Từ Vựng Thần Học Thánh Kinh: Mẫu Gương
Mẫu Gương
1) Noi gương Thiên Chúa và sự thánh thiện của Ngài. Nếu
“trong số các vị thần linh không ai sánh với Giavê” và nếu “không gì giống với
những công trình của Ngài” (Tv 86,8) thì làm thế nào con người có thể bắt chước
Thiên Chúa? Tuy nhiên, vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27)
và giống Ngài ở bản thể, nên con người phải bắt chước Ngài ở hành động. Trước
hết con người sẽ giống Ngài nhờ việc thờ phượng, vì theo niềm tin chung thì
người ta sẽ trở nên giống với vị thần họ tôn thờ, tức trở nên hư ảo với các
thần tượng hư ảo (Tv 115,8; 2 V 17,15; Gr 2,5), nên thánh thiện với Giavê thánh
thiện, mà việc thờ phượng ấy phải bắt chước theo mẫu hình sáng lạng (Xh 25,40;
26,30). Tiếp theo con người phải giống Ngài trên hết ngay chính trong sự hiện
hữu của Ngài: “Hãy nên thánh, vì Ta, Đức Giavê, Ta là Đấng thánh” (Lv 19,2). Vì
vậy, dân được tuyển chọn phải theo Giavê (Đnl 13,5), nghĩa là bước đi trên con
đường yêu thương và trung thành mà đích thân Thiên Chúa vặt ra (Tv 25,9; 26,3;
x. Xh 34,6), bước đi trên con đường công lý tràn đầy tình yêu mà họ tìm thấy
mẫu hình nơi Thiên Chúa (Đnl 15,12-15; Gr 9,23; Mkh 6,8), cũng như việc tuân
thủ ngày nghỉ Sabat như Thiên Chúa đã làm gương (Xh 20,11). Thế nhưng, ngoài
một số người công chính được nêu ra như là mẫu gương của người Do Thái (Hc
44-50), ta có thể nói rằng Israel
đã trung thành với những điều quy định trong Lề Luật và với lời mời gọi của các
tiên tri? Mẫu gương vẫn còn đó, ở rất gần họ (Đnl 30,14), nhưng con tim của họ
phải được biến đổi từ bên trong để trở nên con tim của Người Con đã noi theo
gương Cha mình.
2) Noi gương Đức Kitô và lòng bác ái của Ngài. Đức Giêsu hẳn
đã không thỏa mãn khi lấy lại điều răn: “Hãy nên hoàn hảo như Cha anh em là
Đấng hoàn hảo!” (Mt 5,48), Ngài đến để đem lại một dung mạo cho mẫu hình của
Thiên Chúa. Là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15) mà chỉ có Ngài biết
(Mt 11,27), là “Người Con không thể tự mình làm điều gì ngoài điều Người thấy
Chúa Cha làm” (Ga 5,19), “Ngài nói điều Ngài đã thấy nơi Cha Ngài” (8,38), Đức
Giêsu đã hoàn thành các công trình mà Cha giao phó cho Ngài làm (5,36). Thấy
Con tức là thấy Cha (14,9). Cũng thế, từ nay trở đi, bắt chước Cha là bắt chước
Con. Đó không phải là vấn đề chỉ đơn giản sao chép một mẫu hình đẹp đẽ mà có chăng
cũng chỉ tái tạo được cái bóng của mẫu hình ấy thôi (Dt 8,5), nhưng phải đáp
lại sự tiền định của Thiên Chúa: “trở nên đồng hình đồng dạng với Người Con”
(Rm 8,29). Người môn đệ thì tham dự vào các hành động của Đức Giêsu, tham dự
vào tình yêu nó thúc đẩy họ; thật vậy mẫu gương lớn nhất mà Ngài đã để lại cho
chúng ta là mẫu gương yêu thương cho đến hy sinh hoàn toàn (Ga 13,15.34); vả
lại, sự bắt chước ấy chỉ vừa sức với chúng ta nếu như Thầy ban cho chúng ta
Thánh Thần của Thầy; thế nên chúng ta có thể theo bước chân Ngài trong cuộc Khổ
Nạn của Ngài (Ga 13,36; 1 Pr 2,21), cũng như thực hiện những việc Đức Giêsu đã
làm, và còn làm những điều lớn lao hơn nữa (Ga 14,12).
3) Mẫu gương của người Kitô hữu. Những việc làm của các tông
đồ đến lượt chúng lại trở thành những mẫu gương cho hết thảy mọi người (Mt
5,14). Không có lòng tự kiêu nào lại có thể phát sinh từ những mẫu gương này,
vì khác với thái độ của người Pharisiêu (Mt 6,1-18; 23,5; Ga 12,43), noi gương
Đức Giêsu chỉ là tìm kiếm vinh quang của Cha (Ga 8,49) nên kẻ tin nghĩ đến duy
nhất việc biểu lộ tình yêu của Cha mà họ đón nhận từ Người Con (Ga 17,26). Như
vậy xảy ra nghịch lý, điều mà Phaolô thường hay nhắc lại: “Anh em hãy bắt chước
tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1 Cr 11,1). Đó là điều mà những người tín hữu
Thê-xa-lô-ni-ca (Thessaloniciens) đã làm, những tín hữu ấy đến lượt mình đã trở
nên “tấm gương cho mọi tín hữu miền Ma-kê-đô-ni-a (Macédonie) và miền A-khai-a
(Achaie)” (1 Tx 1,7). Nếu Phaolô đã có thể trở nên mẫu gương cho họ và cũng bởi
họ mà tỏa sáng, thì rõ ràng vì ngài “đã nên giống như họ” (Gl 4,12), “trở nên
tất cả cho mọi người” (1 Cr 9,19-22), nhưng trên hết vì đời sống của ngài kết
hợp với cuộc Tử Nạn của Đức Kitô (Pl 3,17). Bắt chước các Tông Đồ tức là bắt
chước Đức Kitô, và qua Đức Kitô mà bắt chước Cha. Sau hết đó là để mặc khải
điều mà một ngày nào đó chúng ta sẽ trở thành, tức khi tỏ bày lần cuối, khi
“chúng ta sẽ trở nên giống Thiên Chúa” vì chúng ta là con cái Thiên Chúa (1 Ga
3,2).
Nguồn: daminhvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét