CHỊ PHỤ NỮ SAMARIE,
NGƯỜI TIÊN PHONG CỦA SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO
TRONG TÂN ƯỚC
Priscille Djomhoué, Nhà chú giải Thánh Kinh
Khi đọc Tin Mừng Thánh Gioan trong nhãn quan truyền giáo, ta
phải thú nhận rằng Gioan là người nữ quyền nhất trong các tác giả Tin Mừng.
Trái với các Tin Mừng nhất lãm, bản văn của Thánh Gioan có một cấu trúc đặc
biệt. Trong khi ở Matthêu (10,1-15), Marcô (6,7-13) và Luca (9,1-9), Chúa Giêsu
ra lệnh đi truyền giáo đầu tiên cho các đấng đàn ông thì Đức Giêsu của Gioan
lại dành ưu tiên cho một phụ nữ.
Thật vậy, khởi đầu chương 3 của Tin Mừng Thánh Gioan cho
thấy không có một dấu hiệu nào về sự hiện diện của Tin Mừng tại Samarie: tôn
giáo của người Samarie, dầu bị cho là thứ tôn giáo lai tạp[1], cũng đã tôn thờ
Chúa và lấy Ngũ Kinh làm nền tảng cho niềm tin của họ, như lời tuyên bố của
Chúa Giêsu với người phụ nữ Samarie (Ga 4,23). Trên hành trình đi đến Galilê,
cuộc dừng chân của Chúa Giêsu tại Samarie chỉ là câu chuyện thoáng qua. Khi các
môn đệ đi vào thành phố tìm mua lương thực (Ga 4,8), Chúa Giêsu đã kêu gọi một
môn đệ cấp hai, một người phụ nữ: đây là một môn đệ không như những người khác
vì cuộc gặp gỡ của chị với Chúa Giêsu đã cho chị một tầm quy mô mà những người
được kêu gọi trước kia chưa nhận được. Thật vậy, trong thời gian ngắn ngủi của
cuộc dừng chân, chị đã được kêu gọi đồng thời cũng được sai đi.
Mục tiêu của bài này là chứng minh rằng cấu trúc của Tin
Mừng Thánh Gioan đặt một người phụ nữ làm người đầu tiên được sai đi không phải
là chuyện tình cờ: trong chừng mực nào đó, chủ nghĩa nữ quyền của Gioan chẳng
phải là có ý muốn chứng minh thiên hướng tự nguyện của phụ nữ muốn làm việc
trong “cánh đồng của Chúa” đó sao?
Suy tư của chúng ta phân ra làm 3 giai đoạn:
- Trước hết, chúng ta sẽ chứng minh rằng, theo sơ đồ cấu
trúc của Tin Mừng Gioan, đường đi của người phụ nữ Samarie cũng giống như con
đường của các môn đệ và sự khác nhau nằm ở mức độ thời gian giữa sự huấn luyện
và sự sai đi đầu tiên: giới hạn thời gian huấn luyện nơi người phụ nữ Samarie
rất có ý nghĩa.
- Tiếp đến, rất quan trọng khi dừng lại trên con người của
nhà truyền giáo hoặc người được sai đi khi xem xét mẫu gương của người phụ nữ
Samarie.
- Cuối cùng, chúng ta đưa ra những khó khăn công cuộc truyền
giáo: chúng ta đặt kinh nghiệm của người phụ nữ Samarie trong tương quan với
lời tuyên bố của Chúa Giêsu trong Mt 13,57; Lc 4,24 và Mc 6,4: “Một ngôn sứ chỉ
bị khinh bỉ nơi quê hương và nơi nhà mình”.
Kêu gọi và sai đi truyền giáo
Ga 4,1-42 là một trình thuật được xây dựng cách bài bản: bản
văn gồm 2 phần. Một là phần kể chuyện gồm có dẫn nhập (câu 1-6), các môn đệ từ
thành phố trở về và tóm tắt hoạt động truyền giáo của người phụ nữ (câu 27-30),
hệ quả và chứng từ công cuộc truyền giáo của người phụ nữ (câu 39-41); phần thứ
hai là hai cuộc đối thoại: cuộc đối thoại thứ nhất xảy ra giữa Chúa Giêsu và
người phụ nữ (câu 7-26) và cuộc đối thoại thứ hai xảy ra giữa Chúa Giêsu và các
môn đệ (câu 31-38). Bản văn kết thúc ở lời tuyên xưng đức tin của những người
Samarie ở câu 42.
Xét về số lượng, các cuộc đối thoại là phần quan trọng nhất
của trình thuật: 27 câu trên 42 câu, với 19 câu dành riêng cho cuộc đối thoại
giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ trong khi cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với
các môn đệ chỉ có 8 câu. Chúng ta không có ý nghiên cứu tất cả mọi chi tiết trong
đoạn văn phong phú này, chỉ chú trọng đến con đường truyền giáo của người phụ
nữ.
Cuộc chuyện trò của Chúa Giêsu với chị có thể chia làm hai
phần: phần thứ nhất dành cho các lý luận nhằm thuyết phục lòng tin của người
phụ nữ và kết quả là sự hoán đổi vai trò: người phụ nữ là người cho nước trở
thành người xin nước (câu 7-15). Phần thứ hai là việc sai đi truyền giáo và lời
tuyên xưng của người phụ nữ.
Kêu gọi
Phần thứ nhất của cuộc đối thoại với người phụ nữ được xem
như lời kêu gọi. Theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên (Ga
1,35-51) bằng hai cách: 1/ người môn đệ đi theo Chúa Giêsu sau khi nghe lời
giảng huấn hoặc nhờ chứng từ của một người thứ ba: đó là trường hợp của hai môn
đệ đầu tiên là môn đồ của Gioan (Ga 1,36b-37), trường hợp của Simon được Anrê
kêu gọi (câu 41), và của Nathanael được Philipphê kêu gọi (câu 45-46); 2/ Chính
Chúa Giêsu đi bước trước: đó là trường hợp của Philipphê (câu 43). Trường hợp
người phụ nữ Samarie được kêu gọi cũng giống như trường hợp của Philipphê, nghĩa
là chính Chúa Giêsu đi bước trước đến với chị. Nhưng trái hẳn với sự kêu gọi
của Philipphê dường như rất chóng vánh - nếu căn cứ theo trình thuật (Ga 1,43)
- tiến trình kêu gọi chị phụ nữ có vẻ dài hơn. Một cuộc đối thoại như thế không
dễ gì xảy ra vì địa vị xa cách giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ. Nói cách khác,
dưới cái nhìn con người, cả hai chẳng có tương quan gì cả: trên bình diện sắc
tộc, chị là người Samarie còn Chúa Giêsu là người Do Thái[2].
Trên bình diện tôn giáo, người Do Thái giáo giữ kẽ với dân
ngoại giáo vì luật tinh sạch nghiêm cấm mọi sự tiếp cận. Trên bình diện xã hội,
không có chuyện gặp gỡ giữa một người đàn ông với một phụ nữ, nhất là một phụ
nữ xa lạ: “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samarie, nước uống
sao?” (4,9a). Câu trả lời của người phụ nữ đối với lời tiếp cận của Chúa Giêsu
(“Xin chị cho tôi chút nước uống”, câu 7b) chứng tỏ rằng Chúa Giêsu đã vượt qua
cấm cản tôn giáo, nghi thức, xã hội ngăn cách giữa hai cộng đồng[3]. Tình huống
khó khăn này đòi hỏi phải cư xử khéo léo, bởi vì cần phải làm cho chị phụ nữ
xoá bỏ định kiến có sẵn, phá vỡ những điều cấm kỵ dưới nhiều hình thức đã trói
buộc cuộc đời chị. Chúa Giêsu phải tìm lời để tạo niềm tin, rồi đến thuyết phục
kèm theo những dấu hiệu. Ở đây không cần nói đến nội dung chi tiết các phương
tiện mà Chúa Giêsu sử dụng, điều quan trọng là nói đến kết quả của tiến trình.
Lời tuyên bố của chị phụ nữ rất có ý nghĩa: “Thưa Ngài, xin Ngài cho tôi thứ
nước đó để tôi không còn khát nữa và tôi không cần đến đây để kín nước nữa”
(câu 15): cuộc đối thoại đã được kết nối và tình hình diễn tiến tốt đẹp. Cơn
khát nước đã chuyển sang cơn khát Thiên Chúa, từ nước giếng là ân huệ của
Giacóp đến nước hằng sống là ân huệ của Đức Giêsu[4]. Thoạt đầu, chính Chúa
Giêsu ở trong tình trạng thiếu thốn, xin được trợ giúp, nhưng hiện giờ chính
người phụ nữ lại là người thiếu thốn cần phải được lấp đầy.
Thật thích hợp khi đặt ra vài câu hỏi: làm sao mà từ cơn
khát nước giếng Giacóp chuyển sang cơn khát nước hằng sống? Giải thích thế nào
về sự lật ngược tình trạng từ người xin trở thành người ban phát? Như P.
Mourlon Beernaert nhận xét, bản văn có tính biểu trưng cao:
Bản văn nói cách biểu trưng về sự bất trung và sự lai tạp
tôn giáo của miền Samarie mà ngôn sứ Hôsê là một nhân chứng. Nghệ thuật của
Gioan là dùng một tình trạng có thật, tình trạng của người phụ nữ Samarie, để
biểu trưng cho một chiều kích thâm sâu hơn, tình trạng của miền đất Samarie
không có chồng, có nghĩa là không nhận biết một Thiên Chúa duy nhất[5].
Vấn đề của bản văn này dường như là vấn đề của một dân tộc
cần được cứu vớt, một dân tộc phải hoán cải, phải chuyển từ việc thờ cúng ngẫu
tượng sang thờ lạy Thiên Chúa duy nhất. Thật vậy, chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu
cần một chiếc cầu nối để gieo mầm sứ điệp cứu rỗi cho thành phố này và chiếc
cầu là chị phụ nữ này, người mà sau khi nhận lãnh sứ điệp đã có nhiệm vụ loan
truyền cho những người khác (c. 16).
Sai đi truyền giáo và huấn luyện
Một phần phụ mà chúng tôi cho là một cuộc sai đi truyền giáo
đã bao hàm một điều gì đó lớn lao hơn là một cuộc sai đi: thật vậy, ta có thể
thấy lẫn lộn đó là một cuộc sai đi đồng thời cũng là sự huấn luyện. Ở đây, thật
khó nói cách rõ ràng rằng việc sai đi truyền giáo có trước hoặc có sau khi huấn
luyện bởi vì phần mà chúng tôi đặt tên là “kêu gọi” cũng đã bao gồm một sự khai
tâm nào đó, một sự khai tâm dẫn đến sự hiểu biết và phân biệt sự khác nhau giữa
hai loại nước. Trong phần thứ hai của cuộc đối thoại, sau lời tuyên bố sai đi
truyền giáo, bản văn được trình bày như là một cuộc huấn luyện, kết thúc bằng
lời tự xưng của Đức Giêsu đồng hoá mình với Đấng Cứu Thế và sự trở về của các
môn đệ. Như vậy, đoạn này bao gồm cả việc sai đi lẫn sự huấn luyện. Chúa Giêsu
sai người phụ nữ đi gọi “các ông chồng của mình”, nhưng đồng thời, theo cái
nhìn thần học thì chị cũng nhận được một sứ điệp từ nay đối chọi với những gì
mà đức tin của người Samarie đã từng hiểu: sự chuyển đổi nội tại từ nơi thờ
cúng trên núi Garizim đến việc thờ lạy trong Thánh Thần, và việc khám phá ra
rằng Đấng Cứu Thế đã đến.
Sai đi truyền giáo
Việc sai đi truyền giáo được diễn tả cách rõ ràng trong câu
16: “Hãy đi đi, hãy gọi chồng chị rồi trở lại đây!”. France Quéré dùng từ
“đuổi” ở đây: “Đức Kitô đã đuổi chị đi” vì cho rằng đây là một từ rất quen
thuộc với người đàn bà như chị, trong khi ở đây là động từ “đi” ở thể sai khiến
(impératif): “Hãy đi đi!”, nghĩa là để chị được tự do, giải phóng chị để chị có
thể quay trở lại[6]. Chúng tôi nghĩ rằng từ “đuổi” của France Quéré không đúng
với thực tại của hiện tình: thật vậy, đuổi là cho rút lui đi cho khuất mắt với
nghĩa mạnh của từ ngữ, có điều gì đó gây phiền hà, bối rối. Trong khi đó vấn đề
ở đây là một lệnh truyền, ta thấy ý nghĩa này trong thì (temps) và thể cách
(mode) của từ được sử dụng, chính xác là thể sai khiến hành động (impératif
actif) ở thì hiện tại (présent). Sai khiến là một thể cách được dùng khi người
có quyền muốn ra lệnh hoặc chỉ bảo: nó đòi hỏi vô điều kiện sự hiện diện của
người lãnh nhận lệnh truyền. Sai ai đi làm nhiệm vụ gì thì rõ ràng là người sai
đi chờ đợi người được sai đi trở về để báo cáo công việc, đây chính là ý nghĩa
của câu nói tiếp theo của Chúa Giêsu “và hãy trở lại đây”.
Vậy đâu là nhiệm vụ truyền giáo của người phụ nữ Samarie đối
với dân tộc mình? Lệnh truyền hoặc nội dung sai đi đã rõ ràng: phonèson hoặc
“hãy gọi”. Động từ “hãy gọi” được dùng ở cấu trúc trực tiếp: “hãy gọi chồng
chị”. Ý nghĩa ở đây là chính người phụ nữ được sai đi, chị không cần một người
trung gian nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó: chính chị phải trực tiếp
gặp gỡ “chồng mình”. Thế mà Chúa Giêsu đã biết một điều còn quan trọng hơn thế
nhiều: chị phụ nữ này không thể đưa (một ông) chồng đến được vì chị đã có năm
chồng và hiện đang ở với người thứ sáu: “Chị có lý khi nói: tôi không có chồng.
Vì chị đã có năm đời chồng rồi và người đang sống với chị hiện giờ cũng không
phải là chồng chị. Chị đã nói đúng” (câ 19). Người phụ nữ này đại diện cho sự
lai tạp tôn giáo của miền Samarie mà các ngôn sứ trong sách Hôsê đã nói đến.
Theo France Quéré, con số 5 có lẽ ám chỉ đến các thần ngoại giáo ở Samarie. Đây
cũng là quan điểm của nhiều nhà chú giải.
Nhưng có nhiều lý luận khác nhau không đồng tình với kiểu
đọc ẩn dụ này vì trong sách 2 Vua 17,24 thì (ở Samarie) có đến 7 vị thần chứ
không phải 5. Theo Charles L’Éplattenier[7] thì cũng không chắc rằng người
Samarie là những người đa thần. Vậy thì cách nói 5 người chồng nên hiểu theo
nghĩa mặt chữ. Nếu có ẩn dụ gì cần phải làm sáng tỏ ở đây thì đó chính là từ
andra của câu 6 được dịch là “chồng”. Ẩn chứa sau từ này là một nhóm người:
thật vậy, khi Chúa Giêsu truyền lệnh: “Hãy đi, hãy gọi chồng chị rồi quay trở
lại đây” (câu 16b), câu này tương hợp với câu 28 nói rằng chị đã để vò nước lại
và đi vào thành, nhưng đồng thời cũng có liên hệ với câu 40 nói rằng để đáp ứng
với lệnh hãy đi, hãy gọi và trở lại đây thì chị đã trở lại với nhiều người: đó
là những người xứ Samarie. Sứ mệnh mà Chúa Giêsu giao phó cho người phụ nữ này
đã hướng về một tập thể người.
Huấn luyện
Cần phải lưu ý rằng, khi đối mặt với lệnh truyền của Chúa
Giêsu sai người phụ nữ Samarie đi gọi chồng mình, chị này không đi ngay mà nán
lại để đối thoại. Một cuộc đối thoại mang vẻ đặc biệt: một sự vén màn phô bày
trọn đời sống của người phụ nữ này, dẫn đưa đến sự nhận biết Chúa Giêsu như là
một ngôn sứ và cuối cùng là một hướng dẫn về phụng tự: “Đã đến giờ các người sẽ
thờ phượng Thiên Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem […]. Những
người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và chân lý”
(câu 21b và 23b). Câu trích này chẳng phải là đã hàm chứa lời loan báo về Đền
Thờ Giêrusalem bị phá huỷ mà Matthêu đã nói cũng như hệ quả sau đó của việc
phụng tự trong Đền Thờ sao[8]?
Đây là vấn đề lập trình thần học cho người phụ nữ. Như
Charles L’Éplattenier suy nghĩ, người phụ nữ Samarie nhận biết Chúa Giêsu như
một người của Thiên Chúa thì cũng nhận biết rằng người này có thể phân xử một
tranh tụng đã có từ lâu. Không phải chị không biết đến sự đối kháng và tranh
chấp các nơi thờ tự là mối xung đột lớn giữa người Do Thái và người Samarie:
Đền thờ Giêrusalem đối trọng với núi Garizim, đất thánh của đồng bào chị. Khi
không phân xử thắng thua giữa những người ủng hộ Đền Thờ và những người ủng hộ
núi Garizim, Chúa Giêsu đã mang đến một điều mới mẻ: hai truyền thống này phải
biến mất để nhường chỗ cho một cách thể hiện đức tin mới[9]. Đó là một trong
những sứ điệp mà chị phải mang đến cho đồng bào của chị, sứ điệp cải cách tôn
giáo mà Chúa Giêsu mang đến để chị loan báo. Đó chẳng phải là nội dung huấn
luyện tóm tắt mà chị nhận được trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi mà các môn đệ trong
Tin Mừng nhất lãm phải mất nhiều tháng trời mới nhận được sao?
Thời gian huấn luyện cho chị phụ nữ Samarie chỉ là thời gian
ngắn ngủi của cuộc dừng chân: tuy ngắn ngủi nhưng súc tích và hoàn hảo: bấy
nhiêu đó đã đủ để hoàn tất một chương trình mà các đấng môn đệ nam nhi chưa làm
được trong một thời gian dài hơn: xoá bỏ những cấm kỵ (tabou) và mê tín. Trong
Công vụ Tông đồ, trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa Phêrô với ông Cornêliô chẳng
phải là bằng chứng cho thấy rằng sau khi Chúa Giêsu ra đi thì Phêrô vẫn chưa
hiểu ra rằng Tin Mừng phải dỡ bỏ mọi hàng rào bộ tộc sao? Công Đồng Giêrusalem
chẳng phải là dấu hiệu chứng tỏ rằng người phụ nữ Samarie, qua sự tiếp cận bạo
gan với Chúa Giêsu, chị đã đi trước một vài môn đệ đó sao?
Nhà truyền giáo nam hay nữ: sự tuyển chọn theo chất lượng?
Câu chuyện về người phụ nữ dẫn đưa chúng ta đến việc đặt vấn
nạn về chính con người được sai đi. Đâu là điều kiện phải có để thấy mình xứng
đáng? Người được sai đi, đó là người cần ân sủng của Thiên Chúa. Như ta thấy
dưới đây, tất cả đều đặt Chúa Giêsu đối nghịch với người phụ nữ này:
Bộ tộc và tôn giáo của chị. Những người Samarie là hậu duệ
của hai nhóm người: ở phía Bắc là nhóm còn lại của người Israel không bị lưu
đày vào năm 772 trước Chúa Giêsu Kitô, và ở miền Nam là những kiều dân ngoại
quốc đến từ Babylone (x. 2 V 17,24 tt). Đã có cuộc đối đầu về thần học bởi vì
người Samarie từ chối thờ phượng ở Giêrusalem. Tình trạng này càng nghiêm trọng
hơn khi vì sau thời Lưu đày ở Babylone về, người Samarie chống đối việc xây
dựng lại Giêrusalem, lại còn giúp người Syrie trong cuộc chiến tranh của họ
chống người Do Thái. Do vậy, trong nghi lễ, những người Samarie bị xem như là ô
uế và phụ nữ Samarie lại càng ô uế gấp bội[10].
Hạng người và địa vị của chị
Người Do Thái được quyền có nhiều nhất là 3 cuộc hôn nhân,
những ai đi đến cuộc hôn nhân thứ tư được xem như bất bình thường[11]. Nếu luật
này được áp dụng cho người Samarie, thì ta có thể hiểu rằng với lời nói trắng
ra rằng chị phụ nữ đã có 5 người chồng, Đức Giêsu có ý nói lên cuộc sống bất
thường của chị. Đó là một người phụ nữ bị khinh bỉ. Mọi người trong thành phố
đều biết chị. “Nhưng hôm nay sự ô nhục của chị trùng hợp với vinh quang Thiên
Chúa”[12]. Chúng tôi nghĩ rằng Thiên Chúa không chọn lựa những người hoàn hảo
vì những người này có nguy cơ không hoàn thành trách nhiệm trong một lĩnh vực
mà họ chẳng có kinh nghiệm. Người được sai đi, đó là người xấu dưới mắt nhân
loại nhưng là người mà Thiên Chúa muốn thu phục để cứu vớt người khác. Qua
trình thuật này, người được sai đi của Chúa Giêsu là người biết mình đáng
thương hại, biết mình cần ân sủng của Chúa, và là người có thể nói như chị phụ
nữ Samarie: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi không còn khát nữa!”. Sự
tuyển chọn không gắn liền với công trạng nào đó nhưng với ân sủng của Chúa. Đó
là điều mà B. Fankasa khẳng định:
Sứ mệnh mà Thiên Chúa giao cho con người gắn liền với tính
mỏng dòn của con người. Tính nhạy cảm này đặt tội lỗi của con người ở ngay
trung tâm của sứ mệnh chứ không phải tính háo thắng nào đó. Điều này cho phép
khám phá ra tầm quan trọng của thập giá và tìm thấy trong Chúa Giêsu lý do duy
nhất để hoàn thành sứ mệnh… Sự yếu đuối trong sứ mệnh truyền giáo là lý do quan
trọng để “chấp nhận cách chữa trị bằng lòng khiêm tốn dành cho những tật bệnh
của hoạt động truyền giáo ở bất cứ thời đại nào!” [13]. Sự yếu đuối trong sứ
mệnh truyền giáo là con đường đã được chỉ định để khám phá ra Đức Giêsu Kitô
như là tiêu chuẩn tối thượng cho sứ mệnh truyền giáo[14].
Những khó khăn trong công cuộc truyền giáo
Những khó khăn trong sứ mệnh truyền giáo của người phụ nữ
Samarie được diễn tả qua cái nhìn của các Tông đồ về hiện trạng và qua thái độ
của những người đương thời. Ngoài những chướng ngại về thể chất khiến chị khó
đi đây đi đó trong khắp thành phố vì mệt nhọc về thể lý, chị còn phải chịu đựng
biết bao hệ quả tâm lý: cái nhìn khinh bỉ của người này, sự chế nhạo của người
kia.
Cái nhìn và suy nghĩa của các môn đệ
Chúng ta hãy xem lại thái độ của các môn đệ. Họ được trình
bày dưới 2 dạng: họ có một cá tính thụ động, cá tính của những người dễ bảo và
vâng lời. Họ đi vào thành phố theo lời sai của Thầy mình để mua lương thực (câu
8). Đó là khuôn mặt mà họ thích phô bày cho Thầy mình biết rằng họ là những môn
đệ dễ mến và rất quan tâm đến Thầy: “Lạy Thầy, xin Thầy hãy ăn” (câu 31b). Thế
nhưng khuôn mặt này có một cá tính ẩn giấu mà họ không muốn cho Thầy biết.
Chính tác giả Tin Mừng là tường thuật thông thái đã nói điều ấy cho chúng ta
biết: họ “ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ” (câu 27). Do nền
văn hoá và tôn giáo, họ biết rằng không được nói chuyện với một phụ nữ.
Để hiểu rõ suy nghĩ của các môn đệ về người phụ nữ Samarie,
ta hãy tham khảo giải thích của C.K. Barrett về tư tưởng của các thầy Rabbi về
vấn đề giao thiệp với phụ nữ: các người có thẩm quyền của Do Thái giáo khuyên
đừng nên nói chuyện nhiều với phụ nữ, ngay cả trong khuôn khổ tương quan vợ
chồng. Nếu đã không nên quá gần gũi với ngay cả vợ mình như thế thì lý do lại
càng mạnh hơn khi nói chuyện với vợ người khác, và tệ hại nhất là nói chuyện
với người không quen biết! Nói chuyện với phụ nữ là rước lấy bất hạnh cho mình.
Những ai dùng thời gian với phụ nữ thì chểnh mảng việc học hỏi Lề Luật và do đó
đáng sa xuống Hoả Ngục[15]. Bây giờ chúng ta có thể hiểu được điều gì đã xảy ra
trong đầu của các môn đệ, và nhất là hình ảnh nào mà họ có về người phụ nữ
Samarie.
Ở đây, sự khó khăn của người phụ nữ được sai đi này nằm ở
cái nhìn của các môn đệ. Đối với họ, Chúa Giêsu không nên để cho người phụ nữ
ngoại bang này đến gần, chị không đáng hưởng ân sủng mà chính họ nhận được từ
Thầy mình. Người phụ nữ Samarie phải vượt qua cái nhìn của các môn đệ coi
thường chị và còn nghĩ rằng chị không thể cũng không xứng đáng mang một sứ mệnh
như thế.
Sự vô ơn của những người Samarie
Bản văn 2 lần nhắc đến việc chị phụ nữ đi về phía đám đông
có nhiều người và do đó họ tuôn đến với Chúa Giêsu (câu 28b và 39). Từ
anthropoi được dùng ở câu 28b chỉ con người nói chung, gồm cả đàn ông, đàn bà
và trẻ em. Hành động của chị phụ nữ đã thực sự mang lại hiệu quả: “Họ ra khỏi
thành và đến gặp Ngài” (câu 30).
Bản văn kết thúc với một đám đông người tụ họp lại gồm tất
cả các nhân vật trong trình thuật: Đức Giêsu, các môn đệ, những người Samarie
và chị phụ nữ. Cung giọng của trình thuật cũng đã hạ xuống, không còn là cuộc
đối thoại nảy lửa giữa Chúa Giêsu và chị phụ nữ Samarie hoặc các môn đệ mà là
một thứ tĩnh lặng nào đó: “Dân Samarie xin Người ở lại với họ, và Người ở lại với
họ hai ngày” (câu 40). Đây cũng là thời khắc người dân Samarie làm bản tổng
kết. Họ vui mừng được gặp Đức Kitô, nhưng trình thuật kết thúc với một giai
điệu buồn. Họ nói với chị phụ nữ: “Không còn phải chỉ nhờ chị kể mà chúng tôi
tin”. Những lời này đã xem thường chị phụ nữ, đó là thái độ vô ơn của những
người mà chị đã chinh phục, những người mà chị đã làm cho thay đổi cả về không
gian địa lý lẫn về tinh thần, những người mà nhờ sự môi giới của chị đã tìm
thấy suối nguồn hạnh phúc; họ đã gặp thấy Đấng Cứu Thế: “Đích thực Ngài là Đấng
Cứu Thế!”. Cư dân của xứ Samarie đã thô bạo đẩy lùi chị phụ nữ Samarie ra xa,
thế nhưng họ không phải là những người độc ác duy nhất hay những người vô ơn
duy nhất[16].
Sự vô ơn mà chị phụ nữ Samarie gặp phải là số phận của các
sứ giả Đức Kitô, những người mà sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình thì bị gọi
là “tôi tớ vô dụng”. Matthêu đã nói về vấn đề này: “Một ngôn sứ chỉ bị khinh bỉ
nơi quê hương và nhà mình” (Mt 13,57).
Trong cuộc độc thoại dài (Ga 4,34-38), Đức Giêsu nói rằng có
người gieo kẻ gặt. Rõ ràng rằng người gieo phải vất vả vì công việc nặng nhọc
còn kẻ gặt thì vui mừng khi gặt hái. Vẫn có sự khó nhọc, chịu đựng vì công
việc, nhưng người gieo vẫn có sự vui mừng: “Ai gặt thì lãnh tiền công và thu
hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở
mừng vui” (câu 36).
[1] x. Ch. L’Éplattenier, L’Évangile de Jean, Genève, Labor
et Fides, 1993, tr. 99.
[2] Được vua Omri của Israel thành lập, miền Samari bị
người Assyrien chiếm đóng và những người không phải là Do Thái đến định cư. Vì
thế, điều này mở đường cho ngoại giáo đi vào và là điểm gây chia rẽ giữa người
Do Thái và người Samarie (1 V 16,24-25). Để biết thêm, xin đọc A, Parrot,
“Samarie, capital du Royaume d’Israel”, Cahier d’archéologie biblique, số 7,
Neuchâtel, Delachaux et Niestlé, 1995.
[3] P. Mourlon Beernaert, Marie, Marthe et les autres: les
visages féminins de l’Évangile, Bruxelles, Lumen Vitae, coll. “Écritures” 5,
1992, tr. 149.
[4] Sđd. tr. 148.
[5] Sđd. tr. 151.
[6] France Quéré, Les femmes de l’Évangile, Paris, Éd. du
Seuil, 1982, tr. 115.
[7] Charles L’Éplattenier, L’Évangile de Jean, sđd, tr. 101.
C.K. Barrett, The Gospel According to St
John : An Introduction With Commentary and Notes on the
Greek Text, Londres, SPCK, 1962, tr. 197.
[8] Xem chủ đề màn trong Đền Thờ bị xé làm đôi trong trình
thuật về Cuộc Khổ Nạn: nhiều nhà chú giải cho rằng qua bức mà bị xé này, Thiên
Chúa không còn bị giam hãm trong nơi Cung Thánh nữa và như thế, phụng tự của
Đền Thờ không còn giá trị.
[9] Charles L’Éplattenier, L’Évangile de Jean, sđd, tr. 101.
[10] R. E. Brown, The Gospel According to Saint John , Geffrey Chapman Publishers, 1971,
tr. 170.
[11] Sđd, tr. 171.
[12] Sđd.
[13] P. Poucouta, được trích dẫn bởi B. Fankasa Biniama, Les
Missions des individus johanniques: le cas de Marie de Magdala en Jn 20, Bern , Peter Lang, 2004,
tr. 158-159.
[14] B. Fankasa Biniama, Les Missions des individus
johanniqué: le cas de Marie de Magdala en Jn 20, op., cit., tr. 158-159.
[15] C. K. Barrett, The Gospel according St John, op., cit.,
tr. 200.
[16] France Quéré, khi nói về các nhà chú giải và dịch thuật
của câu 39, đã nhắc đến một bản văn cổ thay thế từ “số đông” (nombreux) bằng
“nhiều” (plusieurs), để hạn chế ảnh hưởng của chị phụ nữ bị cho là không đàng
hoàng này. Còn các nhà chú giải, người thì cho là chị phụ nữ Samarie này là một
nhân chứng của Tin Mừng, người khác ghi chú rằng: “Chị chỉ là một người huênh
hoang thích làm nổi”. (Như chú giải của C.F. Molla, Le Quatrième Évangile, Labor
et fides, 1977, tr. 69)
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
[Số lần đọc 107]
Nguồn: truyenthongconggiao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét