Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

MỘT GÓC NHÌN VỀ ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI CỦA ĐỨC MARIA




MỘT GÓC NHÌN VỀ ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI CỦA ĐỨC MARIA

Dẫn vào
Thời Trung Cổ đã từng xảy ra một cuộc tranh luận lớn: (1) các tu sĩ Đa Minh chủ trương rằng Đức Maria là một con người bình thường như những người khác, nghĩa là ngài cũng mắc tội tổ tông; (2) trong khi đó các tu sĩ Phan Sinh lại không nghĩ như vậy. Đây chính là một trong những đề tài đã từng làm hao tốn nhiều bút mực và giấy viết.
Tuy nhiên, bài viết ngắn này chỉ đơn giản muốn đưa ra “Một góc nhìn về đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria” trong ý thức căn bản: thuộc về Đức Kitô cách đặc biệt, Đức Maria hoàn toàn ở trong tình trạng đầy ơn phúc (gratia plena) của Thiên Chúa. Vì được Thiên Chúa chuẩn bị cho Đức Kitô, Đức Maria “nằm trong” chương trình cứu độ đời đời của Thiên Chúa; ngài lệ thuộc vào Đức Kitô mạnh hơn lệ thuộc vào Ađam. Tương quan giữa ngài và Thiên Chúa không hề bị sứt mẻ; ngay từ đầu, ngài đã được Thiên Chúa bảo bọc cách đặc biệt: Thiên Chúa đã “đoái xem” đến ngài là phận hèn tớ nữ để ngài luôn hướng lòng lên Chúa và thuộc trọn vẹn về Chúa.
Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội mang một ý nghĩa vừa tiêu cực (negative meaning) vừa tích cực (positive meaning), bổ túc cho nhau. Mặt tiêu cực nhấn mạnh đến việc Đức Maria được gìn giữ khỏi nguyên tội nhờ ân sủng dự phòng (có thể gọi là ơn gìn giữ) từ hành vi cứu độ của Chúa Kitô. Cũng vì lẽ đó, tín điều còn gợi lên sự toàn thánh của Đức Maria. Mặt tích cực là hệ quả của việc không vương mắc nguyên tội. Cuộc sống của Đức Maria được liên kết thân mật và vĩnh viễn với Thiên Chúa. Như vậy Đức Maria còn được xem là toàn thánh (all holy).
Một góc nhìn…
Sau khi tham vấn các thần học gia, Đức Piô IX đã hỏi ý kiến các giám mục khắp Giáo hội về việc ngài có nên định tín điểm giáo lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hay không. Thế rồi, Bửu sắc Ineffabilis Deus của ngài được công bố ngày 08 tháng 12 năm 1854, năm thứ tám triều đại giáo hoàng của ngài, định tín rằng Đức Trinh nữ Maria đã được giữ gìn khỏi mọi dấu vết nguyên tội ngay từ giây phút đầu tiên khi tượng thai trong lòng thân mẫu, nhờ được hưởng đặc ân cá biệt Thiên Chúa ban, khi tiên kiến những công trạng của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại.
Thật vậy, được nhà thần học Perrone của Dòng Tên và Viện phụ Gueranger của Đan viện Solesmes giúp soạn thảo Ineffabilis Deus, Đức Piô IX đã nêu rõ tính thiết yếu của định tín mà nguyên văn bửu sắc có đoạn viết:
Chúng tôi tuyên xưng, công bố, và định tín điểm giáo lý xác nhận Đức Trinh nữ Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai, nhờ một ơn riêng và ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, dựa trên công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của nhân loại, đã được gìn giữ khỏi mọi tơ vương của tội nguyên tổ là một giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế, phải được mọi tín hữu tin nhận vững vàng và luôn mãi.
Điểm tích cực của lời định tín liên kết đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria với công trạng của Chúa Kitô, công trạng đã được áp dụng cho Mẹ nhờ sự tiên hưởng hoặc hồi hiệu (by anticipation or retroactively). Công trạng Chúa Con trào lại cho Mẹ, không phải theo sự đảo ngược của thời gian lịch sử, nhưng theo thượng trí siêu việt của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa đã tác thành muôn loài muôn vật. Quan điểm này phát xuất từ tri thức tuyệt vời của Thánh Gioan Duns Scotus; là một luận đề được đưa vào đức tin Công giáo, đối lại những suy tư thần học của không ít những người đi trước (contradicted the theology of almost his predecessors)….
Chính Đấng Tạo Hóa, chứ không phải những điều kiện của thế giới hoặc thái độ tội lỗi của nguyên tổ, ban sự hiện hữu cho từng thụ tạo. Như vậy, có sự tương song giữa việc được thụ thai trinh khiết của Chúa Giêsu và sự được thụ thai vô nhiễm của Đức Maria.
Thêm vào đó, việc so sánh biến cố được thụ thai của Đức Giêsu Kitô và của Thánh Gioan Tẩy Giả cũng góp phần làm sáng tỏ tín điều và cả những nguyên nhân đưa đến việc các tín hữu Hy Lạp từ sớm đã mừng kính lễ Đức Maria Thụ Thai: (1) việc Mẹ Thiên Chúa thụ thai đương nhiên siêu vượt trên việc mẹ Thánh Gioan Tẩy Giả thụ thai (đúng ra là không thể so sánh); (2) khi kết hợp với thân xác, linh hồn vị tiền hô đã không được gìn giữ vô nhiễm tội, và chỉ được thánh hóa sau khi tượng thai nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong biến cố Thăm Viếng.
Không quá lưu tâm đến sự vô nhiễm trong hành vi sinh sản của song thân Đức Maria, cũng không lưu tâm đến việc được thụ thai thụ động tuyệt đối và đơn giản (passive conception absolutely and simply) mà theo trật tự tự nhiên, đi trước việc phú bẩm linh hồn hữu trí, chủ thể của đặc ân miễn nhiễm nguyên tội là con người Đức Maria vào thời điểm linh hồn Mẹ được tạo dựng và được phú vào thân xác của Mẹ. Theo đó, yếu tính mô thể tích cực của nguyên tội (formal active essence of original sin) không bị loại khỏi linh hồn của Mẹ như bị phép thánh tẩy loại khỏi những người khác; nguyên tội ở bên ngoài, chưa bao giờ ở trong linh hồn của Mẹ; bị đặt bên ngoài đồng thời với việc loại trừ tội lỗi. Theo đức tin Công giáo truyền thống,
Đức Maria, Hiền mẫu của Chúa Giêsu, được một ân sủng ngoại thường (en vertu d’une grâce exceptionelle), đã không bao giờ biết đến sự dữ, đã được thụ thai mà không vương lây nguyên tội (conçue sans être marquée par le péché original). Sự miễn trừ tuyệt đối đó được gọi là vô nhiễm nguyên tội.
Nhờ công nghiệp Chúa Kitô, công nghiệp mà qua đó, những người khác được tẩy sạch tội lỗi khi lãnh nhận phép thánh tẩy, Đức Maria đã được ân ban sự miễn trừ nguyên tội theo một ơn chuẩn cá biệt khỏi luật phổ quát. Con người Đức Maria, vì hậu quả dòng dõi Ađam, đáng ra phải chịu tội, nhưng vì là Evà Mới, Hiền mẫu của Ađam Mới, nên theo sự khôn ngoan từ đời đời của Thiên Chúa và nhờ công trạng của Chúa Kitô, Mẹ đã được gìn giữ khỏi luật chung của nguyên tội.
Tín điều này rất quan trọng, ít là về năm phương diện sau: (1) giáo lý này làm nổi bật những chân lý về tự nhiên, ân sủng, tội lỗi và tính dục; (2) tín điều này dạy chúng ta về quyền năng cứu độ của Chúa Kitô (saving power of Christ); (3) ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria khởi đầu một cuộc tạo dựng mới mà Chúa Kitô đã khai mào; (4) nhận thức tiệm tiến trong Giáo hội về chân lý này làm sáng tỏ sự hướng dẫn của Thiên Chúa trong việc thăng tiến giáo lý Kitô giáo; và (5) định tín mang tính bắt buộc này đề cao giá trị sự sống của con người ngay từ khi được thụ thai.
Trong khi đó, có những nhà thần học hiểu nguyên tội thuần túy chỉ là “tội xã hội” hoặc là “những cơ cấu xã hội tội lỗi” (“societal sin” or “sinful social structures”), và vì thế không thực sự thuộc về trách nhiệm cá nhân.Không hiểu đúng về bí tích thánh tẩy, bí tích hòa giải…, trường phái này cũng không hoàn toàn xem việc Ðức Giêsu Kitô tự hiến thân chịu nạn, chịu chết, sống lại… để ban cho những ai tin và lãnh nhận phép rửa nhân danh Người thì được sự sống của Người, và không có một thụ tạo nào được cứu độ mà lại không nhờ vào công nghiệp Ðức Giêsu Kitô. Như vậy cũng có nghĩa là thủ lãnh thế gian đã bị Ðức Giêsu Kitô đánh bại, thủ lãnh thế gian đã bị Người tống khứ. Sách Khải huyền còn cho biết khi đó “thủ lãnh thế gian đã bị tống ra ngoài” này sẽ đuổi bắt “Người Phụ Nữ”. Tuy nhiên, vì người phụ nữ này là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng Đầy Ân Sủng, Evà Mới, việc định tín Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội loại bỏ cách cụ thể lối nhận thức sai lạc về nguyên tội:
… Đức Trinh nữ Rất thánh Maria đã được giữ gìn khỏi mọi tì vết nguyên tội ngay từ giây phút đầu tiên khi được thụ thai, nhờ ơn thánh và đặc ân cá biệt của Thiên Chúa Toàn Năng, dựa trên công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô.
Ngoài việc trình bày cho chúng ta hiểu biết về nguyên tội, đặc ân duy nhất này của Đức Maria còn chứng tỏ sức mạnh quyền năng cứu độ của Chúa Kitô có thể được áp dụng bất chấp thời gian và không gian. Ân sủng Chúa Kitô đã gìn giữ Đức Maria truớc khi Người chịu chết và phục sinh, trước cả biến cố Nhập Thể. Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội chứng tỏ bàn tay Thiên Chúa quan phòng trong sự phát triển điểm giáo lý này. Lời Chúa Kitô hứa sẽ hướng dẫn Giáo hội của Người đến chân lý toàn vẹn đã không vô dụng, nhưng được hoàn tất trong sự hiểu biết tiệm tiến của con người đối với mạc khải.
Là lời nhắc nhở rõ ràng cho chúng ta về tội Ađam, mầu nhiệm Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội còn chứng tỏ giá trị và phẩm giá của sự sống con người ngay từ khi được thụ thai. Ở đây chúng ta có thể nhận ra một sự tương hợp hoàn hảo giữa chân lý khoa học và thần học (perfect correspondence of scientific and theological truth). Vì Đức Maria đã lãnh nhận ân sủng này khi được thụ thai, và để lãnh nhận ân sủng thì cần thiết phải là một con người gồm xác và hồn, nên chúng ta có thể kết luận rằng ngay từ khi được thụ thai thì đã có sự hiện hữu của con người ấy. Chúng ta được nhắc nhớ về một số chân lý quan trọng cả thực tế lẫn lý thuyết mà tín điều này đã nhấn mạnh.
Khi trình bày về “hai ý chí nơi Chúa Kitô”, Thánh Gioan Đamaxênô xác định rõ Chúa Kitô đã không mặc lấy khuynh hướng phạm tội. Hợp với sự khác biệt về các bản tính của mình, Chúa Giêsu Kitô có hai ý chí; nhưng hai ý chí này không hề đối kháng nhau. Bởi vì ý chí nhân tính hoặc tài năng ý muốn hoặc những sự tự nhiên tùy thuộc vào ý chí nhân tính hoặc cách sử dụng tự nhiên ý chí nhân tính của Chúa đều không đối kháng với ý chí thần linh của Người. Vì ý chí Thiên Chúa là Tạo Hóa muôn vật phù hợp với tự nhiên, nên chỉ những gì chống lại tự nhiên mới trái nghịch với ý chí thần linh. Những thứ đó là tội lỗi, ham hố những khoái lạc gian tà, theo mục đích ích kỷ cá nhân. Đó là thứ Chúa Kitô đã không mặc lấy. Chúa Kitô chỉ có một Ngôi Vị, và vì Chúa Kitô là duy nhất, nên chỉ có một Đấng muốn bằng cả hai bản tính: trong tư cách Thiên Chúa là ưng nhận, và trong tư cách con người là vâng phục.
Với cảm thức về ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria nhờ công trạng của Chúa Kitô, trong Bài giảng thứ hai về ngày lễ Đức Mẹ Ly Trần, Thánh Gioan Đamaxênô đã trình bày:
Chúng con đã đóng địa đàng; Mẹ đã mở lại con đường dẫn đến cây sự sống. Chúng con đã biến những niềm vui thành nỗi buồn; Mẹ đã biến nỗi buồn trở lại thành những niềm vui tuyệt hảo nhất cho chúng con. Vậy lạy Đấng Vô Nhiễm, Mẹ cảm nếm sự chết bằng cách nào? Mẹ là cây cầu đưa đến sự sống, Mẹ là thang dẫn lên thiên đàng; và (với Mẹ) cái chết chỉ là một lối đi dẫn tới chốn bất tử. Ôi Đấng Diễm Phúc, Mẹ thực sự là Đấng Diễm Phúc!
Để kết
Việc long trọng công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội góp một phần quan trọng vào giáo lý Kitô học. Mặc dù đề cao một đặc ân của Đức Maria, nhưng thực ra tín điều này nhấn mạnh đến phẩm giá và sự thánh thiện cần thiết để trở nên Mẹ Thiên Chúa. Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là nguồn mạch và là căn bản sự toàn thánh của Đức Maria trong tư cách là Mẹ Thiên Chúa. Tín điều Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội viết: “Đức Trinh nữ Maria, ngay từ giây phút (khoảnh khắc) đầu tiên lúc được thụ thai, nhờ một ân sủng cá biệt và ân huệ của Thiên Chúa Toàn Năng, vì những công trạng của Chúa Giêsu Kitô (merits of Jesus Christ), đã được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ nguyên tội”.
Hậu cảnh của tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội là giáo huấn về tội tổ tông: mỗi chúng ta sinh ra từ một liên hệ “rối loạn tương quan” làm sứt mẻ chính mối tương quan giữa ta với Chúa. Mặc dù khó giải thích, nhưng nguyên tội tạo nên tình trạng hỗn độn trong tư tưởng và hành động, đặc biệt liên quan đến quyền tối thượng của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Như vậy, khi tuyên xưng Đức Maria được thụ thai vô nhiễm, Giáo hội nhìn thấy nơi Đức Maria là người không bao giờ khước từ Thiên Chúa. Tín điều này tuyên bố rằng ngay từ đầu, Đức Maria đã thánh thiện cách ngoại thường và hằng được hợp nhất với ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần.

01-5-2012
Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng
X. Tạ Huy Hoàng, Mariahọc: Vềcác tín điều(hỏi–đáp)(TP. HCM: Đại Chủng viện Thánh Giuse, 2007), 42-4.
Trong tổng số 603 vị giám mục được tham vấn về việc định tín có 546 vị trả lời tích cực, bốn hoặc năm vị cho rằng không thể, 24 vị phân vân về thời điểm thuận lợi, và mười vị muốn có một định tín gián tiếp (indirect definition).
X. Marrianne Lorraine Trouvé, Mother of Christ, Mother of the Church: Documents on the Blessed Virgin Mary (Mẹ Chúa Kitô, Mẹ Giáo hội: Các văn kiện về Đức Trinh nữ Rất thánh Maria) (Boston, MA: Pauline Books&Media, 2001), 9-26.
Piô IX, Ineffabilis Deus; x. Rene Laurentin, The Role of the Papal Magisterium in the Development of the Dogma of the Immaculate Conception; O’Connor, The Dogma of the Immaculate Conception, 312.
George H. Tavard, The Thousand Faces of the Virgin Mary (Collegeville, Minn.: Liturgical Press, 1996), 195.
Từ thế kỷ V, các Giáo hội Đông Phương đã có ngày lễ kính Thánh Gioan Được Thụ Thai (Conception of Saint John the Baptist) (ngày 23 tháng 9), như vậy là trước ngày lễ Đức Maria Được Thụ Thai (Conception of Mary), và, trong thời Trung Cổ, lễ này cũng được nhiều giáo phận Tây Phương mừng vào ngày 24 tháng 9. Các Giáo hội La Tinhmừng lễ Đức Maria Được Thụ Thai ngày 08 tháng 12; còn các Giáo hội Đông Phương mừng ngày 09 tháng 12. Lễ Chúa Kitô Được Thụ Thai có trong lịch chung, ngày 25 tháng 3.
Con người thực sự được thụ thai khi linh hồn được tạo thành và phú vào thân xác. Đức Maria đã được giữ gìn khỏi mọi vết nhơ nguyên tội ngay từ giây phút đầu tiên khi linh hồn Mẹ được phú vào thân xác, và ơn thánh hóa đã được ban cho Mẹ trước khi tội lỗi có thể tạo ảnh hưởng nơi linh hồn Mẹ (x. Hoang H. Ta, Mariology: About the dogmata [Rancho Cacumonga, CA: LHNB, 2006], 160).
Thuật ngữ thụ thai không chỉ về sự thụ thai tích cực hoặc sinh thành do cha mẹ (activeor generative conception by her parents). Thân xác Đức Maria đã được tạo dựng trong lòng thân mẫu; phụ thân của Mẹ cũng dự phần vào việc tạo dựng ấy.
Tình trạng thánh thiện, vô tội và công chính nguyên tuyền (original sanctity, innocence, and justice), những điều đối lập với nguyên tội, đã được tặng ban cho Đức Maria, và nhờ ân huệ ấy, mọi nhơ nhuốc và sai lỗi, mọi cảm xúc lăng loàn, những đam mê và yếu đuối, chủ yếu liên quan đến nguyên tội, đều được miễn trừ đối với Mẹ. Nhưng Đức Maria không được miễn khỏi những hình phạt đời tạm do tội Ađam như đau buồn, yếu nhược phần xác và cái chết.
Michel Dubost et al., eds., Théo: L’encyclopédie catholique pour tous (Thần học: Tự điển bách khoa chp mọi người) (Paris: Droguet-Ardant/Fayard, 1993), 898.
Đức Maria cần thiết phải có Đấng Cứu Độ mới được lãnh nhận ơn miễn trừ này và được giải thoát khỏi sự đòi buộc và món nợ chung vì lụy thuộc nguyên tội (delivered from the universal necessity and debt of being subject to original sin) (x. Ta, Mariology…,161).
Ơn cứu độ của Mẹ chính là kiệt tác của thượng trí cứu độ của Chúa Kitô. Người trả món nợ để ảnh hưởng của nguyên tội không xảy ra và như thế là cao trọng hơn so với Người trả sau khi món nợ đã ập xuống nạn nhân. Đó là ý nghĩa của cụm từ “Được thụ thai vô nhiễm nguyên tội.”
Bè rối Jansenist chống đối giáo lý này vì họ chủ trương nguyên tội lan truyền qua nhục dục gắn liền với mọi hành vi sinh sản (transmitted by means of concupiscence inherent in all natural generation). Vì không được thụ thai qua việc vợ chồng, nên Chúa Kitô không vương mắc nguyên tội, còn mọi người khác được thụ thai theo cách thông thường nên đều vương mắc. Nhưng một đứa trẻ được thụ thai nhờ cách thụ tinh trong ống nghiệm, không nhờ cách thông thường của cha mẹ, vẫn mắc nguyên tội, vì đứa trẻ đó thừa hưởng bản tính nhân loại (a child conceived through in vitro fertilization and not normal marital congress still has original sin, since he has inherited human nature). Ý tưởng về việc lan truyền nguyên tội của bè rối Jansenist hạ thấp hành vi hôn nhân, trong khi đặc ân được thụ thai vô nhiễm nguyên tội chứng tỏ nguồn gốc thực sự của nguyên tội (x. Ta, Mariology…,161-2).
Theo tư tưởng của Jean Jacques Rousseau và những đồ đệ của ông về sau, trẻ em tự bản tính là vô tội và chỉ trở nên hư đốn vì sống giữa một xã hội ích kỷ, làm băng hoại ý chí tốt lành bẩm sinh nơi chúng (x. Ta, Mariology…,162).
X. Ga 12,31; Kh 12,11.
X. Kh 12,13.
Piô IX, Ineffabilis Deus. Nếu như nguyên tội là một cái gì chúng ta lãnh chịu khi lớn lên giữa xã hội, thì sẽ thật vô nghĩa khi nói về việc Đức Maria được gìn giữ khỏi nguyên tội “ngay từ giây phút đầu tiên khi được đầu thai,” bởi vì vào lúc đó, Đức Maria làm sao có thể vương mắc nguyên tội được (x. Ta, Mariology…,162).
Khi được thụ thai, Đức Maria đã được cứu độ mà không có bất kỳ một hành vi ý chí nào của Mẹ cộng tác với ơn thánh. Đức Maria biểu trưng cho một khởi đầu của công cuộc tạo dựng mới phát xuất từ Chúa Kitô. Thiên Chúa trong Đức Maria ban cho chúng ta một dấu chỉ hoặc một biểu hiệu về những gì mọi người chúng ta hy vọng sẽ xảy đến cho chúng ta. Vì Mẹ, nguyên tội bị đổ nhào, nhục dục bị đánh bại, đau khổ được hợp nhất với khổ đau của Chúa Kitô, thân xác và linh hồn được nên một với Người trên thiên quốc.
Nghiên cứu khoa học cho chúng ta biết cuộc sống con người khởi đầu từ khi được thụ thai, tái xác định chân lý thần học tiềm ẩn trong tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tự thân xác con người không thể lãnh nhận ân sủng; thân xác hợp nhất với linh hồn, tức là một con người toàn vẹn, mới có thể lãnh nhận ân sủng.
Không một tín hữu Công giáo nào có thể chối bỏ tín điều của Giáo hội mà vẫn là tín hữu Công giáo, vì thế, tín điều này bảo đảm không một tín hữu Công giáo nào, với lương tâm lành mạnh, có thể chối bỏ nhân tính hoặc quyền làm người của mầm sống chưa được sinh ra.
X. A. Louth, St. John Damascene: Tradition and Originality in Byzantine Theology (Thánh Gioan Đamaxênô: Truyền thống và căn cội trong thần học Byzantine)(Oxford: Oxford University Press, 2002), 168-9.
Gioan Đamaxênô, Bài giảng thứ hai về ngày lễ Đức Mẹ Ly Trần:“Bởi vì Người đã không phạm tội, nơi miệng Người không có sự lừa dối”.
Cũng như tín điều Mẹ Thiên Chúa, tín điều Đức Maria Đồng Trinh Trọn Đời được xem là một phần trong giáo lý Kitô học (x. Hoang H. Ta, Christology: Fully Human and Fully Divine [San Jose, CA: LHNB, 2006], 199).Đức Maria không thể rơi vào tương quan “rối loạn tương quan” được, vì ngay từ đầu ngài là cánh cửa của Thiên Chúa, cánh cửa được đặc biệt tạo ra để Chúa bước vào (x. (1) www.udayton.edu/mary/meditations/immac.html; (2) www. udayton.edu/mary/meditations/MaurImmac.html; (3)www.udayton.edu/mary/resources/immac_con_images.html; (4) www. uda yton.edu/mary/resources/poetry/dec08.html; (5) www.newadvent.org/docs/ pi09id.html; (6)www.vatican.va/holy_father/pius_x/encyclicals/documents /hf_p-x_enc_020 21904 _ad-diem-illim-laetissimum_en.html).
Nguồn: giaolyductin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét