MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 14
VIỆC HÌNH THÀNH QUI ĐIỂN
CỦA SÁCH THÁNH
Tại sao ta lại chấp nhận sách này hay sách kia, mà chỉ có thể là những
cuốn sách đó trong bộ sách Kinh Thánh? Bởi đâu mà có quyền về “qui điển”[1]
này? Được gọi là “qui điển”, vì chính Giáo Hội được linh hứng, đã thừa nhận và
coi như tiêu chuẩn thành văn của đức
tin. Giáo Hội bảo đảm cho sự linh hứng này.
Việc hình thành qui điển của Cựu Ước
Vào đầu thế kỷ thứ I, người Do-thái đã có được một bộ các Sách Thánh,
mà họ coi như do Thiên Chúa linh hứng, và xem trong nội dung như một sự biểu lộ
thánh ý Chúa, một qui luật cho đức tin và luân lý.
Nên nhớ rằng cả ba phần của Kinh Thánh Híp-ri (sách Luật, các Ngôn Sứ
và các văn phẩm khác) đều không được thiết lập theo một quyết định chính thức.
Điều này giải thích cho những khác biệt về quan điểm giữa người Do-thái vào thế
kỷ thứ I. Nhóm Xa-đốc chỉ chấp nhận Ngũ Thư là hợp qui điển. Vào thời Đức
Giê-su, vẫn còn một vài do dự, bất ổn quanh vấn đề qui điển của Sách Thánh.
Chỉ sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá (năm 70 sau CN) có một số luật sĩ
Do-thái tìm cách bảo tồn những di sản của quá khứ, sau cuộc tàn phá đền thờ
Giê-ru-sa-lem, họ tụ họp ở Giam-ni-a[2]
khoảng năm 90, và tuyên bố chấp nhận qui điển của phái Pha-ri-sêu, có nghĩa là
chỉ chấp nhận các sách viết bằng tiếng Híp-ri, và loại trừ các sách viết bằng
tiếng Hy-lạp. Vào thời kỳ Cải Cách, anh em Tin Lành muốn dịch trực tiếp từ
tiếng Do-thái, và cuối cùng họ đã xem qui điển Do-thái như chuẩn mực chân
chính duy nhất.
Về phía các Giáo Phụ tông đồ, đa số đã chấp nhận Giao Ước Thứ Nhất, như
trong bản dịch Hy-lạp Septante (Bản LXX), hoặc trong các bản la-tinh cũ, dịch
từ tiếng Hy-lạp. Khoản luật 60 của công đồng Lao-đi-xê (khoảng năm 380) xác
nhận rằng hầu như toàn thể Đông Phương có thái độ không thuận đối với các sách
thuộc Đệ Nhị Qui điển, và trong danh sách của họ, toàn là sách Kinh Thánh
Híp-ri. Tuy nhiên các Giáo Phụ Đông Phương cũng ghi nhận rằng các sách khác
cũng có thể đọc để nâng đỡ các tín hữu, hay dạy bảo các người tân tòng, và đôi
khi cũng được chấp nhận cả trong Phụng Vụ.
Trái lại, trong Giáo Hội ở Tây Phương không có sự phân biệt giữa các
sách này. Do ảnh hưởng của thánh Au-gus-ti-nô và để phản ứng lại thánh
Giê-rô-ni-mô và các anh em Đông Phương, các Công Đồng Hippone (năm 393) và
Carthage (397 và 419) đã tuyên bố rằng các sách thuộc Đệ Nhị Qui điển, đã từng
gây tranh cãi, cũng hội đủ tiêu chuẩn theo qui điển. Vậy ta có thể coi như qui điển của các Sách Thánh có từ thời
thánh Au-gus-ti-nô.
Cuối cùng, các anh em Hy-lạp cũng thuận theo ý kiến của Giáo Hội Tây
Phương và kể từ công đồng Trullo (năm 692) đã chấp nhận trọn vẹn qui điển này
(nghĩa là cả đệ nhị quy điển).
Lược sử về qui điển của Tân Ước
Giáo Hội Do-thái-Ki-tô, ngay từ đầu đã có được trọn bộ các Sách Thánh
Cựu Ước theo bản Septante (bản 70).
Còn các bản văn Tân Ước, thoạt đầu chỉ là “truyền khẩu” (những lời nói và cử
chỉ của Thầy Giê-su), sau này mới dần dần được ghi chép lại, vì các Tông Đồ,
những “nhân chứng nhãn tiền” đều lần lượt khuất bóng.
Một vài người trong số các vị ấy, như Phê-rô, Phao-lô, Gia-cô-bê, vào
các dịp đặc biệt thường để lại một số thư từ cho các giáo đoàn do các ngài
thiết lập. Nhưng các thư ấy đã nhanh chóng được trao đổi trong các cộng đoàn,
và càng ngày càng có uy tín lớn. Tuy nhiên cũng cần phải có một thời gian khá lâu,
cho việc sưu tầm và để những bức thư kia có được uy tín tuyệt đối bên cạnh
những Sách Kinh Thánh là di sản của Do-thái giáo.
Bốn sách Tin Mừng, dù không phải là những văn bản lâu đời nhất, nhưng
đã là những văn bản đầu tiên được đặt ngang hàng với các Sách Kinh Thánh của
người Do-thái (vì được xem như sấm ngôn của Đức Ki-tô), và được công nhận hợp
tiêu chuẩn của qui điển. Đến năm 140, giám mục Papias của thành Hiêrapôlis, đã
biết hai thánh Mác-cô và Mát-thêu. Khoảng năm 150, thánh Giút-ti-nô đã trích đoạn
từ các sách Tin Mừng. Năm 180, Hê-gê-sip-pê đã kể đến Lề Luật, các Ngôn Sứ và
Chúa Giê-su”. Chỉ có Giao Ước Thứ Nhất và bốn sách Tin Mừng được gọi là “Các
Sách” có nghĩa là Kinh Thánh.
Vào đầu thế kỷ thứ II, mười ba thư của thánh Phao-lô, - ngoại trừ thư
gửi các tín hữu Híp-ri (Do thái) – đã được lan truyền tới Hy-lạp, vùng Tiểu Á
và toàn nước Ý. Tất cả các bản thảo khác nhau của những lá thư này, đều phát
xuất từ một nguồn, hợp thành một tập sưu tầm mà người ta thường gọi là Corpus Paulinum (Hợp tuyển Phao-lô).
Cho đến thế kỷ thứ IV, thư gửi các tín hữu Híp-ri, các thư của Phê-rô,
Gio-an, sách Khải Huyền và sách Công Vụ Tông Đồ, rất khó được chấp nhận như qui
điển. Hầu như đã không có một tuyên ngôn chính thức nào về vấn đề này. Vả lại
những thư được sưu tầm thì tại mỗi giáo hội địa phương một khác. Có rất nhiều
lý do để giải thích sự do dự trong việc hình thành qui điển của Tân Ước: Sự
phát sinh ra nhiều ngụy thư (Apocryphe)[3],
những văn bản của nhóm bất khả tri, của lạc giáo Marcion[4] và
những lạc thuyết khác của Montanus[5]. Nhưng
ngay từ đầu thế kỷ thứ III, qui điển về Tân Ước đã bao gồm hầu hết các sách
như hiện nay, theo qui điển. Danh sách xưa nhất là tài liệu của Muratori[6].
Năm 367, thánh A-tha-na-si-ô đã có một danh sách kể tên 27 cuốn. Ta có thể nói
rằng giữa thế kỷ thứ IV và thứ V, qui điển của Giáo Hội La-tinh đã được ấn
định. Công Đồng Tri-đen-ti-nô (năm 1542) chỉ xác nhận lại một cách long trọng
những gì đã được ấn định từ trước, để giải quyết cách dứt khoát vấn đề cho Giáo
Hội Công Giáo[7].
Tiêu chuẩn của việc thiết lập qui điển
Tiêu chuẩn tối hậu cho việc thiết lập qui điển của một văn bản là việc
tuyên bố chính thức của chính Giáo Hội “được linh hứng”. Giáo Hội đọc và diễn
giải Kinh Thánh, đã được linh hoạt và sống động hóa bởi Thần Khí. Giáo Hội phải
nhìn nhận được trong văn bản kia sự thể hiện kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đã được mạc khải cách viên mãn qua Đức
Ki-tô Giê-su.
Đối với việc hình thành của “qui điển”, Giáo Hội phải căn cứ trên
nguyên tắc về “tính cách Tông Đồ”, nghĩa là phải được hướng dẫn bởi giáo huấn
của Đức Giê-su Ki-tô và các Tông Đồ của Người, vì chính các vị này đã coi Giao
Ước Thứ Nhất là do “linh hứng”. Riêng về các văn bản Tân Ước, Giáo Hội thẩm
định rằng mọi bản văn đến từ một Tông Đồ, hay dưới sự bảo trợ của ngài, đều
được xem là do “linh hứng”. Nhưng trên thực tế, các Tông Đồ, đôi khi không được
xem như tác giả trực tiếp của một vài bản văn nào đó, mà chỉ là người “gợi
hứng” từ một truyền thống, mà người ta đã tìm thấy trong văn bản đó cách diễn
tả của ngài.
Nói cách khác, không phải sự hình thành cuốn sách trong lịch sử - đôi
khi rất khó xác định – là tiêu chuẩn đầu tiên, nhưng là sự kiện Giáo Hội được
Chúa Thánh thần linh hứng, - và chính ở điểm này mà Mạc Khải được bảo đảm -,
đồng lòng nhất trí nhìn nhận tính cách tông đồ, và như vậy nhìn nhận xếp
cuốn sách vào qui điển.
Lời Chúa và sự không thể sai lầm của Sách Thánh
Theo giáo huấn của Giáo Hội, vì được Thiên Chúa linh hứng, nên các Sách
Thánh được bảo đảm khỏi mọi sai lầm, nhưng chỉ cho những gì liên quan đến
chương trình cứu rỗi được Thiên Chúa mạc khải. Đó là điều mà ta gọi là “không thể sai lầm”. Đây cũng là điều mà
Hiến Chế về Mạc Khải của Công Đồng Vaticanô II nói: “Vì phải xem mọi lời các tác giả được linh ứng viết ra, tức các thánh
sử, là những lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Thánh Kinh dạy ta
cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã
muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta. Bởi vậy "mọi sự trong Thánh
Kinh được Thiên Chúa linh ứng có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện luận, sửa trị và
rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn
sàng thực hiện mọi việc lành” [8].
Nhưng mặt khác, ta cũng thấy rõ nên tránh nói về Kinh Thánh theo lối
nghĩ rằng từng câu trong Sách Thánh đều được Thiên Chúa “linh hứng” và hàm chứa
những chân lý thánh thiêng. Sứ điệp trong Kinh Thánh chủ yếu là “thiêng liêng”
và chỉ nhắm tới những gì liên quan đến ơn cứu độ của con người. Chính về phương
diện này, và chỉ ở trên phương diện này mà các Sách Thánh mới có thể được xem
là không sai lầm. Như thế ta không thể nghĩ rằng tác giả không thể lầm lẫn về
những chi tiết cụ thể khác, như về ngày tháng, sự việc xảy ra của một biến cố
nào đó. Nhưng một lần nữa, dù được bọc trong cái “vỏ ngôn ngữ nhân loại”, sứ
điệp liên quan đến Ơn Cứu Độ của con người do Thiên Chúa mạc khải cũng không
thể có sai lầm.
Nói cách chung, một sai lầm là một phán đoán được xác quyết trái với
thực tại. Nhưng thí dụ như khi tôi nói “mặt
trời mọc”, tôi không sai, vì tôi bị giới hạn khi diễn tả một khái niệm như
tôi có thể nhìn thấy; tôi không vượt quá giới hạn của mình được. Tôi không làm
một phán đoán, cũng không xác quyết trên lý thuyết của ngành thiên văn. Nhưng,
nếu dựa trên sự chuyển động “bề ngoài” của mặt trời, tôi khẳng định, như một sự
kiện khoa học rằng “mặt trời thực sự quay
chung quanh trái đất”. Xác quyết này quả là sai lầm: vì nó không phù hợp
với thực tại.
Như thế, các tác giả Sách Thánh không phạm sai lầm, khi họ chỉ diễn tả
một quan điểm phản ảnh nền văn hóa vào thời kỳ của họ. Sự việc mà họ trình bày,
thường được nhìn dưới một góc cạnh giới hạn, bởi chính bản thân họ cũng chỉ là
một con người với nhiều giới hạn. Một nhà thiên văn, một thi nhân hay một nhà
chiêm niệm, nhất thiết không có cùng một cách nhìn các vì sao trời. Nên người
ta không thể bảo nhà thiên văn khi học các lý thuyết của ngành thiên văn, nhà
thơ khi ca ngợi vẻ đẹp, hay một tín hữu khi nhìn thấy dấu chỉ sự cao cả của
Thiên Chúa… là sai lầm! Nhưng chỉ vì cái nhìn của mỗi người đều giới hạn.
Những tác giả Kinh Thánh, trước hết là những nhà tư tưởng về tôn giáo,
có người là thi nhân, nhưng chẳng bao giờ họ tự nhận là nhà thông thái. Nếu
chúng ta tìm trong các Sách Thánh một chân lý về khoa học, tất nhiên ta sẽ
không bao giờ thấy được. Ta đã thấy việc tạo dựng vũ trụ được mô tả trong Sách
Thánh theo quan điểm thời đó, và ở địa phương mà tác giả viết ra trình thuật
đó, chứ họ không hề tự nhận viết đúng theo khoa học. Sách Thánh không phải là
một cẩm nang khoa học. May mắn thay, ngày nay chúng ta đã vượt xa chủ thuyết
“phù hợp”.
Một tác giả cũng có thể viết để tường thuật một điều gì đó, nhưng không
có nghĩa là họ bắt buộc người khác phải tin theo. Khi Thầy Giê-su kể dụ ngôn “người con đi hoang”, chắc chắn chẳng
một ai trong đám thính giả, hay độc giả bây giờ tin rằng đó là một chuyện có
thật, vì mục đích của câu chuyện là để nói lên lòng nhân từ thương xót của
Thiên Chúa, và đây mới là một chân lý được mạc khải qua câu chuyện kể.
Vậy một tác giả hoàn toàn có quyền tự do vận dụng óc tưởng tượng trong
trình thuật của mình. Vì tưởng tượng cũng rất có thể chuyển tải một sự thật.
Chúng ta thấy những tác phẩm tưởng tượng trong Giao Ước Thứ Nhất, như sách
Gio-na. Những loại sách này phải được thẩm định theo chủ đích của tác giả. Ngày
nay sự việc này đã được phân định rõ ràng: Kinh Thánh và khoa học là hai lãnh
vực hoàn toàn biệt lập. Lịch sử của mạc khải trong Kinh Thánh không liên quan
đến những sự thật về khoa học, mà là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, của ơn
Cứu Độ cho con người.
Hơn nữa, càng ngày người ta càng đòi hỏi sự chính xác, nhất là trong
lãnh vực lịch sử. Thế mà ai cũng phải công nhận rằng đó lại không phải là ưu
tư hàng đầu của các tác giả Sách Thánh. Danh sách thứ tự niên đại của họ thường
rất mông lung. Họ dễ dàng bỏ qua những sự kiện lịch sử không phù hợp với quan
điểm của họ. Tóm lại, lịch sử được ghi lại dưới ngòi bút của các tác giả này
đầy khiếm khuyết, và không chính xác với cái nhìn của các sử gia hiện đại.
Nhưng chúng ta đã có một thói quen đáng tiếc là phóng trùm cảm tính và mọi tiêu chuẩn ngày nay của mình, lên
những thời kỳ và những nền văn hoá cổ xưa, không phải của thời đại chúng ta. Ta
thường hay phạm phải tính sai niên đại. Làm sao lại có thể đòi hỏi ở các tác
giả của một thời đại trước chúng ta hàng bao thế kỷ phải có cùng những quy
lệ như chúng ta ngày nay? Đối với các sử gia của Kinh Thánh, lịch sử chỉ có ý
nghĩa khi được qui chiếu về Thiên Chúa. Trong ánh sáng kế hoạch yêu thương của
Thiên Chúa, là nền tảng và cốt lõi của lịch sử, thì những chi tiết về một niên
đại, có thật sự là đáng kể không?
Ta phải luôn nhớ rằng, khi đọc Sách Thánh, những tiêu chuẩn hiện đại
của ta không thể áp dụng cho các sách về lịch sử của Kinh Thánh được. Và trong
nhiều trường hợp, ta càng không thể gán ý nghĩa của một lịch sử hiện đại vào
các Sách Thánh được. Chính vì vậy mà việc phân chia Giao Ước Thứ Nhất thành sách về Lịch sử, Ngôn sứ, Giáo huấn, rõ
ràng là phản ảnh não trạng Tây Phương. Lối phân chia làm ba nhóm theo người
Do-thái: Lề Luật, Ngôn Sứ, và các Văn phẩm, đúng là thỏa đáng hơn, vì phù hợp
với “não trạng Kinh Thánh” hơn.
Như thế ta thấy rằng đã có ít nhiều sai lầm trong cách xếp loại các
Sách Thánh. Có sách được xếp vào loại sách Lịch
Sử, mà không liên quan gì đến lịch sử, như sách Gio-na. Cuốn sách “xem ra
có vẻ” thuộc về lịch sử, nó đã được xếp vào loại ấy, và cũng đã được đón nhận
như thế, mà không hề có óc phê phán nhận xét. Sự sai lầm trở nên trầm trọng
hơn, bởi thành kiến vô căn cứ này: tưởng tượng là bất xứng đối với Thiên Chúa.
Điều này không muốn nói rằng qua một tác phẩm tưởng tượng, tác giả được linh
hứng không viết gì về Thiên Chúa và con người, ta phải biết rằng qua sách
Gio-na, phổ quát tính của ơn cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa đã được
biểu lộ cho con người cách cụ thể. Đặc sủng của các sử gia thánh kinh được linh
hứng, là thẩm định ý nghĩa thiêng liêng của những biến cố, theo kế hoạch cứu
độ của Thiên Chúa.
Các loại văn
thể
Ta phải ý thức về khía cạnh con người của Lời Chúa, và chấp nhận các
tác giả Sách Thánh đều là những con người của thời đại của họ. Tác phẩm họ viết
phải phù hợp với những qui luật văn chương của thời đại ấy. Trong văn chương có
những thể loại với những cấu trúc khác nhau (văn xuôi, văn vần, tiểu thuyết,
tưởng tượng, tin tức, ký sự…). Người ta gọi đó là các loại văn thể. Cùng một
biến cố, người ta có thể tường thuật bằng nhiều thể văn khác nhau: thuật chuyện
bằng văn xuôi, văn vần, bi kịch hay hài kịch. Và mỗi thể văn đều có “sự thật”
đặc biệt của nó. Sự thật diễn tả qua các vần thơ không cùng một cách thế như
được diễn tả trên sân khấu kịch nghệ. Nhưng sự thật luôn vượt trên mọi hình
thức đặc thù của từng văn thể.
Ngày nay, ai cũng công nhận Sách Thánh thực sự gồm nhiều loại văn thể
khác nhau. Những dụ ngôn của Thầy Giê-su đều thuộc loại thuật chuyện theo tưởng
tượng, nhưng là những mẩu chuyện không ngừng đưa người nghe về với cuộc sống
đời thường của con người, được chất vấn bởi Lời Chúa, bởi vương quốc Thiên Chúa
mà Đức Giê-su Ki-tô đã công bố và khai trương.
Thành phần các Sách Kinh Thánh
Của chúng ta
ngày nay
Đa số các sách này được
viết bằng tiếng Híp-ri, vào
giữa thế kỷ thứ VII và thứ I trước CN. Từ thế kỷ thứ V, một vài đoạn được viết
bằng tiếng A-ram, là ngôn ngữ chính
của đế quốc Ba tư, gần giống tiếng Híp-ri (Đn 2-7 và Er 4-7). Vào thế kỷ
thứ III trước CN, các người Do-thái ở Ai-cập và những người bị lưu lạc trong
vùng lân cận, đều nói tiếng Hy-lạp, và từ năm 200 trước CN, tiếng Híp-ri không
còn thông dụng nữa. Trong các hội đường của những người bị lưu lạc, người ta
đọc Lề Luật bằng tiếng Híp-ri, nhưng lại được dịch và diễn giải bằng tiếng
Hy-lạp. Người Do-thái lúc đó dịch các Sách Thánh từ tiếng Híp-ri ra tiếng
Hy-lạp. Theo Truyền Thống, việc phiên dịch này được gán cho 70 luật sĩ (do đó
mà có tên Septante). Đó là bản dịch mà các tác giả Tin Mừng đã dùng mỗi khi cần
trích dẫn Giao Ước Thứ Nhất. Từ thế kỷ thứ II trước CN, một số sách được viết
trực tiếp bằng tiếng Hy-lạp đó là hai sách Ma-ca-bê (hay Martyrs) và sách Khôn
Ngoan.
Sách Kinh
Thánh của người Do-thái
Vào cuối thế kỷ thứ I
sau CN, tại Giam-ni-a, thuộc xứ
Pa-lét-tin, các đạo trưởng đã dứt khoát ấn định “qui điển”, với một danh sách
nhất định, gồm 24 cuốn viết bằng tiếng Híp-ri, họ loại bỏ những sách tiếng
Hy-lạp do 70 luật sĩ (Septante) dịch sau này.
Ngày nay Sách Kinh Thánh của các anh em Do-thái gồm 24
cuốn, chia làm ba phần :
1)
Lề luật (Torah) gồm 5 cuốn (Ngũ thư): Sáng Thế,
Xuất Hành, Lê-vi, Dân số và Đệ Nhị luật, có chỗ đứng quan trọng nhất đối với
họ, mà Truyền Thống cho Mô-sê là tác giả.
2)
Ngôn Sứ (Neviim) gồm
8 cuốn :
- Các Ngôn
Sứ Tiền: Giô-suê, Các Thủ-lãnh,
Sa-mu-en 1&2, các Vua 1&2.
Sa-mu-en 1&2, các Vua 1&2.
- Các
Ngôn Sứ Hậu: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en,
và 12 ngôn sứ khác.
và 12 ngôn sứ khác.
3) Các Văn phẩm
(Ketouvim) gồm 11 cuốn :
- Thánh Vịnh, Gióp, Châm Ngôn.
- Năm cuộn sách: Rút, Diễm Ca, Giảng Viên
(Qohélet), Ai Ca, Ét-te.
(Qohélet), Ai Ca, Ét-te.
- Đa-ni-en, Ét-ra - Nơ-khơ-mi-a[9],
Sử Biên Niên.
Sách Kinh
Thánh của ki-tô hữu
Các ki-tô hữu, Công
giáo và Chính thống, đã ấn định “qui điển” riêng của mình vào thế kỷ thứ V:
gồm 73 cuốn, vì họ giữ lại 7 cuốn viết bằng tiếng Hy-lạp (tức bản Septante),
còn được gọi là Đệ Nhị Qui Điển, gồm có: Tô-bi-a, Giu-đi-tha, Baruc, Khôn
ngoan, Huấn ca và 1&2 Ma-ca-bê, và những phần tiếng Hy-lạp của Ét-te và
Đa-ni-en. Những sách này còn được chia thành 2 phần: Cựu Ước và Tân Ước.
Ở thế kỷ XIII những
sách này được sắp xếp theo một thứ tự khác với Kinh Thánh của anh em Do-thái:
các sách Lịch Sử, các sách Giáo Huấn, và các sách Ngôn Sứ. Giao Ước Thứ Nhất
(hay Cựu Ước) và Tân Ước rất nhanh chóng được dịch sang nhiều thứ tiếng. Bản
dịch tiếng La-tinh nổi tiếng nhất là bản Vulgate
của thánh Giê-rô-ni-mô, khoảng năm 450.
Về phía các anh em Tin
Lành, tùy theo thời kỳ, lúc thì họ loại bỏ 7 sách Đệ Nhị Qui Điển, lúc thì họ
giữ lại, dưới tên “ngụy thư”
(Apocryphes). Sách Kinh Thánh “Đại Kết” (Oecuménique
- TOB), theo lối phân chia của
Kinh Thánh Do-thái, và thêm vào 7 cuốn Đệ Nhị Qui Điển.
Những điều này giúp ta
hiểu tại sao tất cả các bộ sách Kinh Thánh lại không có cùng một số lượng sách
như nhau, và cũng không được trình bầy theo một thứ tự của các sách như nhau.
Ta cũng nên nhớ rằng
các bản thảo lâu đời nhất bằng tiếng Híp-ri đã được tìm thấy ở Qûmran vào năm
1947, chúng được viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ III trước CN và thế kỷ thứ I
sau CN. Những mẩu khác được viết trên giấy cói hay giấy da, bằng tiếng Híp-ri
hay Hy-lạp, vào những thế kỷ đầu của Ki-tô giáo, đã được tìm thấy ở Ai-cập và
Syrie. Về phần những cuộn giấy cổ xưa nhất của Ngũ Thư hay các Ngôn Sứ, được
viết bằng tiếng Híp-ri, từ những thế kỷ IX – XI sau CN. Nhưng khi so sánh chúng
với những bản thảo ở Qûmran, còn xa xưa hơn đến cả ngàn năm về trước, mà vẫn
không khác biệt nhau bao nhiêu.
Nguồn:
kinhthanh.org
[1] Nên nhớ rằng
hạn từ hy ngữ kanôn, từ nguyên thủy, có nghĩa là một khúc cây để đo.
Sau đó mới có thêm nghĩa “qui lệ” hay “luật”. Các Giáo phụ tông đồ
đã dùng hạn từ này để chỉ “luật, hay quy luật đức tin”, kinh Tin
Kính (Credo) chứa nội dung của quy luật đức tin.
[2] Giáp-ne cách Giê-ru-sa-lem 48 km về phía tây.
[3] Người ta coi Apocryphe (hy ngữ: apókryphos, ẩn giấu) là
một văn bản “mà tính chân xác không
được thiết lập” (Littré). Trong lãnh vực Kinh Thánh, từ khi lập ra
các qui điển, kiểu nói này chỉ một văn bản được xem như không xác
thực vì các chức sắc tôn giáo cho là không do Chúa mạc khải.
[4] Học thuyết
của Marcion dựa trên việc đọc rất vụn vặt sứ điệp Ki-tô giáo, riêng
các thư của thánh Phao-lô. Marcion đã nghĩ rằng Chúa Giê-su đã bãi bỏ
Lề Luật để thay vào đó Luật Phúc Âm, và như thế Thiên Chúa của Chúa
Giê-su khác với Thiên Chúa của Cựu Ước. Do đấy Marcion gạt bỏ toàn
bộ Cựu Ước, không coi đó là Kinh Thánh được mạc khải và chỉ giữ
lại một phần Phúc Âm theo thánh Lu-ca và 10 thư của thánh Phao-lô. Sự
chọn lựa này của Marcion đã buộc Giáo Hội phải đặt vấn đề qui
điển, nhờ đó mới đưa tới bản danh sách 27 sách Tân Ước như chúng ta
thấy hôm nay.
[5] Phong trào
này, được Montanus thiết lập, đặc biệt chú trọng đến Phúc Âm theo
thánh Gio-an. Thuyết này cùng thới với thuyết của Marcion (thế kỷ II,
thời đại chúng ta).
[6] Tại Rô-ma vào
năm 200, được tìm thấy trong thư viện Ambroise tại Milan năm 1740.
[7] Ngày nay,
phần đông các nhà chú giải đều đồng ý rằng thư gửi Hípri và thư
thứ hai của Phê-rô đã không được viết bởi các tông đồ, và tác giả
thư Giacôbê cũng không do thánh tông đồ có tên đó viết; và một số thư Phao-lô cũng còn bị phản
đối mạnh.
[8] (MK 11).
[9] Ét-ra và Nơ-khơ-mi-a được kể chung thành một cuốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét