Trang

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN – A: NHỮNG SUY NIỆM


CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN – A: NHỮNG SUY NIỆM 
Lời Chúa: Ml. 1,14b – 2,2b.8-10; 1Tx. 2, 7b-9.13; Mt. 23, 1-12


1. Khiêm nhường


Chúng ta có thể xác quyết: Khiêm nhường là con đường bảo đảm nhất dẫn chúng ta tới quê hương Nước Trời.

Thực vậy, tội của ông bà nguyên tổ là gì, nếu không phải là sự kiêu căng, muốn trở nên bằng Thiên Chúa, từ chối không chịu để cho Ngài hướng dẫn, bằng cách giơ tay ngắt trái cấm mà ăn. Tội của Lucifer, vị thần mang ánh sáng, là gì, nếu không phải là tính kiêu ngạo, không muốn phục tùng Thiên Chúa nữa.

Từ đó, chúng ta thấy mình chỉ có thể gặt hái được những thành quả tốt đẹp, nếu biết trở nên như trẻ nhỏ, phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, người cha đầy yêu thương và giàu lòng thương xót.

Dưới mắt Thiên Chúa, chúng ta thấy dường như có một sự đảo lộn giá trị: Ai tự nâng mình lên cao thì sẽ bị hạ xuống thấp, và trái lại ai hạ mình xuống thấp thì sẽ được nâng lên cao, bởi vì chính Chúa Giêsu đã phán: Ai muốn làm lớn thì phải trở thành kẻ rốt hết và làm đầy tớ phục vụ cho mọi người…Ai trở nên giống trẻ nhỏ, thì sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời…

Để nuôi đám đông dân chúng trong hoang địa, Chúa Giêsu đã không làm cho manna từ trời rơi xuống, nhưng Ngài đã dùng năm chiếc bánh và hai con cá của một em nhỏ.

Và trong cuộc sống, Ngài đã sử dụng những phương tiện tầm thường nhất. Thực vậy, để thiết lập Giáo Hội, Ngài đã không chọn lựa những tiến sĩ luật và những nhà thông thái, trái lại, Ngài đã kêu gọi những con người đơn sơ và dốt nát.

Tại phòng tiệc ly, mặc dù luôn ý thức quyền năng của mình, thế nhưng Ngài đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ, để dạy cho các ông bài học khiêm nhường và phục vụ.

Trong công cuộc cứu độ nhân loại, Ngài đã không sử dụng tới uy quyền của một vị Thiên Chúa, nhưng đã cúi đầu chấp nhận thập giá, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.

Ngài cũng muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài: các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Đoạn Tin Mừng hôm nay đưa ra hai khuôn mặt, đó là khuôn mặt của một bậc thầy, một tiến sĩ luật và khuôn mặt của một người tôi tớ, một người hèn mọn.

Kẻ kiêu căng luôn đặt mình làm trung tâm của vũ trụ, muốn người khác phải trọng kính và coi mình như một vị thủ lãnh. Chính vì thế, kẻ kiêu căng không hề biết vâng lời và yêu thương. Họ sẽ không bao giờ được thỏa mãn, trái lại lúc nào cũng ghen tức vì hấy người khác được thành công. Một kẻ như vậy thì làm sao có thể gặp được Thiên Chúa.

Trong khi đó, người khiêm nhường biết từ bỏ mọi sự, ngay cả bản thân cùng với địa vị và danh dự. Họ biết nhận định đúng về con người của mình, đồng thời họ biết quên mình đi để mưu cầu lợi ích cho những người chung quanh. Chính vì thế, họ được dành cho nhiều tình cảm tốt đẹp và  được chính Thiên Chúa đón nhận, vì tâm hồn họ trống rỗng, không có những vướng mắc và níu kéo.

Kytô giáo của chúng ta không thể thiếu vắng sự khiêm nhường, như lời thánh Bernađô đã xác quyết: Lời rao giảng quan trọng nhất của Đức Kitô chính là sự khiêm nhường.

Và thánh Phanxicô Assie cũng nói: Thiên Chúa thấy tôi tội lỗi hơn hết mọi người, nên Ngài đã chọn tôi để làm những công việc trọng đại.

Còn thánh Phanxicô Xaviê thì bảo: Trên dấu chân của Đức Kitô, chúng ta chỉ thực sự được nâng lên, một khi đã thực sự hạ xuống.

Để kết luận, chúng ta cùng nhau ghi nhớ tư tưởng sau dây của ông Gandhi: Nếu chúng ta nghĩ rằng mình là một cái gì đó, thi chúng ta đã đặt một hàng rào để ngăn cách với Thiên Chúa, còn nếu chúng ta nghĩ rằng mình chẳng là gì cả, thì chúng ta sẽ trở nên một với Ngài.

 

 

2. Hãy dâng cho Thiên Chúa chỗ nhất

và không để cho một người nào khác

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)

Những người con thường gọi cha mẹ của chúng là cha mẹ, mặc dù Chúa Giêsu đã nói đừng gọi ai dưới đất là “cha”. Những vị dạy dỗ trong trường học chấp nhận tước hiệu “thầy” mặc dù Chúa Giêsu nói : “Tránh gọi ai là Thầy”. Điều đó sẽ là ngớ ngẩn nếu duy trì những điều thực hành này khi những điều này trái với hướng dẫn của Chúa Giêsu. Hiển nhiên là ý nghĩa của nó không phải là nghĩa chữ. Mặc dù đúng hơn qua những điều giống như ra lệnh này, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta rằng chúng ta đừng trao cho người nào chỗ nhất trong đời sống của chúng ta, mà chỗ này chỉ thuộc về mình Thiên Chúa.

Chúng ta là con cái của cha mẹ chúng ta. Một số người đã được chúc phúc bởi cha mẹ mình và một số khác thì hoàn toàn không. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn lên thiên đàng để tìm thấy những Đấng cha mẹ hoàn hảo, một người tuyệt vời không thể tưởng tượng được đó là Cha của Chúa Giêsu Kitô, và Đấng đó đã trở thành Cha của chúng ta nữa. Chúng ta không thể cho phép ai chiếm mất chỗ của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta.

Tất cả chúng ta phải có những vị thầy trong những khoảnh khắc khác nhau từ lúc chúng ta sinh ra trong suốt thời gian ở trường, khi chúng ta có một công việc, và thật sự xuyên qua toàn bộ đời sống của chúng ta, có một người có thể dạy dỗ chúng ta về mọi chân lý căn bản nhất của đời sống, cả đời này và cả đời sau, là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không thể cho phép bất cứ ai hơn Chúa Giêsu trong việc Chúa Giêsu trở nên Thầy dạy chúng ta về những giá trị của đời sống.

Thiên Chúa đã nói qua lời của tiên tri Malakia trong bài đọc I của Chúa Nhật hôm nay. Bài đọc tuyên bố: “Quả Ta là vua lớn lao”. Có ai trong đức tin chối điều đó không? Thiên Chúa đòi hỏi câu trả lời trong câu hỏi của Ngài: “Các ngươi có chấp nhận rằng các ngươi không được đặt ai vào chỗ của Ta như là Chúa các đạo binh của các ngươi không?”. Chúng ta phải trả lời: “Amen”.

Tuy nhiên có lẽ trong trường hợp của chúng ta thì không khác biệt mấy với những người dân mà tiên tri Malaki đã rao giảng sứ điệp của ông. Họ là những người dân Do Thái đang trở về từ cuộc lưu đày ở Babylon, họ thấy quê nhà của họ đã bị xâm chiếm bởi một dân tộc khác, dân tộc đó không chia sẻ tôn giáo và những giá trị như họ. Hoàn cảnh là một thách đố đức tin cho cả hai, thành phần là tư tế và dân chúng. Đó là lý do vì sao tiên tri Malaki đã rao giảng cho họ một bài giảng khẩn cấp và lớn lao như vậy.

Đó là lý do vì sao Phúc Âm của Chúa Nhật có một ý nghĩa lớn lao đối với chúng ta. Chúng ta sống một xứ sở, xứ sở đó đã được thúc đẩy bởi những nguyên tắc chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ, mà không phải bởi những giá trị của tôn giáo. Hầu hết mọi người mà chúng ta có thể nói rằng họ tin vào Thiên Chúa, nhưng sự cám dỗ thời đại trong xứ sở của chúng ta là sống mà Thiên Chúa không hiện hữu. Sự cám dỗ đó có thực đối với chúng ta, tuy nhiên nó có thể tinh tế hay mờ nhạt khi chúng ta đang ngồi trong nhà thờ.

Có lúc nhà thờ sẽ là nơi cư ngụ của chúng ta, là ngôi nhà tinh thần của chúng ta trên mặt đất này. Nơi đây trả sự chú ý cho Chúa Giêsu, vị Thầy dạy của chúng ta, khi chúng ta lắng nghe lời Người tuyên bố trong Thánh Kinh. Chúng ta tuân theo giáo huấn của Ngài bằng việc cầu nguyện với Thiên Chúa như là ‘Cha của chúng ta”, không chỉ trong lời kinh Lạy Cha, nhưng qua Thánh Lễ. Chúng ta nối kết với Người trong hy tế của Chúa Giêsu Kitô để hiểu rằng. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và là vị Vua cao cả của chúng ta, là Đấng mà chúng ta dâng lời ngợi khen và cảm tạ.

Hơn nữa, chúng ta sẽ tìm thấy một dân và với dân đó chúng ta chia sẻ những giá trị trong đời sống, dân mà họ sẽ nâng đỡ chúng ta trong đức tin và là dân mà chúng ta sẽ sẵn lòng giúp đỡ trong mọi lúc họ cần. Người Do Thái trở về một miền đất có vẻ giống như là ngoại quốc đối với họ. Chúng ta sẽ không bao giờ có cảm giác là mình không có chỗ trong một nhà thờ Công giáo. Chúng ta phải tìm thấy nơi mỗi người, dân tộc được dâng hiến, là dân muốn theo những giá trị của Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta.

 

 

3. Quyền bính để phục vụ –

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt



Lời Chúa hôm nay thật mạnh mẽ, khiến ta bàng hoàng, chới với. Phải chăng Chúa muốn phá đổ tất cả những cơ chế trong xã hội và trong Giáo Hội? Phải chăng tất cả chúng ta đều sai lầm? Có lẽ không nên hiểu theo nghĩa đen của mặt chữ nhưng phải hiểu theo tinh thần. Qua chân lý: Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em, Chúa muốn dạy ta phải sống những quan hệ với xã hội theo một tinh thần mới gồm 3 khía cạnh sau đây.

1- Mọi người đều bình đẳng.

Mọi người bình đẳng trong xã hội vì tất cả đều là người. Là người như nhau nên phải được kính trọng như nhau. Cũng thế, mọi người bình đẳng trước mặt Chúa. Vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Cùng là hình ảnh Thiên Chúa, nên mọi người phải kính trọng nhau. Mọi người đều là con của Cha trên trời và đều là anh em với nhau. Nên mọi người đều phải vâng phục Thiên Chúa và yêu thương anh em chung quanh mình.

2- Chức vị chỉ là một phân công.

Một xã hội phải có tổ chức. Có tổ chức nên có nhiều công việc. Phân công để công việc chung được trôi chảy. Hơn nữa phải hiểu rằng mọi quyền lực đều đến từ Thiên Chúa. Làm cha mẹ là được thông phần vào quyền làm Cha của Thiên Chúa. Làm người lãnh đạo là được dự phần vào quyền cai trị của Thiên Chúa. Con người không tự mình chiếm đoạt được chức vị, nên phải khiêm nhường nhận biết ơn Chúa ban vì lợi ích của tập thể.

3- Chức vị là để phục vụ.

Hãy nhìn vào một gia đình. Trong gia đình cha mẹ là quan trọng nhất, là người điều khiển gia đình. Nhưng chính cha mẹ lại phục vụ nhiều nhất. Cha lao động vất vả. Mẹ cực nhọc chăm sóc con thơ. Nhìn bề ngoài cha mẹ không khác người giúp việc. Nhưng cha mẹ điều hành gia đình trong khi phục vụ con cái thơ dại. Cha mẹ đã dùng quyền để yêu thương và phục vụ. Cũng thế, người có nhiệm vụ trong Giáo Hội và trong xã hội phải là người có lòng yêu mến anh em. Chu toàn nhiệm vụ với tình yêu thương sẽ giúp ta biết phục vụ bằng chức vụ của mình.

Không ở đâu ta có thể tìm gương mẫu cho những lời Chúa dạy hôm nay bằng tìm nơi chính Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể đưa ta về phòng Tiệc Ly, nơi Chúa ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ. Trong khi ăn, Chúa đứng dậy, cầm chậu nước đi rửa chân cho từng môn đệ. Rồi Chúa nói: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân nhau. Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em?” (Ga 13,12b-15). Quyền bính để phục vụ. Không còn minh họa nào sinh động hơn. Không còn giải nghĩa nào sáng tỏ hơn hình ảnh Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Không còn lệnh truyền nào thuyết phục hơn, vì chính Chúa đã làm gương trước.

Bí tích Thánh Thể cho ta thấy sự hiến thân phục vụ của Chúa Giêsu. Trở thành tấm bánh là để trở thành lương thực nuôi con người. Không trở thành một tượng đài uy nghi để mọi người cung kính. Không trở thành một trang sức quý giá để mọi người trân trọng. Nhưng trở thành tấm bánh để phục vụ con người. Trở thành lương thực là trở thành những gì gần gũi nhất. Trở thành lương thực là chấp nhận phục vụ sự sống: chịu nhỏ bé đi để người khác được lớn lên, chịu đau khổ cho người khác được hạnh phúc, chịu chết đi cho người khác được sống. Bí tích Thánh Thể là một mẫu gương về quyền bính phục vụ. Thiên Chúa phục vụ con người. Người Cha hy sinh cho hạnh phúc của con cái. Chúa tể vũ trụ hiến thân nuôi dưỡng loài thụ tạo.

Như thế, bí tích Thánh Thể thiết lập một mối quan hệ mới giữa con người. Quyền bính là để phục vụ. Nếu hiểu và thực hành Lời Chúa dạy hôm nay, ta sẽ biến đổi bộ mặt thế giới. Thế giới sẽ trở nên một gia đình ấm cúng chan chứa tình người. Xã hội sẽ tươi đẹp vì sống theo nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương.

Năm Thánh Thể đã kết thúc, nhưng mầu nhiệm Thánh Thể phải tiếp tục mãi mãi trong cuộc đời chúng ta. Sống mầu nhiệm Thánh Thể là biết quan tâm phục vụ anh chị em. Sống mầu nhiệm Thánh Thể là duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa xã hội, giữa cuộc đời chúng ta. Hiện diện đó là một tấm bánh bẻ ra cho một thế giới phát triển, một thế giới chan hòa yêu thương, một thế giới hạnh phúc thực sự.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết noi gương Chúa, phục vụ mọi người trong tình yêu thương.

GỢI Ý CHIA SẺ

1.     Tại sao mọi người đều bình đẳng?


2.     Chức vị chỉ là một phân công trong Giáo Hội, bạn hiểu điều này thế nào?


3.     Quyền bính là để phục vụ. Bạn thấy điều này đã ứng dụng ở đâu?


4.     Bạn phải làm gì để sống bí tích Thánh Thể theo tinh thần bài Tin Mừng hôm nay?

 

 

4. Bí quyết trở nên người cao cả – Lm. Trần Ngà


(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

Đã là người, ai cũng muốn nâng mình lên, muốn khẳng định mình, muốn nâng cao giá trị bản thân. Tại sao mọi người đều cùng có chung một khát vọng như thế?

Có thể nói rằng chính Thiên Chúa đã đặt vào lòng chúng ta khát vọng muốn vươn cao như thế để thôi thúc chúng ta vươn lên, để "trở nên người thành toàn, đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô". Chính Chúa Giêsu cũng mời gọi mọi người vươn tới những giá trị cao cả: "Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện." (Mt 5, 48). Như thế, khát mong trở nên con người thành toàn là một khát vọng rất chính đáng và tự nhiên.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người nhắm đạt đến lý tưởng nầy bằng những hình thức hư ảo.

Vậy ta có thể vươn tới lý tưởng nầy bằng cách nào?

1. Những phương thức sai lầm

Những luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giêsu muốn nâng cao giá trị của mình bằng cách làm những việc đạo đức bề ngoài cốt để cho người ta thấy; họ "đeo những hộp kinh lớn hơn người khác trên trán, mang những tua áo dài hơn mọi người chung quanh, ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm những hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và mong được thiên hạ gọi là thầy."

Các môn đệ Chúa Giêsu có lúc cũng muốn nâng cao giá trị của mình qua nhiều cuộc tranh luận để xác định giữa các ông, ai là người lớn nhất. (Mc 9,33-37. Lc 9,46-47)

Và rồi một bữa nọ, tưởng lầm rằng mai đây Chúa Giêsu sẽ được lên ngôi cao, hai anh em Gioan và Giacôbê cùng với mẹ là Bà Dê-bê-đê đến nài xin Chúa Giêsu cho mình được ngồi bên hữu và bên tả ngai vinh hiển của Người. Nghe vậy, mười môn đệ kia bất bình ra mặt với Gioan và Giacôbê, vì chưa gì mà hai anh em nầy đã toan tính nắm giữ hai chiếc ngai mà họ cũng đang ngấp nghé. (Mc 10, 35-41)

Trong xã hội hôm nay cũng thế, ai cũng muốn được trọng vọng, được tôn vinh, được nâng cao bằng cách nầy hay bằng cách khác.

2. Đâu là phương cách thực sự mang lại giá trị cho đời người

Giá trị con người không tuỳ thuộc vào của cải hay địa vị xã hội như những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu tưởng lầm. Họ tưởng rằng hễ "đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, được ngồi vào chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm được hàng ghế đầu trong hội đường, được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy" là có giá trị trước mặt mọi người. Thật ra, giá trị con người không do những thứ nêu trên đem lại.

Giá trị con người cũng không tuỳ thuộc vào ghế cao, ghế thấp, vào địa vị công danh như hai môn đệ Gioan và Giacôbê lầm tưởng, nhưng giá trị đó tuỳ thuộc vào phẩm chất và lòng đạo đức của con người.

Qua Công Đồng Vaticano II, Giáo Hội minh định: "Giá trị con người không tuỳ thuộc nơi "tôi-có" (= bản thân ta và những gì ta sở hữu) mà tuỳ thuộc nơi "tôi-là" (= bản chất đích thật của ta)".

Biệt thự của ta, xe hơi sang trọng của ta, chức vụ và quyền hạn lớn lao của ta... không làm cho ta có giá hơn những người không nhà, không xe, không địa vị, không chức quyền. Chỉ có phẩm chất cao đẹp và lòng đạo đức (nếu có) của ta mới có thể làm cho ta có giá trị hơn người khác mà thôi.

Nhân dịp nầy, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ, các luật sĩ và biệt phái và cho cả chúng ta biết phương thế đích thực để làm cho mình nên cao trọng. Đó là hạ mình phục vụ tha nhân như người tôi tớ: "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em" (Mc 10, 43. Mt 23,11)

Lời dạy nghe thật ngược đời, khó được mấy ai chấp nhận, nhưng đó là chân lý!

Cuộc đời Mẹ Têrêxa Calcutta minh chứng điều đó.

Mẹ Têrêxa sinh ngày 26 tháng 8 năm 1910 tại An-ba-ni nhưng trải qua phần lớn đời mình trên mảnh đất Calcutta của Ấn-độ, từ đó, Mẹ được mang danh hiệu Têrêxa Calcutta. Mẹ đã hiến thân làm tôi tớ phục vụ những mảnh đời cùng khổ nhất trên thế gian nầy nên Mẹ trở thành người phụ nữ được trọng vọng và yêu mến nhất trên thế giới.

Năm 1975, kỷ niệm 25 năm mẹ Têrêxa lập Dòng Thừa Sai Bác Ái, các vị đại diện của18 tôn giáo đã họp nhau tại Calcutta để tham dự tuần lễ cầu nguyện, cảm tạ Thượng Đế vì sự đóng góp của một người phụ nữ mang danh "Thừa Sai Bác Ái".

Năm 1996, quốc hội lưỡng viện của Hoa Kỳ nhất trí phong tặng mẹ danh hiệu "Công Dân Danh Dự" của Hoa Kỳ. Mẹ là nhân vật thứ tư trên thế giới được ban tặng danh hiệu nầy.

Ngày 5-9-1997, Mẹ Têrêxa qua đời tại Calcutta, Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ tổ chức an táng trọng thể Mẹ Têrêxa theo nghi thức quốc táng, một vinh dự từ trước tới nay chỉ dành cho các lãnh tụ hàng đầu của đất nước có nhiều công trạng với quốc gia.

Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được Giáo Hội nâng lên hàng Chân Phước. Mẹ là người được phong Chân Phước nhanh nhất trong lịch sử Giáo Hội từ trước đến nay: chỉ 6 năm sau ngày qua đời! Trước Mẹ, hai vị được phong chân phước nhanh nhất là Thánh Gioan Bosco và Thánh Maximilian Kolbe cũng phải mất đến 30 năm.

Cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ Têrêxa Calcutta minh chứng lời dạy của Chúa Giêsu là chân lý.

Ước gì mỗi người chúng ta thôi tìm kiếm vinh quang cho mình bằng những hình thức hư ảo của những hạng người nông nổi, nhưng biết dấn thân phụng sự tha nhân theo lời dạy của Chúa Giêsu và theo gương Chân Phước Têrêxa Calcutta để cho thế giới nầy được ấm lên bằng lửa yêu thương và hạnh phúc hơn bằng tinh thần phục vụ.



5. Các kinh sư và Pharisiêu giả hình - JKN

Câu hỏi gợi ý:

1. Động lực căn bản nào khiến những người Pha-ri-siêu hành động như vậy? Ta có bị thúc đẩy bởi động lực đó không?

2. Nếu mọi việc tốt đẹp ta làm đều làm nhằm để được tiếng khen, để được ca tụng, thì người khác có nghĩ rằng ta tốt, ta đạo đức không? Thiên Chúa sẽ đánh giá ta thế nào? Trước mặt Ngài, đạo đức của ta là đạo đức gì?

3. Muốn thánh thiện đích thực, ta phải xây dựng sự thánh thiện đó trên nền tảng nào?

Suy tư gợi ý:

1. Tật xấu chung của con người: muốn được mọi người nể phục tôn trọng, muốn được hơn người khác

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy ngay hai phần rõ rệt diễn tả hai tinh thần đối chọi nhau. Phần đầu nói lên tinh thần “phình to bản ngã” của người Pha-ri-siêu, thích đặt nặng “cái tôi”, đưa “cái tôi” của mình lên trên “cái tôi” của người khác. Còn phần sau là tinh thần “tự hủy” của Đức Giêsu, là tinh thần từ bỏ mình, quên mình, xả kỷ, đặt “cái tôi” của mình dưới “cái tôi” của kẻ khác.

Tinh thần “phình to bản ngã” không chỉ là tâm lý của những người Pha-ri-siêu, mà còn là tâm lý của đại đa số nhân loại chúng ta. Chúng ta thích được mọi người nể phục, ca tụng, đề cao; thích khoe những ưu điểm, thành tích của mình; thích có địa vị hay quyền lực trong xã hội hay Giáo Hội; thích được người khác phục vụ, qụy lụy; ai nói đụng chạm đến mình thì tỏ ra bực bội; thấy những người chung quanh hơn mình thì đâm ra buồn nản, ganh tức, v. v.. Tâm lý như thế là tâm lý rất bình thường, không mang tính bệnh hoạn. Nó chỉ trở thành bệnh hoạn khi trở nên quá đáng, nghĩa là ước muốn được hơn người trở thành một nỗi ám ảnh, hay biến ta thành một người đầy tham vọng, và muốn thỏa mãn những mong ước ấy với bất cứ giá nào, bất chấp phải làm những điều trái lương tâm... Tình trạng bệnh hoạn ấy sẽ khiến tâm hồn ta thường xuyên mất bình an và làm người khác khó chịu.

Muốn nên thánh, ta phải vượt lên trên tâm lý bình thường ấy. Nếu ta thắng vượt được tâm lý đó, thì ta đã trở nên hơn người bình thường một bậc. Và lên được bậc này là lên được bậc căn bản nhất để nên thánh rồi. Thật vậy, không ai có thể nên thánh nếu vẫn còn trong tình trạng tâm lý coi “cái tôi” của mình là “cái rốn của vũ trụ”, là hơn hết mọi người, và coi ý riêng, ý kiến, quyền lợi mình cao hơn ý riêng, ý kiến, quyền lợi người khác.

2. Coi chừng kẻo thứ đạo đức của ta đang được xây dựng trên tâm lý muốn “phình to bản ngã”

Khi ta tự đặt ta cao hơn người khác hoặc những gì của ta cao hơn của người khác thì ta cũng mong muốn, thậm chí đòi hỏi người khác phải coi ta hơn bản thân họ, hoặc những gì của ta hơn của họ. Một người luôn đặt nặng “cái tôi” của mình như thế vẫn có thể được mọi người coi là đạo đức, thậm chí là “đạo cao đức cả”, nhờ tuân giữ chi tiết và hoàn hảo các luật lệ tôn giáo, hoặc làm được những việc phúc đức lớn lao như những người Pha-ri-siêu thời Đức Giêsu. Họ sẵn sàng tuân giữ mọi quy luật tôn giáo, làm những hành động tốt, không phải vì mến Chúa yêu người, mà vì muốn được mọi người chung quanh nể phục, ca tụng, coi mình là người đạo đức, và nhờ đó, tín nhiệm mình, tôn mình lên những địa vị cao trong xã hội hay Giáo Hội.

Nhưng trước con mắt Thiên Chúa, tinh thần “phình to bản ngã” ấy làm hỏng tất cả những gì có vẻ tốt đẹp của họ. Tinh thần ấy đã biến những hành vi đạo đức như đọc kinh cầu nguyện, làm phúc bố thí, có vẻ yêu thương… thành những hành vi vị kỷ. Vì những hành vi ấy không xuất phát từ động lực yêu thương. Trước mặt Thiên Chúa, giá trị đạo đức của một hành động phần rất lớn hệ tại động lực thúc đẩy: càng vị tha, càng vì yêu thương thì càng có giá trị, còn càng vị kỷ thì càng giảm giá trị. Điều này thánh Phao-lô nói rất rõ: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Những hành vi ấy, cho dù vĩ đại, có vẻ đầy tình thương, hay đem lại lợi ích cho rất nhiều người khác, nhưng vì không được thúc đẩy bởi động lực yêu thương, nên chẳng có giá trị trước Thiên Chúa, và chẳng đem lại lợi ích tâm linh cho ta. Khi làm vì ta, thì ta đã đạt được những lợi ích trần thế, nghĩa là “đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,5b).

Chính trong viễn ảnh này mà câu Kinh Thánh sau đây trở nên dễ hiểu: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?... Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,22-23). Việc nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ, tự bản chất đều là những việc đạo đức, nhưng nếu làm với động lực vị kỷ chứ không phải vì yêu thương, thì chẳng có giá trị gì về tâm linh. Nếu dựa vào những việc đạo đức kém giá trị ấy để lên mặt tự hào và khinh khi người khác, thì những việc ấy lại trở thành tội ác! Vì thế, muốn nên thánh, ta cần phải thường xuyên thanh luyện động lực khi làm những điều thiện, những việc đạo đức.

3. Sự thánh thiện đích thực được xây dựng trên nền tảng tự hủy, quên mình, xả kỷ, yêu thương

Thứ đạo đức của người Pha-ri-siêu được xây dựng trên nền tảng “phình to bản ngã”, nên đó là thứ đạo đức giả, có thể được người đời lầm tưởng mà đánh giá cao, nhưng trước mặt Thiên Chúa chẳng có giá trị gì. Đức Giêsu muốn chúng ta, những kẻ theo Ngài, là những người đạo đức thật sự. Nghĩa là đạo đức của ta phải được xây dựng trên nền tảng tự hủy và yêu thương. Ngài khuyên chúng ta đừng ham được mọi người gọi mình là “ráp-bi”, là “cha”, là “thầy”, là “người lãnh đạo”... nghĩa là đừng ham được mọi người nể phục, kính trọng, đề cao, đừng khao khát quyền lực, địa vị... Hãy tự coi mình là một số không, chẳng có gì đáng tự hào, đáng cậy công... Vì xét cho cùng, ta chẳng có một điều gì có giá trị do tự ta làm ra cả. Tất cả những gì có giá trị nơi ta đều đến từ Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7).

Khi ta tự hào với người khác về đạo đức, tài năng, lòng can đảm... thì điều ấy giả thiết rằng ta đã tự coi những thứ tốt đẹp ấy là do ta chứ không phải do ai khác. Thế là ta đã trở thành kẻ vô ơn đối với Thiên Chúa, vì không gì ta có mà không phải do Ngài ban. Gioan Tẩy giả nói với những người Pha-ri-siêu: “Đừng tự hào rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham” (Mt 3,9). Cũng vậy, Thiên Chúa có thể biến những kẻ vô dụng, hèn kém nhất trong thế gian này, những kẻ mà ta đang khi rẻ thành những kẻ đạo đức và tài năng hơn ta. Và Ngài cũng có thể giảm các ân huệ Ngài vẫn ban cho ta, lập tức lúc đó ta trở thành kẻ không ra gì. Biết bao người đang được mọi người coi là cao cả mà chỉ vì bị mất ơn Chúa đã trở thành kẻ tầm thường! Như vậy, người hiểu biết và khôn ngoan đích thực sẽ không bao giờ dám tự hào về mình điều gì. Thánh Phao-lô khuyên: “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1,31; x. 2Cr 10,17).

Một người đạo đức thật sự sẽ không “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (Mt 23,5), “cốt để người ta khen” (Mt 6,2) như những người Pha-ri-siêu, mà trái lại sẽ làm theo lời khuyên của Đức Giêsu: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3); “khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (6,6). Những việc tốt đẹp ấy nếu ta không làm vì ta, để vinh danh ta, mà làm vì yêu thương, vì ích lợi của tha nhân, thì dù nhỏ mọn, chúng vẫn có giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa. Còn nếu làm vì ta, để được khen, được nể phục, thì việc ấy dù có lớn lao đến đâu, cũng trở nên vô giá trị trước Thiên Chúa, bất chấp chúng được người đời ca tụng thế nào. Vậy chính tinh thần tự hủy, quên mình, xả kỷ, vị tha khi hành động mới làm cho hành động của ta có giá trị, và giúp ta nên thánh thật sự.

Cầu nguyện

Tôi nghe Thiên Chúa nói với tôi: “Cha dựng nên con từ hư vô, và dựng nên người khác cũng từ hư vô. Tự bản chất và tự bản thân con, con chẳng hơn người khác một chút nào. Ngược lại người khác cũng chẳng hơn con chút nào. Con có hơn người khác được điều gì, thì do chính Cha đã ban đủ ơn để con hơn được như vậy. Thế thì con có lý do gì để lên mặt với những kẻ thua kém con? Rất có thể một lúc nào đó, Cha sẽ lại cho những kẻ kém con, những kẻ con khinh thường ấy hơn con. Tốt hơn là con hãy quên con đi, đừng tự coi mình là gì cả. Chính thái độ ấy làm cho con trở nên cao cả trước mặt Cha, làm đời sống con hạnh phúc và tốt đẹp biết bao! Cha mong con có thái độ ấy”.

 

 

6. Chú giải của Noel Quesson


Các kinh sư và người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ...

Bản văn này là một phần cuộc tranh luận mạnh mẽ giữa Đức Giêsu với những quyền bính tôn giáo ở Giêrusalem: cuộc khổ nạn sắp đến gần và chúng ta biết rằng sự khước từ của các thân hào ở thủ đô là một trong những nguyên nhân cái chết của Đức Giêsu.

Vào thời kỳ Mátthêu viết Tin Mừng của ngài, cuộc tranh luận nổ ra một cách bi thảm: Sau khi Đền thờ bị phá hủy vào năm 70, các người Pha-ri-sêu đã trở thành nhóm duy nhất còn tồn tại có tổ chức... và được quy tụ lại ở Giam-ni-a (Giáp nê), họ chính thức tuyệt thông với những người Do Thái theo Kitô giáo, coi những người này như những người lạc giáo và trục xuất họ ra khỏi Hội Đường Do Thái.

Những nhận xét về lịch sử này, tuy vậy, không cho phép chúng ta nghĩ rằng Matthêu chỉ đơn thuần nghĩ ra các cuộc tranh luận chống Pha-ri-sêu ấy. Đức Giêsu rõ ràng đã chết vì chống đối lại một số thủ lãnh tại thủ đô. Điều đó không có nghĩa là tất cả những người Pha-ri-sêu đều đáng bị lên án. Và trong bất kỳ trường hợp nào, điều đó không thể nuôi dưỡng một cuộc bút chiến chống Do Thái. Vả lại chúng ta nhận thấy rằng, trong câu đầu tiên Đức Giêsu khuyên "thực hành và tuân giữ những điều các kinh sư và Pha-ri-sêu giảng dạy". Vì thế Người thừa nhận họ có thẩm quyền trong kiến thức về Luật của Thiên Chúa. Đức Giêsu không phê phán học thuyết và những nguyên tắc của người Pha-ri-sêu. Người yêu cầu chúng ta áp dụng những điều họ dạy.

Nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm.

Nếu Đức Giêsu tán đồng lý tưởng mà các Pha-ri-sêu đòi hỏi, thì Người lại trách họ rõ ràng đã không đem lý tưởng đó ra thực hiện cho đủ. " Vậy có một sự nghịch nghĩa khi tiếp thu tư tưởng của Đức Giêsu để biện minh cho thái độ bừa bãi trên bình diện thực hành tôn giáo. Người ta còn nghe quá nhiều những lời biện minh dễ dãi: "Tôi không đi dự thánh lễ bởi vì các Kitô hữu không tốt hơn những người khác... đó là những người Pha-ri-sêu! Chính Đức Giêsu không phê bình những người Pha-ri-sêu vì họ "thực hành" quá nhiều nhưng vì họ thực hành không đủ lý tưởng của họ.

Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.

Chúng ta thấy lại một nét nổi bật của Đức Giêsu: Người bênh vực những người nhỏ bé, nghèo nàn, yếu đuối. Các kinh sư là những học giả. Ngày nay hẳn người ta gọi đó là những nhà trí thức, những người biết rành về Kinh Thánh. Những người Pha-ri-sêu đúng ra là những người sùng đạo. Ngày nay, người ta sẽ nói đó là những chiến sĩ, những người dấn thân để biến đổi xã hội. Nguy cơ lớn của học giả và người quảng đại là họ rất đòi hỏi những người khác khi áp dụng những nguyên tắc cao cả của họ cho các tập tục bên ngoài, thay vì xét lại chính bản thân mình. Canh tân người khác luôn luôn dễ hơn hoán cải chính mình.

Lạy Chúa, xin giúp đỡ chúng con luôn sống nhân từ với người khác và khắt khe với chính chúng con. Xin làm cho chúng con gánh bớt gánh nặng của người khác và chớ để chúng con thành một gánh nặng cho những người xung quanh chúng con.

Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội trường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.

Những hộp kinh là những hộp nhỏ chứa những bản văn Kinh Thánh mà người ta dùng dây cột ở trán và cổ tay: đó là một cách để nhớ lại lời Chúa (Xh 13,9-16; Đnl 6,8-11,18). Những tua áo ở lai áo cũng là một cách để nhắc người ta nhớ đến những điều răn của Thiên Chúa (Ds 15,37; Đnl 22,12).

Tập tục này giống với tục lệ đeo huy chương, vòng cổ, nhẫn.

Đức Giêsu không lên án những tập tục này tự nó. Chính Đức Giêsu cũng mang những tua áo (Mt 9,20; 14,36). Nhưng ở đây Đức Giêsu công kích thói tự kiêu vặt vãnh về tôn giáo: Người ta khoe khoang lòng sùng đạo của mình. Người ta tìm cách để được chú ý. Người ta đặt mình ra trước, chạy theo vinh hoa, phô trương thói kiêu căng hão huyền, tìm kiến những đặc ân đặc quyền. Tất cả đều là một khuyết điểm mà thời nào cũng có. Mỗi thời đại theo cách của thời đại đó.

Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi".

Công thức này chỉ cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu hơn tất cả những người Pha-ri-sêu của thời Người và quả thật, đây là lời Người nhắc nhở các môn đệ của mình. Thay vì lúc nào cũng áp dụng Tin Mừng cho những người khác, ví dụ như thay vì lên án những người giảng đạo nói mà không làm “bó những gánh nặng mà chất lên vai các tín hữu" thì chúng ta phải trở lại với chính mình: Phần anh em, đừng bắt người ta tôn xưng mình, cho mình được hưởng đặc quyền.

Còn tôi, cái cách của tôi làm cho tôi rơi trong sự lệch lạc ấy là gì?

Vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em là anh em với nhau.

Đức Giêsu lên án thói tự phụ rằng chúng ta phải là những người nắm giữ chính thức học thuyết đúng nhất. Chỉ một mình Thiên Chúa mới dạy chân lý tuyệt đối. Phần chúng ta, chúng ta chỉ đến gần chân lý ấy mà thôi. Còn tất cả anh em là anh em với nhau, Công thức này ngắn gọn, đầy những yêu sách. Đây là một yêu cầu về sự bình đẳng sâu xa giữa chúng ta với nhau: Một lần nữa, tôi phải áp dụng cho chính tôi những lời ấy: tôi có xu hướng muốn thống trị ai? Tôi có xu hướng muốn nhìn ai một cách ngạo nghễ, muốn khinh bỉ, phán xét ai?

Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.

Mỗi lần mà Đức Giêsu truyền cho chúng ta có những thái độ trên bình diện đạo đức (làm điều này... không làm điều kia...), Đức Giêsu đều dùng các thái độ và xác tín của đức tin để nâng đỡ chúng. Ở đây yêu sách về sự bình đẳng bắt nguồn trong sự phụ thuộc của chúng ta trước Thiên Chúa. Đức Giêsu không đòi bãi bỏ mọi phẩm trật, quyền bính, tình phụ tử nào có thể thay thế cho Thiên Chúa. Đây là một yêu sách triệt để của tự do? Mọi con người đều có quyền gặp Thiên Chúa một cách trực tiếp. Không một thế phẩm nào được thay thế cho Đấng Duy Nhất, Đấng có thể cứu chuộc con người. Vâng, đối với Đức Giêsu việc gặp gỡ tình yêu của Chúa Cha, ở trên trời rất quan trọng đến độ mọi tấm chắn kính lọc, mọi sản phẩm thay thế mọi thế phẩm bất kỳ nào xem ra đều có hại. Đừng gọi ai dưới đất này là "cha"! Chắc chắn người ta có thể cho một người tước hiệu này nhưng không nên vì thế mà bị giam hãm trong mối quan hệ ấy, và trở thành ấu trĩ như trẻ con. Đức Giêsu biết rằng "chỉ có" Thiên Chúa mới là Thiên Chúa.

Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô

Đây cũng là lời cảnh báo tương tự không nặng được nhắc lại dưới những hình thức khác nhau. Xuyên qua những công thức ấy, chúng ta đã chẳng có thể khám phá chính điều chủ yếu của lời giáo huấn sao? Người lãnh đạo không phải là người lôi kéo người khác đến với mình nhưng lôi kéo người khác đến với chân lý.

Nhà giáo dục Kitô giáo, theo một ý nghĩa sâu xa hơn chỉ thật sự thành công trong việc giáo dục nếu người ấy có thể dẫn học trò mình bước vào quan hệ trực tiếp với Đức Giêsu. Trách nhiệm của cha mẹ, các nhà giáo dục và các linh mục vì thế rất nặng nề và kỳ diệu: một ngày kia họ phải tự quên mình là "thầy", bởi vì học trò mình đã tìm thấy vị Thầy duy nhất, vị "Lãnh đạo" duy nhất. Cuối cùng, một người dạy giáo lý chỉ đạt được mục đích khi dẫn đưa người học giáo lý đến kinh nguyện cá nhân để gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa. Và một nền giáo dục chỉ thật sự đạt được mục đích của nó nếu người được giáo dục một ngày kia có thể không cần đến nhà giáo dục nữa để hướng dẫn cuộc đời mình trong sự tự do hoàn toàn và dưới cái nhìn nội tâm của vị Thầy duy nhất.

Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ xuống, sẽ được tôn lên.

Công thức này làm ngạc nhiên, dễ nhớ vì tính chất nghịch lý, là một trong số những câu mà Đức Giêsu đã phát biểu. một cách rõ ràng dễ nhớ nhưng người ta không thể xác định vào thời điểm chính xác nào trong sự giảng dạy của Người. Thật vậy, người ta tìm thấy câu ấy trong những văn cảnh khác nhau. Trong Matthêu (20,26) để gạt bỏ tham vọng của các con trai ông Dêbêđê: Trong Luca (14,11), để mời gọi các môn đệ không nên chọn chỗ nhất ở bàn tiệc. Trong Luca (18,14), để phục hồi danh dự cho người thu thuế trước sự tự mãn của người Pharisêu. Dù sao, tư tưởng ấy chắc chắn là một xác tín của Đức Giêsu mà Người đã không ngừng nhắc lại trong những trường hợp khác nhau.

Do đó nó không phải là một phương tháp hành văn của các tác giả Tin Mừng nào. Dẫu sao công thức ấy mạnh mẽ và tra hỏi chúng ta những bản năng tự tôn của tôi là gì? Những công việc phục vụ của tôi là gì?

 

 

7. Chú giải của Fiches Dominicales


TRONG HỘI THÁNH, CHỨC VỤ LÀ ĐỂ PHỤC VỤ, THEO GƯƠNG ĐỨC GIÊSU TÔI TỚ

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Thi hành chức vụ…

Thay vì làm cho những đối thủ của Đức Giêsu im tiếng, ba dụ ngôn về ngày chung thẩm mà chúng ta đã suy niệm trong các ngày Chúa nhật thứ 26, 27 và 28, lại làm nổ ra một loạt những tranh luận, trong đó bọn họ bắt tay nhau và thay phiên nhau giăng những cạm bẫy hòng để Đức Giêsu mắc vào. Trước hết, trong Phúc âm Chúa nhật thứ 29, là mưu mô của "môn đệ nhóm Biệt phái và những người thuộc phe Hêrôđê": “Có nên nộp thuế cho hoàng đế hay không. Họ nêu lên câu hỏi, chắc ăn là sẽ bắt được con tôm. Nhưng Đức Giêsu chẳng dại gì để mình rơi vào thế lưỡng nan, Người chuyển hướng vấn đề, và dựa vào hình khắc trên đồng tiền người ta trao cho, Đức Giêsu tuyên bố: "Hãy trả cho César những gì thuộc về César, và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa". Một câu trả lời làm cho những kẻ hạch hỏi phải im tiếng: "Mọi người đều sửng sốt và rút lui". Thứ đến, một đoạn không có trong bài đọc năm A, là thủ đoạn của những người thuộc phái Sadducée, "những kẻ không tin có sự sống lại". Bằng câu chuyện tưởng tượng về một người đàn bà với bảy đời chồng, họ nắm chắc phen này sẽ giễu cợt được Đức Giêsu và niềm tin vào sự sống lại. Nhưng Đức Giêsu bắt họ phải quay về với mặc khải của Thiên Chúa trong câu chuyện bụi gai bốc lửa trong sách Xuất Hành, chương 3: Người là Đấng tự xưng mình là "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob, không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là Thiên Chúa của người sống.

Nghe tin Đức Giêsu đã "khoá miệng những người Sadducée", các ông Biệt Phái lại tấn công Chúa. Lần này họ kéo đến cả nhóm: Thưa Thầy-một người trong bọn họ, một tiến sĩ luật, lên tiếng vạn hỏi Chúa- điều răn nào là điều quan trọng nhất. ("Đức Giêsu đã trả lời bằng cách liên kết chặt chẽ hai giới luật mến Chúa và yêu người. Người kết luật: "Tất cả sách Thánh, gồng Lề luật là các Ngôn sứ, đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy. Các đối thủ của Chúa, sau khi đã ê chề với kết cục của ba cuộc tranh luận, không còn dám hạch hỏi Chúa điều gì nữa". Đức Giêsu đã lật ngược thế cờ, chính những kẻ giăng bẫy để kết tội Chúa nay lại bị Người vạch tội. Người không hề có ý xem thường quyền bính của những bậc "ngự toà Môsê" và nắm giữ nhiệm vụ giải thích lề luật, nhưng chỉ muốn vạch trần cho họ thấy sự bất nhất giữa cái nói (giáo huấn) và cái làm của họ: "Họ chỉ biết nói mà không làm". Lợi dụng quyền giải thích Luật của Môsê, họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng mà bản thân họ không hề đụng vào. Hoàn toàn trái ngược với Đức Giêsu, người "chu toàn" Lề Luật, nhưng lại tỏ ra dịu dàng, ân cần đối với những ai phải mang gánh nặng nề (Mt 11,28-30). Cho mình là mẫu mực của thiên hạ - có thể họ chân thành nghĩ thế - "họ luôn làm mọi việc tốt để cho mọi người thấy". Họ lo tô điểm cái vỏ bên ngoài - vỏ đạo đức vỏ địa vị xã hội- hơn là làm sao để lời nói và việc làm của mình đi đôi với nhau.


"Hộp kinh": Đó là những túi da đựng những đoạn Kinh Thánh mà mọi người Do Thái đạo đtíc thời đó cũng như nay thường mang trên cánh tay trái và trên trán của mình mỗi lần cầu nguyện. Vì sợ người ta thấy không rỏ, nên họ đã nới những hộp kinh này ra quá khổ. "Tua áo”: Đó là những chùm len may ở bốn góc của áo ngoài mà những người Do Thái ngoan đạo thời đó cùng như Đức Giêsu, đã mang và ngày nay cũng thế, để thường xuyên nhớ đến các giới răn của Chúa. Những tua áo ấy cũng có kích thước quá phô trương. Danh vọng, địa vị là những thứ họ đặc biệt thèm khát: Họ háu ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, và được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng là được thiên hạ gọi là ráp bi.

2. Để phục vụ theo gương Đức Giêsu:

Khi viết Phúc âm, vị thánh sử muốn kể lại những câu chuyện về Đức Giêsu, bằng cách thời sự hoá chúng lại cho các cộng đoàn Kitô hữu hôm nay đang sống trong những năm 80. Những cộng đoàn ấy đang gặp chống đối và bách hại từ phía hội đường Do thái, những cộng đoàn ấy đang có nguy cơ bị lay nhiễm virút Biệt phái, và một số người có trách nhiệm trong đó đang mở ra cho thấy một thứ tinh thần kẻ cả rỗng tuếch. Thánh Matthêu cũng thế, sau khi đã gom góp những lời của Đức Giêsu nói với các luật sĩ và biệt phái giả hình, ông liền thuật lại những điều Chúa dạy nhằm xác định đâu là những nét đặc thù của việc thi hành quyền bính trong cộng đoàn "các môn đệ" của người. Đó là:

Tình huynh đệ: "Tất cả anh em đều là anh em với nhau”. “Anh em" là từ thông dụng nhất xuyên suốt cả Tân ước, để gọi thành viên của cộng đoàn Kitô hữu, nghĩa là của gia đình Hội Thánh. Do đó phải dứt khoát loại trừ tính kẻ cả, tinh thần tự mãn, làm cho những ai đang thi hành một tác vụ hay một chức năng trong Hội Thánh quên đi họ cũng chỉ là một người anh em giữa các anh em của mình. Lòng đơn sơ: "Anh em chỉ có một Vị Thầy là Đức Kitô anh em chỉ có một Cha, Đấng đang ngự trên trời”? những danh xưng mà người ta có thể dành cho những vị có trách nhiệm trong cộng đoàn Hội Thánh, không bao giờ được phép che khuất tính cách là con một Cha duy nhất mà người Kitô hữu tuyên xưng, tư cách của các vị lãnh đạo trong Hội Thánh bắt buộc phải là một hiện diện phục vụ, và hoàn toàn là một phản ánh trong suốt về Đấng Duy Nhất (Assemblées du Seigneur, số 62, trang 31). Tinh thần phục vụ: Người lớn nhất trong anh em, phải là người phục vụ. Mọi chức vụ trong Hội Thánh từ nay đều phải được thi hành theo gương Đức Giêsu là Thầy và là Chúa, nhưng lại "hạ mình xuống" và làm đầy tớ phục vụ các anh em của Người (cf. Rửa chân các môn đệ)


BÀI ĐỌC THÊM:

1. “Một trách nhiệm phục vụ”.

 (L. Daloz, trong "Le règne de Dieu s'est approché", Centurion, trang 315).

Đức Giêsu khiển trách những người Luật sĩ và Biệt phái vì họ tự cho mình hơn kẻ khác, và muốn tỏ mình ra hơn kẻ khác: họ nới rộng hộp kinh, nối dài tua áo, nghĩa là họ muốn những thứ đó của họ phải nổi bật hơn của người... Họ muốn khoe mình đạo đức, sốt sắng với Chúa và với lề Luật hơn; Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi giữa nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp bi"... Lời mô tả của Đức Giêsu thật rõ ràng, dễ sợ, không bỏ qua điều gì. Ngược lại, chúng ta hãy nghe những gì Người căn dặn các môn đệ: đừng đễ ai gọi mình là "ráp bi", đừng gọi ai dưới đất là cha, đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo. Ở đây cũng thế: tất cả đều rõ ràng! Dĩ nhiên chúng ta không nên hiểu theo nghĩa sát mặt chữ: nếu như thế lại phải thêm dài dài không biết bao nhiêu danh xưng khác nữa mới đủ! Tuy vậy, điều rất quan trọng các môn đệ của Đức Giêsu không bao giờ được quên, là đừng để mối tương quan giữa họ với nhau rập khuôn theo kiểu tương quan của xã hội họ đang sống. Cách con người liên hệ với Thiên Chúa luôn ảnh hưởng tới tính chất của mối liên hệ giữa người với nhau. Nó cho thấy rằng mọi địa vị của con người, mọi chức vụ trong xã hội và cả trong gia đình, mọi trách nhiệm... đều phải ở trong thế hệ thuộc với một Đấng vừa là Tạo Hoá vừa là Cha của mọi người. Và không một thứ quyền bính nào có giá trị nếu không qui chiều về người: Thử hỏi nhân danh cái gì một con người tư cho mình ở bên trên một con người khác, cũng mang hình ảnh Thiên Chúa như mình, đòi kẻ đó phải phục vụ và vâng lời mình? Bởi chỉ có một Thầy, một Cha, và một Người Cha Đạo duy nhất! Và do việc chúng ta chỉ có Thiên Chúa là Cha, nên tất cả loài người chúng ta đều bình đẳng như nhau trong cùng một nhà: "Tất cả anh em đều là anh em với nhau!”. Quyền bính, chức cả, đều chỉ là những trách nhiệm phục vụ. Chỉ trong phục vụ, chúng mới có lý do tồn tại: "Kẻ làm lớn trong anh em sẽ là người phục vụ. Chúng ta có thể là những danh hiệu của tình yêu; là ánh phản chiếu chính uy quyền và sự cao cả của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã cho thấy rõ điều đó khi Người hạ mình xuống làm người đầy tớ đau khổ và vâng phục. Mẫu gương đó của Chúa đã từ nay trở nên quy luật cho mối tương quan giữa các môn đệ với nhau: "Ai treo mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.

2. “Ở bên các gia đình đang gặp tang chế: một sứ mạng của Hội Thánh, một phục vụ huynh đệ”

(do một nhóm thành viên cộng tác thuộc giáo phận về mục vụ bí tích và phụng vụ của vùng truyền giáo phía Tây, trong "Vers la lumière" (CRER, Angers).

"Ai có trách nhiệm?"

"Tất cả mọi người thuộc cộng đoàn Dân Chúa đều phải ý thức trách nhiệm của mình trong việc cử hành an táng. Tất cả không cùng một danh nghĩa như nhau, nhưng mỗi người có phần mình tuỳ hoàn cảnh và tuỳ chức vụ của mình (...). Cả cộng đoàn nói chung cũng có vai trò của nó. Cả cộng đoàn được mời gọi làm chứng về niềm hy vọng và niềm tin của mình vào sự phục sinh. Vấn đề không phải là tìm cách đưa người giáo dân thế chỗ của linh mục, nhưng làm sao để họ hợp tác vào việc trình bày một Hội Thánh tôi tớ.

1. Hai thái độ phải có: Một hiện diện huynh đệ: Khi có người qua đời trong khu xóm, trường học, thôn làng, nhà máy... của mình, chẳng lẽ người Kitô hữu chúng ta không biết đến hiện diện, một cách thực tế, và đầy kính trọng sao? Mối liên hệ đơn sơ giữa người với người, sự quan tâm chân thành đến người khác, có khả năng làm dịu đi nỗi đau thương của cái chết. Đến đó, hiện diện và thinh lặng bên những con người đang đau khổ. Lắng nghe tiếng thở than, mỗi tức tươi sự câm nín của họ. Đây không phải là lúc để diễn thuyết hay dạy đời, nhưng là cơ hội để hiệp thông và đồng cảm, theo nghĩa trọn vẹn của nó.

2. Một chứng tá: Sự hiện diện như thế sẽ làm sáng tỏ giá trị của mọi cuộc sống, và làm chứng về sự trân trọng của Hội Thánh đối với tất cả những gì làm nên lịch sử của một đời người.

Những vai trò khác nhau: Tình trạng giảm sút số linh mục, sự nhìn nhận chỗ đứng của những người dã chịu phép thanh tẩy, ý thức về tính cộng đoàn trong mục vụ tang lễ, mời gọi mọi phần tử trong cộng đoàn Kitô hữu phải làm tròn nhiều vai trò khác nhau... trước khi cử hành (... ) đang lúc cử hành (... ) sau cử hành (... ) Sự ra đi của một người thân, một người bà con, một người hàng xóm hay một người bạn luôn là một biến cố đau thương. Người Kitô hữu trong cùng khu xóm đó không được phép tỏ ra hờ hững. Công tác mục vụ an táng của Hội Thánh là một yếu tố quan trọng cho việc loan báo Tin Mừng hôm nay. Tham dự vào lễ nghi an táng không phải là chuyện chẳng đặng đừng ở đời, nó là một phần của ơn gọi của những ai đã lãnh nhận phép Thanh Tẩy. Do đó khi ở bên những tang gia trong lúc bối rối, các Kitô hữu đang thi hành sứ mạng của họ: trong Hội Thánh. Có lẽ cần khẩn trương lên một kế hoạch đào tạo và thông tin cho các cộng đoàn Kitô hữu, sao để hình thành được những nhóm phụ trách tang lễ".

 

8. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt



THÓI GIẢ HÌNH VÀ KHOE KHOANG CỦA KÝ LỤC VÀ BIỆT PHÁI

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Khi ấy Chúa Giêsu nói với dân chúng và môn đồ của Người rằng".

Trong Tin Mừng Nhất lãm, Chúa Giêsu không ngỏ lời trực tiếp với Biệt phái, nhưng với dân chúng và các môn đồ. Điều này thật quan trọng, nó có nghĩa là Người không tấn công chính giáo thuyết Biệt phái, nhưng đúng ra tự đặt mình làm trung gian giữa dân chúng và thủ lãnh xưa nay của họ để giải phóng dân khỏi ách nặng nề mà tinh thần nệ luật của các thủ lãnh ấy đặt trên vai họ. Chắc hẳn vì chính việc chống đối này hơn là vì những điểm đặc thù trong giáo thuyết mà Chúa Giêsu đã bị đẩy vào chỗ chết; đối với các thủ lãnh của dân, Người chẳng những là một tên tà đạo nguy hiểm hay một tên cuồng phái, như nhóm Essêni, những người rất mực khinh bỉ "dân chúng" hay "đám đông” song còn là một kẻ thù trực tiếp chuyên chống lại toàn thể dân Thiên Chúa. Mt nhấn mạnh đến mối tranh chấp này giữa Biệt phái và Chúa Giêsu, vì ông muốn giải thích cho Kitô hữu biết tại sao Chúa Giêsu bị đẩy đến chỗ chết do chính Biệt phái là những kẻ điều khiển sinh hoạt Hội đường vào thời của Người.

"Ngự tòa Môisen":

Không nên hiểu động từ "ngự" theo nghĩa bút chiến, như thể Chúa Giêsu quả quyết rằng các Ký lục và Biệt phái chiếm ngự cách trái phép tòa Môisen. Ngược lại bản văn cho thấy là Chúa Giêsu không hề tấn công chính thế chế giáo sĩ, cũng như những kẻ mà Người tố cáo là ký lục giả hiệu. Người khiển trách một điểm khác. Trong Tân ước, từ ngữ kathodra, theo nghĩa tòa giảng sư, chỉ xuất hiện ở đây mà thôi (trong 21, 12 nó có nghĩa là bàn của những người buôn bán); tòa Môisen là tòa của các giáo sĩ, những người có nhiệm vụ giải thích áp dụng bằng cách khai triển luật Môisen.

"Họ nói mà không làm".

Trước tiên (nhưng không phải là lần duy nhất), Chúa Giêsu tố cáo địch thủ Người có thái độ bất nhất: giáo huấn họ có giá trị nhưng chính họ lại không trung thành; hữu hiệu tính của giáo huấn họ, trong văn mạch này, mặc hai khía cạnh: một đàng, các giáo sĩ là những người giảng dạy hữu quyền của dân chúng; đàng khác, mọi điều họ nói chẳng phải là sai. Ở đây chúng ta gặp một thái độ đúng là của Do Thái ki tô giáo, chứ không phải là cửa Do thái giáo; vì quả thực, chỗ khác, Chúa Giêsu tấn công chính "men" nghĩa là chính nội dung giáo thuyết giáo sĩ.

Tiếng số nhiều "hành vi của họ" chỉ tất cả tác phong của Biệt phái, chứ không ám chỉ đến một vài thái độ riêng biệt mà Chúa Giêsu khiển trách; ký lục và Biệt phái chẳng phải là gương mẫu xứng đáng của đoàn chiên. Dĩ nhiên, chớ quên rằng đây là một chân dung tập thể, chứ chẳng phải của một cá nhân nào. Vì có nhiều giáo sĩ giữ luật rất tỉ mỉ. Khi cựu Biệt phái Phaolô tự tuyên bố mình vô phương trách cứ trước Lề luật (Pl 3, 6), thì phải nói là ngài rất chân thành. Ở đây, sự nghịch lý là, một cách chính thức, truyền thống giáo sĩ đã luôn luôn nhạy cảm trước sự quàng xiên Chúa Giêsu tố cáo nơi đây: "Học, giữ và thực hành, ngoài ra không cớ gì khác nữa" (Sifré sur le Dt 47), "Ai học mà không thực hành, thì tốt hơn là nó đừng được sinh ra" (Sifré surle Lv 26, 3, 110), "...Torah đã được ban chính là để học, để dạy, để gìn giữ và để chu toàn" (sifré sur les Nb 115), "...Đẹp thay những lời phát xuất từ miệng những người thực hành chúng, đẹp thay người giảng dạy chúng và đẹp thay kẻ đem chúng ra thực hành" (Yebamot 8,4).


"Họ có những gánh nặng":

"Gánh nặng" mà Biệt phái chất lên vai người ta đối nghịch với "gánh nhẹ nhàng" của vị Thầy những người khiêm hạ (11, 30). Biểu tượng "gánh" gợi lên hình ảnh một tên nô lệ bị đè bẹp dưới sức nặng của một đồ vật mà người ta đây cột kỹ trên vai y nhưng lại không giúp y vác lấy Động từ "bó" chắc hẳn quy chiếu, theo nghĩa bóng, về các halakhot mà các giáo sĩ dùng để áp đặt cho dân những trói buộc lương tâm theo cách giải thích Kinh thánh của họ. Dầu sao, ở đây Tin Mừng không quan tâm đến tính cách nghiêm khắc của kỷ luật (Mt không ghét bỏ thứ kỷ luật đó cho lắm, x 23, 23), nhưng là đến thói giả hình cố ý tạo nên hai đấu: một đấu thuận lợi cho mình và một đấu đòi hỏi cho kẻ khác. Không phải sự bất lực hay tính yếu đuối của Biệt phái, nhưng là ý định xấu xa của họ bị tố cáo chỗ này (ou thelousin: họ không muốn); ta biết động từ "muốn" là một tràng những thuật ngữ của Mt.

"Mọi việc của họ, họ đều làm để được người ta thấy":

Yếu khoản tố cáo thứ hai: tính cách quy ngã của các hành vi Biệt phái làm. ở đây Mt lấy lại chủ đề và ngay cả ngữ vựng của phần thứ hai trong Diễn từ trên núi (6, 1-6. 16- 18). Như thường lệ, ý tưởng chính trước tiên được phát biểu (c. 5a) rồi được khai triển trong một vài thí dụ (c.5b-7).

"Thủ phù":

Đây là những hộp nhỏ hình vuông bằng da thuộc hoặc da bò con đựng những giải da dê mịn trên đó ghi 4 bản văn Kinh Thánh: Đnl 11, 13- 22; 6, 4- 9; Xh 13, 11 - 16; Xh 13, 2- 10. Thủ phù mặc một ý nghĩa tôn giáo rất cao nếu ta biết lý tưởng mà nó làm dấu hiệu: ghi nhớ không ngừng kỷ niệm của Lề luật Thiên Chúa và lời cam kết tuân theo luật đó. Từ năm 13 tuổi, trẻ em Do thái mang một thủ phù trên đầu và một ở tay trái vào buổi sáng những ngày thường, lúc giờ cầu nguyện, và đọc lên lời chúc tụng sau đây: "Lạy Giavê Thiên Chúa Vua vũ hoàn, chúc tụng Ngài đã thánh hóa chúng con bằng huấn lệnh Ngài và đã truyền cho chúng con mang lấy thủ phù đây". Bản văn chúng ta ám chỉ đến một thói quen của những người Do thái quá sùng đạo mang thủ phù cả ngày và nới rộng các giải kinh để dễ bề trông thấy. Chúa Giêsu không khiển trách việc các giáo sĩ mang thủ phù, nhưng khiển trách việc họ muốn lấy đó phô trương. Cũng thế đối với các tua áo, một thứ chùm lông (bằng len hay lụa) mà, theo quy định của Lề luật (Ds 15, 37- 39) mọi người Israel tốt đều phải mang ở bốn góc áo ngoài, như một lời nhắc nhở thường xuyên các giới răn, phải đem ra thực hành mà Chúa đã dạy. Biệt phái đã làm to đại các tua ấy vì muốn phô trương ta đây đạo đức.

"Chỗ nhất nơi hội đường":

Các chỗ nhất này xây lưng lại với tráp Lề luật và quảy mặt về phía dân chúng.

"Cùng bái chào ngoài công trường":

Theo quy luật của giáo sĩ, "người ta phải bái chào kẻ trối vượt hơn mình trong việc hiểu biết Lề luật"; thành thử, ưa được bái chào là ưa được công nhận như là trối vượt kẻ khác.

“Rabbi":

Hạn từ hy bá Rab (lớn), vào thời Chúa Giêsu, có nghĩa là "chúa"; người ta thường thêm một tiếp vị ngữ của ngôi thứ nhất: Rabbi (“chúa tôi"). Với thói quen, tiếp vị ngữ này dần dần mất ý nghĩa. Hình như vào hậu bán thế kỷ I, lúc Mt biên soạn Tin Mừng của ông, tiếng "rabbi " này được dùng để chỉ một chức vụ tương đương với chứ( "tiến sĩ") và,'trong nghĩa đó, dùng để gọi các thầy dạy tôn giáo và các chuyên viên lừng danh nhất về Lề luật.

"Còn các ngươi":

Đối xứng với ba thái độ kiêu căng vừa nêu là ba mệnh lệnh truyền dạy đức đơn sơ cho một nhóm người được chỉ định 8 lần (trong bản hy lạp) bằng đại danh từ "các ngươi". Chắc hẳn tiếng này không quy về dân chúng nói chung, nhưng về các môn đồ (x.c. 1) và qua họ, quy về những người hướng dẫn các cộng đoàn Kitô giáo. Qua cung giọng và lời văn, mấy câu này bổ túc cho "bảng hướng dẫn về đời sống tu đức và mục vụ" của chương 18. Trọng tâm của chúng không nằm trên việc cấm chế mọi phẩm trật trong Giáo Hội, nhưng trên các động từ "chớ cho gọi mình, đừng xưng hô ai "; chúng muốn tấn công chính lòng kính trọng đức giáo sĩ (rabbinat). Trong ngôn ngữ sêmita, "được gọi" thường tương đương với "là Do đấy câu 8 muốn bảo: các người đừng muốn là thầy (x Gc 3, 1), đừng tự đặt mình làm thầy giữa các ngươi, vì "thảy của các ngươi chỉ có một". Nếu lưu ý đến tính cách song đối của c. 10 và văn mạch chung của Tân ước (x.Ga 13, 13-14), thì Thầy duy nhất đó không ai khác hơn là Chúa Kitô.

"Đừng xưng hô ai dưới đất là "cha":

Mệnh lệnh này xem ra phản đối thói quen gán cho một vài vị hướng dẫn cộng đoàn tước hiệu Abba cùng trong một ý nghĩa danh dự và xã hội như tước hiệu Rabbi. Rõ ràng là nó không nhắm đến người cha gia đình theo nghĩa đen (x. Mt l5,4-6; 19,19): Mệnh lệnh lại càng không chống đối cái truyền thống kỳ cựu -có nơi mọi dân tộc và trong Thánh Kinh- theo đó giữa thầy và trò phải thiết lập một mối liên hệ tương tự mối liên hệ giữa cha và con, khiến họ thường gọi nhau là "cha" và "con" (x. 2V2,12; Cn 4,1; 1Cr 4, 14-17; Gl 4,19; 2Tm 1,2; Tt 1,4; 1Pr 5,13; 1 Ga 2, 1.12). Chẳng hạn như trong các tiến sĩ Israel của 4 thế kỷ đầu hơn 50 vị được mang tước hiệu "Abba". Vì vậy trong các thể chế Kitô giáo, người ta cũng dùng khá nhiều tước hiệu "cha" dưới mọi hình thức (ví dụ: viện phụ, abbé; Đức Thánh Cha, Pape v.v...) theo nghĩa linh tông ấy. Đấy chẳng phải là đi ngược lại Tin Mừng, vì cái quan trọng là tinh thần chứ không phải chữ viết. Nên lưu ý là ở đây cũng vậy, các câu không nhấn mạnh đến sự phủ nhận mọi quyền bính trong Giáo Hội cho bằng là đến mối nguy tạo nên do những "đại nhân vật" chiếm hết danh dự dành cho Thiên Chúa và Chúa Kitô.

Ở giữa ba lời khuyến cáo chống Biệt Phái, lý do của chúng được lặp lại ba lần: Chỉ có một... thầy, cha, chỉ đạo). Chiếu theo nguyên tắc ấy, nhân cách của những người lãnh đạo Giáo Hội vừa bị hạ xuống vừa được đề cao: nhân cách đó phải nói lên sự hiện diện của Đấng duy nhất và đồng thời là tấm màn trong suốt không ngăn che Ngài. Cũng thế đối với vị Mục tử duy nhất (Ga), vị Thượng tế duy nhất (Dt). Kitô hữu chỉ xem một con người như thầy, như cha, như thủ lã nh, thư mục tử, như linh mục... trong mức độ con người ấy tham dự vào tư cách của vị Thầy, Cha, Thủ lãnh, Mục tử, Linh mục đích thực.

"Kẻ nào tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên":

ý tưởng hạ mình cần phải được giải thích theo ý tưởng phục vụ ở câu trước, vì đây không phải là chuyện tự nhiên ưa thích xóa mình, hay anh hùng phủ nhận bản thân hoặc khiêm nhường đến làm cho mình lụi bại. Theo nghĩa của Tin Mừng, không ai hoạt động và sung sướng vì được hoạt động hơn kẻ phục vụ hết mình. Thì tương lai của 5 động từ vừa có tính cách truyền lệnh (c. 11) vừa có tính cách cánh chung (c. 12): các ngươi phải làm điều đó và Thiên Chúa sẽ trả lại cho các người vào ngày Chung thẩm ("bị hạ xuống" và "được nhắc lên" là những thể thụ động diễn tả hành động của Thiên Chúa). Thành thử các động từ này không mô tả một định luật tâm lý hay xã hội tự nhiên cho rằng định mệnh con người có thể thay đổi.

KẾT LUẬN

Óc tham vọng, tính háo danh nói lên cái tinh thần thống trị của một quyền bính đã tách khỏi nguồn gốc của mình, đã chiếm đoạt những quyền lợi chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa. Khi vạch trần các tính xấu của Hội đường, Chúa Giêsu muốn đề phòng Giáo hội Người cho khỏi nhiễm lây chúng, vì tính cách chính thống, vô hồn, tinh thần câu nệ hình thức, óc giáo sĩ trị bao giờ cũng vẫn là những cám dỗ lớn cho Giáo Hội; Giáo Hội chỉ có thể thoát khỏi chúng khi luôn nhớ rằng mình chỉ là "nữ tỳ của Chúa" (Lc 1, 38), tuân phục một mình vị Chúa độc nhất ấy mà thôi, Đấng không chấp nhận một chia sẻ nào (Mt 6, 24); uy quyền đích thực của Giáo Hội chỉ có khi Giáo Hội biết hạ mình theo gương Chúa Kitô. Đấng vốn là lớn hơn cả nhưng đã hóa thành kẻ bé nhất, là người đầu song đã tự: trở nên kẻ rốt hết, là Thầy và là Chúa nhưng đã trở thành kẻ phục vụ mọi người (Mt 20, 26-27; Lc 22, 24-30; Ga 13, 13-16).

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Chúng ta cảm thấy gì khi nghe lời Chúa Giêsu chỉ trích Biệt phái? Phải chăng là thỏa mãn vì nghĩ rằng nó nhắm đúng vào những Biệt phái đời nay mà chúng ta biết rõ? Nhưng đấy không phải là dấu chỉ của một lòng kiêu hãnh nào đó sao, lòng kiêu hãnh muốn quả quyết rằng nhờ ơn Chúa, tôi không thuộc hạng người như vậy? Nếu chúng ta ra khỏi nhà thờ mà trong lòng tự khen mình không phải là Biệt phái, thì đó thật là một dấu hiệu chẳng mấy tốt lành. Môn đồ đích thực của Chúa Giêsu, kẻ biết lòng mình rất yếu đuối và dễ buông theo đàng tội lỗi thì bao giờ cũng hiểu rằng mình đang mang trong người mọi gốc rễ của Biệt phái, hiểu rằng bổn phận đầu tiên của mình là tự tra vấn hơn là tự hỏi ai là Biệt phái trong xứ đạo.

2. Chúng ta cũng vậy, mỗi người tùy theo vai trò xã hội, tuổi tác phái tính, kiến thức, chúng ta đã chẳng từng đòi hỏi một lòng kính trọng nào đó, một sự tán thành công khai, hay hơn nữa, một sự vâng phục và tùng quyền nào đó sao? Thanh danh và tăm tiếng là một điều tốt, nhưng nỗi lắng lo quá độ về tiếng tăm là một chuyện không hay gì. Sự đòi hỏi lòng vâng phục từ phía cha mẹ là một điều tốt khi nó phát xuất từ tinh thần hiền lành và bác ái, nhưng lại trở nên xấu và hoàn toàn có tính cách biệt phái lúc chỉ là một cái cớ để tỏ uy quyền và áp đặt ách thống trị.

3. Khi phê phán và khinh bỉ tha nhân bằng cách đòi hỏi họ phải có một thái độ khác, chúng ta đã đặt một gánh nặng trên vai họ và đồng thời tránh đặt lại vấn đề chính mình rồi. Thật ra, chúng ta có thể nhận ra chính mình trong chân dung Chúa Giêsu mô tả về Biệt phái.

4. Phẩm trật của Nước Trời không ở trong kiến thức cũng chẳng nằm trong khả năng chuyên môn hay trong việc điều khiển, nhưng là trong việc phục vụ. Trong Nước Trời, không ai là chủ, chẳng ai có quyền thống trị kẻ khác, tất cả chúng ta đều là anh em. Ngay cả việc hành xử uy quyền, cho dù thuộc phạm vi dân sự hay tôn giáo, cũng chỉ là một hình thức phục vụ. Ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng tự gọi là "tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa".

5. “Kẻ lớn nhất sẽ là người phục vụ", Chúa Giêsu đã nói thế. Rõ ràng đấy là vấn đề tập luyện một đức khiêm nhường nào đó. Tiếng “sẽ là" chỉ rõ đây là tình trạng mà chúng ta phải đạt cho được chứ chẳng phải là tình trạng tự nhiên. Thành thử chúng ta không thể nào không chống lại cơn cám dỗ muốn thống trị, muốn đè bẹp tha nhân, chống lại cơn cám dỗ muốn tỏ ra mình quan trọng mà làm thiệt hại cho kẻ khác. Tuy nhiên đức khiêm nhường trong phục vụ không phải là việc dẹp bỏ những khả năng tự nhiên hay là sự từ chổi hoạt động và phát triển, nhưng là một thứ tâm trạng, một niềm xác tín rằng mình chỉ là một dụng cụ mà ước muốn duy nhất là trở nên ngoan ngoãn trước sự thúc đẩy của Thánh Thần.

6. Có một tiêu chuẩn cho phép ta nhận biết mình có trung thành với những lời khuyên nhủ khiêm nhường mà Chúa Giêsu vừa ban cho ta không? "Vậy mọi điều họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm theo và giữ lấy" hay nói cách khác: "Các ngươi hãy có đủ lòng đói khát sự thật và công chính để phân biệt điều thiện bất cứ đèn từ đâu". Một Kitô hữu thật sự khiêm nhượng không bao giờ từ chối lời lành của một người nào đó, lấy cớ rằng kẻ ấy chẳng sống phù hợp với lời họ bảo, rằng họ giả hình hay khoe khoang. Vì Chúa có thể dùng họ để làm cho chúng ta tốt hơn.

Nguồn: WHĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét