Gia phả của Đức Giêsu
Tin Mừng Mt và Tin Mừng Lc đều có bảng gia phả của Đức
Giêsu, mà hai bảng gia phả này lại không giống nhau. Giải thích như thế nào?
Tại sao trong TM Mt nói: “Ông Máttan sinh ông Giacóp; ông
Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria” (Mt 1,15-16), mà trong TM Lc lại
nói: “Ông Giuse là con ông Êli, ông Êli là con ông Mátthát” (Lc 3,23)?
1. Khi so sánh bảng gia phả của Mt với bảng gia phả của Lc,
chúng ta ghi nhận rằng tác giả Mt đã phân phối các đời thành 3 nhóm, mỗi nhóm
14 đời (3x14), trong khi tác giả Lc đã ghi lại 77 đời. Nói chung, có nhiều khác
biết hơn là tương đồng giữa hai bảng gia phả này.
- Những điểm tương đồng chính là: đường đưa tới Đức Giêsu đi
qua ông Giuse; có những tên giống nhau cho đường giữa Đavít và Aminađáp (Mt
1,3-5; Lc 3,31-33); có những tên giống nhau cho đường giữa Khétron và Abraham
(Mt 1,2-3; Lc 3,33-34).
- Những điểm dị biệt chính là: Lc không nói đến các phụ nữ;
Lc phác con đường đi từ Đức Giêsu lên tới ông Ađam, còn Mt phác ra con đường đi
từ tổ phụ Abrahamxuống tới Đức Giêsu; Lc đặt bảng gia phả sau bài tường thuật
phép rửa, trong khi Mt đặt ở ngay đầu Tin Mừng.
Các khác biệt có thể giải thích như sau:
(1) Lc đã dùng một nguồn khác với Mt; nguồn này có 36 tên mà
Mt và Cựu Ước tỏ ra là hoàn toàn không biết; nguồn này dùng con số 7 của Kinh
Thánh cho nền thần học của mình. Từ Giuse đến Thiên Chúa, có 7 lần 11 tên. Đức
Giêsu là đỉnh cao của những gì Thiên Chúa đã làm cho cuộc tạo dựng và cho dân
tuyển chọn, bởi vì Người bắt đầu nhóm thứ mười hai và là nhóm cuối cùng. Trong
cách nhìn này, Thiên Chúa được tôn vinh bằng con số hai lần hoàn hảo 77, còn
Đavít là số 42 (6 lần 7).
(2) Các bảng gia phả được soạn ra vì những mục tiêu khác
nhau: để chứng minh chân tính của một chi tộc/bộ lạc; để chứng minh dòng dõi
của một vị vua hay của một vị tư tế và như thế chứng thực cho những vị nắm
quyền; để cấu trúc lịch sử thành các thời ký; để cho thấy rằng vị tổ phụ có đặc
tính thế nào, thì người con cháu cũng như thế. Bảng gia phả của Lc chứng minh
rõ ràng chân tính của Đức Giêsu là thuộc dòng dõi vua Đavít và cho thấy Người
hoàn toàn ở trong chương trình của Thiên Chúa.
2. Người ta đã cố gắng giải thích sự khác biệt về tên cha
của ông Giuse theo hai cách như sau:
a) Julius Africanus (được nêu tên trong Eusebius, Historia
ecclesiastica, 1.7,2-15) đã giải thích bản văn Lc bằng cách nại tới hôn nhân
thế huynh, như trong Đnl 25,5-10, tại đó nói rằng khi người chồng chết mà không
có con, thì người anh/em kế phải lấy người vợ góa để cho người quá cố có con
nối dõi. Như thế Lc 3,23 có thể có nghĩa là: “Là con, như được giả thiết là của
Giuse, (nhưng thật ra) là của Êli”, nên Giuse vẫn có thể là con Giacóp (theo
Mt). Nhưng giải pháp này gây lắm vấn đề mà trong thực tế cũng chẳng giải quyết
gì.
b) Bảng gia phả của Mt là bảng gia phả của ông Giuse, còn
bảng gia phả của Lc là bảng gia phả của Đức Maria. Người ta nghĩ đến điều này
vì thấy vị trí nổi bật của ông Giuse trong Tin Mừng về thời thơ ấu theo Mt, và
vị trí nổi bật của Đức Maria trong Tin Mừng về thời thơ ấu theo Lc. Annius ở
Viterbo (khoảng năm 1490 đã phổ biến cách nhìn này, và sau này J.N. Heer tiếp
nối. Tuy đã có lúc truyền thống nghĩ rằng Đức Maria thuộc dòng dõi vua Đavít,
ta không tìm ra một cơ sở nào trong Tân Ước cả. Còn trong thực tế, Lc đã phác
ra bảng gia phả của Đức Giêsu rõ ràng qua ông Giuse (x. 3,23).
Kết luận:
Dù sao, các nhà chú giải nhận ra rằng Tân Ước đã giữ lại cho
chúng ta hai bảng gia phả của Đức Giêsu khác nhau cách lạ lùng, mà không sao
dung hòa được. Bảng nào có hy vọng là có tính lịch sử hơn hoặc nêu đúng sự kiện
hơn? Thật khó mà nói cho dù ta nghĩ rằng cả Mt lẫn Lc đề đã lệ thuộc vào các
nguồn để có các chất liệu như hiện có. Thoạt nhìn, ta có cảm tường là Lc có hy
vọng hơn, bởi vì rõ ràng cấu trúc 3x14 đời của Mt là giả tạo. Nhưng khi đọc
bảng gia phả 77 đời của Lc, chúng ta thấy Đavít (đời 43), Abraham (đời 57) và
Khanóc (đời 71) là những tên bắt đầu nhóm bảy đời thứ 7, thứ 9 và thứ 11; và như
thế, bảng gia phả của Lc cũng không tránh được sự giả tạo dựa trên số 7.
Nói chung, hai tác giả đã nhận được tư liệu từ cộng đoàn
tiên khởi, và đã đưa vào bảng gia phả của các ông. Cả hai ông đều không nhắm
cung cấp những yếu tố cho việc lưu trữ văn khố, nhưng nhắm rao giảng Đức Giêsu
là ai và Người nhắm làm gì để cứu độ mọi người, nam cũng như nữ.
Lm PX Phan Long,
Nguồn: kinhthanh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét