Người Pharisêu, hay còn gọi là người Biệt Phái, là những người đương thời với Chúa Giêsu, tự cho mình là tách biệt với dân vì họ giữ đạo nghiêm nhặt hơn. Có nhiều người thực sự giữ đạo nghiêm nhặt, nhưng nhiều người theo não trạng vụ luật, không chú ý đến tinh thần cốt yếu bên trong các lề luật, lại hay kiêu ngạo nên thường bị Chúa Giêsu phê phán.

Hôm 9 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các giáo sư và sinh viên của Học viện Giáo hoàng về Kinh thánh đang tham gia hội nghị “Chúa Giêsu và người Pharisêu: Một sự đánh giá lại của nhiều ngành học thuật” do cha Michael Kolarcik, Dòng Tên, là Hiệu trưởng học viện chủ tọa. Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã nhận xét rằng “Chúa Giêsu và người Pharisêu có nhiều điểm chung.” Nhận xét này nên được hiểu trong toàn bộ bối cảnh bài nói chuyện của ngài. Vì thế, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã ra một thông báo. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ:

Vào lúc 9h30 sáng 9 tháng Năm, tại Hội trường Clementine của điện Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các giáo sư và sinh viên của Học viện Giáo hoàng về Kinh thánh, gọi tắt là Biblicum, đang tham gia hội nghị “Chúa Giêsu và người Pharisêu: Một sự đánh giá lại của nhiều ngành học thuật” nhân kỷ niệm 110 năm thành lập Viện.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trong dịp này, mà ngài đã trao cho những người có mặt tại buổi tiếp kiến, và thêm một vài lời nhận xét ứng khẩu, trong đó Đức Thánh Cha khẳng định ngài muốn chào hỏi từng người tham gia.


Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Nhân dịp Học viện Giáo hoàng về Kinh thánh kỷ niệm 110 năm thành lập, tôi chào đón nồng nhiệt anh chị em. Tôi cảm ơn cha Hiệu trưởng vì những lời tốt đẹp của ngài. Khi người tiền nhiệm của tôi là Thánh Giáo Hoàng Piô X thành lập Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng vào năm 1909, ngài giao phó cho viện này sứ mệnh trở thành “một trung tâm nghiên cứu chuyên ngành về Kinh Thánh tại Rôma, nhằm thúc đẩy thật hiệu quả việc giảng dạy Kinh Thánh và các nghiên cứu có liên quan, phù hợp với tinh thần của Giáo Hội Công Giáo” (Tông Thư Vinea Electa, 07 tháng 5 năm 1909: AAS 1 [1909], 447-448).

Trong những năm này, Biblicum đã nỗ lực để trung thành với sứ mệnh của mình, ngay cả trong thời kỳ thử thách và đã đóng góp nhiều trong việc thúc đẩy các nghiên cứu và giảng dạy học thuật về Kinh Thánh cũng như các lĩnh vực liên quan cho các sinh viên và giáo sư tương lai, đến từ bảy mươi quốc gia khác nhau. Đức Hồng Y Augustin Bea, là Hiệu trưởng Biblicum từ lâu trước khi được nâng lên Hồng Y, là động lực đằng sau Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công Đồng, đã đặt lại quan hệ liên tôn, và đặc biệt là quan hệ Công Giáo-Do Thái, trên một bước tiến mới. Trong những năm gần đây, Viện đã tăng cường mối quan hệ với các học giả Do Thái và Tin lành.

Tôi cũng chào đón những người tham gia hội nghị “Chúa Giêsu và người Pharisêu: Một sự đánh giá lại của nhiều ngành học thuật”, trong đó đề cập đến một vấn đề cụ thể quan trọng đối với thời đại chúng ta, và là kết quả trực tiếp của Nostra Aetate. Hội nghị tìm cách hiểu về những trường hợp đối xử có tính cách phê phán người Pharisêu trong Tân Ước và trong các nguồn cổ xưa khác. Ngoài ra, hội nghị cũng xem xét lịch sử của những diễn giải học thuật và bình dân giữa người Do Thái và các Kitô hữu. Trong phạm vi các Kitô hữu và trong xã hội thế tục, cũng như trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ ngữ “Pharisêu” thường có nghĩa là “một con người tự mãn hay đạo đức giả”. Tuy nhiên, đối với nhiều người Do Thái, người Pharisêu là những người sáng lập ra Do Thái giáo chính mạch và do đó là tổ tiên tâm linh của chính họ. [Do Thái giáo chính mạch: Rabbinic Judaism, tiếng Hêbrơ: יהדות רבנית Yahadut Rabanit, là dòng chính mạch của Do Thái Giáo từ thế kỷ thứ 6 trước Chúa Giáng Sinh, được xây dựng trên niềm tin rằng ở núi Sinai, ông Môisê nhận được 10 điều răn Đức Chúa Trời được khắc trên hai bia đá (Written Torah). Bên cạnh đó, ông còn nhận được lời giải thích của Thiên Chúa (Oral Torah), và được truyền khẩu lại cho dân. Những người Sađốc, Karaite và Samaritanô không tin vào những lệnh được truyền khẩu này - chú thích của người dịch].

Theo dòng thời gian, giải thích này đã nuôi dưỡng một hình ảnh tiêu cực về người Pharisêu, mà thường không có cơ sở cụ thể trong các trình thuật Tin Mừng. Thông thường, theo thời gian, hình ảnh đó đã được các Kitô hữu gán cho người Do Thái một cách đại trà. Trong thế giới của chúng ta, thật đáng buồn, những thành kiến tiêu cực như vậy đã trở nên khá phổ biến. Một trong những định kiến cổ xưa nhất và gây tác hại trầm trọng nhất là thành kiến về “người Pharisêu”, đặc biệt là khi thành kiến ấy được sử dụng để mô tả người Do Thái theo một nghĩa tiêu cực.

Các học giả gần đây đã nhận ra rằng chúng ta biết về người Pharisêu ít hơn các thế hệ trước đây. Chúng ta ít hiểu biết chắc chắn về nguồn gốc của họ cũng như các giáo lý và thực hành của họ. Cuộc hội thảo của các bạn về nghiên cứu liên ngành đối với các vấn đề văn học và lịch sử liên quan đến người Pharisêu sẽ góp phần vào một cái nhìn chính xác hơn về nhóm tôn giáo này, đồng thời giúp chống lại chủ nghĩa bài Do Thái.

Nếu chúng ta nhìn vào Tân Ước, chúng ta thấy rằng Thánh Phaolô, trước cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Giêsu, cho rằng mình có một lý do để tự hào vì ngài “theo Luật định, là một người Pharisêu” (Phil 3: 5-8). 

Chúa Giêsu đã có nhiều cuộc thảo luận với người Pharisêu về những mối quan tâm chung. Ngài chia sẻ với họ một niềm tin vào sự phục sinh (Mc 12: 18-27) và Ngài chấp nhận các khía cạnh khác trong cách giải thích của họ về Torah. Chúa Giêsu và người Pharisêu phải có nhiều điểm chung, vì sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta biết rằng một số người Pharisêu đã trở thành các môn đệ của Chúa Giêsu tại Giêrusalem (15: 5). Sách Tông đồ Công vụ cũng trình bày Gamaliel, một nhà lãnh đạo của những người Pharisêu, như một người đã bảo vệ hai Thánh Phêrô và Gioan (xem 5: 34-39).

Trong số những khoảnh khắc quan trọng hơn trong Tin Mừng Gioan, chúng ta thấy cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với một người Pharisêu tên là Nicôđêmô, một trong những nhà lãnh đạo của người Do Thái (xem 3: 1). Chúa Giêsu giải thích với ông Nicôđêmô rằng, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Con của Người thì không bị hư mất nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Nicôđêmô sau đó đã bảo vệ Chúa Giêsu trước Thượng Hội Đồng (7: 50-52) và có mặt khi táng xác Chúa Giêsu (19:39). Dù quan điểm của ta về ông Nicôđêmô ra sao, thì rõ ràng là những định kiến khác nhau về “người Pharisiêu” không đúng trong trường hợp của ông, và những thành kiến ấy cũng không được xác nhận ở những nơi khác trong Tin Mừng Gioan.

Một cuộc gặp gỡ khác giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo tôn giáo trong thời đại của Ngài được tường thuật theo những cách khác nhau trong Tin mừng Nhất lãm. Điều đó liên quan đến câu hỏi điều gì là “trọng nhất” hay là “điều răn thứ nhất”. Trong Tin Mừng theo Thánh Máccô (12: 28-34), câu hỏi được đặt ra bởi một kinh sư, không nêu rõ tên tuổi, là người khởi xướng một cuộc trao đổi với Chúa Giêsu trong niềm tôn trọng đối với một bậc Thầy [Thấy Đức Giêsu đối đáp hay trong cuộc tranh luận với những người thuộc bè Xa-đốc, ông đến gần Người và hỏi: Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào trọng nhất?] Trong Tin Mừng Matthêu, người luật sĩ là một người Pharisêu đang cố gắng thử thách Chúa Giêsu (22: 34-35). Trong trình thuật của Máccô, Chúa Giêsu kết luận rằng “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (12:34), qua đó cho thấy Chúa Giêsu đã có sự kính trọng nhất định dành cho những nhà lãnh đạo tôn giáo đã thực sự “gần đến Nước Thiên Chúa”.

Rabbi Aqiba, một trong những giáo sĩ Do Thái nổi tiếng nhất của thế kỷ thứ hai và một người thừa kế truyền thống Pharisêu, [1] chỉ vào dòng chữ “yêu người thân cận như chính mình vậy” (Lv 19,18) như là một nguyên tắc quan trọng của Torah. [2 ] Theo truyền thống, ông đã chết như một vị tử đạo với lời cầu nguyện Shema trên môi, trong đó bao gồm giới răn yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực của một người (x. Dt 6: 4-5). [3] Theo những gì chúng ta có thể biết, thì về cơ bản, ông đã đồng ý với Chúa Giêsu và người kinh sư hoặc người Pharisêu đối thoại với Ngài. Tương tự như vậy, điều gọi là Luật Vàng, mặc dù trong các công thức khác nhau, không chỉ được gán cho Chúa Giêsu mà còn cho ông già Hillel là người đương thời với Chúa Giêsu, và thường được coi là một trong những người Pharisêu hàng đầu vào thời của ông. Quy tắc này đã được trình bày trong cuốn sách đệ nhị lục Tobia (4:15 [16]). [Kinh Thánh Công Giáo gồm 73 cuốn mà Giáo Hội công nhận là được Thiên Chúa linh hứng mạc khải. Con số này trải qua hai giai đoạn mới có được. Giai đoạn một là một bản danh sách gọi là đệ nhất lục – protocanonicol books, tức là các sách Giáo Hội công nhận ngay từ đầu không có nghi vấn. Danh sách trong giai đoạn hai được gọi là đệ nhị lục - deuterocanonicol books, là những sách có những tranh luận trước khi được Giáo Hội công nhận, bao gồm 7 cuốn: Tôbia, Giuđitha, Khôn ngoan, Macabê 1, Macabê 2, Sirác, Barúc, 7 chương cuối sách Étte cùng ba đoạn trong sách Đanien - chú thích của người dịch]

Yêu người thân cận, như thế, tiêu biểu cho một chỉ dấu quan trọng để nhận ra mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và người đối thoại Pharisêu của Ngài. Nó chắc chắn tạo thành một cơ sở quan trọng cho bất kỳ cuộc đối thoại, đặc biệt là giữa người Do Thái và các Kitô hữu, ngay cả ngày nay.

Thật vậy, để yêu người thân cận tốt hơn, chúng ta cần biết họ, và để biết họ là ai, chúng ta thường phải tìm cách vượt qua những định kiến cổ xưa. Vì lý do này, hội nghị của anh chị em, bao gồm các niềm tin và ngành học trong nỗ lực đạt được sự hiểu biết đầy đủ và chính xác hơn về những người Pharisêu, sẽ giúp trình bày họ một cách thích hợp hơn trong việc giảng dạy và thuyết giảng. Tôi chắc chắn rằng những nghiên cứu này, và những con đường mới mà chúng mở ra, sẽ đóng góp tích cực cho mối quan hệ giữa người Do Thái và các Kitô hữu, theo quan điểm đối thoại sâu sắc và huynh đệ hơn bao giờ hết. Cầu mong cho hội nghị của anh chị em tìm thấy tiếng vang lớn trong và ngoài Giáo Hội Công Giáo, và xin cho công việc của anh chị em nhận được phước lành dồi dào từ Đấng Tối Cao hoặc, như nhiều anh chị em Do Thái của chúng ta thường nói, là từ Hashem. Cảm ơn anh chị em.

[1] S. EUSEBII HIERONYMI, Commentarii ở Isaiam, III, 8: PL 24, 119.

[2] Sifra Leviticus 19:18; Genesis Rabbah 24: 7, Sáng thế en 5: 1.

[3] Babylon Talmud, Tractate Berakhot 61b. Văn bản gốc với bản dịch tiếng Ý: Talmud Babilonese, Trattato Berakhòt, Tomo II, do DG Di Segni, Giuntina, Firenze 2017 biên soạn, trang 326-327.

Source:Holy See Press Office