Trang

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Chúa Giêsu là dấu cho nhiều người chống đối.


    
Si-mê-on
Chúa Giêsu là dấu cho nhiều người chống đối.



HỎI : Sao cụ già Si-mê-on lại nói “Chúa Giêsu là dấu cho nhiều người chống đối?” (Lc.2,34).





ĐÁP : Mời các bạn đọc lại đoạn Tin Mừng này: “Ông Si-mê-on chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc.2,34)


Thiên Chúa vẫn luôn luôn là mục tiêu chống đối của ma quỷ và bộ hạ của chúng. Muốn theo Chúa thì phải có Đức Tin, và muốn có Đức Tin thì phải chiến đấu. Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy rằng Thiên Chúa là mục tiêu cho nhiều người tôn vinh cũng như nhiều người chống đối.


Trong Cựu Ước, tiên tri I-sai-a gọi Thiên Chúa là “đá vấp phạm, là thạch nham nên dịp trượt ngã cho nhà Ít-ra-el, là tròng lưới và là cạm bẫy cho dân cư Giê-ru-sa-lem” (Is.8,14).


Cũng vậy, trong Tân Ước, Chúa Giê-su xuất hiện như một dấu cho nhiều người bị xúc phạm. Ngài đến để cứu chuộc mọi người, nhưng Ngài cũng làm cho nhiều người chống đối, không chịu tin vào sứ mạng cứu rỗi. (Lc.2,34).


Trong bản thân cũng như trong cuộc sống, Ngài gây chia rẽ và thắc mắc, Ngài xuất hiện tầm thường là con của một bác thợ mộc(Mt.13,57), từ một làng tăm tối - Na-da-rét, Ngài muốn cứu vãn thế giới, nhưng không phải bằng chính trị (Ga.6,15), bằng quyền năng của Đấng Mê-si-a sắp tới (Mt.11,2-5) mà bằng khổ nạn và Thập Giá (Mt.16,21). Nhưng khi Ngài Phục Sinh, Ngài đã tập họp các ông lại (Mt.26,31).


Chúa Giê-su đến để cứu rỗi mọi người, nhưng Ngài đặt họ giữa một sự lựa chọn: Theo Ngài hoặc chống lại Ngài, “Hạnh phúc cho ai không bị vấp phạm vì Ta” (Mt.11,6). Lịch sử Giáo Hội qua các thời đại cũng phản ảnh cuộc sống của Chúa Ki-tô. Giáo Hội vẫn luôn luôn là mục tiêu chống đối, thù ghét và cấm cách, một dịp cho nhiều người sa ngã (Mt.13,21;24,10).
                                                                                                Theo Lm. HỒNG PHÚC, C.s.S.R

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét