Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Linh mục Olivier Turbat: “Thuốc giải độc cho bệnh kiêu ngạo là buông bỏ trong tin tưởng ”


la-croix.com, Céline Hoyeau, 2019-03-09
Linh mục Olivier Turbat, Cộng đoàn Con đường Mới (Chemin-Neuf): “Thuốc giải độc cho bệnh kiêu ngạo là tin tưởng buông bỏ”
Linh mục Olivier Turbat. Thử thách của sự mong manh
Linh mục Turbat đến với chiếc va-li kéo, cha vừa trở về từ Phi Luật Tân, nơi ngài cùng đồng hành với các tín hữu độc thân thánh hiến của Cộng đoàn Con đường Mới trong một tuần tĩnh tâm. Linh mục Turbat, 55 tuổi, hứa hẹn giữ các chức vụ cao trong cộng đoàn, là người đi giảng được mến mộ, người hướng dẫn thiêng liêng được nhiều người cần đến, tháng 2  năm 2011, linh mục Turbat bị đột quỵ, từ đó ngài không còn đọc được, viết được. Và nếu ngài còn diễn tả được, thì vốn từ vựng chỉ còn vài chữ và chỉ giới hạn trong cách diễn tả quen dùng.
Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi, để triển khai ý, linh mục nhờ nữ tu Blandine Lagrut của Cộng đoàn Con đường Mới giúp, sơ biết linh mục từ nhiều năm nay. Linh mục không mất đi sự phê phán sáng suốt và tinh thần hài hước của ngài. Đôi khi có một chữ nào đó ngài không diễn tả được, ngài lấy ngón tay chỉ vào trang nhật ký thiêng liêng của mình, nơi có điều ngài muốn nói.
Quyển sách Sự Mong manh và Ơn sủng (La Fragilité et la Grâce, nxb. Ad Solem) ngài viết từ năm 1998 trước khi bị đột quỵ năm 2011. Ý thức các giới hạn của mình, niềm kiêu hãnh luôn ở đó, ngài đã trải nghiệm vấn đề đau khổ, món quà triệt để của bản thân, một căng thẳng giữa ý Chúa và ý riêng của mình, mầu nhiệm của Thập giá và của buông bỏ.
Đề cập đến các mối tội đầu là một chuyện khó… Chúng ta có thể nói về tội kiêu ngạo mà không kiêu ngạo?
Linh mục Olivier Turbat: Cách đây vài năm nếu báo La Croix đề nghị tôi viết bài về tội “Kiêu ngạo”, chạy tít lớn kèm hình của tôi thì tôi sẽ ngần ngại. Còn bây giờ thì tôi… cóc cần (cười)!
Tại sao?
Bây giờ thì đặc biệt. Tôi không còn đọc, không còn viết. Tôi nói khó khăn. Trước đây, tôi có lời nói mạnh mẽ. Bây giờ, không còn gì hết. Tôi vẫn còn đi đây đi đó được. Chính yếu tôi vẫn còn đồng hành thiêng liêng. Tôi không mất khả năng phân định. Tôi không biết  tại sao, nhưng tôi cảm nhận trong tôi có những chuyện tôi phải nói, phải làm thế nào để hướng dẫn người khác… Có Chúa và tôi, cùng nhau; trước đây tôi không nghĩ một sự gần gũi như vậy là có thể có được. 
Cha bị đột quỵ năm 2011. Một căn bệnh nặng đã cắt đứt mọi hứa hẹn tương lai. Cha có thể kể những gì cha đã trải qua?
Sau một năm ở chủng viện Paris, năm 22 tuổi, tôi vào Cộng đoàn Con đường Mới.Nhanh chóng, Cộng đoàn giao cho tôi đảm trách nhiều trách nhiệm. Năm 1993, tôi tham gia vào việc sáng lập Lễ hội cho người trẻ ở Hautecombe, sau đó tôi đảm trách các công việc ở đan viện và đào tạo tập sinh trong vòng mười năm. Tôi đi rất nhiều, tôi dự trong tất cả các cuộc họp và có các quyết định quan trọng. Năm 2009, tôi được bầu làm phụ tá mục tử. Nhưng tháng 2 năm 2011, thình lình tôi bị đột quỵ và tôi đã cận kề với cái chết.
Khi tỉnh dậy, tôi nói không được. Tôi tin chắc mọi sự sẽ qua đi, sau hai năm tôi sẽ trở lại bình thường. Tôi đã tập rất nhiều. Rất gay go. Và rồi tôi nhận ra tình trạng của tôi sẽ không khá hơn. Cả một cú sốc, tôi thấy đời tôi như đã xong. Tôi trải qua giai đoạn suy sụp tinh thần, tôi thu mình, tôi khép kín. Tôi không dám nói nhiều, tôi không nói được, tôi xấu hổ. Tôi luôn tự hỏi: vì sao lại mình? Tôi mang mặc cảm mình vô dụng.
Dần dần, trong khoảng ba hay bốn năm, tôi hiểu đời tôi sẽ như vậy và tôi chấp nhận. Và bây giờ là chuyện khác… Là chuyện khác nhưng là chuyện tốt đẹp.
Vào lễ Phục Sinh năm 2016, cùng với một linh mục bạn, tôi được mời để làm chứng cho tiếng gọi của Chúa trong cuộc đời chúng tôi. Đây là lần đầu tiên sau khi bị đột quỵ tôi nói trước công chúng. Tôi có thể là tôi, với các chữ nghèo nàn của tôi. Trước đây tôi chú ý nhiều đến hình ảnh của mình. Bây giờ tôi không quan tâm đến nữa.
Có phải đột quỵ đã làm cho cha nhìn lại đời sống của cha khác trước không?
Trước đó tôi đã nhận thức một số điểm: tôi hiểu công việc của tôi, sứ vụ của tôi có thể mâu thuẫn với tình yêu của Chúa. Tôi bị cuốn hút trong công việc, một loại say sưa khi nào cũng tràn ngập việc làm. Một câu hỏi luôn ở trong trí tôi: “Con có yêu Ta hơn công việc của con không?” Bây giờ tôi hiểu lời này một cách khác. Một cách nào đó, các trách nhiệm của tôi làm cho tôi tự đủ. Tôi đã dựa trên sức lực riêng của mình, phân định riêng của mình. Tôi tồn tại qua những chuyện này. 
Và đó là kiêu ngạo?
Đúng, đó là đi tìm mình. Theo ý riêng của mình như thử chỉ có ý riêng này mà thôi. Và đặt cho mình các tiêu chuẩn cho sự hoàn hảo. (Cha chỉ vào trang 281 nhật ký thiêng liêng của mình:) “Dành tất cả năng lực của mình để cố gắng phù hợp với hình ảnh hoàn hảo, lý tưởng hóa chính mình…” Tôi đã sống trong khao khát hoàn hảo, nhưng khao khát này có thể trở nên chướng ngại cho công việc của Chúa. Đó là khát khao quyền lực bị che giấu một cách rất tồi.
Trước khi bị đột quỵ, tôi là người sáng suốt về chuyện này. Trong khi cầu nguyện, trong các kỳ tĩnh tâm, tôi luôn đối diện với thực tế này trong lòng. Một khát khao mãnh liệt. Trong nhiều năm, tôi lo lắng Chúa đã không giúp tôi thoát ra chuyện này. 
Trong nhật ký của cha, nhiều lần cha đã cầu nguyện để có thể từ bỏ nó. Và trên thực tế, cha đã bị “nắm bắt” nhưng không theo cách như cha mong chờ…
Điều đó là chắc rồi (cười)! Trước, tôi làm tất cả để tốt. Năm 1993, ngày tôi chịu chức sáu, tôi đã xin ơn như sau: “Xin cho con đi đến tận cùng của tình yêu và của ân sủng (…) xin cho con không chống lại Chúa Kitô, nhưng cho con đầu hàng và đi theo Chúa đến Vườn Giếtsêmani khi đến thời điểm. Tôi nghĩ Chúa đã nghe lời cầu nguyện của tôi và sẽ nhận lời.” Tôi có một kỷ niệm chính xác ở giây phút này. Nhưng khát khao “vâng” này chỉ được sáng tỏ sau này, sau khi tôi bị đột quỵ. Một là rao giảng và một là sống với nó.
Tháng 2 năm 1998 cha viết: “Trong Cộng đoàn Con đường Mới (và trong Giáo hội nói chung), tôi có cảm nhận khao khát quyền lực và khao khát công nhận có thể chưa được trình bày, chưa công nhận, chưa xử lý đủ ở mức độ cá nhân”. Có cần thiết để nêu lên khao khát quyền lực của mình?
Có, tôi nghĩ có. Điều này rất quan trọng, vì nếu không thì đối thủ vẫn còn núp và chúng ta không thể đương đầu với cuộc chiến. Chiến lược của kiêu ngạo là che giấu, chúng ta xấu hổ khi thẳng thắn nói về khao khát quyền lực của mình. Nêu đích danh kiêu ngạo là bắt đầu để cho ơn Chúa triệt hạ nó. 
Có cần một tai nạn để chữa lành nó không?
Không, không được! Khi tôi không còn đọc, không còn viết, người ta nghĩ kiêu ngạo đã biến mất. Nhưng nó vẫn còn là cuộc chiến mỗi ngày. Tôi vẫn còn khó để bỏ ý riêng… Dù bây giờ khi các ý định sai lầm chớm phát xuất, tôi nhận ra ngay lập tức.
Như vậy thì làm sao chữa lành tính kiêu ngạo?
Chúng ta không cần quan tâm đến chữa lành hay không chữa lành kiêu ngạo! Mục đích là dành cho các quan hệ có một chỗ đứng. Biết phụ thuộc vào người khác. Chính người khác, các anh chị em của Cộng đoàn Hautecombe, họ đến với tôi, họ tiếp tục thăm hỏi tôi, khuyến khích tôi. Họ đề nghị cho tôi một thư ký để tôi tiếp tục làm việc, tiếp tục viết, đó là đề nghị tuyệt vời vì có nhiều chuyện tôi không còn làm được nữa. Bây giờ, tôi lệ thuộc vào người khác. Sự lệ thuộc mà ngày trước tôi rao giảng bây giờ trở nên cụ thể với tôi. (Cha chỉ vào trang 346:) “Hồi đó tôi không tin anh em khi họ nói với tôi, sự hiện diện của tôi là quan trọng, tôi phải ở với họ. Nhưng Chúa Kitô đã nói với tôi như vậy. Đúng, đó là chỗ của tôi. Tôi phải ở với họ, dù không ở một cách như trước.” Cuối cùng, phải tin lời anh em nói hơn là theo cảm nhận riêng của mình. Kiêu ngạo nổi lên khi mọi chuyện không như ý mình muốn. Thuốc giải độc của tính kiêu ngạo là buông bỏ trong tin tưởng. 
Cha nhìn về tương lai như thế nào?
Tuyệt đối không được nhìn về phía trước. Tuyệt đối không. Nếu không… Tôi sẽ làm gì? Đời của tôi sẽ ra sao? Trước đây, tôi là người của trách nhiệm, ít nhiều tôi biết những gì Chúa đang làm với tôi. Tôi nhìn thấy những gì tôi phải hoán cải, tôi có một loại kiểm soát tiến trình phát triển thiêng liêng của mình. Bây giờ tôi không hiểu gì nhiều, tôi không kiểm soát nữa. Tôi không còn biết ơn gọi của tôi, cuộc sống của tôi sẽ như thế nào, nhưng như Mẹ Têrêxa nói: “Hãy để Chúa Giêsu tự do với bàn tay của Ngài, để cho Ngài sử dụng bạn mà không hỏi ý kiến bạn”. Đúng vậy, tôi không biết Chúa dùng tôi như thế nào, nhưng Ngài dùng.
Sự thiếu tự tin hay yêu chính bản thân mình thường là dạng kiêu ngạo ẩn giấu. Làm thế nào để yêu mình mà không kiêu ngạo?
Mới đầu chúng ta đi tìm sự toàn hảo. Kế đó chúng ta có kinh nghiệm của lòng thương xót. Cuối cùng, chúng ta không còn đặt câu hỏi. Tôi biết kiêu ngạo luôn ở đó, nhưng tôi dứt khoát không để ý đến nó. Tôi học để tách ra, ngay cả với tội của tôi. Đó là tất cả giáo huấn của Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu.
Yêu bản thân mà không kiêu ngạo, là không còn quá bận tâm đến mình. Ngay cả muốn chữa lành kiêu ngạo cũng không còn là vấn đề. Mục đích, là để được Chúa yêu hoàn toàn. (Cha chỉ vào trang 279-280:) “Ngay cả thoát ra, không nghĩ cả đến cách Chúa dùng để thanh tẩy mình, đó là việc của Chúa, không còn là việc của mình.” Đứng trước sự dữ, đứng trước kiêu ngạo, chúng ta không có câu trả lời nhưng có sự hiện diện thầm lặng của Chúa Giêsu bên cạnh chúng ta.
Marta An Nguyễn dịch
Xin mời quý độc giả đọc bài biện hộ cho tính kiêu ngạo, một áng văn hay của nữ văn sĩ Pháp Nicole Avril:Kiêu ngạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét