Trang

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Đàn Bà



Đàn Bà

Byron phê bình đàn bà: “Không thể sống với họ được mà không có họ cũng không được”. Bạn sẽ phải sống với họ và bạn có thể sống với họ được. Từ hồi thiếu niên tôi đã nghĩ rằng đàn bà tặng cho đàn ông được những thú vui mãnh liệt nhất. Tuổi đó tôi thích những phút đầu lưu luyến, những cuộc gặp gỡ, những lần tiếp xúc nhau, những âu yếm đầu tiên tặng cho nhau, thích “những cái vuốt ve e lệ mà tự nhiên”. Bạn đừng nên vì chút nhút nhát hoặc thận trọng mà tự cấm mình được hưởng những kỷ niệm đó. Nó đẹp nhất đời đấy. Tới tuổi già, nhớ lại mà còn thấy bâng khuâng trong lòng. Ai không được biết những khúc xuân tình thì sẽ thiệt thòi và tiếc hoài suốt đời. Những tình yêu thơ mộng ấy không cần phải đi tới chỗ hiến thân cho nhau. Có bao nhiêu là êm đềm trong sự phát giác, càng kéo dài càng thấy thú. Thanh xuân của bạn nên là một tuổi âu yếm và say đắm.

Valéry viết: “ Sự say đắm trong tình ái là chuyện vô lý. Các ông văn sĩ tạo ra cái đó, nó lố bịch”. Montherlant viết thêm: “Trong các tác phẩm của tôi, tôi lập lại hoài ý đó, có gì khác đâu”. Ở khu vực này, Stendhal vừa trâng tráo mà lại vừa có thể yêu như điên như cuồng được. Tôi chúc mừng bạn hưởng được những hạnh phúc của ông ấy.

Bạn hỏi: “ Nhưng tôi có được họ mến không chứ? Nhất là được lọt vào mắt xanh người mà tôi mến?” Bạn nên nhớ rằng chính phụ nữ họ cũng tự hỏi những câu đó. Họ mong được đàn ông thích họ, mong còn hơn bạn nữa. Bạn nên nhớ rằng họ cũng có những dục vọng của họ, cũng mạnh như dục vọng của bạn. Thân thể họ cũng chờ đợi những vuốt ve của bạn, nếu bạn dám. Nếu bạn đẹp trai, thông minh, lanh lợi thì bạn sẽ chinh phục được nhiều nơi sở nguyện của bạn. Nếu không như vậy thì cũng đừng thất vọng. Có những người xấu xí nhưng có một cái gì đặc biệt, nên hóa ra dễ thương và được người ta quyến luyến. Nhất là, sự ân cần có thể bù vào vẻ mặt xấu xí của bạn được. Bạn nhớ định lý này: Hầu hết phụ nữ đều phiền muộn. Có người đàn ông nào làm cho họ vui thì họ sẽ mang ơn vô cùng. Tôi đã được biết một người rất có tài tán gái mà xấu như ma. Nhưng nếu gã muốn chinh phục một người đàn bà nào thì gã tấn công nàng, ngày đêm, bằng thư từ. Giờ nào nàng cũng nhận được một bức thư, hoặc một bó hoa, một món quà mà gã đã lựa kỹ lưỡng, tỏ rằng đã để ý dò biết được sở thích của nàng. Mới đầu nàng phản kháng, phàn nàn, ra lệnh cho gã ngưng cái trò đó lại. Rồi lần lần nàng quen với cuộc sống đầy những ngạc nhiên đó tới nỗi thiếu nó thì chịu không được. Những tiếng chuông điện thoại ban đêm mới đầu làm cho nàng bực mình, bây giờ nàng lo lắng, vui sướng đợi chờ nó. Tim đập thình thình như điệu trống xin hàng. Thế rồi qui phục.

Thư từ có thể giữ một nhiệm vụ quan trọng trong tình duyên của bạn. Phải, ngay ngày nay cũng vậy. Đành rằng viết có hay thì nó mới là một khí giới công hiệu. Nhưng hễ yêu thì viết dễ hay và phụ nữ nào cũng thấy có câu hay trong những lời đàn ông khen mình. Một bức thư đi sâu vào lòng hơn một cú điện thoại. Trong điện thoại, người ta phải ứng khẩu nên lời lẽ không được hoàn toàn. Một bức thư viết kỹ thành một nghệ phẩm, mà dục vọng của bạn có được một hình thức tô chuốt. Một câu đẹp đẽ, nồng nàn, âu yếm, sẽ được đọc lại cả trăm lần một cách sung sướng, tự đắc. Cyrano(1) đứng trước mặt nàng Roxane thì nhút nhát, vì tự cho là mình xấu xí, viết những bức thư ký tên là Christian, một người bạn đẹp trai của chàng, để tấn công nàng và làm cho nàng hết thẹn thùng. Roxane yêu tác giả các bức thư chứ không yêu Christian, mà chính nàng không ngờ như vậy. Bạn phải làm Cyrano cho chính bạn(2). Một khi đã chiếm được thành rồi cứ tiếp tục ân cần như trước. Đừng bao giờ được lơ là người yêu. Vô tình mà câu bạn mới đọc lại thành một câu thơ(3), nó diễn một chân lý đấy.

(1) Tức Cryano de Bergerac, một hài kịch của Edmond Rostand (1868-1918) có tính cách luân lý, anh hùng, lãng mạn. Nhân vật chính là Cryrano, Christian và Roxane, mà Cryrano là một thi sĩ Pháp ở thế kỷ VXII

(2) Nghĩa là viết thư tình cho chính mình, chứ đừng viết cho người khác

(3) Nguyên văn: Ne négligez jamais une femme conquise là một câu thơ mười hai cước (alexandrin)

(Trích: Thư Ngõ Tuổi Đôi Mươi - Nguyễn Hiến Lê dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét