BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI KITÔ HỮU
John Phạm
Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là nền tảng và trung tâm của các mầu nhiệm trong đạo Công giáo. Sở dĩ mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là nền tảng vì đó là nơi xuất phát mọi mầu nhiệm khác; là trung tâm vì tất cả các mầu nhiệm đều quy hướng về mầu nhiệm này. Mầu nhiệm ấy, được chính Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người mặc khải trong khi rao giảng, nhất là khi ra lệnh truyền cho các Tông Đồ rằng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(Mt 28,20). Qua đó, chúng ta biết rằng Phép Rửa mà chúng ta lãnh nhận để trở nên người Kitô hữu phải được cử hành nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, trong hành trình đức tin của người Kitô hữu, mầu nhiệm Ba Ngôi sẽ chi phối toàn bộ đời sống của họ.
Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày vai trò của Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống người Kitô hữu theo nội dung sau: (I) Ba Ngôi, sự sống của người Kitô hữu; (II) Ba Ngôi, khuôn mẫu đời sống Kitô hữu; (III) Ba Ngôi, cùng đích đời sống Kitô hữu.
I. Ba Ngôi, sự sống của người Kitô hữu
Qua mặc khải của Kinh Thánh, nhất là mầu nhiệm Phục sinh, chúng ta biết được phần nào vai trò của Ba Ngôi trong hành trình sống của người Kitô hữu. Vai trò của Ba Ngôi được thể hiện qua việc Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hóa và nhờ đó mà chúng ta được hiện hữu, được cứu độ và thánh hóa trong tình yêu của Ba Ngôi.
1. Chúa Cha tạo dựng
Qua trình thuật trong sách Sáng thế về tạo dựng (x. St 1,1-2,25), nhất là khi tạo dựng con người, Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta” (St 1,26). Danh từ nhân xưng: “chúng ta” ở số nhiều, là sự mặc khải về Mầu Nhiệm Ba Ngôi trong tạo dựng. Thế nhưng khi nói về tạo dựng, sự liên hệ trực tiếp trước hết là vai trò của Chúa Cha, Đấng Tự Hữu, Đấng làm phát sinh tình yêu và sự hiện hữu, là nguồn của sự nhiệm xuất nội tại và là nguyên lý của mọi nguyên lý. Vì thế, trong công trình tạo dựng (ngoại tại), Người cũng chính là nguồn gốc của sự sống, sự hiện hữu và tình yêu nơi các hữu thể.1
Trong công trình tạo dựng, Chúa Cha chính là tác giả, nhưng có sự cùng hoạt động của Chúa Con và Thánh Thần, như “đôi bàn tay trong tạo dựng” theo tư tưởng của thánh Irênê. Chúa Con là Đấng được nhiệm sinh từ Chúa Cha, đồng bản thể với Chúa Cha, nhưng lại khác trong tương quan Ngôi Vị Cha – Con. Chính mầu nhiệm sinh từ Cha ra Con, là nền tảng và kiểu mẫu cho việc sáng tạo của Thiên Chúa, vì tạo dựng là trao ban sự sống, hiện hữu và tình yêu (x. Cl 1,15-17; 1 Cr 8,6; 1Ga 4,7). Chúa Thánh Thần, Ngôi thứ Ba được nhiệm xuất từ Chúa Cha và (qua) Chúa Con, là nguyên lý hiệp nhất giữa Cha và Con trong tình yêu. Chính trong Thánh Thần, mọi sự được tạo thành (x. St 1,2) và được duy trì sự hiện hữu (x. Tv 104,29-30).
Trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, con người được coi là chóp đỉnh; vì trong Đức Kitô (x. 1 Cr 11,7; 2 Cr 4,4), con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (x. Cl 1,15-17; St 1,26). Con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa, có ý chí tự do, tức khả năng yêu mến Thiên Chúa và trao ban tình yêu cho mọi thụ tạo giống như Thiên Chúa Cha theo mức độ nào đó. Nhờ Chúa Thánh Thần, con người sẽ nên một với Chúa Con – “hình ảnh trung thực nhất của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3), vì Người là nguyên lý hiệp nhất. Thế nhưng vì tội lỗi, con người đã làm đứt gãy sự hiệp nhất, nên từ nay con người sẽ phải cố gắng không ngừng để trở về với Thiên Chúa như thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa và lòng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.
2. Chúa Con cứu chuộc
Sau khi mặc khải cách tiệm tiến trong dòng lịch sử, từ những giao ước, tuyển chọn, thiết lập và lời hứa, Thiên Chúa đã sai Người Con đến cứu độ trần gian khi thời gian thuận tiện đã đến (x. Dt 1,1-4). Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Ngôi Lời đã Nhập thể làm người (x. Lc 1,35). Cuộc sống của Đức Giêsu ở trần gian đã thể hiện sự vâng phục Chúa Cha cách trọn vẹn (x. Ga 8,28-29). Người đã mặc khải: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Đỉnh cao của sự vâng phục nơi Đức Giêsu được thánh Phaolô tóm lại trong cuộc thương khó của Người: “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá” (Pl 2,8; x. Rm 5,19). Đức Giêsu được Kinh Thánh giới thiệu là Người đầy tràn Chúa Thánh Thần, Người là Đấng được xức dầu nhờ Thần Khí và được sai đi công bố Tin Mừng cho người nghèo (x. Lc 4,18). Chính nhờ “Chúa Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9,14).
Qua cuộc thương khó của Đức Giêsu, cả và nhân loại chúng ta nhận được ơn cứu độ, được giải thoát khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết (x. Ga 12,32), “đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Cách đặc biệt, qua biến cố Phục sinh của Đức Giêsu nhờ Thiên Chúa (x. Cv 4,10) chúng ta được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa do bởi nhân tính nơi Đức Giêsu và được lãnh nhận đầy tràn Chúa Thánh Thần của Đấng phục sinh (x. Ga 20,22; Rm 1,4; 1 Pr 3,18).2
3. Chúa Thánh Thần thánh hóa
Sau biến cố phục sinh, trong Lễ Ngũ Tuần, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử cứu độ Giáo hội chính thức được khai sinh và lớn mạnh, vì Chúa Thánh Thần đã ngự xuống, làm cho các môn đệ được tràn đầy hân hoan và ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân (x. Cv 2). Sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần được xem như là “khuôn mặt không có khuôn mặt” (x. Ga 3,8), Người hoạt động trong âm thầm để thánh hóa các Kitô hữu, tháp nhập họ vào nhiệm thể Chúa Kitô và hiệp nhất họ nên một trong Đức Kitô.
Qua cầu nguyện: yếu tố nền tảng của sự thánh thiện người Kitô hữu.3 Qua đó, chúng ta được đối thoại với Ba Ngôi, được mời gọi hướng về Cha (ad Patrem), Đấng tuôn đổ muôn phúc lành xuống (x. Gc 1,17); nhờ Chúa Con (per Filium), Đấng trung gian và dẫn đường (Ga 14,13), cách đặc biệt là trong Chúa Thánh Thần (in Spiritu), Đấng sẽ hiệp nhất chúng ta với Đức Kitô và hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước tòa Chúa (x. Rm 8, 15.26-27).4
Qua phụng vụ: trung tâm của mọi sinh hoạt trong Giáo hội, cách đặc biệt nơi các Bí tích là lương thực nuôi dưỡng người Kitô hữu, được thể hiện rõ qua Bí tích Thanh Tẩy và Thánh Thể. Qua Bí tích Thanh Tẩy, người Kitô hữu được tham dự vào cuộc Vượt Qua của Đức Kitô và sống trong tương quan với Chúa Ba Ngôi;5 được tham dự vào bản tính Thiên Chúa (x. 2 Pr 1,4), nhờ Chúa Con nhập thể, chết và phục sinh. Bí tích Thanh Tẩy sẽ giúp ta được tái sinh nhờ Chúa Thánh Thần (x. Ga 3,5; Tt 3,5), được tẩy xóa khỏi mọi tội lỗi (x. 1 Cr 6,11) và trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần, cách đặc biệt là nhờ Thần Khí của Đức Kitô, chúng ta được gọi Chúa Cha là: “Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15). Trong Giáo hội, người Kitô hữu được nuôi dưỡng qua Bí tích Thánh Thể, vì trong Bí tích ấy Đức Giêsu đã hiện diện cách trọn vẹn khi biến bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh của Người nhờ Thần Khí. Bí tích Thánh Thể chính là nơi gặp gỡ và sống hiệp thông giữa Ba Ngôi và Giáo hội;6là tưởng niệm và hiện tại hóa sự chết và sống lại của Đức Kitô; cách đặc biệt là lời chúc tụng, tạ ơn và cầu khẩn dâng lên Thiên Chúa Cha, nhờ (trong) Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Qua các nhân đức tin, cậy, mến.7Sau khi lãnh Bí tích Thanh Tẩy, người Kitô hữu được lãnh nhận ba nhân đức đối thần là tin, cậy, mến. Họ được trở thành dưỡng tử của Chúa Cha, phản ánh tình yêu sáng tạo và trao ban của người, đó là Đức mến, hồng ân cao cả (x. 1 Cr 13,13), để nhờ đó họ nên giống Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4,8) và yêu mến tha nhân cách vô vị lợi. Họ được tháp nhập vào Đức Kitô và gia nhập vào Giáo hội, đón nhận toàn bộ Đức tin, để từ đó họ chấp nhận và trao phó cuộc đời cho Thiên Chúa, hằng yêu mến và vâng phục Ngài (x. Rm 1,5) như chính Đức Kitô vậy (x. Pl 2, 6-11). Họ được đón nhận tràn đầy Thánh Thần và phản ánh nét độc đáo của Người: sự liên kết và cởi mở tự do với tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, đó là đức Cậy. Đức Cậy khơi động đức Mến và khích lệ sự vâng phục của đức Tin với sự kiên nhẫn và không hề thất vọng (x. Rm 5,5).
Như vậy, qua đời sống cầu nguyện, phụng vụ và các nhân đức đối thần, cho chúng ta thấy được vai trò lớn lao của Thánh Thần mà lâu nay dường như Người bị “lãng quên”.
Vai trò của Ba Ngôi không chỉ là sự sống người Kitô hữu, nhưng còn là khuôn mẫu cho chúng ta noi theo.
II. Ba Ngôi, khuôn mẫu đời sống người Kitô hữu
Trong niềm tin của người Kitô hữu, Mầu Nhiệm Ba Ngôi không những là trung tâm điểm, mà còn là khuôn mẫu cho các mối tương quan trong đời sống người Kitô hữu.
Đời sống cá nhân
Hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu khởi đi từ tình yêu của Ba Ngôi và cùng đích cũng hướng đến sự kết hợp trong tình yêu Ba Ngôi. Như vậy, chính tình yêu Ba Ngôi là nền tảng đời sống cá nhân người Kitô hữu. Chúa Cha là nguồn của tình yêu, Người đã tạo dựng vũ trụ và nhân loại từ hư không (x. St 1,2), cho chúng ta được làm chủ vũ trụ, đến lượt chúng ta cũng hãy trở nên tình yêu đối với thiên nhiên và con người; hãy làm những gì tốt đẹp nhất để làm phát triển sự phong phú và phì nhiêu nơi vũ trụ này. Tuy nhiên, vì tội lỗi, chúng ta phải đi vào cõi chết, nhưng Chúa Cha đã sai Con của Ngài xuống thế làm người, biến tình yêu thành lòng thương xót để cứu độ chúng ta (x. Dt 1,1-4), thì chúng ta cũng hãy trở nên dấu chỉ cứu độ cho hết thảy mọi người và mọi tạo vật. Trong ta, Chúa Thánh Thần luôn hoạt động, mà ít khi chúng ta nhận ra Người, vì thế chúng ta hãy mở lòng mình để cộng tác với Người, nhằm giúp ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và hiệp nhất nhân loại nên một.
Đời sống hôn nhân gia đình
Nền tảng của giao ước hôn nhân và gia đình chính là tình yêu, mà tình yêu tuyệt đối xuất phát từ nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong gia đình Ba Ngôi, tình yêu đã lan tỏa để trao ban và sinh hoa trái dồi dào là chúng ta và toàn thể vũ trụ. Trong tình yêu Ba Ngôi nội tại, Cha chính là Đấng yêu mến, là suối nguồn để rồi nhiệm sinh ra Con (Đấng được yêu mến) và nhiệm xuất ra Thánh Thần (Đấng cùng được yêu mến). Khi sống đời sống hôn nhân gia đình, người Kitô hữu được mời gọi hãy chiêm ngưỡng và noi theo khuôn mẫu tình yêu Ba Ngôi. Hơn nữa, khi Đức Giêsu nhập thể, Người đã nâng hôn nhân Kitô giáo lên hàng Bí tích, để qua hôn nhân thể hiện một tình yêu cao cả và bền vững như chính Đức Kitô và Hội thánh Người. Chúa Thánh Thần chính là tình yêu giữa Cha và Con, vì thế trong hôn nhân Kitô giáo, người Kitô hữu hãy xin Thánh Thần Tình Yêu luôn hiện diện và làm cho đời sống gia đình ngày một thăng hoa như gia đình Ba Ngôi.
Đời sống trong Giáo Hội và xã hội.
Giáo hội được khai sinh trong ý định tình yêu của Thiên Chúa Cha, được hiện diện hữu hình do Đức Giêsu thiết lập, như Thân Mình của Người qua các Tông Đồ tiên khởi (x. Mt 16,18) và chính thức thể hiện căn tính qua biến cố Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-13), nhất là Người hằng hiện diện trong Giáo Hội qua muôn vàn ân huệ được trao ban.8 Khi thiết lập Giáo hội, Đức Giêsu đã kèm theo giới răn mới là yêu thương như chính Người đã yêu thương (Ga 13,34-35), đó chính là bản chất, là linh đạo của Giáo hội. Giáo hội được mời gọi hướng về sự hiệp nhất trong sự đa dạng như Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Ga 17,20-23). Người Kitô hữu là con cái của Giáo hội phải biết điều đó, để luôn yêu mến, vâng phục, cộng tác, hiệp nhất và làm cho mọi người nhìn thấy dấu chỉ ơn cứu độ nơi Giáo hội.9
Trong tương quan xã hội, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân tình yêu và lòng thương xót, để tất cả mọi người nhận được ơn cứu độ (x. 1 Tm 2,4) và biến xã hội mỗi ngày nên tươi đẹp theo như ý định và khuôn mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
III. Ba Ngôi, cùng đích người Kitô hữu
Qua mầu nhiệm Phục sinh đã hé mở cho chúng ta biết về nguồn gốc của con người và vũ trụ, đặc biệt là mặc khải về chiều kích cánh chung đều do bởi hành vi của Ba Ngôi (x. Ep 1,3-14). Có thể nói “khởi nguyên và cánh chung luận hòa quyện với nhau”.10 Vì khởi nguyên được thực hiện dưới hình thức tự hủy và hiến dâng, còn cánh chung được thực hiện trong thái độ tạ ơn.11
Chúa Cha là nguồn của sự sống, sự hiện hữu và tình yêu, thì chính người cũng sẽ là điểm đến trong ngày cánh chung (x. Kh 21,3; Ed 37,27), Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (x. 1 Cr 15,28). Nhờ đón nhận Người Con là Đức Giêsu, mà vũ trụ được đón nhận vinh quang nơi Cha (x. Ga 17,24), vì Người chính là dung mạo tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa Cha.12 Trong ngày cánh chung, Thần Khí sẽ được tuôn đổ đầy tràn trên hết mọi xác phàm (x. Cv 2,17). Người sẽ hiệp nhất giữa thụ tạo và Tạo Hóa, tự nhiên và siêu nhiên, con người với Thiên Chúa.
Như vậy, cánh chung sẽ là sự hoàn tất của mầu nhiệm tự hủy từ Ba Ngôi và thái độ tạ ơn trong hành trình đức tin người Kitô hữu. Đó là “quê hương Tam Vị” mà tất cả mọi thụ tạo đều đang tiến về, là niềm hy vọng của mọi sự sống.13
Qua một vài điểm trình bày trên, hy vọng cũng cho chúng ta thấy rõ hơn một chút về vai trò của Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống người Kitô hữu. Chính hành trình đức tin của người Kitô hữu dựa trên hành trình của Ba Ngôi trong tình yêu trao ban, khởi đi từ nguồn gốc đến cứu chuộc và cùng đích. Nếu cuộc sống người Kitô hữu đi ra ngoài tình yêu của Ba Ngôi thì coi như là sống vô nghĩa. Xin mượn lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để không những tóm kết phần trình bày của bài, nhưng là mở ra một quyết tâm mới trong cuộc sống không chỉ là Kitô hữu mà là chủng sinh, linh mục tương lai của Chúa Kitô: “Mọi sự trong đời sống người Kitô hữu, đều xoay quanh mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và được hoàn tất trong mầu nhiệm vô giá này. Vì thế, chúng ta hãy nhìn, để giữ ‘nhịp’ cho cuộc sống chúng ta, nhắc nhở chúng ta điều gì là cùng đích, vì chúng ta tồn tại, làm việc, đấu tranh, đau khổ để tìm gì và phần thưởng to lớn nào mà chúng ta được mời gọi.”14
GHI CHÚ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét