HỌC HỎI TIN MỪNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM C
Ga 10, 27-30
1. Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh nào? xảy ra vào thời gian nào? Đọc Ga 10, 22-26.
2. Đọc Ga 10,24-26. Tại sao những người Do-thái vây quanh Đức Giêsu lại không tin Đức Giêsu là Đấng Kitô?
3. Làm sao nhận ra ai thuộc về chiên của Chúa? Đọc Ga 10, 27. Đọc thêm Ga 10, 2-4.14. Chiên là hình ảnh của ai?
4. Đọc Ga 10, 16. Làm sao nhận ra những con chiên không thuộc về ràn chiên của Chúa? Đức Giêsu có coi chúng là chiên của mình không? Ngài quy tụ chúng bằng cách nào?
5. Đọc Ga 10, 28. Đi theo Mục Tử Giêsu, đoàn chiên được gì?
6. Đọc Ga 10, 28-29 và Ga 21, 15-17. Đoàn chiên có phải của Đức Giêsu hay Simôn Phêrô không?
7. Đọc Ga 10, 28-29. Chúa Cha và Chúa Giêsu làm chung công việc gì đối với đoàn chiên? Chúa Giêsu đã làm gì để bảo vệ đoàn chiên? Đọc Ga 10, 11.15.17-18. Đọc thêm Ga 21, 18-19.
8. Theo bạn, đâu là những kẻ thù của đoàn chiên của Thiên Chúa, vào thời Đức Giêsu? Đọc Ga 10, 1-13.
9. Đọc Ga 10, 29-30. Chúa Cha có mạnh không? Đức Giêsu và Chúa Cha là một như thế nào?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Chúa nhật thứ tư Phục sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, dành để cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Bạn thấy cần cầu xin điều gì cho ơn thiên triệu trên thế giới và ở Việt Nam?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh lễ Cung Hiến Đền Thờ ở Giêrusalem. Lễ này vào khoảng tháng Mười Hai (mùa Đông), kéo dài 8 ngày. Lễ này được lập ra nhằm kỷ niệm ngày Đền Thờ Giêrusalem được ông Giuđa Ma-ca-bê cung hiến lại năm 164 trước Công nguyên (sau khi bị vua An-ti-ô-khô Ê-pi-phan-nê phạm thánh ba năm trước đó, 1 Mcb 4, 59). Đức Giêsu có mặt tại Đền Thờ Giêrusalem vào dịp lễ này (Ga 10, 22-23). Ngài đi đi lại lại tại Hành lang Sa-lô-môn (x. Cv 5, 12), thường là nơi giảng dạy và tranh biện.
2. “Người Do-thái” (nghĩa là giới lãnh đạo Do-thái giáo) không tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, dù Ngài đã nói rồi, và những việc Ngài làm cũng chứng nhận điều đó (Ga 10, 25). Theo Đức Giêsu, lý do khiến họ không tin là vì họ không thuộc về đoàn chiên của Ngài (Ga 10, 26).
3. Người thuộc về đoàn chiên của Đức Giêsu thì nghe tiếng của Ngài và theo Ngài (Ga 10, 27; x. Ga 10, 4). Như thế chúng biết Ngài (x. Ga 10, 14). Và ở chiều ngược lại, Ngài biết chúng (Ga 10, 27). Giữa đoàn chiên và Đức Giêsu Mục Tử có sự hiểu biết lẫn nhau. Đoàn chiên là hình ảnh của những người tin vào Đức Giêsu. Họ là những người nghe tiếng Chúa, đi theo Ngài, và biết Ngài.
4. “Tôi còn có những con chiên không thuộc về ràn này” (Ga 10, 16). Ràn là khu vực cho chiên ở, có hàng rào vây quanh để bảo vệ đoàn chiên khỏi sói dữ hay trộm cắp. Đức Giêsu biết có những con chiên không thuộc về ràn của mình, không thuộc về đoàn chiên của mình. Họ là những người Do-thái chưa tin, hay là cả thế giới dân ngoại. Đây là những con chiên chưa có khả năng nghe tiếng của Ngài (Ga 10, 16). Nhưng đối với Ngài, chúng vẫn là chiên của Ngài, là chiên thuộc quyền Ngài sở hữu, nên Ngài vẫn có nghĩa vụ đối với chúng : “Tôi còn có… Tôi cũng phải đưa chúng về.” (Ga 10, 16). Qua cái chết và sự phục sinh của mình, Đức Giêsu quy tụ tất cả trở thành một đoàn chiên dưới quyền một Mục Tử (x. Ga 11, 52).
5. Khi thuộc về đoàn chiên của Mục Tử Giêsu, chiên được Ngài bảo vệ muôn đời không bao giờ bị diệt vong, được bàn tay Ngài gìn giữ an toàn khỏi những kẻ cướp bóc (x. Ga 6, 39; 17,12; 18,9). Nhờ đó chiên của Ngài có được sự sống đời đời (Ga 10, 28).
6. Trong Ga 10, 14.27 ta thấy Đức Giêsu nói đến “chiên của tôi.” Nhưng ở Ga 10, 29, ta thấy chiên của Đức Giêsu là do Chúa Cha ban cho Ngài. Trong Ga 21, 15-17, ta thấy Đức Giêsu phục sinh nói về chiên và chiên con của Ngài. Rồi Ngài giao đoàn chiên ấy cho Simôn Phêrô coi sóc. Như thế có thể nói, Chúa Cha là Mục Tử tối cao đã trao phó đoàn chiên cho Chúa Giêsu cũng là Mục Tử coi sóc. Rồi sau phục sinh, Chúa Giêsu trao lại đoàn chiên cho mục tử Simôn Phêrô. Đoàn chiên luôn luôn được chăn dắt, bảo vệ và yêu thương bởi các mục tử thần linh và nhân loại. Đoàn chiên thật sự là quà tặng của Chúa Cha cho Chúa Giêsu, và là quà tặng của Chúa Giêsu cho Simon Phêrô.
7. Gioan 10, 28-29 cho thấy cả Chúa Cha và Đức Giêsu đều làm cùng một việc: “Không ai sẽ cướp chúng khỏi bàn tay tôi,” “không ai có thể cướp được khỏi bàn tay Chúa Cha.” Như thế Chúa Cha và Đức Giêsu đều là những người bảo vệ chiên khỏi những kẻ cướp bóc, chỉ muốn làm hại mạng sống chiên. Cả hai đều dùng bàn tay của mình để giữ chiên lại, cả hai đều lao vào cuộc chiến với kẻ thù chỉ muốn giựt chiên ra. Tin Mừng Gioan còn cho thấy cuộc chiến ác liệt này khi nhiều lần nói đến việc Đức Giêsu phải hy sinh mạng sống vì chiên (Ga 10, 11.15.17-18). Ngay khi trao cho Phêrô quyền mục tử, Đức Giêsu lập tức nói đến cái chết của Phêrô (Ga 21, 18-19).
8. Kẻ trộm, kẻ cướp phá đoàn chiên được Đức Giêsu nhắc đến ở Ga 10, 1.8.10 có thể là những người Pharisêu (x. Ga 9, 40; 10,6), hay giới lãnh đạo Do-thái giáo, hay những người tự xưng mình là Mêsia (x. Cv 5, 33-39).
9. Trong Ga 10, 29 Đức Giêsu khẳng định “Cha tôi thì lớn hơn tất cả” và Cha có khả năng giữ chiên lại, không để cho bất cứ ai giựt mất. Câu Ga 10,30 là một câu gây sốc đối với người Do-thái : “Tôi và Cha tôi, chúng tôi là một.” Họ coi đây là một câu phạm thượng (x. Ga 10, 31-39). Qua câu này ta thấy sự hiệp nhất độc nhất vô nhị giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa Cha, và sự ngang hàng giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa Cha, trong tư cách là Thiên Chúa Con Một (x. Ga 1, 18). Người Con Một này đã nhận được tất cả từ Cha (Ga 17, 2), và đã hoàn toàn vâng phục Cha trong mọi sự (Ga 8, 29).
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét