4. “GIAO ƯỚC KHÔNG BAO GIỜ BỊ THU HỒI”

Với mọi điều đã nói cho đến nay, chúng ta đã bình luận về yếu tố căn bản đầu tiên của sự đồng thuận mới về mối liên hệ giữa Kitô giáo và Do Thái giáo như được trình bày trong các suy tư của Ủy ban Liên hệ Tôn giáo với người Do Thái. Yếu tố căn bản đầu tiên này nói rằng “học lý thay thế” không thích đáng đối với mối liên hệ giữa Do Thái giáo và Kitô giáo. Chúng ta đã nghiên cứu luận đề này theo các yếu tố căn bản vốn tạo nên việc chọn lựa Israel. Chúng ta đi đến kết luận cho rằng việc phê bình lý thuyết thay thế thực sự đã đi đúng hướng, nhưng phải được xem xét lại trong các chi tiết của nó. Giờ đây, chúng ta phải chuyển sang yếu tố thứ hai của sự đồng thuận mới này, đó là ngôn từ của câu “giao ước không bao giờ bị thu hồi”.



“Suy tư” đề cập ở trên chỉ rõ: luận đề cho rằng “giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân tộc Israel của Người kéo dài và không bao giờ bị vô hiệu hóa” (số 39) đã không được đưa vào Tuyên bố Nostra aetate. Lần đầu tiên nó được công bố là do Đức Gioan Phaolô II ngày 17 tháng 11 năm 1980 tại Mainz. Kể từ đó, nó đã được đưa vào Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (số 121) và do đó, theo một nghĩa nào đó, thuộc về giáo huấn hiện thời của Giáo Hội Công Giáo.

Cũng như trường hợp phê phán lý thuyết thay thế, cốt lõi của điều được nói ở đây nên được coi là chính xác, nhưng một số chi tiết cần được làm rõ và đào sâu. Trước hết, cần lưu ý rằng trong việc liệt kê các đặc sủng Israel trong thư Rôma 4, Thánh Phaolô không nói tới “giao ước” mà nói tới “các giao ước”. Thực thế, điều không may là thần học của chúng ta chỉ thấy giao ước ở số ít, hoặc có lẽ chỉ trong một sự đặt cận kề nhau thật sát giữa Giao ước cũ (thứ nhất) và Giao ước mới.
Đối với Cựu Ước, “giao ước” là một thực tại năng động được cụ thể hóa trong một loạt các giao ước liên tiếp. Tôi xin đề cập đến các hình thức chính: giao ước Nôê, giao ước Ápraham, giao ước Môsê, giao ước Đavít, và cuối cùng, dưới nhiều che đậy khác nhau, lời hứa Giao ước mới. Lời mở đầu của Tin Mừng Mátthêu, và câu chuyện thời thơ ấu ở Tin Mừng Luca đều đưa ra một tuyên bố về giao ước Đavít. Mỗi Tin Mừng đều theo cách riêng cho thấy giao ước đã bị con người phá vỡ và đi đến kết thúc ra sao. Nhưng chúng cũng cho thấy Thiên Chúa đã từ gốc cây Jesse làm cho một ngành mọc lên ra sao, do đó tạo ra một khởi đầu mới cho giao ước với Thiên Chúa (x. Is 11: 1). Triều đại Đavít đến hồi kết liễu như mọi triều đại trần gian. Ấy thế nhưng, lời hứa đã được nên trọn: vương quốc của ông sẽ không hề chấm dứt (Lc 1: 33).

Thư gửi tín hữu Galát rất quan trọng đối với vấn đề của chúng ta: các chương ba và bốn vẽ ra một sự so sánh giữa giao ước Ápraham và giao ước Môsê. Giao ước Ápraham được mô tả là phổ quát và vô điều kiện. Giao ước Môsê, mặt khác, được phê chuẩn 430 năm sau đó. Nó có giới hạn và bị cột vào điều kiện phải chu toàn lề luật. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là nó có thể thất bại khi các điều kiện không được thỏa mãn. Nó có chức năng trung gian, nhưng nó không hủy bỏ tính dứt khoát và tính phổ quát của giao ước Ápraham.

Một giai đoạn mới của thần học giao ước có thể được tìm thấy trong Thư gửi tín hữu Do Thái, một điều đã tiếp nối lời hứa về giao ước mới (được công bố một cách rõ ràng đặc biệt trong Giêrêmia 31) và so sánh nó với các giao ước trước đó. Tất cả được tập hợp với nhau dưới tiêu đề “giao ước đầu tiên”, mà hiện nay, được thay thế bằng giao ước cuối cùng, tức giao ước “mới”.

Chủ đề giao ước mới xuất hiện trong nhiều biến thể khác nhau trong Giêrêmia, Êdêkien, Đệ Nhị Isaia và Hôsê. Gây ấn tượng đặc biệt là mô tả câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa và Israel trong chương thứ mười sáu của Êdêkien. Thiên Chúa yêu thương tiếp nhận Israel đến với chính Người lúc nó còn niên thiếu trong một giao ước tình yêu, có tính dứt khoát. Israel không trung thành và tự đánh điếm mình với tất cả các loại thần thánh. Cơn giận của Thiên Chúa đối với việc đó không phải là lời cuối cùng của Người. Thay vào đó, Người tiếp nhận Israel trong một giao ước mới và không thể phá hủy. Ngôn từ trong câu “Giao ước không bao giờ bị thu hồi” mà chúng ta đang khảo sát là chính xác bao lâu chưa có sự lên án nào về phía Thiên Chúa. Nhưng việc con người vi phạm giao ước thì rõ ràng là chuyện thuộc về lịch sử thực sự giữa Thiên Chúa và Israel. Hình thức đầu tiên của việc này được mô tả trong Sách Xuất hành. Sự vắng mặt lâu dài của Môsê trở thành dịp để dân tự ban cho mình một vị thần hữu hình, đấng mà họ tôn thờ: “Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi” (Xh 32: 6). Khi trở lại, “Môsê thấy dân sống buông thả” (Xh 32:25). Thấy giao ước bị phá vỡ, Môsê đã ném các bảng đá mà chính Thiên Chúa đã khắc chữ vào dân và làm bể chúng (Xh 32,19). Lòng thương xót của Thiên Chúa thực sự đã trả lại các bảng đá cho Israel, nhưng đồng thời, họ là những tấm bảng thay thế và cũng là dấu hiệu cảnh báo gợi lại giao ước bị phá vỡ.

Điều đó có nghĩa gì đối với vấn đề của chúng ta? Một mặt, giao ước giữa Thiên Chúa và Israel là không thể phá hủy vì liên tục tính trong việc lựa chọn của Thiên Chúa. Nhưng đồng thời, nó cũng được đồng xác định bởi toàn bộ bi kịch sai lầm của con người. Tất nhiên, vì sự khác biệt vô hạn giữa các bên ký kết giao ước, hạn từ "giao ước" không thể được hiểu theo nghĩa của các đối tác bình đẳng. Sự bất bình đẳng của hai đối tác làm cho giao ước trông giống mô hình phương Đông hơn theo nghĩa tiếp nhận các ân huệ từ vị vua vĩ đại. Điều này cũng được phát biểu dưới hình thức ngữ học: hạn từ chỉ sự hợp tác ngang hàng (partnership) là syntheke đã không được sử dụng. Thay vào đó, hạn từ dieditke đã được lựa chọn, đó là lý do tại sao Thư gửi tín hữu Do Thái không nói đến “giao ước” mà là “di thư” (testament). Do đó, các sách thánh thường không được gọi là “Old and New Covenant” (Giao ước cũ và mới), mà là “Old and New Testament” (Di thư cũ và mới).

Toàn bộ cuộc hành trình của Thiên Chúa với dân của Người cuối cùng đã tìm thấy bản tóm tắt và hình tượng cuối cùng của nó trong Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu Kitô, một bữa tiệc dự ứng và mang theo mình Thập giá và Phục sinh. Chúng ta không cần phải thảo luận các vấn đề phức tạp của việc hình thành hai truyền thống: một mặt là Thánh Máccô và Thánh Mátthêu, và mặt kia là Thánh Luca và Thánh Phaolô. Trong một trường hợp, truyền thống Sinai được tiếp nhận. Điều xảy ra ở đó đã trở nên sự hoàn thành dứt khoát ở đây. Do đó, lời hứa giao ước mới của Giêrêmia 31 giờ là một thực tại hiện tại. Giao ước Sinai, tự chính bản chất của nó, luôn luôn là một lời hứa, một cách tiếp cận điều là cuối cùng. Sau mọi hủy diệt, giao ước mới là tình yêu của Thiên Chúa tiến xa đến cái chết của Chúa Con.

Bây giờ chúng ta hãy cố gắng đưa ra phán quyết cuối cùng về công thức “giao ước không bao giờ bị thu hồi”. Đầu tiên, chúng ta đưa ra hai phản biện có tính ngữ học. Hạn từ “thu hồi” vốn không thuộc từ vựng chỉ hành động của Thiên Chúa. Như được sử dụng để mô tả câu chuyện lịch sử của Thiên Chúa với loài người, “giao ước” trong Kinh Thánh không phải ở số ít, nhưng xảy ra từng giai đoạn. Giờ đây, vượt lên trên các phản biện về hình thức này, chúng ta phải nói một cách có phê phán về phương diện nội dung rằng công thức này không nhấn mạnh tới bi kịch thực sự của câu chuyện giữa Thiên Chúa và con người. Đúng, tình yêu cũa Thiên Chúa không thể bị hủy diệt. Nhưng lịch sử giao ước giữa Thiên Chúa và con người cũng bao gồm sự thất bại của con người, việc phá vỡ giao ước và hậu quả bên trong của nó: việc phá hủy đền thờ, việc phân tán Israel và lời kêu gọi ăn năn, nhằm phục hồi khả năng của con người đối với giao ước. Tình yêu của Thiên Chúa không thể đơn giản làm ngơ tiếng không của con người. Nó làm tổn thương chính Thiên Chúa và do đó nhất thiết làm tổn thương chính con người. Nếu cơn phẫn nộ của Thiên Chúa và mức độ nghiêm khắc trong các hình phạt của Người được mô tả trong các sách tiên tri cũng như trong Torah, thì cần phải nhớ rằng các hành động trừng phạt của Thiên Chúa đã trở nên nỗi đau cho chính Người. Đó không phải là việc kết thúc tình yêu của Người, mà là một bình diện mới của tình yêu. Tôi muốn trích dẫn ở đây một bản văn duy nhất trong đó sự đan kết qua lại giữa giận dữ và tình yêu và do đo, sự dứt khoát của tình yêu trở nên rõ ràng. Sau mọi mối đe dọa trước đó, tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa trong mọi nét vĩ đại của nó xuất hiện trong Hôsê 11: 7-9: “Dân Ta có khuynh hướng quay lưng lại Ta. Chúng gọi thần Baan, nhưng nào nó có giúp đỡ gì chúng. Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi? Hỡi Ítraen, Ta trao nộp ngươi sao đành?... Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa”.

Giữa tội lệ của con người và mối đe dọa thất bại cuối cùng là nỗi đau khổ của Thiên Chúa: “Trái tim Ta thổn thức... vì Ta là Thiên Chúa, không phải loài tử sinh... và Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận”. Những gì được nói ở đây một cách tàn ác và đáng sợ được hiện thực hóa trong các lời lẽ thánh thể của Chúa Giêsu Kitô: Người tự hiến cho đến chết và trong Phục sinh thiết lập ra Giao ước mới.

Việc thiết lập lại giao ước Sinai trong Giao ước mới bằng máu Chúa Giêsu, nghĩa là, trong tình yêu chiến thắng tử thần của Người, đem lại cho giao ước một hình thức mới và giá trị vĩnh viễn. Chúa Giêsu đã đáp ứng trước hai biến cố lịch sử mà ngay sau đó đã thay đổi từ căn bản tình huống của Israel và hình thức cụ thể của giao ước Sinai: sự phá hủy đền thờ, một điều ngày càng không thể thay đổi và sự tứ tán dân Israel ra khắp thế giới. Ở đây, chúng ta đụng tới “yếu tính” của Kitô giáo và “yếu tính” của Do Thái giáo, 1 yếu tính, lần lượt, khai triển câu trả lời cho các biến cố này trong Talmud và Mishnah. Làm thế nào đem giao ước ra sống? Đây là câu hỏi đã tách thực tại cụ thể của Cựu Ước thành hai con đường, Do Thái giáo và Kitô giáo.

Công thức “Giao ước không bao giờ bị thu hồi” có thể hữu ích trong giai đoạn đầu của cuộc đối thoại mới giữa người Do Thái và Kitô hữu. Nhưng về lâu về dài, nó không thích hợp để nói lên một cách thỏa đáng độ lớn lao của thực tại. Nếu các công thức ngắn gọn được coi là cần thiết, tôi xin, trước hết, nhắc đến hai hạn từ của Kinh thánh trong đó các yếu tố chủ yếu tìm được biểu thức giá trị. Đối với người Do Thái, Thánh Phaolô viết: “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11:29). Đối với mọi người, Kinh thánh viết, “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2: 12tt).

Theo bản tiếng Anh của Nicholas J. Healy Jr.

Đức Bênêđíctô XVI là Giáo hoàng Hưu trí, đã từng làm giáo hoàng từ năm 2005 đến 2013.

Kỳ tới: II. Cuộc trao đổi giữa Đức Bênêđíctô và Giáo Sĩ Trưởng của Viennna, Arie Folger