Bia đá 10 điều răn – Vấn đề tạc tượng
Bia đá Mười điều răn hiện ở đâu? Phải hiểu việc vẽ hoặc
tạc tượng thánh thế nào? Và hiệu quả của ơn toàn xá là sao?
Con kính chào quý cha, quý thầy và cho con xin hỏi :
1/ hai bia đá khắc mười điều răn hiện có còn không, và nếu
còn thì đang ở đâu ?
2/ mình phải trả lời thế nào với anh em tin lành về việc
vẽ hoặc tạc tượng ảnh Chúa và các thánh để thờ. Vì họ nói trong kinh thánh cựu
ước, Giavê cấm vẽ hình Ta mà thờ.
3/ khi mình lãnh ơn toàn xá (đại xá) được tha hết các hình
phạt tạm rồi, thì khi chết mình có phải ở luyện ngục nữa không ?
Con rất mong câu trả lời. Nguyện xin Chúa chúc lành cho
quý cha và quý thầy.
kính thư
con
phero nguyen van toan
( nguyen van toan <muonsongdep@...> Gửi:
lienlac@kinhthanhvn.org)
Kính thăm anh,
Chúng tôi xin trả lời ba câu hỏi của anh:
1) Bia đá mười điều răn
Hòm Bia Giao Ước, còn gọi là “hai bia đá”, đã được đặt tại
Gian Cực thánh của Đền Thờ Salômôn (x. 1 Vua 8,6). Nếu sau đó, Hòm Bia đã không
bị Sisắc, vua Ai-cập (1 V 14,26) hoặc Mơnase, vua Giuđa (2 Sb 33,7) lấy đi, thì
chắc chắn đã bị mất khi Giêrusalem bị tàn phá (năm 586/7 trước công nguyên).
Nói như thế có nghĩa là chúng ta chỉ chắc chắn một điều là “hai bia đá” ấy
không còn nữa, chứ không biết là đã bị mất trong hoàn cảnh nào.
Có một truyền thuyết nói rằng ngôn sứ Giêrêmia, trong khi
thành Giêrusalem bị công hãm, đã lấy Hòm Bia đi, để Hòm Bia khỏi bị xúc phạm,
và đem giấu ở một cái hang trên núi Sinai, và hẳn là Hòm Bia vẫn còn ở đó cho đến khi Israel được tái
thiết (x. 2 Mcb 2,4-8). Nhưng truyền thuyết này không có cơ sở thực tế gì.
2) Vấn đề vẽ hoặc tạc tượng
Trước tiên, xin anh vui lòng đọc lai sách Giáo Lý của Hội
Thánh Công Giáo, từ số 2129 đến số 2132, để nắm vững giáo huấn của Hội Thánh
Công Giáo về việc vẽ hay tạc tượng Chúa Kitô, Đức Mẹ hay các thánh. Còn để trả
lời cho anh chị em Tin Lành, anh có thể nêu ra vài điểm trong giáo huấn này:
a) Từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho phép làm
những hình tượng biểu trưng ơn cứu độ (nhờ Ngôi Lời Nhập Thể sau này): ví dụ
con rắn đồng; Hòm Bia giao ước và các Kê-ru-bim.
b) Tôn kính ảnh tượng không nghịch lại điều răn thứ nhất
cấm thờ ngẫu tượng. Bởi vì khi đó, “ta hướng tâm hồn lên nguyên ảnh” (Thánh
Basiliô) và “tôn kính một ảnh tượng là tôn kính chính Đấng được miêu tả” (các
Công đồng Nicêa, Trentô , Vatican II). Với lại chúng ta “tôn
kính” chứ không thờ phượng ảnh tượng. Đối với các thánh, chúng tôi hiểu ý của
anh: khi anh nói “thờ” là có ý nói “tỏ lòng tôn kính các ngài”. Dù sao để khỏi
gây hiểu lầm, chúng ta cần dùng từ chính xác: chúng ta chỉ “thờ” Thiên Chúa mà
thôi, còn với tất cả các thánh, chúng ta “tôn kính”.
Ngoài ra, cũng xin nhắc lại một quy định đã có từ năm 2008
cũng liên quan đến việc tôn kính “Danh” Thiên Chúa: do chỉ thị của Đức Thánh
Cha, Thánh Bộ về Phượng tự đã yêu cầu không đọc cách chuyển tự bốn phụ âm
Híp-ri YHWH là “Giavê” (Yahvé hoặc Yahweh) trong các bản dịch, các cuộc cử hành
phụng vụ, trong các bài thánh ca, và trong các lời cầu nguyện của Hội Thánh
Công giáo nữa; từ nay sẽ đọc là “Chúa” hoặc “Đức Chúa”. Thượng Hội Đồng Giám
Mục về “Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh” tại Rôma vào
tháng 10 năm 2008 này đã đưa ra thực hành quy định ấy của Thánh Bộ Rôma về
Phượng tự[1].
3) Ơn toàn xá
Về nguyên tắc, nếu đã lãnh một ơn toàn xá thì được tha các
vạ mà ta phải đền “trong luyện ngục” sau khi chết. Nếu đã được tha hết, thì
không phải vào luyện ngục. Nhưng vấn đề là ta có hội đủ điều kiện chăng để nhận
được đúng ơn toàn xá. Chúng ta thường nhớ các điều kiện là : xưng tội; rước lễ;
viếng nhà thờ: khi đi viếng thì đọc một kinh Tin Kính, một kinh Lạy Cha và cầu
nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Làm được chừng này việc với sự chú ý thành khẩn
đã là khó. Tuy nhiên, còn một điều kiện nữa, mà không có mấy ai biết hoặc nhớ,
đó là : còn phải có tâm tình dứt khoát (không còn dính bén gì) với mọi tội, kể
cả tội nhẹ.
Thế nhưng nếu một người có tâm hồn thành tín (chẳng hạn,
các thánh) đã làm đủ các điều kiện trên, thì hẳn là vẫn không bận tâm nghĩ ngợi
là làm được như thế thì đã bảo đảm được phần rỗi linh hồn chưa, có chắc khỏi
phải “xuống” luyện ngục chăng. Bởi vì mối quan tâm của các vị ấy là Thiên Chúa
Tình Yêu: bao lâu chưa gặp được Thiên Chúa, thì người ta vẫn khao khát vươn tới
và thanh luyện cho mình nên xứng đáng hơn với Thiên Chúa, dù là người khác thấy
họ đã hội đủ các điều kiện. Lý do: vào thiên đàng hay cứu rỗi linh hồn là để
sống muôn đời với Thiên Chúa, chứ không phải để chiếm một địa vị, hsy thậm chí
một “mảnh đất”, để rồi từ đó chỉ việc an nhàn hưởng thụ một số “huê lợi” nào
đó!
Kính chúc anh luôn sống vui tươi và an lành trong tình yêu
của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lm PX Phan Long, ofm
--------------------------------
[1] Có thể xem tin tức ZENIT.org Thứ sáu, ngày 24-10-2008.
Chúng tôi cũng đã đăng tin này trên trang web này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét