Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Một Kitô học tính đất



 
Vũ Văn An
                                                           
Một Kitô học tính đất

Khi thấy một con gấu chết tại Yosemite, John Muir, nhà tự nhiên học người Mỹ, bèn viết mấy lời trong nhật ký của mình để kịch liệt chỉ trích các nhà tôn giáo đã không dành một chỗ trên thiên đàng cho loài thụ tạo cao thượng này. Ông cho rằng những nhà tôn giáo này, sau khi chiếm trọn trái đất làm của riêng, còn dành trọn các lãnh thổ thiên giới cho những kẻ được họ coi là có một linh hồn mà thôi.

Rất ít người thời Muir đồng ý với ông. Tuy nhiên, phong trào ý thức tới môi trường của thời nay mỗi ngày một dâng cao, đã đem lại một ngữ cảnh cấp thiết để người ta suy nghĩ khác hẳn về vấn đề này. Liệu tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa có bao gồm cả những con gấu, con báo, và những trái dâu chúng ăn để sống, những dòng sông nơi chúng săn mồi và những hang động chúng ngủ mùa đông? Liệu Người có cảm thương cái chết yểu của chúng và hứa hẹn ơn cứu chuộc cho chúng hay không? Nếu không, thì việc hủy hoại môi sinh của chúng và việc dồn chúng vào thế tận chủng chả hề có một ý nghĩa tôn giáo nào. Nhưng nếu có, thì giá trị sự sống của chúng và của mọi tạo vật trong thiên nhiên phải trở thành minh nhiên trong giáo huấn và thực hành của Giáo Hội.

Dù không lãng quên tính lưỡng nan trong thân phận con người, nền thần học gần đây đang mở rộng tầm chú ý của mình để bao hàm cả thế giới tự nhiên, một thế giới mà từ đó con người đã xuất hiện, đã sống dính cứng và luôn chịu trách nhiệm. Cái tầm nhìn bao quát hơn này đang đem thần học trở về đồng điệu với các thể tài chính của nền thần học thánh kinh, giáo phụ và trung cổ, giúp nó có thể chơi được các giai điệu vũ trụ chưa từng ai được nghe cả hàng chục thế kỷ nay. Cho đến nay, cái phần được chú ý nhiều hơn cả chính là học lý về sáng tạo. Vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế gian, đã coi nó “rất tốt” (St 1:31), nên tự nhiên giới không phải chỉ là chiếc phông cho vở kịch con người phạm tội và được cứu chuộc, càng không phải chỉ là phương tiện thoả mãn các nhu cầu của họ.

Nó là nghệ phẩm thân thương của bàn tay Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần chọn làm nơi cư ngụ, có một giá trị nội tại riêng biệt. Cái lối nhìn của đức tin này tuôn trào thành một nền đạo đức biết quan tâm, biết kính trọng vẹn toàn tính của sáng tạo ở mọi phạm vi, mức độ. Lúc mà Đức Gioan Phaolô II, sau khi nói tới Thánh Kinh và học lý, viết vào năm 1990 rằng “việc tôn trọng sự sống và phẩm giá con người phải được kéo dài thành việc tôn trọng toàn bộ sáng thế”, nền thần học này quả đã cho thấy dấu chỉ về một chương mới hẳn trong sự nối kết giữa niềm tin vào Thiên Chúa và nền đạo đức sinh thái.

Nhưng còn về Chúa Giêsu Kitô thì sao? Niềm tin Kitô giáo vốn xoay quanh trục sự sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Thành Nadarét, được âu yếm gọi là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi; do đó, cái nhìn thông sáng trong phạm vi này có tính hết sức sinh tử. Thoạt nhìn, sự ăn có về sinh thái trong Kitô học có vẻ như chỉ có tính đệ nhị đẳng, nếu không muốn nói là xa vời. Truyền thống Tây Phương xưa nay, một truyền thống chỉ nhấn mạnh đến việc Chúa Kitô xuống trần gian để cứu vớt ta khỏi tội, hầu như chỉ hoàn toàn tập chú vào con người nhân bản mà thôi. Phương thức của nền Kitô học hiện đại, như công trình của Karl Rahner chẳng hạn, một công trình được lên khuôn bởi việc phân tích có tính siêu việt hóa chủ thể nhân bản, cũng như các công trình của nền thần học Giải Phóng, một nền thần học đặt căn bản trên việc ưu tiên chọn người nghèo của Chúa Giêsu, cũng có chiều hướng đẩy thế giới tự nhiên vào vùng vô ý (disinterest). Tuy nhiên, đặt câu hỏi về sinh thái cho ta thấy Kitô học chưa có cạn kiệt (exhausted), trái lại vẫn còn hàm chứa nhiều tiềm năng hơn nữa trong việc huy động để niềm tin bao gồm luôn trái đất. Xin mời các bạn xem sét ba yếu tố chính yếu sau đây: thừa tác vụ của Chúa Giêsu, cái chết và sự sống lại của Người, và học lý nhập thể.

Một thừa tác vụ tính đất (an earthy ministry)

Theo mô tả của các Phúc Âm Nhất Lãm, thừa tác vụ của Chúa Giêsu đặt trọng tâm nơi Nước Thiên Chúa. Cái biểu tượng khó định nghĩa này có ý nói tới thời điểm trong đó ý Thiên Chúa được thể hiện trên đất cũng như trên trời. Nhìn nhận tình yêu bao hàm của Đấng Hóa Công đối với thế giới đau khổ là nhìn nhận ơn cứu chuộc của Người đối với thế giới ấy, một ơn cứu chuộc vốn được coi là ơn triển nở trọn vẹn của mọi tạo vật. Chúa Giêsu loan báo bằng lời và thực hiện bằng hành động việc sắp xẩy ra của Nước Thiên Chúa này. Bằng dụ ngôn và mối phúc, giáo huấn của Người đã minh họa đầy đủ các hiệu quả cứu rỗi của Nước ấy, kể cả việc đảo ngược ai nhất ai bét trong đó nữa. Trong các lần chữa bệnh, trừ qủy và đồng bàn bao hàm đủ loại người đến ‘gây gương mù gương xấu’, việc Người làm đã đem đến một tiền vị (foretaste) đầy hân hoan cho thấy ơn cứu rỗi sẽ như thế nào. Sau cùng, cái chết của Người do nhà nước kết tội là cái giá Người phải trả cho lòng trung trinh đối với thừa tác vụ công khai của mình. Những người đàn bà và đàn ông vốn đi theo Người trên khắp các nẻo đường Galilê, tới tận Giêrusalem, đã trở thành các nhân chứng đầy ngạc nhiên của hình thức hiện hữu mới mẻ nhờ quyền lực phục sinh của Thiên Chúa sự sống. Được tràn đầy Chúa Thánh Thần, họ và mọi môn đệ từ đó đến nay được kêu gọi bước theo Đường của Người, kiến tạo Nước Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào sự sống đang bị bóp nghẹt và ngăn chặn trong cái thăng trầm của lịch sử.

Ý thức sinh thái giúp ta hiểu rõ thừa tác vụ của Chúa Giêsu có tính ‘đất” (earthy) đến chừng nào. Đối với Đấng sau đó được giải thích là vị Cứu Tinh Thiêng Liêng này, quả là đáng lưu ý khi ta thấy các thói quen chữa bệnh của Người luôn đặt nỗi thống khổ về thể xác của con người làm tâm điểm cho các quan tâm của mình. Thân xác họ là điều quan trọng, và Người dùng nước miếng của Người cũng như những đụng chạm ấm áp của Người mà chữa lành họ. Lại còn việc Người quan tâm xiết bao đến cái đói của họ nữa! Hàng đoàn lũ người trên sườn đồi và nhiều nhóm nhỏ hơn tại các tư gia nơi Người được thù tiếp và là bạn đồng bàn biết rất rõ quan tâm của Người đối với cái đói thể xác của họ.

Cái xu hướng của Chúa Giêsu đối với thể lý tính cũng đã bàng bạc trong giáo huấn của Người. Được kết cấu trong một nền văn hóa nông nghiệp, các dụ ngôn của Người được thêm mắm thêm muối bằng nhiều hình ảnh hạt giống và cỏ dại, đồng ruộng và vườn nho, cày bừa và gặt hái, chiên cừu và chim làm tổ, mưa rơi và mặt trời mọc. Người không ngần ngại nói một cách mủi lòng tới việc Thiên Chúa chăm sóc cho hoa đồng cỏ nội, và sử dụng sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con sẻ đã chết làm loại suy hàm ẩn tình yêu của Chúa Cha dành cho các hữu thể nhân bản. Trong phúc âm Luca, ngay từ lúc ban đầu, Người đã định vị thừa tác vụ của Người trong truyền thống tiên tri, bằng cách, song song với tin mừng cho người nghèo và tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân trong đó, theo truyền thống giao ước về năm Sa-bát và năm thánh 49 năm, đất đai được nghỉ ngơi và lấy lại mầu mỡ (Lc 4:18-19, trích Is 61:1-2 là đoạn vốn trích Lv 25). Bởi thế, Nước của Thiên Chúa trời và đất, từng là cơ sở cho thừa tác vụ của Người, quả là bao hàm hết mọi sự. Trong tinh thần tiên tri sói sống chung với chiên con, phương thức nước ấy quả đã cổ vũ phúc lợi của mọi tạo vật.

Quả là phi thời gian khi gán cho Chúa Giêsu Thành Nadarét sự quan tâm đối với sinh thái theo kiểu con người thế kỷ 21. Ở đây, chỉ nhấn mạnh điều này: thừa tác vụ cả đời của Người đầy các xu thế mở rộng cửa chào đón tính thể lý, chào đón các chiều kích trần đời mà không hề có căng thẳng, khi vấn đề được nêu ra. Vì Nước Thiên Chúa bao hàm mọi sự, nên đương nhiên nó bao hàm cả chính hành tinh của ta, các hệ sinh thái đa dạng của nó và mọi tạo vật cư ngụ trong các hệ sinh thái ấy. Vì Nước Thiên Chúa đặc biệt chú tâm tới người thiếu thốn và người bị bỏ rơi, nên tình liên đới với người nghèo phải bao trùm toàn bộ địa cầu và các tạo vật đang khốn khổ trong đó. Trong viễn tượng sinh thái, giới răn vĩ đại của Chúa Giêsu đòi ta yêu thương người lân cận như chính mình phải trải dài tới mọi loài đang cùng nhau chung chia cộng đoàn biến hóa của sự sống, kể cả loài người và mọi loài khác nữa. Các trình thuật của Phúc Âm về thừa tác vụ lịch sử của Chúa Giêsu thúc giục ta phải dấn thân vào biên giới mới này, một biên giới cũng bao la như chính lòng từ bi vô lượng của Thiên Chúa.

Một niềm hy vọng tính đất (an Earthy Hope).

Thánh giá và cuộc phục sinh của Chúa Giêsu cũng mang nhiều cái nhìn thông sáng về sinh thái. Không muốn có luật trừ nào đối với qui luật có lẽ là sắt thép duy nhất áp dụng cho mọi loài trong vũ trụ, nên Chúa Giêsu cũng đã chết, cuộc đời của Người kết thúc trong cơn đau do bạo hành nhà nước mang tới. Thần học hiện đại rất giầu suy tư về quyền lực của cái chết này trong việc mạc khải sự tự đổ mình ra, cái bản tính đầy cảm thương trong tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu chịu cực hình qua nỗi hấp hối đối với nhân loại. Nhưng con người không cô đơn trong cơn đau của họ: “cho đến nay, toàn thể sáng thế đang rên xiết và cùng quằn quại với nhau như sắp sinh nở” (Rm 8:22), vì mong chờ ơn cứu chuộc. Nền Kitô học sinh thái giải thích thập giá, được tôn thờ như cây sự sống, là dấu chỉ lòng sót thương của Chúa đối với cả thế giới tự nhiên, mang theo mình cái giá mua sự sống mới cho muôn vàn thiên niên kỷ những người đang chết do biến hóa mang lại. Để có thể liên đới với sự quan tâm của Thiên Chúa đối với sự rên xiết của sáng thế, cộng đoàn các môn đệ phải đứng về phía những ai sẵn sàng hành động cho phúc lợi của sinh thái, chấp nhận mọi đau thương do việc đứng về phía họ mang lại. Nhờ ngữ cảnh cánh chung Do Thái, việc tuyên xưng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết luôn luôn mang theo tính xác thân làm yếu tố chủ yếu. Không phải chỉ có linh hồn của Người được cứu khỏi chết mà là toàn bộ con người gồm bản ngã và xác thân của Người được cứu thoát. Ta khó tưởng tượng được điều ấy cụ thể có nghĩa như thế nào, vì ta là người hiện còn đang sống trong cái rối rắm của hệ thống thời gian và không gian của vũ trụ này. Nhưng chắc chắn một điều, nó không có nghĩa là xác chết của Chúa Giêsu được hồi sinh để nhận lại sự sống trong trạng thái hiện hữu sinh học hiện nay. Như hạt giống không tài nào nhận ra nơi chiếc cây trưởng thành mà từ đó nó trổ sinh; như một điều dễ hư nát biến thành một điều không thể nào hư nát; như một tạo vật bằng cát bụi đạt tới chỗ mang hình ảnh thiên đàng (1 Cor 15), cũng thế, sự biến đổi quá bên kia sự chết đem tới những thay đổi không thể nào tưởng tượng được. Thiên thần, trong ánh sáng chói lọi của ngôi mồ trống, chỉ nói đơn giản: “Người đã trỗi dậy” (Mt 28:6).

Với Chúa Giêsu, điều ấy có nghĩa như một chứng nghiệm có giá trị trường cửu, được cứu chuộc, cho sự hiện hữu nhân bản lịch sử của Người trước nhan Thiên Chúa mãi mãi. Niềm vui được loan truyền trong ngày Phục Sinh đã xuất hiện với ý thức hơn nữa rằng số phận của Người không phải chỉ có nghĩa đối với Người mà thôi, mà còn hết sức có ý nghĩa đối với toàn thể nhân loại nữa. Nó là dấu chỉ cho thấy tương lai đầy hạnh phúc đang chờ đón tất cả những ai đang kinh qua cái tan tác của sự chết, nghĩa là mọi người. Thi phú trong thánh ca Kitô giáo buổi đầu đã nắm bắt được điều đó một cách khúc chiết: Chúa Kitô phục sinh là “trưởng tử người chết” (Cl 1:18). Chết không có nghĩa là ra không, mà ơn cứu rỗi cũng không hề có nghĩa là linh thể nhân bản thoát ra ngoài cuộc hiện sinh đầy tương quan dính cứng trong vật chất. Đúng hơn, chúa Kitô phục sinh làm sống lại niềm hy vọng có thể biến đổi toàn bộ con người xác thân, cả bụi đất lẫn hơi thở, thành vinh quang Thiên Chúa.

Ý thức sinh thái đẩy xa cái hiểu đó quá bên kia lãnh vực nhân bản để bao hàm cả tương lai của toàn bộ thế giới tự nhiên. Thánh Ambrôsiô Thành Milanô quả quyết rằng: “Trong sự phục sinh của Chúa Kitô, trái đất cũng đã trỗi dậy”. Nếu đã nhận rằng sự sống của Chúa Giêsu là một phần trong cộng đoàn lịch sử và sinh học của trái đất, thì khó có thể hiểu đến tận cùng cốt lõi một cách khác thế được. Căn tính của Người là dấu chỉ cho thấy trước tương lai đang chờ đón toàn bộ sáng thế, biến Chúa Kitô không những thành trưởng tử những con người nhân bản đã chết mà thôi, nhưng như chính bài thánh ca buổi đầu kia từng hát, Người còn là “trưởng tử toàn bộ sáng thế” (Cl 1:15) nữa. Trong một hợp năng tuyệt mỹ gồm thi ca vừa tượng hình vừa tượng từ, phụng vụ đêm Vọng Phục Sinh đã hát lên điều vừa nói bằng các biểu tượng vũ trụ của ánh sáng và bóng tối, của lửa mới, của hoa và cây xanh, của nước và dầu, của bánh và rượu. Thánh thi “Hãy Vui Lên” (Exultet) mỗi năm hát một lần vào đêm này, đã hân hoan réo gọi: “Hãy vui lên, hỡi toàn thể tạo vật, quanh ngai toà Thiên Chúa”, vì Chúa Giêsu Kitô đã sống lại! Bài thánh thi hát tiếp:

“Và vui lên! hỡi trái đất vui lên!

rực rỡ trong ánh huy hoàng chiếu soi,

và trong ánh quang vinh Vua muôn đời chói ngời,

tất cả vũ trụ hãy vui mừng hân hoan!

được ơn thoát ly xa miền u tối u sầu (Lm Văn Chi).

Mở rộng vòng cứu chuộc để bao gồm luôn thế giới tự nhiên đem lại cho ta một lực đẩy gia tốc cho nền đạo đức học sinh thái. Thay vì bị bỏ rơi ở phía sau hay bị ruồng bỏ, thế giới đang biến hóa kia với man vàn chuyển dịch biến đổi sẽ được hiển dung nhờ hành động ban sự sống của Thánh Thần Sáng Tạo. Mục đích của Thiên Chúa tựu chung có tính vũ trụ quy và sinh quy, chứ không hẳn chỉ nhân quy (cosmocentric, biocentric & anthropocentric). Trong ánh sáng Chúa Kitô phục sinh, niềm hy vọng cứu rỗi đối với những con người nhân bản đầy tội lệ và dễ hư nát kia đã được mở rộng để trở thành niềm hy vọng vũ trụ, một niềm hy vọng chung chia. Quan tâm chăm sóc trái đất và mọi tạo vật trong đó vì thế phải phát sinh như một đáp ứng.

Một Thiên Chúa tính đất (An Earthy God)

Trước khi thời của Phúc Âm kết thúc, niềm tin cho rằng Chúa Giêsu là hiện thân Khôn Ngoan Thiên Chúa đã chín mùi lắm rồi. “Ngôi Lời đã trở thành xác thịt và ở giữa chúng ta, đầy ơn thánh và sự thật” (Ga 1:14). Lời mở đầu của Phúc Âm Gioan, phỏng theo một thánh thi xưa của người Do Thái nói về Khôn Ngoan, đã định nghĩa niềm tin ấy như vậy. Nguyên bản Hy Lạp không nói về việc Ngôi Lời trở thành phàm nhân (anthropos), mà là thành xác thịt (sarx), một thực tại rộng hơn nhiều. Ở đây, xác thịt không đồng nghĩa với tội lệ hay tương phản với lối hiện hữu linh thiêng, như trong Kitô học sarx-pneuma (xác thịt - thần khí) có trước đó của Thánh Phaolô. Đúng hơn, trong Phúc Âm Gioan, sarx chỉ thực tại vật chất, mau hư, dễ nát, tóm lại, hữu hạn, ngược với thiên chúa tính uy nghi. Trong ngữ cảnh lịch sử của nó, cái âm sắc chống Ngộ Đạo Thuyết của thánh thi này là điều không thể lầm lẫn được. Nó phản kháng ý niệm cho rằng trong Chúa Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa chỉ hiện diện một cách phiến diện, không hề bị vật chất ô tạp đụng tới. Đẩy chủ đề Thiên Chúa cư ngụ giữa dân Israel của Người một bước xa hơn, nó quả quyết rằng Ngôi Lời đã được thốt lên trong tính đất, bước hẳn vào lãnh vực vật chất, mau chết để dõi sáng cho mọi sự từ bên trong.

Đã đành việc lên đồng hình đồng dạng của xác thịt mà Ngôi Lời trở nên chính là một đồng hình đồng dạng nhân bản (human configuration). Nhưng điều này không có nghĩa Kitô học nhất thiết phải có tính quy nhân. Kiến văn về thế giới của thời ta đang đặt loài người trở lại làm thành phần nội tại trong hệ thống biến hóa của sự sống trên hành tinh này, một hệ thống thực ra vốn là thành phần của thái dương hệ, một hệ vốn hiện hữu như là chương đến sau của lịch sử vũ trụ. Từ Big Bang, xuất hiện các ngân hà tinh cầu; từ vật chất nổ bùng của các tinh cầu có tuổi, xuất hiện thái dương và các hành tinh của ta; từ các phân tử Địa Cầu, xuất hiện các sinh vật; từ các tổ tiên đơn bào (single-celled), vạn biến muôn vàn cây cối và giống vật, trong đó có con người; loài thượng đẳng chúng ta có được bộ óc tinh tế đến có thể cảm nghiệm được ý thức tự phản và tự do, nói theo các hạn từ cổ điển, là tâm và chí.

Việc tái vị trí hóa hiện tượng nhân bản vào mối tương quan lịch sử, luôn tiếp diễn của nó với vật chất tinh cầu và vũ trụ có những hệ lụy hết sức rộng lớn. Nó tái sắp xếp cảnh địa cho óc tưởng tượng để ta biết rằng sự nối kết của con người với vật chất sâu sắc đến độ ta không thể xác định chính xác được bản sắc của mình nếu không chịu bao hàm trong đó cái rẻ quạt vĩ đại của biến hóa vũ trụ và sinh vật. Ta biến hóa trong tương quan; ta hiện hữu trong cộng sinh; sự hiện hữu của ta tùy thuộc vào sự tương hành qua lại của toàn bộ thế giới tự nhiên.

Từ tầm nhìn trên, xác thịt mà Ngôi Lời trở thành là thành phần của cơ phận bao la của vũ trụ. Thuật ngữ “nhập thể sâu xa” (deep incarnation) được Niels Gregersen sáng chế ra, hiện đang được nền thần học ngày nay sử dụng để chỉ việc Thiên Chúa triệt để đi vào chính cơ cấu tế bào của hiện hữu sinh vật và các hệ lớn hơn của tự nhiên giới. Chúa Giêsu Thành Nadarét là một người con bé nhỏ của đất (earthling), một đơn vị phức hợp gồm nhiều khoáng chất và chất lỏng, một đơn vị các-bon, một chu kỳ ốc-xi và ni-tơ, một khoảnh khắc trong cuộc biến hóa sinh vật của hành tinh này. Các nguyên tử cấu thành thân xác Người trước đó vốn thuộc các tạo vật khác. Cấu trúc di truyền nơi các tế bào của Người làm Người trở thành một phần của toàn bộ cộng đồng sự sống từng phát sinh từ các tổ tiên chung nơi các đại dương xửa xưa. Như thế, xác thịt trong Gioan 1:14 quả đã vượt quá bên kia Chúa Giêsu, và bên kia mọi con người nhân bản khác, để bao hàm toàn bộ thế giới sinh vật và bụi bặm vũ trụ mà các sinh vật kia vốn từ đó được cấu thành nên.

Loại suy tư như trên, một suy tư vinh danh cả học lý xưa lẫn khoa học nay, có thật nhiều hệ lụy sinh thái quan yếu. Giải thích “sâu xa” câu Ga 1:14 sẽ cho người ta thấy rằng Ngôi Lời Thiên Chúa bước vào liên đới không phải chỉ với toàn bộ loài người mà còn với cả toàn bộ thế giới sinh vật lý nữa, một thế giới mà con người vốn là thành phần và sự hiện hữu của họ luôn tùy thuộc vào. Do đó, việc nhập thể, một biểu thức hết sức đặc thù của tình yêu Thiên Chúa đổ tràn ra cho sáng thế, quả đã đem phẩm giá lại cho toàn bộ thực tại trần thế trong mọi chiều kích xác thân và vật thể của nó. Luận lý học của phẩm giá này dẫn ta đi vào một hướng rõ ràng. Thay vì thiêng liêng khinh miệt vật chất, người có đức tin được mời gọi liên minh với Thiên Chúa hằng sống bằng cách yêu thương chính vật chất. Thay vì chỉ biết loay hoay duy nhất quan tâm tới lân bang nhân bản, họ được kêu mời nới rộng tầm xem sét tinh thần đối với toàn bộ cộng đồng sự sống. Thay cho cái tính phí phạm sinh thái, họ được kêu mời ăn năn thống hối về các tội trọng làm ô nhiễm, tiêu dùng và sát hại bừa bãi các loài khác, biến chúng thành tận chủng. Họ được kêu mời làm thế vì địa cầu và mọi tạo vật trong đó, như lời Pierre Teilhard de Chardin, S.J. từng viết, đã được Thánh Thần Thiên Chúa chúc phúc, một hành vi cụ thể cho thấy Chúa Kitô quả đã tự dìm mình trong vật chất để cứu chuộc nó.

Một mô hình Kitô

Một trong những cách thống nhất hóa các luồng tư duy tản mạn trên là sử dụng ý niệm mô hình Kitô do Sallie McFague khai triển. Rút tỉa từ cách hình dung của các Phúc Âm về thừa tác vụ của Chúa Giêsu, một thừa tác vụ lấy Nước Thiên Chúa làm tâm điểm cùng khắp cho đến tận thập giá, mô hình này trình bày rõ “tình yêu giải phóng, chữa lành và bao hàm giải thích hết mọi sự”. Kết cục, việc quan tâm đối với tất cả những người đau khổ, và nhất là hàng triệu những con người nghèo đói trên trái đất đang thiếu thốn những nhu cầu căn bản nhất của cuộc sống, phải lên đặc điểm cho giáo huấn, thực hành và linh đạo của Giáo Hội. Vì các hệ thống xã hội vốn là một hình thức nhập thân, vì toàn là những nối dài có tính cơ cấu các quyết định nhân bản trong việc chung chia tội lỗi và ơn thánh, nên Nước Thiên Chúa chỉ có thể đạt được các mục tiêu của mình theo mức độ các hệ thống xã hội kia (chính trị, kinh tế, văn hóa) biết nhập thân tình yêu bao hàm đối với những người bị bỏ rơi hơn hết.

Viết chữ ký của mô hình Kitô lên khắp thế giới tự nhiên là nối dài tình yêu giải phóng, chữa lành và bao hàm của Thiên Chúa tới tận cùng địa cầu. Rồi nhập thể sẽ nhấn mạnh tới phẩm giá của mọi thể vật lý, vì mọi thân xác đều quan trọng đối với Thiên Chúa, mọi thân xác, chứ không phải chỉ là các thân xác tươi trẻ, tràn đầy sức sống, mà còn là các thân xác bị tàn phá, bị xúc phạm, đang đói lả và hấp hối của loài người cũng như của các loài khác. Rồi phục sinh sẽ đặt cơ sở ngay trong sáng thế cho lời hứa hoàn thiện hóa mọi xác thân, không phải chỉ là những thân xác thành công đúng lúc mà cả những thân xác bị khinh khi, bị coi là không quan trọng, không chấp nhận được, bị trù dập, bị đẩy vào thế tận diệt. Hệ luận đạo đức học của mô hình Kitô này đem công bằng xã hội và toàn vẹn tính của sáng thế vào cái ôm thật xiết.

Chúa Giêsu Kitô là tặng phẩm trao ban vì “Thiên Chúa đã yêu thế gian”, trong tiếng Hy lạp là kosmos (vũ trụ ) (Ga 3:15). Các công phúc của Chúa Kitô không chỉ dành cho thế giới nhân bản mà thôi mà còn dành cho toàn bộ thế giới tự nhiên nữa, trong vẻ đẹp cũng như vẻ ô nhiễm, trong những điều kỳ diệu cũng như trong các khổ cực của nó.

_______________________________________________________________________

Theo nữ tu Elizabeth A. Johnson, C.S.J., giáo sư thần học nổi tiếng tại Đại Học Fordham và

là tác giả cuốn “Consider Jesus, She Who Is” và cuốn “Quest for the Living God”.

Nguồn: VietCatholic

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét