Lãnh nhận nhưng không quà tặng của Chúa Thánh Thần
PT Đặng Phi Hùng
Rải rác trong toàn Bộ Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy nhiều vai trò của Chúa Thánh Thần từ thuở tạo thiên lập địa cho tới nay. Thánh thần hay “Thần khí” là gió hoặc hơi thở của Thiên Chúa được chép trong Sách Sáng Thế 1; Đấng xếp đặt trật tự và là Đấng ban sự sống (STK 2:7); Đấng hướng dẫn con người (Isaiah 11); là Đấng chữa lành
(Ezekiel 36) Chúa Giêsu khi đàm đạo với Nicôđemo trong Gioan 3 đã nói
“gió muốn thổi ở đâu tùy ý” để ám chỉ về Chúa Thánh Thần là Đấng thiêng liêng thần nhiệm, không như con người hiểu một cách hạn hẹp.
Hôm nay, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Đức Mẹ và các
Thánh Tông Đồ để bắt đầu việc rao giảng của Giáo Hội cho mọi người trên
khắp tận cùng bờ cõi trái đất, ra ngoài ranh giới địa hạt Israel. Bắt
đầu từ Israel, tới Roma, và từ Roma lan rộng khắp thế giới. Một cuộc rao
giảng và truyền giáo vĩ đại vượt khỏi giới hạn con người mà Chúa Thánh
Thần là động lực thúc đẩy. Chúa Thánh Thần cũng đang hoạt động trong mỗi
Kitô hữu sau khi họ chịu Phép Rửa và Thêm sức.
Chúa Thánh Thần chứng minh cho thế giới biết rằng đạo
Chúa Kitô là đạo của hoàn vũ (công giáo), đạo của hết thảy những ai tin
vào Đức Kitô trên địa cầu. Bản chất hoàn vũ của đạo Công giáo mở toang
cánh cửa thu nhận tất cả mọi người. Không chỉ ở Âu Châu, Mỹ Châu mà còn ở
Á, Úc và Phi Châu nữa.
Dĩ nhiên sự cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa trải qua các
thời đại đã không dễ dàng mà đã trải qua nhiều gian nan thử thách và
nhiều khi hoang mang và hiểu lầm trầm trọng. Nhiều thánh Giáo phụ trong
thời Trung Cổ đã so sánh sự chia rẽ của con người khi xây tháp Babel
trong Cựu Ước với sự đoàn kết của các Tông đồ nơi phòng tiệc ly là một
dấu ấn của Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Hiện xuống. Đoàn thể nào không
có Chúa Thánh Thần, đoàn thể đó thiếu cảm thông, đàm thoại. Tinh thần
của các Tông Đồ và dân chúng nghe giảng trong ngày đó vẫn là một niềm
khích lệ lớn lao cho Kitô hữu chúng ta ngày nay về sự hiệp nhất trong
cùng một Thánh Thần.
Ta hãy nghe lại lời Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nhắn nhủ
các giáo hữu trong ngày Đại Hội Giới Trẻ tại Sydney, Australia: “…Chúng
ta hãy chú ý tới phương cách làm thế nào để trở thành nhân chứng thực.
Các bạn đã thừa biết việc làm nhân chứng của Kitô hữu chúng ta cho thế
giới ngày nay đang bị rạn nứt. Sự đoàn kết mà Chúa có ý định khi sáng
tạo vũ trụ và con người đang bị yếu dần bởi các vết thương trầm trọng
khi mà xã hội ly khai với đời sống tâm linh, dẫn đến sự lạm dụng của con
người. Quả vậy, xã hội ngày nay đang sống trong não trạng công nhận chỉ
một phần của sự thật thay vì chấp nhận nguyên vẹn sự thật của Thiên
Chúa đối với con người. Thuyết Tương đối đã không nhìn thấy cả hoạt
cảnh. Vì từ khước tính chất căn bản của Chúa Thánh Thần, Đầng làm cho
chúng ta sống và thu hoa kết trái trong sự đoàn kết, trật tự và hài
hòa…Ly khai Chúa Thánh Thần khỏi Chúa Giêsu Kitô sẽ làm thương tổn sự
đoàn kết trong cộng đồng Kitô giáo...”
Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta hãy kêu xin Chúa Thánh
Thần, Đấng điều hợp viên tuyệt hảo mọi hành động của Thiên Chúa. Hãy để
tặng ân Ngài rèn luyện các bạn. Như Giáo hội lữ hành cùng với cộng đồng
nhân loại, các bạn được kêu mời để sống ân sủng Chúa Thánh Thần trong
đời sống đầy thăng trầm của các bạn. Hãy để đức tin của các bạn trưởng
thành trong lúc học hành, chơi thể thao, âm nhạc và hội họa nhờ sự cầu
nguyện và các bí tích. Cuối cùng, sống không phải để thu góp hay tích
tụ. Đời sống cao trọng hơn sự thành công nhiều. Thực sự, sống sung mãn
đích thực là sự biến đổi từ trong tâm hồn để đón nhận sức mạnh từ tình
yêu Thiên Chúa. Chấp nhận quyền năng của Chúa Thánh Thần để biến cải gia
đình, cộng đồng và quốc gia các bạn. Hãy lãnh nhận nhưng không quà tặng
ân ban từ Chúa Thánh Thần. Hãy đón nhận sự khôn ngoan, cố gắng, và kình
sợ Chúa làm dấu ấn của sự toàn thiện.”
Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng: “Đấng mà Chúa Cha sai đến sẽ dạy chúng ta mọi điều và nhắc nhở tất cả mọi sự mà Chúa Giêsu đã nói.” (Jn 14:26) Giáo
Lý GHCG điều 1099 cũng nhắc chúng ta “Chúa Thánh Thần hiện hữu trong
đời sống của Giáo Hội.” Nhân dịp mừng kính lễ sinh nhật của Giáo Hội,
chúng ta cùng nhau cảm tạ ân sủng của trí nhớ, để áp dụng sức mạnh mầu
nhiệm Chúa Thánh Thần vào đời sống thường nhật hằng ngày. Amen.
Nguồn: thanhlinh.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét