Trang

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN - A : Những suy niệm




CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN - A : Những suy niệm
Lời Chúa: Is. 45, 1.4-6; 1Tx. 1,1-5b; Mt. 22, 15-21

 

1. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.


CỦA THIÊN CHÚA TRẢ CHO THIÊN CHÚA

Người Do Thái muốn gài bẫy Chúa nên đưa ra câu hỏi hóc búa. Không ngờ Chúa trả lời thật khôn ngoan: “Của César trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Với câu trả lời này, Chúa Giêsu minh định hai điều:

Thứ nhất: Tôn giáo và chính trị tách biệt nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo làm nô lệ. Tôn giáo cũng không thể đi vào chính trị, đánh mất bản chất của mình.

Thứ hai: Mỗi người phải chu toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã hội là “trả cho César” những gì của César. Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những gì thuộc về Thiên Chúa.

Hình và huy hiệu khắc trên đồng tiền là của hoàng đế César vì thế phải trả lại cho ông. Nhưng linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải được trả về cho Thiên Chúa.

Để có được đồng tiền mang hình ảnh César, người dân phải làm việc vất vả. Cũng thế, để linh mang hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng phải ra sức làm việc.

Nhưng hai cách làm việc thật khác xa nhau. Để chia sẻ phần nào quyền lực của vua chúa trần gian, người ta phải làm việc theo cách vua chúa đó là tìm chiếm hữu của cải. Để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa đó là yêu thương và cho đi.

Bí tích Thánh Thể là minh họa rõ nét nhất về tính cách yêu thương và cho đi của Thiên Chúa. Nói về bí tích Thánh Thể, lòng trí ta tự nhiên hướng về bữa Tiệc Ly, cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Qua đó ta thấy một vài khía cạnh trong tình yêu của Chúa.

Đó là tình yêu phục vụ. Tin Mừng thánh Gioan thuật lại. Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình thì yêu thương cho đến cùng. Nên trong bữa ăn tối, Người cầm lấy chậu nước và khăn rồi đi rửa chân cho từng môn đệ.

Đó là tình yêu tự hiến. Khi lập phép Thánh Thể. Chúa Giêsu đã nói: “Đây là Mình Thày bị nộp vì anh em; Đây là Máu Thày đổ ra cho anh em và mọi người được tha tội” (Lc 22,19).

Đó là tình yêu hiền lành khiêm nhường. Chúa Giêsu cam lòng chịu kết án oan ức, chịu sỉ nhục, chịu hành hạ chịu chết mà chẳng một lời oán thán.

Đó tình yêu tha thứ. Không chỉ tha thứ mà còn cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Người cũng tha thứ cho kẻ trộm lành: “Thật Ta bảo thật, hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43).

Đó là tình yêu muốn tiếp diễn mãi mãi. Nên Người truyền cho ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22,19). Cử hành thánh lễ, chầu Mình Thánh, kiệu Thánh Thể để Chúa ở mãi với ta, tiếp tục bày tỏ tình yêu thương với ta.

Người mong muốn kéo dài tình yêu của Người cho đến tận cùng không gian và đến tận cùng thời gian nơi cuộc đời chúng ta. Vì thế khi ta chịu lễ, ta phải kết hiệp mật thiết với Người, nên một với Người. Nên một với Người là biến đổi để ta suy nghĩ, nói năng và hành động như Người, nghĩa là sống như Người.

Sống như Chúa là hãy có tình yêu thương phục vụ. Vì Chúa đã dạy: “Như Thày đã rửa chân cho các con, các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Sống như Chúa là hãy có tình yêu tự hiến. Quên mình vì hạnh phúc của người khác. Dám hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền bạc vì anh em. Sống như Chúa là hãy có lòng hiền lành khiêm nhường. Vì Chúa đã dạy: “Hãy học cùng Thày, vì Thày hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Sống như Chúa là hãy tha thứ, không phải chỉ tha thứ 7 lần mà đến 70 lần 7 (x. Mt 18,21-22).

Sống như thế, ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa giữa trần gian. Sống như thế, ta trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Sống như thế ta tôn sùng bí tích Thánh Thể một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Sống như thế là sống nhờ Thánh Thể. Không còn sống cho những giá trị trần gian mau qua, nhưng sống cho những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin dạy con biết sống bí tích Thánh Thể để con được kết hiệp với Chúa và càng ngày càng nên giống Chúa hơn. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Ban đã phải trả cho César những gì thuộc về César. Nhưng bạn có thực sự trả cho Chúa những gì thuộc về Người không?

2- Bạn làm gì để nên giống Chúa?

3- Qua bí tích Thánh Thể, bạn có thể hiểu được gì về tình yêu Chúa đối với bạn?

 

2. Suy niệm của Lm Nguyễn Hữu An.


CON NGƯỜI - HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA

Trong Phật giáo có một câu chuyện nổi tiếng:

Có một người đàn ông cao ngạo chẳng biết sợ ai, luôn coi thường đạo lý. Nghe Đức Phật dạy rằng đừng bao giờ lấy ác báo ác và một ngày kia, hắn đến gặp Đức Phật và dự tính xem Phật có sống được điều Ngài giảng không. Hắn bắt đầu tuôn ra đủ mọi lời thóa mạ Ngài và gọi Ngài là tên đần độn. Trong khi hắn liên tục xổ ra đủ thứ lời lăng mạ thì Đức Phật vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Chờ hắn mỏi miệng không nói thêm lời nào nữa, Ngài mới lên tiếng: "Này con, nếu một người không chịu nhận món quà mà kẻ khác biếu cho thì món qùa ấy sẽ đi về đâu"? Gã cay cú đáp: "Thằng điên nào mà chẳng biết, dĩ nhiên là món ấy sẽ trở về lại với người đem cho". Đức Phật liền nói: "Hỡi con, con vừa tặng ta rất nhiều lời thóa mạ nhưng ta chẳng nhận đâu nhé". Gã kia câm miệng không thốt ra lời nào nữa. Đoạn Đức Phật nói tiếp: "Kẻ nào lăng mạ một người thánh thiện thì cũng giống như hắn ta khạc nhổ lên trời. Những thứ hắn khạc nhổ ra không làm nhơ bẩn bầu trời, trái lại sẽ rơi xuống làm nhơ bẩn gương mặt của chính hắn. Cũng thế kẻ nào thóa mạ một người nhân đức thì khác nào tung bụi ngược chiều gió, bụi sẽ chỉ bay vào mắt hắn mà thôi." (Trích tuyển tập chuyện hay, Giấc mộng vàng trang 167).

Câu chuyện trên là một minh họa cho cuộc tranh luận nổi tiếng giữa các Pharisiêu, Luật sĩ và Chúa Giêsu qua bài Tin mừng hôm nay.

Nhóm Biệt phái bàn mưu để làm cho Đức Giêsu lỡ lời mắc bẩy. Họ hợp tác với phe Hêrôđê để chất vấn Người về vấn đề nộp thuế. Nhóm Biệt phái ghét cay ghét đắng người Rôma đang đô hộ Israel, còn phe Herôđê thì lại nịnh bợ các quan bảo hộ để được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Dù không ưa nhau nhưng họ lại liên kết với nhau để chống lại Đức Giêsu. Một mình đối nghịch với Đức Giêsu trong lãnh vực tôn giáo, nhóm Biệt phái không làm được gì đến Người, họ muốn nhờ bàn tay chính quyền là phe Hêrôđê để gài bẫy Người trong vấn đề chính trị. "Chúng tôi có được nộp thuế cho Xêda hay không?" Câu hỏi đặt Đức Giêsu trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bẫy gài sắc như con dao hai lưỡi. Trả lời có cũng mắc bẫy, không có cũng mắc bẫy. Nếu Đức Giêsu bảo không thì nhóm Hêrôđê tố cáo là không trung thành với Hoàng đế. Còn nếu Người bảo có thì Người sẽ bị nhóm Pharisiêu tố cáo là không trung thành với dân tộc. Hai đàng, đàng nào cũng trọng tội. Trước gọng kềm đang siết chặt, Đức Giêsu rất bình tĩnh, rất tự chủ, không ngạo mạn khiêu khích nhưng cũng không khúm núm sợ sệt. Người bảo họ đưa cho xem đồng tiền và hỏi: hình và danh hiệu này là của ai?. Khi được trả lời là "của Xêda" Đức Giêsu liền tuyên bố "thế thì của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa". Câu trả lời của Người làm cho 2 phe nhóm bẽ bàng hụt hẫng. Đức Giêsu phân biệt đâu ra đó: của Hoàng đế hãy trả cho Hoàng đế, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Đức Giêsu không dùng miệng lưỡi mình để kết án họ, nhưng bắt chính họ phải tự tuyên án cho mình như có lời chép rằng: Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án (Mt 12, 37).

Sứ mạng của Đức Giêsu khi đến trần gian là sứ mạng tôn giáo, là đưa nhân loại về với Thiên Chúa chứ không phải là chính trị. Chính Người đã từ chối làm vua, làm Messia đánh đông dẹp bắc theo mong đợi của người Do Thái. Câu trả lời của Đức Giêsu làm nổi bật chân lý ấy. Với sứ mạng tôn giáo, Đức Giêsu nhắc cho họ nghĩa vụ phải trở về với Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa những gì là của Thiên Chúa. Những kẻ chất vấn muốn nhìn Đức Giêsu dưới gốc độ chính trị thì Người làm cho những kẻ có lập trường chính trị phải thấy Người là con người tôn giáo.

Một cuộc đối thoại giữa thần quyền và thế quyền, giữa Thiên Chúa và Xêda. Cũng như sau này trong cuộc đối thoại với Philatô, Đức Giêsu trịnh trọng tuyên bố: Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi sẽ chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này. Qua lời tuyên bố này Đức Giêsu có vẻ như khẳng định vương quyền của mình, một vương quyền mà Philatô chưa có thể hiểu thấu.

Mối tranh chấp giữa thần quyền và thế quyền, giữa đạo và đời đã xảy ra từ thời Chúa Giêsu cũng như từ muôn thưở. Đức Giêsu không muốn được coi như vị cứu tinh chính trị theo ý của người Do thái. Người không đến để nắm lấy chính quyền, thống trị như một vị hoàng đế Xêda hay như vua Hêrôđê. Trong thực tế Người phân biệt rõ thần quyền và thế quyền, tuy công nhận quyền hành chính trị như một điều tất nhiên nhưng Người tự đặt mình vào mức độ khác. Nước Trời mà Người đang rao giảng, đang thể hiện hoàn toàn khác biệt vàkhông cạnh tranh với đế quốc của Xêda, vì Nước Trời là vương quốc trường tồn của Thiên Chúa dành cho tất cả, nơi đó không có áp chế, không có thống trị, chỉ có niềm vui, bình an và hạnh phúc miên trường.

Những gì của Xêda hãy trả cho Xêda. Xêda là hiện thân cho một đế quốc hùng mạnh và giàu có của một thời lịch sử đã qua. Xêda cũng còn là biểu tượng cho thế lực tiền bạc, tham vọng quyền bính và danh lợi dưới mọi hình thức trong xã hội ngày nay đối với mọi người.

Những gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Đức Giêsu đã khéo léo nhắc đến bổn phận của con người đối với Thiên Chúa. Có cái gì ngoài Thiên Chúa mà lại không phải là thụ tạo của Ngài? Phải trả cho Thiên Chúa những gì mang hình ảnh Ngài, những gì được khắc ghi tên Ngài trên đó. Hình ảnh nổi bật nhất là con người (St 1, 26). Toàn bộ con người mang dấu ấn Thiên Chúa và cả vũ trụ cũng tiềm tàng dấu ấn của Thiên Chúa. Trả con người lại cho Thiên Chúa là dâng nó cho Ngài, là nhìn nhận chủ quyền của Ngài. Trả vũ trụ trong lành cho Thiên Chúa cũng là trả lại cho con người món quà lớn lao mà Ngài đã trao tặng.

Mỗi người Kitô hữu luôn hãnh diện vì mang trong bản thân mình hình ảnh cao quý của Thiên Chúa và luôn sống phong cách của Ngài: quảng đại chia sẻ, yêu thương trao hiến, bao dung tha thứ, khiêm tốn phục vụ. Được như thế, mỗi người chúng ta sẽ luôn làm cho hình ảnh Thiên Chúa ngày càng rõ nét trong cuộc đời mình.

 

3. Suy niệm của Charles E. Miller.


HÃY DÂNG CHO THIÊN CHÚA NHỮNG GÌ LÀ CỦA THIÊN CHÚA

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’)

Nếu Đức Giêsu phải qua một cuộc kiểm tra trong trường học ngày hôm nay, thì Ngài sẽ không Vượt Qua nổi. Ngài không bao giờ trả lời một câu hỏi, hay ít nhất là không trả lời trực tiếp. Một số người cũng giống như thế. Các bạn hỏi họ: “Bạn thế nào?”. Và họ trả lời: “Cám ơn bạn vì đã hỏi”. Đó không phải là một câu trả lời.

Trong bài Phúc Âm ngày hôm nay Chúa Giêsu đã bị hỏi là để chu toàn Lề Luật có trả thuế cho đế quốc hay là không? Một câu trả lời có hay là không đủ để trả lời cho câu hỏi này. Thay vào đó, Chúa Giêsu đã làm cho đối thủ của Ngài phải đưa cho Ngài đồng bạc Rôma, tiếp đến Người đòi hỏi họ phải đưa ra chính kết luận của họ. Chúa Giêsu có một lý do đúng đắn trong việc không đưa ra một câu trả lời trực tiếp bởi vì những người hỏi Ngài không chân thành; họ cũng đặt bẫy trong câu hỏi của họ. Nếu Ngài trả lời có, phải chu toàn Lề Luật đóng thuế thì người Pharisiêu sẽ tố cáo Ngài phản bội lại những người đồng hương Do Thái, xứ sở của chính Ngài. Mặt khác nếu trả lời không, họ sẽ có thể bắt Ngài bởi chống lại người Rôma.

Từ bài học đồng bạc, không ngạc nhiên gì khi Chúa Giêsu đã nói với họ hãy trả cho Cesar những gì thuộc về Cesar. Còn hơn là ngạc nhiên và ngay cả bị sốc nữa, khi Chúa Giêsu nói thêm hãy trả cho Thiên Chúa tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa. Điều đó giống như là nói với cổ động viên bóng đá nhiệt thành rằng đừng quên xem một số trò chơi trên TV, nếu một người nào đó cho anh một vé chơi trò chơi hãy bảo đảm rằng anh sẽ đi. Loại trò chơi đó đối với một người cổ động viên bóng đá là một chuyện dư thừa. Vì những người Pharisiêu cũng gần giống như thế nếu nói với họ hãy trao cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa thì không chỉ là dư thừa nhưng đúng là một sự nhục mạ.

Ý của Chúa Giêsu thì không cố ý nhục mạ họ, nhưng là thách đố họ. Không nghi ngờ gì họ đã trả thuế cho đế quốc cai trị họ. Những người Rôma làm điều đó bằng cưỡng bách, bằng bạo lực nếu cần thiết. Nhưng Thiên Chúa không cưỡng bách chúng ta bất cứ điều gì. Ngài tìm kiếm sự phục vụ, trao ban một cách tự do. Trên tất cả Ngài yêu cầu một tình yêu mà tình yêu đó phải thành thật và không ích kỷ, giống như tình yêu của Ngài hướng đến chúng ta. Những người cố ý gài bẫy Chúa Giêsu trong bài giảng của Ngài, tin rằng tôn giáo là một cái gì nhỏ bé hơn qua việc giữ luật bên ngoài. Họ nghĩ rằng tôn giáo như xây một bức tường, cứ đặt những viên gạch với nhau thì bức tường sẽ được dựng lên. Họ không nhận ra rằng với cái vẻ đạo đức bên ngoài đã đặt nên một bức tường giữa họ với Thiên Chúa, và giữa Thiên Chúa với dân của Người. Họ cũng thành công trong việc cô lập chính họ khỏi những đòi hỏi cần quảng đại trong việc lạy Thiên Chúa hoặc trong việc phục vụ đồng loại, những kẻ đang có nhu cầu cần giúp đỡ.

Những thách đố đối với chúng ta là gì? Chúng ta có trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa không? Chúng ta có xứng đáng được khen ngợi như thánh Phaolô đã khen ngợi tín hữu Thessalonica: “Chúng tôi đã kiên bền, chú ý… Còn anh em có chứng minh đức tin của anh em, khổ nhọc trong tình yêu, và trình bày cách kiên bền trông cậy vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta không?”.

Chứng mình đức tin của chúng ta: nó có nghĩa là sống theo một cách mà mọi người biết chúng ta là người Công giáo, những người thực thi tôn giáo của chúng ta một cách nghiêm chỉnh và sẵn lòng chịu những điều khác nữa. Lao nhọc trong tình yêu: đó là nhận biết chúng ta phải thực hiện theo cách của mình như chúng ta tử tế với những người khác, chúng ta tự nguyện thăm viếng đau ốm hoặc đi mua sắm đồ hco những người không thể đi được. Trình bày niềm hy vọng kiên bền vào Đức Kitô: Thách đố này là sống cuộc sống của chúng ta không theo cảm tính, như Thiên Chúa không hiện diện bởi vì chúng ta một là được thúc đẩy bởi cái vĩnh cửu còn không chỉ là do những giá trị thế lực.

Chúa Giêsu cảm thấy không cần thiết để trả lời những câu hỏi của người Pharisiêu nhưng chúng ta sẽ nồng nhiệt và sẵn lòng trả lời với một lòng sốt sắng khi Người hỏi: “Các con có sẵn lòng trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa không?”.

 

 

4. César

Người Do Thái lúc bấy giờ đang sống dưới ách thống trị của đế quốc La mã. Họ thường phải nộp những thứ thuế khá nặng cho hoàng đế César. Đứng trước vấn đề này, họ có ba thái độ khác nhau.

Thái độ thứ nhất của những người thuộc phái Sađốc và đảng Hêrôđê, họ chấp nhận việc nộp thuế, nhằm bảo đảm cho chỗ đứng của họ và sự bao bọc của chính quyền Rôma.

Thái độ thứ hai là của bọn Biệt phái, miễn cưỡng chấp nhận nộp thuế. Họ coi ách đô hộ của người La mã là một thứ hình phạt của Thiên Chúa, vì thế cần phải tu thân tích đức để được tha thứ.

Cuối cùng là thái độ của những người ái quốc, họ không chấp nhận sự hiện diện của ngoại bang trên quê hương đất nước. Họ chủ trương dùng võ lực để đánh đuổi thực dân và coi việc nộp thuế là điều ô nhục, xúc phạm đến Thiên Chúa, vì không chấp nhận để Thiên Chúa thống trị trên Israel là dân riêng của Ngài.

Còn thái độ của Chúa Giêsu là như thế nào? Trước hết, Ngài tố giác sự giả hình của bọn Biệt phái: Họ giả bộ khen ngợi Ngài bằng những lời đẹp đẽ nhất:

- Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật, Thầy dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy chẳng vị nể ai và không đánh giá theo bề ngoài.

Thế nhưng bên trong những lời đẹp đẽ ấy lại là một ý đồ đen tối, muốn gài bẫy để hại Ngài. Bởi vì nếu Ngài trả lời phải nộp thuế thì Ngài sẽ bị dân chúng phản đối. Còn nếu Ngài trả lời không phải nộp thuế thì họ sẽ tố giác Ngài với chính quyền Rôma.

Vì thế, Ngài bảo họ cho xem đồng tiền nộp thuế. Đây là một đồng tiền bằng bạc, được lưu hành trong toàn đế quốc La mã từ năm 268 trước công nguyên, mãi đến năm 200 sau công nguyên vẫn còn được xử dụng. Trên mặt đồng tiền có hình bán thân của hoàng đế Tibêriô Xêda. Chúa Giêsu cầm đồng tiền và hỏi:

- Hình và dòng chữ này là của ai?

Và khi biết là của Xêda, Ngài bèn nói:

- Của Xêda hãy trả cho Xêda, còn của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.

Câu nói đó có ý nghĩa: Đồng tiền mang hình Xêda nên chúng ta phải trả cho Xêda, còn con người chúng ta mang hình ảnh Thiên Chúa, nên chúng ta phải trả toàn bộ bản thân chúng ta cho Thiên Chúa. Ngài không nói một cách rõ ràng là phải nộp thuế cho Xêda để bày tỏ sự phục tùng, nhưng nếu chúng ta được phép nộp thuế vì nghĩa vụ thì cũng đừng quên rằng mình thuộc về Thiên Chúa, và chỉ mình Ngài mới có quyền tối thượng, mới là Đấng chúng ta phải yêu mến trên hết mọi sự.

Tóm lại, tiền bạc của con người có thể thuộc về hoàng đế, còn chính bản thân chúng ta phải thuộc về Thiên Chúa. Vì Ngài có quyền tối thượng trên mọi người và mọi quyền bính trần gian.

Những gì của Thiên Chúa phải trả cho Thiên Chúa. Đó là lời nhắn nhủ thật bất ngờ khiến chúng ta phải kiểm điểm lại cuộc sống, bởi vì chúng ta có bổn phận phải tôn trọng những đòi hỏi của Ngài. Thế nhưng khi bon chen trong lãnh vực trần thế, chúng ta đã thực sự chu toàn những bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa hay chưa?


 5. Nộp thuế cho Xê-da - JKN


Câu hỏi gợi ý:

1. Trong cuộc đời, bạn có gặp trường hợp xung đột giữa hai “bản tịch” như Đức Giêsu, nghĩa là trung thành với tôn giáo thì bị kết án là phản bội đất nước, và ngược lại, trung thành với đất nước thì bị kết án là phản bội tôn giáo không? Trong trường hợp đó, bạn cần phải hành xử thế nào?

2. Bạn có phân biệt rõ rệt như Đức Giêsu: cái gì của Xê-da, cái gì của Thiên Chúa không? Nghĩa là phân biệt thánh ý Thiên Chúa và ý muốn của các thế lực đạo đời đang chi phối mình không? Phải coi ý muốn của ai quan trọng hơn?

CHIA SẺ

1. Tình trạng hai “bản tịch” của Đức Giêsu

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự xung đột giữa hai “bản tịch” của Đức Giêsu cũng như của mọi Ki-tô hữu có quê hương dân tộc, nghĩa là vừa là tín đồ của một tôn giáo, tức “giáo tịch”, vừa là người dân của một đất nước, tức “quốc tịch”. Ngài cũng như chúng ta, vừa phải yêu mến Thiên Chúa và có những bổn phận tôn giáo (như thờ phượng Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội, hành xử theo lương tâm…), vừa phải yêu quê hương đồng bào và có nghĩa vụ đối với đất nước của mình (như tôn trọng pháp luật, đóng thuế, quân dịch…). Hai thứ trách nhiệm này thường phù hợp với nhau, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp chúng xung đột nhau: trung thành với tôn giáo thì có vẻ như phản bội đất nước, và ngược lại.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, người Pha-ri-siêu và phe đảng Hê-rô-đê hợp nhau đặt bẫy Đức Giêsu. Người Pha-ri-siêu là phe chủ trương trung thành với Do Thái giáo và đất nước Do Thái, vì thế, họ âm thầm chống lại người Rô-ma đang cai trị đất nước họ. Còn phe đảng Hê-rốt là người của Hê-rô-đê An-ti-pa - tiểu vương miền Ga-li-lê - chủ trương ủng hộ chính sách đô hộ của Rô-ma. Vì thế, hai phe này thường chống đối nhau kịch liệt: người Pha-ri-siêu coi phe Hê-rô-đê là phản Thiên Chúa và phản quốc; còn phe Hê-rô-đê là tay sai của đế quốc, tìm cách giết chết từ trong trứng nước những mầm mống chống lại đế quốc trong dân Do Thái.

Điều rất lạ là trong bài Tin Mừng này hai phe chống đối nhau ấy lại hợp sức với nhau hãm hại Đức Giêsu, bằng cách đặt Ngài vào một trường hợp thật khó xử là sự xung đột giữa hai “bản tịch” ấy. Họ chất vấn Ngài: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” Trả lời thế nào Ngài cũng đều bị kết án. Nếu nói “được phép”, Ngài sẽ bị người Pha-ri-siêu lên án là ủng hộ người Rô-ma là kẻ thù của dân tộc, đồng thời chống lại Thiên Chúa mà tín đồ Do Thái giáo coi là vị Vua duy nhất. Còn nếu bảo “không được” thì người của Hê-rô-đê sẽ bắt Ngài nộp cho chính quyền Rô-ma vì tội tuyên truyền phản động, chống lại chính sách của đế quốc. Nhưng Đức Giêsu đã trả lời họ một cách thật tài tình, khiến cho cả hai phe không bắt bẻ Ngài được, đồng thời cho chúng ta một nguyên tắc để hành xử khi mang hai “bản tịch” trên. Đó là “của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.

2. Thần quyền hợp với thế quyền bách hại Đức Giêsu

Người mang hai “bản tịch” như thế bị chi phối rất nhiều bởi hai lực lượng: thần quyền bên tôn giáo và thế quyền bên đất nước, xã hội. Lý tưởng nhất là hai lực lượng này cùng quan tâm đến những thiện ích chung của mọi người để cùng cộng tác với nhau, mưu lợi ích và hạnh phúc cho toàn dân. Đó là điều đại hạnh phúc cho mọi người dân, mọi tín đồ. Nhưng tại nhiều quốc gia, thần quyền và thế quyền chống đối nhau, nhất là khi hai bên có những quan điểm căn bản ngược lại nhau. Chẳng hạn khi thế quyền chủ trương vô tôn giáo, hoặc nghiêng hẳn về một tôn giáo nào đó, coi tôn giáo đó là quốc giáo, khiến tín đồ các tôn giáo khác lâm vào thế bị bạc đãi. Lúc đó, những người dân hai “bản tịch” bị ngược đãi ấy bị buộc phải chọn một bên và bỏ một bên một cách thật đau lòng. Đau lòng là vì họ chẳng muốn bỏ một bên nào, bên nào cũng hết sức thân thiết với họ. Họ lâm vào thế kẹt: hễ trung thành với tôn giáo thì bị nhà nước kết án, mà trung thành với nhà nước thì bị tôn giáo kết án.

Nhưng cũng có những trường hợp thần quyền và thế quyền hợp với nhau áp bức và bóc lột người dân vốn thấp cổ bé miệng, như trường hợp bài Tin Mừng hôm nay. Lúc đó thần quyền có thể trở thành công cụ của thế quyền hoặc ngược lại: hai bên lợi dụng thế của nhau để áp bức người dân, để cùng có lợi. Hai bên có thể thỏa hiệp với nhau, bênh vực hay tương nhượng lẫn nhau, hoặc bên này im lặng để mặc bên kia tự do hành động sai trái, bất chấp quyền lợi chung của đất nước, tôn giáo, hay người dân.

Thần quyền cũng như thế quyền đều được lập nên nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung của dân chúng và của các tín đồ. Thần quyền còn nhằm phụng sự Thiên Chúa. Nhưng lịch sử các quốc gia và các tôn giáo, cũng như cuộc đời của Đức Giêsu cho thấy: không phải lúc nào thần quyền và thế quyền cũng đi đúng mục đích của mình. Nhiều trường hợp họ theo đuổi những mục đích cá nhân hay tập thể nhỏ của họ. Thiết tưởng các Ki-tô hữu chân chính, tức những môn đệ đích thực của Đức Giêsu, cho dù hoạt động trong thần quyền hay thế quyền, cũng luôn luôn đặt quyền lợi của Thiên Chúa, của đất nước, của tôn giáo và của dân chúng lên trên hết. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân, quyền lợi cá nhân cũng như tập thể nhỏ của họ cho mục đích cao cả ấy. Nếu không thì càng giữ chức vụ cao, họ càng trở thành công cụ của Xa-tan, của sự ác, và đương nhiên chức vụ cao ấy sẽ là nhân duyên tạo nên sự trừng phạt của Thiên Chúa dành cho họ.

3. Áp dụng nguyên tắc của Đức Giêsu

Là tín đồ của một tôn giáo trong một đất nước, chúng ta có hai “bản tịch” với hai loại nghĩa vụ: một là đối với Thiên Chúa, Giáo Hội, đời sống tâm linh, lương tâm con người; hai là đối với quốc gia, xã hội. Người Ki-tô hữu cần cố gắng thi hành trọn vẹn chừng nào có thể hai loại nghĩa vụ ấy. Việc này sẽ dễ dàng nếu hai thế lực đạo và đời cùng đồng quan điểm và cùng hợp lực với nhau vì ích lợi chung. Lúc đó, cả hai thế lực đều là những công cụ phục vụ điều thiện, vì thế, tuân theo mệnh lệnh của những thế lực ấy cũng chính là vâng lời Thiên Chúa. Thánh Phê-rô đưa ra nguyên tắc: “Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua” (1Pr 2,16). Đối với nhà nước phục vụ ích lợi chung như thế, thánh Phao-lô nói: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt” (Rm 13,1-2). Đó chính là áp dụng lời của Đức Giêsu: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, nghĩa là nghĩa vụ thuộc bên nào thì hãy chu toàn nghĩa vụ ở bên nấy.

Tuy nhiên, lý tưởng trên nhiều khi không xảy ra, lúc đó người dân hai “bản tịch” sẽ gặp nhiều khó khăn. Là người Ki-tô hữu, chúng ta cần phải đặt thánh ý Thiên Chúa và lương tâm con người lên trên hết. Và kế đó là phải phân biệt giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của hai thế lực đạo, đời ấy. Chủ trương và động lực của hai thế lực này không phải luôn luôn phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa và lương tâm con người. Hai thế lực ấy vốn là bề trên, là bậc cha mẹ mà bình thường ta phải tuân phục. Đức vâng phục Ki-tô giáo đòi buộc chúng ta phải tuyệt đối vâng lời bề trên bao lâu chúng ta biết mệnh lệnh của bề trên phản ảnh thánh ý của Thiên Chúa. Chừng nào chúng ta thấy mệnh lệnh của bề trên không còn phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa, thì dù bề trên ấy là thần quyền hay thế quyền, chúng ta không phải tuân phục. Vì “phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Nếu ta biết ý của bề trên phản lại ý muốn của Thiên Chúa mà vẫn nhắm mắt vâng lời là ta đã phạm tội đồng lõa với họ. Hãy xem gương dân Do Thái, chính vì hùa theo giới lãnh đạo tôn giáo giết Đức Giêsu và các ngôn sứ, mà hậu quả là nước Do Thái đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới gần 20 thế kỷ.

Điều quan trọng là chúng ta phải thực hành thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện qua lương tâm ngay thẳng và được giáo dục của mình, bất chấp làm như thế có ý nghĩa chính trị hay thương mại hay gì gì khác nữa. Chúng ta không chủ trương làm chính trị hay thương mại, mà chỉ chủ trương làm theo thánh Thiên Chúa hay lương tâm. Không thể vì một bổn phận nào đó mang ý nghĩa chính trị hay thương mại mà chúng ta có quyền miễn làm theo thánh ý Thiên Chúa hay theo tiếng nói của lương tâm. Trước những xung đột như thế, hãy tự hỏi: ta phải làm theo ý Thiên Chúa hay theo ý muốn của con người?

Cầu nguyện

Lạy Cha, chúng con đang sống trong một thế gian đầy phức tạp, việc sống theo ý muốn của Cha không phải là đơn giản, vì rất nhiều khi các nguyên tắc chồng chéo và mâu thuẫn nhau. Chính vì thế, chúng con phải biết nguyên tắc nào là cao nhất. Nguyên tắc cao nhất mà Kinh Thánh mặc khải cho, chính là: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29), hay “Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào Nước Trời mà thôi” (Mt 7,21). Xin cho con biết tuân thủ nguyên tắc ấy qua lương tri và lương tâm của con. Amen.


6. Xin Thầy cho biết ý kiến


Bài Phúc âm hôm nay có một câu đặc biệt thường được trưng dẫn, đó là: "Của Xêda hãy trả cho Xêda, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa". Đó là câu trả lời đầy ý nghĩa sâu xa của Chúa Giêsu cho những người đối nghịch muốn gài bẫy để có cớ bắt bẻ Ngài.

Những người ấy chính là bọn Pharisiêu và những kẻ theo phái Hêrôđê. Trong thực tế, hai nhóm người này có trường phái ngược nhau; nhóm Pharisiêu thì chỉ muốn bênh vực truyền thống sống đạo của cha ông họ mà thôi. Họ coi đó là cách thế duy nhất để làm đẹp lòng Thiên Chúa, và trên phương diện chính trị thì họ không chấp nhận sự hiện diện của chính quyền Rôma đang nắm quyền cai trị vùng đất Palestine lúc đó.

Bấy giờ, vua Hêrôđê được hoàng đế Rôma bổ nhiệm nắm chính quyền, vua Hêrôđê này không phải là người Do Thái, nhưng ông là người dân ngoại không thuộc Do Thái giáo. Còn những người Pharisiêu thì không chấp nhận sự thống trị của chính quyền Rôma trên đất nước Palestine. Theo lẽ thường thì hai nhóm người này không hoà hợp được với nhau. Thế nhưng, trớ trêu thay, để chống lại Chúa Giêsu thì họ liên kết với nhau, những người Pharisiêu liên kết với những người của vua Hêrôđê.

Mặt khác, những người của Hêrôđê thì lại ủng hộ tập trường của vua Hêrôđê, tức của hoàng đế Rôma để chấp nhận sự thống trị của vua. Nhưng hai nhóm người này liên kết với nhau để đặt ra một vấn nạn mà họ cho là phức tạp nhất: "Có nên nộp thuế cho hoàng đế Xêda hay không?". Nếu Chúa Giêsu trả lời là không, thì nhóm người Hêrôđê sẽ bắt Chúa vì tội xúi giục dân chúng làm loạn không nộp thuế cho hoàng đế Rôma. Còn nếu Chúa trả lời "có" thì những người phe Pharisiêu sẽ có cớ để tố cáo Chúa với dân chúng là Chúa đi với người ngoại bang, không đáng là một vị lãnh đạo tôn giáo.

Đối với họ, theo cái nhìn và suy luận của họ thì Chúa Giêsu chắc chắn sẽ rơi vào bẫy, vì không có câu nào khác để trả lời: Một là phải nộp thuế hai là không nộp thuế. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu làm cả hai hạng người này không bắt bẻ được Ngài, đồng thời Chúa Giêsu còn xác quyết một chân lý sự thật đầy mới mẻ, đó là: "Những gì của Xêda hãy trả cho Xêda và những gì của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa. Hãy tìm nước Thiên Chúa trước, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho anh em dư đầy".

Thử hỏi xem có một cái gì hay vật gì trong vũ trụ này mà lại không thuộc về Thiên Chúa? Trái đất và vũ trụ này do Thiên Chúa tạo dựng nên, và chính con người cũng được Ngài tạo dựng. Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận sự sống từ Ngài, bởi vì không có gì mà chúng ta đang dùng mà lại không do Ngài ban cho.

Vậy, nếu không trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài, không hướng về Ngài tất cả những gì trong vũ trụ hay tất cả những gì ta đang hưởng dùng thì đó là thái độ phản loạn của con người. Con người muốn chiếm hữu lấy chỗ của Thiên Chúa và qui mọi sự về chính mình, lấy mình làm chủ, làm tiêu chuẩn cho mọi sự, những thái độ kiêu ngạo sai lầm này chỉ dẫn đưa đón những tranh chấp, hận thù, bạo lực và xa rời Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, bao lâu mỗi người chúng ta không nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng chủ tể của mình, không trả lại cho Ngài và không qui hướng về Ngài tất cả những gì thuộc về Ngài, không để cho Thiên Chúa chiếm chỗ nhất trong cuộc sống của mình, thì bấy lâu con người không thể xây dựng một xã hội nhân bản xứng đáng là con người, không thể nào xây dựng một xã hội hoà hợp, trong đó mọi người nhìn nhận nhau như là anh chị em trong đại gia đình có Thiên Chúa là Cha: "Hãy trả cho Xêda những gì của Xêda, và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa".

Hôm nay Lời Chúa mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy dấn thân nhiều hơn nữa, đặt Chúa vào chỗ nhất trong cuộc sống của mình, đặt Chúa vào chỗ nhất trong mọi sinh hoạt xã hội của mình. Tất cả mọi biến cố, tất cả những gì chúng ta đang thừa hưởng là đến từ Thiên Chúa và đều do tình yêu thương của Ngài trao ban.

Lạy Chúa, chúng con xin dâng lời cảm lạ và tri ân Ngài mãi mãi, vì tất cả những gì chúng con có đây đều là do Chúa ban cho. Xin Chúa gìn giữ chúng con trong đức tin mà giờ đây chúng con cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.

 

 

7. Chú giải của Noel Quesson


Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với nhau người phe Hê-rô-đê đến gặp Đức Giêsu…

Chúng ta thường sai lầm mà cho rằng thời đại của chúng ta là thời đại khó sống nhất. Không còn có sự "nhất trí về đạo đức và xã hội" hôm nay. Những quan điểm chống đối nhau có thể được bày tỏ công khai. Người ta không còn biết suy nghĩ gì, và có thái độ thế nào đối diện với một số vấn đề lớn.

Nếu chúng ta thật sự biết đọc Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng thời đại của Đức Giêsu cũng khó sống không kém. Đức Giêsu đã sống trong một bối cảnh lịch sử thật sự bùng nổ. Những đạo quân La Mã chiếm đóng miền Pa-lét-tin và cuộc kháng chiến của người Do Thái không ngừng âm ỉ vào những năm 30 ấy, Hoàng Đế Xê-da ngườibắt cả một Đế quốc mênh mông quỳ mọp là Tibêre một ông già cai trị Đế quốc từ hòn đảo Capri của nhà vua. Những người không cộng tác với quân chiếm đóng, nhóm Dê-lốt hô hào từ chối nộp thuế. Nhà Hê-rô-đê, trái lại dựa vào chính quyền La Mã để giữ địa vị của họ. Sau hết, có nhóm Pha-ri-sêu ra sức bảo vệ sự tự do tôn giáo bằng cách chiều theo hoặc ít hoặc nhiều các quyền lực chính trị.

Phái đoàn đến tìm Đức Giêsu để giăng bẫy Người được cố ý bao gồm những con người có quan điểm trái ngược nhau phe Pha-ri-sêu và phe Hê-rô-đê. Dù Đức Giêsu có theo "cánh hữu' hay "cánh tả", Đức Giêsu sẽ mắc bẫy và làm hại thanh danh của Người mà thôi!?

Họ đến nói với Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.”

Bốn lời khen ngợi nịnh hót là miếng mồi xảo quyệt để che giấu cái bẫy. Tuy nhiên cái bẫy ấy cũng là một lời tôn kính mà các nhân viên gây hấn đó đã khen một thầy Rabbi trẻ tuổi: Họ thừa nhận Đức Giêsu là một con người độc lập sống phục vụ Thiên Chúa và cương quyết. Thực ra, chúng ta biết rằng Đức Gi'êsu thường có thái độ ngược lại với những quan điểm đang thịnh hành: Người đã thán phục đức tin của ông đội trưởng của đạo quân La Mã (Mát-thêu 8,10). Người đã giao du với những người thu thuế và tệ nhất là một trong các người thu thuế ấy có mặt trong số các tông đồ của Người (Mát-thêu 9,9-10). Trước khi đi xa hơn, chúng ta hãy dành thời gian để nguyện ngắm Đức Giêsu, một con người không giống như những người khác. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết theo gương Chúa để luôn luôn là người chân thật... để đi theo chính lộ của Thiên Chúa… không để chúng con bị lôi kéo bới những ảnh hưởng định đưa chúng con đến nơi mà chúng con không muốn... để chúng con luôn luôn được tự do hoàn toàn, không cứng nhắc, không thỏa hiệp không đánh giá người ta theo bề ngoài.

Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: "Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?".

Câu hỏi này khéo léo một cách quỷ quyệt: Nếu Đức Giêsu trả lời "có", Người sẽ không còn được quần chúng ủng hộ vì họ đang chờ đợi một. Đấng Mê-si-a xua đuổi kẻ xâm lược… Nếu Người trả lời "không”, Người sẽ bị phe Hê-rô-đê tố giác như một kẻ xúi giục nguy hiểm chống lại La Mã.

Như thế, Giáo Hội HÔM NAY, cũng như ở mọi thời, thấy mình đối đầu với cùng một vấn đề: vai trò của Giáo Hội không thể trực tiếp làm chính trị... nhưng Giáo Hội cũng không thể đứng trung lập. Và dầu sao đi nữa, dầu nói "có" hoặc nói "không", dầu có nói hay không nói, Giáo Hội thấy mình bị kéo vào trong phe này hay phe khác. Vậy lời đáp lại của Đức Giêsu là gì?

Nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi hỡi những kẻ giả hình? Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi? Họ liền đưa cho Người một đồng bạc.

Trước tiên Đức Giêsu cho họ thấy Người không bị họ lừa! Và Người lột mặt nạ đạo đức giả của họ, bằng cách yêu cầu họ chỉ cho Người thấy một đồng tiền với sự ngây thơ. Không ngần ngại một giây, họ rút tiền ra khỏi túi họ. Như thế, trong khi đóng vai trò của những người đắn đo thận trọng tự vấn mình về việc giữ mình trong sạch trước kẻ ngoại xâm, họ biết sử dụng tốt đồng tiền của kẻ vô đạo để kinh doanh! Dẫu sao, việc đóng thuế không làm cho lương tâm họ ô uế hơn là sử dụng mỗi ngày đồng tiền xấu đó.

Và Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?". Họ đáp: "Của Xê-da".

Những người La Mã giành quyền đúc đồng tiền bằng bạc, dấu ấn vương quyền của họ. Và đồng bạc có mang tính của Hoàng đế với danh hiệu của ông ta. Hình cái đầu của Tibère được coi như dấu chỉ sự lệ thuộc ô nhục vào La-Mã: Hoàng đế tự xưng mình là thần linh? Người ta biết rằng nhóm Dê-lốt (Zélotes) cấm các thành viên của họ nộp thuế. Đức Giêsu với danh tiếng về sự trung tín với chỉ mình Thiên Chúa làm thế nào mà lại không đứng về cánh tả với những người xúi giục nổi loạn nhân danh Kinh Thánh chứ?

Đức Giêsu sẽ trả lời gì.

Bấy giờ, Người bảo họ: 'Thế thì của Xê-da, trả về Xê da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa".

Câu trả lời của Đức Giêsu đã trở thành một câu châm ngôn đến độ nó trở thành một câu tục ngữ bình dân có trong các trang hồng của từ điển Larousse. Tuy nhiên người ta thường hiểu câu đó rất sai, như thể Đức Giêsu hoàn toàn theo chủ trương tách rời "Giáo Hội và Nhà Nước" đồng thời chấp nhận một thứ độc lập hoàn toàn của quyền lực chính trị…hoặc, ngược lại như thể Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ của Người không được tham gia vào các công việc trần thế…

Vậy phải cố gắng hiểu biết tư tưởng ẩy của Đức Giêsu để áp dụng nó vào thời đại chúng ta. Vì thế chúng ta phải chú trọng đến cả hai phần của câu đó, mà vẫn cho phần thứ hai tất cả giá trị của kết luận có tính quyết định.

a) Của Xê-da, trả về Xê-da...

Trong viễn cảnh của toàn bộ Cựu ước, mọi quyền bính đều do Thiên Chúa mà có. Và chúng ta cũng đã nghe trong bài đọc đầu tiên của Chúa nhật hôm nay: Một ông vua dân ngoại như Ki-rô đã được Thiên Chúa xức dầu để thực hiện các công việc của Thiên Chúa "dù không biết Thiên Chúa” (I-sai-a 45,1-4-6). Thánh Phaolô áp dụng chính nguyên tắc ấy để yêu cầu các Kitô hữu đầu tiên tuân phục các chính quyền dân sự (Rôma 13,1-7; Titô 3,1-2).

Thật vậy, không ai có thể coi chừng sự liên đới xã hội và dân sự. Và hẳn người ta sẽ giải thích Tin Mừng rất sai khi muốn cắt đời sống con người thành những lát rời nhau như thể các Kitô hữu và Giáo Hội có thể không biết đến chính trị... như thể tôn giáo phải quanh quẩn trong nhà thờ và không được ảnh hưởng trên đường phố, đô thị, các công việc, gia đình, luật pháp, thuế khóa... Quả thật, Đức Giêsu đã thướng từ chối đóng vai trò của "Đấng Mê-si-a” xã hội chính trị mà người ta muốn bắt Người làm: đó là ý nghĩa sâu xa của kinh nghiệm tâm linh của các cám dỗ đến với Người lúc bắt đầu đời sống công khai (Mt 4,8-10); đó là ý nghĩa của việc Người chạy trốn vào sự cầu nguyện khi người ta muốn đưa Người lên làm vua sau khi hóa bánh ra nhiều (Ga 6,14-15); đó là ý nghĩa lời Người quở trách Phêrô khi ông này xuống ngăn cản Người trở thành Đấng Mê-si-a đau khổ (Mt 16,21-23); đó là ý nghĩa rất rõ ràng của lời Người tuyên bố với Philatô: "Tôi là vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này" (Ga 18,36).

Tuy nhiên, trong lời đáp lại của Đức Giêsu: “của Xê-da, trả về Xê-da", khó mà không nhận thấy một lời mời gọi phải tính đến quyền bính đã được thiết lập và tôn trọng các quyền hành của nó. Khi chọn thái độ ấy, Đức Giêsu đưa vào thế giới cổ đại một sự phân biệt cách mạng: Người giản thiêng chính trị bằng việc khẳng định Xê-da là Xê-da... nhưng không phải là Thiên Chúa! Trong khi mà Xê-da vì là Xê-da nên tiếp tục thực hiện chức vụ của ông ta! Đó là một chức năng thuộc về con người phụ thuộc mọi sự cố bất ngờ, và những thực tế xã hội chính trị phức tạp, khống chế độ, những hệ thống, những ý thức hệ. Nhưng vẫn chưa nói hết tất cả.

b) Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa...

Chúng ta là những con người hiện đại nên chúng ta biết giờ đây mọi nền chính trị coi thường phần thứ hai này của tư tượng Đức Giêsu rồi sẽ dẫn con người đi về đâu. Những xã hội "không Thiên Chúa" cũng là những xã hội phi nhân. Khi Nhà Nước coi mình là thần linh, nó sẽ đè bẹp con người. Chính Xê-da cũng phải phục tùng Thiên Chúa, và trả cho Thiên Chúa sự gì thuộc về Người. Việc Đức Giêsu đề cao “bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa" là một việc rất có ý nghĩa, trong khi mà người ta không hỏi Người câu hỏi ấy nhưng chỉ hỏi Người một câu hỏi thế tục: Vì thế mệnh đề này là đỉnh điểm của toàn bộ trang Tin Mừng hôm nay. "Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa". Cả cuộc đời của Đức Giêsu không ngừng kêu gọi chúng ta điều đó. Chính trị dù rất quan trọng bởi vì nó là nghệ thuật đem lại công ích, không phải là tất cả con người, không phải là phần chủ yếu nhất của con người. "Con người không chỉ sống bởi bánh"... bởi chỗ ở, bởi thị trường, bởi sự sản xuất. Được tạo dựng theo "hình ảnh của Thiên Chúa" "theo hình và hiệu của Thiên Chúa", con người có số phận phải chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Nếu Xê-da đã có thể in hình của mình lên những đồng tiền và vì thế người ta phải trả lại tiền đó cho Xê-da thì còn hợp lý hơn thế biết bao đối với Con người đã được hình ảnh của Thiên Chúa đóng ấn, con người phải "trả mình" trọn vẹn về cho Thiên Chúa! (St 1,26). Con người đáng được tôn trọng tuyệt đối vì số phận của con người vốn thánh thiêng. Như thế Đức Giêsu không để cho Người bị mắc bẫy mà người ta giăng ra cho Người. Một lần nữa, người đã mạc khải điều kín nhiệm và sứ mạng của Người: Thiết lập Triều đại của Thiên Chúa... và bởi thế mạc khải chiều kích cao cả nhất của con người! Nhưng quả thật, có phải tôi trả cho Xê-da điều thuộc về Xê-da? Có phải tôi coi chiều kích chính trị của đời tôi là điều nghiêm túc? Và có phải tôi cũng trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Người. Có phải đời sống tôi được hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa.

 

8. Chú giải của Fiches Dominicales


VẤN ĐỀ NỘP THUẾ CHO CESAR

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Kẻ khéo giăng bẫy…

Ba dụ ngôn về xét xử mà chúng ta đã suy gẫm suốt mấy tuần rồi (dụ ngôn hai người con được sai đi làm vườn nho, Chúa nhật 26; dụ ngôn những tá điền sát nhân, Chúa nhật 27; dụ ngôn khách dự tiệc cưới, Chúa nhật 28) vẫn không đủ làm cho các kẻ thù địch Chúa tan rã hàng ngũ. Trái lại họ còn liên minh với nhau và thay phiên nhau trong cố gắng làm cho Chúa phải rơi vào bẫy của họ. Sau khi đã "bàn bạc với nhau, tìm cánh làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy" thì một lần nữa những người Pharisiêu, không ngại gì sai các môn đệ của họ cùng đi với những người thuộc phe Hêrôđê. Vấn đề họ đặt ra cho thấy rất rõ những thái độ khác nhau của họ đối với người Rôma chiếm đóng. Đang khi những người Pharisêu đành phải bằng lòng coi sự có mặt của quân chiếm đóng như một điều xấu không tránh khỏi được, miễn là tự do tôn giáo được bảo đảm - những người phe Hêrôđê là nhóm chính trị ủng hộ gia đình Hêrôđê lại thân với chính quyền Rôma- thì những người thuộc nhóm quá khích" (zéloté) lại chủ trương bày tỏ sự chống đối công khai, nên nhóm này cấm các thành viên của nhóm không được đụng chạm đến tiền bạc của người Rôma. Họ lên tiếng hỏi Đức Giêsu, sau mấy lời mở đầu đầy vẻ phỉnh phờ: vậy xin Thầy cho biết ý kiến có được phép nộp thuế cho Ceasar hay không? P. de Surgy đưa ra nhận xét sau: "Vấn đề họ đặt ra này liên can tới sứ vụ thiên sai, điều đó không làm ta ngạc thiên, bởi lẽ họ chỉ muốn nhắm đả kích việc Đức Giêsu cho mình là Đấng Cứu Thế mà thôi. Vả lại họ đặt ra vấn đề cũng là vì lòng thù địch ghen ghét muốn cho dân chúng hay chính quyền thù ghét Người" (“Assemblées du seigneur" số 60, trang 10).

Họ nghĩ: Dù Đức Giêsu trả lời đàng nào, thì Người cũng không thể thoát khỏi bẫy. Nếu Người trả lời "không", nếu Người không nhìn nhận công khai việc phải nộp thuế này, thì đúng là Người chống lại với hoàng đế César - Và những người phe Hêrôđê sẽ vội vã tố cáo Người với nhà chức trách Rôma - Trái lại, nếu Người trả lời “Có", nếu Người công khai thừa nhận là nên nộp thuế cho César, thì Người hợp thức hoá sự hiện diện vô đạo và bất nhân của người Rôma trên một đất thánh mà Thiên Chúa đã ban cho tổ phụ Abraham và con cháu ngài; vậy thì trước con mắt của một dân tộc đang trông đợi một cuộc giải phóng quốc gia, Người mất hết tín nhiệm và đừng hòng coi mình là Đấng Messia đến thực hiện những ước mơ của họ. Những người Pharisiêu sẽ không bỏ lỡ cơ hội để đánh trống la làng về chuyện này.

2. … thì chính họ lại mắc bẫy.

Trước khi trả lời câu hỏi của họ, Đức Giêsu làm cho lộ ra thanh thiên bạch nhật "thói giả hình" của những kẻ đối thoại với Người. Người yêu cầu họ: "Đem đồng tiền nộp thuế cho tôi coi. Lạ thay! Họ có đem theo một đồng. Quả là hồi đó "đồng tiền này", đồng quan Rôma, đều có mang hình tượng hoàng đế Rôma, đầu đội vòng hoa như một vị thần, cùng với danh hiệu rõ ràng này: César Tibeno con của thần Augusto: Augusto". Cl. Tassin chú giải: "Rõ ràng là có chuyện coi mình như thần thánh, mặc dầu bản thân Tiberio vẫn coi mình là một người như mọi người". Nhất là từ thời Caligula, thì các hoàng đế Rôma vẫn hiên ngang đòi cho mình có căn tính thần thánh. Cựu ước đã rõ ràng cấm chỉ những hình ảnh phàm trần cũng vì xu hướng thần thánh hoá này. Để tôn trọng cái cảm quan tôn giáo này, các nhà cầm quyền Rôma chỉ đúc những đồng tiền không có hình ảnh để dùng trên lãnh thổ Do thái. Nhưng, đối với việc nộp thuế trong đế quốc, thì người ta không tránh khỏi được đồng bạc bất nhân ấy, mà đồng tiền ấy, theo nét trào phúng của câu chuyện, xem ra lại được móc ra từ túi của những người Pharisiêu vốn dĩ rất trung thành với những điều cấm đoán của Luật Chúa" (Phúc Âm thánh Matthêu, NXB Centurion, trang 233).
Chúa hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?”. Họ đáp: của César. Và Chúa Giêsu nói lên một câu bất hủ -nhưng lại rất hay bị người ta cắt nghĩa sai- khiến những kẻ đối mặt với Người phải hết sức ngạc nhiên": "Thế thì của César, trả về César; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa? Người không phải là Đấng Messia mà, để chu toàn công việc của mình, phải nắm lấy quyền chính trị và đảm nhận những trách nhiệm và chức vụ của César. Và bởi vì chính họ đã được tạo dựng giống hình ảnh Chúa, nên Người khuyên nhủ họ hành động sao cho trong mọi sự Thiên Chúa phải được phụng sự trên hết; còn đối với quyền hành chính trị, mặc dầu vẫn hết mực tôn trọng, nhưng khi quyền ấy ngẫu nhiên tự thần thánh hoá mình mà chiếm đoạt luôn cả những quyền chỉ thuộc về Thiên Chúa, thì họ phải lên tiếng phản đối vì: "Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”? Không muốn để mình kẹt vào thế lưỡng nan do đối phương bày ra, Đức Giêsu xác định lập trường của Người và xoay chuyển vấn đề. Nước Thiên Chúa không phải là nước cạnh tranh với nước của César; Nước ấy thuộc về một trật tự khác và nằm ở một bình diện khác, Đấng Messia không đến để chiếm chỗ của César và thực hiện một sứ vụ thiên sai có tính tôn giáo - chính trị; Người đến thiết lập Nước Thiên Chúa. P. de Surgy kết luận: khi mời gọi người ta trả về César... cái mà thông thường Người... có thể đòi hỏi theo như trách nhiệm của chính mình và nhất là khi làm cho hiểu rõ bản chất của Nước Chúa cũng như sứ vụ cứu thế của người và khi khẳng định quyển ưu tiên của Thiên Chúa, Đức Giêsu đem vào quan niệm của Người xưa một sự phân biệt rạch ròi và rất cách mạng: nghĩa là Người làm cho chính trị mất đi tính thần tinh và thánh thiêng, chống lại với mọi xu hướng tôn thờ nó như một ngẫu tượng; người trả chính trị cho chính trị, bằng cách nhìn nhận giá trị của nó và quy cho nó một trách nhiệm riêng. Khi trả chính trị về cho chính trị, Đức Giêsu không có ý để cho chính trị ở trong một hoàn cảnh trung lập với Phúc âm. "Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.Với những lời dứt khoát này Đức Giêsu kêu gọi ta sống cuộc đời của ta, kể cả đời sống chính trị, trong niềm trung tín với Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra nơi người. Người đòi hỏi đời sống chính trị của ta phải trung tín với những ước vọng và tinh thần Phúc Âm. Người cũng lêu gọi Giáo Hội cũng như cộng đồng đức tin phải nắm giữ, không phải là phận vụ thống trị hay luân lý đối với chính trị, nhưng là vai trò tiên tri về Phúc âm hoá là bằng con đường hoán cải các tâm hồn sẽ đem lại hiệu quả thực sự: sống giữa lòng lịch sử nhân loại Giáo Hội phải dùng đời sống và lời nói mà lặp lại cho César, tiếng gọi của Thiên Chúa hằng sống là và lên tiếng "mời gọi, mời gọi chuyên chăm, và mời gọi không ngừng tất cả mọi người tiếp tay thực hiện những gợi hứng tích cực của Phúc âm trong công cuộc xây dựng thành đô của loài người" (O.C. trang 24).

BÀI ĐỌC THÊM

1. “Hình tượng này là của ai đây?”

Thánh Augustino bài giảng 24.

Anh em thân mến, Thiên Chúa đòi chúng ta trả lại hình ảnh Người (hình ảnh mà theo đó chúng ta đã được tác tạo) Đó chính là điều Người muốn nói cho những người Do Thái khi họ đưa Người coi một đồng bạc. Trước hết họ muốn thử Người khi hỏi Người rằng: "Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho César hay không để, nếu Người trả lời: được phép, thì họ có thể tố cáo Người là nhục mạ dân tộc Israel vì muốn cho dân thần phục bằng việc đóng thuế và trở thành chư hầu dưới ách thống trị của hoàng đế. Còn nếu Người trả lời là không được phép, thì họ sẽ có thể tố cáo Người tội phát ngôn chống lại hoàng đế César, là căn cớ cho dân chúng từ chối nộp thuế mà họ phải nộp, bởi lẽ người ta đang sống dưới ách của hoàng đế. Đức Giêsu nhìn thấy mưu mô của họ, như sự thật tìm ra điều gian dối, vì Người đã làm cho họ phải chịt là chính miệng lưỡi họ gian dối. Người không dùng miệng lưỡi mình mà kết án họ, nhưng bắt chính họ phải tuyên án cho mình, như có lời chép rằng: "Vì nhờ lời nói của anh, mà anh sẽ được trắng án, và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án" (Mt 12,37). Người nói với họ: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi!. Họ liền đưa cho Người một đồng bạc. "Hình và danh hiệu này là của ai đây Họ đáp: "Của César". Bấy giờ Đấng Cứu Thế bảo họ: "Thế thì của César, trả về César; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" Cũng như César tìm hình ảnh mình trên đồng tiền thế nào, thì Thiên Chúa cũng tìm hình ảnh của Người-trong hình hồn bạn như vậy. Đấng Cứu chuộc phán rằng: "của César, trả về César". César đòi bạn trả gì? trả hình ảnh của ông. Chúa đòi bạn trả gì? Hình ảnh Người. Nhưng hình ảnh của César thì in trên đồng tiền, hình ảnh của Thiên Chúa ở trong lòng bạn: Nếu mất đồng tiền khiến bạn phải khóc, vì bạn đã đánh mất hình ảnh César. Thì gây xỉ nhục cho hình ảnh Chúa trong lòng bạn, lẽ nào điều đó lại không hề làm cho bạn phải nhỏ lệ sao?".

2. “Hôm nay đến lượt ta làm chứng Tin Mừng”.

(Sổ tay sinh hoạt Ngày thế giới Truyền giáo).

"Năm 180, tại miền đất nay là nước Tunisit có 5 phụ nữ và 7 người đàn ông là nông dân bị bắt vì là những người có đạo. Người ta ép họ chối bỏ đức tin và nhìn nhận hoàng đế Rôma là Chúa. Theo án lệnh, một phụ nữ trong đám đáp: "chúng tôi kính trọng César vì là hoàng đế nhưng chúng tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa mà thôi. Tất cả đều bị kết án tử, họ là những vị tử đạo tiên khởi của Bắc Phi.

Họ làm chứng cho lời Chúa mà chúng ta vừa nghe: "Hình và danh hiệu của César, trả về César, vì đồng tiền này là dấu hiệu sự tổ chức xã hội mà con người tham dự nào, tỉ dụ như việc nộp thuế, nhưng con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa (St 1,26-27) và "mang danh hiệu: Con thuộc về Chúa (Is 44,5), nên phải trả về Chúa"... Đây chẳng qua là một thí dụ xưa rồi, nhưng ta có thể tìm ra vô vàn những mẫu tương đương trong tất cả lịch sử Kitô giáo. Cho tới thời hiện đại... Đó chẳng phải là kết quả của việc loan báo Tin Mừng, của Lời Chúa được đón nhận có sức làm biến đổi đời sống con người như đã thể hiện nơi Giáo Hội trẻ trung ở Thessalonica mà thánh Phaolô nói tới đó sao? Chính ngài, ngài biết rõ mình được sai đi rao giảng bí ẩn của Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã mạc khải... Nhưng điều làm cho thánh nhân vui mừng là được thấy sống dậy một cộng đồng các người nam nữ mà đời sống của họ được đổi mới nhờ việc họ đón nhận Tin Mừng này. Họ có một lòng tin sống động, một lòng mến tích cực và một lòng cậy trông vững vàng như ta thấy thánh tông đồ nói về họ. Những cộng đồng này, đến lượt mình, trở thành những nhân chứng giúp mở ra những hàng rào xã hội trong đó con người có nguy cơ bị giam hãm. Những cộng đồng này móc nối với cộng đồng kia lần lượt nổi lên như những hoa trái của Lời Đức Giêsu, tạo thành một chuỗi các mắt xích, đã dần dần thể hiện một sự hiệp thông các Giáo Hội địa phương và đó chính là Giáo Hội của Chúa trong thế giới. Các giáo hội ấy cùng nhau thực thi Lời Chúa "Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

 

 

9. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt


NỘP THUẾ CHO HOÀNG ĐẾ

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Phải đặt đoạn này trong toàn bộ các chương 21-23 như thế nào?

2. Có lạ lùng không khi hai phe Biệt phái và Hêrôđê hợp tác chặt chẽ với nhau ở đây?

3. Phải chăng tiếng kêu "Thầy" có một cách dùng đặc biệt trong Mt?

4. "Cạm bẫy" mà các kẻ đối thoại với Chúa Giêsu giăng ra cho Người đúng ra là gì?

5. Biệt phái có phải là "giả hình" chỉ vì đã giả vờ khen Chúa Giêsu không? Phải chăng họ cũng không sống giả hình trong chính vấn đề nộp thuế?

6. Câu trả lời của Chúa Giêsu vượt quá câu hỏi do địch thủ Người đặt ra ở chỗ nào?

*****

1. Trong vụ tranh tụng diễn ra tại Đền thờ giữa Chúa Giêsu và các địch thủ Người: thượng tế và ký lục (20,18; 21, 15), thượng tế và niên trưởng trong dân (21, 23), thượng tế và Biệt phái (21, 45), chúng ta đã thấy điểm tranh chấp dần dần xác định: lai lịch của Con Đavít và nguồn gốc quyền bính của người hay, nói cách tương đương, bản chất của Nước Thiên Chúa. Các dụ ngôn đã cho thấy sự cấp bách phải chọn lựa, đồng thời vẫn còn để cho cơ hội hối cải về sau (21, 32; 21, 45).

Bây giờ đến bốn cuộc tranh luận móc nối nhau theo chiều hướng đi lên. Chúng xem ra được xếp đặt theo một lược đồ thông dụng của các giáo sĩ:

- Hokmâh (sự khôn ngoan): một cuộc tranh luận về phép xử thế nhân cơ hội một vấn đề pháp luật (22,15-22).

- Haggadâh (lời chú giải): một dịp giải thích các đoạn Kinh Thánh có vẻ mâu thuẫn (22,41-46).

- Bôrut (điều thô tục): một cuộc tranh luận nhắm chế nhạo một niềm tin (22, 23-33).

- Dérèk érèts (con đường thế): một tranh luận về các nguyên tắc căn bản của đời sống luân lý (22,34-40).

Tuy nhiên Mt đổi thứ tự cổ truyền bằng cách đặt haggadâh vào phần cuối của cuộc tranh chấp để cho thấy cuộc tranh chấp tiến đần đến câu hỏi sau cùng của Chúa Giêsu.

Ba cuộc tranh luận đầu tiên được khỏi xướng do ba nhóm đại diện cho Do thái giáo chính thức, họ muốn tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu bằng chính lời nói của Người (cc.15 và 35) về những vấn đề càng lúc càng quan trọng: việc nộp thuế cho hoàng đế vấn đề chia rẽ phe cánh Hêrôđê, nhóm Biệt phái và đảng Nhiệt thành; kẻ chết sống lại; vấn đề bị phái Sađucêô chối bỏ; điều răn lớn nhất: mốl bận tâm của những người Do thái chăm chú giữ luật là nhóm Biệt phái. Các vấn đề này được đặt ra cho một Rabbi, một "Thầy" (didaskale: cc. 6. 27. 36), tước hiệu cho thấy sự hiểu biết của họ về Chúa Giêsu đến mức độ đâu, nhưng Người, cứ mỗi lần như vậy, lại dẫn họ đến một vấn đề căn để hơn. Và sau cùng Người đi bước trước bằng cách đặt rõ cho họ vấn đề nêu lên do sự có mặt của Người giữa họ trong Đền thờ, khiến họ bị bắt buộc phải chọn lập trường tối hậu.

2. Đoạn ngắn này bao gồm âm mưu của địch thủ Chúa Giêsu (c. 15), cuộc toan tính của họ bên Người (16, 17) và câu Người trả lời cho họ (18- 21): trọng tâm của trình thuật nằm trong lời phán quyết sau cùng, cái lời lưu giữ với những hạn từ rành rẽ một giáo huấn quan trọng của Chúa Kitô. Đưa ra nhân một cuộc tranh luận với các tiến sĩ Luật, công thức này quả nổi bật trong khung cảnh đó.

Câu hỏi đặt ra cho Chúa Giêsu là một câu hỏi hóc búa, nhằm mục đích hại Người hoặc trước dân chúng, hoặc trước quyền bính dân sự. Như ta biết, nhóm Biệt phái tượng trưng cho tinh thần bất nhượng bộ về vấn đề tôn giáo và một cách chính thức tượng trưng cho những người quyết tâm bảo vệ sự tự do của dân Chúa tước quyền bính Rôma tại Giuđêa, quyền bính này nằm trong tay một tổng trấn mà đôi lúc, với sự hỗ trợ của binh lính, đã tỏ ra rất hà khắc. Còn nhóm Hêrôđê lại thân với Rôma, vì đế quốc nâng đỡ các quận vương xuất thân từ giòng tộc Hêrôđê Cả đang trị vì ở Galilê và Pêrê (Hêrôđê Antipas) hoặc Auranitide, Gaulanitide, Batanée, Tratronitide và lturée (philíp). Nhóm chủ trương hợp tác với kẻ chiếm đóng vì sự hợp tác này có lợi cho họ.

Các lời nói của những kẻ được sai phái thật sảo quyệt. Câu đầu tiên, rất dài, với dụng ý đánh tan mọi ngờ vực, là một lời khen đầy tôn kính giả vờ đối với Chúa Giêsu (c. 18). Họ chào Người với tước hiệu Rabbi. Họ khen Người thành thật. Có thẩm quyền và bất thiên vị. Họ năn nỉ xin Người phán một lời để giải quyết một vấn đề phức tạp mà họ không thể nào đồng ý với nhau. Sau câu xã giao rườm rà và thơn thớt ấy là đến một liều thuốc độc (c. 17), một câu hỏi sắt như dao và bất ngờ: "Có được phép nộp thuế cho hoàng đế không?".

Ngoài các loại thuế gián thâu đánh trên mọi công dân của đế quốc (thuế thông lưu, thuế thương chính, thuế kế sản và thuế mại vật), các tỉnh còn phải nộp cống thuế (tributum) cho nhà vua; cùng với việc kiểm tra, cống thuế này là dấu chỉ rõ ràng nhất của việc lệ thuộc; người Do thái ghét thứ thuế đó lắm và đảng Nhiệt thành coi việc từ chối nộp nó là một bổn phận tôn giáo. Tại Giuđêa, nó đã được giòng tộc Séleucos thiết lập từ lâu và được người Rôma duy trì dưới hai hình thức là thuế điền thổ (tributum soli) và thuế thân (tributum capitis) mà nhiều nhân viên có nhiệm vụ thâu dưới sự kiểm soát của các quan chức chuyên môn là các tổng trấn, được đặt đứng đầu mỗi khu vực tài chính.

Thành thử câu hỏi đặt ra cho Chúa Giêsu hàm chứa một lưỡng đao: nếu Người chấp nhận nguyên tắc trả thuế thì dân chúng sẽ xem Người như một tên Do thái gian, một người bạn của Rôma và nhóm Biệt phái sẽ có cơ hội đạp đổ uy tín của Người trên dân chung. Nếu tuyên bố chống nộp thuế, nhóm Hêrôđê sẽ phản ứng tức thì và sẽ có cớ để làm Người bị tổng trấn lên án bằng cách trình bày Người như một tên phá rối trật tự chung. Cổ võ việc chống đối nộp thuế điều mà chính Người sẽ thực sự bị gán ghép trong vụ xử án trước tòa Philatô sau này. (x Lc 23, 2).

Câu trả lời của Chúa Giêsu gồm ba yếu tố:

1. Trước tiên Người tuyên bố rằng mình không phải là kẻ dễ bị lừa gạt. Người biết mình bị giăng bẫy và biết các kẻ đối thoại (đều nham hiểm và tà tâm).

2. Người trả đũa một cách khéo léo bằng cách hỏi vặn lại. Vì những kẻ nói với Người đều đã trả lời, qua các sự kiện, cho chính câu hỏi họ nêu lên. Chúa Giêsu bắt buộc họ tỏ ra cho thấy là họ đang mang trong mình đồng tiền của đế quốc (người Do-thái không được quyền đúc tiền bằng đồng đỏ hay bằng bạc mà chỉ bằng đồng thau, những thứ ít giá trị này không được dùng để nộp thuế thân hoặc thuế điền thổ). Theo lời Người yêu cầu họ liền đưa ra một đồng quan. Đồng quan chính là thứ tiền dùng nộp thuế. Ngoài ra, đồng này lại còn được khắc hình và tên của hoàng đế tại vị (lúc ấy là Tibêriô). Làm thế, Chúa Giêsu muốn ngầm hỏi họ rằng tại sao họ ngại ngùng khi phải trả lại cho hoàng đế (qua việc nộp thuế) đồng tiền có nguồn gốc Rôma và ngoại giáo ấy hơn là khi nhận nó với cùng thế giá của hoàng đế trong các giao dịch bán buôn của họ? Nếu đã có một vấn đề thì từ lâu họ đã giải quyết bằng cách chấp nhận rồi. Trong lãnh vực tiền tệ, họ đã tự nhận mình lệ thuộc hoàng đế Rôma.

3. Bấy giờ Chúa Giêsu mới đi xa hơn câu hỏi được đặt: Nói cho cùng, chỉ có một điều quan trọng mà người ta có thể thực hiện cách hoàn toàn ngay dưới ách thống tn của ngoại bang, đó là trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài. Điều này, Người không ngừng nói từ khi bắt đầu hoạt cộng và cả Tin Mừng đầy dấy: hãy tìm kiếm Thiên Chúa trước hết mọi sự hãy tìm Nước Trời và sự công chính của Nước ấy trước tiên... Nếu ta thực sự quan tâm đến điều đó, thì mọi vấn đề khác đầu trở thành phụ thuộc, không quan yếu; cơm ăn, áo mặc và công lý dưới trần gian (x. 5, 39-42). Tuy thế, câu nói này không muốn thiết lập hai trật tự khác biệt mà mỗi thứ sẽ là một điều quy chiếu tối hậu: Giáo Hội và quốc gia, và lại càng không muốn đề cao thái độ tùng phục hoàng đế. Nó chỉ đặt các vấn đề vào đúng chỗ của chúng thôn. Các vấn đề liên quan tài hoàng đế đến sau các vấn đề liên hệ tới Nước Trời. Người ta đã đặt vấn đề nộp thuế cho Chúa Giêsu, nhưng lại không hỏi gì Người về những đòi hỏi của Thiên Chúa. Người đã chẳng tìm cách tránh né vấn đề vì có thể gây nên nguy hiểm cho bản thân. Người chỉ đặt lại mọi sự vào đúng chỗ của chúng khiến các địch thủ không còn cách nào theo đuổi câu chuyện, chẳng còn biết làm sao để đun sôi cuộc tranh luận lên. Quyền lợi của hoàng đế đã không bị động chạm, nhưng nhất là quyền lợi của Thiên Chúa đã được đề cao. Người ta có thể hoàn toàn thỏa mãn các yêu sách của Thiên Chúa mà vẫn nộp thuế cho hoàng đế. Chính Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà con người phải yêu mến hết sức lực mình (x. 22, 37)

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Họ sai đến với Người môn đồ của họ": một câu khó hiểu: trong Tin Mừng (và hầu như trong văn chương Do thái), người ta chỉ đề cập đến "môn đồ của Biệt phái" ở đây và ở Mc 2, 13 thôi; trong "môn đồ" hàm chứa giả thuyết có một tôn sư, thế mà các người Biệt phái không dạy dỗ bao giờ, trừ ra một số trong bọn họ là Ký lục. Phải chăng Biệt phái đã sai môn đồ của những ký lục như thế. Điều đó rất có thể. Một Biệt phái đứng tuổi mà lại đi hỏi về vấn đề nộp thuế thì chắc chắn không phải là chuyện tự nhiên và có thể làm cho Chúa Giêsu nghi ngờ, vì lập trường của họ về vấn đề này đã quá rõ đối với dân chúng Palestine.

"Thầy": Trong Mt, các môn đồ chẳng bao giờ dùng tiếng Thầy khi nói với Chúa Giêsu, nhưng dùng danh xưng “Ngài" (Kyrie); chỉ có các Ký lục, Biệt phái, phe Saducêô (8, 19; 9, 11; 12, 38; 22, 16. 25. 36) cũng như những người thu thuế (17, 24) và chàng thanh niên giàu có (19, 16) sử dụng thôi. Giuđa, người duy nhất trong đám 12, hai lần dùng danh xưng, "Thầy" (26, 25.49), trong mà Chúa Giêsu yêu cầu tránh trong cộng đoạn huynh đệ (23, 7- 8).

“Chúng tôi biết...": Lời khen lớn nhất tặng cho một rabbi, nghĩa là một kẻ cắt nghĩa Lề luật cho đời sống hằng ngày, là khen họ trung thành với Lề luật (cách dịch của BJ và Nguyễn Thế Thuấn: "ngay thật” (franc) và “chân thành" (franchise) kể ra quá yếu, cách của Osty hay hơn: "Chúng tôi biết Thầy là người chân thật và Thầy dạy đường lối của Thiên Chúa trong chân lý") và không thiên vị ai; các giáo sĩ đương thời hay nhắc đi nhắc lại hai yêu sách này. Sau Cựu ước, Tân ước thường tố cáo tội thiên tư, những thói trọng người theo địa vị và giai cấp xã hội (Cv 10, 34; Gc 2, 1.9; Rm 2,11; Ep 6. 9; Cl 3, 25...).

"Có được phép nộp thuế cho hoàng đế không?": Kiểu nói đặc thù này của Mt (12, 24. 10. 12; 14, 4; 19, 3; 20, 15; 27, 6) là câu hỏi mà người Do thái mộ đạo luôn luôn tự đặt cho mình và là câu mà các giáo sĩ có nhiệm vụ giải đáp trong cả ngàn nố lương tâm nêu lên cho cuộc sống thường nhật; nó có ý nghĩa quy thần: trước mắt Thiên Chúa, nghĩa là dưới ánh sáng của lề luật có được phép nộp thuế không? thành thử câu hỏi không được đặt ra trong phạm vi dân luật hay chính trị, vì trong trường hợp đó, nó sẽ được phát biểu: "Có được phép không nộp thuế chăng?"

"Đồ giả hình": Các người đối thoại với Chúa Giêsu giả hình trong hai chuyện. trước hết là họ làm bộ như rất quan tâm đến một vấn đề thời sự trong lúc chỉ cốt đặt nó ra để làm cho Chúa Giêsu lúng lúng. Thứ đến là khi sử dụng đồng quan ("đồng tiền của hoàng đế") trong các giao dịch thương mại của họ, họ đã mặc nhiên thừa nhận quyền bính của hoàng đế từ lâu rồi.

"Hãy trả cho hoàng đế": câu trả lời này chứa đựng một thẩm định tích cực và tổng quát về vai trò của Nhà nước trong đường hướng của một vài giáo thuyết Do thái đương thời cho rằng những người làm lớn nhận lãnh quyền bính từ nơi Thiên Chúa (Đn 2,21; 2,37-38; Cn 8, 15-16; Ga 19,11; Rm 13,1-7). Triều đại của Thiên Chúa đã được khai mào, tuy nhiên các triều đại của thế gian này vẫn còn hành xử quyền bính cách chính đáng luỵ chỉ tạrn thời. Đối với các quyền bính chính trị, thì Chúa Giêsu, trong toàn bộ Tin Mừng, đã tỏ ra một thái độ chung chung là hoàn toàn không lệ thuộc, nhưng cũng chẳng chống đối. Cách sống của Kitô hữu đầu tiên, như được mô tả trong Công vụ sứ đồ và các thánh thư, cũng nằm trong chiều hướng ấy.

KẾT LUẬN

Qua câu trả lời, Chúa Giêsu không phân định ranh giới giữa hai phạm vi hay hai lãnh vực trong đó Thiên Chúa và hoàng đế sẽ làm chúa tể trong những gì liên quan đến mình. Người chẳng có ý bảo rằng sự vâng phục nhà nước có thể được quan niệm một cách độc lập với sự vâng phục Thiên Chúa. Người không phủ nhận việc có thể xảy ra những tranh chấp giữa Thiên Chúa và hoàng đế và có nhiều trường hợp cần phải chọn lựa giữa việc vâng lời Thiên Chúa và vâng lời người ta (x Cv 4, 18-20). Người chỉ bảo sự xung đột này chẳng có ở nơi mà Biệt phái muốn thấy. Kẻ nào thực sự tùng phục Thiên Chúa và sống trong niềm mong đợi Nước Trời và sự công chính của nó, thì có thể thừa nhận tính cách chính đáng và đồng thời những giới hạn của quyền lợi hoàng đế. Sở dĩ Biệt phái đã đặt câu hỏi, là vì họ không lấy làm quan trọng sự hiện hữu của họ trong thế giới của hoàng đế cũng như sự hiện hữu của Thiên Chúa mà thế giới của hoàng đế cũng lệ thuộc vào. Chính vì Chúa Giêsu đích thực là vua các vua và Chúa các chúa (1Tm 6,15) mà mệnh lệnh của người: hãy trả cho hoàng đế những gì thuộc về hoàng đế..." làm cho việc tùng phục quyền bính thế gian này có một ý nghĩa, một nội.dung ki tô giáo: "Anh em hãy vì Chúa là tùng phục mọi thể chế trong nhân loại hãy hành động như tôi tớ của Thiên Chúa" (1 Pr 2, 13-16).

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Chúng ta có thể lấy lại, nhưng phải gột rửa khỏi mọi ý hướng mỉa mai trong đó, lời Biệt phái khen ngợi Chúa Giêsu, một lời thật xứng hợp cho Người Chúa Giêsu là Đấng chân thật: Người không để cho những đòi hỏi của sự thật hay của luân lý tùy thuộc vào những toan lính "xu thời", chỉ cốt mưu sự thánh công; người nói thẳng thắn trước mặt địch thủ; câu trả lời của Người là có hoặc không (2Cr 1, 18-20), tùy như sự việc đúng hay sai, tốt hay xấu; Người tự xác định chính mình là Sự thật (Ga 14,6). Chúa Giêsu dạy đường lối của Thiên Chúa không phải luật Môisen (Ga 1,17) cũng chẳng phải sự khôn ngoan nhân trần (1Cr 2,1-16) của các triết gia hay nhà luân lý định hướng cuộc đời chúng ta nhưng là giáo huấn Chúa Giêsu; Người là ánh sáng mà chúng ta phải theo để khỏi lạc đường; Người cũng đã xác định mình là "ánh sáng thế gian" (Ga 8, 12) và quả quyết rằng "ai theo Ta, không phải bước đi trong tăm tối” Chúa Giêsu chẳng thiên vị ai: Người là Cứu Chúa của mọi người (x.1Tm 2, 3-6); đối với Người, những khác biệt về chủng tộc phái tính, gốc tích và địa vị xã hội không quan trọng (Gl 3, 28). Với Người, mỗi người là một cá vị độc đáo.

2. Mối bận tâm lớn của Chúa Giêsu, trong câu Người trả lời là biểu lộ tính cách siêu việt và tuyệt đối của những quyền lợi Thiên Chúa. Trước đòi hỏi nộp thuế, Người không chối từ, trái lại còn nhìn nhận việc ấy có tính cách chính đáng. Nhưng Người lại nêu lên một đòi hỏi còn sâu xa hơn, triệt để hơn, của một trật tự hoàn toàn khác hẳn: người ta phải trả cho Chúa không phải một vật nào đó, nhưng là chính bản thân của mình.

3. Thành thử quyền bính dân sự chỉ chuyên trách trong trật tự trần thế là trật tự lệ thuộc vào những thực tại của trật tự tôn giáo. Trong phạm vi này, mà Chúa Giêsu không muốn xác định rõ hơn, Người đã nhìn nhận rằng việc người Do thái nộp thuế cho chính quyền rôm đương thời không có gì là vô luân và phạm thánh cả. Dù chẳng xác quyết bổn phận nộp thuế xem ra Người vẫn giả thiết nó như một hậu quả của tính cách chính đáng của thuế má; nhưng Người không, đi sâu vào trong các quan điểm này, những quan điểm mà thánh Phaolô sẽ minh giải về sau: "Nợ gì với ai hãy trả cho người ấy: sưu cho kẻ đòi sưu, thuế cho kẻ đòi thuế" (Rm 13, 6-7).

4. Kiểu nói: “Hãy trả cho hoàng đế những gì thuộc về hoàng đế" muốn diễn lả những đòi buộc của đời sống cộng đồng trong số những đòi buộc của đời sống luân lý. người Ki-tô hữu không thể nào tự miễn cho mình những bổn phận đối với quốc gia và trong quốc gia, lấy cớ là chỉ thực hiện những bổn phận thuần túy tôn giáo. Việc vấn tâm của chúng ta do đó phải xét đến các bổn phận của người công dân. Vì dù là công dân của Nước Trời (Pl 3, 19-20), chúng ta cũng là công dân của một quê hương trần thế mà chúng ta mang trách nhiệm về trong mức độ quê hương ấy đòi chúng ta phải dấn thân phục vụ (Cv 21,39: Phaolô, công dân thành Tarsê; Cv 16, 37-39 và 22, 25-29; Phaolô, công dân Rôma).

5. Thánh Phaolô nói rõ mọi quyền bính đều từ Thiên Chúa mà ra, và ta phải tùng phục chính quyền trong những gì thuộc địa hạt của nó, không những vì sợ hãi và vì lợi ích, nhưng còn vì bổn phận lương tâm (Rm 13,1-7; Tt 3, 1). Ngài cũng khuyên nhủ cầu nguyện cho các nhà đương quyền, để hòa bình được ngự trị trong thế gian (1Tm 2, 1-4).

Nguồn: WHĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét