HỘP THƯ GỬI MẸ CHÚA TRỜI V : KÍNH GỬI ĐỨC MẸ LAVANG
I. Ý CẦU NGUYỆN
1. Cầu nguyện cho TGP. Sài Gòn
Xin Mẹ Hoà Bình Vương cung Thánh đường Sài Gòn cho tín hữu
kiên vững trong đức tin, trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, nhiệt tâm và
quảng đại trong các việc tông đồ, bác ái và truyền giáo.
2. Cầu cho các nhà truyền giáo đang hiến thân rao giảng Tin
Mừng Nước Trời
Xin cho mọi Kitô hữu ý thức bổn phận truyền giáo của chính
mình, để góp công, góp sức và lời cầu nguyện cho Nước Cha trị đến.
3. Cầu cho những ai đang đau khổ vì gia đình tan nát, hôn
nhân đổ vỡ
Xin cho mọi tín hữu Công giáo nêu gương sống đời hôn nhân và
gia đình gương mẫu, tránh xa lối sống ích kỷ, buông thả, hưởng thụ.
II. ĐỨC MẸ LAVANG
NHỮNG NIÊN HIỆU VỀ LA VANG
1798 - Truyền khẩu nói rằng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng hiện
ra nhiều lần để an ủi các giáo dân trốn chạy những cuộc bách hại của triều Tây
Sơn vào trong rừng sâu Lá Vằng, thuộc địa hạt Dinh Cát, nay là Quảng Trị. Trong
cuộc bách hại đạo năm 1798 có Cha Thánh Triệu tử đạo tại Huế và Cha Thánh Gioan
Đạt tử đạo tại Thánh Hoá.
1801 - Sau khi Gia Long thống nhất, người bên lương cũng
nghe biết có Bà Linh Thiêng hiện ra ở rừng Lá Vằng. Khi họ đi làm trong rừng
thường ghé tới cây đa vái lạy và đắp một nền cao, có rào cây chung quanh.
1823 - Đầu đời Minh Mạng, 3 làng Thạch Hãn, Cổ Thành và Ba
Trừ chung nhau làm một cái miếu trên nền đất cao nơi cây đa chỗ Đức Mẹ hiện ra
nhưng gặp nhiều dấu lạ (mộng mị, tượng bị lật đổ), họ đành thôi và truyền tụng
nhau rằng: “Bà ấy là bà bên lương mà bên giáo đã dành đi đó”. Ngày nay có người
cho rằng dân bên lương gọi Bà Linh Thiêng đó là Phật Bà Quan Âm cứu đời. Cả
làng đồng lòng nhường đất và chùa lại cho bên Công giáo. Cha bổn sở ở Dinh Cát
đồng ý cho người Công giáo biến chùa thành nhà thờ. Đó là nhà thờ đầu tiên tại
La Vang.
1830 - Một giai thoại kể rằng Đức Mẹ đã mua vải để trang
hoàng bàn thờ (xem Ơn Lạ của Đức Mẹ La Vang).
1852 - Đức cha Pellerin kêu gọi các cha hô hào cho giáo dân
nhập Hội Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Tước hiệu này, năm 1901, Đức cha Gaspar đã
chính thức tuyên bố là tước hiệu của Đức Mẹ La Vang.
1866 - Sau khi vua Tự Đức ký sắc lệnh tự do tôn giáo, Đức
cha Sohier coi Địa phận Huế có chương trình mở rộng Linh địa La Vang: xây chủng
viện, tu viện Mến Thánh Giá, cô nhi viện, nhà dưỡng lão cho các linh mục.
Chương trình không thành vì địa phương Cổ Vưu không cho đất. Tuy nhiên, hằng
năm vào Tết Nguyên Đán, giáo dân các vùng Dinh Cát, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh
Hoa... họp nhau vài ba chục người cầm dùi, giáo mác xua thú dữ để vào Linh địa
La Vang kính viếng.
1885 - Văn Thân nổi loạn ở triều đình Huế với khẩu hiệu Bình
Tây Sát Tả, giáo dân Cổ Vưu vào trốn ở La Vang. Khi nhóm người đuổi theo thì họ
trốn lên núi. Có 30 người bị bắt và được đặc ân và được đặc ân thiêu sống trên
nền nhà thờ Đức Mẹ. Nhóm Văn Thân đốt hết các nhà của dân trừ ngôi nhà tranh
nhỏ bé của Đức Mẹ. Sau đó, có người tên Thơ ở Xóm Bốc xuống xem, thấy còn một
nhà tranh cũng nổi lửa đốt luôn. Chiều hôm ấy, nhà của người này bị Văn Thân
đến đốt, cả nhà bị cháy hết.
1886 - Sau biến cố Văn Thân, Linh địa La Vang trở nên nơi
hành hương đông người, vì thế Đức cha Gaspar quyết định làm lại nhà thờ. Đây là
nhà thờ thứ hai tại La Vang. Nhà thờ làm trong 15 năm.
1901 - Khánh thành nhà thờ và tổ chức đại hội 6-8/8/1901.
Chính thức công nhận tước hiệu Đức Mẹ La Vang là Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu và
chọn kiểu tượng Đức Mẹ chiến thắng: Đức Mẹ đứng trên đám mây và hai tay nâng
Chúa Hài Đồng đứng trên quả địa cầu. Định lệ cứ 3 năm kiệu Đức Mẹ La Vang từ Cổ
Vưu vào La Vang ngày mồng 3 Tết Nguyên Đán.
1923 - Đức cha Lý (Allys) giao cho Cha Morineau xây nhà thờ
bằng ngói rộng lớn hơn. Thư quyên tiền được gửi cho toàn quốc.
1928 - Khánh thành nhà thờ mới và đại hội với sự tham dự của
nhiều đức cha và nhiều phái đoàn. Đây là đại hội có tính cách toàn quốc đầu
tiên và số tham dự khoảng 30.000 người. La Vang chính thức thành một xứ và có
cha sở đầu tiên, Cha Thới, tách khỏi Cổ Vưu.
1932 - Trong đại hội này, Đức cha Giáo (Chabanon) định rằng
đại hội kéo dài trong 3 ngày và tổ chức tại Linh địa La Vang.
1935 - Đại hội.
1938 - Đại hội long trọng các ngày 17,18 và 19-8. Đặc biệt
có sự hiện diện của Đức Khâm sứ Drapier.
1946 - Trong thời gian 2 cuộc thế chiến, không có đại hội,
nhưng các cuộc lễ vẫn được tổ chức như thường tại La Vang. Ngày 12-9-1946, Lễ
Cầu An cho tổ quốc đã được cử hành tại La Vang, có sự hiện diện của Nam Phương
Hoàng Hậu.
1945-1954 - La Vang dưới quyền kiểm soát của Việt Minh, mọi
di chuyển bị hạn chế. Tượng Đức Mẹ La Vang được đưa ra Quảng Trị.
1953 - Năm Thánh Mẫu trên thế giới. Ngày 8-12-1953, Đức cha
Thi (Urutia) làm lễ trước tượng Đức Mẹ La Vang, khai mạc chương trình thánh du
tượng Đức Mẹ La Vang.
1954 - Rước kiệu Đức Mẹ La Vang trong các ngày 16, 17 và
18-5. Khi Việt Nam
bị chia đôi (20-7-1954), La Vang thuộc vùng tự do. Một số linh mục và giáo dân
di cư đến La Vang và mở thành những xứ La Vang Thượng, La Vang Trung, La Vang
Tả, La Vang Hữu. Ngày 6-12-1954, rước tượng Đức Mẹ La Vang từ Quảng Trị trở về
Linh địa và bế mạc Năm Thánh Mẫu, có Đức cha Urritia, 40 linh mục và khoảng
20.000 giáo dân.
1955 - Trùng tu Nhà thờ La Vang. Tháng 8-1955, đại hội lần
thứ 13 được tổ chức với tuần tam nhật. Có 3 đức cha (Đức cha Urritia, Đức cha
Chi, Đức cha Từ), 100 linh mục và 20.000 giáo dân đến tham dự.
1958 - Năm Thánh Mẫu kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ
Đức. Trong năm này có khoảng 600.000 tín hữu đến hành hương. Lần lượt các phái
đoàn do các đức cha hướng dẫn: Đức cha Hiền, Đức cha Bình, Đức cha Chi, phái
đoàn Kontum. Tam Nhật Đại hội từ ngày 19 đến 22-8. Đức Khâm sứ Caprio đến chủ
toạ ngày Công giáo Tiến hành 18-8.
18/3/1959 - Khởi sự trùng tu.
25/3/1960 - Rước nến do ĐTC Gioan XXIII tặng. Nến này được
làm phép trong dịp Lễ Nến 2-2 và được gửi đi đến các đền thánh để cầu nguyện
cho Công đồng Chung Vatican II.
13/4/1961 - Các giám mục miền Nam họp tại Huế đã định chọn Đền
thờ Đức Mẹ La Vang làm “Đền thờ toàn quốc dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên
Tội Đức Mẹ” theo lời khấn ngày 18-12-1960 trong Lễ Tạ ơn thành lập Hàng Giáo
phẩm. Ngày 22-8-1961, quyết định trên đã được công bố.
8/8/1961 - Các giám mục miền Nam họp tại Đà Lạt quyết định:
1. Xin Toà Thánh nâng đền thờ lên hàng Vương cung Thánh
đường (Toà Thánh chấp thuận ngày 20-8-1961).
2. Xây dựng những cơ sở mới tại La Vang: Bàn thờ chính dâng
hiến Giáo Hội và tổ quốc, các bàn thờ phụ dâng kính các Thánh Tử đạo Nam,
Trung, Bắc - công trường rộng lớn hơn - nhà trọ cho các tín hữu hành hương - tu
viện gồm các linh mục chuyên lo chầu Mình Thánh Chúa tại La Vang.
3. Kêu gọi đóng góp để trùng tu và xây cất.
4. Năm Trái Tim Đức Mẹ kéo dài trong 3 năm, thực hiện 3 mệnh
lệnh Fatima .
5. Chỉ định một uỷ ban phụ trách Trung tâm Hành hương và Năm
Trái Tim Đức Mẹ.
17-22/8/1961 - Đại hội và xức dầu cung hiến Đền thờ La Vang.
Khánh thành Đài Đức Mẹ có 3 cây đa cổ thụ bằng xi măng cốt sắt do kiến trúc sư
Ngô Viết Thụ làm.
1968 - Đền thờ La Vang bị pháo kích nặng do chiến cuộc.
1972 - Chiến cuộc Mùa Hè Đỏ Lửa đã san bằng La Vang, ngoại
trừ Đài Đức Mẹ còn nguyên. Các giáo dân di tản hết.
NHỮNG ĐẠI HỘI GẦN ĐÂY
1. Đại hội 1961 và Lễ Xức dầu Đền thờ La Vang
Ngày 1-6-1961, Toà Tổng Giám mục Huế đã gửi hiệu triệu thư
như sau:
Kính các cha, anh chị em tín hữu, tôi vui mừng ban phép và
truyền tổ chức Đại hội kính Đức Mẹ La Vang 1961 từ ngày 17 đến 22-8. Đồng thời,
Đức TGM đã ban phép cho uỷ ban chuẩn bị cuộc đại hội được phép quyên tiền theo
Giáo luật để chi phí trong cuộc đại hội, thư của uỷ ban đã được gửi đi khắp nơi
trên toàn quốc.
Sau đó, Nha Chiến tranh Tâm lý thuộc Bộ Quốc phòng gửi đến
La Vang số tiền của đồng bào Hà Nội, Hải Phòng gửi nhờ chuyển giao với 2 bức
điện tín như sau:
1. Sùng kính Thánh Mẫu La Vang, 5 đồng bào Hà Nội gửi qua
Thuỵ Sĩ 475 đồng nhờ chuyển đến đại hội.
2. Với lòng tin cậy Đức Mẹ La Vang cứu thoát ách cộng sản
bạo tàn, 15 đồng bào lao động Hải Phòng gửi qua Pháp 1.200 đồng nhờ chuyển đến
đại hội.
Đã từ lâu Địa phận Huế chuẩn bị cho cuộc Đại hội về mặt
thiêng liêng như cầu nguyện, về mặt tinh thần như học tập về Đức Mẹ, về mặt vật
chất như sắm sửa đồ đạc.
Đại hội đã được tổ chức trong 6 ngày liên tiếp, mỗi ngày
được dành riêng cho mỗi việc khác nhau: Ngày các Bà Mẹ, Ngày các Bệnh nhân,
Ngày các Công chức, Ngày Giáo hội Thầm lặng, Ngày Công giáo Tiến hành và Quân
đội và Ngày Cầu nguyện cho Tổ quốc.
Đêm 21-8 có kiệu Thánh Thể bằng đèn với hơn 100.000 người
tham dự. Ban sáng ngày 22-8 có tới hơn 300.000 người tham dự. Trong Đại hội này
có 3 vị tổng giám mục, 10 giám mục, 300 linh mục thuộc các địa phận: Huế,
Kontum, Nha Trang, Long Xuyên, Vĩnh Long, Sài Gòn, Qui Nhơn, Mỹ Tho, Cần Thơ,
Đà Lạt, PhnomPenh và Ai Lao. 1.000 tu sĩ nam nữ cùng với hơn 300.000 giáo dân
và rất đông người lương.
Ngày 22-8-1961, Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, cũng
là ngày bế mạc Đại hội, Đức TGM Ngô Đình Thục đã cử hành lễ xức dầu thánh cho
Đền thờ La Vang, tức là ngày làm phép nhà thờ long trọng theo Giáo luật, để
được nâng lên bậc Vương cung Thánh đường.
Líc 4 giờ chiều ngày 21-8, Đức TGM đến quỳ nguyện tại Linh
đài Đức Mẹ trước 4 khảm xương Thánh Tử đạo, trong nghi lễ làm phép sẽ chôn vào
trong huyệt đục sẵn trên 4 bàn thờ đá hoa 4 hộp bạc nhỏ, trong mỗi hộp có xương
Thánh Tử đạo. Đức cha bắt đầu làm các nghi thức cung hiến đền thờ.
Lúc 4 giờ sáng ngày 22-8, Đức TGM Huế lại tiếp tục cử hành
phần chính của việc cung hiến đền thờ là xức dần bàn thờ chính và 12 cột của
đền thờ. Bốn bàn thờ được cung hiến do 4 giám mục cùng xức một lượt.
TÔN VINH CẢM TẠ MẸ MARIA
ĐỨC MARIA, GƯƠNG MẪU ĐỜI SỐNG THÁNH THỂ
Ngày 27-2-1868, theo lời khuyên của Cha Calage, Dòng Tên,
linh hướng của Chị Chân phước Maria Chúa Giêsu (tên tục là Maria
Deluil-Martiny, sáng lập Dòng Tữ Tử Thánh Tâm Chúa Giêsu), phác thảo chương
trình công việc tương lai của Chị. Nhà Dòng mới sáng lập của Chị sẽ hoàn thành
những ý muốn mà Chúa Giêsu đã tỏ bày với Thánh Margaret Maria. Gương mẫu cho
đời sống phạt tạ Thánh Thể này sẽ là cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria sau khi
Chúa Giêsu vinh hiển lên trời. Trên núi Calvê, Đức Maria đã dâng hy lễ Con Trai
mình và đã kết hiệp với của lễ ấy. Sau khi Phục Sinh, Mẹ cũng đã dâng cùng hy
lễ ấy nhờ tay của Thánh Gioan Tông Đồ, giúp đỡ Giáo Hội và các Tông đồ bằng lời
cầu nguyện và bằng sự thinh lặng của Mẹ. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Đức Maria
ở lại dưới thế một mình với những điều Mẹ hằng ghi nhớ trong lòng, một mình với
kho tàng ẩn giấu trong Thánh Thể, một mình với Vị Hiền Thê mới khai sinh, là
Giáo Hội, được phó thác cho Mẹ. Điều gì đã lấp đầy tâm hồn và cuộc sống của Đức
Maria trong những năm tháng bị che phủ trong bí ẩn và hiếm khi được suy gẫm tới
này? Đó là Thánh Thể, Calvê và Giáo Hội.
BTGH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét