croire.la-croix.com, Arnaud Bevilacqua và Violaine Epitalon, 2019-03-29
Giận dữ là một trong bảy mối tội đầu. Bà Lytta Basset, triết gia, thần học gia tin lành mời chúng ta nên nhận cảm hứng chậm giận từ Chúa để giúp chúng ta kiềm giữ cảm xúc này.
Lần cuối bà tức giận là lúc nào?
Lytta Basset: Bây giờ tôi ít giận hơn trước. Cuối cùng rồi tôi cũng học để kiềm chế nó. Tôi đào sâu tiến trình này khi tôi viết Cơn giận thánh (Sainte colère, Lytta Basset 1), thành quả của một chuyển biến cá nhân, tôi có thể nhanh chóng nhận ra nó khi bị khiêu khích do cảm thấy mình không được tôn trọng hay khi các các vết thương quá khứ trồi lên. Trước hết tôi đã phải học bỏ thì giờ ra, vì phản ứng dưới tác động của cơn giận là không có hiệu quả. Tôi phân tích cơn giận này từ đâu đến. Tôi không còn ở trong cơn giận như núi lửa, như hồi 33 tuổi khi tôi bắt đầu công việc trị liệu. Bởi vì cảm giác này đã bị kìm nén quá lâu trong thời thơ ấu của tôi.
Vào thời đó, không có chỗ cho giận dữ sao?
Sự tức giận là không có thể, vì từ khi còn nhỏ, tôi đã nhận thức sụ mong manh của người lớn, họ không chịu được chỉ trích. Mà trẻ con có các kênh nhận thức rất đúng. Thêm nữa, giáo dục của tôi lại chú trọng đến hình phạt thể xác. Ngay cả một sự than phiền chính đáng vì bị đau cũng không thể được. Trẻ con hiểu rất nhanh chóng là không được làm phiền.
Như thế tất cả giận dữ phải giấu kín?
Tôi kìm nén rất mạnh, đặt nó dưới một cái nắp khổng lồ. Trong một thời gian rất lâu, thậm chí tôi còn nghĩ mình không thể làm được. Trong tuổi thơ ấu của tôi, tôi biết có những sự kiện rất chấn động đã hủy hoại tôi mà tôi không còn giữ một kỷ niệm nào. Sau này, tôi làm việc rất nhiều về các giấc mơ để thoát ra. Khi tôi bắt đầu làm việc với các giấc mơ, trong giấc mơ tôi để tức giận trào ra, sau đó tôi cảm thấy hạnh phúc và nhẹ nhõm. Như vậy tôi có khả năng! Tôi không thể tin là mình làm được, đến mức tôi đã thấm nhập được hình ảnh cô gái phục tùng nói “amen” với tất cả mọi người.
Cái gì nuôi dưỡng cơn giận của bà khi nó đến?
Điều làm cho tôi đau nhất là không được hiểu và thậm chí là không được nghe. Ngay cả bạn không còn tìm được chữ của mình vì bạn đã biết, người ta sẽ không nghe bạn và người ta sẽ chỉnh sửa bạn. Tôi biết tôi thua trận trước. Tôi phải cần rất nhiều thời gian để có thể nói: “Lời của mình là hợp pháp, mình có quyền cảm nhận những gì mình cảm nhận và có quyền được nghe.” Và khi bạn không còn sợ mình không được nghe thì khi đó bạn đỡ tức giận hơn.
Rất khó để nuốt và để vượt lên cơn giận, làm thế nào để bà có thể làm được?
Cảm giác khó chịu, tuyệt vọng, không thể sống được đã thúc đẩy tôi tiến hành trị liệu. Tôi đã phải đối diện với đời mình, nó chịu không thấu như thử nó nằm dưới cái nắp. Tôi phải đi một con đường dài để tìm mảng đời thương tổn trong tôi và để cơn giận trồi lên mặt, cơn giận là cả một năng lực phi thường của cuộc sống. Đặt nó trong nồi kín, nó có thể quay ngược chống lại mình, nó tạo trầm cảm hay một ngày nào đó nó bùng nổ rất mạnh. Nhưng đó là điều làm mình phải thốt lên: tôi tồn tại, xìn đừng chận không cho tôi tồn tại.
Dù vậy, đối với người công giáo, giận dữ lại ở trong các mối tội đầu, bà nghĩ gì?
Đó là một thảm họa trong lịch sử của Giáo hội. Nhiều người đã lớn lên trong sự cấm đoán này. Thật khủng khiếp vì bị cấm không cảm nhận được cơn giận, nó giống như một phủ nhận. Đối với người tin lành chúng tôi, tài liệu tham khảo là Kinh Thánh. Hai phần ba các đề cập về cơn giận trong Sách Thánh bị quy cho Chúa. Như thế Ngài có thể tức giận, nhưng chúng ta thì không, vậy mà chúng ta được gọi để giống Ngài? Cơn giận đầu tiên trong Thánh Kinh là của ông Cain và Chúa không nói ông không có quyền, nhưng hỏi ông vì sao. Sự tức giận được tính trong số các tội vì nó đáng sợ. Nó là một đam mê cần phải kiềm chế, nếu không nó có thể biến thành một cái gì không kiểm soát được.
Và đó là trường hợp phải kiềm chế đúng không? Tức giận có thể làm mù quáng, làm hủy hoại…
Đương nhiên. Nếu nó không được hiểu và nếu đương sự ở một mình với cơn giận, họ có thể thành mù quáng. Nó có thể mạnh đến mức biến thành hận thù, ví dụ như chống lại ai đó đã làm mình khổ. Trong các buổi nói chuyện của tôi, tôi nêu lên hận thù, người nghe khó chịu. Dù vậy, con đường đi qua hận thù có trong Kinh Thánh. Nó tạm thời và chúng ta không nên sống trong hận thù, vì không thể sống được. Nhưng thật nhẹ nhõm khi hiểu rằng, có thể trải nghiệm cảm nhận này và nói nó ra.
Tôi nghĩ giận dữ cũng là điều thúc đẩy tôi từ chối những gì người khác áp đặt lên tôi (nghề nghiệp, người phối ngẫu). Và cơn giận thánh là cơn giận đã mở ra cho tôi con đường được Chúa cảm hứng. Chính Chúa Giêsu cũng tức giận. Chúa không đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ với nụ cười trên môi. Trong sách Thánh vịnh, chúng ta thấy không biết bao nhiêu lần, người cầu nguyện đã trút cơn giận của mình với những lời rất cay độc. Vì người viết Thánh vịnh nói lên sự tức giận của mình. Họ biết, trước mặt Chúa, họ có thể nói tất cả và họ được nhẹ lòng. Thánh vịnh thường kết thúc bằng một lời ca ngợi.
Nguôi giận không phải là chuyện dễ. Bà đã trải qua thảm kịch này với vụ tự tử của con trai bà: bà có thấy tức giận khi đứng trước thử thách khủng khiếp này không?
Không, hoàn toàn không. Chúng tôi đã thấy Samuel con trai chúng tôi đã quá đau khổ, nên chúng tôi không thể tức giận Samuel. Samuel ở trong một tình trạng không thể sống được, thật sự không có một tương lai nào có thể có trong tay, đúng là trắc ẩn và đau đớn chứ không giận.
Ngay cả không giận Chúa?
Cũng không. Từ khi tôi còn nhỏ, Chúa đã tuyệt vọng kéo tôi ra khỏi đống hỗn loạn và từ đó Ngài vẫn tiếp tục làm. Trong một thời gian dài, Ngài là lối thoát duy nhất của tôi. Một ngày nọ khi Samuel còn nhỏ, cháu hỏi tôi cái gì là điều nghiêm trọng nhất đối với tôi, tôi trả lời: “Đó là Chúa không tồn tại.” Khi Samuel chết, tôi không thể nào có thể nghĩ, Chúa bỏ tôi và tôi quay lại chống Chúa, vì Chúa là người duy nhất cứu tôi. Tôi gọi Ngài là Đấng hằng sống, vì nguồn sinh lực sống trong tôi chỉ có thể đến từ Ngài.
Trong công việc tháp tùng của bà, bà có đối diện với những người giận Chúa không?
Rất nhiều. Nhưng rất tốt để nói lên việc mình chống Chúa. Tất cả Thánh Kinh đều nói: hãy tấn công Chúa, Ngài đủ lớn để tự bảo vệ. Trong các văn bản, chúng ta thấy Chúa đón nhận sự phẫn nộ này, vì đây là một hình thức quan hệ. Phần cuối quyển sách ông Gióp, trước đó ông giận Chúa, nhưng sau ông ca ngợi Ngài. Những người chận cơn giận, họ cắt đứt với Chúa, nghĩ rằng chẳng ích gì để nói với Chúa. Sự co mình lại, sự cắt đứt quan hệ, đó là định nghĩa của tội. Kiềm nén tức giận của mình, đó là cắt đứt với Chúa.
Nhưng làm sao để xử lý cơn giận đôi khi rất sâu đậm này?
Một số người thậm chí không ý thức về chuyện này vì họ không học để nhận biết nó. Vì thế họ không xử lý được. Chúng ta nên nhận cảm hứng chậm giận từ Chúa để giúp chúng ta kiềm chế cảm xúc của mình. Trong câu chuyện của ông Nôê, Chúa nổi giận với loài người. Ngài làm cơn hồng thủy, nhưng khi Ngài thấy mức độ thiệt hại lớn lao, Ngài hối hận. Biết bao nhiêu lần trong Thánh Kinh, Chúa nguôi giận và nói sự hủy hoại không phải là một giải pháp…
Nghe bà nói, giận dữ có thể mang tính cách tích cực…
Giận dữ, không phải chỉ làm vỡ chén đĩa hay đóng sầm cửa lại. Để cơn giận trở nên năng lực cho sự sống, chúng ta cần nhau một cách khủng khiếp, cần nghe lời thấu cảm, đón nhận sự phni của chúng ta mà không phán xét. Nói rộng ra, cơn giận bao gồm mọi hình thức kháng cự. Một số người có thể nói lên sự tức giận để chống bất công xã hội, và sẽ tham gia vào cuộc tranh luận chính trị hay thành lập một phong trào như Mục sư Martin Luther King hay Tổng thống Nelson Mandela. Họ biết dùng cơn giận của họ, chia sẻ cơn giận của mình với người khác để đưa vào hành động. Theo tôi, điều mà tranh cãi và phản kháng đưa ra, đó là sự tức giận tích cực này, động lực cho rất nhiều cam kết để dấn thân làm việc.
(1) Cơn giận thánh: Jacob, Job, Jésus, (Sainte colère, Lytta Basset nxb. Bayard, Labor et Fides, 2015).
Marta An Nguyễn dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét