Trang

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

HỘP THƯ GỬI MẸ CHÚA TRỜI VII :KÍNH GỬI ĐỨC MẸ AKITA (NHẬT BẢN)





HỘP THƯ GỬI MẸ CHÚA TRỜI VII :KÍNH GỬI ĐỨC MẸ AKITA (NHẬT BẢN)

I. Ý CẦU NGUYỆN

1. Cầu cho các dòng tu nam đang hoạt động phục vụ Giáo Hội ở Việt Nam

Xin cho tất cả các tu  sĩ có lòng đặc biệt tôn sùng Mẹ Maria và chuỗi hạt Mân Côi. Xin xho các ngài ra sức phổ biến – vận động – nêu gương tôn sùng Mẹ Maria và chuỗi Mân Côi, để đem ơn cứu rỗi và hoà bình cho đất nước Việt Nam và toàn thế giới.

2. Cầu nguyện cho thanh thiếu niên Công giáo

Để họ biết nêu gương phục vụ - trong sạch – bác ái cho các bạn cùng trang lứa ở mọi môi trường.

3. Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia

Để họ biết mưu tìm hạnh phúc và tôn trọng tự do tôn giáo và tự do tư tưởng của mọi người dân. 

II. ĐỨC MẸ AKITA (NHẬT BẢN)

ÐỨC MẸ AKITA NÓI GÌ VỚI NHÂN LOẠI HÔM NAY?

Nữ tu Sugawara

Năm 1946, một năm sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, một phụ nữ trẻ trở thành người định cư ở Yuzawadai, một đỉnh đồi chưa được khai thác cách trung tâm thành phố Akita 7 cây số. Tên của thiếu nữ ấy là Sumako Sugawara và sau này cô trở thành người đầu tiên tìm đến Seitai Hoshikai.

Sinh ra tại Akita, Sumako Sugawara phụ giúp cha và gia đình buôn bán quần áo. Để bù lại sự giúp đỡ, cô được phép rửa tội trở thành người Công giáo, một giấc mơ cô đã theo đuổi từ thời thơ ấu. Biến cố này là một biến cố rất vui, là một sự chúc lành mà cô đã chờ đợi gần 10 năm qua. Sau khi rửa tội, cô bị thu hút bởi ý định theo đuổi một đời sống cầu nguyện chiêm niệm và cô đã quyết định xin vào Tu viện Trappistine ở Hakodate, tỉnh Hokaido, dù phải hy sinh công việc giúp đỡ gia đình buôn bán. Thế nhưng nhà dòng trả lời đơn xin của Sumako rằng: với dáng người mảnh mai như cô thì cô không thể chịu đựng nổi đời sống khó khăn làm việc nặng nhọc và cầu nguyện ở đây. Đơn xin nhập tu viện bị từ chối. Khi biết được việc xin vào nhà dòng của Sumako, cha mẹ cô hết sức bực tức và cô liền bị đuổi ra khỏi gia đình. Mất nơi nương tựa gia đình, cô tiến hành công việc trồng cấy với dự tính trở thành thầy dạy cho những nữ học sinh nông nghiệp đang làm việc ở nông trường thời chiến ở Shogunno, Akita. Trong thời gian này, Sumako trải qua một kinh nghiệm không quên được. Cô chứng kiến cuộc tấn công cuối cùng vào Nhật Bản trong thời chiến tranh, sau này được biết đến đó là cuộc không tập Tsuchizaki rạng sáng ngày Nhật Bản đầu hàng quân đội đồng minh. Kinh nghiệm khắc nghiệt này có ảnh hưởng mạnh mẽ trên đời sống đức tin của cô hơn nữa.

Đời sống ở Yuzawadai

Sau khi chiến tranh chấm dứt, Sumako tiếp tục ước muốn một đời sống cầu nguyện chiêm niệm, và tận dụng cơ hội đang có dự án phát triển đất đai của chính phủ địa phương để định cư tại Yuzawadai. Yuzawadai là một trong những khu vực đang có chiến dịch thái thiết định cư với mục đích gia đăng sản xuất thực phẩm trong vùng. Cùng với gia đình người bạn gái Aiko Wada, Sumako dựng một chòi nhỏ và bắt đầu một đời sống cầu nguyện cộng đồng vào năm 1948, khi Sumako được 28 tuổi.

Việc định cư thật đơn giản và vùng ấy không có đường xá hay giếng nước, cũng như điện hay nước vòi.

Nước được xách mang về từ dòng suối dưới thung lũng, và một đèn dầu nhỏ dùng cung cấp ánh sáng vào các đêm tối. Đã vậy, nhiều người cười chê họ với cái nhìn lạnh lẽo, một số thanh niên có chút tử tế giúp họ một bàn tay để cày xới và khai thác đất đai. Thỉnh thoảng họ được hướng dẫn tâm linh từ Linh mục Puhl và Linh mục Klein Dòng Ngôi Lời của Giáo xứ Akita, giúp họ kiên trì bền đỗ trong cầu nguyện và làm việc. Thật vậy, đời sống đầy khó khăn như thế nên việc mời gọi bất cứ người bạn nào tham gia với họ chẳng thể nào xảy ra được.

Năm 1948, Wada rởi bỏ Yuzawadai để vào tu viện chiêm niệm Thánh Đaminh ở Morioka. Sumako học được rằng một cộng đồng chiêm niệm không thể thành hình trừ khi có mức sống căn bản được bảo đảm với sự trợ giúp tài chính cần thiết. Năm 1950, khi cuộc sống bắt đầu kiệt quệ vì thiếu ngân sách, dâng cúng hay thiếu chương trình vay mượn, Sumako thình lình được báo cho biết đơn xin việc trước đây của cô nộp cho văn phòng quận trưởng được chấp thuận. Trong những ngày đó, Nhật Bản thi hành việc cải cách nông nghiệp, khuyến khích làm chủ nông trường với luật mới về đất đai nông nghiệp và cải thiện đời sống cho nông dân. Nhờ kết quả này, Sumako có thể kiếm được tiền và với sự trợ giúp của các tình nguyện viên do các người lãnh đạo các nhóm thanh thiếu niên, tình trạng đời sống của cô bắt đầu được ổn định.

Năm 1951, một phụ nữ trẻ, cô “S” đến sống tại Yuzawadai với chức vụ một người giữ nhà. Cô ở đó giúp Sumako công việc nội trợ và các việc lặt vặt khác. Năm 1953, cô “S”, một người thợ mộc trẻ và một người thợ khác góp sức cùng nhau dựng một căn nhà bằng gạch. Vào thời gian đó, không ai nghĩ rằng một tượng Đức Mẹ Maria lại có thể khóc ở trong căn nhà này. Năm 1954, cô “M” được thu hút bởi đời sống ở Yuzawadai đã đến gõ cửa và tham gia vào cộng đoàn. Thế nhưng một năm sau vào 1956, cô “M” được gọi để gia nhập một tu viện ở Tokyo và kết quả là Sumako và cô “S” sống trong một cộng đoàn chỉ có 2 người. Vào thời gian này, điện đã bắt đầu có và cái máy bơm tay cũ kỹ đã được thay thế bởi một máy bơm điện. Đời sống ở Yuzawadai từ từ trở nên sáng sủa và tiện nghi hơn.

Dâng hiến Tu hội Seitai Hoshikai

3 nữ tu

Năm 1961, Sumako Sugawara được Saki Kotake, một giáo lý viên ở Giáo xứ Akita viếng thăm và hỏi: “Cô có thể làm việc với tôi để bắt đầu một ngôi nhà cho người già không? Saki giải thích rằng cô đã bàn với bà Chie Ikeda, một người sống với cô và một ngôi nhà cho người già có thể hoạt động với sự trợ giúp của bà con bà Ikeda”. Thế nhưng, Sumako từ chối đề nghị này nói rằng, mục đích cô định cư ở Yuzawadai là để chuẩn bị một chỗ cho mục đích lâu dài của cô về một đời sống cầu nguyện chiêm niệm, thay vì hoạt độngt điều hành ngôi nhà cho các người già.

Nhờ biến cố này dẫn đến sự bàn luận xa hơn về những viễn tượng mà Sumako đã ấp ủ bao năm qua được giải bày với 2 người phụ nữ kia. Kinh nghiệm của cô sống vùng đồng quê, những khó khăn cô đã trải qua để biến đổi nông dân thành người Công giáo, tất cả được chia sẻ và bàn luận. Khi Sugawara, Kotake và Ikeda tiếp tục bàn luận, sự nhất trí gia tăng giữa họ rằng họ cần làm việc với nhau cho việc chuẩn bị thành lập một tu hội cầu nguyện chiêm niệm đáp ứng truyền thống của Nhật Bản. Khi Linh mục Shojiro trở thành Giám mục đầu tiên của Giáo phận Niigata vào năm 1962, 3 người phụ nữ thỉnh cầu ước nguyện của họ được trở thành một cộng đồng chiêm niệm. Giám mục Ito, sau khi hoàn tất các chương trình ở Akita đã viếng thăm Yuzawadai lần đầu tiên, để xem xét địa hình. Giám mục Ito đã luôn hy vọng có thể thành lập một nhà dòng tận hiến cho việc tôn sùng Thánh Thể. Thế nhưng, ngài trước hết phải tham dự đầy đủ 4 năm Công đồng Vatican II bắt đầu khai mạc vào năm ấy, và bắt đầu công việc chuẩn bị về việc thành lập một tu hội đúng với những nguyên tắc của công đồng.

Khởi sự khắc tượng Đức Mẹ

Vào năm 1963, 3 nữ tu, Kotake, Ikeda và Sugawara, quyết định tận hiến cộng đồng cho Mẹ Maria và khởi sự đặt tượng Đức Mẹ ở Yuzawadai. Một tấm hình Đức Mẹ các Dân Tộc mà Kotake và Ikeda vẫn có lòng sùng kính được đưa cho ông Saburo Wakasa, một thợ điêu khắc gỗ sống ở Hodono, thành phố Akita, để khắc một tượng gỗ giống như trong hình ấy. Đức Mẹ các Dân Tộc là danh xưng của Đức Mẹ khi hiện ra với bà Ida Peerdeman, ở Amsterdam, Hoà Lan, vào khoảng giữa 1945-1959. Đức Mẹ mặc chiếc ào dài trắng và đứng trên quả địa cầu với một Thánh giá phía sau và Mẹ đang xoải tay xuống với bàn tay xoè ra. Ông Wakasa nói rằng ông “chú ý đến việc làm nổi bật sự dịu dàng của Đức Mẹ và làm cho khuôn mặt Mẹ có nét người Nhật Bản”. Bức tượng này, được chạm trổ với một con dao duy nhất từ một khúc gỗ cây Judas, và được đặt ở phòng giải trí của Yuzawadai Aiji-en.

Năn 1966, đăng ký trở thành hội viên ở Yuzawadai từ từ tăng dần và Giám mục Ito đồng ý với 3 nữ tu gọi cộng đồng là “Seitai Hoshikai”. Căn nhà được tu sửa lại để có một nhà nguyện nhỏ. Đây là lần đầu tiên Thánh Thể Chúa được lưu giữ ở Yuzawadai. Năm 1967 tiếp theo đó, Giám mục Ito đến thăm Linh mục Hikaru Mochizuki, người đang dạy thần học ở Đại học Chủng viện ở Tokyo, trở thành Cha Linh hướng của các tu sĩ Seitai Hoshikai. Cha Mochizuki đến Yuzawadai vào tháng 11 vào một ngày mưa lạnh buốt. Ngài là một thần học gia với 20 năm theo học ở Âu châu và giảng cho các sơ hằng ngày về Thánh Kinh, Giáo lý, Thần học và tiếng Latinh.

Ngài cũng dạy ở Trường Đại học dành cho nữ sinh viên ở Akita. Cha thích cảnh núi đồi và người ta thườngthấy cha leo các núi ở địa phương.

Chấp nhận tu hội

Giám mục Ito áp dụng chỉ thị mới của Công đồng Vatican II về “Tu hội đời” và gia tăng con số nữ tu hoạt động mạnh mẽ sống đời sống tận hiến trong khi vẫn sống giữa lòng người giáo dân. Ngày 12-5-1969, cộng đồng Seitai Hoshikai được hợp thức hoá là một tổ chức tôn giáo hợp pháp do văn phòng Quận trưởng Akita công nhận. Trong cùng năm ấy, các nữ tu Ikeda, Kotake và Sugawara dâng lời khấn đầu tiên “Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng phục” trước sự hiện diện của Giám mục Ito.

Ngày 8-9-1970, tu nhà viện được hoàn tất và trong cùng một ngày cộng đồng Setai Hoshikai nhận được sự chấp thuận của Giám mục Địa phận Niigata là một cộng đồng đạo đức liên kết (một thứ tự trong tiến trình thành hình) và cộng đồng Seitai Hoshikai chính thức được thành hình. Con số nữ tu tiếp tục gia tăng, và đến tháng 8-1972, có tất cả 16 nữ tu, trong đó 6 nữ tu sống ở nhà mẹ tại Yuzawadai và 10 nữ tu kia sống giữa lòng đời.

Biến cố dấu Thánh giá máu nơi bàn tay Đức Mẹ

Vào năm 1969, khi cộng đồng Seitai Hoshikai đang ở trong bước tiến cuối cùng để hình thành, phần đông các nữ tu sống ở nhà chi nhánh tại Senshu Nakajima thành phố Akita thay vì ở nhà mẹ tại Yuzawadai. Dĩ nhiên lý do một phần là vì các nữ tu làm việc là các giáo lý viên và là các cô giáo ở trong thành phố, thế nhưng lý do thật sự là vì đời sống khó khăn ở Yuzawakai. Tuy nhiên, nhờ Giám mục Ito tích cực kêu gọi các phụ nữ làm việc ở các nhà thờ địa phương tại Niigata mà có thể tụ tập đủ thành viên để đạt chỉ tiêu thành lập làm một tu hội đời. Vì thế, nữ tu Ikeda, Kotake và một vài nữ tu khác thường sống trong thành phố nay về sống tại Yuzawadai. Con số nữ tu sống ở nhà mẹ nhờ đó lên đến 7 người. Một ngày nọ vào tháng 3-1973, một trong các nữ tu đời làm việc tại Giáo xứ Myoko, chị “S” tự nhiên không nghe được. Bác sĩ ở nhà thương Niigata Rosai khám bệnh cho chị và phát hiện chị bị “tê liệt thần kinh thính giác vì quá kiệt sức” và chị được gọi về sống ở nhà mẹ. Chị “S” thường làm ngạc nhiên các nữ tu khác bằng cách nói với họ trong bữa ăn về kinh nghiệm thiêng liêng của chị từ thời thơ ấu. Sau khi chị ấy về đến Yuzawadai, những kinh nghiệm huyền bí tiếp tục xảy đến với chị. Tháng 6-1973, chị nói rằng chị chứng nghiệm thấy một luồng ánh sáng từ Nhà Tạm và chị cũng nghe một giọng nói tuyệt vời từ tượng Đức Mẹ nói với chị. Vì Linh mục Mochizuki đã từ nhiệm làm tuyên uý và trở về Tokyo năm 1973, sự kiện này được tường trình trực tiếp cho Giám mục Ito. Giám mục chỉ thị cho chị “đừng nghĩ rằng mình đặc biệt bằng bất cứ cách nào”, và quyết định theo dõi tình hình một thời gian lâu hơn. Và vào tháng 7-1973, một vết thương hình Thánh giá xuất hiện trong lòng hai bàn tay của chị “S” và trong bàn tay của tượng Đức Mẹ. Một chị đã nhìn thấy vết thương trên tượng Đức Mẹ tường thuật lại sự kiện như sau: “Vào 6 giờ tối thứ Sáu đầu tháng (đây là ngày sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu vào mỗi tháng), tôi vừa trở về từ trường học nơi tôi làm việc, khi chị Kotake nói với tôi về vết thương xuất hiện trên lòng bàn tay của tượng Đức Mẹ. Tôi đến gần bức tượng và thấy một vết thương cắt rõ nét có hình thánh giá dài khoảng 1,5 đến 2cm, ở giữa lòng bàn tay phải, nét cắt giống như một con dao sắc vậy. Tôi khẳng định là không có hình thánh giá ở tay Đức Mẹ trước đây. Tôi có trách nhiệm phục vụ nơi phòng áo lễ đã 5 năm, và thường lau chùi tượng với khăn vải, vì thế tôi biết chắc chắn như thế. Đêm ấy, lần nữa trong nhà nguyện, tôi được cho thấy vết thương nơi lòng bàn tay của chị “S”. Những đường nét màu đỏ tạo thành hình một cây thánh giá và trông thật đau đớn”.

Một nữ tu khác làm chứng như sau: “Có một biến cố là một vết thương hình một cây thánh giá thình lình xuất hiện trong lòng bàn tay của tượng Đức Mẹ và kéo dài 3 tháng. Vết thương được chứng kiến bởi Giám mục Ito và tất cả các nữ tu đang sống ở đó. Thế nhưng, bên cạnh vết thương, tôi thấy những bong bóng máu chảy ra từ bàn tay phải của tượng Đức Mẹ. Tôi quệt vết máu với ngón tay trỏ của tôi và đưa lên ngửi. Nó có mùi giống như máu người”.

Biến cố Đức Mẹ khóc

Trong thời gian ấy, buổi sáng ngày 4-1-1975, xảy ra một biến cố mới khác là nước mắt bắt đầu chảy xuống từ tượng Đức Mẹ. Những dòng nước mắt bắt đầu từ ngày này và tiếp tục mỗi ngày, có khi cách vài ngày, tất cả 101 lần cho đến ngày 15-9-1981, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi.

Một nữ tu chứng kiến đầu tiên những giọt nước mắt của Đức Mẹ tường thuật như sau: “Tôi lần đầu tiên thấy tượng Đức Mẹ đang khóc. Tôi thấy cả hai mắt Đức Mẹ sũng ướt nước mắt khi tôi đi từ phòng áo đến bàn thờ để sắp đặt mọi sự cho trật tự sau thánh lễ buổi sáng. Tôi rất ngạc nhiên một giây lát, và liền sau đó tràn ngập cảm giác một sự hiện diện Linh Thiêng. Tôi cũng cảm thấy như Đức Mẹ hiểu sự đau đớn lớn lao của tôi, và vì thế Mẹ đã khóc cho tôi. Con số thánh giá mà tôi phải mang trên vai càng gia tăng từ khi tôi chịu phép rửa và gia nhập tu hội, và tôi chưa nói với ai về điều này...”.

Theo thông lệ mỗi khi Đức Mẹ khóc, các nữ tu ngưng làm việc và tụ họp trước tượng Đức Mẹ để lần hạt, và sau đó thì linh mục lau những giọt nước mắt. Miếng bông gòn dùng lau nước mắt Đức Mẹ được gởi tới phòng thí nghiệm tại Đại học Akita và Gifu để thử nghiệm và kết quả được xác nhận là có chứa “chất nước từ con người”.

CÁC THÔNG ÐIỆP ÐỨC MẸ AKITA

1. Thông điệp thứ nhất của Đức Mẹ ngày 6-7-1973

“Con yêu dấu, tập sinh của Mẹ, con đã ngoan ngoãn vâng lời Mẹ từ bỏ mọi sự để theo Mẹ. Thương tật nơi đôi tai có làm cho con đau đớn lắm không? Hãy tin chắc là con sẽ được chữa lành bệnh điếc. Vết thương nơi bàn tay có làm cho con đau đớn không? Hãy cầu nguyện để đền tội cho loài người. Mỗi người trong tu viện này đều là những người con bất khả thi của Mẹ. Con có sốt sắng đọc kinh “Các Nữ Tỳ Của Thánh Thể” không? Vậy Mẹ con ta cùng đọc nhé”.

“Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, thật sự hiện diện trong Thánh Thể, con xin hiến dâng linh hồn và xác con, để hoàn toàn hiệp nhất cùng Thánh Tâm Chúa, đang hiến dâng từng phút giây trên các bàn thờ khắp thế giới, để cảm tạ cùng Chúa Cha, và cầu cho Triều Đại Cha trị đến. Xin Chúa đoái nhận lễ hèn mọn chính thân xác con. Xin Chúa dùng con theo Thánh ý Chúa để tôn vinh Chúa Cha, và cho sự cứu rỗi các linh hồn. Lạy rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin Mẹ đừng bao giờ để con phải xa lìa Con của Mẹ. Xin Mẹ che chở và bảo vệ con như con riêng Mẹ vậy. Amen”.

Khi đọc xong bài kinh thì có giọng nói Thiên đàng tiếp: “Hãy cầu nguyện nhiều cho đức giáo hoàng, cho các giám mục và các linh mục. Từ khi được chịu phép Rửa Tội, con vẫn trung thành cầu nguyện cho các ngài. Hãy tiếp tục cầu nguyện thật nhiều... thật nhiều. Hãy nói lại với bề trên của con tất cả những gì đã xảy ra hôm nay và hãy vâng lời ngài trong mọi điều ngài sẽ nói cho con. Bề trên của con đã yêu cầu con hãy sốt sắng cầu nguyện”.

2. Thông điệp thứ hai của Đức Maria ngày 3-8-1973

“Con yêu dấu, tập sinh của Mẹ, con có yêu mến Thiên Chúa không? Nếu con yêu mến Thiên Chúa, hãy lắng nghe lời Mẹ nói với con. Điều này rất quan trọng... Con hãy nói lại với bề trên của con.

Rất nhiều người đang gây buồn phiền cho Chúa. Mẹ muốn nhiều linh hồn an ủi Ngài để làm dịu cơn thịnh nộ của Chúa Cha. Cùng với Con của Mẹ, Mẹ muốn nhiều linh hồn dâng những đau khổ và khó nghèo của mình, để đền tạ cho kẻ tội lỗi và những kẻ vô ơn bội nghĩa.

Để thế gian biết cơn thịnh nộ của Ngài, Thiên Chúa Cha đang chuẩn bị giáng xuống toàn thể nhân loại một sự trừng phạt ghê gớm. Mẹ đã nhiều lần cùng với Con Mẹ, can thiệp để làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha. Mẹ đã ngăn cản được tai hoạ đổ xuống nhờ dâng những đau khổ và hy Thánh Giá, Máu Châu Báu của Người đã đổ ra, và những linh hồn yêu dấu an ủi Thiên Chúa tạo thành đội quân những linh hồn tội nhân cầu khẩn Chúa. Cầu nguyện, ăn năn thống hối và can đảm hy sinh có thể làm giảm cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha. Mẹ muốn cộng đoàn các con cũng làm điều này như vậy... đó là yêu mến đức khó nghèo để tự thánh hoá và cầu nguyện đền tạ những sự xúc phạm và vô ơn bội nghĩa của rất nhiều người.

Hãy đọc kinh Các Nữ Tỳ Của Thánh Thể với sự ý thức ý nghĩa của nó, và đem ra thực hành; hãy phó dâng (tất cả những gì Thiên Chúa gửi đến) để đền tạ tội lỗi. Mỗi người hãy cố gắng tuỳ theo khả năng và địa vị của mình, dâng hiến toàn thân mình cho Chúa.

Ngay cả trong một Tu hội đời, việc cầu nguyện rất cần thiết. Những linh hồn sẵn sàng cầu nguyện thì đang được quy tụ lại. Ðừng ràng buộc chú ý nhiều đến hình thức, hãy trung thành và sốt sắng cầu nguyện để yên ủi Chúa.

Ngừng một lát Đức Mẹ nói tiếp: “Điều gì con nghĩ trong lòng có thật không? Con có thực sự quyết định trở nên viên đá bị thợ xây loại bỏ không? Hỡi tập sinh của Mẹ, con là người không do dự, mong ước được hoàn toàn thuộc về Chúa, muốn được trở nên hiền thê xứng đáng của Đấng Phu Quân, thì con hãy tuyên hứa với sự hiểu biết rằng con phải chịu đóng đinh vào Thánh Giá bằng 3 cái đinh nhọn: Đó là 3 cái đinh của khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Trong 3 điều này, đức vâng lời là nền tảng. Để hoàn toàn từ bỏ bản thân, hãy để bề trên hướng dẫn con. Ngài sẽ biết thế nào để hiểu con và hướng dẫn con”.

3. Thông điệp thứ ba của Đức Trinh Nữ ngày 13-10-1973

“Con gái cưng của Mẹ, hãy lắng nghe những lời Mẹ phải nói với con. Và con hãy nói lại với bề trên của con”. Ngưng một lát: “Như Mẹ đã nói với con, nếu loài người không ăn năn sám hối và cải thiện đời sống, Thiên Chúa Cha sẽ giáng xuống một hình phạt khủng khiếp. Hình phạt này còn khủng khiếp hơn nạn đại hồng thuỷ, một hình phạt mà loài người chưa từng thấy bao giờ. Lửa sẽ từ trời rơi xuống tiêu diệt một phần lớn nhân loại, người lành cũng như kẻ dữ, không chừa các linh mục lẫn người giáo dân. Những kẻ sống sót sẽ cảm thấy cô quạnh đến nỗi thèm khát số phận của người chết. Niềm an ủi duy nhất còn lại cho các con là chuỗi Mân Côi và Dấu Chỉ mà Con Ta để lại. Hãy đọc kinh Mân Côi mỗi ngày. Với chuỗi Mân Côi, hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho các giám mục và các linh mục”. “Thế lực ma quỷ sẽ xâm nhập vào trong Giáo Hội, đến nỗi người ta sẽ thấy hồng y chống đối hồng y, giám mục chống đối giám mục. Những linh mục có lòng sùng kính Mẹ sẽ bị chính đồng bạn của họ khinh miệt và chống đối... Thánh đường và bàn thờ bị cướp phá; Giáo Hội thì đầy dẫy những người chấp nhận thương lượng thoả hiệp, và ma quỷ sẽ ép buộc nhiều linh mục và những linh hồn thánh hiến từ bỏ việc phụng sự Thiên Chúa”. “Ma quỷ đặc biệt sẽ không buông tha chống lại những linh hồn đã dâng hiến cho Chúa. Nghĩ đến sự mất mát quá nhiều linh hồn như thế là nguyên nhân làm cho Mẹ đau buồn. Nếu tội lỗi gia tăng cả số lượng và cường độ thì sẽ không còn tha thứ cho họ được nữa”.

“Hãy nói lại với bề trên của con với lòng can đảm. Ngài sẽ biết cách nào để khuyến khích mỗi người các con cầu nguyện và hoàn thành những công việc đền tạ tội lỗi”.

Khi Tiếng Nói đã ngưng, tôi lấy hết can đảm để ngước đầu lên, thì thấy bức tượng vẫn còn sáng láng, nhưng nét mặt Mẹ đượm một vẻ buồn. Rồi tôi định bụng hỏi “Ai là bề trên của con?” Bỗng nhiên tôi cảm thấy Thiên thần hiện ra bên cạnh tôi, tôi không nghe được tiếng nói nhưng chỉ cảm thấy Thiên thần nói với tôi: “Trong những dịp như vậy đúng ra con có thể hỏi những câu hỏi quan trọng hơn”. Nhưng ngoài Đức Giám Mục, tôi còn có 3 bề trên nữa, nên nghĩ đây là cơ hội để hỏi.

Tức thì Tiếng Nói trả lời: Đó là Đức Giám mục Ito, người hướng dẫn tu hội của con”.

Đức Mẹ mỉm cười và nói tiếp: “Con còn điều gì muốn hỏi nữa không? Hôm nay là lần cuối cùng Mẹ nói với con bằng tiếng nói sống thực. Từ nay trở đi con sẽ vâng lời đấng được gửi đến với con và bề trên của con”. “Hãy năng cầu nguyện kinh Mân Côi. Chỉ một mình Mẹ còn có thể cứu các con khỏi những thảm hoạ sắp xảy ra. Những ai tin tưởng nơi Mẹ thì sẽ được cứu thoát”.

LÁ THƯ CỦA ĐỊA PHẬN

Đức Giám mục Ito mục ra chỉ thị nghiêm ngặt cho các nữ tu: “Những biến cố xảy ra ở đây rất huyền nhiệm, vì thế nên hành xử một cách thận trọng. Tôi yêu cầu mỗi chị em giữ im lặng về việc này”. Thế nhưng chẳng bao lâu biến cố này được tiết lộ qua những khách hành hương đã chứng kiến các biến cố đăng trên nguyệt san Công giáo. Bài viết ấy cho biết số người chứng kiến Đức Mẹ khóc lên đến 500 người. Không những người ta thấy nước mắt mà còn cảm nghiệm một mùi thơm dễ chịu lúc ấy nữa.

Vào ngày 22-4-1984, trước khi về hưu theo luật của Giáo phận Niigata, Giám mục Ito phổ biến “Thư Giáo phận liên quan đến tượng Đức Mẹ Akita” như sau:

- Theo cuộc điều tra của tôi, không có điều gì từ chối những chuỗi biến cố siêu nhiên chung quanh tượng Đức Mẹ ở Seitai Hoshikai, Yuzawadai, thành phố Akita. Và tôi cũng không tìm thấy điều gì trái ngược với đức tin và luân lý.

- Vì thế, tôi không ngăn cấm việc tôn kính Đức Mẹ Akita trong giáo phận cho tới này chúng ta có được trả lời chắc chắn từ Toà Thánh Rôma.

Tháng 6-1988, ĐHY Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đưa ra phán quyết về biến cố ở Akita và những thông điệp là đáng tin cậy và có giá trị đức tin.

TÔN VINH CẢM TẠ MẸ MARIA

LÒNG KHIÊM HẠ CỦA ĐỨC NỮ TRINH MARIA (II)

Ngày mà các môn đệ tranh cãi nhau về chỗ nhất, Đức Maria, về phần Mẹ, tự hạ mình xuống, không phải chỉ trong mọi sự, mà hơn tất cả mọi người, nếu bạn xem Mẹ là người vĩ đại hơn hết thảy. Vì thế sẽ là công bằng khi Mẹ, vốn đứng đầu mà tự đặt mình cuối hết, phải được đặt lên trước hết. Sẽ là công bằng khi Mẹ, Đấng tỏ ra mình là nữ tỳ của mọi người, trở thành hoàng hậu. Cuối cùng, sẽ là công bằng khi Mẹ, Đấng vì lòng nhân lành khôn tả đã tự hạ mình xuống thấp hơn những goá phụ và những phụ nữ hoàn lương, thấp hơn cả người phụ nữ được trừ bảy quỷ, phải được tôn lên cao trên các thiên thần.

Cha cầu xin các con, hỡi những con nhỏ của Cha, nếu các con có một chút tình yêu đối với Đức Maria, nếu các con cố tìm cách làm đẹp lòng Mẹ: Hãy cố gắng noi gương bắt chước nhân đức này. Hãy bắt chước lòng khiêm tốn của Mẹ. Ngoài ra, không có gì thích hợp hơn với một con người.

Không còn gì đáng khuyên nhủ hơn đối với một Kitô hữu.

Và chẳng còn gì phù hợp hơn cho một tu sĩ.

(Bài giảng về 12 Ngôi Sao - Thánh Bernađô ở Clairvaux)

BTGH

Nguồn: truyenthongconggiao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét