François Regis Bastide, văn hào Pháp, (1926-1996), báo: L’Évènement du Jeudi
Tội lười biếng chỉ có một tì vết: nó bị mang tiếng xấu. Thuở còn bé, nếu tôi không dám nói, hầu như tất cả chúng ta đều được ru ngủ bằng những câu chuyện đại loại như: «Ngày xưa có một cô bé luời, lười đến độ cô quên thở và cô chết vì ngộp thở.» «Ngày xưa có một chú bé lười, lười đến độ chú không bao giờ đánh răng, và rồi dưới nướu răng của chú mọc lên một sinh vật nhỏ xíu, đen thui và chú chết vì cơn đau răng khủng khiếp.» Ngay cả sau này người ta còn kẻ cho tôi nghe, chỉ có Chúa biết ai kể cho tôi: «Ngày xưa, có một người đàn bà xinh đẹp, lười, lười đến độ chẳng bao giờ bà buồn nhớ tên các tình nhân nhiều vô số kể của bà, bà lẫn lộn các Tuấn và Tú, Hùng và Dũng. Ai cũng nghĩ mình được lòng người đẹp và vì vậy ai cũng lao vào yêu bà trong nổi mong chờ có một ngày nào đó bà sẽ hét lên một cách sảng khoái, tên người thắng cuộc. Lưu hay Nguyễn vv … Nhưng, chẳng có ai hết. Đêm nọ, nàng chết, kiệt sức vì lười, nhưng còn ngáp gọi Hùng Dũng: Hùng đau khổ, buồn phiền đến chết».
Không có chuyện nào trong các chuyện trên thuyết phục tôi chạy trốn tội lười. Các chuyện đó hay chuyện nào khác cũng vậy. Tôi kiên trì với ý nghĩ cố chấp: lười thứ thật, thứ lười cao siêu, tinh vi nếu được người đời nhìn nhận và khao khát, nó sẽ là một đức tính, Jacques Chardon không lầm khi viết: «Lười biếng là cần thiết, nên pha trộn nó vào đời sống để con người ý thức được đời sống».
Tôi sẽ tiếp tục như vậy sao? Bỗng nhiên tôi chợt thấy cô y tá và anh thợ ráp xe đạp, nãy giờ đang ngồi đọc sách, bỗng nhảy dựng lên. Ở đó có một cái gì. Với những kẻ lao động thật sự, với những kẻ không có hạnh phúc nào khác hơn là không bị thất nghiệp, với những kẻ mà «thì giờ trống» (thành ngữ khủng khiếp của các nhà xã hội học, chuyên gia về giải trí) bị cuốn hút bởi công việc hàng ngày không tránh được, đối với các ông, các bà, nhất là những người không có buổi sáng nhàn tản, không có giấc ngủ trưa, không có ngay cả những phút mơ mộng viễn vông, thì ý niệm lười biếng nghe có vẻ như chuyện của thời tiền sử hay đó chỉ là công việc của những kẻ bụi đời… Thế thì làm sao tôi dám ca tụng tội lười của tôi cho được? Ô kìa, cô y tá vừa tắt dịch truyền cho tôi. Đáng đời tôi.
Tuy nhiên, tuy nhiên, nói thế nào đây…! Công việc làm cho chúng ta ngu muội, việc của cô y tá thân yêu hay việc của ông phụ tá bộ trưởng thảo kế hoạch cũng vậy thôi, chuyền nước biển hay nghiên cứu hồ sơ cũng vậy thôi… Chiều đến, con mắt mỏi mệt cũng chớp giống nhau, giấc ngủ không chịu đến, thèm khát sống, thèm khát sống thêm ngày mai. Ngắn gọn thèm khát làm quặn thắt bao tử, đói và khát lẫn lộn trong một ham muốn mơ hồ có được một ly nước lạnh, nhưng nước chỉ là bọt khí. Lao động khổ sai làm con người ở trong trạng thái khó thở thình lình. Bạn đã làm việc thái quá cho hôm nay, bạn chỉ còn là tiếng gào thét câm lặng. Bạn có thể giết để gào thét, để có quyền gào thét, để được gào thét. Bạn không còn làm gì được nữa. Bạn không còn là bạn nữa.
Nếu tôi biện hộ cho lười biếng, không phải tôi khinh lao động, còn lâu. Tôi chỉ nói sau khi quan sát nó trên người khác, trên chính tôi, lao động mà thế kỷ XX thân yêu của chúng ta quan niệm càng ngày càng phi lý và hầu như chẳng còn sản xuất gì được nữa, có chăng chỉ còn là bọt lao động, hoàn toàn vô ích và ngay cả không tự thoái hóa.
Ngược lại, tôi dám nói tính lười nếu được quan niệm như một tu luyện khổ hạnh, được kiểm soát kỹ, thì năng lực sản xuất của nó, ta khó mà tưởng tượng nổi. Lười biếng chẳng có gì khác hơn là biết cách cắt thời gian và ngưng tạm thời lòng say sưa làm việc một cách máy móc. Tôi ngừng tức là tôi làm việc. Tôi ngừng, để tôi làm việc tốt hơn. Tôi đặt tôi giữa hai ngoặc kép. Nói thế không phải là đình công.
Nhưng mà… tôi luôn nghĩ các cuộc «đình công» còn làm lợi cho xí nghiệp, và chỉ có các chủ nhân ông là ngầm biết điều này. Vào năm 2000, một trong các ông chủ này sẽ kêu lên: «Xin các bạn đình công giùm cho một chút». Đó là một ông chủ có tài năng vượt bực, là độc giả say sưa của Cocteau. Ngày xưa Cocteau đã từng nói: «Tôi là người làm biếng làm việc không ngừng». Điều đó hoàn toàn đúng sự thật. Bằng chứng là qua số trang ông đã viết, số phim ông đã làm, số hình ông đã vẽ, Cocteau là một người thợ gương mẫu. Ồ, ông chỉ giả vờ ngủ, chính vì lao tác liên tục, lao lực hiểu cho đúng nghĩa, đã giết ông. Chính vì làm biếng liên tục đã khởi xướng ông làm việc không ngơi. Bằng chứng: ông tự dẫn đến chứng đứt mạch máu tim như bất cứ một ông giám đốc hãng xưởng tầm thường nào đó.
Bạn sẽ nói với tôi… Đừng, đừng nói với tôi gì hết bạn chưa nghiền ngẫm kỹ vấn đề lười biếng này đâu. Mỗi ngày, chỉ vài phút mỗi ngày, bạn hãy tập: không làm gì hết. Chú ý, tôi lập lại: «Không làm gì hết.» Tôi lập lại: «Không làm gì hết» không có nghĩa là nhìn bâng quơ truyền hình hay ngồi mơ màng bên cửa sổ. Lười biếng thật sự có những đòi hỏi cao siêu của nó. Đó là người nói tầm phào hay nhất, bận tâm vô ích một cách có hệ thống. Kẻ lười biếng có bằng cấp thị thực, nhân viên biên chế của sở lười, là người vào lúc 10h20 đến 11h không thể nhớ mình đã làm gì, nghĩ gì, mơ gì. Sau 40 phút trống rỗng tuyệt đối, tôi tin chắc khi đến 11h01, khi hết thôi miên, chàng ta sẽ nhanh như điện. Ông chủ ơi, ông có thể tăng lương cho anh ta, năng suất sẽ được bảo đảm. Nhưng không, vì cố chấp, ông thích làm việc theo kiểu Nhật bản, trong «cái vòng chật hẹp của bảo đảm chất lượng hảo hạng», buôn bán làm ăn theo kiểu tâm lý hay thiền, thậm chí ông trả rất đắt giá các buổi thực tập tự hành xác, khóc lóc thảm thiết hay thiền trên sàn đóng đinh cho các nhân viên cao cấp của ông. Nếu ông khiêm tốn đưa quý vị nhân viên yêu quý của ông, các ông fakirs dỡm đi tìm thời gian đã mất, thì sẽ đỡ tốn kém cho ông hơn, ông chủ ạ. Cứ việc lên kế hoạch, nếu điều đó làm cho ông an tâm hơn.
Tôi sắp nổi cáu. Cô y tá, xin lỗi cô, tôi thấy đôi mắt cô khép kín, tôi làm phiền cô, cô đang mơ mộng? Không sao, khi nào tỉnh mộng, xin cô vui lòng tiếp tục chuyền nước biển cho tôi được không? Xin cám ơn cô.
Marta An Nguyễn dịch
Quyền được làm biếng (Droit à la paresse, Roland Topor)
Xin đọc thêm: Kiêu ngạo ; Hà tiện ; Giận dữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét