Trang

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Thần Khí Đức Kitô




Thần Khí Đức Kitô
Bảy cảnh trong cuộc đời Đức Giêsu, bảy công trình của Thánh Thần. Bảy việc đó Thần Khí Đức Giêsu cũng đang thực hiện trong cuộc đời chúng ta.
Bảy cảnh trong cuộc đời Đức Kitô
Thần Khí không phải chỉ là sức mạnh đã từng chiếm lấy các thủ lãnh và các vua Itraen, hay soi sáng cho các ngôn sứ mà thôi, nhưng còn là Thần Khí của Đức Kitô. Mỗi cảnh trong cuộc đời Đức Giêsu mà Thần Khí thủ một vai trò, cũng đều là một hình ảnh của những điều đang xảy ra cho chúng ta. Đó là những tiên ảnh của chúng ta mà chúng ta cần nhận ra.
1. Điều không thể thành có thể
Sứ thần đã thưa với đức Maria : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).  Còn theo thánh Matthêu, sứ thần cũng báo cho ông Giuse : “ …người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).
Thánh Thần đã làm gì trong ngày truyền tin ? Thưa, Ngài hiện thực điều bất khả. Vì Maria không biết đến người nam làm sao có thể mang thai được ?
Thánh Thần cũng đang thực hiện những công việc như thế trong cuộc đời chúng ta. Ngài trả lời điều mà chúng ta vẫn lo lắng : “Làm sao có thể như thế được ?”. Trong đời sống của chúng ta cũng vậy, không có cái gì tự nó bắt đầu. Mỗi lần gặp khó khăn, chúng ta tự hỏi  : làm sao có thể như thế được ? Chẳng hạn chúng ta đã tùng băn khoăn như thế đứng trước ơn kêu gọi, hay trước khi thành hôn, khi đón nhận một đứa con, khi phải quyết định một vấn đề khó khăn, khi phải làm hoà với ai đó, khi phải lựa chọn việc học cho con cái, khi được mời tham gia một trách vụ nào trong giáo xứ. Ấy là chưa kể đến biết bao thử thách khi bệnh tật, thất nghiệp, phụng dưỡng cha mẹ già, goá bụa, một mình gánh vác gia đình … Làm sao có thể được.
Nhưng Thần Khí Đức Giêsu là Thần Khí của những điều bất khả, bởi vì “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được” (Lc 1, 37). sứ thần đã nói như thế. Ngài cũng đang khẳng định như thế với chính chúng ta.
2. Người Cha trên trời
Nơi dòng sông Giođan, Đức Giêsu lãnh phép rửa bởi ông Gioan. Ngài cúi đầu cầu nguyện. Và trời mở ra, Thần Khí đậu xuống trên Ngài trong khi có tiếng phán “Con là Con yêu dấu của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22).
Lời đó cũng được nói với mỗi người chúng ta. Bởi vì Thần Khí cũng đến với chúng ta như đã từng đến với Đức Giêsu tại sông Giođan. Dòng sông Giođan ngày hôm nay là giếng rửa tội. Tại đây Thần Khí cũng đậu xuống và Chúa Cha cũng đang nói với mồi người trong chúng ta : “Con là con yêu dấu của Cha, đứa con cưng của Ta”. Bởi vì chúng ta cũng là những đứa con của Chúa Cha như Đức Giêsu : Chúa Cha đã ban mọi sự cho chúng ta. Ngài đã cho chúng ta tư tưỏng của Ngài, tình cảm của Ngài, những xúc động và tình yêu vô biên của Ngài. Cũng như đã ban cho Đức Giêsu vậy. Chỉ khác một điều, Đức Giêsu có tất cả những thứ ấy từ thuở đời đời, còn chúng ta, chúng ta đã nhận được trong thời gian. Vì chúng ta là những đứa con được Thiên Chúa đón nhận, mà là dưỡng tử thì cũng có quyền lợi như những người con do huyết thống. Như thế chúng ta tránh được nỗi lo âu thân phận mồ côi của con người thời nay. Chúng ta không sống cô đơn, chúng ta có một người Cha đang chăm sóc mỗi người chúng ta. Thần Khí là Thần Khí của lòng phó thác không giới hạn. Và như thánh Têrêxa Hài Đồng đã nói : về lòng phó thác, không bao giờ có thể quá đáng.
3. Đấng Trợ lực trong những cơn cám dỗ
Trong cuộc đời Đức Kitô, Thần Khí can thiệp lần thứ ba mà chúng ta thường ít để ý, đó là khi “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày” (Lc 4,1). Matcô còn diễn tả mạnh hơn : “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa” (Mc 1,12). Thần Khí lạ lùng dẫn Đức Giêsu đến những cám dỗ ! Thần Khí nầy có phải là Thần Khí Thiên Chúa ?
Đúng ! Chính Thần Khí đã làm cho Đức Kitô có khả năng sửa chữa và nâng dậy những gì đã lạc hướng trước đó, từ thời ông Moisen. Thời đó, tất cả các con cái Ít-ra-en đã chịu cám dỗ trong hoang địa, khi họ làm nô lệ cho miếng ăn, những chuyện động trời, và chính bản thân họ. Thánh Thần đã làm cho Đức Giêsu chống trả lại những thứ đó và Ngài đã chiến thắng sự dữ.
Còn chúng ta, trong Ngài, chúng ta cũng có thể chiến thắng như thế. Những cám dỗ của chúng ta là tiền bạc, lạc thú và quyền lực. Những thứ này tự nó là tốt, được Thiên Chúa sáng tạo. Những tế bào lành mạnh đó đã biến thành tế bào ung thư. Bởi vì chúng ta quá tham lam của cải, lạc thú, quyền lực. Đó là những thụ tạo nhưng chúng ta đã tôn nó thành những vị thần. Chúng ta đa sa ngã trước những thử thách, và chúng ta phải thú nhận cùng với thánh Phaolô : “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu : vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm… Bởi vì sự thiện tôi muốn thì tôi thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm… Tôi thật là một người khốn nạn ! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này” (Rm 7,15.19.24). Thần Khí của Đức Giêsu sẽ giải thoát chúng ta, chính Ngài là Đấng đã đẩy Đức Giêsu vào hoang địa.
4. Khám phá và theo đuổi ơn gọi
Hết thảy chúng ta đều theo đuổi một ơn gọi của mình, dự phóng đời mình. Điều này không phải luôn luôn đơn giản, có thể là chúng ta đã do dự trong một thời gian dài, đã đổi hướng, thậm chí còn lạc đường và có khi lại trở về điểm khởi đầu.
Nhưng Thần Khí bảo đảm cho bước đường của chúng ta : Ngài  chỉ cho ta thấy mục đích phải đi tới và cho ta biết ơn gọi của chúng ta. Ngài cũng nhẹ nhàng thúc đẩy giúp chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn, những khi ngại ngùng, những què quặt và những lần thiếu quyết định khác.
Đó chính là trường hợp của Đức Giêsu trong hội đường ở Nagiaret, ngôi làng tuổi thơ của Ngài. Nếu ở đây, tuy là một anh thợ mộc từ bé, nhưng Ngài không tìm được một nghề nghiệp cho mình; thì cũng chính tại đây Ngài khám phá ra ơn gọi của mình, ơn gọi Thiên Chúa dành cho Ngài : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18 tt).
Ơn gọi của chúng ta cũng thế : loan báo tin mừng, nói lời giải thoát, thực hiện những hành vi giải phóng, mở mắt, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa đã gần đến. Những người chúng ta ưu tiên nhắm đến cũng chính là những thính giả của đức Giêsu : người nghèo, người bị bắt, người mù và người bị đàn áp.
5. Thần Khí của hân hoan
Thần Khí còn thực hiện nơi Đức Giêsu điều mà chúng ta rất cần.  Thánh Luca kể lại : “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng Lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21)
Bất cứ ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui, như mùa xuân làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi. Gioan “nhảy mừng” ngay từ trong lòng mẹ; Maria hát lên bài ca Magnificat, các mục đồng hớn hở lên đường đi Bêlem. Sau mỗi lần Đức Giêsu làm phép lạ hay tha tội, đều vang lên những lời hân hoan chúc tụng.
Nhưng niềm vui lớn lao nhất là niềm vui của chính Đức Giêsu khi Ngài thấy rằng những người bé mọn, những người thất học lại hiểu được tin mừng chứ không phải là những người quyền quí và những bậc thông thái. Nếu chúng ta không cảm nhận được niềm vui, nếu trong Giáo Hội thiếu vắng niềm vui, chúng ta phải tự hỏi mình đã đủ là những người bé mọn và nghèo khó chưa. Ở đâu có những người bé mọn, ở đó sẽ có niềm vui và sẽ có sự hiện diện của Thần Khí Đức Giêsu.
6. Thế giới đảo lộn
Chúng ta cón khám phá ra điều huyền nhiệm hơn nữa do Thần Khí thực hiện trong cuộc đời Đức Giêsu, đó là cái chết của Ngài. Bên ngoài Ngài mất hết sự sống : Ngài đã trả lại Thần Khí.
Nhưng Gioan còn nhìn thấy xa hơn. Những lời trên có hai ý. Gioan không nghĩ rằng Thần Khí ra đi cho bằng Đức Giêsu trong và qua cái chết của Ngài, thổi Thánh Thần xuống trên mọi người : “Người trao Thần Khí” (Ga 19,30).
Sự sống vươn lên từ cái chết. Thần Khí làm đảo lộn những điều hiển nhiên. Tưởng chừng cái chết đã chiến thắng nhưng sự sống lại bừng lên. Tưởng chừng đã đến hồi kết thúc nhưng mọi sự mới bắt đầu. Thánh thần làm đảo lộn tất cả. Kể từ lúc đó, các việc kỳ diệu không bao giờ ngừng. Đấng Chịu Đóng Đinh trở thành Đấng Cứu Độ thế giới. Người đã chết trở thành Đấng đang sống. Người bị kết án trở thành Đấng xét xử. Chưa hết, những người dân chài trở thành tông đồ. Người bức bách Giáo Hội non trẻ trở thành vị giảng đạo cho dân ngoại. Người tội lỗi trở thành vị giáo hoàng. Những chuyện như thế còn kinh khủng hơn những gì xảy ra trong biến cố Truyền Tin. Thực sự điều không thể đã trở thành có thể: Sự sống vươn lên từ cõi chết, và cây gỗ nhục hình trở thành ngai vinh quang.
7. Thần Khí thương xót
Công việc sau cùng của Thần Khí – một trong những cảnh cuối cùng trong cuộc đời của Đức Giêsu – đó là buổi chiều ngày chúa sống lại, Đức Giêsu hiện đến với các môn đệ và nói : “Bình an cho anh em”, “Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22 tt).
Công việc đầu tiên của Thần Khí Đức Giêsu là tha tội. Ngày nay nếu chúng ta thắc mắc Đức Giêsu đã làm những gì, ta thường nghĩ đến những điều rất khác. Trước tiên chúng ta nói đến việc chữa bệnh, giải phóng, đòi hỏi công lý và hoà bình, tôn trọng mỗi con người, yêu thương nhau. Nhưng công việc ưu tiên Đức Giêsu đã làm – và công việc Thần Khí đã thực hiện đầu tiên sau khi Đức Kitô phục sinh – lại chính là việc tha tội. Điều nầy đã chứa đựng ngay trong danh hiệu của Ngài : Tên Ngài là Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Thiên thần đã báo cho ông Giuse : “Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21).
Bảy cảnh trong cuộc đời Đức Giêsu, bảy công trình của Thánh Thần. Bảy việc đó Thần Khí Đức Giêsu cũng đang thực hiện trong cuộc đời chúng ta. Vì những hình ảnh trong cuộc đời Đức Giêsu cũng là những hình ảnh báo trước của chúng ta.
Giáo Sĩ
Dịch trong tập Le Consolateur,
A propos de l’Esprit Saint, Parole de vie...  Noel 1997. Godfried Cardinal Danneels,
Archevêque de Malines-Bruxelles.

 Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét