Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Tham lam

 J.M.G. Le Clézio, báo: L’Évènement du Jeudi
Mễ tây cơ là vết thương ăn sâu vào da thịt Mỹ quốc, nơi đó khổ đau và diệt vong của các nền văn minh da đỏ còn đang bỏng cháy. Thành phố nhìn trên không nhẹ nhàng nằm trên hồ nước, phản chiếu các đền đài lăng tẩm và tượng người chiến sĩ có cẳng chân còi cọc gầy gò, tương truyền sinh ra từ một chiếc lông chim sâu bé nhỏ, cảnh trí vẫn như thời nhà chinh phục Diego de Ordaz đã nhìn thấy từ đỉnh cao của ngọn núi lửa Popocatepel. Ngày nay chẳng còn lại gì, còn chăng chỉ là mặt trái của những việc chói tai nhức óc, sôi sục bạo động, thảm kịch tẩm độc mà nhân loại đang diễn xuất, chẳng có ngày mai.
Dù vậy, chính đây là thành phố mà thần vệ nữ có cái miệng đen ngòm ngự trị trong ngôi đền và cũng là viện bảo tàng nhân chủng học. Đa số các viện bảo tàng chẳng có một ý nghĩa gì cho lắm. Vì sao lại tích trữ bao nhiêu là tác phẩm, các hộc tủ, các tấm bình phong? Để giấu một nỗi trống rỗng nào đây, để làm chúng ta tin vào vĩnh cửu chăng? Viện bảo tàng nhân chủng học ở Mễ tây cơ có một ý nghĩa sâu sắc. Nằm ven thành phố khổng lồ, viện bảo tàng làm chúng ta đắm mình vào trong một thực tế đích thực, thực tế của các vị thần chứ không phải thực tế của loài người. Không phải để làm chúng ta quay lưng lại với đau khổ và thất vọng, cũng không phải để làm chúng ta giải trí, mà để làm chúng ta mở mắt ra, làm chúng ta chạm đến tận gốc rễ của cội nguồn, và để làm  chúng ta gần với nhịp đập của quả tim, nơi lóe lên các thôi thúc làm rung động bộ mặt thế giới.
Chính nơi đây là nơi vị nữ thần cư ngụ. Tôi nói vị nữ thần có cái miệng đen ngòm, bởi vì bà đã nuốt tất cả tội lỗi của nhân loại. Bà tên là Thazolteotl, còn được gọi là Ixouina, cha Sahagun gọi là «một thần Vệ Nữ khác». Trong cuốn Lịch Sử Tổng Quát các chuyện của xứ Tân-Tây ban Nha, cha Sahagun nói: bà còn có một tên thứ ba là Thaelquani, có nghĩa là người đàn bà ăn đồ dơ; bởi vì theo tương truyền, dù cho các bà các ông đến xưng với thần những tội bẩn thỉu và tồi tệ thế nào đi nữa, thì bà “cũng tha cho họ”.  Chính nơi đây tôi đã gặp bà lần đầu, trong căn phòng tối om như hang động, nơi trưng bày cho khách vãng du qua lại xem các tấm bia, các viên đá thần, vòng bánh xe quay to lớn của mặt trời nổi bồng bềng như chiếc mặt nạ trên bầu trời đen tối.
Bà, nữ thần có cái miệng đen ngòm, không dễ gì để tìm thấy bà. Phải đi tìm, bên trái các mớ đá đời xưa, phải đi thụt lui như đi giữa mớ đổ nát ngổn ngang, giữa đống than hồng còn đỏ rực, giữa những con rắn nằm quyện vào nhau như đống phân của các con vật khổng lồ. Thazolteotl, vị nữ thần của sinh sôi nẩy nở. Tôi còn nhớ khi tôi thấy bà lần đầu, một tượng gỗ nhỏ đen xì, như vừa được cứu thoát từ than hồng đỏ rực của Lò Luyện Tội. Bị che giấu giữa các tượng khác, chẳng còn gì để có thể phân biệt, nếu không là mấy chữ khắc trên đế cho hay, đây là một vật rất hiếm bằng gỗ đã còn sót lại sau cuộc Chinh Phục. Tuy vậy, khi tôi nhìn thấy pho tượng là tôi biết ngay, ngày xưa, chính bà là vị thần tượng trưng cho mãnh lực của thèm muốn, suối nguồn của sự sống. Bức tượng đứng thẳng trong bóng tối, chân trần, thân thẳng, hai tay vòng nâng đôi vú như nâng chén rượu, chiếc áo dài tô hằn từng nét của thân hình.
Gương mặt của bà căng thẳng, bóng nhẵn và mập, miệng hé mở như chực sẵn để nuốt thức ăn nhục thể, nhưng đôi mắt lại lim dim và bí hiểm. Chiếc miện dệt tròng tréo bằng sợi len quàng trên trán, đó là chiếc mủ của bất tử. «Tương truyền nữ thần có năng lực khiêu dâm, khêu gợi thèm muốn và khuyến khích các thú vui xác thịt». Qua các lời nói của người kiểm duyệt, tôi cảm nhận đó chính là sự sống, sức mạnh của sự sống, không ngừng tái sinh, sự sống mang đầy trái ngọt, lạc thú và hương hoa. Mang luôn cả cái chết, cái chết trên trán của bà như món trang sức phủ phàng. Đúng là bà, bây giờ tôi mới nhận ra bà, tôi đã nghe tên bà, Frida Kahlo, cô gái trẻ bị đóng đinh, bị thanh sắt đường rầy xe điện đâm xuyên qua người ở góc chợ San Juan. Frida, vợ của Diego, người tình của Trotski, mà đau khổ đã biến bà thành mẹ của loài người, bà không ngừng cõng đứa con đã chết trên lưng, như vị nữ thần của sinh sôi nẩy nở ở viện bảo tàng Bordeaux. Bà, mà một ngày nào đó đã được biết đến, trước bức tượng nhỏ của viện bảo tàng Nhân chủng học, mà ngày trước là viện bảo tàng Mỹ thuật, bà, trong suốt cuộc đời ngắn ngủi, đã không ngừng tô điểm thân thể và khuôn mặt mình, phản ảnh trên tấm gương móc ở đầu giường một nét phù du. Thân hình và khuôn mặt của vị nữ thần, đứng thẳng, mặc áo choàng dài, hai tay ép trên bụng, gương mặt rực sáng tỏa ra từ niềm hân hoan nội tâm, với vòng vương miện là những sợi tóc kết chéo như triều thiên siêu nhiên.
Điều xác thực ấy nóng bỏng như lửa đốt. Tôi thèm được cầm tay bà, sờ thân hình và khuôn mặt bà, thèm đặt tay tôi trên cái miệng đen sì vì thèm muốn. Bà là Tlazolteotl, Txcutna, Tlaelquani, người nhận các tất cả tội lỗi và cũng là người cho sự sống. Và chính bà cũng là người mang đến cái chết. Bà là Frida, thân hình bị đâm xuyên, cổ họng bị nhau cuốn đến nghẹt thở. Trái tim bà còn đập, còn bốc cháy và kiệt sức vì yêu trong cô quạnh của các viện bảo tàng như các nấm mồ, mà nơi đây chỉ có lệ đắng tuôn trào do loài người khóc thương bà.
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét