Thánh
Phaolô di dân,
‘Vị Tông
đồ của muôn dân’
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI
nhân ngày Thế giới Di dân và Người
tị nạn
lần thứ 95 (2009)
Anh Chị em thân mến,
Năm nay, đề tài của Sứ điệp cho Ngày Thế giới Di dân và
Người tị nạn sẽ là: “Thánh Phaolô di dân, ‘Vị Tông đồ của muôn dân’. Đề
tài này may mắn trùng hợp với Năm Thánh mà cha đã ấn định để mừng kính ngài
nhân dịp kỷ niệm năm thứ 2000 ngày sinh của thánh nhân. Thật vậy, Phaolô,
‘người di dân tự bản chất ơn gọi’ đã thực hiện việc rao giảng và trung gian
giữa các nền văn hoá khác nhau và Tin Mừng. Ngài chính là điểm quy chiếu quan
trọng cho tất cả những ai ngày nay đang can dự vào phong trào di dân.
Sinh trưởng trong một gia đình Do Thái di cư tới Tarsus,
miền Cilicia, Phaolô được giáo dục theo văn hoá và ngôn ngữ Do Thái và Hy Lạp,
đồng thời tận dụng tối đa bối cảnh văn hoá Rôma. Sau khi gặp gỡ Đức Kitô trên
đường đi Damascus (x. Gl 1,13-16), măc dầu không hề chối bỏ “truyền thống”
riêng của dân tộc mình và luôn tỏ ra kính trọng và biết ơn với Do Thái giáo và
Lề Luật (x. Rm 9,1-5; 10,1; 2 Cr 11,22; Gl 1,13-14; Pl 3,3-6), không chút ngại
ngùng, ngài dứt khoát lao đầu vào sứ mạng mới với tất cả lòng can đảm, phấn
khởi và dễ dạy với lệnh truyền của Chúa: “Ta sẽ sai con đi tới với các dân
ngoại” (Cv 22,21). Từ đó, cuộc sống ngài thay đổi hẳn (x. Pl 3,7-11): đối với
ngài, Đức Giêsu trở thành lẽ sống và cùng đích, soi dẫn việc dấn thân
tông đồ và phục vụ Tin Mừng của ngài. Ngài chuyển từ một người bách hại đạo để
trở thành một Tông đồ của Đức Kitô.
Được Thần Khí soi dẫn, ngài đã không quản ngại lo toan sao
cho Tin Mừng, là “sức mạnh của Thiên Chúa cứu độ dành cho tất cả những ai tin,
trước nhất cho người Do Thái và cả cho người Hy Lạp nữa” (Rm 1,16), được rao
giảng cho mọi người, không phân biệt quốc tịch hay văn hoá. Trong các cuộc hành
trình truyền giáo, cho dầu phải thường xuyên đương đầu với bao nhiêu chống đối,
ngài vẫn luôn ưu tiên dành cho các đồng hương sống xa quê hương một mối quan
tâm đặc biệt (x. Cv 18,4-6). Và nếu họ chối bỏ thì ngài sẽ hướng về các dân
ngoại. Như thế, ngài trở thành “nhà truyền giáo đích thực của di dân” - trong
tư cách là di dân và sứ giả “rộng khắp” của Đức Kitô Giêsu, hầu mời gọi mọi
người trở nên “thụ tạo mới” trong Người Con Thiên Chúa (2 Cr 5,17).
Chính việc công bố “kerygma” đã thôi thúc ngài lên
đường vượt các đại dương miền Cận Đông, rảo qua khắp các nẻo đường trời Âu cho
tới Rôma. Ngài khởi hành từ Antioch là nơi ngài đã công bố Tin Mừng cho các dân
không thuộc về Do Thái giáo và là nơi các môn đệ Đức Giêsu lần đầu tiên được
mang tên gọi là “Kitô hữu” (x. Cv 11,20.26). Trọn đời sống và lời rao giảng của
ngài nhằm vào việc làm cho Đức Giêsu được mọi nguời nhận biết và yêu mến, bởi
vì trong Người tất cả đều được gọi để trở nên một thân thể duy nhất.
Đây chính là sứ mạng của Hội Thánh và của từng người đã được
thánh tẩy, ngay cả trong thời đại chúng ta, thời đại của toàn cầu hoá; một sứ
mạng mà, với mối quan tâm mục vụ sâu sắc, cũng đối mặt với một thế giới di dân
vô cùng đa dạng - các sinh viên sống xa nhà, các di dân, người tị nạn, tái định
cư, di tản - bao gồm cả, chẳng hạn, những nạn nhân của các dạng nô lệ mới, của
việc buôn người. Ngay cả trong thời đại ngày nay, sứ điệp cứu rỗi cũng cần phải
được giới thiệu với cùng một chiêu thức của vị Tông đồ Dân ngoại, vẫn phải tính
đến những hoàn cảnh khác biệt về xã hội, văn hoá và những khó khăn riêng của
mỗi người mà tình trạng di dân và lữ hành của họ kéo theo. Cha ước mong mỗi
cộng đoàn Kitô hữu đều có cùng một lòng nhiệt thành tông đồ như Thánh Phaolô,
trong khi loan truyền cho mọi người về tình yêu cứu rỗi của Chúa Cha (x. Rm
8,15-16; Gl 4,6) và “chinh phục nhiều người hơn nữa” (1 Cr 9,22) cho Đức Kitô,
ngài đã làm cho mình ra yếu “với những người yếu đuối… trở nên mọi sự cho mọi
người hầu có thể bằng mọi cách cứu với được một số” (1 Cr 9,22). Chớ gì tấm
gương của ngài cũng thôi thúc chúng ta biểu lộ tình liên đới đối với các anh
chị em chúng ta, và tìm mọi cách cổ vũ, tại bất cứ đâu trên thế giới, cuộc sống
chung hoà bình giữa các sắc tộc, văn hoá và tôn giáo khác nhau.
Nhưng đâu là bí quyết của vị Tông đồ Dân ngoại? Nhiệt thành
và đam mê truyền giáo của ngài thật độc đáo tựa một tay đô vật bắt nguồn từ sự
kiện “Đức Kitô đã chiếm đoạt ngài” (Pl 3,12), ngài đã kết hiệp mật thiết với
Người tới độ cảm thấy được thông phần vào cùng một cuộc sống, qua việc thông
hiệp với “những đau khổ của Người” (Pl 3,10; cũng xem Rm 8,17; 2 Cr 4,8-12; Cl
1,24). Đây chính là nguồn mạch nhiệt tình tông đồ của Thánh Phaolô khi ngài
thuật lại: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và
đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người
cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngọai” (Gl
1,15-16; cũng xem Rm 15,15-16). Ngài cảm nhận cùng “chịu đóng đinh với” Đức
Kitô, tới độ ngài có thể nói: “Không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong
tôi” (Gl 2,20), và rồi không khó khăn nào có thể làm ngài chùn bước trong công
tác rao giảng Tin Mừng tại các đô thị như Roma và Corintô, là những nơi đô hội
thời đó quy tụ những sắc dân và văn hoá muôn hình vạn trạng.
Khi đọc Công vụ các Tông đồ và các thư Phaolô gửi cho các
giáo đoàn khác nhau, chúng ta nhận ra một kiểu mẫu Giáo Hội không đóng kín, mà
ngược lại, rộng mở cho mọi người. Giáo Hội này gồm các người tin không phân
biệt văn hoá hay màu da: Thật vậy, mỗi người đã chịu phép rửa đều là phần tử
sống động của Thân Thể Đức Kitô. Trong nhãn quan này, tương trợ huynh đệ được
diễn tả hằng ngày qua các hành động chia sẻ, cùng tham gia và vui vẻ quan tâm
tới người khác, phải chiếm vị trí nổi bật nhất. Tuy nhiên, như Thánh Phaolô
luôn giảng dạy, ta không thể nào đạt tới được chiều kích của việc chấp nhận hỗ
tương huynh đệ nếu không sẵn sàng lắng nghe và đón nhận Lời được loan báo và
đem ra thực hành (x. 1 Tx 1,6), Chính Lời hằng thôi thúc mọi người bắt chước
Đức Kitô (x. Ep 5,1-2), bắt chước vị Tông Đồ (x. 1 Cr 11,1). Như vậy, một cộng
đoàn càng gần gũi mật thiết với Đức Kitô bao nhiêu thì sẽ càng quan tâm chăn
sóc các cận nhân mình bấy nhiêu, tránh xa các phê phán, trách móc và xúc phạm,
và cởi mở để biết chấp nhận lẫn nhau (x. Rm 14,1-3; 15,7). Được đồng dạng với
Đức Kitô, các tín hữu cảm thấy mình là các “anh em” trong Người, con cái của
cùng Người Cha chung (Rm 8,14-16; Gl 3,26; 4,6). Kho báu của tình huynh đệ này
làm cho họ “thực hành việc tiếp đón” (Rm 12,13), là ái nữ đầu lòng của Agape
(x. 1 Tm 3,2.5; 5,10; Tt 1,8; Plm 17).
Qua đó, điều Chúa đã hứa sẽ trở thành hiện thực: “Ta sẽ đón
nhận các ngươi. Ta sẽ là Cha các ngươi, và các ngươi sẽ là con trai, con gái
của Ta” (2 Cr 6,17-18). Nếu đã ý thức được điều này thì làm sao chúng ta có thể
không chăm sóc tất cả những ai có điều kiện sống khó khăn, vất vả, cách riêng
các người tị nạn và di tản? Làm sao chúng ta có thể làm ngơ không đáp ứng các
thiếu thốn của những ai trong thực tế là yếu đuối và thiếu tự vệ nhất, những
người có cuộc sống bấp bênh và bất an, sống bên lề xã hội hoặc bị đời hắt hủi?
Chúng ta phải dành cho họ mối quan tâm hàng đầu, bởi vì, trích dẫn lời rất quen
thuộc của Phaolô: «Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để
hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên
Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh, những gì thế gian cho là hèn mạt
không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện
có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người» (1 Cr 1,27-29).
Anh chị em thân mến, chớ gì Ngày Thế giới Di dân và Người tị
nạn mà chúng ta sẽ mừng vào ngày 18-1-2009 sẽ khích lệ mọi người sống trọn vẹn
tình yêu huynh đệ, không còn bất cứ sự phân biệt đối xử nào, với niềm xác tín
rằng bất cứ ai đang cần chúng ta giúp đỡ và chúng ta có thể giúp được đều là
người thân cận của ta (x. Deus Caritas Est, số 15). Chớ gì lời giáo huấn
và gương sáng của Thánh Phaolô, vị Tông Đồ vĩ đại và khiêm nhu, một di dân, một
người loan báo Tin Mừng cho các dân tộc và các nền văn hoá, sẽ thúc đẩy chúng
ta hiểu được rằng việc thực hành bác ái là tóm lược và tột đỉnh của toàn bộ đời
sống Kitô hữu.
Giới luật yêu thương - như chúng ta biết - được nuôi dưỡng
khi các mộn đệ Đức Kitô tụ họp và cùng nhau chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể, là bí tích
tuyệt vời của tình huynh đệ. Cũng như Đức Giêsu trong Bữa Biệt Ly đã liên kết
giới luật yêu thương với hồng ân Thánh Thể thì các «bạn hữu Ngài» cũng thế, họ
theo chân Đức Kitô, Đấng đã biến mình thành «tôi tớ» của nhân loại, và được ơn
sủng Ngài nâng đỡ, họ không thể làm gì hơn là dấn mình vào việc phục vụ lẫn
nhau, quan tâm chăm sóc nhau, và thực thi lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô: «Anh
em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl
6,2). Chỉ bằng cách đó tình yêu mới gia tăng nơi các tín hữu và mang lại lợi
ích cho mọi dân tộc (x. 1 Tx 3,12).
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy không ngừng công bố và làm
chứng tá cho «Tin Vui» này một cách phấn khởi, không chút sợ sệt và từ nan!
Toàn bộ Phúc Âm đều cô đọng trong tình yêu thương, và người môn đệ Đức Kitô
được nhận biết chính qua tình yêu huynh đệ họ dành cho nhau và qua việc chấp
nhận mọi người.
Chớ gì Thánh Phaolô và nhất là Đức Maria, người Mẹ của sự
tiếp nhận và yêu thương, sẽ giúp chúng ta đón nhận được hồng ân này. Trong khi
cha nguyện xin Chúa phù trợ tất cả những ai đang dấn thân vào việc giúp đỡ các
di dân, và rộng hơn nữa, toàn bộ thế giới di dân rộng lớn, cha bảo đảm cho từng
người rằng cha hằng nhớ tới chúng con trong kinh nguyện và cha ưu ái ban Phép
lành Toà Thánh cho chúng con.
Từ điện Castel Gandolfo, 24 tháng 08 năm 2008
BÊNÊĐICTÔ XVI, Giáo Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét