Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Môn Đệ



Môn Đệ


Người nào tự tình nguyện học với vị thầy nào đó và chia sẻ những quan niệm của vị ấy thì người ấy là một môn đệ. Từ ngữ này, gần như vắng bóng trong Cựu ước, được sử dụng thông thường trong Do thái giáo sau này (tiếng Do thái, talmid), đồng thời được đưa vào truyền thống Kinh thánh; người ta cũng thấy từ này trong Tân ước (Hy lạp, mathètès), nhưng với ý nghĩa đặc thù mà Đức Giêsu đem lại cho nó.
Cựu ước
1) Môn đệ của các tiên tri và các nhà hiền triết
Thỉnh thoảng, người ta chỉ ra rằng Élisée (Ê-li-sê) đã đi theo ông Ê-li-a (1 V 19,19) hay một nhóm môn đệ nhiệt thành vây quanh Isaia, họ giữ lấy lời chứng của ông và sự mặc khải mà ông nhận được (Is 8,16). Thường hơn thì các nhà hiền triết có các đồ đệ, họ gọi các đồ để là “con” (Cn 1,8.10; 2,1; 3,1) và ghi khắc những lời dạy truyền thống vào tâm trí các đồ đệ họ. Thế nhưng, không có vị tiên tri hay nhà hiền triết nào dám thay thế Lời Chúa bằng lời dạy dỗ của họ. Thật vậy, chỉ dựa vào lời Chúa chứ không dựa trên những truyền thống truyền từ thầy sang trò mà Giao ước mới được thiết lập.
2) Môn đệ của Chúa
Vì Lời Thiên Chúa là nguồn của mọi sự khôn ngoan, nên điều lý tưởng là không nên bám dính vào một người thầy thuộc thế gian, nhưng là môn đệ của chính Thiên Chúa. Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa vốn đã được nhân cách hóa cũng kêu gọi con người hãy lắng nghe và thực thi những bài học Ngài truyền dạy (Cn 1,20; 8,4.32). Những lời sấm truyền về ngày tận thế đã loan báo rằng vào ngày ấy Thiên Chúa sẽ trở thành Thầy của những tâm hồn: họ không còn cần những người thầy của thế gian nữa (Gr 31,31-34), nhưng tất cả họ sẽ là “môn đệ của Giavê” (Is 54,13). Chính Tôi Tớ của Giavê, tuy được ủy thác để giảng dạy những luật định của Chúa (Is 42,1.4), đã luôn lắng nghe mỗi sáng và nói năng như một người môn đệ (Is 50,4). Trung thành với sứ ngôn ngày, tác giả thánh vịnh đã nài xin không biết chán: “Lạy Chúa, xin hãy dạy con!” (Tv 119,12. 26.33; 25,4-9).
3) Thầy và môn đệ trong Do thái giáo
Từ nơi lưu đày trở về, Lề Luật trở thành đối tượng giảng dạy đầu tiên, những người thầy vốn được ủy thác vào việc giáo dục nền tảng này thì được gọi là “luật sĩ”. Thế nhưng, dựa vào quyền uy của Lời Chúa mà họ giảng giải, dần dần họ thêm vào quyền uy cá nhân của họ (Mt 23,2.16-22), nhất là khi họ truyền lại truyền thống mà bản thân họ đã lãnh nhận từ những vị thầy của họ. Do thái giáo sau kinh thánh sẽ cơ cấu dựa trên nền tảng của talmud (giảng dạy). Vào thời của Tân ước, thánh Phaolô nhắc lại rằng ngài là môn đệ của Gamaliel (Ga-ma-li-ên) (Cv 22,3).
Tân ước
1) Môn đệ Đức Giêsu
Một phần nào đó đề cập đến các môn đệ của Môisen (Ga 9,28), của Gioan Tiền Hô (Mc 2,18; Ga 1,35; Cv 19,1) hay của những người Pharisiêu (Mt 22,16), Tân ước dành danh hiệu môn đệ cho những ai đã nhận biết Đức Giêsu như là Thầy của họ. Cũng vậy, trong các sách Tin Mừng, nhóm Mười Hai được tuyển chọn trước tiên (Mt 10,1; 12,1…), rồi đi xa hơn phạm vi thân mật này, là những ai theo Đức Giêsu (Mt 8,21) đặc biệt là bảy mươi hai môn đệ mà Đức Giêsu sai đi rao giảng (Lc 10,1). Các môn đệ này rõ ràng là rất đông (Lc 6,17; 19,37; Ga 6,60), nhưng phần nhiều rời bỏ (Ga 6,66). Không ai có thể dám chắc là trở thành thầy giảng: nếu phải “làm môn đệ” (Mt 28,19; Cv 14,21) thì đó không phải là vì lợi ích của người đó nhưng vì Đức Kitô duy nhất mà thôi. Do vậy, dần dần, bắt đầu từ chương 6 sách Tông đồ công vụ, tên gọi “môn đệ” đơn giản là nhắm đến mọi người tin, dù người đó đã biết hay chưa biết Đức Giêsu trong suốt cuộc đời tại thế của Ngài (Cv 6,1; 9,10-26…); thế nên, từ cái nhìn này, những người trung thành đều đồng giống như chính Nhóm Mười Hai vậy (Ga 2,11; 8,31; 20,29).
2) Những đặc tính
Dù bề ngoài có lẽ giống với các luật sĩ Do thái cùng thời, nhưng Đức Giêsu đã có những đòi hỏi riêng biệt dành cho các môn đệ Ngài.
a) Ơn gọi
Điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa, đó không phải là những khả năng trí tuệ hay ngay cả đạo đức; đó là tiếng gọi mà Đức Giêsu đã khởi xướng (Mc 1,17-20; Ga 1,38-50), và sau Ngài, chính Chúa Cha đã “ban cho” Ngài các môn đệ (Ga 6,39; 10,29; 17,6.12).
b) Gắn bó bản thân với Đức Kitô
Để trở thành môn đệ của Đức Giêsu, không đòi hỏi phải trở thành người cao siêu; thật vậy mối tương quan nó hợp nhất người môn đệ và người thầy trước hết không là trình độ tri thức. Ngài nói với môn đệ: “Hãy theo Ta!”. Trong các sách Tin Mừng, động từ “đi theo” luôn diễn tả sự gắn bó với con người của Đức Giêsu (Mt 8,19…). Đi theo Đức Giêsu, tức là cắt đứt với quá khứ, một sự cắt đứt hoàn toàn đối với trường hợp các môn đệ đầu tiên. Đi theo Đức Giêsu, đó là bắt chước cách sống của Ngài, là lắng nghe những lời giảng dạy của Ngài và làm cho cuộc sống của bản thân hợp với cuộc sống của Đấng Cứu Độ (Mc 8,34; 10,21; Ga 12,26). Khác với đồ đệ của các luật sĩ, sau một lần được đào tạo về Lề Luật, họ có thể tách khỏi người thầy và giảng dạy theo lối của họ, môn đệ của Đức Giêsu gắn kết không phải với một học thuyết nhưng với một con người: môn đệ ấy không thể rời bỏ người mãi mãi đối với mình còn hơn là cha mẹ (Mt 10,37; Lc 14,25).
c) Số mệnh và phẩm giá
Môn đệ của Đức Giêsu được gọi để chia sẻ chung số phận của Thầy: vác lấy thập giá Thầy (Mc 8,34), uống chén của Thầy (Mc 10,38), cuối cùng Ngài đón nhận vào Vương Quốc (Mt 19,28; Lc 22,28; Ga 14,3). Cũng vậy, kể từ bây giờ, bất cứ ai cho Ngài dù chỉ một chén nước thôi với tư cách là môn đệ thì người đó sẽ không mất phần thưởng của mình (Mt 10,42); trái lại, thật lỗi phạm biết bao khi “làm cớ cho chỉ một trong những người bé mọn này”! (Mc 9,42).
3) Môn đệ của Đức Giêsu và môn đệ của Thiên Chúa
Nếu các môn đệ của Đức Giêsu khác biệt với đồ đệ của các luật sĩ Do thái, thì đó là qua Người Con, chính Thiên Chúa đã nói với con người. Các luật sĩ chỉ truyền lại những truyền thống của con người chúng đôi khi “hủy bỏ Lời Chúa” (Mc 7,1…); Đức Giêsu là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa nhập thể, Đấng hứa ban cho các môn đệ Ngài sự nghỉ ngơi tâm hồn (Mt 11,29). Khi Đức Giêsu nói, lời tiên tri của Cựu ước đã được ứng nghiệm, thì tức là người ta nghe chính Chúa, và do đó tất cả mọi người có thể trở thành “môn đệ của Thiên Chúa” (Ga 6,45).

Nguồn : daminhvn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét