Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

GIAO ƯỚC SINAI

GIAO ƯỚC SINAI

John Phạm

Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương con người và tình yêu ấy được biểu lộ qua rất nhiều cách, nhiều biến cố và các sự kiện trong lịch sử cứu độ con người. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã chấp nhận đi vào lịch sử của con người và hướng dẫn lịch sử ấy theo một tiến triển. Trong lịch sử ấy, Thiên Chúa đã chọn gọi Abraham rồi thiết lập Giao Ước với ông, hứa sẽ ban cho ông một dân tộc, một đất nước và lời hứa chúc phúc cho muôn dân (x. St 15,17-18; 17). Dân tộc ấy đã được cánh tay hùng mạnh của Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập (x. Xh 14-15); tiếp theo là một hành trình dài trong sa mạc khắc nghiệt (x. Xh 16-18) và cuối cùng đến núi Sinai gần chóp đỉnh của một bán đảo, một nơi vắng vẻ và kinh hoàng. Chính nơi đây đã diễn ra một biến cố, một sự kiện làm nên tính tôn giáo, hơn nữa nó là trung tâm của lịch sử cứu độ mà muôn đời dân Israel phải ghi nhớ, đó là Giao Ước Sinai (x. Xh 19-24). Để giúp độc giả hiểu hơn về Giao Ước Sinai, tôi sẽ trình bày theo các mục sau: (1) Bối cảnh của Giao Ước, (2) Nội dung của Giao Ước và Nghi lễ Kết Ước, (3) Ý nghĩa Giao Ước.

1. Bối cảnh của Giao Ước (x. Xh 19)

Người Israel học biết cách nhận ra Thiên Chúa qua những việc Người đã làm cho, như: giải thoát họ khỏi Ai cập và thử thách họ khi ở trong sa mạc. Vì thế, họ đã sẵn sàng gặp gỡ Đức Chúa sau khi được loan báo qua ông Môsê. Qua Môsê làm trung gian, Thiên Chúa nhắc lại cho dân sự săn sóc, che chở, đó là tình yêu, lòng thương xót của Người dành cho dân. Để tình yêu, lòng thương xót của Người tiếp tục bao trùm trên dân, Người đã đề nghị thiết lập một Giao Ước với họ, đó cũng là mối dây liên lạc thân thiện đặc biệt giữa Thiên Chúa và dân Người (x. Xh 19,5-6).
Để chuẩn bị, về tinh thần, Thiên Chúa đã ra những chỉ thị để sửa soạn cho việc thần hiện của Người (x. Xh 19,9-15), mỗi cá nhân phải chuẩn bị như chuẩn bị đi dự một lễ nghi tôn giáo. Về địa điểm, đó là một ngọn núi mà Người xác định là như một nơi thánh. Do đó, người thường không được bén mảng tới.
Sau đó, sự xuất hiện của Thiên Chúa trên núi Sinai được thực hiện (x. Xh 19,16-25). Cuộc thần hiện được mô tả bằng những dấu hiệu nói lên sự oai nghiêm, đáng sợ và nhiệm mầu của Thiên Chúa: sấm sét, lửa, mây, động đất… và thêm vào đó là cảnh núi Sinai trơ trọi, hùng vĩ càng làm cho mọi người ý thức sự nhỏ bé của mình. Chính trong bối cảnh này Thiên Chúa đã đi đến ký kết một Giao Ước với dân, qua ông Môsê.

2.  Nội dung Giao Ước (x. Xh 20-23)

Giao Ước có nghĩa là một sự thỏa hiệp hoặc giao kết giữa hai bên. Điều căn bản của Giao Ước Sinai là Thiên Chúa đi bước trước, vì Người đoái thương dân tộc và muốn cho dân tộc đó được trở thành dân riêng, thành con cái của Người (x. Xh 4,23). Như một người Cha, Thiên Chúa hứa bảo vệ dân Người, và đối lại, như một đứa con, dân hứa vâng phục Người Cha Chí Thánh của mình. Những điều đó được biểu lộ qua Thập giới và nghi lễ Kết ước.
Thập giới
Ý muốn trên đã được bộc lộ rõ trong Thập Giới, đó là ân ban nhưng không và tính sư phạm của Thiên Chúa. Lề Luật được ban bố trong bối cảnh của việc ký kết Giao Ước tạo thành một cặp không thể tách rời. Giao Ước bao trọn Lề luật, vì Giao Ước biểu hiện mối tương quan thân mật nhất giữa Thiên Chúa với dân; và Lề Luật nằm trong lòng Giao Ước, vì Lề Luật chính là đối tượng sự cam kết tuân phục của dân đối với Thiên Chúa. Vậy, Thập Giới đã diễn tả bản chất mối tương quan Giao Ước giữa Thiên Chúa với dân Người.
Thập Giới (x. Xh 20,1-7; Đnl 5,1-22), là mười giới luật căn bản diễn tả ý muốn của Thiên Chúa. Đây là một thứ luật sơ đẳng, một thứ luân lý vừa tầm với một dân tộc vừa mới thoát ra khỏi ách nô lệ ở một nước ngoại giáo. Mỗi giới răn đều đặt nền tảng trên nhân đức rõ rệt nhất và tự nhiên nhất, là sự công bằng hay sự tôn trọng những quyền lợi của tha nhân. Ba giới răn đầu liên quan đến những việc bắt buộc của dân đối với Thiên Chúa như: sự độc tôn, kính trọng và thánh hiến ngày Sabat (x. Xh 20,1-11). Bảy giới răn còn lại lại liên quan đến những vấn đề về như: quyền lợi tha nhân, quyền lợi cha mẹ, quyền lợi mỗi người đối với tài sản, với vợ chồng và danh giá của mình (x. Xh 20,12-17). Tuy những giới răn này thật là chất phác và tự nhiên, nhưng chúng cũng biểu lộ rõ ràng mối quan tâm của Thiên Chúa đối với đời sống luân lý của loài người. Những điều công bình đơn giản như thế đã từng làm nền tảng cho bao nhiêu thế kỷ, trở nên quy ước luân lý cao thượng nhất trên thế giới, trước ngày Ðức Giêsu Kitô ra đời.
Ngoài Thập giới được ban qua ông Môsê, còn có một yếu tố khác nữa của lễ kết ước này cũng đáng chú ý, đó là Khám Giao Ước và Nhà Tạm. Bên trong chúng chứa đựng tấm bia ghi Lời Chúa (Thập Giới) và quan trọng hơn nữa nó là nơi cư ngụ của Thiên Chúa, là ngai của Người hiện diện đặc biệt nơi trần thế giữa dân Người. Ngoài ra, còn có các luật về xã hội, tế tự... làm cho yếu tố tôn giáo của dân tộc Israel được phong phú về nhiều khía cạnh.
Nghi lễ Kết Ước (x. Xh 24)
Môsê đã dựng một bàn thờ dưới chân núi và giết bò dâng lễ tế. Ông đọc cho dân nghe các điều Thiên Chúa truyền và dân long trọng hứa sẽ tuân giữ. Ông lấy máu của những con bò đực tơ, rảy phân nửa lên bàn thờ đại diện cho Thiên Chúa, và rảy phân nửa kia lên đầu dân chúng.
Dân Israel cũng như những tôn giáo cổ xưa quan niệm máu chính là sự sống của một sinh vật. Do đó, việc rảy máu cho cả hai bên Giao Ước, Thiên Chúa và dân, để chỉ rằng từ đây hai bên cùng chung một sự sống, cùng được nối kết với nhau trong một gia đình có cùng máu huyết.
Sự thông hiệp đó cũng được nói lên qua các đại diện của dân ăn tiệc trước mặt Thiên Chúa, vì trong liên lạc giữa người với nhau, bữa ăn thường có vai trò thắt chặt mối dây thân thiện. Trong Tân Ước ta thấy Chúa Giêsu cũng khai mào cho Giao Ước Mới trong bữa ăn. Giao Ước này lập không phải bằng máu loài động vật, nhưng bằng máu của chính Người, khi nói: “Này là máu Ta, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24). Người có ý gợi lại lời Thiên Chúa năm xưa với dân trên núi Sinai qua Môsê “ Đây là máu Giao Ước…” (x. Xh 24, 8).

3. Ý nghĩa Giao Ước

Như vậy, cấu trúc của Giao Ước là cấu trúc ơn cứu độ. Qua Giao Ước, Thiên Chúa muốn mạc khải chính Người cho chúng ta và Người muốn biểu lộ về chương trình cứu độ của Người trong tương lai. Ðiều căn bản trong đó là: Thiên Chúa đã đoái thương trở nên Người Cha của dân tộc này, và nó trở thành con của Người: “Israel là con của Ta, con đầu lòng của Ta” (Xh 4,23). Điều đó do Thiên Chúa khởi xướng, Israel sẽ thuộc về Thiên Chúa (gia nghiệp), và được chọn vô điều kiện (tuyển chọn). Thiên Chúa đã đi bước trước phá vỡ sự ngăn cách giữa Đấng Tạo Dựng và loài thụ tạo, giữa Đấng Vô Hình và loài hữu hình, giữa Đấng Chí Thánh và loài tội lỗi... để đưa dân riêng vào trong tương quan mật thiết với Người. Đó là điều mà dân chúng không bao giờ nghĩ tới và cũng không tồn tại một tôn giáo nào như vậy.
Giao Ước Sinai đặt nền tảng trên sự ràng buộc lẫn nhau. Giavê sẽ là Thiên Chúa duy nhất của Israel. Còn Israel là dân riêng, dân được Thiên Chúa tuyển chọn, đó là ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Qua Giao Ước, Thiên Chúa đã chấp nhận sự lệ thuộc vào tính pháp lý của việc ký kết, Người đã tự hạ để đến với con người. Vì vậy, ơn gọi của Israel có một sắc thái đặc thù là giữ gìn kho tàng đức tin chứ không phải là những tham vọng về chính trị. Còn Thiên Chúa, Người hứa nhìn nhận Israel là một vương quốc tư tế, một dân thánh (x. Xh 19,6). Là dân thánh nghĩa là tách ra khỏi các dân khác để dành riêng cho Thiên Chúa, đây là điểm để phân biệt mối tương quan giữa Israel và dân ngoại với Thiên Chúa, vì họ có đức tin. Là vương quốc tư tế, họ có vai trò là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và các dân tộc khác, bằng cách loan báo lời Người và dâng lễ tế đại diện cho họ.
Qua Giao Ước trên núi Sinai, lịch sử cứu độ thế giới đã bắt đầu một giai đoạn mới trong tiến trình của con người trở về Thiên Chúa và đạt được sự thiện hảo nơi Người. Giao Ước ấy sẽ được nên trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng là Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và dân Người. Cũng chính qua Giao Ước, Thiên Chúa muốn cho dân Chúa đi vào trong lòng thế giới như chính Người Con Một là Đức Giêsu Kitô, để tất cả đều được hiệp nhất trong một gia đình duy nhất có Thiên Chúa là Cha.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trần Phúc Nhân, Tìm Hiểu Cựu Ước.
2. Neal M. Flanagan, osm., Lịch Sử Cứu Độ, Dẫn Vào Thần Học Thánh Kinh.
3. J. Dheilly Desclee, TừĐiển Kinh Thánh – Phần II (từ D-J). 
4. Nguyễn Đắc Ánh, Lịch Sử Cứu Độ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét