Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Bài 22 : Đau khổ tinh thần




Bài 22 :  Đau khổ tinh thần
Thánh Phaolô chịu những đau khổ tinh thần nào?
Còn về mặt tinh thần, thánh Phaolô chịu đựng những gì? Có bốn đối tượng thánh nhân phải chịu đựng: (a) những Kitô hữu sống không đúng với Tin Mừng; (b) những Kitô hữu gốc Do thái luôn gây áp lực bắt dân ngoại phải chịu cắt bì và giữ luật Môisê; (c) những người Do Thái nhiệt tình luôn tìm cách đàn áp sự lớn mạnh của nhóm gọi là Kitô giáo; và (d) chính quyền Roma luôn tìm cách theo dõi để trấn áp những hoạt động chính trị của nhóm tôn giáo mới (Kitô giáo) phát triển nhanh và mạnh này.
Trước hết là lo lắng và đau khổ vi Kitô hữu chia rẽ. Trong thư thứ nhất Corinto, Phaolô nhắc nhở: “Tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau. Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: “Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô.” Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao?” (1 Cor 1:10-13).
Không chỉ chia rẽ, Kitô hữu còn sống buông thả về xác thịt với những trường hợp dâm ô, loạn luân, và còn kiện tụng nhau ở toà án đời. Đây là một gương xấu khi những người ngoại nhìn vào cộng đoàn Kitô hữu (1 Cor 5-6). Một số khác ăn thịt cúng hay ăn những thức ăn đã dâng cúng ngẫu tượng gây hiểu lầm cho nhiều tân tòng (1 Cor 8 và 9). Một số thiếu kính trọng khi đến với Bàn Tiệc của Chúa (tức Thánh Lễ), coi thường và thiếu chuẩn bị phụng vụ, hay biến Thánh Lễ trở thành một dịp ăn uống no say mà quên những người nghèo đói khác (1 Cor 11). Một số tự hào với những đặc sủng được thần khí Thiên Chúa ban cho, như ơn nói tiên tri, ơn chữa lành, ơn nói tiếng lạ, ơn giải thích tiếng lạ v.v…, để vênh vang cá nhân hơn là dùng để làm lợi cho giáo hội (1 Cor 12-13).
Tất cả những điều này hợp với lời Phaolô tâm sự trong thư thứ hai Corintô: “Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!29 Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2 Cor 11:28-29).
Thứ hai là với những Kitô hữu gốc Do thái đòi hỏi dân ngoại giữ luật Môisê. Trong thư gởi Galata, Phaolô nhắc đến một nhóm Kitô hữu đến từ Judea (Cvtd 15:1), hay những người thuộc nhóm Giacôbê đến từ Jerusalem (Cvtd 15:12) muốn áp dụng luật Môisê cho mọi người. Nhóm lên tiếng mạnh mẽ nhất có lẽ là những Kitô hữu gốc Pharisiêu, vì họ cũng có mặt đế lên tiếng trong dịp đại hội Jerusalem: “Có những người thuộc phái Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Mô-sê.” (Cvtd 15:5-6). Chính nhóm người này cũng đã vu oan là Phaolô chối bỏ luật Môisê, dẫn đến việc Phaolô bị bắt ở Jerusalem (Cvtd 21:21).
Thứ ba là những tín hữu Do Thái giáo. Họ vừa tìm cách bảo vệ không để cho người Do Thái bỏ Do thái giáo theo Chúa Giêsu, họ cũng áp bức những Kitô hữu gốc Do Thái bằng cách đuổi những người này ra khỏi Hội Đường, không cho phép thờ phượng chung với họ nữa.
Ngay sau ngày lễ Ngũ Tuần, khi hàng trăm người nghe lời Phêrô giảng và tin vào Chúa Giêsu, khi Phêrô và Gioan chữa lành cho một người què ở Cửa Đẹp, thì các nhà lãnh đạo Do Thái giáo (gồm các Kinh Sư, Kỳ Mục, Thượng Tế) đã họp bàn để bách hại giáo hội (dĩ nhiên lúc đó Phaolô cũng là một cộng tác viên của Do Thái giáo) (Cvtd 2-4). Kết qủa là Stephanô bị ném đá chết (Cvtđ 7:55-60). Sách Cvtd kể: “Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri.” (Cvtd 8:1).
Thứ tư là nhóm người Roma làm chủ về chính trị. Họ không dính dáng vào những xét xử liên quan đến tôn giáo, nhưng nếu có bất an về chính trị, họ trừng trị ngay. Khi nghe Phaolô gây rối loạn ở Jerusalem với những tín hữu Do Thái giáo, viên đội trưởng Roma đã bắt giam Ngài (Cvtd 22:24), rồi giải Ngài về Ceasarea cho tổng trấn Felix (Cvtd 23:23-35). Hết thời Felix, tổng trấn mới lên thay là Festus cũng xét xử Phaolô. Vì Phaolô dùng quyền công dân Roma để kháng cáo lên hoàng đế Ceasar, nên Festus chuyển giao Phaolô về Roma.
Tóm lại, ngoài những đau khổ về thể lý, Phaolô còn chịu đựng những bách hại về tinh thần đến từ nhiều nhóm, trong giáo hội cũng như ngoài giáo hội.
Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.

Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét