Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

ĐỨC KITÔ PHỤC SINH - NIỀM HY VỌNG CỦA CÁC GIA ĐÌNH GẶP KHÓ KHĂN.



ĐỨC KITÔ PHỤC SINH
  NIỀM HY VỌNG CỦA CÁC GIA ĐÌNH ĐANG GẶP KHÓ KHĂN 

sPhục Sinh là một sự kiện vĩ đại về một con người đã bị đóng đinh trên thập tự giá tới chết và được mai táng trong mộ đá, nhưng đã trỗi dậy và ra khỏi mồ: đó quả là một biến cố có một không hai trong lịch sử loài người.

Sự kiện này đúng là nền tảng niềm tin của mọi Kitô hữu qua mọi thời đại, thế nhưng nó chỉ được các Phúc Âm tường thuật quá sơ sài. Tất cả những gì được đề cập tới trong trình thuật phục sinh của các sách Tin Mừng chỉ đơn giản là ngôi mộ trống và lời công bố giản dị: “Người không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi!”. Điều này đôi lúc làm chúng ta cũng cảm thấy khó chịu hụt hẫng, vì thế trong các đám rước mừng Chúa Phục Sinh ở đa số các giáo họ và các giáo xứ, chúng ta thấy các tín hữu muốn bù đắp sự giản dị bằng một hình ảnh vinh quang hơn: hình tượng Chúa Phục Sinh uy nghi giơ cao cờ chiến thắng khải hoàn, ung dung bước ra khỏi ngôi mộ với ánh sáng chói lòa, giữa các thiên thần thờ lạy và các tên lính khiếp sợ.

Chứng kiến các hình thức như thế làm chúng ta hiểu ra rằng: nếu chỉ nhấn mạnh về một Đức Giêsu Kitô Phục Sinh vinh quang được tổ chức rình rang với cờ quạt trống phách trong các cuộc rước huy hoàng, rất có thể trở thành một lệch lạc nguy hiểm. Vì vinh quang đích thực của phục sinh, đồng thời cũng là sức mạnh vô địch của thập giá chính là vinh quang tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Đức Giêsu đã vĩnh viễn chiến thắng tội chết nơi con người: “nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8).
Bởi thế chúng ta cần phải biểu lộ chiến thắng phục sinh của Đức Kitô theo một cách thức khác được biểu lộ cách cụ thể nơi đời sống các gia đình, hay nói cách khác, gia đình phải là một chứng tá sống động của Tin Mừng Phục Sinh.

Đi sâu vào nhịp sống của các gia đình, chúng ta không khỏi kinh ngạc trước những câu chuyện của họ kiểu như một cụ bà tám mươi tuổi phải chăm sóc cho người con trai duy nhất chỉ còn thở được nhờ bình oxy trong suốt mấy năm qua; hay một phụ nữ nghèo trẻ tuổi nói về con trai của mình, mới năm tháng tuổi mà mắc bệnh máu trắng, hở van tim, hạch; một chú trung niên kể về 29 lần phẫu thuật cắt chân, tiêu tốn hơn cả tỷ mà chẳng biết có còn sống được không, trong khi vợ vừa bị tai nạn xe chết, con cái đi xa, anh em bỏ mặc; rồi một phụ nữ trẻ khác đang tuổi thanh xuân nhưng chẳng còn tí sức sống vừa bị gan, thận, tim, tiểu đường, tất cả đều giai đoạn cuối, mới đây vừa bị rắn độc cắn phải cưa mất một chân… Và vô vàn những câu chuyện tương tự như thế nơi các gia đình. Có một đôi vợ chồng viết ra những tự sự của mình như sau : Trên con đường vợ chồng con đang đi, chúng con luôn đặt niềm tin vào Chúa. Chúng con được Chúa ban cho một đứa con trai. Ngày đêm chúng con luôn cầu nguyện, đọc Lời Chúa để cảm tạ. Xin cho con của con được sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Cuối tuần vừa rồi, vợ con chuyển dạ sinh non. Bào thai chỉ mới được 7 tháng tuổi. Em bé được sinh ra trong sự lo lắng và chờ đợi. Khi em bé sinh ra cũng là lúc chúng con không còn đứng vững khi biết con trai mình mang căn bệnh nhiễm sắc thể thứ 18. Dù vợ chồng con vẫn mạnh khỏe, gia đình không có ai bị bệnh đó cả. Bác sĩ bảo em bé chỉ có thể sống không quá một tuổi. Bé có thể ra đi bất cứ khi nào. Nhìn con mà chúng con không còn chút nghị lực để tiếp tục sống. Chúng con luôn hỏi tại sao Chúa lại bỏ rơi chúng con. Lúc này, chúng con không biết phải làm thế nào cả.” Câu chuyện của gia đình đôi vợ chồng trẻ không khỏi làm chúng ta suy nghĩ. Chúng ta có thể cảm nhận một bầu không khí ảm đạm, nỗi buồn, nỗi thất vọng và cả hụt hẫng nữa của gia đình. Đôi vợ chồng luôn quy hướng về Chúa với một lòng tin yêu. Thế nhưng, điều mà họ nhận được chỉ toàn là những đau xót. Có điều gì lý giải và nâng đỡ cho gia đình trước những thách đố này? Niềm hy vọng đã chết!

Tuyệt vọng! Đó không còn phải là điều họa hiếm trong đời sống gia đình hiện nay, nhiều gia đình trẻ đổ vỡ và không còn chút hy vọng hàn gắn. Chúng ta đã từng có kinh nghiệm rằng : đôi lúc tinh thần con người cũng thật mỏng manh và dễ bị tổn thương trước những thăng trầm, đổ vỡ, thất bại, tuyệt vọng. Một chút thất bại cũng dễ làm họ thoái chí. Một chút khó khăn cũng dễ khiến vợ chồng nản lòng dẫn đến tan vỡ. Một chút nghi ngờ cũng dễ khiến vợ chồng thất vọng và không còn tin nhau nữa. Khi đánh mất hy vọng, vợ chồng thường bị cám dỗ để nổi loạn và kết liễu nhiều thứ, thậm chí là kết liễu chính mạng sống của mình và gây nguy hại đến người mà mình đã từng yêu thương.

Tuyệt vọng quả là một tai họa. Khi chuyện chẳng lành xảy ra, những sự cố xảy ra không theo ý muốn, chúng ta thường quy trách nhiệm cho những người khác. Có bao giờ gia đình chúng ta tự vấn xem niềm hy vọng mà chúng ta đang có là hy vọng nào? Có phải điều gì cũng đáng để chúng ta hy vọng không? Thường thường, những gia đình trẻ ngày nay dễ dệt mộng và nuôi hy vọng với những danh vọng hào nhoáng, với những vật chất hấp dẫn, với những địa vị vinh quang... Khi những ánh vinh quang phù du ấy vụt tàn, niềm hy vọng của họ cũng vụn vỡ tan tành.

Tất cả chúng ta đều cảm thấy nhu cầu hy vọng, nhưng đừng đặt hy vọng sai chỗ, để từ đó chúng ta chỉ có thể đẩy mình đến một kết cục chua cay mà thôi!

Mở lòng mình ra, niềm hy vọng của chúng ta mới tìm được một đảm bảo vững chắc hơn, đó là chính Thiên Chúa. Niềm hy vọng vào Thiên Chúa là đảm bảo cho mọi niềm hy vọng khác. Đặt hy vọng vào Thiên Chúa, chúng ta có một nền tảng để sống và xây dựng gia đình của mình. Mọi biến động thăng trầm, mọi thử thách khó khăn, mọi đau khổ thất bại nơi gia đình đều trở thành nhỏ bé dưới mắt những người dám đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa.

Sự phục sinh của Đức Giêsu mở ra một niềm hy vọng vô biên cho các gia đình. Nếu gia đình được xây dựng trên nền tảng của tình yêu thì sự phục sinh của Đức Giêsu là một bảo chứng vô vàn quý giá cho các gia đình về tình thương của Thiên Chúa dành cho con người. Tình thương ấy vượt qua mọi giới hạn, kể cả tội lỗi và sự chết. Trong niềm tin phục sinh, mọi người nơi thế gian này đều là những người được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, do đó, ai cũng có thể mạnh mẽ tuyên tín như kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39).  

Cuộc sống thường xuyên gởi đến cho các gia đình những thách đố đau buồn ngoài ý muốn. Đó là những lúc gia đình cần nhận ra sự hiện diện của Chúa bên mình, để ý thức về sự đồng hành liên tục của Chúa trong những biến cố thăng trầm thử thách của gia đình. Có như vậy gia đình mới thực sự là chứng tá hùng hồn cho Tin Mừng Phục Sinh. Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh là sự hiện diện tuy âm thầm nhưng mãnh liệt, sẽ khơi dậy nơi các gia đình đang gặp khó khăn ngọn lửa hy vọng tưởng chừng đã lịm tắt. Ngài sẽ giúp các gia đình mở ra cánh cửa tương lai tưởng chừng đã khóa chặt. Đấng Phục Sinh sẽ lại đổ đầy yêu thương nơi các gia đình, tình yêu nồng nàn như thuở ban đầu. Tương lai của các gia đình được đảm bảo không phải vì những hứa hẹn về một tương lai rực rỡ thành công hay một sự nghiệp hiển hách, nhưng là một tương lai được đảm bảo bởi sự hiện diện và đồng hành của Chúa Kitô Phục Sinh. Vì có Chúa là có tất cả. Halleluia

 Tùy Phong,sss 
Nguồn: mtgthuduc.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét