Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

“Ghen tị tham lam là điều hủy hoại nhất”

croire.la-croix.com, Anne-Bénédicte Hoffner, 2019-03-22
Phỏng vấn bà Nicole Jeammet, nhà phân tâm học, giảng dạy ở Trung tâm Sèvres. Bà tìm hiểu tính tham lam, một cảm giác khó chịu dường như xâm chiếm chúng ta khi chúng ta muốn có cái mà chúng ta không có hay chúng ta muốn có.

Ghen tị tham lam là gì theo nghĩa của truyền thống Giáo hội công giáo?
Bà Nicole Jeammet: Câu mô tả rõ nhất cho thói ghen tị, trong sát nghĩa của nó là câu mà nhân vật Iago nói trong vở kịch Othello của Shakespeare. Iago là sĩ quan đáng lý được đề cử lên chức trung úy, nhưng cuối cùng một người khác được đề cử, Cassio nhận phần thưởng này. Ông sống trong một tâm trạng khủng khiếp mà ông tóm tắt trong câu sau: “Nếu Cassio sống sót, anh sẽ có một nét đẹp mà mỗi ngày làm cho tôi trở nên xấu xa. (…) Anh ta phải chết.”
Ghen tị luôn phát sinh từ sự sỉ nhục. Người kia – tốt hơn tôi (hay làm cho tôi nghĩ như vậy) – làm cho tôi sống trong tình trạng không-giá trị.  Do đó sự đau khổ nó gây ra là có thực sự, “họ hoặc tôi”, “họ chiếm hết trọng tâm, bỗng nhiên, tôi không còn gì nữa”. Trong Kinh Thánh, câu chuyện của hai anh em Cain và Abel giải thích rõ cho chúng ta điều này.
Khoa học nhân văn và nhất là khoa tâm thần dạy cho chúng ta điều gì về nguyên nhân của ghen tị?
Chủ đề từ lâu được xem như một thực thể cá biệt: “Tôi suy nghĩ là tôi tồn tại.” Mối quan hệ với người khác đã không được đặt ra. Bây giờ khoa phân tâm học đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các liên hệ tương tác : thực sự có các hình thức quan hệ được xây dựng và các quan hệ khác bị phá hủy.
Cuối cùng là cảm nhận đầu tiên của chúng ta về người khác, giống như cảm nhận của em bé khi chạm trán với nỗi buồn mình không phải là người duy nhất trên cõi đời sau khi đã sung sưóng sống tình trạng hòa một với mẹ. Nếu niềm vui của trao đổi được vượt lên, thì dần dần em bé sẽ chấp nhận nỗi buồn này, sẽ tách rời mẹ nhờ sự hỗ trợ của người thứ ba và như thế em bé sẽ xây dựng được thế giới của mình. Nhưng chúng ta phải nhấn mạnh đến sự việc không bao giờ có chuyện gì là vĩnh viễn: tất cả các gặp gỡ sẽ là tiềm năng của thay đổi… Vì thế chúng ta có trách nhiệm trong sự hợp tác-xây dựng này. 
Nếu đây là đau khổ thì vì sao tham lam bị xem là một tội?
Trên thực tế, phải đồng ý rằng tội phải được làm với niềm vui, vì thế tham lam không ở trong danh sách đầu tiên tám mối tội đầu do giáo phụ Évagre đề ra. Nhưng làm thế nào các đan sĩ sống cô lập trong sa mạc này lại không nhận thức được những gì họ đã học được từ kinh nghiệm của mình? Phải chờ hai thế kỷ sau, Thánh Gregoria Cả mới sửa lại danh sách này, ngài để tội kiêu ngạo lên hàng đầu, đưa tham lam vào thế chỗ nguội lạnh.
Trên thực tế, tôi không hoàn toàn hoặc không phải là người duy nhất trách nhiệm cho sự tham lam đố kị mà tôi cảm nhận, nó cũng do cái nhìn của người khác khi họ nhìn tôi. Nhưng tham lam đúng là một tội, lại là một tội tiêu biểu vì trong sự từ chối nhận cái nhìn của người khác và cho trở lại, là đã hủy quan hệ và hủy quan hệ là hủy đời sống. Khi ăn trái cây hiểu biết, bà Evà muốn làm điều Tốt, tốt cho bà: bà đã phá hủy trao đổi và sự sống. Để bảo vệ Cây Sự Sống nên Chúa đã đuổi bà cùng với ông Adong ra khỏi vườn Địa Đàng. Ngược với những gì chúng ta nghĩ lâu nay, không phải tội kiêu ngạo nhưng chính tội tham lam mới là đầu mối của tất cả các tội khác. 
“Đầu mối” của tất cả các tội khác?
Tham lam là quá đau khổ nên nó buộc phải phát minh ra các cơ chế phòng thủ để tự bảo vệ mình. Bà Mélanie Klein (1882-1960), nhà phân tâm học đã nêu ra rất rõ (1) : phủ nhận, lý tưởng hóa hay hạ giá (hạ giá chính mình hay hạ giá người khác, nói xấu và gièm pha), phóng chiếu (không phải tôi, đó là người khác), hận thù, khi nào cũng dễ để hận thù người khác cho họ là “dữ”, hơn là thú nhận “vì người khác tốt hơn mình”…
Nếu chúng ta nhìn vào danh sách các tội khác, tất cả chỉ là phương tiện để tự bảo vệ để chống một nỗi sợ sâu thẳm phải lệ thuộc người khác. Tội giận dữ thì hơi khác, vì nếu tội này cho thấy đây là một đoạn đi đến đố kị, thì nó cho thấy đây đúng là phẫn nộ. Ngược lại, tội kiêu ngạo đáp ứng cho mong muốn tự đủ; tội lười biếng là tội từ chối tham dự. Cuối cùng ba tội – hà tiện, tham ăn, dâm dục – là các lạc thú tự quy về mình. Không có người khác tham dự vào, mà sự hưởng thụ mình tự cho mình với tiền bạc, thức ăn hay lạc thú tình dục.
Một vài cha giải tội nhận xét trẻ em thường xưng tội tham lam đố kị, nhất là trong gia đình đông anh em và người lớn thì ít xưng tội này hơn. Tại sao?
Vì tham lam đố kị là điều mình cảm thấy xấu hổ nhất, hủy hoại nhất! Nếu tôi thú nhận tôi đố kị một ai đó là tôi tự lên án tôi. Và sự đau khổ do thói tự mê lại còn đau hơn vì xấu hổ, vì bất lực khi mình cảm nhận nó. Vì vậy mới có việc dùng các cơ chế đã được nêu ra để khôi phục một cách giả tạo hình ảnh tốt của chính mình – một hình ảnh cần thiết -, nhưng lại làm cản trở các quan hệ với người khác và ngăn không cho chúng ta phát triển.
Cũng đáng ngạc nhiên có rất ít bài viết nói về chủ đề này, nhưng chúng ta lại thấy cảm nhận này cơ bản đến như thế nào. Tất cả chúng ta đều vướng vào! Theo tôi, gần như thói tham lam đố kị không xa lạ gì với phong trào Áo Vàng, với ước muốn “tồn tại” của họ, với bạo lực trong các lần biểu tình… đó là không nói đến các thông tin sai lạc. Đố kị cũng là một trong các khía cạnh của chủ nghĩa bài-do thái đang nổi lên mạnh trong thời gian gần đây: người Do Thái bị đố kị vì họ bị cho là người giàu, người quyền lực, thông minh…v.v.
Còn bà, vì sao bà quan tâm đến chủ đề này? Chủ đề này có thường xuyên được đề cập trong các buổi trị liệu không?
Chúng tôi luôn viết về các đề tài đụng đến mình rất gần: Những gì tôi thấy nơi người khác cũng như những gì tôi thấy nơi tôi. Trong quyển sách của tôi, tôi thích nghiên cứu qua các nhân vật trong tiểu thuyết vì các phân tích của các tác giả như Proust hay Balzac rất tinh tế! Và cuối cùng thì các động lực của tham lam của ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay đều giống nhau.
Đâu là mối quan hệ giữa tham lam và ghen tương? Vì sao người ta nói ghen tương là thói đặc biệt của phụ nữ?
Tham lam và ghen tương có nhiều điểm chung, nhưng tham lam có hai nhân vật, ghen tương có ba nhân vật. Có thể ý tưởng cho rằng ghen tương là đặc tính của phụ nữ vì có thời phụ nữ chẳng có nơi nào khác ngoài căn nhà của mình để xây dựng tự tin cho mình chăng? Các bà chẳng có ai công nhận ngoài chồng mình, trong khi các ông vì nghề nghiệp, vì đời sống xã hội họ được nhiều nơi công nhận. Bây giờ điều này không còn đúng.
Tham lam đố kị có nhất thiết là tội không? Có phải đôi khi nó cũng là động lực để tiến bộ, để vượt lên không?
Nó cũng có thể là yếu tố để thành công. Trong quyển sách Cô bạn phi thường (L’Amie prodigieuse, Gallimard, 2014), bà Elena Ferrante dựng cảnh ganh đua triền miên giữa hai cô bé khi còn nhỏ, rồi sau này khi là phụ nữ trẻ. Hiểm nguy là nếu quan hệ vẫn chỉ ở giữa hai người thì họ sẽ để cả đời để ganh nhau ai hơn ai. Để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này, thì mỗi người có kinh nghiệm yêu đương hay phải có một tình bạn khác, một cái nhìn nhân hậu giúp cho họ cuối cùng chấp nhận họ. 
Làm sao để thoát ra khỏi tính tham lam? Có phải nó chỉ phụ thuộc vào một mình tôi?
Nó phụ thuộc vừa cả người khác vừa cả tôi. Tôi cần một người nói với tôi rằng tôi quan trọng đối với họ để tôi lấy lại được sự tự tin. Nhưng cùng một lúc tôi phải  phát triển các tài năng của tôi, bất hoặc là tài năng gì. Khi tôi thành công, làm được một cái gì tốt hay đẹp, tôi xây dựng được chỗ đứng của tôi mà không cần phải ganh với người khác, và tôi khám phá được ở đây, niềm vui chia sẻ mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống lớn như thế nào.
Cá nhân tôi, tôi hạnh phúc khi giảng dạy và đối với tôi, tôi rất quý cái nhìn của các sinh viên khi các em nhìn tôi.
Marta An Nguyễn dịch
(1) Ghen tị và Biết ơn, và các bài khảo luận khác (Envie et gratitude et autres essais, Paris, Gallimard, 1978).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét