Luận án tiến sĩ: Henri de Lubac đối diện với chủ nghĩa nhân
bản vô thần
Lê Đình Thông
Linh Mục Nguyễn Tiến Dưng Bảo Vệ Luận Án Tiến Sĩ Thần Học
Tại Đại Học Công Giáo Paris:
“Đức Tin vào Chúa Kitô bảo đảm cho chủ nghĩa nhân bản đích
thực: Henri de Lubac đối diện với chủ nghĩa nhân bản vô thần”
Sáng 13-12-2008, Linh mục François-Xavier Nguyễn Tiến Dưng
thuộc Dòng Assomption (Lm Dưng chuyển dịch là Dòng Mẹ Về Trời), đã bảo vệ thành
công luận án Tiến sĩ Thần học tại Đại Học Công Giáo Paris với đề tài “Đức Tin
vào Chúa Kitô bảo đảm cho chủ nghĩa nhân bản đích thực: Henri de Lubac đối diện
với chủ nghĩa nhân bản vô thần” (La Foi au Dieu Chrétien, gage d’un authentique
humanisme: Henri de Lubac face à l’humanisme athée). Hội đồng giám khảo gồm GS
Jean-Louis Souletie, chuyên về Kitô học và GS Marcel Neusch, chuyên viên về
thần học căn bản và vô thần (Đại Học Công Giáo Paris); GS Jacques Haers, cùng
Dòng Tên với thần học gia De Lubac, chuyên viên về thần học căn bản và GS
Jürgen Mettepenningen, chuyên viên về lịch sử thần học thời hiện đại (Đại Học
Công Giáo Louvain: Katholieke Universiteit Leuven (KU Leuven). Luận án đã được
hội đồng giám khảo đánh giá rất cao và đề nghị sớm cho xuất bản tại Pháp.
Luận án của LM Nguyễn Tiến Dưng gồm ba phần:
I - Từ đòi hỏi của chủ nghĩa vô thần hiện đại đến nhận thức
của Henri de Lubac về chủ nghĩa nhân bản vô thần.
II - Từ hiểu biết về Mầu nhiệm Thiên Chúa đến sự lĩnh hội
mầu nhiệm con người.
III - Kitô giáo: tiến trình bắt buộc hướng về chủ nghĩa nhân
bản đích thực.
Tác giả sử dụng “Imago Dei” (Hình ảnh Thiên Chúa) như ý
tưởng chủ đạo xuyên suốt, theo lược đồ biện chứng như sau:
- Luận đề: Imago Dei bị chủ nghĩa vô thần bóp méo (Imago Dei
défigurée dans l’athéisme);
- Phản đề: Imago Dei được khôi phục trong Đức Kitô (Imago
Dei restaurée dans le Christ)
- Hợp đề: Imago Dei như là cơ cấu nhân loại học) (Imago Dei
comme structure anthropologique)
Luận án được khai triển dựa trên nhận định của Lm Henri de
Lubac (1896-1991), nhà thần học dòng Tên lừng danh, từng là giáo sư Đại Học
Công Giáo Lyon, Tham vấn Ủy ban Thần học Công đồng Vaticanô II. Năm 1983, Ngài
được ĐTC Gioan-Phaolô II nâng lên hàng Hồng Y. Cũng nên nhắc lại rằng, khi ĐGH
Gioan-Phaolô II thăm viếng Đại Học Công Giáo Paris, trong khi thuyết trình tại đây,
khi ngước mắt nhìn cử tọa thấy có sự xuất hiện của De Lubac, vị Giáo Hoàng đến
từ Đông Âu từng “ đọc chui” sách của thần học gia này đã thốt lên: “ Tôi xin
được cúi đầu kính chào Cha De Lubac”.
Tân tiến sĩ Nguyễn Tiến Dưng được biết qua bút hiệu Fx. Tiến
Dâng xuất thân từ Giáo phận Vinh và Đà Lạt. Ngài theo học tại Đại Học Công Giáo
Paris từ năm 1995 và là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến
sĩ Thần học kể từ 1975. Đại Học Công Giáo Paris có công đào tạo khoảng 50 linh
mục triều và dòng có học vị Cao học (Maîtrise) hoặc Cử nhân (Licence), trong số
này có năm vị Giám Mục: Đức TGM Ngô Quang Kiệt (Tổng giáo phận Hà Nội), Đức Cha
Vũ Duy Thống (Tổng giáo phận TP HCM), Đức Cha Vũ Văn Thiên (Giáo phận Hải
Phòng), Đức Cha Lê Văn Hồng (Tổng giáo phận Huế) và Đức Cha Châu Ngọc Tri (Giáo
phận Đà Nẵng). Ngoài ra, có ba vị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Triết học:
Đức Cha Nguyễn Chí Linh (Giáo phận Thanh Hóa), Lm Đậu Văn Hồng (Giáo phận
Kontum) và Lm Huỳnh Văn Hai (Giáo phận Vĩnh Long). Hiện nay có khoảng 60 linh
mục triều và dòng theo học tại Đại Học Công Giáo Paris, trong số có 12 vị nội
trú tại Hội Thừa Sai Paris (M.E.P.); 17 cha nội trú tại Dòng Lazaristes, gồm 5
cha dòng Lazaristes và 12 cha triều thuộc nhiều giáo phận ở Việt Nam. Hội Thừa Sai
Paris (M.E.P.) tài trợ mọi chi phí tu học và nội trú cho các cha triều du học.
Các Giám Mục và Linh Mục Thừa Sai Paris không những đã viết nhiều trang sử
truyền giáo hào hùng trên nước Việt, nhưng còn tiếp tục góp phần đáng kể vào
lịch sử phát triển của Giáo hội Việt Nam hiện nay và cả trong tương lai. Với
tâm tình của một tín hữu nước Việt, tác giả xin bầy tỏ lòng tri ân sâu xa đối
với Bề trên Tổng quyền Etcherren và Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions
Étrangères de Paris). Ngoài ra còn một số các cha sinh viên nội trú tại các
dòng như Rédemptoristes (Dòng Chúa Cứu Thế), Saint Sulpice, Bénédictins v.v…
Chúng tôi đã trao đổi thêm với Lm Nguyễn Tiến Dưng để tìm
hiểu thêm về một số vấn đề liên quan đến luận án như sau:
1) Luận án Tiến sĩ Thần học của Cha chủ yếu dựa trên những
luận điểm của nhà thần học de Lubac trực diện với chủ nghĩa nhân bản vô thần.
Phải chăng chủ nghĩa vô thần trong nước hiện nay là khởi điểm cho những suy
nghĩ của cha?
Lm. Tiến Dâng: Trước hết, xin cám ơn Luật Sư đã quan tâm theo
dõi rất tường tận những gì đã và đang diễn ra ở Đại Học Công Giáo Paris liên
quan tới Giáo Hội Việt Nam. Cũng không ngờ một Giáo sư chuyên về Luật Quốc tế
của Đại Học Nanterre lại có mặt trong buổi trình luận án của em hôm nay. Điều
này làm cho em có cảm giác những người làm công việc nghiên cứu thần học thấy
mình không cô đơn trong hành trình đi tìm Chân Lý.
Trở lại câu hỏi của Luật sư: Như Luật sư đã biết, từ năm
1945 ở Miền Bắc và từ năm 1975 cho toàn Việt Nam, chủ nghĩa vô thần độc tài
hoành hành trên các phương tiện truyền thông chính thức cũng như trong nhà
trường và trên các giảng đường đại học. Người ta tự cho rằng chỉ có chủ nghĩa
Mác - Lênin là “ đỉnh cao của trí tuệ loài người». Vào các ngày lễ hội, người
ta chăng khắp nơi các bảng hiệu: “ Chủ nghĩa Mác - Lênin vô địch muôn năm!”. Em
thuộc thế hệ những người được (hay nói đúng hơn là BỊ) đào tạo “ dưới mái
trường xã hội chủ nghĩa” thời tiểu học và trung học ở Vinh và sau này ở đại học
tại Sài-gòn. Việc áp đặt chủ nghĩa vô thần độc tôn trên một dân tộc tạo ra một
thảm cảnh như thế nào về mặt kinh tế, chính trị và luân lý thì ai cũng biết
rồi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều thấu hiểu được hậu quả nặng nề
về mặt bản chất mà chủ nghĩa này gây ra. Những người bị tiêm nhiễm bởi chủ thuyết
này thường cho rằng niềm tin vào Thiên Chúa là ấu trĩ, là phản bội chính con
người. Em đã từng thấy nhiều sinh viên Công Giáo, sau khi vào học Đại Học được
một vài năm, thì không còn muốn tới nhà thờ nữa. Đứng trước viễn cảnh này, là
một người Kitô hữu, em không thể thờ ơ khi nhìn thấy những linh hồn trong trắng
bị lung lay chao đảo bởi chủ thuyết này. Vì thế, khi được dịp đi du học, em cố
tìm kiếm nguyên nhân tại sao chủ nghĩa vô thần ra đời? Tại sao Kitô giáo của
mình khi mới khai sinh thì được nhiều dân tộc đón nhận như một Tin Mừng giải
phóng con người, nhưng khi phát triển đến cao điểm thì bị các triết gia vô thần
xem như là một vật cản trên đường đi tìm hạnh phúc dương thế? Tại sao chủ nghĩa
vô thần nhân danh nhân bản để khai trừ Thiên Chúa lại mang một thảm họa tới cho
nhân loại như người ta đã chứng kiến ở Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba,
Camphuchia, Việt Nam…?
2) Lý do nào khiến Cha chọn thần học gia De Lubac làm chủ đề
nghiên cứu?
Lm. Tiến Dâng: Thực ra đã có nhiều nhà thần học đương đại
đưa ra những giải pháp đối diện với vấn nạn vô thần như Hans Küng, Walter
Kasper hay Eberhard Jüngel..., Tuy nhiên, em thích thần học gia De Lubac với
những lý do sau đây:
- Trước hết, thái độ của De Lubac không cực đoan. Một chủ
thuyết ra đời dĩ nhiên luôn có bối cảnh, nguyên do của nó. Vì thế, ngài không
vội vã kết án một cách vội vàng. Ngài đọc kỹ chính các bản văn của các triết
gia vô thần để tiếp nhận những cái hay cái đẹp của họ. Sau đó, ngài đưa ra các
giải pháp để trả lời các vấn nạn mà vô thần đặt ra. Khi các triết gia vô thần
cho rằng tôn giáo là ảo tưởng viễn vông thì De Lubac cũng chỉ ra những viển
vông ảo tưởng của vô thần độc tôn; khi các “ ngôn sứ vô thần” nghĩ rằng chỉ có
khai trừ Thiên Chúa mới xây dựng được một chủ nghĩa nhân bản thì De Lubac khẳng
định rằng trong niềm tin Kitô giáo chân chính đảm bảo được một nền nhân bản
thực thụ, toàn diện. Nói tóm lại, De Lubac dùng chính những thuật ngữ của vô
thần để đáp trả lại họ. Tuy nhiên, khi trực diện với những tư tưởng vô thần,
thần học gia Dòng Tên này không chạy theo thời, mà luôn trở về với nguồn mạch
thật sự của Thần Học Kitô giáo đó là Thánh Kinh và các Giáo Phụ để tái khám phá
ra những tinh hoa cao đẹp của Mặc khải Kitô giáo suốt chiều dài lịch sử.
- Mặt khác, em thuộc thế hệ được đào tạo sau biến cố 75,
kiến thức khiếm diện, chắp vá, đó là chưa nói tới chuyện lệch lạc…, nên khi
tiếp cận với De Lubac cũng chính là lúc em được bổ túc về kiến thức thần học,
vì Thần học gia De Lubac viết rất nhiều về các lĩnh vực khác như chú giải Kinh
Thánh, thần học căn bản, thần học tôn giáo, giáo phụ, Giáo Hội học, thần học
truyền giáo…
- Cuối cùng, em thán phục cung cách sống Đức Tin của ngài.
Cũng như nhiều nhà thần học khác, có lúc ngài bị chính Bề Trên của Dòng, thậm
chí là Giáo Triều hiểu lầm rồi kết án, cấm dạy học, cấm xuất bản sách…, song
ngài không bao giờ lìa xa Mẹ Giáo Hội. Ngài hiểu rằng, về phương diện trần thế,
Mẹ Giáo Hội cũng như bao người mẹ khác, luôn có những yếu điểm “ dễ thương” của
mình. Ngài yêu Giáo Hội như yêu chính người mẹ của mình. Chính vì thế, Thiên
Chúa, qua chính Mẹ Giáo Hội, đã trả lại tất cả vinh quang cho ngài. Bằng chứng
là ĐGH Gioan XXIII và Phaolô VI đã mời ngài làm tham vấn thần học cho Công Đồng
Vatican II, và ĐGH Gioan - Phaolô II đã vinh thăng ngài lên Hồng Y.
3) Trong tác phẩm “Le Drame de l’humanisme athée” (Thảm kịch
của chủ nghĩa nhân bản vô thần), nhà thần học Henri de Lubac khởi đi từ
Feuerbach: hình ảnh trá ngụy về tôn giáo (illusion religieuse), đến việc
Nietzsche khai tử Thiên Chúa (mort de Dieu): phát sinh thảm kịch (la naissance
de la tragédie). Kịch bản này lại càng bi thảm với việc Thiên Chúa bị loại trừ
và thay thế (Dieu exclu et remplacé) qua luật tam trạng (loi des trois états)
của Auguste Comte. Sau cùng, Karl Marx cho rằng “Chủ nghĩa vô thần phủ nhận Thiên
Chúa; qua sự phủ nhận này, chủ nghĩa vô thần đặt vấn đề hiện hữu của con
người”(L'athéisme est une négation de Dieu et par cette négation, il pose
l'existence de l'homme). Đó chính là nguồn gốc của chủ nghĩa vô thần nhân bản
(athéisme humaniste), hoặc chủ nghĩa nhân bản vô thần (humanisme athée). Cha có
thể chứng minh tại sao quá trình khởi từ Feuerbach đến Karl Marx lại bị bế tắc
hoàn toàn?
Lm. Tiến Dâng: Trước hết, phải nói rằng vô thần rất đa dạng.
Phải làm một cuốn Đại Từ Điển mới thống kê hết các hình thức vô thần, cũng như
các sợi dây chằng chéo “ bà con họ hàng” với vô thần. Tuy nhiên, trong cuốn
sách mà Luật Sư vừa nhắc tới, De Lubac chỉ trực diện với các “ đại gia» của chủ
nghĩa nhân bản vô thần. Về nguyên nhân ra đời thì cũng có nhiều lý do, song tựu
trung lại là do sự tha hóa, lệch lạc, thậm chí bệnh hoạn nơi cung cách sống Đức
Tin của thời bấy giờ của nhiều tín hữu, làm cho con người có cảm giác Thiên
Chúa là vật cản trên con đường đi tìm hạnh phúc dương thế. Phải nói rằng thuyết
“ nhị nguyên” trọng hồn, khinh xác của Platon đã len lỏi và bám rễ vào nhân
sinh quan của phần đông tín hữu thời đó. Nó đã làm lu mờ dung mạo đích thực của
Thiên Chúa Tình Yêu. Buồn cười là, thay vì kết án những thần học gia “ lạc
giáo” hoặc những Kitô hữu không sống đúng với sứ điệp Tin Mừng, các triết gia
vô thần lại kết án chính Thiên Chúa theo kiểu “ giận cá chém thớt”. Từ đó sinh
ra các thảm họa không lối thoát.
Còn đâu là bế tắc của chủ nghĩa nhân bản vô thần ư? Trước
hết, đó là phương pháp luận. Mỗi một triết gia có một lược đồ (schéma) khác
nhau, song ta có thể tóm lại phương pháp luận của họ thế này: họ quan niệm hạnh
phúc, tự do…, theo cách nhìn đối kháng (antagoniste). Thiên Chúa hiện hữu thì
chiếm chỗ của con người. Muốn cho con người được tự do, lớn mạnh, hiện hữu thực
sự thì phải giết, hoặc là nhân loại hoặc là Thiên Chúa. Con người phải chọn
lựa, không có giải pháp thứ ba. Và hậu quả của cách nhìn đối kháng đã được
những người lãnh đạo mác-xít tiến xa hơn: sau khi giết Chúa để khẳng định chỗ
đứng của con người, người ta tiếp tục “đấu tranh giai cấp» để khẳng đinh chổ
đứng của một tập đoàn; rồi trong chính nội tại của một guồng máy, người khác
luôn là kẻ thù của cái “ tôi» vĩ đại. Như vậy, khi giết Cha thì cũng chính là
lúc khởi đầu hành trình anh em giết nhau! Và theo em, đây là thảm họa lớn nhất
của chủ nghĩa vô thần độc tôn. Một cuộc tổng khủng hoảng nhân cách. Con người
bị đánh cắp niềm tin. Em có một người bác không hề biết “chính trị chính em» gì
cả, chỉ vì làm hành giáo đắc lực trong một xứ đạo mà bị bỏ tù hơn 20 năm. Khi
ra khỏi tù, mặc dù được sống trong vòng tay yêu thương, trân trọng của mọi
người trong xứ đạo, bác vẫn nhìn những người quanh mình như là những người cộng
sản chìm đang theo dõi mình. Em cũng có một mẫu chuyện đau lòng khác: lúc còn nhỏ,
ở Nghệ An, mình nuôi heo (ngoài đó gọi là lợn) song không có quyền làm thịt.
Muốn giết một con heo do chính gia đình mình nuôi cũng không được phép. Một
ngày nọ, bố em chờ đợi láng giềng đi lễ sáng hết rồi mới giết heo. Khổ nỗi,
chọc tiết thì thế nào heo cũng éc la inh ỏi. Thế là ông quyết định bỏ tro vào
một bao bố rồi trùm vào đầu con heo. Khi hít phải tro, heo không éc được nữa.
Sau đó, ông bỏ con heo vào trong cối đâm gạo rồi từ từ rưới nước sôi vào. Nhìn
con heo chưa chọc tiết ục ịch trong cối đâm gạo giữa nước sôi, em có một suy
nghĩ: tại sao một thể chế gì mà một con heo chết cũng không được quyền cất
tiếng éc cuối đời? Câu chuyện còn tệ hại hơn sau đó. Một gia đình phải làm sao
ăn hết thịt bầm tím (vì chưa chọc tiết) của một con heo? Chia cho láng giềng ư?
Thế nào cũng bị phát giác. Thậm chí, ngay cả bà nội là người nhất mực yêu
thương em, thế mà mỗi khi bà tới cũng phải bưng bát cơm có thịt heo chạy trốn.
Chỉ sợ bà già, thật thà nói ra thì bố đi tù như chơi!
Trở lại vấn đề bế tắc của chủ nghĩa vô thần. Mỗi triết gia
cố gắng đưa ra những giải pháp để “ giải phóng» con người. Tuy nhiên họ gặp
những bế tắc lớn trong chính chủ thuyết của họ.
- Feuerbach cho rằng chính con người sáng tạo ra Thiên Chúa.
Thiên Chúa chỉ là tấm gương phản chiếu những tham vọng hão huyền của con người.
Chừng nào Thiên Chúa còn sống thì con người vẫn phải lệ thuộc vào chính hậu quả
của ảo tưởng do mình nặn ra. Triết gia này xem sự tiến hóa của con người theo
ba giai đoạn: con người khởi đầu từ thần học (giai đoạn trẻ con), cao hơn là
triết học (giai đoạn dùng lý trí) và cuối cùng là nhân loại học (giai đoạn hoàn
thiện). Vấn đề đặt ra là làm sao con người tự hoàn thiện nếu không có cùng
đích, không có điểm để hướng tới? Và ông cũng quên mất rằng khi cho rằng con
người là cứu cánh của con người chính là ảo tưởng lớn nhất. Các cuộc chiến
tranh huynh đệ tương tàn trong thế kỷ XX vừa qua đã chứng minh rằng con người
không hẳn là cứu cánh của nhau, tội ác, sự dữ vẫn tiềm ẩn trong trái tim của
mỗi con người.
- Auguste Comte thì cho rằng nếu Thiên Chúa hiện hữu thì sẽ
cản trở những định luật tự nhiên của vụ trụ. Cũng như Feuerbach, ông cho rằng
sự tiến hóa của con người trải qua ba giai đoạn: giai đoạn thần học = ảo tưởng,
giai đoạn triết học siêu hình = trừu tượng, và cuối cùng là giai đoạn khoa học
= thực chứng. Phải thừa nhận rằng Comte có công rất lớn trong việc phát triển
khoa học thực nghiệm. Tuy nhiên, về phương diện nhân bản tâm linh, con người sẽ
đi về đâu nếu chối bỏ những mầu nhiệm, những bí ẩn nơi chính mình. Con người sẽ
sống ra sao trong tương quan với người khác, nếu người khác không còn gì để ta
khám phá? Ngay cả cho chính người làm khoa học, sẽ ra sao nếu người làm khoa
học tự cho rằng mình biết hết mọi định luật? Về mặt tôn giáo thì có lẽ triết
học của Comte dẫn tới những nguy hại nặng nề nhất. Ông ta cho rằng không nên
phủ nhận Thiên Chúa, vì ta phải nhắc đến Ngài khi ta phủ nhận. Lối suy luận này
dẫn tới thái độ dửng dưng (indifférence) về tôn giáo ngày hôm nay. Ta có thể đặt
câu hỏi tiếp theo: làm sao ta sổng được với người khác, nếu ta hoàn toàn dửng
dưng, trái tim chai đá trước sự hiện hữu của người khác?
- Nietzsche muốn giết Chúa (vấn đề tranh cãi hôm nay là
Thiên Chúa mà ông muốn giết có phải là Thiên Chúa được mặc khải qua dung mạo
của Đức Kitô hay là một Thiên Chúa nặng về luân lý?) để khẳng định tự do tuyệt
đối của con người. Tuy nhiên, nhân loại sẽ đi về đâu nếu không còn một chuẩn
mực nào đó về luân lý? Làm sao để sống chung với nhau nếu không còn những quy
ước chung xuất phát từ lương tâm? Ông ta cũng muốn con người trở thành “ Siêu
nhân». Tuy nhiên, thực tại cuộc sống cho ta hay rằng con người từ khi cất tiếng
khóc chào đời cho tới khi nhắm mắt xuôi tay vẫn là người mà thôi. Vấn đề là làm
sao sống trọn vẹn kiếp người trong cung cách làm người chứ không phải trở thành
Siêu nhân. Chính triết gia này cũng đã thốt lên lúc cuối đời: giết Chúa rồi,
tôi biết đi đâu bây giờ?
- Marx thực ra chỉ lấy lại những suy tư của Feuerbach. Ông
cho rằng tôn giáo là “ thuốc phiện ru ngủ con người”. Nó làm cho con người quên
đi những thực tại trần thế. Nó là tôn giáo mà giai cấp thống trị sử dụng. Chúng
ta đừng vì thù hằn với đảng cộng sản độc tài mà khép tội quá nhanh với triết
gia này. Về mặt lịch sử, giai đoạn triết học Marx ra đời có quá nhiều bất công
trong xã hội. Nhân công bị bóc lột thậm tệ. Riêng về Kitô giáo, giai đoạn đó
cũng có không biết bao nhiêu sai lạc về thần học cũng như cung cách thực hành
Đức tin nơi nhiều tín hữu. Nhiều người chỉ lo phần rỗi của mình trong tương quan
với Chúa mà quên đi bổn phận với anh em, nhất là những người đau khổ. Tuy
nhiên, Marx quên mất rằng, đó chỉ là những hệ lụy, chứ không phải là bản chất
của Kitô giáo. Ông cũng quên mất rằng, trong lịch sử loài người, văn minh Kitô
giáo đã đóng góp một phần rất quan trọng. Biết bao nhiêu con người đã xả thân
để phục vụ anh em mình. Có tôn giáo nào xây dựng nhiều bệnh viện, trường học,
cô nhi viện… như Kitô giáo? Thảm họa lớn nhất của chủ nghĩa Marx là khước từ
Thiên Chúa, khước từ những gì linh thiêng nhất của con người, biến con người
thành công cụ, thành phương tiện cho tiến trình phát triển của lịch sử. Khi bị
biến thành công cụ, con người còn có quyền được gọi là “người» nữa hay không?
Khi cái gì cũng thuộc về tập thể, đâu là chổ đứng nhỏ nhoi, một khoảnh khắc
riêng tư để con người có thể thở phào nhẹ nhỏm? Những người bệnh tật, già nua
sẽ được đối xử thế nào khi họ không còn là “công cụ»? Em đã có dịp đi Nga để
giúp cộng đồng Công giáo Việt Nam mình bên đó, và em đã chứng kiến cảnh cả nước
Nga rộng lớn trở thành một nhà tù vĩ đại với chủ nghĩa xã hội vô thần độc tôn.
Dưới chân tất cả những chung cư, luôn có một người gác cổng. Người này không
phải là bảo vệ, song là một công an mật vụ. Nhất cử nhất động của chung cư đều
được báo cáo!
4) Tại sao Hình ảnh Thiên Chúa (Imago Dei) vừa là ý tưởng
chủ đạo xuyên suốt, lại vừa là giải pháp cho tấm thảm kịch vô thần hiện nay?
Lm. Tiến-Dâng: Vâng, con người mang hình ảnh Thiên Chúa là ý
tưởng chủ đạo xuyên suốt luận án của em. De Lubac, dựa trên Thánh Kinh, ghi nhận
con người là hình ảnh Thiên Chúa. Trong Sáng Thế Ký, con người được tạo đựng
ngày cuối cùng như là đỉnh điểm của sự hoàn thiện. Chỉ có khi tạo dựng con
người, Thiên Chúa mới “suy tư». Cũng chỉ có con người được mang hình ảnh Ngài.
Vì được mang hình ảnh Ngài, nên con người được giao cho nhiệm vụ cai quản mọi
loài. Vì con người mang hình ảnh Chúa, nên khi phủ nhận Thiên Chúa thì cũng
chính là lúc con người tự hủy. Cũng trong Kinh Thánh, mỗi lần con người phủ
nhận Thiên Chúa là mỗi lần họ sập bẩy. Ông Adong và bà Evà, rồi tháp Babel,…Nếu
con người không được xem như là hình ảnh của Thiên Chúa thì họ chỉ là những
“đàn kiến» trong cái chủ nghĩa xã hội vĩ đại, theo cách nói của Berdiaef.
Tuy nhiên, khi khẳng định con người là hình ảnh của Thiên
Chúa thì phải đặt câu hỏi: Thiên Chúa có hiện hữu không? Nếu như Feuerbach cho
rằng con người sáng tạo ra Thiên Chúa, thì De Lubac lại khẳng định rằng, sở dĩ
con người luôn tìm kiếm Thiên Chúa chính là vì họ luôn mang trong mình hình ảnh
Ngài. Trong ta có cái gì đó thánh thiện để ta luôn hướng tới Đấng Thánh Thiện.
Trong ta tiềm ẩn một tình yêu thì ta mới đi kiếm tìm Tình Yêu. Trong ta có cái
gì đó linh thiêng thì ta mới đi tìm Nguồn Mạch của Thiêng Liêng… Người vô thần
cho rằng càng văn minh thì tôn giáo sẽ biến mất. Ai dám chắc rằng những nhà tư
bản “đỏ» hay những giáo sư duy vật biện chứng ở Đại Học Quốc Gia Hà Nội ngày
nay thông minh, sâu sắc hơn Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du hay Nguyễn
Trường Tộ? Thế mà những danh nhân của đất Việt tin có Trời đấy.
Mặc dầu con người tự tâm khảm luôn hướng tới Đấng Toàn Năng,
song khả năng nhận biết bị giới hạn. Vì thế, Đức Kitô đã mặc khải cho biết dung
mạo đích thực của Thiên Chúa. Thiên Chúa qua Đức Kitô hoàn toàn khác xa với
Thiên Chúa mà vô thần chối từ. Ngài không định đoạt trước số phận của từng
người. Ngài không rình rập con người để trừng phạt. Ngài là Tình Yêu. Một Tình
Yêu Tự Hiến. Ngài nhập thể trong cung lòng của nhân loại. Ngài đồng hành với
con người trên mọi chặng đường, kể cả những lúc thất bại ê chề. Thậm chí, cả
cái chết Ngài cũng kinh qua. Và cuối cùng, Ngài đã sống lại để cho nhân loại
biết cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Qua Đức Kitô, chủ nghĩa nhân
bản được hoàn thiện. Không chỉ nhân bản để mà nhân bản, song cung cách làm
người toàn diện khi cố gắng ngước mắt lên trời mà bàn chân vẫn bám chặt với
đất, khi gắn bó mật thiết với Thiên Chúa để mở rộng hơn đôi bàn tay chấp nhận
anh em đồng loại, khi cầu ơn tha thứ để biết thứ tha, khi quỳ gối cùng với ngọn
đèn chầu leo lét để có thể cúi xuống rửa chân cho những ai lỡ sa vào chốn bùn
lầy, khi vàn nài Ân sủng từ trời cao để đủ sức móc túi chia sẽ những gì mình
có, khi nhìn lên cây Thập Giá để can đảm chết đi cho công lý trường tồn,…
5) Trong phần kết luận, Cha coi chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo
là tác nhân của dân chủ, hình thành trách nhiệm về sinh thái (responsabilité
écologique), đồng thời đảm bảo cho sự tôn trọng các nền văn hóa khác nhau. Tại
sao công trình nghiên cứu của cha cho phép hình thành các nhận định này?
Lm. Tiến Dâng: Vâng, trong phần kết luận, em tạm khai triển
bốn vấn đề mà chủ nghĩa nhân bản ngày nay quan tâm.
- Thứ nhất, chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo đề cao nhân vị con
người: Như Luật Sư biết, trong các chủ thuyết vô thần có một mâu thuẫn nội tại
về con người: một mặt, Nietzsch cho rằng cần giết Chúa để tạo ra một nhân vị
hoàn toàn tự do, không cần chuẩn mực luân lý nào cả; mặt khác, trong chủ nghĩa
cộng sản mác-xít, nhân vị con người không còn chỗ đứng vì cái gì cũng thuộc tập
thể. Hơn thế nữa, trong chủ nghĩa mác-xit, con người chỉ thuần túy là công cụ
cho sự tiến hóa của lịch sử. Hai cung cách suy nhĩ này dẫn tới hai hệ lụy cho
ngày hôm nay: hoặc là tự do quá trớn hoặc là bị ngộp thở trong một tập thể đồng
nhất, hoặc là bị vứt ra ngoài xã hội khi không còn “xài» được. Ngược lại, trong
Kitô giáo, mỗi người là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi vừa khác biệt vừa
kết hợp mật thiết với nhau. Thần học hiệp thông trong Giáo Hội được xây dựng từ
tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người hiệp thông trong sự tôn trọng
khác biệt. Hay nói cách khác, vì ta khác biệt, nên mới cần hiệp thông. Nói theo
kiểu Việt Nam: “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai» (Tản
Đà). Hơn nữa, vì là hình ảnh Thiên Chúa nên sang, hèn, khỏe mạnh hay bệnh tật…
đều được tôn trọng như nhau. Cũng không phải dững dưng mà bao cô gái trẻ đẹp
tình nguyện làm nữ tu để âm thầm phục vụ ở các trại dành cho những người nhiễm
HIV. Cũng không phải vô cớ mà những nhà truyền giáo như Đức Cha Cassaigne lại
tới Việt Nam lập ra trại cùi, sống với họ và chết như họ…
- Thứ hai, chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo là tác nhân của tiến
trình dân chủ: Theo nhà nghiên cứu Thánh Kinh W.H. Schmidt thì Thần học Thánh
Kinh có một ảnh hưởng lớn trên tiến trình dân chủ. Tại sao? Cùng thời, ở các
nước quanh Do Thái, chỉ có các vua mới được xem là “hình ảnh của các vị thần».
Còn với dân trong Thánh Kinh, ai cũng được xem là hình ảnh của Thiên Chúa.
Ngoài ra, ta cũng thấy như trong Khổng giáo, chỉ có vua là “con Trời». Hay Ấn
độ giáo thì phân chia đẳng cấp (castes)…Với Kitô giáo thì ai cũng là hình ảnh
Thiên Chúa cả. Vì thế, mọi người đều có quyền sống bình đẳng. Mọi người đều có
trí thông minh để nhận ra những sai phạm, nếu có, của người lãnh đạo. Hơn nữa,
Đức Kitô là người đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của người công dân. Dù rất tôn
trọng truyền thống Do Thái, Ngài vẫn không ngại ngùng lên tiếng khi cần thiết.
Và Ngài đã trả bằng giá máu của mình cho tiến trình dân chủ, tôn trọng sự thật.
Chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo đã sản sinh ra những người con vĩ đại trong quá
trình đấu tranh cho dân chủ như Dietrich Bonheffer, Martin Luther King, ĐGH
Gioan - Phaolô II…
- Thứ ba, chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo và trách nhiêm sinh
thái: Chưa bao giờ trái đất bị đe dọa như ngày hôm nay. Lũ lụt, ô nhiễm môi
trường tràn lan. Thiên nhiên gây thì ít mà người gây ra thì nhiều. Mọi người
phải có trách nhiệm với vấn đề sinh thái. Làm cho môi trường sống trở nên tốt
hơn cũng chính là cộng tác với vấn đề cứu chuộc. Trong Sáng Thế Ký (1, 28), con
người được giao cho nhiệm vụ cai quản vũ trụ. Người cai quản không phải là người
tàn phá song là người biết làm sao để biến trái đất thành mái nhà tốt cho chính
mình và cho tương lai. Cũng chính vì thế mà Sáng Thế Ký chương 2, câu 15, Thiên
Chúa giao cho con người nhiệm vụ “gìn giữ» và “làm cho phát triển» vườn sống.
Như vậy, Thiên Chúa không tạo nên những con người thụ động, song ngài dựng lên
những con người biết sáng tạo. Lý trí và sự thông minh là những đặc tính của
Imago Dei. Sáng tạo làm sao để sống hài hòa với môi trường. Từ điểm này, ta có
thể cùng nhận định với De Lubac rằng khoa học kỹ thuật chân chính không làm
phai mờ Đức Tin. Trái lại, thần học tạo dựng đã cộng tác một cách tích cực vào
việc phát triển khoa học kỹ thuật trên mọi phương diện. Tuy nhiên, tiến bộ về
khoa học kỹ thuật phải đi đôi với sự phát triển của lương tâm. Nếu phát triển
khoa học không đi kèm với một lương tâm có trách nhiệm thì sự phát triển này
trở thành nguy cơ hủy diệt chính con người và môi trường sống. Bom nguyên tử
ném xuống Hiroshima và Nagasaki hay thảm họa Tchernobyl là một trong những ví dụ
điển hình.
- Sau cùng, chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo và vấn đề tôn trọng
các nền văn hóa: Khi em viết kết luận cũng là lúc hàng trăm ngàn dân Paris
xuống đường biểu tình chống lại cuộc rước đuốc Olympique đi qua thành phố
Paris. Ngọn đuốc có khi bị dập tắt, có khi thắp lại rồi phải trốn trong xe.
Ngọn đuốc, vốn là niềm tự hào của chính quyền Bắc Kinh trở thành ngọn đuốc ô
nhục. Người dân biểu tình vì họ cho rằng chính quyền Bắc Kinh dang tàn phá nền
văn hóa Tây Tạng. Đức cố Giáo Hoàng Gioan - Phaolô II, khi thăm tổ chức UNESCO
vào năm 1980, đã từng nói: “Con người không thể coi thường nền văn hóa. Nền văn
hóa là một hình thức đặc thù để con người hiện hữu cũng như biểu lộ cách thức
làm người của mình». Theo nhãn quan Kitô giáo, truyền thống văn hóa không những
là nơi ân sủng của Thiên Chúa hoạt động mà còn là nơi con người phát triển tự
do của mình. Đức tin không nằm bên ngoài hay bên trên một nền văn hóa, nhưng
được “nhập thể» vào chính nền văn hóa. Đức Kitô cũng đã nói tiếng aram, đã sống
theo phong tục người Do Thái. Những nhà truyền giáo chân chính cũng đã hết mực
tôn trọng văn hóa của người bản địa. Cha Alexandre de Rhode là một ví dụ điển
hình. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, không một nền văn hóa nào là hoàn hảo.
Mỗi một nền văn hóa thường chứa đựng một khiếm khuyết nhất định. Vì thế, các
nền văn hóa được mời gọi mở rộng cánh cửa của mình để lãnh hội những gì là tinh
hoa của Tin Mừng. Chính Đức Kitô sẽ kiện toàn, lấp đầy những khiếm khuyết nơi
các nền văn hóa cũng như nơi từng con người, nếu con người biết đón nhận Ngài.
6) Cha có nguyện vọng gì cho đất nước Việt Nam?
Lm. Tiến Dâng: Hiện tại, Nhà nước đang điều giáo sư của họ
vào dạy thuyết vô thần cho các chủng sinh. Em mong một ngày nào đó, các sinh
viên Đại Học cũng được hưởng một cái gì đó từ phía các tôn giáo. Những nhà sư,
những linh mục, nữ tu… cũng được quyền vào dạy về tôn giáo của mình trong các
Đại Học. Sinh viên được quyền tự do phân định đúng sai và chọn hướng đi nào họ
muốn. Đất nước Việt nam không phải là mảnh đất thừa tự của gia đình hai họ Mác
- Lê. Mỗi con người, trong đó có cả những người vô thần, phải có trách nhiệm
trước tiền đồ của dân tộc. Chúng ta không chỉ xây dựng một đất nước duy về kinh
tế vật chất, mà phải gieo vào trong tâm hồn mỗi con người niềm tin linh thiêng
và lòng nhân ái.
7) Nghe các linh mục du học nói rằng Cha có một kho chuyện
cười. Vậy Cha có chuyện hài nào về chủ nghĩa vô thần không?
Lm. Tiến Dâng: Có vài chuyện này kể để Luật Sư nghe cho vui.
Chắc Luật Sư cũng đã nghe rồi?
Chuyện thứ nhất: Nghe nói trong biến cố 75, một người cộng
sản bắt được một nhà truyền giáo Tây Phương. Anh phụ trách tuyên huấn nói thao
thao bất tuyệt với nhà truyền giáo rằng: “Ông uổng công đi truyền một thứ đạo
mà suốt hai ngàn năm tín đồ vẫn chưa lên tới được một nửa thế giới. Trong lúc
đó, chủ nghĩa cộng sản chúng tôi mới ra đời được chừng 50 năm mà dân số đã lên
đến gần 1/3 điạ cầu. Lo mà ăn năn hối cải để được nhận ơn khoan hồng của đảng
và nhà nước Việt Nam».
- Nhà truyền giáo vẫn im lặng.
- Một lát sau anh tuyên huấn bảo: “Sao ông không nói gì? Hối
hận rồi hả?»
- Nhà truyền giáo ngước mắt nhìn anh một cách thương cảm và
nhỏ nhẹ trả lời: “ Tôi đang cầu nguyện cho chủ nghĩa cộng sản vô thần của anh
tồn tại đến hai ngàn năm»!
Chuyện thứ hai: Một giáo sư dạy về thuyết tiến hóa ở Đại Học
Quốc Gia Hà Nội có nuôi một căp vượn sau vườn. Khổ nỗi, cậu sinh viên con của
ông khi nào về nhà cũng mãi mê chơi với vượn mà không thèm nói chuyện với bố
mẹ. Một hôm kia, vị giáo sư này phát tức mới quát mắng cậu con:
- “Tao đẻ ra mày mà mày khinh thường, suốt ngày chỉ lo chơi
với mấy con vật!”
-Từ ngoài vườn, cậu sinh viên cất tiếng: “ Ủa, bố nói gì mà
kỳ vậy? Ở trường, bố dạy con rằng tổ tiên của chúng ta là vượn. Vì thế, con
phải phụng dưỡng tổ tiên mới tròn chữ hiếu chứ!».
Paris, ngày 17 tháng 12 năm 2008
Nguồn: VietCatholic
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét