Thuyết tiến hoá và Đức tin không hề phủ nhận nhau
Phải chăng khoa học đi ngược lại lịch sử sáng tạo của Kinh
Thánh? Có nhiều người đã nghĩ như vậy và cho rằng khoa học và lịch sử sáng tạo
của Kinh Thánh hoàn toàn không thể đi đôi với nhau được, vì một bên dựa trên
những lý chứng rõ ràng minh bạch, còn bên kia lại dựa trên đức tin và mang tính
chất truyền thuyết giả tưởng. Vì thế, họ cho rằng bao lâu lịch sử sáng tạo của
Kinh Thánh còn được khẳng định thì không thể nói đến thuyết tiến hoá, vì có hai
lý do đối kháng giữa Kinh Thánh và khoa học không thể vượt qua được.
Lý do thứ nhất: Trong khi theo Kinh Thánh thì trước hết
Thiên Chúa đã dựng nên trái đất và tiếp đến mới dựng nên các tinh tú, khoa học
tân tiến ngày nay về vũ trụ lại cho rằng trái đất là một trong số các hành tinh
được hình thành về sau này, kết quả của một cuộc nổ tung vĩ đại (big Bang)
trong vũ trụ trên dưới 14 tỷ năm về trước.
Lý do thứ hai: Trong khi theo Kinh Thánh thì trước khi dựng
nên con người, Thiên Chúa đã dựng nên các thứ thú vật và những cây cỏ xanh tươi
làm lương thực cho chúng, một hình ảnh đầy hiền hoà của Vườn Địa đàng, thuyết
tiến hoá lại chứng minh rằng trước khi có sự hiện hữu của con người trên trái
đất thì đã có những dã thú ăn thịt rất hung dữ, chứ không chỉ gặm cỏ cách hiền
hoà mà thôi.
Ngoài hai lý do đối kháng trên đây, còn một lý do khác nữa,
đó là: Theo sự trình thuật của sách Sáng Thế Ký thì vũ trụ được dựng nên trước
khi xảy ra sự sa ngã phạm tội của ông Adong và bà Evà, nhưng theo ý kiến khoa
vũ trụ học và thuyết tiến hoá thì sự sa ngã phạm tội của ông Adong xảy ra trước
khi có vũ trụ, tức vũ trụ chúng ta sống.
Thật ra, sự kiện con người bị trục xuất ra khỏi Vườn Địa
đàng không có nghĩa là Thiên Chúa đã dựng nên một vũ trụ thứ hai như nơi đày ải
đầy khổ cực, thay thế cho vũ trụ thứ nhất đã bị huỷ hoại do tội nguyên tổ gây
ra, và trong vũ trụ thứ hai ấy con người phải sống cuộc sống đầy gian lao vất
vả sau khi đã phạm tội và vị trục xuất khỏi Vườn Điạ đàng. Nhưng sự thật là Vườn
Địa đàng bị khoá lại và thay vào đó là một thế giới đã trở nên hư hỏng do tội
lỗi gây nên.
Thiên Chúa Tạo Hoá không dựng nên hai vũ trụ
Như vậy, theo Kinh Thánh, qua sự sa ngã phạm tội của ông
Adong, các tương quan trong vũ trụ và trong lịch sử tạo dựng của cuộc sống trên
trái đất đã hoàn toàn bị đảo lộn và chính chúng là đối tượng nghiên cứu của
khoa học như khoa vũ trụ và thuyết tiến hoá. Nói cách khác, chính do tội con
người gây ra, trái đất đã bị nguyền rủa và đã bị thay đổi từ nền tảng: đất đai
mất hết màu mỡ và trở nên gai góc, khô cằn, và vì thế, con người phải đổ mồ hôi
nước mắt mới kiếm được của ăn hằng ngày và sau cùng lại phải đón nhận cái chết
như hậu quả tất yếu (x. St 3,17-19). Điều ấy muốn khẳng định rõ ràng là qua sự
trình bày này về sự thay đổi của vũ trụ, Kinh Thánh chỉ muốn nói đến hậu quả
trực tiếp của tội lỗi đã làm cho những điều kiện sống của con người trở nên vất
vả, khổ cực, chứ xét về toàn diện, các điều kiện sống đó không thể tách biệt
con người ra khỏi vũ trụ, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa đã không dựng nên một vũ
trụ mới đầy khổ ải, đau thương và cằn cỗi để đày đoạ và phạt tội con người. Nếu
bây giờ những thay đổi của vũ trụ xét theo toàn thể đã trở thành đối tượng của
thuyết tiến hoá, thì không có gì là đi ngược lại lịch sử sáng tạo của Kinh
Thánh. Và cũng chính hậu quả của tội lỗi gây ra, nên không chỉ đất đai trở nên
gai góc và khô cằn, khiến cho con người phải vất vả cực nhọc mới kiếm được của
ăn nuôi thân, nhưng cả các loài vật cũng phải tranh giành, ăn thịt lẫn nhau mới
mong tồn tại. Qua đó, người ta thấy rằng giữa lịch sử sáng tạo và thuyết tiến
hoá không có gì mâu thuẫn nhau. Chỉ có khác nhau duy nhất ở chỗ: Theo Kinh
Thánh thì tất cả mọi tạo vật là do công trình sáng tạo của Thiên Chúa, còn theo
khoa học thì tất cả mọi sự là hậu quả của một sự phát triển tự nhiên.
Nói một cách tổng quát, tư tưởng nguyên thuỷ về cây gia phả
được coi là “lý thuyết về chủng tộc”. Nhưng một câu hỏi lại được đặt ra là làm
thế nào người ta có thể ghép chung các loài bò sát, các loại chim chóc, các
loại cá… hoàn toàn khác nhau, cùng theo một cách thức phát sinh giống nhau? Vào
năm 1866, Ernst Haeckel, nhà sinh vật học người Đức, đã bỏ ngoài mọi do dự và
bất đồng ý kiến trong dư luận và đã cho công bố lý thuyết về cây gia phả
(Stammbaum).
Ngày nay, lý thuyết về phổ hệ hay tộc hệ (Genealogie) của
các loại động vật đã bị loại bỏ. Qua những cuộc khai quật, người ta đã tìm thấy
được những dấu tích thuộc cổ sinh vật học giúp khám phá ra rằng, các cơ thể
sinh vật được phát sinh, nảy nở và chết đi. Chính trong quá trình ấy, cơ thể
các sinh vật luôn luôn phát triển và hoàn thiện theo những cấp bậc cao hơn và
tiến mãi cho tới khi thành con người. Trong đó, giữa những cơ thể sinh vật khác
nhau có những tính chất tương đồng (Homologien) thuộc giải phẫu học, thuộc sinh
lý và trong các sinh hoạt nhất định, khiến người ta có thể phân biệt được các
nhóm sinh vật có liên hệ gần gũi hay xa biệt nhau.
Chính điều này đã làm nảy sinh ý kiến mới khác cho rằng trên
mặt đất đã xảy ra một sự tiến hoá nội tại, tức mọi sinh vật tự phát triển, theo
những định luật tự nhiên, và qua đó tư tưởng về một Đấng Tạo Hoá hoàn toàn
không có chỗ đứng. Dĩ nhiên, người ta cũng đừng vội quên rằng đây mới chỉ là
một ý kiến mang tính cách loại suy mà thôi. Vâng, ở đây nguyên nhân mới chỉ
được cắt nghĩa theo hiệu quả mà thôi, trong khi một định luật chỉ có thể kiểm
tra được một cách thực nghiệm, nếu qua những dẫn chứng của nguyên nhân, hiệu
quả được dự đoán cũng thực sự được hiện thực.
Với tính cách là nguyên nhân, người ta phỏng đoán được sự
ngẫu biến (Mutation) và đào thải (Selection). Nhưng người ta cần phải hiểu
những quá trình diễn biến ấy như thế nào? Qua quá trình “ngẫu biến”, người ta
hiểu là những thay đổi của những cái được gọi là phân tử di truyền (Gène), qua
đó những hình thức sinh vật học mới được phát sinh, trong khi đó, sự đào thải
lại quyết định hướng đi từ những tế bào phôi thai tiến tới thành người. Nhưng
bây giờ lại có một sự ngẫu biến không thể cắt nghĩa theo khoa học được, một sự
ngẫu biến không phải là một định luật có thể định nghĩa được. Nói cách khác, có
những thay đổi của phân tử di truyền dẫn tới những hình thức mới mẻ một cách
theo kiểu vi trùng học, mà theo khoa học thì không thể giải thích được.
Còn bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu những điều có liên quan
tới sự đào thải. Những diễn biến sự đào thải từng đã đưa tới sự nảy sinh tiến
hoá lâu dài của những cơ thể sinh vật thì luôn luôn là một bí ẩn. Vâng, quả là
một ẩn số khó tìm ra được một giải thích thoả đáng trong các trường hợp tiến
hoá lâu dài ấy, ví dụ: sự tiến hoá từ những loại bò sát biến thành những con
chim hay từ những con cá bơi lội trong nước trở thành những con vật sống trên
đất.
Giờ đây, người ta đã tìm cách giải mã điều bí ẩn lớn nhất
của sự tiến hoá bằng những phương tiện thuộc sinh vật học về phân tử hay thuộc
tính trùng hợp hoá học. Vấn đề ở đây là vấn nạn về sự xuất phát của những chuỗi
dài yếu tố di truyền DNA, tức những yếu tố cơ bản cấu tạo nên sự sống. Nhưng
điều ấy đã rõ ràng nói lên rằng sự cấu tạo những chuỗi như thế nếu không có sự
can thiệp của một ý muốn vốn đã hiện hữu trước, hay nói cách khác, nếu không có
một Đấng Tạo Hoá toàn năng và tự hữu, thì hoàn toàn là một điều bất khả, ví dụ
như trong việc chế tạo ra những chất hoá học đa dạng xảy trong phòng thí nghiệm
hay trong sự sản xuất kỹ nghệ.
Quan niệm chủ trương có thể giải thích được vũ trụ mất chỗ
đứng
Tuy nhiên, sự phê bình này không chỉ nhằm vào lý thuyết về
nguồn gốc xuất phát của sự sống, nhưng còn nhằm tới quan điểm khá phổ quát cho
rằng sự tiến hoá lâu dài xảy ra qua sự ngẫu biến và qua sự đào thải. Nhưng như
đã trình bày, sự tiến hoá lâu dài được dựa trên một sự ăn sâu của những phân tử
di truyền vào những chuỗi DNA đang hiện diện sẵn, chứ không dựa theo sự ngẫu
biến. Vì vấn đề ở đây không phải là bất cứ những phân tử di truyền nào đó,
nhưng là những phân tử di truyền mới và vượt lên trên những phân tử đang có. Dĩ
nhiên, sự diễn biến như thế thì chắc chắn là rất khó lòng kiểm soát được.
Ở đây, chúng ta hãy nghe ý kiến của hai nhà hoá học nổi
tiếng, Bruno Vollmert und Manfred Eigen. Tiến sĩ Vollmert viết: “Khi tôi càng
nỗ lực suy luận một cách chính xác theo đúng các nguyên tắc khoa học, thì tôi
càng trở nên xác tín hơn khi cho rằng vũ trụ đã được một Đấng Tạo Hoá toàn năng
tạo dựng nên, chứ không phải như thuyết tiến hoá của Darwin chủ trương” (x.
“Das Molekül und das Leben”). Còn Tiến sĩ Eigen thì kết luận: “Nếu ngày nay có
ai khẳng định rằng vấn đề nguồn gốc sự sống trên hành tinh chúng ta đang ở đã
được giải mã, thì người ấy đã quá lời so với sự hiểu biết của mình” (x. “Die
Entwicklung des Lebens”).
Để tóm luợc suy luận trên, có lẽ chúng ta thử đưa ra một ví
dụ: Chẳng hạn cứ tạm cho rằng người ta tìm thấy trên mặt trăng một chiếc máy
bay tối tân, và người ta cũng biết được chiếc máy bay đó đã được lắp ráp và cấu
trúc như thế nào. Tuy nhiên, còn một bí ẩn chưa được giải mã, đó là sự lắp ráp
thành chiếc máy bay đã thành công ra sao.
Một điều đáng ghi nhận ở đây là đại chúng biết được rất ít
về tính cách khả nghi của thuyết tiến hoá cũng như sự đa dạng trong công cuộc
khám phá cơ bản và quan trọng của nó. Nhưng cũng phải chấp nhận rằng hiện tượng
ấy sẽ có thể thay đổi theo một mức độ mà kinh nghiệm về không gian đang thu hút
một sự chú ý rộng rãi của đại chúng như chúng ta từng chứng kiến qua các bài
khảo cứu được tường trình trên các kênh truyền hình quốc tế.
Như vậy, qua sự tiến bộ của sự nhận thức khoa học, con người
càng phải đối mặt với một bí ẩn to lớn về sự sống và đồng thời quan niệm chủ
trương rằng người ta có thể dùng khoa học để giải mã được mọi bí ẩn của vũ trụ
đã từ từ tan biến và mất hết đất đứng. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là con
người thôi không cần tìm hiểu và nghiên cứu về vũ trụ nữa; nhưng chỉ muốn khẳng
định rằng con người không nên gắn bó với ý tưởng sai lầm cho rằng khả năng nhận
thức khoa học của con người có thể xoá bỏ niềm xác tín Kitô giáo vào Đấng Tạo
Hoá toàn năng đã tạo dựng nên vũ trụ, con người và tất cả mọi tạo vật khác
trong vũ trụ; trái lại, đức tin là con đường duy nhất có thể giúp con người
giải mã được bí ẩn về nguồn gốc của sự sống và của vũ trụ, hay nói cách khác,
có thể giúp con người tìm thấy chân lý sau cùng, khi nó dẫn đưa con người đến
cùng Thiên Chúa Tạo Hoá, Đấng chính là nguồn gốc của mọi sự sống và của vũ trụ.
Lm. Nguyễn Hữu Thy
Nguồn: truyenthongconggiao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét