CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Cả ba bài đọc của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh đều làm chứng theo cách riêng của mình cái mới mẻ tận căn mà mầu nhiệm Phục Sinh đem lại.
Cả ba bài đọc của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh đều làm chứng theo cách riêng của mình cái mới mẻ tận căn mà mầu nhiệm Phục Sinh đem lại.
Cv 14: 21-27
Bài Đọc I, trích từ sách Công Vụ, kể lại phần cuối cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất của thánh Phao-lô. Dân Thiên Chúa mặc lấy một diện mạo mới qua việc lương dân gia nhập Giáo Hội.
Kh 21: 1-5
Chủ đề lớn của sách Khải Huyền sắp đến hồi kết thúc: cuộc khải hoàn của Con Chiên Vượt Qua đã làm biến mất trời cũ đất cũ, thế giới tội lỗi. Thiên Chúa sáng tạo trời mới đất mới. Một Thành Thánh Giê-ru-sa-lem mới từ trời xuống để là nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại.
Ga 13: 31-35
Tin Mừng là phần đầu Diễn Từ Cáo Biệt của Đức Giê-su với các môn đệ Ngài trong Tiệc Ly, trong đó Chúa Giê-su ban cho họ một điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, nghĩa là, yêu thương nhau cho đến mức hiến dâng mạng sống mình cho nhau như Ngài đã hiến dâng mạng sống mình vì nhân loại. Điều răn mới này làm chứng Chúa Giê-su vẫn hiện diện ở giữa loài người.
BÀI ĐỌC I (Cv 14: 21-27)
Vào Chúa Nhật trước, sách Công Vụ kể lại phần đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất của thánh Phao-lô ở miền Tiểu Á (ở An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a); bản văn hôm nay kể lại phần cuối cuộc hành trình này.
Vì bận lòng củng cố những Hội Thánh còn non trẻ mà hai ông đã thiết lập, thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba quyết định trở lại những thành phố ở đó họ đã bị bắt, trước khi trở về An-ti-ô-khi-a miền Xy-ri-a, điểm khởi hành của họ. Hai ngài không còn rao giảng trong các hội đường, nhưng chỉ trong các cộng đoàn Ki-tô hữu, củng cố niềm tin của các tân tòng và khuyến khích họ can đảm và kiên vững.
1.Những quấy nhiễu và bách hại:
Cả hai ngài nói bằng cung giọng nghiêm trọng. Thánh Phao-lô cho các thính giả hiểu rằng sự thù hận chống đối họ chưa chịu lùi bước, nhưng “Ta phải qua nhiều gian khổ mới vào được Nước Thiên Chúa”. Chính thánh nhân mới đây đã có kinh nghiệm về sự tàn bạo này: ở Lýt-ra, thánh nhân đã bị ném đá, rồi bị lôi ra ngoài thành, vì tưởng ngài đã chết (Cv 14: 19). Sau này, thánh Phao-lô viết cho Ti-mô-thê:“Anh đã biết những cơn bắt bớ, nhũng sự đau khổ tôi đã gặp ở An-ti-ô-khi-a, I-cô-ni-a, Lýt-ra, đã biết tôi chịu bắt bớ như thế nào. Nhưng Chúa đã giải thoát tôi khỏi tất cả” (2Tm 3: 11). Khi viết những dòng này, thánh Lu-ca biết những cộng đoàn miền Tiểu Á này đã phải chịu và còn đang chịu biết bao những quấy nhiễu và bách hại.
2.Thiết lập các Kỳ Mục:
“Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục…”. Về phương diện lịch sử, bản văn này rất quý; cơ cấu Giáo Hội đang bắt đầu hình thành. Hội Thánh Giê-ru-sa-lem có các kỳ mục rồi; các Hội Thánh khác cũng sẽ có những kỳ mục của mình. Sau này, thánh Phao-lô viết cho Ti-tô, cộng tác viên của mình, mà thánh nhân đã giao phó cho ông Hội Thánh Cơ-rê-ta: “Tôi đã để anh ở lại đảo Cơ-rê-ta, chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức, và đặt những kỳ mục trong mỗi thành, như tôi đã truyền cho anh” (Tt 1: 5).
Chắc chắn cơ cấu Giáo Hội được gợi hứng từ định chế của các cộng đoàn Do thái, theo đó mỗi cộng đoàn đều có các kỳ mục chủ trì. Đoạn văn Công Vụ chúng ta đọc là đoạn văn duy nhất cho chúng ta biết cách thức chỉ định các Kỳ Mục: “Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin”.
Những phận sự của các kỳ mục này là gì? Thánh Phao-lô tóm tắt như sau, khi thánh nhân giả biệt các kỳ mục ở Ê-phê-xô: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng giá máu của chính mình” (Cv 20: 28).
3.Trở về từ sứ vụ:
Chính cộng đoàn An-ti-ô-khi-a miền Xy-ri-a đã cử thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba ra đi thi hành sứ vụ. Chính ở cộng đoàn này mà hai ông trở về tường thuật mọi sự việc và những thành quả các ông đã đạt được: “Thiên Chúa đã thực hiện với hai ông, và nhất là Người đã mở đường cho các dân ngoại đón nhận đức tin thế nào”. Chúng ta ghi nhận rằng những lời này thánh Lu-ca đặt chính xác vào giữa tác phẩm của mình.
BÀI ĐỌC II (Kh 21: 1-5)
Sau khi đã mô tả một cách biểu tượng những cuộc chiến đấu của Giáo Hội, thánh Gioan phác họa cũng một cách biểu tượng thị kiến về Thánh Thánh Giê-ru-sa-lem trên trời, tức là thị kiến về cuộc khải hoàn đang chờ đón Giáo Hội khi Giáo Hội đã trải qua những gian nan thử thách ở dưới thế. Những chương cuối cùng sách Khải Huyền (20, 21, 22) toan tính diễn tả bằng những từ ngữ và hình ảnh thường lấy lại giáo huấn của các ngôn sứ, dự định lớn lao của Thiên Chúa là ở với loài người, trong một thế giới được giải thoát khỏi mọi tội lỗi.
1.Trời mới đất mới:
Cuộc xử án đã xảy ra; sự ác đã bị tiêu diệt; trời cũ đất cũ chứng kiến tội lỗi đã biến mất để nhường chỗ cho trời mới đất mới. Sự Dữ không còn nữa trong cuộc tạo dựng mới này được chỉ ra: “không còn biển nữa”; theo quan niệm thời xưa, biển là nơi cư ngụ của các quyền lực sự dữ.
Đề tài về cuộc tạo dựng mới vào thời cánh chung thường hằng trong các sách khải huyền Do thái. Đề tài này xuất xứ từ các ngôn sứ, nhất là ngôn sứ I-sai-a đệ tam: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa… Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-a-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng… Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng khóc kêu la” (Is 65: 17-19).
Vị ngôn sứ viết sấm ngôn này chẳng bao lâu sau năm 538 trước Công Nguyên, năm đã chứng kiến một đoàn người lưu đày đông đảo hồi hương trở về Giê-ru-sa-lem. Ấy vậy, vào lúc đó, Giê-ru-sa-lem không còn Đền Thờ, Đền Thờ đã bị tàn phá bởi các đạo quân Ba-by-lon vào năm 587 trước Công Nguyên. Vị ngôn sứ đọc thấy ở đây một dấu chỉ: Thiên Chúa dự định đổi mới và ông mô tả một thành thánh Giê-ru-sa-lem lý tưởng. Trong viễn cảnh cận kề, vị ngôn sứ nghĩ đến cuộc tái thiết Thành Thánh từ những hoang tàn đổ nát; nhưng lời sấm vượt qua bên kia lịch sử hiện thời mà trở thành sứ điệp cánh chung. Đây là nét đặc trưng của ơn linh hứng ngôn sứ.
Khi thánh Gioan viết sách Khải Huyền của mình, hoàn cảnh cũng tương tự: Giê-ru-sa-lem đã bị các đạo quân Rô-ma triệt hạ và Đền Thờ bị tàn phá (năm 70 sau Công Nguyên). Lịch sử ở đây vẫn còn là dấu chỉ.
2.Thánh Thánh Giê-ru-sa-lem mới:
Thánh Thánh Giê-ru-sa-lem mới xuống từ trời, vì Thánh Thánh là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, như thánh thánh Giê-ru-sa-lem lịch sử trên trần thế đã là nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài. Thiên Chúa sắp canh tân Giao Ước của Ngài với dân Ngài: Giê-ru-sa-lem trang điểm như tân nương sửa soạn đón tân lang, nhưng lần này, trong niềm vui vĩnh viễn: “Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất!”.
Thành Đô Giê-ru-sa-lem tương lai sẽ là Thành Đô của Thiên Chúa và Thánh Đô của con người: “Đây là nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Người sẽ ở cùng họ. Họ sẽ là dân riêng của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ”. Đây là kiểu nói Giao Ước được mượn ở Lv 26: 11-12: “Ta sẽ đặt chỗ ở của Ta ở giữa các ngươi… Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi, còn các ngươi sẽ là dân của Ta”. Chúng ta cũng gặp thấy ở Dcr 8: 8: “Ta sẽ dẫn chúng về, cho cư ngụ ở giữa Giê-ru-sa-lem. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng”. Thành Đô Giê-ru-a-lem tương lai sẽ là Giáo Hội hoàn vũ.
3.Thiên Chúa ở cùng nhân loại:
“Thiên Chúa ở cùng họ" là danh xưng “Em-ma-nu-en”. Đó là hoàn tất Lịch Sử Cứu Độ, đó là dự định của Thiên Chúa khi sáng tạo con người, đó là hình ảnh về thiên đàng hạ giới ở đó Thiên Chúa đàm đạo với con người. Cái trở ngại là tội lỗi. Nhưng Con Chiên bị sát tế đã chiến thắng Xa-tan, ý định của Thiên Chúa được thực hiện vĩnh viễn. Kinh Thánh bắt đầu với thị kiến về vườn Địa Đàng và kết thúc với thị kiến về Thành Đô Giê-ru-sa-lem mới; như vậy, Kinh Thánh được hoàn tất ở nơi khởi điểm của mình.
TIN MỪNG (Ga 13: 31-35)
Các nhà chú giải chia sách Tin Mừng Gioan thành hai phần: phần thứ nhất (từ chương 1 đến chương 12) được gọi “Sách về Các Dấu Chỉ”, phần thứ hai (từ chương 13 đến chương 21) được gọi “Sách về Vinh Quang”. Bản văn chúng ta đọc hôm nay được trích dẫn từ Sách về Vinh Quang.
Vinh quang của Đức Giê-su chính là Giờ Ngài “phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” và Giờ Ngài sắp làm chứng cho những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian là “Ngài yêu thương họ cho đến cùng” (Ga 13: 1). Giờ Tử Nạn của Ngài khởi sự với sự phản bội của Giu-đa. Đoạn văn này được trích từ phần đầu của bài Diễn Từ Cáo Biệt của Chúa Giê-su cho các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc Thương Khó và Tử Nạn của mình.
1.Bữa Tiệc Ly. Giu-đa ra đi:
Chúa Giê-su đồng bàn với các môn đệ lần sau cùng, trong đó Ngài báo trước cho họ “một người trong họ sẽ phản bội Ngài”. Bữa ăn chưa chấm dứt thì Giu-đa ra đi. Chúa Giê-su sắp nói những lời từ biệt với các môn đệ Ngài và trao gởi những lời tâm huyết của Ngài cho các ông mà không có sự hiện diện của Giu-đa.
Việc Giu-đa ra đi báo hiệu cho Đức Giê-su biết Giờ Tử Nạn của Ngài sắp đến gần, nhưng đó cũng là giờ vinh quang: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh ở nơi Ngài”. Từ“tôn vinh” được lập đi lập lại nhiều lần trong hai câu này đem lại cho lời nói của Chúa Giê-su một dấu nhấn của sự chiến thắng. Những đối thủ của Ngài và kẻ tòng phạm của họ tưởng rằng mình chiến thắng, trái lại, Thiên Chúa sắp “được tôn vinh nơi Con Một của Người và đến phiên mình Thiên Chúa sẽ tôn vinh Con của Người”.
Chúng ta đang ở giữa lòng “Thần Học Vinh Quang” của Tin Mừng Gioan mà đỉnh điểm là thập giá: kế hoạch của Thiên Chúa là cứu độ con người mà Chúa Giê-su thực hiện qua cuộc Tử Nạn của Ngài. Trong Tin Mừng Gioan, thập giá là nơi vinh quang của Chúa Con và vinh quang của Chúa Cha đồng nhất với nhau trong một tình yêu tận hiến cho nhân loại.
2.Huấn lệnh yêu thương:
Chúa Giê-su sắp làm chứng về tình yêu, yêu cho đến cùng này. Ngài làm cho tình yêu tận mức này thành di chúc của Ngài: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi”. Lời xưng hô đầy trìu mến thân thương này là độc nhất trong Tin Mừng Gioan. Mối cảm xúc dâng trào tận đáy lòng của Chúa Giê-su, tâm tình yêu mến này nối kết Ngài với các môn đệ Ngài, tất cả đều được bộc lộ ở nơi những lời trìu mến này. Chúa Giê-su ngỏ lời với các môn đệ Ngài như người cha trước khi nhắm mắt lìa đời trao gởi những ước nguyện sau cùng của mình cho các con và chỉ ra những quy luật xử thế mà ông muốn thấy các con thân yêu của mình cư xử với nhau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Điều răn mới này cốt là điều gì? Từ lâu người ta đọc trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (Lv 19: 18). Luật yêu thương của sách Lê-vi đã được các kinh sư Do thái khai triển, như kinh sư Hillel dạy: “Điều gì con không muốn người khác làm cho mình, đừng làm cho người khác. Phần còn lại là phần giải thích. Hãy đi và làm như vậy”, hay kinh sư Akiba dạy: “Hãy yêu thương người thân cận như bạn thân, đó là nguyên tắc tổng quát và quan trọng nhất của lề luật”. Nhưng Chúa Giê-su cho các môn đệ Ngài một điều răn mới, mới đến mức không thể nào đo lường được, tình yêu không còn quy chiếu đến chính mình, nhưng đến tình yêu vô tận của Thiên Chúa, Đấng sắp hiến dâng trọn vẹn mạng sống mình: “như Thầy đã yêu thương anh em”.
Điều răn này còn mới theo cách khác nữa, vì nó làm thay đổi cuộc sống xã hội: thực hành luật yêu thương này làm chứng trước thiên hạ biết rằng người Ki-tô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Đức ái rạng ngời này sẽ là dấu chỉ cho thấy Đức Giê-su vẫn tiếp tục hiện diện ở giữa loài người.
Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét