Bài 24: Nguyên nhân nào khiến Phaolô bị bắt và đưa đến cái chết?
Thánh Phaolô bị bắt và bị giết.
Phaolô đi truyền giáo khắp “đông-tây-nam-bắc” trong hơn mưới năm (được kể trong ba hành trình truyền giáo), dù gặp nhiều khó khăn nhưng không bị bắt và hăm doạ giết.
Vào khoảng đầu năm 58, Phaolô cùng các bạn đồng hành đến thăm Giacôbê, người anh em của Chúa Giêsu, là thủ lãnh của cộng đoàn Jerusalem lúc bấy giờ, và thăm các trưởng lão (Cvtd 21:18). Giacôbê nhận ra rằng sự hiện diện cúa Phaolô ở Jerusalem có thể sẽ gây ra nhiều rắc rối với những người Do thái cực đoan (Cvtd 21:21), vì nhiều lí do: (a) vì đây là trung tâm thờ phượng của Do Thái giáo nên họ rất nghiêm khắc khi cho phép người không theo Do Thái giáo vào đền thờ; (b) vì nhiều người Do thái đang thù ghét Kitô hữu dám tuyên xưng Ông Giêsu là Đấng Messiah; (c) vì sợ lòng nhiệt tình của Phaolô sẽ khiến thánh nhân rao giảng Đức Giêsu làm người Do Thái nổi giận, (d) và vì sợ những Kitô hữu gốc Do Thái ở Jerusalem không có cảm tình với Phaolô vì họ nghe đồn rằng Phaolô kêu gọi Kitô hữu gốc Do Thái bỏ lề luật Môisê (Cvtd 21:21). Đây là điều oan ức cho Phaolô vì ông không hề dạy như thế.
Giacôbê hiểu được hoàn cảnh Phaolô và những hiểu lẩm đang có giữa Phaolô và cộng đoàn Kitô hữu Jerusalem, vì thế Giacôbê khuyên Phaolô là hãy chứng minh cho những người khác biết ông là người vẫn giữ luật Môisê (Cvtd 21:17-25).
Nhân dịp lễ Tuyên Khấn Nadia, tức nghi thức mà nhiều tín hữu Do Thái muốn khấn hứa, dâng mình cho Thiên Chúa (lễ được nhắc đến trong sách Dân Số 6:1-24), Giacôbê khuyên Phaolô dẫn bốn người của cộng đoàn Jerusalem vào dự lễ tuyên khấn. Giacôbê cũng xin Phaolô trả những chi phí cho buổi tuyên hứa như cắt tóc, hay dâng của lễ là chiên con v.v… như một cử chỉ thân thiện đối với họ. Mục đích là cho những người khác thấy rằng Phaolô vẫn giữ luật Môisê như những người Do Thái khác (Cvtd 21:22-24).
Phaolô chấp nhận đề nghị này. Khi 7 ngày nghi lễ sắp hết, một số người bắt gặp Phaolô trong khu vực Đền Thờ. Họ tố cáo Phaolô là tuyên truyền phá hoại luật Môisê, và làm ô uế Đền Thờ vì đem người Hi Lạp (dân ngoại) vào khu vực cấm. Họ tìm cách bắt Phaolô, kéo Ngài ra khỏi thành để giết. Phaolô được một vị chỉ huy cơ đội Roma coi thành Antonia cứu thoát (Cvtd 21:32). Sách Công Vụ Tông Đồ kể: “Cả thành phố sôi động và dân đổ xô đến. Họ túm lấy ông Phao-lô, lôi ra khỏi Đền Thờ; lập tức người ta đóng các cửa Đền Thờ lại. Họ còn đang tìm cách giết ông, thì có tin báo lên cho vị chỉ huy cơ đội: "Cả Giê-ru-sa-lem náo động! " Lập tức, ông ta huy động một số binh sĩ và đại đội trưởng, và xông vào đám đông. Vừa thấy vị chỉ huy và binh sĩ, thì họ thôi không đánh ông Phao-lô nữa." (Cvtd 21:30-32).
Nhờ có quốc tịch Roma, Phaolô được lính Roma bảo vệ khỏi bị người Do Thái giết (Cvtd 22:25-26). Nhưng để biết người Do Thái tố cáo Phaolô tội gì, hôm sau quan lính Roma điệu Phaolô đến trước Thượng Hội Đồng (một toà án tôn giáo của Do Thái) để bị xét xử (Cvtd 22:30). Các Thượng Tế, Kỳ Lão họp nhau và âm mưu giết cho được Phaolô (Cvtd 23:12-15).
Nhờ đứa cháu trai mật báo kế hoạch của Thượng Hội Đồng, quan Roma sợ người Do Thái giết Phaolô nên tìm cách chuyển Phaolô đến quan Tổng Trấn Judea lúc đó là Antonius Felix, đang ở Ceasarea Maritima (23:16-33).
Tổng Trấn Felix biết nhiều về tình hình Kitô giáo và sự đối nghịch giữa Kitô giáo và Do Thái lúc bấy giờ (Cvtd 24:22), vì ông làm Tổng Trấn vùng đó khoảng năm 52-60. Sau khi nghe Thượng Tế và Kỳ Lão Do Thái cáo buộc Phaolô với nhiều tội danh “chuyên gây bạo loạn giữa mọi người Do-thái trong thiên hạ, và là đầu sỏ phái Na-da-rét. Y còn mưu toan xúc phạm đến Đền Thờ” (Cvtd .24:5-6; bảng cáo trạng tựa như họ lên án Chúa Giêsu, xem Lk 23:1-3), Tổng Trấn Felix không thấy có bằng chứng kết án nên hoãn vụ án, và giam lỏng Phaolô (Cvtd 24:23). Felix cũng hi vọng là Phaolô sẽ hối lộ cho mình (Cvtd 24:26), nên giam giữ Ngài hai năm (khoảng năm 58-60).
Khi quan Tổng Trấn mới là Porcius Festus nhận chức (khoảng năm 60), ông lại đem Phaolô ra xét xử (Cvtd 25:1-12). Phaolô lấy lí do là công dân Roma nên kháng cáo lên Ceasar. Vì thế cuộc xét xử phải được đưa về Roma (Cvtd 25:11).
Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.
Nguồn: kinhthanh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét