Trang

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 13





MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 13

LỜI CHÚA VÀ TRUYỀN THỐNG



Truyền Thống và những truyền thống
Đối với con người thời đại ở Tây Phương, Truyền Thống đôi khi được xem như một di sản của quá khứ, có nguy cơ làm cho khả năng sáng tạo ra cằn cỗi. Nhưng đối với Truyền Thống trong Kinh Thánh thì không như thế. Chúng ta đã thấy tầm quan trọng của “lịch sử tính” trong việc lưu truyền Lời Chúa đã chẳng bao giờ ra lỗi thời, mà còn ghi khắc trong một lịch sử luôn sinh động. Thiên Chúa, nhà mô phạm kiên trì, chẳng bao giờ thô bạo với con người, nhưng đã chọn tỏ mình dần dần, theo nhịp bước của lịch sử, linh hứng trong sự tôn trọng vẻ phong phú cũng như những giới hạn của nền văn hóa nơi mỗi người. Đối với mỗi thế hệ, Lời vẫn là suối nguồn của sự cảm thông mới mẻ.
Không một giai đoạn lịch sử nào làm cạn nguồn mọi ý nghĩa mà Lời Chúa diễn tả qua các văn bản Sách Thánh. Điều này chứng tỏ Truyền Thống luôn sống động. Nếu Lời soi sáng cho lịch sử, thì lịch sử lại từ từ vén mở nội dung của Lời, nó không phải là một sự thật mà ta có thể nắm bắt được trọn vẹn luôn một lúc, nhưng đó là một chân lý vô tận chỉ được tỏ lộ qua dòng thời gian.
Ta cũng cần phải nhớ rằng “Mạc Khải” hàm chứa trong Truyền Thống chỉ liên quan đến kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa cho con người. Đó chính là lý do để ta phải phân biệt giữa Truyền Thống ấy với những truyền thống khác, trong cuộc sống xã hội loài người. Để không vội vàng cho là “mạc khải”, một lối tư duy hay một cách thế thực hành nào đó, liên quan đến một giai đoạn hay một văn hóa, nhất là trong những lãnh vực không trực thuộc thẩm quyền của Hội Thánh. Sự kiện Ga-li-lê là một điển hình. Giáo quyền đã quyết liệt bênh vực một “truyền thống”, theo đó Mặt Trời quay chung quanh Trái Đất. Nên sau đó đã bắt buộc phải tự rút lại lời tuyên bố này cách công khai, làm tổn thương chính uy tín của mình. Điều này chứng tỏ rằng Giáo Hội chỉ có thể  bảo đảm cho một Truyền Thống liên quan đến Mạc Khải ơn cứu độ của Thiên Chúa, và phải thận trọng, không nên thánh thiêng hóa những gì chỉ là một quan điểm, rất có thể sẽ biến hóa sau này.
Ta đã thấy rằng Kinh Thánh trước tiên, qua bao nhiêu thế kỷ, đã là những truyền thống truyền khẩu, sống động. Ký ức tập thể của các bộ tộc, các chi họ này đã được lưu truyền, cử hành, cách đặc biệt trong những đền thánh lớn như Si-khem, Ghin-gan, Si-lô, nơi mà các vị Tư Tế luôn quan tâm đến việc lưu giữ những truyền thống truyền khẩu mà họ đã gom góp và diễn giải. Để rồi trong những dịp cử hành phụng vụ hàng năm như lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần, lễ Lều Trại, toàn dân tưởng niệm những biến cố nền tảng của lịch sử.  Với vô số những diễn nghĩa liên tục của Kinh Thánh chứa trong Talmud, làm thành bộ “Torah truyền khẩu”, mà các anh em Do-thái cũng cho đó là quan trọng như bộ Torah thành văn vậy.
Cũng hoàn toàn như thế đối với truyền thống ki-tô giáo. Những bản văn Tân Ước, kể cả bốn sách Phúc Âm, trước hết đã được lưu truyền bởi truyền thống sống động của các cộng đoàn ki-tô hữu, trong những buổi tụ họp, được nghe những chứng tá của các tông đồ, và hồi niệm lại những cử chỉ, lời nói của Chúa Giê-su. Cũng thế, “Bữa Tiệc của Chúa”, hay cử hành Thánh Thể, đã là một trong những nơi ưu tiên cho việc ghi chép các sách Phúc Âm, rồi từ từ các Sách này được hình thành.
Ta không nên quên rằng nếu Lời Chúa đã có thể được đọc và suy niệm bởi mọi tín hữu như ngày nay, thì trước kia đã chỉ được đọc và cử hành trong các cộng đoàn Phụng Vụ. Phụng Vụ, đối với dân tộc của Kinh Thánh, cũng như đối với Giáo Hội Tông Truyền, tuy không phải là nơi duy nhất, nhưng là nơi chính yếu của việc hình thành và của sự tưởng niệm Lời Chúa.
Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo của sách vở, nhưng là một tôn giáo của Lời. Khi các môn đệ đầu tiên của Thầy Giê-su bắt đầu loan báo Lời Chúa, họ đã chẳng hề có văn bản gì – vì thời đó chưa có chữ viết! – nhưng chỉ là một huấn từ xoay quanh con người của Thầy. Chỉ sau này các cộng đoàn ki-tô hữu mới cảm thấy nhu cầu ký gửi vào các bản văn kinh nghiệm đã được sống với Thầy.
Và tiêu chuẩn chính yếu cho việc thiết lập qui điển về các Sách Thánh, luôn luôn căn cứ vào thói quen thường được dùng trong các cộng đoàn ki-tô giáo. Có mối giây liên hệ rất chặt chẽ giữa Cộng Đoàn cử hành Phụng Vụ, Giáo Hội, Truyền Thống và Lời Chúa. Ta không thể tách rời các Sách Kinh Thánh và Truyền Thống, hoặc coi đó như hai ngọn suối kề cận nhau. Chúng liên kết rất mật thiết với nhau. Và đây cũng chính là lý do tại sao Kinh Thánh chỉ có thể được giải thích trong Giáo Hội, là nơi ưu tiên ở đó Lời Chúa được đón nhận, lắng nghe, cử hành, lưu truyền, giải nghĩa và hiện thực hóa mỗi ngày.
Hơn nữa, trong mỗi lần cử hành Thánh Thể, cũng như trong những buổi phụng vụ kinh thánh xưa kia, sau khi đọc lại Giao Ước, các tín hữu trong cộng đoàn xác nhận Lời vừa được nghe công bố, đồng thanh tung hô: “Tạ ơn Chúa” hay “Vinh danh Chúa”. Vì như trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Va-ti-ca-nô II nói: “Chúa Ki-tô hiện diện trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội” (số 7).
Trong lòng Giáo Hội, các đấng kế vị các tông đồ cũng có vai trò giống như các ngôn sứ trong Kinh Thánh, là làm trung gian và diễn giải Lời Chúa. Các ngài làm cho Lời nhập thể trở nên hiện thực ở mọi thế hệ, trong tính năng động của một truyền thống sống động. Người ta không thể chỉ thu gọn “Lời Chúa” vào những gì được “viết” ra. Nếu các Sách Kinh Thánh vẫn luôn là “số một” về hình thức, thì “Lời Chúa” luôn sống động và vượt trên tất cả những gì được viết ra, cũng như Đức Ki-tô hằng sống vượt trên mọi ý tưởng đã được viết về Người trong các văn bản Tin Mừng của chúng ta. Truyền Thống cũng không thể chỉ được thu gọn cách đơn giản vào những gì được lưu truyền, như kiểu một “kho chứa” trong chữ viết, một giáo huấn khô cằn với những nghi thức và thể chế đông cứng.
Kinh Thánh và Truyền Thống được sinh động bởi Thần Khí, được hợp nhất giữa lòng dân Chúa, nơi mà lịch sử cứu độ luôn tiếp diễn. Chính Chúa Thánh Thần hợp nhất Lời và Truyền Thống giữa lòng một dân tộc đang tiến bước, nơi mà Lời không ngừng “nhập thể”.
Nếu huấn quyền của Giáo Hội nhận lãnh từ Thần Khí đặc sủng để thẩm định, để diễn giải Kinh Thánh, hầu bảo đảm cho việc lưu truyền kế hoạch yêu thương của Chúa, thì chính toàn thể dân Chúa là nơi lưu giữ sống động của Truyền Thống. Nếu trong Đức Giê-su, là sự Mạc Khải viên mãn, thì mỗi thế hệ, qua dòng lịch sử, được Thần Khí soi sáng để hiểu biết và hiện thực hóa Truyền Thống. “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5, 25).
Cũng chính Thần Khí ấy đã “linh hứng” Lời Chúa và còn “linh hứng” cho Giáo Hội việc truyền đạt Lời Chúa qua dòng lịch sử. Một Lời bất tận, luôn mãi phải được đón nhận và hiểu biết một cách mới mẻ. Không phải là Mạc Khải thay đổi, nhưng là khả năng thẩm định nội dung của Mạc Khải nơi con người thay đổi.
Đây chính là vấn đề của những môi trường chủ trương “bảo thủ”, họ không thấu hiểu được rằng Truyền Thống luôn sống động. Họ thường lầm lẫn giữa Truyền Thống của bữa Tiệc Thánh mà Thầy Giê-su đã truyền lại cho các tông đồ, và cách thế sống hay thể hiện Bữa Tiệc. Do đó họ thánh thiêng hóa ngôn ngữ, nghi thức… mà quên rằng chính Thầy Giê-su xưa đã không hề cử hành Bữa Tiệc Thánh này bằng tiếng la-tinh! Để hợp lý với chính mình, thì đúng ra họ phải cử hành bằng tiếng araméen! Trong trường hợp này, Truyền Thống bao hàm những lời mà Thầy đã nói lên trong bữa Tiệc Thánh, và nhất là ý nghĩa mà Thầy đã đặt cho chúng, chứ không phải là những truyền thống văn hóa và ngôn ngữ được sử dụng, vì chúng vẫn chỉ là tương đối cho một thời kỳ mà thôi.
Những tín hữu nuối tiếc dĩ vãng, thường có quan niệm của một Giáo Hội bị cắt đứt khỏi thần học về Chúa Thánh Thần. Họ quên rằng đức tin của dân Chúa luôn năng động. Trung thành với Lời là đón nhận một Thiên Chúa, Đấng tự tỏ mình trong suốt chiều dài của một lịch sử vẫn chưa thành toàn. Giáo Hội là Thân Thể sống động của Đức Ki-tô, luôn được sinh động bởi Thần Khí của Người. Nên ta không thể tách rời cuộc sống, Lời được tuyên bố, ra khỏi Thân Thể huyền nhiệm của Người là Giáo Hội, nơi mà Lời được lưu truyền và được hiện thực. Chính Thần Khí của Đức Ki-tô, Đấng ngự giữa lòng Giáo Hội, soi sáng để có thể phân biệt căn cơ của Truyền Thống sống động, với những truyền thống thứ yếu, lệ thuộc vào thời đại.
Đức Tin Ki-tô đồng thời bén rễ trong Lời Chúa được viết trong Sách Thánh và trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội. “Giáo Hội không chỉ nhờ Kinh Thánh mà biết cách xác thực những điều mạc khải”[1].
Huấn giáo theo Truyền Thống
Kiểu nói “Truyền Thống” (paradosis tiếng hy lạp, traditio tiếng la tinh), trong Kinh Thánh và nơi các Giáo Phụ, thường đồng nghĩa với giảng dậy, làm chứng, loan báo, đem Tin Mừng. Khi thánh Phao-lô nói “những truyền thống” đã được đón nhận và lưu truyền, tất nhiên là thánh nhân muốn nói đến kế hoạch của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Giê-su Ki-tô và tất cả những gì liên quan đến đời sống ki-tô hữu theo Tin Mừng.
“Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ” (2 Tx 2, 15).
“Thưa anh em, nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi chúng tôi” (2 Tx 3, 6).
“Tôi có lời khen anh em đã nhớ đến tôi trong mọi dịp và nắm giữ các truyền thống tôi đã để lại cho anh em” (1 Cr 11, 2).
Thư thứ hai gửi Ti-mô-thê để lại cho chúng ta một chứng từ quí giá về sứ vụ của người thuyết giảng và trách nhiệm của Giáo Hội, mà nhiệm vụ chính yếu là công bố Lời và truyền đạt điều nhận được từ Truyền Thống: “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc. Anh biết anh đã học với những ai. Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Ðức Ki-tô Giê-su. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3, 14-16).
Người tông đồ không phải là một thầy dạy tư duy hay hiệu trưởng của trường phái triết học, nhưng là một người phục vụ, là kẻ “nhận” và “chuyển giao” cách trung thành, một Lời không thuộc quyền sở hữu của mình mà chỉ “nhận được”: “Anh biết anh đã học với những ai!”
Vị sứ giả tự lu mờ đằng sau một sứ điệp vượt quá sức mình. Lời được nhận, được đọc và được hiểu trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội tông truyền, là mẫu mực cốt cán cho hoạt động của người tông đồ. Vị này phải dạy bảo, uốn nắn, giáo dục, luôn chiếu theo Kinh Thánh và Truyền Thống nhận được và truyền đạt trong một cộng đoàn sống động “Anh đã biết Sách Thánh (…). Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng”. Ở đây chắc hẳn Phao-lô muốn ám chỉ Giao Ước Thứ Nhất, vì Ti-mô-thê còn quá trẻ để có thể biết các văn bản Tân Ước, vẫn chưa được soạn thảo vào thời kỳ này.
Phao-lô nhắc nhở rằng Truyền Thống là một gia sản nhận được từ các chứng nhân tiếp nối nhau. Trong các thư, được viết trước khi soạn thảo Tin Mừng, ngài đã trích dẫn một vài đoạn, mà ngài nói là đã nhận được từ Truyền Thống sống động của Giáo Hội tông truyền. Như bản xưa nhất của kinh Tin Kính thời Giáo Hội sơ khai, mà các nhà chuyên môn cho là vào các năm 35-36, hầu như ngay sau biến cố Vượt Qua.
 “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững ... Ðức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Muời Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Ðồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non ... Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy ” (1Cr 15, 1-11).
Bản kinh Tin Kính cổ xưa này đã được lưu truyền bởi Truyền Thống, chứng tỏ rằng cái chết và phục sinh của Đức Ki-tô không phải là một công việc làm muộn màng của các cộng đoàn tín hữu, nhưng đã là biến cố nền tảng của đức tin Ki-tô giáo ngay từ đầu. Kiểu nói “theo như lời Thánh Kinh” được lặp lại hai lần, nhấn mạnh sự tiếp nối nhịp nhàng của Mặc Khải. Biến cố Giê-su Ki-tô và Sách Thánh soi sáng lẫn cho nhau. Chính Sách Thánh là lời diễn giải đầu tiên của biến cố Giê-su Ki-tô.
Thánh Phao-lô cũng nói rõ về việc cử hành Thánh Thể trong các cộng đoàn: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh” (1 Cr 11, 23).
Thánh nhân thường khích lệ anh em mình gìn giữ vững vàng các “truyền thống” này, là nền tảng của đức tin và của hạnh kiểm người ki-tô hữu, mà thánh nhân đã nhận được từ Truyền Thống của Giáo Hội để dậy lại cho các cộng đoàn.
“Anh Ti-mô-thê, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những vấn đề của tri thức giả hiệu” (1 Tm 6, 20).
“Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người có khả năng dạy cho người khác” (2 Tm 2, 2).

Việc truyền đạt Lời
“Trước mặt Thiên Chúa và Ðức Ki-tô Giê-su, Ðấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Ðấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4, 1-2).
Phao-lô đã bắt đầu bằng một lời khẩn khoản nài xin, trước sự chứng giám của Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su. Sứ vụ của người tông đồ, với sự phù trợ của Thần Khí, trước hết là việc trung thành truyền đạt “Lời Chúa” mà họ phải công bố “lúc thuận tiện cũng như khi gặp khó khăn”. Họ không được bận tâm đến những lời bàn tán của thiên hạ: mà phải loan truyền “lúc thuận tiện cũng như khi gặp khó khăn”. “Hợp thời hay không hợp thời”!
“Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn việc phục vụ của anh” (2 Tm 4, 5).
Tin Mừng sẽ luôn luôn là bất lợi, ngược dòng, trước sự ích kỷ, ham hố lợi danh của con người. Mầu nhiệm Vượt Qua sẽ còn mãi mãi là một cớ vấp phạm đối với dân Do-thái, và điên rồ đối với các dân ngoại.
Chính Phao-lô vẫn luôn tìm mọi dịp để loan báo Tin Mừng, cho những người Do-thái đạo đức nơi các hội đường; cho những người Hy-lạp rảnh rỗi dưới các cổng đền Agora ở Athènes; cho những phu khuân vác ở bến cảng Cô-rin-tô; cho các vị thẩm phán La-mã hay những thành viên của công nghị: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9, 16). Ngay cả nếu ước đoán của con người cho “thành công” là rất hoạ hiếm, người tông đồ cũng phải chấp nhận rủi ro vì Lời. Phao-lô vững tin vào quyền năng của Lời, nó không thuộc tầm mức đo lường của sức mạnh con người: “Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Dothái, sau là người Hylạp”(Rm 1, 16); thánh nhân chắc chắn rằng, mặc dù sự yếu đuối của chúng ta, Lời luôn sẵn chứa một “sức mạnh của sự sống”: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 2, 4).
Truyền Thống sống động của Lời được biểu lộ ở đâu?
Truyền Thống luôn sống động, nó được lưu truyền giữa lòng một dân tộc sinh động bởi Thần Khí, chứ không chỉ lưu giữ trong những tập hồ sơ dầy cộm của thư viện. Đó là điều mà các Giáo Phụ gọi là sự đồng thuận của đức tin. Sự đồng thuận của đức tin giữa lòng dân Chúa, chính là “trí hiểu biết tâm linh” của những sự thật nền tảng của đức tin, mà cộng đoàn các tín hữu đang trải nghiệm, và qua đó ta có thể nói rằng Thiên Chúa đang nói.
Mỗi tín hữu là thành phần của một dân tộc, đức tin của họ là một gắn kết cá nhân và một di sản nhận được từ dân tộc của niềm tin. Như thế, mỗi tín hữu cũng là người mang nơi mình Truyền Thống sống động này. Sự nhất trí ấy được Thần Khí sinh động, nó biểu lộ trong sự đồng nhất của các Công Đồng và các Giáo Phụ, về những vấn đề trọng yếu được công bố như những chuẩn mực của Đức Tin, như trường hợp Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Mặc dù nó không được các Giáo Hội Chính Thống công nhận, họ chỉ chấp nhận bảy Công Đồng “Chung” đầu tiên, giữa thế kỷ thứ V và thứ VI, chính sự nhất trí này đã thiết lập quy điển của các Sách Kinh Thánh và kinh Tin Kính của các Tông Đồ.
Tuy nhiên Giáo Hội nhận biết rằng mình cũng có thể từ từ tiến bước trong việc trình bày tín lý về những chân lý của đức tin, tuỳ theo mức độ ý thức về chính mầu nhiệm của mình, như Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, của Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã chứng tỏ. Tín điều không là một khối đông cứng, việc trình bày các tín điều có thể được minh định với thời gian. Giáo Hội phải từng bước, thử tiếp cận với một chân lý thiêng liêng vượt trên mọi khả năng hiểu biết của con người, bằng những từ ngữ hạn hẹp của con người, luôn chỉ là tương đối trong một thời điểm, một môi trường văn hóa. Huấn quyền chứng thực cho sự tăng trưởng này của ý thức về Giáo Hội.
Còn nhiều nơi khác mà Truyền Thống có thể được diễn tả, như: Phụng Vụ, Kinh nguyện của Giáo Hội, Giáo Lý chính thức, các nhà thần học, ngành khảo cổ học… Một lần nữa ta nên nhớ rằng Giáo Hội là một mầu nhiệm của sự hiệp thông, trong đó có nhiều đặc sủng khác nhau: giảng dạy, cai quản, nhiệm vụ của ngôn sứ là phục vụ cho việc xây dựng toàn thể Thân Mình mầu nhiệm của Giáo Hội. Chính Giáo Hội sống động trong toàn thể, và cách đặc biệt là Giám Mục Đoàn, các đấng kế vị các tông đồ, những người đã nhận lời hứa không sai lầm do chính Chúa Thánh Thần bảo đảm, chứ không phải chỉ một mình Đức Giáo Hoàng. Ơn không sai lầm này chỉ được thể hiện trên nội dung của Mạc Khải thôi.
Sau hết, để kết thúc chương này, - lẽ ra nó đòi hỏi một sự triển khai có tầm vóc chuyên môn rộng rãi hơn, nhưng lại cũng có thể làm nhiều bạn đọc chán ngán! - ta phải thận trọng để đừng đặt trên cùng một bình diện, cái mà ta thường gọi là “Quyền giáo huấn đặc biệt”, và “Guyền giáo huấn thông thường”.
Quyền “giáo huấn đặc biệt” nhằm biểu lộ, vào một thời điểm được ấn định, sự đồng tâm nhất trí của toàn thể Giám Mục hiệp thông với đấng kế vị thánh Phê-rô. Một trường hợp rất long trọng và hoạ hiếm. Thường là để xác quyết và minh định một điều thuộc tín lý. Việc này cũng có khi được thể hiện dưới hình thức một Công Đồng, chung hoặc địa phương. Nhằm đối phó với một sai lạc về tín lý cách nghiêm trọng. Công Đồng Va-ti-ca-nô II là một Công Đồng đầu tiên không nhắm vào một tà thuyết nào, mà là một ưu tư đặc biệt về Mục Vụ. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, mọi định nghĩa   về tín lý đức tin đều không có cùng một tầm mức quan trọng như nhau. Thí dụ, ta không thể đặt trên cùng một bình diện tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi, với tín điều về Đức Mẹ Hồn Xác lên trời.
Quyền “giáo huấn thông thường” được thể hiện bởi một “Thư mục vụ” của một Giám Mục trong giáo phận của ngài, hay một “Thư chung” của Giáo Hoàng, nhằm đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của cộng đoàn các ki-tô hữu, chứ không nhắm vào những chân lý nền tảng của đức tin. Những bức thư này đòi phải được đón nhận với lòng trân trọng, trong mức độ mà vị Giám Mục hay Giáo Hoàng được đảm bảo bởi sự hiệp nhất của Giáo Hội, chứ không có sự đảm bảo “không sai lầm”. Nếu, về mặt đạo đức trong nếp sống, Giáo Hoàng có một quyền bính về luân lý đạo đức thực thụ, thì điều ngài nói trong bối cảnh của thời đại ngài cũng không nhất thiết là một phán đoán đối với thái độ, những nhận định khác của một vị Giáo Hoàng khác, trong những trường hợp hay bối cảnh thuộc thời đại khác.

Nguồn: kinhthanh.org


[1]               (MK 9)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét