên khởi của thành này, một thành được phúc âm hóa bởi Barnabas và Thánh Phaolô. Tại đây, “lần đầu tiên, các môn đệ được gọi là Kitô hữu” (Cv 11:26), và do đó là nơi danh xưng “Kitô hữu” của chúng ta ra đời. Thực thế, trước khi có việc canh tân lịch, Sách Tử Đạo Rôma cũng đã cử hành đặc biệt Tòa Phêrô tại Antiôkia.

Từ đó, Chúa Quan Phòng đã đưa Thánh Phêrô qua Rôma. Bởi thế, ta có cuộc hành trình từ Giêrusalem, từ Giáo Hội sơ sinh, tới Antiôkia, trung tâm đầu hết của Giáo Hội, được hình thành từ các người ngoại giáo nhưng vẫn kết hợp với Giáo Hội xuất phát từ người Do Thái. Rồi Thánh Phêrô qua Rôma, trung tâm Đế Quốc, biểu tượng của “Orbis”, của địa cầu hay thế giới, nơi ngài hoàn tất cuộc đua phục vụ Phúc Âm bằng cái chết tử đạo.

Như thế ta thấy Tòa Rôma, một tòa được vinh dự cao cả nhất, cũng là tòa được Chúa Kitô ủy thác cho Phêrô làm người phục vụ mọi Giáo Hội đặc thù trong sứ mệnh giáo hóa và kết hợp toàn bộ dân Chúa.

Vì thế, sau các cuộc du hành của Thánh Phêrô, Tòa Rôma đã được nhìn nhận là Tòa của Người Kế Nghiệp Thánh Phêrô và “tòa” giám mục của nó được nhìn nhận là đại biểu cho sứ mệnh mà Chúa Kitô đã ủy thác cho vị này trong việc chăn dắt toàn bộ đoàn chiên của Người.

Điều trên đã được các Giáo Phụ xưa nhất của Giáo Hội, như Thánh Irênê, Giám Mục Lyons chẳng hạn, minh chứng. Ngài vốn xuất thân từ Tiểu Á. Nhưng trong khảo luận Adversus Haereses (Chống Lạc Giáo), ngài mô tả Giáo Hội Rôma là Giáo Hội “vĩ đại và cổ xưa nhất, mà ai cũng biết… được sáng lập và thiết lập tại Rôma bởi hai vị Tông Đồ hiển vinh nhất là Phêrô và Phaolô”. Ngài còn thêm: “Giáo Hội hoàn vũ, nghĩa là các tín hữu khắp nơi, phải nhất trí với Giáo Hội này vì tính trổi vượt của nó” (III, 3, 2-3).

Sau đó không lâu, Tertullianô viết rằng: “Giáo Hội Rôma diễm phúc biết bao, vì trên Giáo Hội này các Tông Đồ đã tuôn đổ mọi học lý của các ngài cùng với cả dòng máu của các ngài nữa!” (De Praescriptione Hereticorum, 36).

Thành thử, Tòa của Giám Mục Rôma không những chỉ đại biểu cho việc ngài phục vụ cộng đồng Rôma mà thôi mà còn đại biểu cho cả sứ mệnh của ngài làm người hướng dẫn toàn bộ Dân Thiên Chúa.

Mừng kính “tòa” Phêrô, do đó, như chúng ta mừng kính ngày nay, là đem lại cho nó một ý nghĩa thiêng liêng mạnh mẽ hơn và nhìn nhận nó là dấu chỉ ưu tuyển của tình yêu Thiên Chúa, Đấng Chăn Chiên Đời Đời Nhân Hậu, hằng muốn tụ tập toàn thể Giáo Hội của Người và dẫn dắt Giáo Hội này trên đường cứu rỗi.

Trong số rất nhiều chứng tá Giáo Phụ, tôi muốn trưng dẫn chứng tá của Thánh Giêrônimô. Đây là trích đoạn từ một lá thư của ngài gửi cho Đức Giám Mục Rôma. Trích đoạn này lý thú một cách đặc biệt vì nó minh nhiên nói tới “Tòa” Phêrô, coi nó như bến cảng an lành của chân lý và hòa bình.

Thánh Giêrônimô viết như sau: “Con quyết định tham khảo Tòa Phêrô, nơi người ta thấy môi miệng một Tông Đồ đã hiển dương đức tin; giờ đây con đến xin của nuôi dưỡng linh hồn con tại đây, nơi con từng lãnh nhận y phục của Chúa Kitô. Con không theo thủ lĩnh nào ngoài Chúa Kitô, nên con xin hiệp thông với phúc lành của ngài, tức, hiệp thông với Tòa Phêrô, vì con biết đây là hòn đá trên đó Giáo Hội đã được xây cất” (Xem Le lettere I, 15, 1-2).

Anh chị em thân mến, như anh chị em biết, trong hậu cung Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô có một đài kỷ niệm Ngai Tòa Thánh Tông Đồ, một công trình lớn của Bernini. Đài này mang hình một tòa lớn bằng đồng được tượng của 4 Tiến Sĩ Giáo Hội chống đỡ: hai vị xuất thân từ Tây Phương là Thánh Augustinô và Thánh Ambrôsiô, hai vị xuất thân từ Đông Phương là Thánh Gioan Kim Khẩu và Thánh Anathasiô.

Tôi mời anh chị em dừng chân trước công trình gợi hình này mà ngày nay ta có thể chiêm ngưỡng, một công trình được trang trí bằng vô số chân đèn, và xin anh chị em hãy cầu nguyện cho thừa tác vụ mà Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi. Anh chị em hãy ngước mắt nhìn chiếc cửa sổ kính mầu làm bằng thạch cao tuyết hoa (alabaster) nằm ngay trên đầu Ngai Tòa và hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần để với ơn soi sáng và sức mạnh của Người, Người luôn hướng dẫn việc phục vụ hàng ngày của tôi đối với toàn thể Giáo Hội.

2. Chúa Kitô và Giáo Hội (Buổi triều yết chung ngày 15 tháng 3 năm 2006)

Anh chị em thân mến,

…Tôi xin dành buổi triều yết hôm nay để nói về sự mầu nhiệm trong mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, dựa vào kinh nghiệm của các Tông Đồ, dưới ánh sáng nhiệm vụ đã được ủy thác cho các ngài.

Giáo hội đã được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ thành một cộng đồng đức tin, đức cậy và đức mến. Qua các Tông Đồ, ta đến thẳng với chính Chúa Giêsu. Giáo Hội được thành lập lúc một số ngư phủ vùng Galilê gặp gỡ Chúa Giêsu, bị cái nhìn, giọng nói, lời mời gọi nồng ấm và mạnh mẽ của Người chinh phục: “Hãy theo Ta, và Ta sẽ làm các con thành nhưữg kẻ chinh phục người ta” (Mc 1:17; Mt 4:19).

Ở đầu thiên niên kỷ thứ ba, vị Tiền Nhiệm yêu qúy của tôi là Đức Gioan Phaolô II từng mời gọi Giáo Hội chiêm ngắm Khuôn Mặt Chúa Kitô (xem Novo Millennio Ineunte, n. 16 ff.). Tiếp tục cùng một hướng ấy, tôi muốn trình bày điều này: ánh sáng Khuôn Mặt ấy đã được phản ảnh ra sao trên khuôn mặt Giáo Hội (Xem Lumen Gentium, n. 1), bất kể các giới hạn và bóng râm trong bản tính nhân loại mỏng dòn và tội lệ của ta.

Sau Đức Maria, Đấng đã phản chiếu toàn diện ánh sáng của Chúa Kitô, chính qua các Tông Đồ, qua lời nói và chứng tá của các ngài, mà ta tiếp nhận được chân lý của Chúa Kitô. Tuy nhiên, sứ mệnh của các ngài không cô lập, nhưng được đặt trong mầu nhiệm hiệp thông bao gồm toàn bộ dân Chúa và được thể hiện từng giai đoạn từ Cựu Ước qua Tân Ước.

Về phương diện này, cần phải nói rằng sứ điệp của Chúa Giêsu sẽ bị hiểu lầm hoàn toàn nếu nó bị tách biệt khỏi bối cảnh đức tin và đức cậy của dân Chúa Chọn: Giống Thánh Gioan Tây Giả, vị Tiền Hô của Người, Chúa Giêsu cũng đã nói trước hết với Dân Do Thái (xem Mt 15:24) ngõ hầu “tụ họp” họ lại với nhau vào thời cánh chung, một thời đã cùng xuất hiện với Người. Và giống như lời giảng của Thánh Gioan, lời giảng của Chúa Giêsu cũng là lời kêu gọi của ơn thánh và là dấu chỉ của mâu thuẫn và của công lý đối với toàn bộ dân Chúa.

Như thế, ngay từ giây phút đầu tiên trong hoạt động cứu rỗi của Người, Chúa Giêsu Nadarét đã cố gắng tụ họp dân Chúa lại với nhau. Dù lời giảng của Người luôn là lời mời gọi người ta phải hồi hướng bản thân, nhưng trên thực tế, Người luôn luôn nhắm tới việc xây dựng dân Chúa, một Dân mà chính Người đã đến để tụ tập, thanh tẩy và cứu vớt.

Chính vì thế, lối giải thích có tính cá nhân chủ nghĩa về việc Chúa Kitô công bố Nước Trời, một lối giải thích đặc trưng của nền thần học tự do, chỉ là một chiều và không có nền tảng. Nhà thần học tự do nổi tiếng, là Adolf von Harnack, từng tóm lược lối giải thích ấy như sau, trong giảng khóa năm 1900 của ông tựa là The essence of Christianity (Yếu tính Kitô Giáo): "Khi áp dụng vào các cá nhân đơn độc, Nước Thiên Chúa có khả năng đi vào linh hồn họ và được linh hồn họ chào đón. Đã đành, Nước Thiên Chúa là lãnh thổ thuộc quyền thống trị của Người, nhưng đó là lãnh thổ của Thiên Chúa chí thánh trong các trái tim cá thể” (Bài 3, tr.100 và tiếp theo).

Trên thực tế, chủ nghĩa cá nhân của nền thần học tự do này đang được thời nay nhấn mạnh một cách đặc biệt. Nhưng, theo cái nhìn của truyền thống Thánh Kinh và trong bối cảnh của Do Thái Giáo, nơi công trình của Chúa Giêsu diễn tiến, ai cũng rõ điều này: toàn bộ sứ mệnh của Con Thiên Chúa làm người có tính cộng đoàn. Người thực sự xuống thế để hợp nhất nhân loại đang tứ tán; Người thực sự đến để hợp nhất Dân Thiên Chúa.

Dấu chỉ hiển nhiên cho thấy ý định của Đấng xuất thân từ Nadarét muốn tụ họp cộng đồng Giao Ước lại với nhau để qua nó chứng tỏ sự nên trọn của các lời hứa đã được ngỏ cùng Các Tổ Phụ, những vị luôn luôn nhắc tới công hội, thống nhất, hợp nhất, là việc thiết lập nhóm Mười Hai. Ta nghe được việc thiết lập nhóm Mười Hai này lúc đọc Phúc Âm. Tôi xin đọc lại cho anh chị em đoạn chủ yếu sau đây: “Và Người lên đồi, rồi gọi những kẻ Người muốn đến với Người; và họ đã đến với Người. Người chỉ định 12 người ở với Người, để được sai đi rao giảng và được quyền trừ qủy. Tên của 12 Tông Đồ là…” (Mc 3:13-16; xem Mt 10:1-4; Lc 6:12-16).

Trên địa điểm mạc khải ấy, tức “gò cao”, với sáng kiến hòan toàn có ý thức và đầy cương quyết, Chúa Giêsu đã thiết lập nhóm Mười Hai, để họ, cùng với Người, làm chứng và loan báo việc xuất hiện của Nước Thiên Chúa.

Không còn hoài nghi gì nữa về tính lịch sử của việc kêu gọi này, không phải chỉ vì tính cổ xưa và tính số đông các chứng tá, nhưng còn vì lý do giản dị này nữa là có cả tên Giuđa nữa, tức người Tông Đồ sẽ phản bội Người, bất chấp các khó khăn do sự hiện diện này có thể gây ra cho cho cộng đồng tân lập.


Con số mười hai, một con số hiển nhiên có ý nhắc tới mười hai chi họ Israel, đủ để mạc khải cho ta ý nghĩa của hành động biểu tượng đầy tính tiên tri tiềm ẩn trong sáng kiến tái lập dân thánh. Vì hệ thống 12 chi họ đã lui vào bóng tối từ lâu, nên niềm hy vọng của Israel chờ đợi việc tái lập chúng phải được coi như dấu chỉ thời cánh chung (như đã được nhắc tới vào cuối Sách Êdêkien 37:15-19; 39:23-29; 40-48).

Khi chọn nhóm Mười Hai, để dẫn họ vào hiệp thông sự sống với Người cũng như cho họ tham dự vào sứ mệnh công bố Nước Trời của Người bằng lời nói và việc làm (xem Mc 6:7-13; Mt 10:5-8; Lc 9:1-6; 6:13), Chúa Giêsu muốn nói rằng thời ấn định đã tới để thiết lập Dân Mới của Thiên Chúa, không phải là dân của 12 chi họ, mà là dân phổ quát, tức Giáo Hội của Người.

Lời kêu gọi dân Israel

Từ chính sự hiện hữu của mình, nhóm Mười Hai, những người được kêu gọi từ nhiều hậu cảnh khác nhau, đã trở thành lời mời gọi toàn bộ Israel hồi tâm và tụ họp nhau lại thành giao ước mới, một giáo ước làm trọn giao ước cũ. Sự kiện Người ủy thác cho các Tông Đồ nhiệm vụ cử hành Lễ Vượt Qua của Người ngay trong Bữa Tiệc Ly, trước ngày Người chịu thống khổ, cho thấy Chúa Giêsu muốn chuyển giao cho toàn thể cộng đồng, qua con người các nhà lãnh đạo của nó, sứ mệnh trở thành dấu chỉ và dụng cụ trong lịch sử tụ họp có tính cánh chung mà chính Người đã khởi sự. Theo một nghĩa nào đó, ta có thể nói rằng Bữa Tiệc Ly chính là hành động đặt nền cho Giáo Hội, vì Người đã tự hiến mình và do đó đã tạo ra một cộng đồng mới, một cộng đồng hợp nhất trong hiệp thông với chính Người.

Dưới ánh sáng đó, ta hiểu được tại sao Đấng Sống Lại đã ban cho họ quyền tha tội sau khi ban Chúa Thánh Thần cho họ (xem Ga 20:23). Như thế, nhóm Mười Hai là dấu chỉ hiển nhiên nhất cho thấy ý muốn của Chúa Giêsu đối với sự hiện hữu và sứ mệnh của Giáo Hội và bảo đảm rằng giữa Chúa Kitô và Giáo Hội không hề có sự kình chống nào: bất chấp tội lỗi của các thành viên làm thành Giáo Hội, Chúa Kitô và Giáo Hội không thể tách biệt nhau.

Bởi thế, cái kiểu nói khá phổ thông cách nay không lâu cho rằng “Chúa Giêsu thì được, nhưng Giáo Hội thì không” là hoàn toàn không thể quan niệm được trong ý định của Chúa Kitô. Chúa Giêsu do chủ nghĩa cá nhân ấy chọn lựa chỉ là một Chúa Giêsu tưởng tượng.

Chúng ta không thể có Chúa Giêsu mà lại không có thực tại được Người tạo ra và tự tỏ mình trong đó. Giữa Thiên Chúa nhập hể và Giáo Hội của Người, có một sự liên tục sâu sắc, bền chặt và huyền nhiệm qua đó, Chúa Kitô hiện diện với con người thời nay. Người luôn luôn là người cùng thời với chúng ta, Người luôn luôn cùng thời với Giáo Hội, được xây trên nền các Tông Đồ và sống động trong các đấng kế vị các ngài. Sự hiện diện của Người nơi cộng đồng chính là lý do tạo ra niềm vui của chúng ta. Đúng thế, Chúa Kitô đang ở với chúng ta, Nước Thiên Chúa đang tới.

3. Các chứng nhân của Chúa Kitô (Buổi triều yết 22 tháng 3 năm 2006)

Anh chị em thân mến

Thư gửi Tín Hữu Êphêsô trình bày cho ta hình ảnh Giáo Hội như một cấu trúc xây “trên nền các tông đồ và tiên tri, với Chúa Giêsu là viên đá góc” (Eph.2:20). Trong Sách Khải Huyền, vai trò của các Tông Đồ, nhất là của nhóm Mười Hai, đã được giải thích theo viễn tượng cánh chung về một Giêrusalem trên trời, được mô tả như một kinh thành với những bức tường “có mười hai nền, và trên những nền này, có 12 tên của Mười Hai Tông Đồ của Chiên Con” (21:14).

Các Phúc Âm nhất trí cho rằng việc kêu gọi các Tông Đồ đánh dấu các bước đầu tiên trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu, sau khi Người nhận phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả tại Sông Giođăng.

Theo trình thuật của Máccô (1:16-20) và của Mátthêu (4:18-22), khung cảnh của việc kêu gọi các Tông Đồ đầu tiên là Biển Galilê. Lúc vừa bắt đầu rao giảng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã để ý tới 2 nhóm anh em ruột: Simong và Andrê, Giacôbê và Gioan. Họ làm nghề đánh cá, đang bận bịu với công việc hằng ngày, thả và vá lưới.

Nhưng một hình thức đánh cá khác đang chờ đón họ. Người chủ ý kêu gọi họ và họ nhanh nhẹn đi theo Người: và sau đó, họ trở thành “những kẻ đánh cá người” (xem Mc 1:17; Mt 4:19). Cũng theo cùng một truyền thống này, nhưng Luca cho chúng ta một trình thuật đầy đủ hơn (5:1-11).

Trình thuật của Luca minh họa việc phát triển niềm tin của các môn đệ đầu tiên, bằng cách giải thích rằng lời Chúa Giêsu kêu gọi họ theo Người đã được đưa ra sau khi các ông được nghe lời giảng đầu tiên của Người và đã được thấy các dấu lạ đầu tiên Người làm. Riêng mẻ cá lạ còn là bối cảnh tức khắc, cho thấy tính biểu tượng trong sứ mệnh đánh cá người vừa được ủy thác cho các ông. Số phận những người mới “được gọi”, do đó, gắn bó chặt chẽ với số phận của Chúa Giêsu. Tông đồ là người được sai đi, nhưng trước đó, họ phải là các “chuyên viên” về Chúa Giêsu.

Khía cạnh trên được Phúc Âm Gioan nhấn mạnh từ chính cuộc gặp gỡ đầu tiên của Chúa Giêsu với các Tông Đồ tương lai. Ở đây, khung cảnh có khác. Cuộc gặp gỡ xẩy ra tại bờ Sông Giođăng. Sự hiện diện của các môn đệ tương lai, những người, giống Chúa Giêsu, cũng từ Galilê tới đó để chịu phép rửa của Gioan, giải thích cho ta rõ thế giới tâm linh của họ.

Họ là những người chờ đợi Nước Thiên Chúa, lo lắng được biết Đấng Được Xức Dầu mà người ta từng công bố là sắp sửa xuất hiện. Chỉ cần Gioan Tẩy Giả cho họ thấy Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa (xem Ga 1:36) cũng đủ khơi dậy trong lòng họ niềm khát khao được đích thân gặp gỡ Người.

Câu chuyện qua lại với hai tông đồ tương lai thứ nhất nói lên khá nhiều điều. Họ đáp lại câu Người hỏi: “các anh kiếm gì?”, bằng một câu hỏi khác: “Thưa thầy, thầy ở đâu?”. Câu Chúa Giêsu trả lời đúng là một lời mời: “Hãy đến mà xem” (xem Ga 1:38-39). Hãy đến, để các anh có khả năng thấy.

Cuộc phiêu lưu của các Tông Đồ đã diễn ra như thế đấy, như một cuộc trùng phùng giữa những con người sẵn sàng mở cửa đón chào nhau. Đối với các môn đệ, buổi hừng đông của cuộc hành trình trực tiếp làm quen với Thầy chính là ở chỗ thấy nơi Thầy cư ngụ và bắt đầu quen biết Người. Đúng vậy, các ông sẽ không rao giảng một ý niệm mà là làm chứng cho một con người.

Trước khi được sai đi rao giảng, họ phải “hiện hữu” với Chúa Giêsu (xem Mc 3:14), thiết lập mối quan hệ thân thương với Người. Trên căn bản ấy, việc phúc âm hóa không còn là gì khác hơn lời công bố điều chính họ cảm nghiệm và là lời mời gọi bước vào sự hiệp thông huyền nhiệm với Chúa Kitô (xem 1Ga 1:1-3).

Các Tông Đồ đã được sai đến với những ai? Trong Phúc Âm, hình như Chúa Giêsu muốn giới hạn sứ mệnh của Người nơi một mình dân Do Thái. Người nói: “Thầy chỉ được sai đến với các chiên lạc nhà Israel mà thôi” (Mt 15:24). Tương tự như thế, hình như Người cũng giới hạn sứ mệnh ủy thác cho nhóm Mười Hai: “Khi sai nhóm Mười Hai đi, Người dặn họ “Đừng đi tới Dân Ngoại, đừng vào nhà người Samaria, nhưng đúng hơn hãy tới với những con chiên lạc của nhà Israel” (Mt 10:5ff).

Một số các nhà bình luận hiện đại đầy óc suy lý cho rằng những lời lẽ trên cho thấy Vị Tiên Tri người Nadarét này rõ ràng không hề có một ý thức phổ quát. Nhưng thực ra, lời lẽ trên phải được hiểu dưới ánh sáng mối liên hệ đặc biệt của Người với Israel, tức cộng đồng Giao Ước, một cộng đồng luôn luôn diễn tiến trong lịch sử cứu rỗi.

Nói về lòng mong chờ Đấng Được Xức Dầu, lời hứa của Thiên Chúa, một lời hứa được trực tiếp ngỏ cùng Israel, sẽ được nên trọn khi Thiên Chúa tụ tập Dân của Người qua Đấng Người Đã Chọn làm mục tử với nhiệm vụ tụ tập đó: “Ta sẽ cứu đàn chiên Ta, chúng sẽ không còn là miếng mồi nữa… Ta sẽ đặt trên chúng một mục tử, là tôi trung Đavít của ta, và mục tử này sẽ chăn nuôi chúng và trở thành mục tử của chúng. Và Ta, Chúa Tể, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn tôi tớ Đavít của Ta sẽ là hoàng tử giữa chúng” (Ed 34:22-24).

Chúa Giêsu là mục tử cánh chung, Đấng sẽ tụ tập các chiên lạc của nhà Israel. Người sẽ đi tìm chúng vì Người biết rõ và rất yêu thương chúng (xem Lc 15:4-7, Mt 18:12-14; cũng nên xem hình ảnh người Chăn Chiên Lành trong Ga 10:11ff). Nhờ sự “tụ tập” này, Nước Thiên Chúa được công bố cho mọi người: “Ta sẽ thiết lập vinh quang Ta giữa các dân tộc; và mọi dân tộc sẽ thấy sự phán xử của Ta, sự phán xử mà Ta sẽ thi hành, cùng sẽ thấy bàn tay Ta, một bàn tay đang giáng trên chúng” (Ed 39:21). Chúa Giêsu đã theo sát lời tiên tri ấy. Bước đầu tiên của Người, vì thế, là “tụ tập” dân Israel, để mọi dân tộc, khi được mời gọi tụ họp trong hiệp thông với Chúa, được thấy và tin.

Chính vì vậy, nhóm Mười Hai, được mời gọi chia sẻ cùng một sứ mệnh như Chúa Giêsu, cùng hợp tác với vị Mục Tử của thời sau hết, cũng đã đi tìm các chiên lạc của nhà Israel, nghĩa là nói với dân giao ước rằng sự trở về đoàn tụ của họ là dấu chỉ của ơn cứu độ dành cho mọi dân tộc, là khởi đầu của việc phổ quát hóa Giao Ước.

Thay vì làm sai lạc tính cởi mở phổ quát trong hành động Thiên Sai của Chúa Giêsu, việc giới hạn vào dân Israel trong sứ mạng của Người cũng như của nhóm Mười Hai càng là một dấu chỉ tiên tri hữu hiệu. Sau cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, dấu chỉ ấy sẽ trở nên rõ ràng: đặc tính phổ quát trong sứ mệnh của các Tông Đồ sẽ trở nên minh nhiên hơn. Lúc ấy, Chúa Kitô sẽ sai các ông tới “mọi tạo vật” (Mc 16:15), “mọi dân tộc” (Mt 28:19; Lc 24:47), “tận cùng trái đất” (Cv 1:8).

Sứ mạng ấy nay vẫn còn được tiếp nối. Lệnh Chúa truyền phải tụ tập mọi người trong hợp nhất yêu thương vẫn tiếp tục. Hy vọng và nhiệm vụ của ta là: đóng góp vào tính phổ quát này, vào sự hợp nhất chân thực này trong mọi nền văn hóa, trong niềm hiệp thông với Chúa thật của ta là Chúa Giêsu Kitô.

4. Ơn “hiệp thông” (buổi triều yết 29 tháng 3 năm 2006)

Anh chị em thân mến,

Qua thừa tác vụ tông đồ của mình, Giáo Hội, một cộng đồng được Con Thiên Chúa nhập thể tụ họp, sẽ tiếp tục sống qua các thời đại, bằng cách xây dựng và nuôi dưỡng sự hiệp thông trong Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, sự hiệp thông mà tất cả chúng ta đều được mời gọi và nhờ đó cảm nhận được ơn cứu độ của Chúa Cha.

Như Đức Clêmentê, vị kế nhiệm thứ ba của Thánh Phêrô từng nói vào cuối thế kỷ thứ 3, nhóm Mười Hai, trên thực tế, hết sức lưu tâm tới việc chuẩn bị các người kế nhiệm mình (xem I Clem 42:4), để sứ mệnh ủy thác cho các ngài vẫn tiếp diễn sau khi các ngài qua đời. Như thế, nhờ được tổ chức một cách hữu cơ dưới sự hướng dẫn của các mục tử hợp pháp, Giáo Hội tiếp tục sống trong thế gian qua các thời đại như một mầu nhiệm hiệp thông trong đó, sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi được phản chiếu tới một mức độ nào đó.

Thánh Tông Đồ Phaolô từng nhắc tới nguồn cội Ba Ngôi tối cao này khi ngài chúc các Kitô hữu của mình: “Ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cor 13:14).

Những lời trên, có lẽ mô phỏng lời kinh phụng vụ của Giáo Hội sơ khai, đã nhấn mạnh tới phương cách ơn thánh nhưng không của Chúa Cha nơi Chúa Giêsu Kitô được thể hiện và tỏ lộ ra như thế nào trong sự hiệp thông do Chúa Thánh Thần mang lại. Lối giải thích này, dựa trên sự song hành chặt chẽ giữa ba sở hữu cách của câu trên: ân sủng của Đức Giêsu Kitô… tình yêu của Chúa Cha… ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, đã trình bày “ơn thông hiệp” như ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vốn là hoa trái của tình yêu do Chúa Cha ban tặng và ơn thánh do Chúa Giêsu đem lại.

Mặt khác, ngữ cảnh trước mắt lúc đó, được đánh dấu bằng việc nhấn mạnh tới tình hiệp thông huynh đệ, khiến ta nhận thức “sự thông hiệp” của Chúa Thánh Thần này không phải chỉ là việc từng cá nhân chúng ta được “dự phần” vào sự sống Thiên Chúa ít hay nhiều, mà một cách hợp lý còn là sự “hiệp thông” giữa các tín hữu mà chính Chúa Thánh Thần đã khơi dậy làm người xây dựng và tác nhân chính (xem Pl 2:1).

Ta có thể nói rằng ơn thánh, tình yêu và sự hiệp thông, lần lượt được quy chiếu cho Chúa Kitô, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, là các khía cạnh khác nhau của cùng một hành động Ba Ngôi nhằm cứu rỗi ta. Hành động ấy đã tạo ra Giáo Hội và làm cho Giáo Hội trở thành “một dân tộc được sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần dẫn vào hợp nhất” , như lời Thánh Cyprianô nói vào thế kỷ thứ ba (De Orat. Dom. 23; PL 4, 553, được trích dẫn trong hiến chế Lumen Gentium, n. 4).

Ý niệm hiệp thông hiểu như được tham dự vào sự sống Ba Ngôi đã được Phúc Âm Gioan minh giải một cách đặc biệt. Ở đây, sự hiệp thông tình yêu vốn nối kết Chúa Con với Chúa Cha và với con người, cùng một lúc, cũng là khuôn mẫu và nguồn gốc của sự hiệp thông huynh đệ, một hiệp thông có nhiệm vụ hợp nhất các môn đệ với nhau: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15:12; xem thêm 13:34); “để chúng nên một… như chúng ta vốn là một” (Ga 17:21-22). Bởi đó, nó chính là sự hiệp thông của con người với Thiên Chúa Ba Ngôi và là sự hiệp thông của họ với nhau.

Trong khi còn lữ thứ trên trần gian, nhờ được hiệp thông với Chúa Con, người môn đệ đã có thể chia sẻ được sự sống Thiên Chúa nơi Chúa Con và sự sống Thiên Chúa nơi Chúa Cha: “sự thông hiệp của chúng ta là sự thông hiệp với Chúa Cha và với Con của Người là Chúa Giêsu Kitô” (1Ga 1:3).

Sự sống thông hiệp với Thiên Chúa và với nhau này là mục đích đặc thù của lời tuyên xưng trong Phúc Âm, là mục đích của việc gia nhập Kitô Giáo: “Những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi cũng xin công bố cho anh em, để anh em được thông hiệp với chúng tôi” (1Ga 1:2). Như thế, sự hiệp thông kép, với Thiên Chúa và với nhau này không thể nào tách biệt được. Ở đâu bất cứ, hễ đã tiêu diệt sự hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì cũng tiêu diệt gốc rễ và nguồn cội sự hiệp thông giữa chúng ta với nhau. Và cũng ở đâu bất cứ, nếu ta không sống sự hiệp thông giữa chúng ta với nhau, thì sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi cũng hết sống động, hết chân thật, như đã nói trên đây.

Giờ đây, ta hãy tiến thêm bước nữa. Là hoa trái của Chúa Thánh Thần, hiệp thông phải được nuôi dưỡng bằng Bánh Thánh Thể (xem 1Cor 10:16-17) và được diễn tả qua các liên hệ huynh đệ, trong viễn tượng chờ mong thế giới tương lai ngay trong chính thời đại mình. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu dưỡng nuôi ta, Người hợp nhất ta với chính Người, với Cha của Người, với Chúa Thánh Thần và với nhau. Mạng lưới hợp nhất bao trùm thế giới ấy chính là một hình thức chờ mong thế giới tương lai. Chính bằng cách này, vì là một chờ mong thế giới tương lai, nên hiệp thông cũng là một ơn phúc mang lại các hậu quả hết sức hiện thực. Nó nâng ta ra khỏi nỗi cô đơn của ta, khỏi trạng huống tự khép kín trong chính ta, và làm ta trở thành những người cùng chia sẻ tình yêu vốn hợp nhất ta với Thiên Chúa và với nhau.

Thật dễ hiểu ơn phúc này vĩ đại dường nào, nếu ta chịu nghĩ tới sự phân mảnh và những tranh chấp đang tàn phá các mối liên hệ giữa các cá nhân, các nhóm và các dân tộc với nhau. Và nếu không có ơn hợp nhất trong Chúa Thánh Thần, thì sự phân mảnh của nhân loại là điều không thể tránh khỏi.

“Hiệp thông” quả là Tin Mừng, là thuốc chữa do Chúa ban để ta chống trị sự cô đơn đang đe dọa mọi người hiện nay, một ơn phúc qúy giá giúp ta cảm nhận được sự chào đón và tình yêu của Thiên Chúa, trong tình hợp nhất của Dân Người, vốn tụ họp nhau nhân danh Chúa Ba Ngôi; nó là ánh sáng giúp Giáo Hội rạng chiếu như hải đăng dựng giữa muôn dân.

“Nếu ta nói ta có sự thông hiệp với Người mà lại bước đi trong bóng tối, thì quả ta nói dối và không sống theo chân lý; nhưng nếu ta bước đi trong ánh sáng, như Người vốn ở trong ánh sáng, thì chúng ta có tình thông hiệp với nhau” (1Ga 1:6ff).

Như thế, bất chấp mọi yếu hèn nhân bản vốn đánh dấu khuôn mặt lịch sử của mình, Giáo Hội vẫn được mạc khải như một tạo phẩm diệu kỳ của tình yêu, được đưa vào hiện hữu để mang Chúa Kitô đến gần mọi người đàn ông và đàn bà thực sự mong muốn được gặp Người, cho đến ngày tận thế. Và trong Giáo Hội, Chúa Kitô mãi mãi là người cùng thời với ta. Thánh Kinh không phải là một điều thuộc dĩ vãng. Chúa Kitô không nói trong quá khứ, Người nói trong hiện tại, Người nói với ta hôm nay, Người soi sáng ta, Người chỉ đường cho ta đi suốt cuộc đời, Người ban cho ta sự thông hiệp và nhờ thế, chuẩn bị và mở lòng ta chào đón hòa bình.

Kỳ tới: II. Bản chất Giáo Hội